Đam mê

07.12.2024
Phan Nguyên Chi Mai*

Đam mê

Minh họa Hồ Đình Nam Kha

Này này cánh chim nhỏ dập dờn Này này đóa hoa thơm lừng mùi sữa Này này đôi môi em đỏ mọng như dâu tây…

Em lung linh thứ ánh sáng nhiệm màu nào đấy của giấc mơ. Bật dậy, em say mê ghi chép lại. Càng đọc càng thích. Em là tiểu hóa công nhỏ bé. Mấy xấp giấy đầy chữ và hình vẽ dày cộm, lấp lánh trong kẹt bàn.

Em yêu thích văn chương là từ đấy. Em nhận ra mình có khả năng viết lại những giấc mơ hồn nhiên và khi đọc lại thì thật sung sướng biết mấy. Em nghĩ cái đó là khoái lạc văn chương, em tự tin mình là người cầm bút giỏi.

Cho đến một hôm…

  • Văn chương chân chính chuyên chở những giá trị nhân đạo, nhân văn, nhân bản lớn lao; cứu vớt những con người cùng khổ.
  • Thưa cô, nếu nó không mang giá trị lớn lao mà chỉ là những gì bé nhỏ?
  • Thì không ra thể thống gì cả!

Mấy viên kẹo ngọt của em có khiến cho những đứa trẻ đói khổ thực sự ngon miệng? Những đóa hoa xinh tươi của em có khiến cho người thất tình cảm nhận lại về tình yêu? Những giọt mưa cầu vồng của em có khiến cho cánh đồng lúa kia trỗi dậy trên mảnh đất khô cằn? Rõ ràng là không! Vậy hóa ra…

Em ghét văn chương là từ đấy. Em nhận ra mình không thể sắp xếp những con chữ lại với nhau. Nó trông cứ kỳ quặc kiểu gì. Và những con chữ ấy cứ thét gào chế giễu người cầm bút đã cho chúng đứng cạnh nhau, bởi chúng ghét đối phương, bởi chúng thấy sắp xếp thế lộn xộn là phải! Em nghĩ như vậy thật sự bế tắc rồi, em tự ti vì mình đã viết nên những điều đáng hổ thẹn.

- Thà không viết còn tốt hơn viết những điều vô nghĩa.

Thế là, mấy xấp giấy trong kẹt bàn dang dở không còn chương sau.

***

Em mở mắt ra. Xung quanh toàn là màu trắng. Hoang mang.

Thình lình: “lạch cạch lạch cạch”.

  • Tiếng gì thế nhỉ?

Hình như là tiếng đánh máy. Nhưng ở đâu vọng đến làm đầu óc em mòng mòng? Quay qua quay lại, em nheo mắt nhìn về phía chân trời xa. Ô hay chưa! Là một ông già!

Ông già ấy xuề xòa và to mập như bông hoa chuối gần rụng cuống. Tóc trắng bạc phơ với hàm râu quai nón dài đến lệt bệt dưới đất. Cặp kính hình chữ nhật cũ kỹ, nhỏ xíu đè nặng trên cái mũi to bè, có cục nốt ruồi trâu trên cánh mũi. Tay già chầm chậm nhấn lên bàn phím máy tính để phát ra tiếng động “lạch cạch” là lạ, lê thê. Để ý kỹ hơn, đó là một chiếc máy tính đồ sộ, cồng kềnh kiểu cũ, nếu không muốn gọi là cổ lỗ sĩ.

  • Trông vừa lạ mà vừa quen.

Tạo hình này giông giống những ông cụ tốt bụng, những phù thuỷ lão luyện trong giấc mơ chín muồi cây trái của em. Thảo nào nhìn quen quen! Nhưng già ta không cầm đũa phép hay cưỡi chổi bay hay cầm bút lông gà mà chậm rãi nhấn từng phím chữ. Ô hay thật! Tạo hình này em chưa thấy bao giờ: Thảo nào nhìn lạ lạ!

Nhưng, già ta đánh máy thứ gì thế? Em tò mò mà không dám hỏi, vì ngó chừng già ta nghiêm túc lắm. Nên em cứ đi đi lại lại, chẳng biết bắt chuyện gì cho hợp, bỗng dưng mới đánh liều mà hỏi một thứ trái ngược hoàn toàn với suy nghĩ:

  • Cháu lạc mất ở đây. Liệu già biết nơi nào là lối thoát?

Già ta không trả lời. Em cuống. Một đứa trẻ con không bao giờ thích một không gian tịch mịch kéo dài. Cuối cùng, không kiềm được, lời lẽ thốt ra khỏi miệng em nhỏ nhẹ tưởng chừng như không để già nghe thấy:

  • Già đang làm gì vậy?
  • Làm thơ.

Một câu trả lời vắn tắt. Nhưng chính sự vắn tắt ấy đã làm em kỳ lạ. “Trời, một ông già đang làm thơ!”. Và em ngưỡng mộ người viết thơ lắm, vì họ chơi đùa được với những con chữ, còn em thì không. Bỗng dưng em hồ hởi lạ kỳ:

  • Cháu xem được chứ?
  • Xong đã. - Một lần nữa vắn tắt.

Ông già gõ phím lạch cạch. Chỉ có thế thôi mà em nhìn mãi không chán. Có mê lực gì kỳ diệu à? Em không trả lời được. Một thứ gì đó nhiệt huyết, truyền lửa chăng?

  • Xong rồi.

Vừa nói ông già ấn phím “Enter”. Chiếc máy tính ò è in ra bản giấy, âm thanh lớn nghe thật đinh tai. Tờ giấy bay phất phơ, già nắm lấy, nhanh nhẹn nhưng cẩn trọng, dường như sợ tờ giấy đau. Già quét mắt khắp một lượt, tấm tắc làm mắt em sáng lấp lánh lên. Già nhẹ nhàng đưa cho em, nâng niu tờ giấy như cưng trứng hứng hoa. Và em nhẹ nhàng nhận lấy (cũng chẳng hiểu sao em làm vậy). Lướt qua tờ giấy, mắt chữ O mồm chữ A:

  • Có nhầm lẫn không? Một tờ giấy trắng…

Phải, bài thơ mà già ta nâng niu không có lấy một chữ nào cả, hoàn toàn trắng tinh. Và bất giác não em trắng tinh không hiểu được như tờ giấy trắng.

  • Không phải tờ giấy trắng! Đây là bài thơ tôi tâm đắc. Lúc đầu, tôi viết nên bài thơ gồm mười chín câu thơ, bốn mươi ba từ, dài hơn nửa trang giấy. Nhưng sau đó, tôi chỉnh sửa và xóa đi những câu không

Thế có ý nghĩa gì chứ! Em hiểu rồi: Già ta đã viết nên những câu không hay và xóa tất cả chúng!

  • Không, phải là vì xóa hết những câu không hay nên nó chẳng còn gì để sửa, và trở thành bài thơ tuyệt vời nhất thế gian này!

Già ta xoay một vòng, làm em giật thót cả lên. Điệu bộ già ta sung sướng như kẻ nghèo rớt mồng tơi vừa trúng số độc đắc. Cái miệng già ta ha hả, nhe ra hàm răng vàng hớn, còn sún nữa, bởi tuổi già. Tiếng cười sảng khoái rít qua kẽ răng, nghe tởm lợm và khiếp đảm. Già nhanh tay chộp lại tờ giấy, nâng tờ giấy lên cao như cách một kẻ mê tín điên cuồng cúng tiến vị thần của họ. Rồi nhảy múa tung tăng và bắt đầu nói luyên thuyên bằng thứ ngôn ngữ gì đó mà chỉ mình già mới biết…

Trong giây lát mà mặt em từ rạng rỡ chuyển sang ngỡ ngàng rồi trắng toát. Quá mức tưởng tượng rồi! Đau đầu thật! Thật là dị hợm: Già ta là kẻ điên khùng! Đau đầu quá! Em muốn về. Muốn về… Đầu ong ong, còn em thì xoay mòng mòng…

***

Em ngồi vụt dậy, mắt mở toang hoang, mồ hôi đầm đìa trán. Những ký ức vừa mới nãy đây trong thoáng chốc lũ lượt kéo đi mất. Em thở hồng hộc cho bình tĩnh lại. Nhìn sang xung quanh. Phòng khuya vắng ngắt. Hóa ra là mơ. Một giấc mơ kỳ lạ.

Em trầm ngâm ngẫm nghĩ trên giường.

- Vì sao, già ta lại hưng phấn đến thế? Vì sao, già ta lại lựa chọn xóa hết đi những con chữ của mình và ca tụng tờ giấy trắng?

Lẽ nào vì ngu muội, vì khùng điên? Hình như, câu trả lời chỉ là hai chữ:

“Đam mê”.

Và em giật mình: “Vì sao, em lại bắt đầu viết?”

Hình như, câu trả lời cũng chỉ là hai chữ: “Đam mê”.

Em thấy sao mình tệ bạc. Hình như, em còn điên hơn cả già ta. Những tác phẩm của già ta sẽ không được người người tung hô, nhưng chí ít, già ta đã tận hưởng trọn vẹn cảm giác hạnh phúc. Và, cảm giác ấy chính là sức mạnh “cứu vớt những con người cùng khổ” còn gì?

Em im lặng hồi lâu, nhìn sang kẹt bàn đang im lìm say giấc, đôi mắt ẩn chứa nhiều ý nghĩ.

P.N.C.M (*Lớp 10C1, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng)

Bài viết khác cùng số

Ra Trường Sa nhớ Hoàng SaĐam mêBóng ngả chân trờiNgười đọc sáchBiển và ngườiNhững mảnh trăng hao khuyếtLên Tà Lang nghe kể chuyện cây Tà VạtĐà Nẵng thức giấcTruyền thuyết về một ngọn núiKý ức trường xưa trên đất BắcHấp dẫn Quảng ĐàAnh - Người Chiến sĩSáng tác ca khúc - Thế mạnh của Hội Âm nhạc Đà NẵngChuyển đổi số với văn hóa dân gian Đà NẵngNhiếp ảnh Đà Nẵng trong sự chuyển mình của công nghệ sốTừ Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng - Nghĩ về một thành phố điện ảnhĐịnh hướng phát triển múa đương đại thành phố Đà NẵngVăn học, Nghệ thuật Đà Nẵng - Thành tựu và triển vọngThơ Đỗ Ngọc HanhThơ Nguyễn Minh HùngThơ Trác MộcThơ Vạn LộcThơ Huỳnh TrâmThơ Thy NguyênThơ Tăng Tấn TàiTình phù saThơ Lương Cẩm QuyênSáng đứng đầu sông cho gió bayChiếc gối lá đinh lăngCó một Hà Nội của chúng mìnhThơ Trần Văn ThọThơ Trần Trình LãmTrò chuyện cùng hoa dạiThơ Trương Thị Bách MỵThơ Long VânThơ Nguyễn Đức DũngThơ Thanh Dương HồngĐất nước tôi mang hình núiThơ Nguyễn Văn TámThơ Nguyễn Hoàng ThọThơ Bùi Công MinhMỹ thuật Đà Nẵng - Xu thế phát triển và hội nhậpKiến trúc cũ trong đô thị hiện đại: Hạn chế hay cơ hộiĐiện ảnh - Nhịp cầu vàng phát triển Đà NẵngVề miền biên viễn cùng Trần Ngọc ĐứcTrên lá sâu vẽ bùa - thái độ sống đầy trách nhiệmMột số quan điểm cách mạng, tiến bộ của Nguyễn Đình Thi trên lĩnh sáng tác Văn học và Nghệ thuậtMưa phố cổ dâng nhớ thương*Đọc văn học là đọc văn hóaCon người mong manh trong Người ăn chayThế giới nghệ thuật thơ Đinh Thị Như ThúyTạo nguồn văn nghệ sĩ trẻ cho văn học nghệ thuật Đà NẵngTạp chí Non Nước - Cùng nhịp đập cuộc sống hôm nayNgười Đà Nẵng với thi pháp học hiện đạiThiếu nữĐường ra chợSoi BóngChiều bên bến cảngTừ trái tim đến trái timTrong sươngĐà Nẵng gợi thương gợi nhớLá rơiBiển vẫn hát bài ca bất tửƯớc mơ Việt Nam