Trên lá sâu vẽ bùa - thái độ sống đầy trách nhiệm
Tác phẩm Trên lá sâu vẽ bùa (NXB Hội Nhà văn, 2024) của Đỗ Thượng Thế.
Trên lá sâu vẽ bùa là tập thơ thứ 3 trong hành trình sáng tạo của nhà thơ Đỗ Thượng Thế. Tập sách vừa được Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành năm 2024. Nếu như các tập thơ trước Trích tôi (NXB Hội Nhà văn, 2009); Dưới tấm trần rỉ mưa (NXB Hội Nhà văn, 2017), Đỗ Thượng Thế hướng vào khai thác về tình yêu, thế sự với bút pháp hiện đại. Thì ở tập Trên lá sâu vẽ bùa (NXB Hội Nhà văn, 2024) bút pháp ấy lại được anh vận dụng một cách rốt ráo nhất để chuyển tải, gửi gắm vào thơ bằng khả năng và tất cả sự trải nghiệm của bản thân mình trong hành trình cuộc đời mà anh đã và đang trải qua.
Trên lá sâu vẽ bùa, được bố cục làm 2 phần: Trong đám mây khác (21 bài) và Khúc ballad nụ hôn (17 bài). Ngay tên thi tập và cách đặt tên từng phần của tập thơ, người đọc cũng thấy được sự độc đáo trong việc lựa chọn của Đỗ Thượng Thế. Điều đó cũng tạo nên những ấn tượng và ám gợi ban đầu đối với người tiếp nhận. Đỗ Thượng Thế rất có ý thức trong việc làm thơ, con đường thơ anh theo đuổi là một sự nhất quán rất riêng của chính mình. Cho dù, hành trình anh đi có khác biệt, lắm thử thách, lắm chông gai, bởi anh đi theo một lối thơ riêng không giống với người nào. Thơ cách tân, giàu biểu tượng, nhiều suy tưởng, dồn nén cảm xúc với ngôn ngữ đa tầng, mở ra nhiều chiều kích sáng tạo... Thơ anh cũng chính là lời phát ngôn về thái độ sống, niềm tin, sự khát khao, mơ ước, tinh thần trách nhiệm công dân trước những điều đã và đang diễn ra trong cuộc sống.
Có lẽ, để hiểu hết các cung bậc ý nghĩa và những gì mà nhà thơ Đỗ Thượng Thế chuyển tải trong tập Trên lá sâu vẽ bùa không phải là điều đơn giản. Để hiểu đòi hỏi người đọc phải đọc đi đọc lại nhiều lần, ngẫm ngợi, nắm bắt được cái hồn cốt, tư tưởng, ý đồ mà nhà thơ ký thác vào đó.
Chẳng hạn, bài thơ “Với sen giấy”, mở đầu thi tập là một minh chứng. Bằng cảm quan tinh tế, sự liên tưởng và dồn nén đến mức tối đa để anh muốn nhấn mạnh điều có thật đang hiện hữu trong đời sống. Bởi ở cuộc đời này, đôi khi con người ta cứ thật hư lẫn lộn, ảo ảo huyền huyền. Cái thật nhất là cái hiện tồn và cứ thẳng thắn, cứ điềm nhiên mà thừa nhận chính mình đừng vì lợi danh, đừng đạo đức giả mà có những hành vi không đẹp, không tốt, không hay ảnh hưởng đến cuộc sống và nhân cách con người. Đừng mầu nữa/ thú nhận đi!/ một đời không tự loài sinh nở/ sống tỉnh tươi cứ thế/ thếp son hời/ cứ thế.../ lên mùa từ bi// … // Mầu là mầu/ thế thôi/ rồi nhạt phai truy bức// Phi thực bùn tanh/ dễ đâu hương sắc...!
Thơ Đỗ Thượng Thế cứ dẫn dụ người ta vào những ma trận chữ nghĩa, dẫn vào những liên tưởng đa chiều, thậm chí có khi làm cho người đọc “tắc tị” không biết nhà thơ định nói đến điều chủ đạo, cốt lõi ở đó là gì. Nhưng không, anh luôn chấp nhận để bạn đọc là người đồng sáng tạo, bạn đọc có quyền suy nghĩ, diễn giải theo cách riêng thông qua lăng kính cá nhân. Không thu lại được màu nước ươn/ trên cánh chuồn ngô tẻ/ đắp dày bao lớp mây/ không lấp nổi bóng loang ao cũ// lời đưa nôi lặn vào bông súng tím/ ngànnămvangngânánhmắtban đầu/ sợi khói ngút vết thương lau lách/ dọ bàn chân con đường ngủ say//… / từ bấy sông dài thác dựng/ chỉ tay trổ về đâu/ ánh trăng đổ về đâu/ cánh bèo lênh đênh nước mắt// bìm xôn xao lướt giậu tơ vàng/ cây nối hàng chôn chân khổ nạn/ lặng câm đã mỏi già nua/ giội rửa mặt đêm tàn úa// tiếng lá nào mưa gió nghe ra/ mùa xanh xa giăng mắc/ sâu vẽ bùa/ vẽ cơn mê sảng... (Trên lá sâu vẽ bùa).
Ngôn ngữ trong thơ Đỗ Thượng Thế mang tính ẩn dụ, trùng phức, dồn nén nhiều lớp nghĩa và giàu tính biểu tượng: …Bão!/ Bão từ mọi phía/ Tận đáy/ Lòng khơi đỗ gãy// Bị cướp từng hơi thở/ Rồng rắn cháu con bạc mặt/ Về đâu/ Vô gia cư trên xứ sở của mình// Những giấc mơ hình chiếc vây/ Những giấc mơ hình cánh tay/ Màu vôi/ Bất động// Trên kia/ Mặt biển sầm/ Mặt trời đuối nước// Không tắm được trăng/ Không uống được nắng/ Không ăn được mưa/ Không đùa được sóng.../ Thì dẫu có đá ngàn/ Cũng nổi. (Về nhánh san hô chết).
Biểu tượng bão, giấc mơ, mặt trời... có vai trò trung gian giúp chúng ta tri giác cái bất khả tri, vô hình, siêu nghiệm vượt ra ngoài giới hạn của lý trí.
Từ những quan sát ở đời thực, nhà thơ đã liên tưởng tạo nên những hình ảnh mới mẻ, lạ, những câu thơ giàu ám gợi: Đêm đẫm dài vọng vang/ Đêm dần chìm tiếng cú/ Mơ hồ bóng mưa xô về/ Quanh đây con sông rền khan đau nhức//… // Mê man ruộng đồi Trà Nô/ Nhà sàn ai gói trong khăn lụa/ Mùi lửa bếp rựng ngày/ Đỡ ban mai ngồi dậy…/ (Trong sương sớm Trà Nô). Hay: bây giờ/ ngọn đèn và tiếng lửa reo/ trong ngôi nhà ấy/ chìm tắt// lâu rồi/ em không cùng anh trở về/ ngồi dưới hiên lá đổ/ những bậc thềm trơ lạnh/ lâu rồi/ hát câm lời đá/ …//lần phơi cơn ngày cũ/ bầu trời cao tiếng thở/ và bồi sâu mong chờ// thì làm sao/ làm sao.../ cưỡng chế một bóng mây (Trong ngôi nhà ấy). Hình ảnh ngọn đèn, tiếng lửa reo, ngôi nhà, anh và em không trở về, bậc thềm trơ lạnh... chất chứa nhiều tâm trạng, kỷ niệm. Đối lập giữa ngày xưa và bây giờ có gì đó nhói đau, có gì đó chà xát đến tận cùng huyết mạch. Cái ngày xưa đã được siêu thực hóa, cái thực tại càng thêm chát đắng đến nao lòng…
Với Đỗ Thượng Thế, viết đó là một sự sáng tạo, là cách để đào sâu bản thể, khám phá mỗi ngõ ngách tâm hồn. Cái tôi - hình ảnh người thi sĩ trong cái nhìn của mọi người, thậm chí chính bản thân nhà thơ nhiều khi cũng thể tương đồng như thực tại. Do đó đôi khi có sự xung đột giữa hình ảnh bản thân và bản chất thật của chính nhà thơ và cả bạn bè. Với lối suy nghĩ và cách nhìn nhận cuộc sống trong mối quan hệ biện chứng, giàu tính nhân văn, nhân vật trữ tình “tôi” đưa ra lời trần tình: đừng tìm nguyên tác của tôi/ bạn ơi/ cứ đặt bước/ cứ tự nhiên yên bình/ đừng rụt rè hay nghi ngại/ đừng một điều gì băn khoăn// đừng tìm nguyên tác của tôi/ bạn ơi/ bạn và tôi còn ngụp lặn bao giông tố trên đời/ ngày và đêm trùng trùng khoảng cách/ phải tự khoanh vùng rồi giam mình hơn mọi kiểu cách lý/ phải tự dập nỗi cô đơn lụy phiền và ấm ức/ đã tàn phá tháng ngày tàn phá những chân mây/ chúng sấp mặt lạnh lùng/ mặc nhiên hủy hoại bản tình ca không ngừng/ hơn vạn lần vi rút... (Đừng tìm nguyên tác của tôi).
Trong lòng người thi sĩ ngổn ngang trăm mối, thời gian đồng hiện ở nhiều chiều: quá khứ, hiện tại, tương lai trong nỗi bất tận, mơ hồ, đắm say và ở đó còn có cả sự nghẹn ngào, chấp nhận một thực tế đang hiện hữu. Này là đốt/ đêm trắng vẩy gầu/ đêm gãi rát mưa thâu/ mặt mắc váng ủ ê mỏi mệt// Này là đốt/ những bầm dập không lời/ quay chuồn chuồn sấp ngửa/ những dở chắc dở lép/ thực hư tấm cám phôi mày/ những chan chát trận người sàng sảy… (Phép giao thừa).
Đỗ Thượng Thế là nhà thơ luôn khát khao biểu hiện cái tôi riêng biệt. Anh đã lặng lẽ chọn cho mình một lối thơ riêng: độc đáo cả trong lối tư duy lẫn cách diễn đạt. Con đường thơ anh đi với những “bước chân ngôn từ vẫn miệt mài và cô độc”, một con đường gian nan, không hề đơn giản nhưng tôi tin bằng tài năng và sự đam mê sáng tạo của mình Đỗ Thượng Thế sẽ từng bước khẳng định vị thế và tên tuổi của anh trong nền thi ca Việt Nam đương đại. Nhà thơ từng tâm niệm:
... dù đến như thế nào trên mặt đất này/ hàng triệu năm qua/ đã sao chép sự sống muôn loài từng hơi thở/ cả khối óc, trái tim hóa thạch/ và nhịp chết vô hình.../ nhưng/ bước chân ngôn từ vẫn miệt mài và cô độc/ còn vợi xa nơi - sinh - ra - những - giấc mơ.
Trên lá sâu vẽ bùa là tập thơ rất kén độc giả. Bởi muốn hiểu và thấy được cái hay, nét độc đáo của những bài thơ Đỗ Thượng Thế viết đòi hỏi người đọc phải giải mã được những biểu tượng. Muốn vậy bản thân họ phải có một thái độ nhập cuộc, sự yêu thích, đam mê với một tư duy sắc bén, có bề dày văn hóa, một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm!
Xin mượn lời nhận định của nhà thơ Huệ Triệu để kết thúc bài viết này: “Trên lá sâu vẽ bùa từ tên gọi tới cách biểu đạt là minh chứng cho hành trình đổi mới với những xử lý ngôn từ hiện đại, thông minh mang chiều sâu trí tuệ. Nhưng theo tôi, điều khiến người đọc nhớ lâu nhất là trái tim giàu khao khát mà nhà thơ Đỗ Thượng Thế đã kết nối với thế giới bằng một thái độ sống đầy trách nhiệm”.
N.V.H