Con người mong manh trong Người ăn chay
Ảnh: Internet
Ngày 10/10/2024, Viện Hàn Lâm Thụy Điển công bố giải thưởng Nobel Văn chương năm 2024 thuộc về nữ văn sĩ Han Kang (Hàn Quốc) với những “tác phẩm văn xuôi đầy chất thơ mãnh liệt, trực diện với những chấn thương lịch sử, phơi bày sự mong manh trong cuộc sống con người”.
Han Kang sinh ngày 17/11/1970, là con gái của tiểu thuyết gia Han Seung-won, anh trai là Han Dong Rim cũng là một nhà văn. Cô được sinh ra ở Kwangju, lên mười tuổi thì được chuyển đến Seoul. Cô tốt nghiệp khoa Văn trường Đại học Yeonseo, bắt đầu hoạt động văn học từ năm 1993 với một truyện ngắn được giải trên báo Văn nghệ tân xuân. Han Kang đã nhận nhiều giải thưởng: giải thưởng văn học Lee Sang, giải thưởng Nghệ thuật trẻ hôm nay, giải thưởng Tiểu thuyết Hàn Quốc... Năm 2024, với giải thưởng Nobel, Han Kang trở thành nữ nhà văn châu Á đầu tiên nhận giải Nobel văn chương.
Ở Việt Nam, tính đến thời điểm Han Kang được vinh danh giải thưởng danh giá này, đã có ba cuốn: Người ăn chay, Bản chất của người và Trắng được dịch sang tiếng Việt. Dịch giả Hoàng Hải Vân, ban đầu đọc truyện Vết chàm Mongolia, tác phẩm đoạt giải thưởng văn học “Lee Sang Changbi Publishers”, đã quyết định đưa tập truyện Người ăn chay đến với độc giả Việt Nam.
Cuốn Người ăn chay (NXB Trẻ, 2011) vốn là một liên truyện, gồm ba truyện ngắn (Ngườiănchay,VếtchàmMongolia và Cây pháo hoa) liên kết chặt chẽ với nhau. Vì vậy, có người gọi cuốn sách này là tiểu thuyết gồm ba chương là vì thế. Lấy nhân vật Yeong-hye làm nhân vật xuyên suốt, tác giả xây dựng chùm ba tác phẩm, nhưng thay đổi người kể. Ở Người ăn chay, người kể là chồng của Yeong-hye xen kẽ những độc thoại của Yeong-hye. Ở Vết chàm Mongolia, người kể là anh rể của Yeong-hye. Còn ở Cây pháo hoa, người kể là In-hye, chị gái của Yeong-hye.
Yeong-hye là một phụ nữ không có gì đặc biệt, “không có khuyết điểm gì đặc biệt, cũng như chẳng có gì hấp dẫn đặc biệt”, “thực hiện vai trò của người vợ bình thường mà không gặp khó khăn gì”. Công việc hàng ngày của Yeong-hye rất đều đặn: mỗi sáng dậy từ sáu giờ, chuẩn bị cho chồng một bữa cơm có canh và một khúc cá, rồi phụ việc cho một cửa hàng nhỏ mà cô đã làm thêm từ thời con gái. Cô còn làm giảng viên phụ ở một trung tâm dạy máy tính, đồ họa, nhận thêm việc tại nhà đánh máy lời thoại vào truyện tranh cho một nhà xuất bản.
Yeong-hye hiền lành, ít nói, không bao giờ phàn nàn chồng, lẳng lặng làm việc của mình nên dưới con mắt người chồng, cô chẳng có gì thú vị nhưng cũng khá hài lòng. Duy có một điều Yeong-hye vừa làm cho chồng thắc mắc lẫn khó chịu là cô không thích mặc áo lót, gần như không bao giờ mặc áo lót. Cô thanh minh rằng loại áo đó làm cô khó chịu vì nó cứ thít lấy bộ ngực, dù là một bộ ngực gần như “không có gì”. Thậm chí, cô còn có sở thích “nửa trên để trần” nếu trời nóng quá.
Cuộc hôn nhân năm năm dù chưa có con (do phải mua nhà nên lùi việc có con lại) nhưng vẫn “không có gì đặc biệt nhàm chán” cho đến một đêm gần về sáng người chồng phát hiện vợ mình đang mặc váy ngủ, đứng trong bếp, trước cửa tủ lạnh. Một giấc mơ đã đảo lộn tất cả, làm tan nát tất cả. Yeong-hye mơ thấy mình đi vào rừng, vén tấm mành rơm bước vào một ngôi nhà sáng nhưng giống nhà kho bỏ hoang: “hàng trăm tảng thịt to đùng, đỏ ối treo trên những thanh gậy to dài. Có những tảng thịt còn chưa kịp khô, tiết đỏ vẫn chảy xuống ròng ròng”. Trong giấc mơ, cô “cố gắng đẩy những tảng thịt để thoát ra ngoài nhưng phía đối diệnkhôngcócửara. Chiếcáotrắng đang mặc đã bị dính máu đỏ tươi”, “Tay tôi dính máu. Miệng cũng dính máu. Vì trong cái nhà kho ấy tôi đã nhặt một tảng thịt bị rơi lên ăn. Miếng thịt sống mềm oặt đã nhuộm tiết đỏ ối vào lợi và vòm họng của tôi. Trên sàn nhà, mắt tôi nhấp nháy phản chiếu trên cục tiết.”
Giấc mơ (không phải là mộng du) ấy đã khiến Yeong-hye cho tất cả các túi thịt trong tủ lạnh vào bao rác.
Rồi cả trứng, cả sữa cũng không còn trong tủ lạnh, vì Yeong-hye“không thể chịu đựng nổi”. Để rồi, từ đó, bữa ăn cô dọn lên cho chồng chỉ là “rau xà lách với tương, canh rong biển nấu suông, không có thịt bò cũng chẳng có nghêu, với kim chi nữa là hết”. Không chỉ từ bỏ ăn thịt, Yeong-hye còn mất ngủ, hầu như không ngủ, ngày càng gầy đi, “gò má vốn đã cao nay nhô ra nhọn hoắt trông mất cảm tình”. Điều quan trọng nữa, Yeong-hye không còn muốn gần gũi chồng, thậm chí né tránh.
Dẫu đã nhận ra vợ mình có triệu chứng hoang tưởng tâm thần nhưng người chồng luôn điên tiết, rồi chán ngán, dần dà cảm thấy “ghê sợ mạnh mẽ về vợ mình”. Đỉnh điểm là anh ta chuyển hết trách nhiệm sang cho bố mẹ, chị gái và em trai của Yeong-hye bằng cách gọi điện thoại báo cho họ tình trạng“ăn chay” của Yeong-hye để cả nhà lên án cô, thuyết phục cô.
Ông bố là người gia trưởng, từng tham chiến và nhận được huân chương. Yeong-hye đã lớn lên với những trận đòn bằng báng súng của người bố đó cho đến năm mười tám tuổi. Ông đã tát Yeong-hye vì cô không nghe lời, không chịu ăn thịt, rồi “ông vứt cả đũa, lấy tay bốc một nắm thịt, tiến lại gần Yeong-hye”, “ấn miếng thịt vào mồm” cô. “Bố vợ cố ấn miếng thịt vào mồm con gái đang vật vã khổ sở. Ông bành miệng bằng hai ngón tay nhưng không thể làm gì với hai hàm răng nghiến chặt. Cuối cùng, cơn giận lại bùng lên tận mặt, bố vợ tát thêm lần nữa.” Yeong-hye “gào lên như con thú”, định chạy ra phía cửa nhưng rồi quay lại cầm lấy con dao gọt hoa quả, “răng nghiến chặt, mắt đối diện với từng người đang nhìn mình”, cô cắt cổ tay định tự sát.
Nằm trong bệnh viện, hồi ức của cô bé Yeong-hye lúc chín tuổi được tái hiện, khi bố cô giết một con chó trắng rất đẹp và thông minh nhưng đã trót cắn vào chân cô. Ông cột nó vào xe máy vì ai đó nói rằng chó phải chạy cho đến khi chết thì thịt sẽ mềm hơn! “Con chó dần kiệt sức và thở hồng hộc, con ngươi long lên quay cuồng. […] Chạy đến vòng thứ năm thì miệng nó bắt đầu sủi bọt. Máu chảy quanh dây quấn cổ. Nó kêu ăng ẳng vì đau cổ, con chó bị kéo chạy lê lết. Vòng thứ sáu, từ miệng nó phun ra máu đen. Máu chảy cả ở cổ, ở mồm. Tôi cứ đứng ngây người nhìn đôi mắt đờ đẫn của nó. Khi đứng đợi nó xuất hiện ở vòng thứ bảy thì bố hiện ra, chở theo con chó đã chết, mềm oặt. Tôi đứng nhìn đôi mắt rớm máu, trợn ngược, bốn chân lủng lẳng của nó.”
Giữa việc từ chối ăn thịt, giấc mơ và hồi ức của Yeong-hye có một mối dây xâu chuỗi. Ám ảnh nặng nề đi vào giấc mơ, giấc mơ gây ra nỗi sợ hãi kinh hoàng, nỗi kinh sợ tạo ra sang chấn tâm thần. Yeong-hye lại có một người chồng vừa gia trưởng vừa lạnh lùng, một người cha vừa độc đoán vừa tàn nhẫn, một người mẹ bàng quan, một người chị thương em nhưng xa cách, một cậu em ích kỷ. Tất cả đã khiến Yeong-hye cô đơn trong cuộc sống, cô độc trong bệnh tật. Gần như chưa ai trò chuyện cùng cô, lắng nghe cô, thông cảm và tìm cách chữa bệnh cho cô.
Kết thúc truyện, trong công viên của bệnh viện, Yeong-hye bi thảm tột độ trong tình cảnh “thản nhiên” cởi chiếc áo bệnh viện “để lên đầu gối, đôi xương quai xanh trơ khẳng khiu, bộ ngực lép kẹp và hai đầu vú nâu nhạt phơi ra lồ lộ. Băng ở cổ tay bên trái đã tháo ra, máu như đang từ từ rỉ ra mấp mé bên mũi khâu.” Người chồng khi chạy xuống đến công viên bệnh viện tìm vợ, chứng kiến cảnh tượng đó đã xấu hổ, đứng yên “cứ như thể chỉ là một trong những người xem đứng nhìn quang cảnh đó”. Khi chạm phải ánh mắt người vợ, trong đầu anh ta nảy sinh ý nghĩ: “Mình không quen người đàn bà đó, tôi thầm nghĩ.”
Chi tiết kết thúc truyện thật bàng hoàng: “Tôi toẽ bàn tay phải đang nắm chặt của vợ. Một con chim bị ấn chặt cổ từ lòng bàn tay cô ấy rơi xuống ghế băng. Một chú chim màu trắng, lông rụng xuống lả tả. Vết máu loang lổ dưới vết răng thô bạo như bị loài thú ăn thịt nào đó mổ.” Một màu trắng ám ảnh, cái chết của con chó trắng và con chim lông trắng cùng một màu máu đỏ tươi. Thế nhưng, nếu cái chết của con chó là do người bố tạo ra thì lần này cái chết của con chim là do Yeong-hye - một người sợ máu, sợ thịt gây ra. Nó là hậu quả của tâm thần phân liệt, hậu quả của một con người luôn luôn bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi và cái chết nhưng hoàn toàn cô đơn, trơ trọi, khốn khổ trong tổn thương âm ỉ kéo dài.
* * *
Truyện thứ hai là Vết chàm Mongolia tiếp nối đoạn đời của nhân vật Yeong-hye sau mấy tháng sống cách ly ở khoa tâm thần, sau đó người chồng quyết định ly hôn cô. Cô đến nhà người chị, ở đó một tháng trước khi ra thuê phòng trọ. Di chứng để lại của lần tự sát là Yeong-hye gần như không nói, “đờ đẫn”, “ban ngày ra ban công đứng phơi mình dưới cái nắng cuối thu. Cô vê nhỏ thành bột những chiếc lá khô rụng từ bồn hoa hay xòe bàn tay, chiếu xuống nền làm bóng.” Hình ảnh đó làm người anh rể nhìn cô tuy khó hiểu nhưng đầy trắc ẩn và chỉ dừng lại ở lòng trắc ẩn.
Chỉ đến khi, qua lời kể của vợ, anh ta biết rằng Yeong-hye vẫn còn vết chàm Mongolia to bằng ngón tay cái, xanh lục nhàn nhạt, phía trên mông bên trái thì trong đầu anh ta bỗng hiện ra hình ảnh “đôi nam nữ cơ thể ở trần, cả người sơn hoa đang giao hợp”. Hình ảnh đó khắc sâu vào đầu óc anh thành nỗi ám ảnh đến mức không thể tập trung làm bất cứ điều gì. Và anh nghĩ rằng lúc anh bế xốc cô lên xe khi cô cắt cổ tay ở nhà mình cũng là ám chỉ của số mệnh: “Giờ đây, anh cảm thấy ngay cả việc cô không ăn thịt
- chỉ ăn ngũ cốc, các loại rau sống và lá cây cũng hợp với cô tới mức không thể tách khỏi hình ảnh của vết chàm đó, dòng máu trào ra từ động mạch của cô thấm đẫm áo sơmi trắng của anh và đã đông cứng lại thành màu cháo đậu đỏ sẫm, anh cảm thấy nó như một sự ám chỉ ghê gớm không thể nào giải thoát được khỏi vận mệnh của mình.”
Vốn là một họa sĩ body painting kiêm đạo diễn video art, anh đã thuyết phục Yeong-hye làm người mẫu cho mình. Anh vẽ hoa lên khắp người Yeong-hye, riêng vết chàm Mongolia thì anh để nguyên, xung quanh vết chàm anh vẽ những vết chấm màu tím nhạt, giống như bóng mờ của bông hoa. “Cảm nhận có thể cô run lên như bị nhột mỗi khi nét bút lướt qua, anh bỗng rùng mình. Đó không đơn thuần là nhục cảm, mà như cái gì đó bị đụng chạm tới tận gốc rễ, rồi cứ liên tục, nó trở thành cảm giác như bị giật bởi dòng điện hàng trăm vôn.”
Video ghi chi tiết cơ thể tràn hoa của Yeong-hye đã kích thích anh khao khát làm tiếp video “những loài thực vật khổng lồ đang giao hợp”. Ý tưởng đó bị từ chối bởi J - một đồng nghiệp của anh đang nhận làm người mẫu nam. Thế nên, anh đã vẽ hoa lên người mình để thay thế vị trí J, để vượt qua ranh giới trong cả nỗi sợ lẫn sự hưng phấn tột độ. Video những bông hoa đang chồng lên nhau và chuyển động thật hoàn hảo và hệt như phác thảo của anh đã bị người vợ - chị gái của Yeong- hye - phát hiện. Xe cấp cứu bệnh viện tâm thần được gọi đến, Yeong-hye hướng về ban công, định nhảy xuống. Còn anh, khoảnh khắc đó, vừa có ý nghĩ “giờ có chết ngay đi cũng không còn gì đáng sợ” vừa “chứng kiến khoảnh khắc đầu tiên mà cũng là cuối cùng của đời mình, nhìn như hút hồn vào cơ thể lấp lánh của cô, hệt như những bông hoa đang vươn lên phấp phới, đó chính là hình ảnh mãnh liệt hơn bất cứ cảnh quay nào mà anh đã quay”.
Ở đây, xuất hiện một cuộc đấu tranh dữ dội giữa khát vọng nghệ thuật và đạo đức. Người anh rể, ban đầu đã tận dụng tình trạng sống như trong mơ của Yeong-hye để thực hiện giấc mơ nghệ thuật của mình. Điều đó có đáng bị lên án không? Yeong- hye chấp nhận làm người mẫu body painting gần như không cần thuyết phục, không có điều kiện. Cô bình thản khỏa thân, cô đón nhận từng nét vẽ và hạnh phúc với mùi thơm của màu sơn, cô trải qua hạnh phúc êm đềm với một tấm thân phủ đầy hoa rực rỡ. Có một mối liên hệ mơ hồ giữa vết chàm Mongolia trẻ thơ (thông thường vết chàm xuất hiện ở trẻ sơ sinh và sẽ tự biến mất khi đứa trẻ được khoảng 3 - 5 tuổi) với khát khao ăn chay (do sợ thịt, sợ máu) và sở thích phơi ngực trần dưới ánh nắng của Yeong-hye? Rõ ràng, cả hai - Yeong-hye và người anh rể - đều hạnh phúc vì đạt được ước mơ, một người chạm được giấc mơ nguyên bản của mình, còn một người đạt được giấc mơ sáng tạo nghệ thuật. Vì thế, đến đây, dường như có thể thông cảm được cho họ.
Thế nhưng khi người anh rể tiến thêm một bước nữa để vượt qua ranh giới đạo đức thì không thể bao biện và tha thứ. Khi chứng kiến Yeong-hye say mê những bông hoa trên thân thể người mẫu J, người anh rể đã thay thế J để chiếm đoạt thân thể Yeong-hye trước khi có video art về những bông hoa chuyển động khi hai người chồng cơ thể lên nhau. Đó là sự lạm dụng “cái đứa đầu óc vẫn chưa tỉnh táo thế kia” đúng như lời người vợ nhận xét trong ghê sợ. Không thể nhân danh nghệ thuật, nhân danh khát vọng sáng tạo để vi phạm đạo đức. Quyền nhân phẩm con người, quyền nữ giới đã được Han Kang đặt ra nghiêm túc và nóng bỏng.
* * *
Truyện thứ ba mang tên Cây pháo hoa được kể bởi In-hye, chị gái của Yeong-hye, sau khi người chồng bị tạm giam mấy tháng, khi được thả ra, anh lặn mất tăm, còn Yeong-hye thì vào bệnh viện tâm thần ở sâu trong vùng núi Chuk-sung. Kim In-hye bắt đầu chứng mất ngủ tồi tệ, trầm trọng, không đêm nào cô có thể ngủ được liền mạch hơn một tiếng đồng hồ.
Cây pháo hoa giống như một bộ phim tua ngược cuộc sống gia đình họ từ khi ba chị em còn nhỏ. Họ cùng lớn lên trong những trận đòn của người cha dữ dằn - di chứng của chiến tranh. Trong khi cậu em út Yeong-ho để vơi bớt khổ sở, đã ra đường đánh lại những đứa trẻ khác, chị cả In-hye chọn “phương thức để tồn tại” là hiền lành, chăm chỉ, cần mẫn, mà sau này cô tự nhận định là mình “cam chịu” và “hèn”, riêng Yeong-hye “có lúc bướng bỉnh không chịu khuất phục bố” nên “những nắm đấm của bố luôn chĩa vào mỗi Yeong-hye.”
Tuy yêu quý và luôn phải để ý bao bọc, che chở em gái nhưng “nhiều lúc cô không thể đoán được tâm trạng của Yeong-hye, cô cảm thấy em mình giống như một người xa lạ”. Cô rời khỏi nhà từ năm mười chín tuổi, một thân một mình tự lập, bươn chải với cuộc sống ở Seoul. Cô lấy chồng dù không chắc là yêu, “phải chăng cô cần điểm tựa hay một cái gì đó để có thể kéo bản thân cô lên. Công việc của anh tuy không giúp cô được về mặt kinh tế nhưng cô thích bầu không khí trong gia đình anh - hầu hết mọi người đều là nhà giáo hay bác sĩ”. Cô chọn một người chồng làm nghệ thuật vì cô là người ngoại đạo với nghệ thuật, vì như thế cô có thể “xả thân để chăm sóc, nhẫn nhịn, cố gắng kính trọng” chồng.
Sau việc Yeong-hye “ăn chay”, cha mẹ họ đổ bệnh, không chỉ không nhìn mặt Yeong-hye mà còn cắt đứt liên lạc với cả In-hye. Cậu em út cũng vậy. Nhưng In-hye thì không thể bỏ rơi Yeong-hye, “vì phải có ai đó trả tiền viện phí, có ai đó phải làm người nhà của Yeong-hye.” Tuy bệnh viện khuyên nên điều trị ngoại trú để “có sự động viên của gia đình” nhưng trong sâu thẳm “cô cảm thấy không thể chịu được việc để Yeong-hye bên cạnh mình. Cô không thể chịu được những gì nó khiến cô liên tưởng lại. Và thật ra, cô đã thầm ghét em mình….”
Yeong-hye vẫn không ăn, vẫn thường tìm chỗ nhiều nắng mà không có ai để ngồi co ro lẩm bẩm một mình. Ngày nắng to, Yeong-hye vẫn mở cúc áo bệnh viện phơi ngực ra nắng giống như cây cần quang hợp. Rồi Yeong- hye thường xuyên thích trồng chuối ngược, vì “trong mơ, em thấy mình trồng cây chuối lên thế… rồi từ người em mọc ra lá, rễ chui ra từ tay em… đâm sâu vào đất. Thật sâu, thật sâu… hoa muốn mọc ra từ giữa hai chân nên em dang ra, dang thật rộng…” Tiến tới, Yeong-hye từ chối ăn, chỉ cần uống nước “người em phải được tưới nước, chỉ cần nước thôi”. Trạng thái vừa tâm thần phân liệt vừa sợ ăn uống xuất phát từ ý nghĩ bám chặt trong đầu Yeong-hye “em bây giờ không phải là động vật nữa đâu chị”. Bác sĩ đã thử đưa ống qua mũi để truyền thức ăn nhưng cô đóng chặt cổ họng, càng cố gắng bơm cháo qua đường ống, Yeong-hye càng phản kháng, cuối cùng cô nôn ra máu. Yeong-hye không giao tiếp, chỉ còn chưa được ba mươi ký, kinh nguyệt đã tắt, lông tơ mọc dài như trẻ sơ sinh, trông chẳng khác nào “một đứa trẻ kỳ dị đã mất hết những đặc trưng để phân biệt giới tính”!
Trong ba truyện ngắn của cuốn sách Người ăn chay, truyện cuối cùng - truyện Cây pháo hoa - có lẽ là truyện buồn đau nhất, chất chứa sâu thẳm nỗi cô đơn tận cùng của con người. Không nên bỏ qua nỗi khổ đau sâu sắc của nhân vật In-hye (cô chị), mà có thể lại là nơi tác giả cài cắm thông điệp chính của thiên truyện này.
Yeong-hye tuy đáng thương nhưng thật ra cô đã chìm đắm trong thế giới huyễn hoặc của mình nên Yeong-hye không tự thấy đau. Nhưng In-hye thì khác, In-hye không thể quên dấu ấn hứng chịu bạo lực từ bố. In-hye vật vã với cảm giác bị sỉ nhục vì video quay cảnh chồng mình và em gái mình như những thân leo quấn vào nhau luôn bám riết tâm trí. Mỗi lần lấy hết can đảm để nhìn Yeong-hye, In-hye lại “không thể tha thứ cho sự vô trách nhiệm của đứa em mà giờ đây tinh thần đã như ở thế giới bên kia, để lại cô một mình với cuộc sống sa lầy này.”
In-hye trầm cảm vì chứng mất ngủ kéo dài. Mỗi khi nhìn những tàng cây dưới nắng, cô lại thấy chúng như cây bông pháo hoa xanh lập lòe. Hình ảnh này xuất hiện rất nhiều lần, đặc biệt là câu kết truyện: “Những hàng cây bên đường vụt qua vun vút như vô vàn những con thú đang chuyển mình, bắn ra những vệt pháo hoa xanh rung rinh”. Đó là thứ ảo giác thường xuyên ám ảnh In-hye nhưng là thế giới huyễn tượng giúp In-hye đắm đuối và kháng cự ký ức và hiện tại đau buồn. Một điệp khúc mơ hồ nhưng thường xuyên ong ong trong tâm thức In-hye:
“Tất cả mọi thứ đều vô nghĩa. Không thể chịu đựng thêm được nữa.
Không thể đi tiếp về phía trước
được nữa.
Không muốn đi nữa.”
In-hye nhiều lần có ý nghĩ muốn chết. Nếu không có sợi dây ràng buộc với cậu con trai Ji-woo sáu tuổi, cô đã buông luôn sợi dây mong manh kết nối với cuộc đời. Vấn đề bản thể con người, vấn đề nhân quyền, hình tượng con người cô đơn, người nữ trong xã hội hiện đại,… đồng thanh cất tiếng thống thiết trên trang sách của Han Kang.
Là tác phẩm dịch nên khó có thể nhận xét, đánh giá chính xác cách hành văn, diễn đạt của Han Kang. Tuy nhiên, dựa vào nhận xét của dịch giả Hoàng Hải Vân cũng hiểu được sức cuốn hút và sức ám ảnh của Người ăn chay: “Câu văn của nhà văn Han Kang rõ ràng mạch lạc, ngắn gọn, miêu tả chi tiết nhưng không dùng từ ngữ quá trừu tượng. Tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc câu văn không có chiều sâu hay không đem lại cảm xúc. Trái lại, tôi có thể cảm nhận được cảm xúc mãnh liệt trong từng câu văn của nữ tác giả.”(1)
Theo thông cáo của Viện Hàn lâm Thụy Điển, Han Kang được trao giải Nobel 2024 dựa vào tất cả tác phẩm của cô. Tại Việt Nam, nếu dựa vào ba tác phẩm của cô đã được dịch sang tiếng Việt thì Trắng là những tản văn “văn xuôi giàu chất thơ mãnh liệt”, Bản chất của người “đối diện với những tổn thương trong quá khứ” rõ nhất, thì Người ăn chay chính là tác phẩm “phơi bày sự mong manh của con người” một cách sâu sắc và ấn tượng nhất.
C.D.T
(1) Dịch giả Hoàng Hải Vân và lần gặp nhà văn Han Kang - Nobel Văn học 2024 / https://vanvn.vn