Ký ức trường xưa trên đất Bắc

07.12.2024
Trần Trung Sáng

Ký ức trường xưa trên đất Bắc

Ban liên lạc tặng hoa và quà đến thầy cô đang sinh sống tại thành phố Đà Nẵng

Trong chiến tranh chống Mỹ, Đảng và Nhà nước đã đưa một đội hình lớn của miền Nam ra Bắc bồi dưỡng kiến thức, chuẩn bị lực lượng cho việc xây dựng miền Nam sau giải phóng. Tại Trường phổ thông lao động Trung ương HT2 - Từ Hồ, con em người Quảng Nam và Đà Nẵng chiếm một tỉ lệ lớn học viên vào trường học tập. Đến hiện nay, nhiều người trong số đó đã phát huy truyền thống tốt đẹp của nhà trường trở thành cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, cán bộ các ngành y tế, giáo dục, văn hóa văn nghệ…

Trường phổ thông lao động Trung ương (HT2) Từ Hồ, được thành lập từ năm 1951, ban đầu có tên là Trường phổ thông lao động Trung ương, đáp ứng yêu cầu nhanh chóng nâng cao trình độ cho cán bộ chiến sĩ nhằm theo kịp với yêu cầu nhiệm vụ mới trong cuộc  kháng  chiến  chống  Pháp.  Địa điểm đầu tiên của Trường là một khu rừng ở xã Cẩm Ân, huyện Yên Bình, tỉnh Tuyên Quang. Sau năm 1954, thủ đô Hà Nội được giải phóng, Trường chuyển về Giáp Bát - Hà Nội và sáp nhập vào Trường Bổ túc Công Nông (thành lập năm 1955), gọi là Trường Bổ túc Văn hóa Công Nông Trung ương).

Cùng học một lớp, một trường HT2; cùng học ngành Y, cùng vào Nam năm 1972 (Từ trái sang: Bác sĩ Hoài Thương, Bác sĩ Lâm Thanh Phong, Bác sĩ Phan Hồng Hoa, Bác sĩ Nguyễn Thị Sáu)

Trong chiến tranh chống Mỹ, Trường sơ tán ở nhiều nơi như: Nhị Khê (Thường Tín - Hà Tây), thị xã Phú Thọ, Nhã Nam, Yên Thế (Hà Bắc) và cuối cùng có mật danh là HT2 mà anh chị em học viên thường gọi là Từ Hồ với tình cảm rất đỗi thân thương. Qua 25 năm tồn tại (1951-1976), Nhà trường đã hoàn thành 42 khóa học, bồi dưỡng cho hàng vạn cán bộ chiến sĩ, trong đó có nhiều người là lão thành cách mạng, cán bộ trung cao cấp, các anh hùng và chiến sĩ thi đua, dũng sĩ diệt Mỹ… Đặc biệt, từ năm 1964, Đảng và Nhà nước đã đưa một đội hình lớn của miền Nam ra Bắc bồi dưỡng kiến thức, chuẩn bị lực lượng cho việc xây dựng miền Nam  sau giải phóng, trong đó Quảng Nam và Đà Nẵng chiếm một tỉ lệ lớn học viên của trường. Đến hiện nay, nhiều người trong số đó đã phát huy truyền thống tốt đẹp của nhà trường trở thành cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý…

Một dãy nhà làm việc của Ban Giám hiệu HT2 - Từ Hồ, địa phương xã Yên Phú còn giữ lại

Theo thống kê của Ban liên lạc Cựu học viên Trường PTLĐ Trung ương HT2 Từ Hồ Quảng Nam - Đà Nẵng, đến nay, Ban đã thu thập được danh sách 340 học viên (trong đó, có 8 liệt sĩ và 60 người đã qua đời). Có 3 cựu học viên được nhà nước phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (Nguyễn Thị Tám, Văn Thị Xoa, Trần Đình Tấn). Ngành Công an Nhân dân có 33 cựu học viên, có 2 Thiếu tướng (Thiếu tướng Phạm Xuân Sang - Giám đốc Công an Thành phố Đà Nẵng và Thiếu tướng Phạm Như Thạch - Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam) và nhiều người được phong quân hàm thượng tá, đại tá… Ngành Quân đội Nhân dân có 16 cựu học viên. Trong đó, có Thượng tướng Huỳnh Ngọc Sơn - Nguyên Tư lệnh Quân khu 5 - Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ngành Văn học, nghệ thuật có NSND Trần Đình Sanh, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh; Nhạc sĩ Minh Đức - Nguyên Trưởng phòng nghiệp vụ Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng, tác giả của nhiều bài hát nổi tiếng như: Thương em chín đợi mười chờ…; Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Phan Ngọc Hợi, nguyên phóng viên nhiếp ảnh Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Nam - Đà Nẵng, Hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiệp ảnh Việt Nam (VAPA).

Nhà thơ Phạm Thông, hiện là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) cho biết, vào tháng 8/1972, từ chiến khu Trà My, ông nhận quyết định của Ban Tuyên giáo Khu 5 ra miền Bắc chữa bệnh. Vượt qua nhiều hành trình gian khổ, sau khi chữa trị sức khỏe phục hồi, ông được Cục B sắp xếp vào nhập học trường HT2 - Từ Hồ. Ông kể lại ký ức về ngôi trường: “Nói là trường, thật ra là một khu vực trường gồm các giảng đường dã chiến mái tranh, vách nứa, nằm rải rác trong các thôn Từ Hồ, Mễ Thượng, Mễ Hạ, Bình Phú, Từ Tây, Lại Trạch và khu vực Ao Cá. Hàng chục năm nhà trường tồn tại, phần lớn học sinh ở nhờ nhà dân, ăn bếp tập thể. Nhiều gia đình tự nguyện cho nhiều thế hệ học sinh Từ Hồ tá túc trong cả chục năm trời. Dân lúc ấy còn rất khổ, ăn sắn, ăn khoai, nhà chật nhưng vẫn dành chỗ thuận lợi nhất để chúng tôi trú ngụ. Họ đã yêu thuơng, giúp đỡ chúng tôi như con cháu, anh em trong nhà. Tình cảm ấy chúng tôi không bao giờ quên, một khi còn sống trên đời này”. Cũng theo Phạm Thông: “Chúng tôi luôn quan niệm trường HT2 - Từ Hồ là cái nôi, một mắc xích quan trọng một thời đã trang bị kiến thức cơ bản, tạo động lực để chúng tôi trưởng thành”.

Đại tá Mai Quý Trung, nguyên Trưởng phòng An ninh Đối ngoại Công an thành phố Đà Nẵng, sau khi rời Ban Tổ chức Đặc khu ủy Quảng Đà vào tháng 20/9/1971 ra Bắc để chữa bệnh và học tập đã nhập học trường HT2- Từ Hồ vào ngày 20/02/1972, sau 8 năm gián đoạn việc đèn sách để tham gia kháng chiến. Về sau, rời trường HT2, Mai Quý Trung thi vào Trường Đại học An ninh (E200 - Thanh Xuân - Hà Nội) đến tháng 7/1979 tốt nghiệp ra trường rồi về công tác tại Công an Quảng Nam - Đà Nẵng.

Những ngày đầu tháng 11/2024 vừa qua, cựu học viên Mai Quý Trung và Trần Văn Sơn (ảnh: từ phải sang) thay mặt Ban liên lạc CHV trao tặng Kỷ yếu Trường HT2 Quảng Nam - Đà Nẵng cho lãnh đạo địa phương xã Yên Phú và Ban Giám hiệu các Trường cấp I, cấp II, cấp III tại xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.

Sau 20 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, vào mùa hè 1995, lần đầu Mai Quý Trung về thăm lại Từ Hồ, ông kể lại: “Nhà bà Trà là bếp ăn Khu Mễ Hạ, vườn nhà bên cạnh lớp học 6A, bà Trà đã từ trần, còn người con gái út 11-12 tuổi năm xưa, nay đã có gia đình chồng con. Hai người con trai bà Trà đi bộ đội vào Nam chiến đấu đã hy sinh là liệt sĩ. Ngôi nhà chưa có gì đổi thay”. Các lần khác: tháng 10/2019, ngày 8/5/2023… trở lại trường xưa, ông Trung nhận ra địa phương đã thay đổi nhiều, nhà cửa khang trang, đường sá mở rộng bê tông hóa. Tuy nhiên do còn băn khoăn khu vực Ao Cá, nên ngày 11/5/2023, ông cùng Trần Văn Sơn (nguyên Phó Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ) trở lại Từ Hồ “Lần này, đã xác định chính xác khu vực Ao Cá xưa, đối diện cổng làng Từ Tây”, nhưng hẳn rằng cảnh và người mọi thứ đã đổi thay.

Nhắc về những kỷ niệm ấn tượng nhất về ngôi trường cũ, Nguyễn Tấn Năm, nguyên cán bộ Cục Thuế Quảng Nam - Đà Nẵng kể lại câu chuyện thật xúc động: “Hồi đó, có lần trong lúc cả trường đang say mê tập trung học văn hóa thì một cơn lũ rất lớn làm vỡ đê sông Hồng; các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ bị ngập trong biển nước, Chính phủ phải đưa máy bay tiếp tế lương thực, thực phẩm cho đồng bào. Toàn trường nhận nhiệm vụ tập trung tham gia cùng địa phương vận chuyển đất để hộ đê bảo vệ kho lương thực Yên Mỹ. Dưới trời nắng chói chang nhưng nước không ngừng dâng cao, một số học viên bị sốc nhiệt, say nắng ngất xỉu, nhưng đê bao quanh kho lương thực đã được bồi đắp an toàn không bị ngập nước”.

Ngày nay, những cựu học viên của trường HT2 dù có những khác biệt về vị trí, về cống hiến, về đời sống, nhưng họ thường có những buổi gặp gỡ thân mật, thăm hỏi, giúp đỡ lẫn nhau, bởi trên hết họ đều có chung ý nghĩ, một tình cảm thống nhất là từ những năm tháng ở chiến trường đến ngôi trường ấm áp yêu thương là cái mốc đáng ghi nhớ, vì mỗi người đều đã làm được những công việc có ích cho đất nước và bản thân mình cũng lớn lên, có trách nhiệm cổ vũ, giáo dục, rèn luyện con cháu giữ gìn truyền thống phấn đấu trở thành những công dân tốt tiếp tục bảo vệ và xây dựng đất nước.

T.T.S

Bài viết khác cùng số

Ra Trường Sa nhớ Hoàng SaĐam mêBóng ngả chân trờiNgười đọc sáchBiển và ngườiNhững mảnh trăng hao khuyếtLên Tà Lang nghe kể chuyện cây Tà VạtĐà Nẵng thức giấcTruyền thuyết về một ngọn núiKý ức trường xưa trên đất BắcHấp dẫn Quảng ĐàAnh - Người Chiến sĩSáng tác ca khúc - Thế mạnh của Hội Âm nhạc Đà NẵngChuyển đổi số với văn hóa dân gian Đà NẵngNhiếp ảnh Đà Nẵng trong sự chuyển mình của công nghệ sốTừ Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng - Nghĩ về một thành phố điện ảnhĐịnh hướng phát triển múa đương đại thành phố Đà NẵngVăn học, Nghệ thuật Đà Nẵng - Thành tựu và triển vọngThơ Đỗ Ngọc HanhThơ Nguyễn Minh HùngThơ Trác MộcThơ Vạn LộcThơ Huỳnh TrâmThơ Thy NguyênThơ Tăng Tấn TàiTình phù saThơ Lương Cẩm QuyênSáng đứng đầu sông cho gió bayChiếc gối lá đinh lăngCó một Hà Nội của chúng mìnhThơ Trần Văn ThọThơ Trần Trình LãmTrò chuyện cùng hoa dạiThơ Trương Thị Bách MỵThơ Long VânThơ Nguyễn Đức DũngThơ Thanh Dương HồngĐất nước tôi mang hình núiThơ Nguyễn Văn TámThơ Nguyễn Hoàng ThọThơ Bùi Công MinhMỹ thuật Đà Nẵng - Xu thế phát triển và hội nhậpKiến trúc cũ trong đô thị hiện đại: Hạn chế hay cơ hộiĐiện ảnh - Nhịp cầu vàng phát triển Đà NẵngVề miền biên viễn cùng Trần Ngọc ĐứcTrên lá sâu vẽ bùa - thái độ sống đầy trách nhiệmMột số quan điểm cách mạng, tiến bộ của Nguyễn Đình Thi trên lĩnh sáng tác Văn học và Nghệ thuậtMưa phố cổ dâng nhớ thương*Đọc văn học là đọc văn hóaCon người mong manh trong Người ăn chayThế giới nghệ thuật thơ Đinh Thị Như ThúyTạo nguồn văn nghệ sĩ trẻ cho văn học nghệ thuật Đà NẵngTạp chí Non Nước - Cùng nhịp đập cuộc sống hôm nayNgười Đà Nẵng với thi pháp học hiện đạiThiếu nữĐường ra chợSoi BóngChiều bên bến cảngTừ trái tim đến trái timTrong sươngĐà Nẵng gợi thương gợi nhớLá rơiBiển vẫn hát bài ca bất tửƯớc mơ Việt Nam