Về miền biên viễn cùng Trần Ngọc Đức
Tác phẩm Nơi miền biên viễn (NXB Hội Nhà văn 2024) của tác giả Trần Ngọc Đức.
Trần Ngọc Đức (sinh năm 1986), người con của đất Điện Bàn, Quảng Nam, hiện công tác tại Tạp chí Non Nước, là một trong những Hội viên trẻ của Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng. Bên cạnh các tác phẩm in chung: Mắt lửa (NXB Hội Nhà văn), Tuyển tập Quán chiêu văn 2022; Nơi miền biên viễn (NXB Hội Nhà văn 2024) là tập sách in riêng đầu tay của anh, vừa trình làng văn chương đầu năm 2024. Với 184 trang in, 15 truyện ngắn cùng cách trình bày bìa khá đơn giản, tập sách toát lên nét giản dị, khiêm nhường của một người viết trẻ, mong muốn được góp một phần nhỏ bé vào thế giới văn chương phong phú, đa dạng này.
Đề tài chính của tập sách là viết về người lính ở nhiều khoảng không gian và thời gian khác nhau. Có người lính trong cuộc chiến đã qua với những đối đầu khốc liệt dù là anh em trong một gia đình: như là Ba Dồ và Năm Quỷnh (Cuộc cờ trong đêm). Về quan hệ huyết thống, họ là con nhà chú bác, nhưng vào trận chiến họ là ta và địch. Ván cờ hai anh em họ đánh lần cuối trước khi Ba Dồ lìa đời là ván cờ một mất một còn giữa hai chiến tuyến. Năm Quỷnh bằng sự thông minh, linh hoạt đã lật ngược thế cờ trong phút chót. Nơi miền biên viễn dành khá nhiều trang viết cho người lính trong thời bình; trở về sau cuộc chiến, một phần thân thể họ đã gửi lại nơi miền biên giới bạt ngàn lau trắng. Trở lại với đời thường sau những tháng ngày chiến đấu, những tưởng cuộc sống của người lính sẽ phẳng lặng hơn, nhưng những khó khăn, thách thức và cả những bi kịch trong đời sống tình cảm cứ như những cơn lốc cuốn họ đi. Mặc thử thách, ngăn trở, họ vẫn vươn lên, vững chãi như cây lim xanh trước mọi thử thách, để sống xứng đáng với phẩm chất cao đẹp vốn có. Các nhân vật như: người cha của Thảo và An (Chuyện tình bên dòng sông), người thương binh mù (Khoảng trời hạnh phúc), Cư (Tân Bí thư), Bhríu Quân (Xuân về bên sườn núi), Hai Hòa (Người chăn trâu cuối cùng của làng), ông Mai (Thanh mai tầm xuân), người má (Má tôi là bộ đội)… qua từng câu chuyện kể của nhà văn Trần Ngọc Đức, đã để lại trong độc giả niềm cảm thông sâu sắc.
Ở mảng đề tài về người lính thời bình, Nơi miền biên viễn là câu chuyện mang tên của tập sách, được đầu tư khá kĩ, từ bút pháp đến cách bố trí chi tiết; cách dẫn truyện khá lôi cuốn, kết hợp ảo và thực. Một truyện ngắn với nhiều góc khuất, chằng chịt những mối quan hệ. Mỗi nhân vật xuất hiện đều mang trong mình một bi kịch; từ nhân vật chính là người lính phục viên (xưng tôi) về quê, đến người vợ (làm giáo viên) và anh con trai (Huy), lão hàng xóm (Sậy, làm nghề hoạn lợn)… Những chuyển biến tư tưởng của nhân vật chính“tôi” được nhà văn dẫn dắt khá bạo qua nghệ thuật tạo hàng loạt nhầm lẫn trong những lần say vì hũ rượu tiết ở nhà lão Sậy. Rời đơn vị trở về với đời thường, nhân vật “tôi” ấy đã phải chứng kiến bao nỗi đau: vợ lầm lỡ, con trai thiếu sự dạy dỗ của cha nên ngổ ngáo… và cả những hụt hẫng, tiếc nuối của anh khi lần lượt chứng kiến sự ra đi mãi mãi của con trai (bị tai nạn vì đi phượt), người vợ (ốm chết); ngay cả người hàng xóm gần gũi là lão Sậy cũng chết bất đắc kì tử sau một đêm uống rượu say. Câu chuyện có một cái kết đầy ám ảnh và bi thương gợi suy nghĩ về người lính thời bình với những cô đơn, bế tắc và cả những lỗi lầm.
Nếu Nơi miền biên viễn đọng lại nhiều ấn tượng trong việc vận dụng những thủ pháp văn xuôi hiện đại thì “Thanh mai tầm xuân” là một truyện ngắn mộc mạc, chân chất viết về vợ chồng người làm vườn có tình yêu mê muội với cội mai hiếm độc nhất vô nhị ở đồi Phú Túc. Thanh mai tầm xuân là nhân chứng lịch sử cho một vùng đất giàu truyền thống, cũng là kỷ vật tình yêu của ông Mai và vợ; ông vốn là một cán bộ thoát ly đi kháng chiến gặp gỡ và yêu cô du kích Tầm Xuân, con gái duy nhất của ông đồ già. Sau bao năm tháng trôi qua, đất nước chiến tranh rồi hòa bình, dưới bàn tay chăm sóc của ông bà, mỗi mùa xuân về cây mai trăm tuổi nở hoa năm cánh vàng tươi, phủ kín cả một góc vườn, hương hoa dịu nhẹ tan hòa trong gió cứ làm lòng người ngây ngất, bồi hồi. Hai con trai ông bà muốn bán cây mai giá 2 tỷ để mua nền nhà nhưng ông Mai nhất quyết không chịu mà quyết định tặng cội mai quý hiếm này cho Khu di tích của Huyện ủy. Từ câu chuyện, ta cảm nhận được tình yêu và khát khao lưu giữ cái Đẹp cho đời có thể chiến thắng những tham vọng tiền tài, phú quý. Quyết định tặng cây mai quý cho Khu di tích của vợ chồng ông Mai cuối cùng đã được con cháu đồng thuận…
Bên cạnh đề tài người lính, tập sách của Trần Ngọc Đức vẫn có một số truyện ngắn viết về các đề tài khác như “Khu vườn của má”, “Một thuở đàn bà”, “Điều ước cuối cùng”… Dù ở góc nhìn nào, truyện ngắn của Trần Ngọc Đức đều có cách kể giản dị, bố trí tình tiết rõ, bối cảnh truyện gắn với vùng đất xứ Quảng, lối dẫn chuyện “có duyên”. Hầu hết, các sáng tác của anh trong tập truyện đều có kết thúc truyện nhẹ nhàng: “Cả căn nhà lặng thinh. Chỉ còn tiếng gió rít phía ngoài đẩy con thuyền dưới bến chao chao” (Chuyện tình bên dòng sông, trang 22), “Hương bồ kết vẫn đượm lên trên bếp củi đun từ lá tre theo gió tỏa mọi ngóc ngách. Chị chưa bao giờ cảm thấy yêu khu vườn này đến vậy. Bữa cơm tối nay má đã bắc nồi cá kho quẹt lên rồi! (Khu vườn của má, trang 111)… Nhà văn Bùi Việt Thắng có nhận định: “Điều quan trọng cả là sau mỗi cách kết thúc, tác giả phải gieo vào lòng người đọc những nhận thức sâu sắc về quy luật đời sống và những dự cảm về tương lai, về cái đẹp tất yếu sẽ chiến thắng”, nhằm khẳng định vai trò quan trọng của phần kết thúc truyện. Phần nào, cái kết trong mỗi câu chuyện của Trần Ngọc Đức đã làm được điều đó. Tuy nhiên, vì là tập truyện đầu tay nên Nơi miền biên viễn của Trần Ngọc Đức nên các truyện ngắn được tuyển chọn chưa thật đồng đều, một vài chuyện chưa thật ấn tượng. Song với một cây bút trẻ, chặng đường viết còn dài, chúng ta luôn hi vọng ở những tập sách sau, Trần Ngọc Đức sẽ có những bước đột phá và tác phẩm của anh nhanh chóng hòa vào dòng chảy của văn xuôi đương đại thế kỉ XXI.
N.T.T.T