Tạp chí Non Nước - Cùng nhịp đập cuộc sống hôm nay

08.12.2024
Trần Phan

Tạp chí Non Nước - Cùng nhịp đập cuộc sống hôm nay

 Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thăm và làm việc với tạp chí Non Nước.

Tháng 1 năm 1997, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được tách thành 2 đơn vị hành chính là tỉnh Quảng Nam  và thành phố Đà  Nẵng trực thuộc Trung ương, thì đến tháng 4 năm 1997, Tạp chí Non Nước thuộc Hội Văn nghệ thành phố Đà Nẵng ra số báo đầu tiên sau khi tên gọi tạp chí Đất Quảng (thuộc Hội Văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng) được chuyển về cho tỉnh Quảng Nam. Trải qua 27 năm hình thành và phát triển với 322 số tạp chí đã ra đời, đó là một chặng đường Tạp chí Non Nước không ngừng hoàn thiện, đổi mới, xác lập vị trí trong hệ thống báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép.

Và đến thời điểm hiện tại, Tạp chí Non Nước là một trong bốn cơ quan ngôn luận trực thuộc thành phố quản lý, phục vụ sự nghiệp cách mạng đưa hoạt động văn học nghệ thuật trở thành một lực lượng xung kích trong tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; là nơi tuyển chọn, giới thiệu sản phẩm, thành quả lao động sáng tạo của lực lượng văn nghệ sĩ đáp ứng nhu cầu bạn đọc về văn học nghệ thuật và sự phát triển của lực lượng văn nghệ tại thành phố trẻ, năng động.

Hai mươi bảy năm, Tạp chí Non Nước đã để lại dấu ấn đáng ghi nhận và được các cấp lãnh đạo Trung ương, thành phố đánh giá cao. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm trong lần đến thăm và làm việc tại tạp chí Non Nước năm 2022 đã đánh giá: “Tạp chí Non Nước Đà Nẵng là một trong những tạp chí văn học nghệ thuật  địa  phương  để lại dấu ấn đậm nét nhất ngay từ thuở mới thành lập cho đến thời điểm hiện tại bởi sự rõ ràng, linh hoạt trong lựa chọn nội dung và sự sáng tạo, chuyên nghiệp trong cách trình bày chuyển tải tác phẩm”. Thật vậy, dù dưới hình thức nào, trong hoàn cảnh nào, Tạp chí cũng nhằm một mục đích là phục vụ sự nghiệp chính trị hiệu quả nhất và đáp ứng được thị hiếu của bạn đọc cả nội dung và hình thức.

Mặc dù đội ngũ lãnh đạo, biên tập viên của tạp chí không nhiều và phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố và cũng không phải lúc nào cũng có được lực lượng hùng hậu nhất. Giai đoạn mới thành lập (1997) ngoài Tổng Biên tập Thanh Quế thì chỉ có thêm biên tập  viên (sau này là Phó Tổng biên tập) nhà văn Nguyễn Thu Hương (trưởng ban văn xuôi), nhà thơ Đỗ Văn Đông (phụ trách thơ), còn trưởng ban văn xuôi trước đó là nhà văn Nguyễn Bá Thâm đã được  tăng  cường  về  phía  Quảng Nam phục vụ cho sự ra đời của tờ Đất Quảng mới. Giai đoạn từ 2009 đến nay, khi nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm giữ chức Tổng Biên tập thì có thêm các biên tập viên khác như nhà thơ Đinh Thị Như Thúy (phụ trách mảng thơ), nhà văn Vũ Ngọc Giao, Hồ Thị Thùy Trang (phụ trách mảng văn xuôi), nhà nghiên cứu Đinh Thị Trang (phụ trách mảng lý luận phê bình văn  học)… Tuy số lượng không nhiều, nhưng vượt lên tất cả bằng tinh thần trách nhiệm, bằng tình yêu, sự đoàn kết, sáng tạo, chuyên nghiệp trong tác phong làm báo mỗi tháng Tạp chí cho ra đời một ấn phẩm đặc sắc, dày dặn, đa dạng về nội dung chuyên đề và đẹp về hình thức trình bày với 500 bản in được phát hành trong thành phố và các tỉnh thành trong cả nước đến tận tay các cơ quan ban ngành, cộng tác viên và bạn đọc gần xa. Đây là cả một quá trình nỗ lực  cố  gắng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, biên tập viên của Tạp chí.

Đề tài đa dạng, hoạt động chuyên nghiệp, đội ngũ cộng tác viên tâm huyết

Tạp chí Non Nước là một cơ quan báo chí phục vụ  công  tác  chính  trị tư tưởng của Đảng hoạt động ở lĩnh vực văn học nghệ thuật. Chính vì vậy, Tạp chí đã tăng cường bám  sát  tôn chỉ mục đích, luật báo chí và nhiệm vụ chính trị của địa phương để phản ánh kịp thời, sâu sắc sự phát triển của thành phố và cuộc sống lao động của con người trong nhiều giai đoạn khác nhau. Quá trình lao động sáng tạo của văn nghệ sĩ lấy cảm hứng từ cuộc sống lao động của nhân dân, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn học nghệ thuật của nhân dân. Để làm được điều trên thì đề tài, chuyên đề chuyển tải trong từng số chính là linh hồn của tạp chí, việc này đòi hỏi lãnh đạo, ban biên tập phải nghiêm túc lên kế hoạch và chọn lọc kỹ càng. Ở thời điểm mới thành lập, tạp  chí vẫn tiếp tục phát triển nhiều chủ đề đã trở thành thương hiệu của tạp chí Đất Quảng trước đây như: phản ảnh quá trình đổi mới của quê hương, đất nước, đan xen là những tác phẩm có dạng ký sự, phóng sự đấu tranh lên án cái chưa tốt, bảo vệ các giá trị nhân văn, có tính phản biện xã hội sâu sắc với hai loại hình nghệ thuật chủ đạo là văn học và mỹ thuật. Thì đến nay, tạp chí đã  mở rộng thêm  nhiều chuyên mục, đề tài mới với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau cùng tham gia phản ảnh về sự phát triển của quê hương, đất nước; quá trình chuyển đổi nhận thức của con người theo sự phát triển của xã hội, thời đại; tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; cố kết cộng đồng trong những thời điểm đất nước có  thiên tai, dịch bệnh…; vừa phản ảnh các hoạt động của 9 hội chuyên ngành thuộc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố.

Bên cạnh khai thác nội dung, đề tài phong phú, Tạp chí Non Nước luôn chú trọng cải tiến quá trình sản xuất và hình thức biểu hiện nghệ thuật. Chú trọng xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp ngay từ khâu đặt bài vở, trả lời hộp thư cộng tác, phát hành và chi trả nhuận bút  hàng  số với phương châm rõ ràng, minh bạch, nhanh và hiệu quả, dù số lượng thư cộng tác gửi về tạp chí có thể lên đến hàng nghìn mỗi tháng nhưng chúng tôi cũng không bỏ sót một thư nào trong  quá  trình  chọn  lựa.  100  trang (kể cả bìa) của mỗi số hàng tháng thật sự là một tác phẩm nghệ thuật với nhiều tác phẩm có giá trị cao về nội dung, phương thức thể hiện độc đáo. Tranh, ảnh bìa được trình bày phù hợp chủ đề, bắt mắt, chuyên nghiệp; nội dung 96  trang ruột bên trong cũng được nghiên cứu kỹ lưỡng để có sự cân đối các chuyên đề, chuyên ngành nghệ thuật được lựa chọn giới thiệu. Bên cạnh đó còn có những bài “đinh” ở những chuyên mục mới như: Học  tập  và  làm  theo  tư  tưởng  đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chuyển đổi số; văn hóa, văn minh đô thị; môi trường, nông  thôn  mới…  được đặt riêng cho những cây bút am hiểu vấn đề sâu sắc như: Bùi Văn Tiếng, Nguyễn Đình Vĩnh, Tần Hoài Dạ Vũ, Bùi Công Minh, Trương  Điện Thắng,  Diệp  Dân Hùng, Vân Trình, Văn Thành Lê,… luôn nhận được sự đón chờ từ quý độc giả. Tạp chí cũng đã nghiên cứu lựa chọn đảm  bảo  giữa  sự  cộng  tác  của  văn nghệ sĩ trong thành phố và các cộng tác viên ngoài thành phố sao cho hài hòa nhất. Chính vì vậy, mỗi số của tạp chí đều được độc giả đón đợi, thu hút nhiều  sự  quan  tâm  và  mong  muốn cộng tác của các tác giả trên cả nước.

Với văn học, đây được xem là bộ phận chủ đạo tạp chí. Tạp chí đã lựa chọn những tác phẩm sao cho phù hợp nhất, vừa hướng đến các giá trị chân-thiện-mỹ,   hướng   đến   tương lai nhưng cũng trân trọng gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp  của quá khứ. Các tác phẩm được lựa chọn đăng tải đã phản ảnh chân thực con người và vùng đất xứ Quảng nói riêng và cả nước nói chung. Những truyện ký, truyện ngắn, ghi chép, tản văn, thơ của các nhà văn, nhà thơ của thành phố như: Thái Bá Lợi, Thanh Quế, Vĩnh Quyền, Hồ Duy Lệ, Quế Hương… rồi đến thế hệ tiếp nối như Nguyễn Nho Khiêm, Nguyễn Thị Thu Hương, Bùi Xuân, Hồ Sĩ Bình, Trần Trung Sáng, Nguyễn Nhã Tiên, Nguyễn Kim Huy, Nguyễn Thị Thu Sương, Đinh Thị Như Thúy, Nguyễn Ngọc Hạnh, Ngô Liên Hương… bên cạnh đó còn có những cây bút không chuyên nhưng thường xuyên cộng tác và tâm huyết với văn học như Lê Hoành Phò, Phan Trang Hy, Nguyễn Châu… đã tạo nên một bản hùng ca văn học về đất và người xứ Quảng. Đến nay, văn học vẫn luôn mà mảnh đất mà tạp chí nhận thêm được nhiều sự cộng tác của các cây bút trẻ xuất sắc, sức viết dồi dào, sự xuất hiện của các cây bút mới nổi như: Vũ Ngọc Giao, Trần Thiên Hương, Kỳ Nam Uyên, Nguyễn Thị Thu Thủy, Lệ Hằng, Diệu Phúc, Lê Hải Kỳ… và “tương lai”hơn đó là những cây bút trẻ được nuôi dưỡng từ các Trại sáng tác thiếu nhi hè hàng năm như: Nguyễn Nho Minh Uyên, Nguyễn Thị Ca Dao, Phan Nguyên Chi Mai, Trịnh Mỹ An,… đã và đang tiếp tục làm cho mảng văn học thêm nhiều quả ngọt. Dù không thể kể hết, nhưng với chừng đó thôi chúng ta có thể hình dung được sức vóc của đội ngũ những người cầm bút văn học ở thành phố là rất lớn. Với nội lực cộng sinh đó, nhiều sáng tác viết về vùng đất địa linh nhân kiệt - thành phố trẻ đáng sống Đà Nẵng hôm nay khi được đăng tải trên tạp chí Non Nước và phát hành đi khắp nơi đã tạo ra sức hút lớn, quyến dụ nhiều bước chân văn nghệ sĩ cũng như du khách khắp nơi tìm đến để một lần được sống, được yêu, được trải nghiệm và được sáng tạo nghệ thuật từ cuộc sống nơi đây.

Nhưng quý hơn cả, ngoài nội lực, tạp chí còn nhận được sự cộng tác từ rất nhiều những nhà văn, nhà thơ từ nhiều địa phương khác trong cả nước, sự quan tâm của những cây bút hàng đầu trên văn đàn như các nhà  văn, nhà thơ: Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Vũ Quầng Phương, Khuất Quang Thụy, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Tam Mỹ, Phan Nam  Sinh… rồi đến những cây bút trẻ hơn nhưng danh tiếng trên văn đàn thì đã được khẳng định như: Vi Thùy Linh, Hoàng Thụy Anh, Hồ Loan, Lê Quang Trạng…; các dịch giả tiêu biểu như: Kiều Bích Hậu, Trần Ngọc Hồ Trường… tất cả để thể hiện được uy tín, thương hiệu và niềm tin yêu của văn nghệ sĩ cả nước dành cho tạp chí từ trước đến nay.

Với lĩnh vực lý luận phê bình, đây là lĩnh vực của tạp chí được đánh giá khá cao, được dành một dung lượng đáng kể trong mỗi số, bởi ở Non Nước, lĩnh vực này được trải dài trên 9 lĩnh vực văn học nghệ  thuật  của các hội thành viên của Liên hiệp Hội. Ở đây chúng tôi nhận được sự cộng tác tích cực, thường xuyên từ các văn nghệ sĩ gạo cội tại địa phương, như ở nghệ thuật múa có NSND Lê Huân,…; Nhiếp ảnh nghệ thuật là sự cộng tác của NSNA Ông Văn Sinh; Sân khấu có nghệ sĩ Nguyễn Thanh Tùng, NSƯT Trần Ngọc Tuấn; Điện ảnh có biên kịch Trà Xuân Phương, Thiều Hạnh; Âm nhạc có cố nhạc sĩ Trương Đình Quang, Trần Hồng, Văn Thu Bích, Trịnh Tuấn Khanh…; Văn nghệ  dân  gian có Hoàng Hương Việt, Trương Đình Quang, Bùi Văn Tiếng, Võ  Văn  Hòe, Hồ Tấn Tuấn, Nguyễn Hoàng Thân…, Kiến trúc có các KTS Lê Minh Sơn và đặc biệt là nghệ thuật kiến trúc Chăm có Trần Kỳ Phương, Võ Văn Thắng…; Mỹ thuật có các họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Thân Trọng Dũng…; đặc biệt văn học có một đội ngũ khá đông đảo và uy tín như Thanh Quế, Hoàng Hương Việt, Huỳnh Văn Hoa, Nguyễn Minh Hùng,… tất cả họ với học thuật vững vàng, trách nhiệm, lương tâm của một người làm công tác phê bình, đã thẳng thắn chỉ ra những mặt ưu điểm và hạn chế của tác phẩm của nhiều chuyên ngành khác nhau khi được xuất bản, giới thiệu trước công chúng; phát hiện xu hướng mới, cái tốt, cái đã lỗi thời góp phần làm hoạt động sáng tạo bắt kịp với xu thế và định hình phong cách cho các tác giả; đồng thời tham gia tích cực trong đấu tranh với những xu hướng nghệ thuật cực đoan, những suy nghĩ, cá tính nghệ thuật không hợp với chủ trương, đường lối của Đảng,  chính  sách  pháp  luật của nhà nước, chống phá cuộc cách mạng văn học nghệ thuật hiện nay... Ngoài ra, để nhìn nhận khách quan nhất những tác phẩm nghệ thuật do  các văn nghệ sĩ thành phố sáng tạo, Tạp chí cũng vô cùng may mắn khi có sự xuất hiện của nhiều tác giả phê bình lớn trong cả nước như: Văn Giá, Phạm Phú Phong, Hồ Thế Hà, Trung Trung Đỉnh, Inrasara;… tất cả đã đưa nghệ thuật đến với cái đẹp khách quan nhất ở mảng lý luận phê bình.

Bên cạnh giới thiệu những chuyên mục truyền thống như văn học, lý luận phê bình hay nghiên cứu văn hóa dân gian tạp chí Non Nước còn chú trọng lựa chọn nhiều sản phẩm nghệ thuật của nhiều ngành nghệ thuật khác nhau tạo nên sự gắn kết theo mạch cho từng chuyên đề, tiêu biểu như nhiếp ảnh, mỹ thuật và âm nhạc. Và cũng đã đón nhận sự cộng tác của nhiều tác giả đạt giải thưởng nhà nước, giải thưởng khu vực, tác giả xuất sắc như: Nguyễn Duy Khoái, Minh Đức, Trần Ái Nghĩa, Phạm Quang Trung, (âm nhạc)…; Thân Nguyên,  Huỳnh Văn Truyền, Lê Quang Thiện (nhiếp ảnh)…; Phạm Hồng, Đinh Gia Thắng, Nguyễn Duy Ninh, Hoàng Đặng, Vũ Dương, Lê Huy Hạnh, Hồ Đình Nam Kha (mỹ thuật),… cùng nhiều văn nghệ sĩ trẻ của thành phố, và văn nghệ sĩ tiêu biểu trên khắp cả nước phù hợp với chuyên đề của từng ấn phẩm. Tất cả đã góp phần tạo nên mỗi số tạp chí thật sự là một chương trình văn học nghệ thuật đặc sắc, bản sắc nhưng cũng không kém phần trẻ trung, đầy sức sống nghệ thuật đương đại.

Có thể nói, không riêng gì tạp chí Non Nước, mà tất cả những tờ báo, tạp chí trên cả nước, sự cộng tác của cộng tác viên là vô cùng quan trọng. Nhiều cộng tác viên của tạp chí Non Nước còn thực hiện tác nghiệp không khác gì một nhà báo chuyên nghiệp trực tiếp đến những nơi bão lũ, hỏa hoạn, dịch bệnh… không quản ngày đêm theo từng hơi thở của nhịp sống để có những tin bài, tranh ảnh chân thực nhất giới thiệu trên tạp chí. Chính lực lượng hùng hậu, tâm huyết đó, đã giúp tạp chí Non Nước thực hiện được nhiệm vụ  thường  xuyên và rất nhiều chuyên đề quan trọng hàng năm như: Kỷ niệm ngày thành lập nước 2/9, ngày đất nước thống nhất đất nước 30/4, ngày giải phóng thành phố 29/3, kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại hội Đảng bộ các cấp,  biển đảo quê hương… và các chuyên đề cụ thể như Nông thôn mới Hòa Vang, 100 năm ngày sinh nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ, 100 năm ngày sinh giáo sư Hoàng Châu Ký,… và mới đây nhất là kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu… cùng với đó là nhiều chuyên đề, cuộc thi về ký, truyện ngắn, thơ, âm nhạc, nhiếp ảnh, hội họa… do tạp chí tổ chức trong rất nhiều năm qua. Từ kết quả có được tạp chí đã tham mưu chọn thành những tuyển tập sách chuyên đề về tranh, ảnh, truyện ngắn… có chất lượng cao và được phát hành rộng rãi trong suốt nhiều năm qua. Hội nghị Cộng tác viên Tạp chí Non Nước năm 2023.

Tạp chí Non Nước vinh dự là nơi được nhiều tác giả chọn để gửi gắm những sáng tạo nghệ thuật của mình. Và cũng chính vì vậy mà tạp chí đã ghi được dấu ấn chặng đường sáng tác của rất nhiều tên tuổi. Bên cạnh đó, trong quá trình nhận hàng trăm tác phẩm cộng tác mỗi ngày, tạp chí đã thể hiện hết mình trong việc phát hiện, lựa chọn để giới thiệu được nhiều tác giả mới, tác giả triển vọng, từ đó tạo ra được một bước đệm cho họ trên con đường phát triển nghệ thuật về sau…

Tự khẳng định mình trong tiến trình phát triển chung của báo chí và văn học nghệ thuật

Cũng như tất cả các tờ báo, tạp chí trực thuộc địa phương hiện nay, Tạp chí Non Nước luôn xác  định nhiệm vụ của mình đầu tiên phải là phục vụ sự nghiệp chính trị của Đảng và Nhà nước; phục vụ cho nhu cầu sáng tạo của văn nghệ sĩ và thưởng thức văn học nghệ thuật của người dân. Hoạt động trong lĩnh vực tư tưởng, lĩnh vực văn học nghệ thuật luôn là lĩnh vực nhạy cảm, nhiều biến động, chuyển biến nhanh, do vậy, những người làm tạp chí phải có bản lĩnh, luôn kiên định với mục tiêu lý tưởng, sự chỉ đạo của các cấp, nhưng cũng phải đủ độ nhạy để nắm bắt được tư tưởng, tâm lý của các văn nghệ sĩ và người dân trước những biến động của thời cuộc. Là nơi chuyển tải tác phẩm văn học nghệ thuật, thì  tạp chí cũng đóng vai trò trong việc bồi dưỡng tình cảm, tâm hồn, nhân cách, bản lĩnh của các thế hệ con người góp phần vào sự phát triển chung về kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh của địa phương. Minh chứng cho điều đó là suốt nhiều năm qua là các tác phẩm được đăng tải ở tạp chí được vinh danh ở các cuộc thi từ Trương ương đến địa phương như: Cuộc thi bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng, Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Cuộc vận động  sáng tác về biển đảo quê hương, Cuộc thi ảnh nghệ thuật - thời sự về phòng chống dịch Covid-19, các cuộc thi báo chí chất lượng cao hàng năm… với nhiều cộng tác viên tiêu biểu đã đạt giải như Bùi Văn Tiếng, Bùi Công Minh, Nguyễn Thị Thu Hương, Huỳnh Văn Truyền, Vân Trình… đã góp phần to lớn trong việc khẳng định thương hiệu của tạp chí Non Nước, tiếp nối truyền thống vẻ vang mà tạp chí tiền thân Đất Quảng đã ghi dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng cả nước.

Bước vào nhiệm kỳ mới của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, sẽ vẫn còn nhiều việc để tạp chí Non Nước hoàn thiện mình trong bối cảnh sự chuyển động của công nghệ số diễn ra từng ngày từng giờ. Đó là phải xây dựng được đội ngũ cộng tác viên mạnh, rộng khắp, chất lượng trong cả nước. Bên cạnh tạp chí bản giấy, cần phải đẩy mạnh xây dựng tạp chí điện tử theo xu hướng mới hiện nay. Đội ngũ lãnh đạo phải mạnh trong quản lý, điều hành, định hướng, sắp xếp công việc; ban biên tập, phóng viên cần phải chuyên nghiệp, trách nhiệm, sáng tạo; công tác trị sự cần phải minh bạch, rõ ràng, hiện đại, kịp thời. Tổ chức thêm nhiều chuyến đi thực tế theo chuyên đề, các cuộc thi viết để cộng tác viên có cơ hội được gặp gỡ, trao đổi và thể hiện mình. Có như vậy mới giữ được cộng tác viên lâu năm và thu hút đông đảo cộng tác viên, văn nghệ sĩ mới, nhất là những cộng tác viên trẻ, có năng lực.

Thành phố Đà Nẵng đang phát triển mạnh mẽ, đời sống người dân và dân trí không ngừng được nâng cao... đòi hỏi một tạp chí văn học nghệ thuật địa phương như Non Nước phải nhận thức rõ sứ mệnh của mình, vừa phải thực hiện nhiệm vụ chính trị; vừa giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc; đồng thời phải có đáp ứng nhu cầu sáng tạo, giới thiệu tác phẩm của văn nghệ sĩ, nhu cầu thưởng thức văn học nghệ thuật của người dân và thúc đẩy du lịch địa phương. Để làm được điều đó, những người làm tạp chí cần phải làm cho hiện thực đời sống hiện lên trong tạp chí trở nên sống động hơn, hấp dẫn hơn, và thấm đẫm chất văn học nghệ thuật ở một tầm cao mới, để tiếp nối thành quả của các thế hệ đi trước, trưởng thành, phát triển, khẳng định vị trí của mình trong tiến trình phản ảnh văn học nghệ thuật của cả nước.

T.P

Bài viết khác cùng số

Ra Trường Sa nhớ Hoàng SaĐam mêBóng ngả chân trờiNgười đọc sáchBiển và ngườiNhững mảnh trăng hao khuyếtLên Tà Lang nghe kể chuyện cây Tà VạtĐà Nẵng thức giấcTruyền thuyết về một ngọn núiKý ức trường xưa trên đất BắcHấp dẫn Quảng ĐàAnh - Người Chiến sĩSáng tác ca khúc - Thế mạnh của Hội Âm nhạc Đà NẵngChuyển đổi số với văn hóa dân gian Đà NẵngNhiếp ảnh Đà Nẵng trong sự chuyển mình của công nghệ sốTừ Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng - Nghĩ về một thành phố điện ảnhĐịnh hướng phát triển múa đương đại thành phố Đà NẵngVăn học, Nghệ thuật Đà Nẵng - Thành tựu và triển vọngThơ Đỗ Ngọc HanhThơ Nguyễn Minh HùngThơ Trác MộcThơ Vạn LộcThơ Huỳnh TrâmThơ Thy NguyênThơ Tăng Tấn TàiTình phù saThơ Lương Cẩm QuyênSáng đứng đầu sông cho gió bayChiếc gối lá đinh lăngCó một Hà Nội của chúng mìnhThơ Trần Văn ThọThơ Trần Trình LãmTrò chuyện cùng hoa dạiThơ Trương Thị Bách MỵThơ Long VânThơ Nguyễn Đức DũngThơ Thanh Dương HồngĐất nước tôi mang hình núiThơ Nguyễn Văn TámThơ Nguyễn Hoàng ThọThơ Bùi Công MinhMỹ thuật Đà Nẵng - Xu thế phát triển và hội nhậpKiến trúc cũ trong đô thị hiện đại: Hạn chế hay cơ hộiĐiện ảnh - Nhịp cầu vàng phát triển Đà NẵngVề miền biên viễn cùng Trần Ngọc ĐứcTrên lá sâu vẽ bùa - thái độ sống đầy trách nhiệmMột số quan điểm cách mạng, tiến bộ của Nguyễn Đình Thi trên lĩnh sáng tác Văn học và Nghệ thuậtMưa phố cổ dâng nhớ thương*Đọc văn học là đọc văn hóaCon người mong manh trong Người ăn chayThế giới nghệ thuật thơ Đinh Thị Như ThúyTạo nguồn văn nghệ sĩ trẻ cho văn học nghệ thuật Đà NẵngTạp chí Non Nước - Cùng nhịp đập cuộc sống hôm nayNgười Đà Nẵng với thi pháp học hiện đạiThiếu nữĐường ra chợSoi BóngChiều bên bến cảngTừ trái tim đến trái timTrong sươngĐà Nẵng gợi thương gợi nhớLá rơiBiển vẫn hát bài ca bất tửƯớc mơ Việt Nam