Những mảnh trăng hao khuyết

07.12.2024
Vĩnh Quyền

Những mảnh trăng hao khuyết

Giải S.E.A

Vĩnh Quyền khởi nghiệp văn từ Tạp chí Đất Quảng, trải qua vị trí phóng viên, biên tập, thư ký tòa soạn, từ năm 1980 đến 1990. Trong suốt hành trình sáng tác của mình, ông không chỉ khắc họa chân thực những nhân vật lịch sử, mà còn xây dựng những câu chuyện đa chiều, mang đậm dấu ấn cá nhân. Một trong những tác phẩm nổi bật của ông là tiểu thuyết Trong Vô Tận, tác phẩm đã được trao Giải Văn chương Đông Nam Á năm 2021. Trong tiểu thuyết này, các đầu lĩnh cuộc khởi nghĩa năm 1916 đóng vai trò là những nhân vật trung tâm. Nhưng kịch bản này chỉ thành công khi bạn đọc yêu thương, trân trọng các nhân vật nữ Ngọc Băng, Thục Đoan và Tân Dương, như Vĩnh Quyền đã gửi gắm vào nhan đề “Những mảnh trăng hao khuyết”. Chủ đề kép với hành trình tìm mã di truyền nòi giống (genetic code) của nhân vật dẫn chuyện, cô gái người Mỹ gốc Việt. Năm 2020 cô về nước thu thập tư liệu làm luận văn thạc sĩ sử học. Chuyện ngoài chính sử đánh thức khao khát khám phá và tái dựng quá khứ, cô đã nhập vai nàng Băng 1916, kết nối với cội nguồn, hướng đến hoàn thiện bản sắc Việt cho chính mình, và theo một cách riêng biệt và đầy cảm xúc.

Tạp chí Non Nước xin trân trọng giới thiệu kịch bản phim điện ảnh “Những mảnh trăng hao khuyết” đến bạn đọc.

1. Năm 2020.

2. Ngoại đêm.  Ban-công  tầng hai [kiến trúc cổ treo biển tiếng Anh “Faifo Hotel”] nhìn xuống đường phố Nguyễn Thái Học. Hội An trong phối sáng ánh điện và đèn lồng.

Cô gái Mỹ gốc Việt mảnh mai. Gương mặt mộc đa cảm và trí thức. Thời trang đơn giản thanh lịch với váy dài. Trên bàn gỗ chân nai màu cánh gián: Laptop đang mở, cuốn A History of the Vietnamese của Keith Weller Taylor và ly trà gừng uống dở. Sau một lúc ngắm phố đêm đậm hương màu quá khứ nhộn nhịp du khách Việt và quốc tế, cô gái ghi chép ý tưởng chợt đến.

Âm thanh gõ laptop

Màn hình - As a Vietnamese American, I believe I was right in returning  here  to  collect  documents for my masters thesis: “Đại Nam - A Great Power in East Asian”…

Ngoài hình, giọng cô gái - Là người Mỹ gốc Việt, tôi tin tôi đã đúng khi trở về quê nhà thu thập tài liệu cho luận văn thạc sĩ sử học của mình: Nước Đại Nam - Một cường quốc tại Đông Á.

Trở lại cảnh phố đêm Hội An.

Giọng cô gái (tiếp) - Những mảnh vụn ngoài chính sử khiến tôi rung động. Như nhà yêu nước Thái Phiên không mặc quốc phục, không học chữ Nho theo hình mẫu sĩ phu đầu thế kỷ 20 mà tôi vẫn hình dung. Như cô gái trẻ Hội An năm 1916 đã dám sống chết với lời nhắn nhủ đơn phương cùng ông Thái: “Em sẽ đi tìm ông”… Và tôi muốn kể chuyện về họ. Câu chuyện của riêng tôi.

Ngừng viết, cô gái nhấp ngụm trà, tiếp tục nhìn ngắm dãy phố dưới kia. Trong mắt cô, con đường mang biển Nguyễn Thái Học năm 2020 được thay thế dần bởi con đường mang biển Rue du Cantonnais năm 1916.

3     Năm 1916.

  • Ngoại đêm. Bối cảnh 1 nhưng cách nhau trên 100 năm: Ban-công tầng hai [kiến trúc cổ có biển tiếng Pháp “Hôtel Faifo”] nhìn xuống dãy phố có biển chỉ đường tiếng Pháp: Rue du Cantonnais.

Một phố Hội 1916 đi ngủ sớm, đóng kín cửa và thưa thớt đèn lồng.

  • Ngoại đêm. Phố Rue du Cantonnais.

Cuối đường Rue du Cantonnais, chiếc xe kéo xuất hiện, hướng về khu trung tâm. Phu xe đã đứng tuổi, gương mặt đẫm mồ hôi.

Âm thanh - Trục xe thỉnh thoảng rít kin kít. Đôi chân trần vỗ lên mặt đường.

Hai thiếu nữ trên xe. Trang phục phân biệt chủ nhân (Ngọc Băng) và người hầu (Yến Nhi), cùng khoảng đôi mươi. Và nhận ra Ngọc Băng 1916 là “phiên bản” của chính người kể chuyện: Cô gái 2020.

Yến Nhi - Ông chủ dặn em phải đưa chị về trước trời tối. Vậy mà…

Ngọc Băng - Cha ta không rầy la em đâu. Tại ta cả mà. Về ngoại đông vui ấm cúng, trong khi nhà mình vắng vẻ quá.

Bỗng phía trước thấp thoáng vài bóng đen. Phu xe vội dừng lại. Ông hạ càng xe, bước lên mấy bước, quan sát trong ánh sáng đèn lồng mờ nhạt. Ngọc Băng và Yến Nhi nép sát vào nhau. Phu xe chưa biết xử trí thế nào thì những bóng đen đã đến gần. Không chỉ ông mà hai cô gái trên xe có thể đoán chúng là ai qua cách ăn mặc và bộ điệu hung hãn. Cách phu xe vài bước chân, chúng đứng lại trân trối nhìn hai cô gái, rồi nhìn nhau cười.

Phu xe (xắn tay áo) - Khôn hồn thì tránh đường.

Tên cầm đầu - Trông có nghề đó, nhưng đã hết thời. Ông anh nên biết điều thì hơn.

Phu xe - Tao không có bạc lẻ cho bọn du đãng uống rượu.

Tên cầm đầu - Ông anh nghĩ ta xin tiền? Ta xin hai cô gái thôi.

Phu xe (xuống tấn) - Có gan thì đến đây.

Một đàn em xông lên. Phu xe nghênh chiến. Trận đấu ban đầu tỏ ra ngang sức, nhưng phu xe đuối dần. Tên cầm đầu vẫy tay ra hiệu đàn em lùi bước, lướt vào, xoay người tung cú đá nghịch lân. Gót giày của hắn vẽ một đường cung như chớp trước khi bổ xuống đầu đối thủ. Phu xe lảo đảo quỵ gối xuống đường. Hắn bồi một đấm vào thái dương ông, khiến ông ngã dài trên mặt đường. Vuốt sửa lại mái tóc, miệng cười mỉm, hắn thong thả bước đến bên cỗ xe.

Yến Nhi - Xin đừng!...

Không đáp, tên cầm đầu đưa tay vuốt má Ngọc Băng, nhưng Yến Nhi đã dùng cả hai tay ngăn cản. Hắn tóm tay cô, vung mạnh. Yến Nhi nhào xuống đất. Hắn lại toan vuốt má Ngọc Băng, trong khi nàng đã đông cứng. Một mảnh ngói từ bóng tối bay vụt ra, trúng vào cổ tay hắn ngay trước khi chạm đến Ngọc Băng. Hắn kêu lên đau đớn, ôm cánh tay bị thương nhảy lùi. Một bóng đen mặc bành-tô, đội mũ dạ, từ gốc cây bước ra, tay phải đút vào túi quần như thể sẵn sàng rút súng ngắn.

Bọn đàn em (kêu lên) - Pu-lít! Pu-lít!

Chúng chạy vào con hẻm tối. Trong khi phu xe gượng đứng dậy, Thái Phiên đến đỡ Yên Nhi lên xe.

Ngọc Băng (cảm kích) - cảm ơn ông cảnh sát.

Thái Phiên - Tôi là khách qua đường, không phải cảnh sát.

Nói rồi khẽ gật đầu chào, Thái Phiên quay đi.

Ngọc Băng (gọi theo) - Ông ơi… Thái Phiên dừng bước, ngoảnh đầu.

Ánh đèn lồng giúp Ngọc Băng nhận

ra dưới vành mũ dạ là một gương mặt thanh tú, nghiêm nghị trạc ba mươi.

Thái Phiên - Tiểu thư cần gì?

Ngọc Băng - Em muốn được biết tên ân nhân.

Thái Phiên (cười) - Không đáng đâu.

Thái Phiên đi tiếp. Ngọc Băng xuống xe, như muốn đuổi theo. Yến Nhi kịp giữ lại.

Ngọc Băng - Ông ơi, em có thể gặp lại ông?

Lần này Thái Phiên dừng hẳn, ngỡ ngàng nhìn cô gái, nhận ra cô có vẻ đẹp thánh thiện, thông minh nhưng không kém phần bướng bĩnh.

Thái Phiên - Tôi là kẻ lang bạt, biết nói thế nào đây?

Thái Phiên đi vào vùng sáng mờ ảo. Ngọc Băng đứng nhìn hút theo.

Ngọc Băng (nói vọng) - Nhất định em sẽ gặp lại ông!

  • Ngoại ngày. Đường Rue du

Nguyễn Văn, trạc tuổi Thái Phiên, cắt tóc ngắn theo phong trào Duy Tân nhưng vẫn mặc quốc phục, đi cạnh Thái Phiên giữa dòng người trên hè phố.

Nguyễn Văn - Anh tự ý bỏ việc ở Tòa Thương Chánh Tam Kỳ, mất vỏ bọc viên chức Nhà nước Bảo hộ. Phan Sào Nam tiên sinh thế nào cũng có lời quở trách.

Thái Phiên - Thật ra chỉ là việc sớm muộn.

Nguyễn Văn - Đã vậy anh  còn huy động dân làng Nghi An ngăn cản Gabriel chủ Kho bạc Đà Nẵng khi hắn mở đồn điền cà phê. Tên anh giờ nằm trong “sổ đen” mật thám Pháp rồi.

Thái Phiên - Tôi biết mình sai, chỉ mong có dịp lập công chuộc tội.

Nguyễn Văn - Hội An là đất của công sứ Pháp. Về đây, anh cần giấu mình khéo hơn. Chỗ ăn ở thế nào rồi?

Thái Phiên - Đang định nhờ anh.

Nguyễn Văn - Anh sẽ đến nhà anh tôi, Nguyễn Học, là chủ hiệu buôn Vạn Xuân, người có uy tín với Tòa Tỉnh lẫn Tòa Sứ, không sợ nghi kỵ. Ở hiệu buôn cũng dễ liên lạc.

Thái Phiên - Tôi thấy ngại quá.

Nguyễn Văn (tủm tỉm) - Ngại gì chứ, anh sẽ phải làm gia sư để kiếm cơm đó.

Thái Phiên khẽ lắc đầu, rồi bật cười dù đang trong tình cảnh chẳng vui vẻ.

  • Nội ngày. Tiền sảnh hiệu buôn Vạn Xuân.

Nguyễn Văn (giới thiệu Nguyễn Học với Thái Phiên) - Anh tôi có ý định cho con du học, vẫn chưa tìm được thầy dạy tiếng Pháp. Nay gặp anh, người tốt nghiệp Trường Việt- Pháp, lại là chỗ thân tình với tôi. Thật không gì bằng.

Nguyễn Học (với Thái Phiên) - Được một gia sư như anh thật may mắn cho chúng tôi.

Thái Phiên - Ông chủ quá lời.

Nguyễn Văn - Anh tôi chỉ có một gái. Thông minh, hiếu học nhưng cũng hiếu động. Chả là mẹ cháu mất sớm, anh tôi nuông chiều quá. Mong anh không ngại khó, hết lòng giúp đỡ.

Thái Phiên không giấu được vẻ ái ngại. Gia sư là việc anh chưa từng, giờ phải dạy một “cô chiêu” thật không đơn giản.

Nguyễn Học (với người hầu) - Gọi tiểu thư lên ra mắt thầy giáo.

  • Nội ngày. Thư phòng. Bảng đen với những dòng chữ: “Verbe Être” và ví dụ: “Je suis ”/ “Nous sommes Vietnamiens.”

Thái Phiên - Hôm nay vậy thôi.

Tôi mừng thấy em tiếp thu nhanh.

Vừa nói Thái Phiên vừa xếp sách với nụ cười hài lòng. Ngọc Băng không giấu được vẻ rạng rỡ trước lời khen của người thầy, mà cô vẫn gọi “ông”, như lần đầu gặp trong một đêm không thể quên trên đường Rue du Canntonais.

Ngọc Băng - Dạ, cảm ơn ông. Còn sớm, em muốn mời ông cùng đi ngắm sen đầu mùa.

Thái Phiên (ngập ngừng rồi nhận lời) - D’ accord! (Đồng ý!)

  • Ngoại ngày. Hồ sen.

Thuyền tam bản lướt nhẹ giữa những khóm sen. Ngọc Băng chủ động câu chuyện, nói cười tíu tít như con trẻ trong khi Thái Phiên đáp lại nhát gừng, mãi bận rộn với mái chèo không thành thạo. Xế chiều, Ngọc Băng đã chọn được bó sen vừa ý. Thái Phiên bắt đầu quay thuyền vào bờ. Đang vui Ngọc Băng bỗng tư lự. Thái Phiên cũng im lặng, như thể hai người đang lắng nghe tiếng mái chèo quẫy nước bì bõm.

Thuyền cập bến vụng về, chao đảo. Ngọc Băng ngã vào vai Thái Phiên. Đôi mắt đẹp khép mơ màng như muốn kéo dài thời khắc này. Thái Phiên dìu Ngọc Băng lên cầu ván.

Ngọc Băng (nhìn vào mắt Thái Phiên) - Khi em nói có lúc em sẽ gặp lại ông, ông có tin không?

Thái Phiên (im lặng một lúc) - Nếu tôi không tình cờ trở thành gia sư của em thì sao?

Ngọc Băng - Thì em đi tìm ông!

Ngọc Băng nói nhanh rồi nhảy lên bờ, ù chạy. Thái Phiên đứng lặng trên mũi con thuyền chao động.

  • Nội đêm. Hội Trở lại bối cảnh 1 (1916): Ban-công tầng hai (kiến trúc cổ có biển tiếng Pháp “Hôtel Faifo”) nhìn xuống đường phố Rue du Cantonnais.

Cửa ăn thông ban-công chợt được mở rộng. Mật thám Pháp, mặc bành-tô xám, đội mũ phớt cùng màu, bước ra, ngồi vào bàn cạnh lan can, nơi có thể quan sát cả hàng phố. Theo sau là nhân viên khách sạn người Pháp với khay rượu Cognac. Anh này lặng lẽ dọn bàn, rút lui. Đường Rue du Cantonnais lúc ấy lung linh ánh đèn lồng, nhộn nhịp người Việt, người Hoa, người Pháp. Phần lớn đi bộ. Thỉnh thoảng xuất hiện xe kéo, xe đạp và cả một ô-tô Citroen.

Mật thám Pháp nhấp ngụm rượu, đặt ly xuống bàn, rút từ túi áo tấm ảnh, xem chăm chú. Trong ảnh là Thái Phiên đứng trước một kiến trúc công sở Pháp có biển Tribunal de Commerce de Tam Ky (nơi Thái Phiên từng làm thư ký). Cất tấm ảnh, mật tháp Pháp ung dung ngậm pipe, nhả khói thuốc, nheo mắt nhìn xuống nhà hàng có biển chữ Hán “Minh Đường tửu lâu”, đối diện bên kia đường.

  • Ngoại đêm. Đường Rue du Cantonnais.

Thái Phiên xuất hiện từ đầu một hẻm tối, nhập vào dòng người trên phố. Một cảnh sát Pháp cưỡi xe đạp chậm  rãi,  đảo  mắt  quan  sát.  Thái

Phiên dừng trước quày tạp hóa, hơi cúi xuống tránh cái nhìn của hắn. Xe đạp lướt qua, anh dợm đi tiếp, chợt thấy một hạ sĩ quan Pháp và hai lính ma- tà người Việt rảo bộ đến gần, vẻ mặt căng thẳng.

Thái Phiên (lấy giọng thản nhiên)

- Một gói thuốc lá.

Cô hàng xén - Dạ, thầy dùng hiệu chi?

Thái Phiên lúng túng. Thực ra anh là người không hút thuốc. Dù sao, anh vẫn nhớ ra một nhãn hiệu nổi tiếng đương thời.

Thái Phiên - Gô-loa.

Không biết giá nhưng không tiện hỏi, anh đưa cô gái tờ giấy bạc mệnh giá lớn, để cô chủ động thối. Hạ sĩ quan Pháp và hai lính ma-tà dừng cách quày tạp hóa vài bước, bàn chuyện gì không nghe rõ. Vừa trao khách hộp diêm, cô hàng vừa chia sẻ nỗi lo.

Cô hàng xén - Hôm nay lính ta lính Tây canh tuần dữ, chẳng buôn bán được. Sắp có biến phải không thầy?

Thái Phiên - Tôi mới đến Hội An, chẳng hay biết chi.

Thái Phiên châm thuốc hút, thư thả đi, ngang qua lính tuần. Được đoạn ngắn, anh vội rẽ vào con hẻm, ném điếu thuốc, ho sặc sụa. Trở ra đường Rue du Cantonnairs, Thái Phiên kín đáo quan sát chung quanh trước khi bước vào “Minh Đường tửu lâu”.

  • Nội đêm. Hội Trở lại bối cảnh 1 (1916): Ban-công tầng hai (kiến trúc cổ biển hiệu tiếng Pháp “Hôtel Faifo”) nhìn xuống “Minh Đường tửu lâu”.

Đôi mắt xanh ve chai dưới vành mũ phớt ánh lên tia đắc thắng.

Mật thám Pháp - Enfin, tu es apparu, Thai Phien. (Thái Phiên, cuối cùng ngươi đã xuất hiện.)

  • Nội đêm. “Minh Đường tửu lâu”, cơ sở bí mật của Việt Nam Quang phục hội tại Hội

Sau quầy gỗ đã lên nước đen bóng, tài chủ đeo kính tròn gọng đồi mồi, tóc đuôi sam, y phục nhà Thanh, đang thao tác điêu luyện trên bàn tính cũng đen bóng nước gỗ.

Âm thanh - Tiếng gạt bàn tính lách cách nhanh gọn nhịp nhàng. Thực khách gọi món bằng tiếng Việt, Hoa, và Pháp. Tửu bảo thưa đáp trầm bổng kéo dài đặc trưng âm vực Quảng Đông. Dầu mỡ sôi sèo sèo khi réo cao khi dịu thấp từ dãy chảo gang, chảo đồng cùng những đợt lửa khi bùng lên, khi liu riu trong khu vực chế biến… Tất cả tạo nên không khí đặc trưng của một nhà hàng Hoa kiều phố Hội.

Tài chủ ngừng tay, ngẩng nhìn khách vừa đến. Thái Phiên đặt một quân cờ tướng bằng gỗ lên mặt quầy.

Tài chủ (nhận ra ám hiệu, đứng lên) - Tiên sinh, xin mời…

Thái Phiên theo tài chủ lên cầu thang, đến trước một cánh cửa đóng. Tài chủ gõ cửa. Người mở là Nguyễn Văn. Tài chủ chỉ  lên  chuông  đồng bé bằng quả cau gắn trên vách, gần khuông cửa.

Tài chủ (với Nguyễn Văn) - Có biến, tôi sẽ kéo chuông báo động. Tiên sinh còn nhớ lối ra cửa sau?

Nguyễn Văn gật đầu.

Tài chủ - Giờ tôi xin phép trở lại công việc.

Nguyễn Văn và Thái Phiên tỏ vẻ biết ơn. Tài chủ quay đi.

Thái Phiên - Tôi làm lạ thấy một số Hoa kiều ủng hộ chúng ta, bất chấp nguy hiểm.

Nguyễn Văn - Trung Hoa bị Pháp và các nước phương Tây khác giày xéo. Không thể chiến đấu ngay trong đất nước, Hoa kiều chọn cách đánh trả tại nơi họ đang sinh sống.

Nguyễn Văn (đổi câu chuyện) - Tôi đang lo anh không đến được.

Thái Phiên - Xin lỗi. Tôi phải tránh mấy trạm gác mới xuất hiện trên đường.

Nguyễn Văn - Có vẻ mật thám Pháp đánh hơi được điều gì.

Thái Phiên - Hội chủ Sào Nam đang bị giam ở Quảng Đông, ai chủ trì hội nghị?

Nguyễn Văn - Đặc phái viên Tân Dương, thuộc Quan Phục Quân, tổ chức quân sự của Hội. Người này tuy phụ nữ, còn trẻ, nhưng văn võ song toàn.

Trần Cao Vân (50 tuổi, râu ba chòm, giống một đạo sĩ hơn là nhà Nho, từ trong mật phòng bước ra) - Thái đệ đây rồi, vào cả đi, chúng ta bắt đầu thôi!

  • Nội đêm. Mật phòng.

Ánh sáng lung linh, chấp chới của những ngọn đèn bạch lạp. Quốc kỳ của Việt Nam Quang phục hội đính trên mảng tường chính.

Bảy gương  mặt  trang  nghiêm của bảy nhân vật chủ chốt Việt Nam Quang phục hội tại Trung kỳ. Thái Phiên trẻ nhất, cũng là người duy nhất mặc Âu phục. Mọi người hướng về Tân Dương (chừng 25 tuổi, đầu vấn khăn, mặc áo ngũ thân vạt ngắn dành cho con nhà võ, mang giày vải) đứng bên phải quốc kỳ, đang trình bày kế hoạch khởi nghĩa.

Tân Dương - … Phong trào Đông Du của chúng ta gặt hái được những kết quả ban đầu trong sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo lực lượng thanh niên đủ trình độ tri thức khoa học và quân sự, có thể đối địch với quân xâm lược phương Tây. Nhưng mới đây Nhật hoàng đã nhượng bộ Pháp, không cho phép trường công lập Nhật Bản thu nhận du học sinh Việt Nam. Học phí các trường tư thục ở Nhật rất cao, trở thành gánh nặng tài chính. Mặt khác, ở trong nước, Pháp và Nam triều ra tay trừng phạt những gia đình có con em du học. Người yêu nước đóng góp tài chính ủng hộ Đông Du cũng bị chúng theo dõi, đe dọa.

Tân Dương ngừng lại. Dẫu việc đã xảy ra và ai cũng biết, nhưng lời cô vẫn khiến mọi người buồn hận.

Tân Dương (tiếp) - Vì vậy, Phan hội chủ đã chuyển Duy Tân Hội thành Việt Nam Quang phục hội. Chúng ta đã ném tạc đạn giết sĩ quan Pháp ở Hà Nội, tấn công đồn Tà Lùng ở Cao Bằng, phá ngục Lao Bảo ở Quảng Trị, gây được tiếng vang. Thời cơ đã đến, từ nhà lao Quảng Đông, tiên sinh quyết định khởi nghĩa và vận động vua Duy

Tân tham gia để tranh thủ dân tình, giới sĩ phu, quan lại và hoàng phái. Và Trung kỳ bộ được giao trọng trách chỉ huy cuộc khởi nghĩa này.

Tân Dương lại dừng. Lần này bảy gương mặt chí sĩ bừng hạo khí.

Tân Dương (tiếp) - Tôi vinh dự được hội chủ giao trách nhiệm đặc phái viên, về nước phối hợp. Việc quan trọng hàng đầu là thuyết phục nhà vua giương cao ngọn cờ khởi nghĩa. Công đầu này, tổng bộ quyết định trao cho chư huynh Trần Cao Vân và Thái Phiên.

Trần Cao Vân cùng Thái Phiên bước lên, đứng bên trái quốc kỳ, tiếp nhận chỉ thị của Tổng bộ. Bỗng chuông báo động rung lên. Nguyễn Văn, nhân vật phụ trách phân hội tại Hội An, lập tức ứng phó. Anh mở cửa sau của mật phòng. Tài chủ đã chờ sẵn, vội bước vào thu hồi lá quốc kỳ.

Tài chủ - Mật thám và lính kín vào tiệm giả làm thực khách. Không thấy ông Thái đâu, chúng đang dò hỏi tửu bảo. Vậy là chúng chưa biết hội nghị tổ chức ở đây.

Nguyễn Văn - Mọi  người  theo tài chủ thoát khỏi đây bằng đường bí mật. Anh Thái đã bị theo dõi, phải ra cửa trước với tôi, tránh cảnh cơ sở bị chúng lục soát.

Tân Dương và 5 thành viên Việt Nam Quang phục hội khác theo viên tài chủ rút khỏi mật phòng.

  • Nội đêm. Cầu thang tửu lâu.

Đầu cầu thang, Thái Phiên và Nguyễn Văn dừng lại quan sát. Trong ánh đèn lồng và bạch lạp, mật thám Pháp và lính kín (mặc thứ trang phục nửa Đông nửa Tây đặc trưng: áo ngũ thân vạt ngắn, quần tây, giày da) đang ngồi ở bàn sát chân cầu thang. Cả hai ngước nhìn Thái Phiên và Nguyễn Văn. Mật thám Pháp đút sẵn tay phải vào túi quần, thận trọng thủ “chó lửa”. Nguyễn Văn đưa mắt nhìn Thái Phiên trước khi xuống cầu thang. Mật thám Pháp hất hàm, lính kín liền chặn ở chân cầu thang.

Lính kín - Giấy tùy thân…

Chưa nói hết câu hắn lãnh cú đá bất ngờ của Nguyễn Văn vào thái dương, ngã văng bất tỉnh. Mật thám Pháp ngẩn người giây lát trước khi rút “chó lửa” khỏi túi quần. Nhưng phi đao họ Nguyễn kịp cắm phập vào cổ tay hắn, khẩu súng ngắn rơi xuống sàn. Thực khách trong quán xô đẩy nhau chạy tán loạn. Nguyễn Văn kéo Thái Phiên nhập vào đám đông, thoát ra đường.

  • Ngoại đêm. Cổng hiệu buôn Vạn Xuân.

Chia tay Nguyễn Văn trong bóng tối con hẻm, Thái Phiên quan sát trước khi bước đường Rue du Cantonnais vắng vẻ.

Âm thanh - Tiếng còi cảnh sát từ xa vọng lại.

Thái Phiên chỉnh đốn trang phục, lấy vẻ ung dung băng qua đường, đến trước trước cổng lớn. Dưới đèn lồng là biển hiệu chữ Hán “Vạn Xuân Thương Điếm”. Anh kéo dây chuông. Người mở cổng là Ngọc Băng.

Thái Phiên (ngạc nhiên) - Người nhà đâu mà em chờ cửa?

Ngọc Băng - Cho chú ấy đi ngủ rồi. Ông vào đi, cảnh sát vừa đạp xe rảo quanh trên đường. Đêm nay chắc có biến. Thấy ông chưa về em lo lắm.

Thái Phiên (ái ngại và xúc động) - Xin lỗi đã làm phiền.

Ngọc Băng - Đừng nói vậy, ông về đến đây là em mừng rồi.

Thái Phiên bước vào cổng.

  • Ngoại đêm. Sân hiệu buôn.

Ngọc Băng (sánh vai Thái Phiên trên lối đi vào sân, tha thiết) - Em muốn ông không về muộn thế này nữa.

Thái Phiên (ngập ngừng) - Tối nay tôi có cuộc gặp các đồng nghiệp cũ ở Tam Kỳ ra chơi…

Ngọc Băng - Ông biết không, năm lên mười, mẹ bệnh nặng,  đêm  nào em cũng thức khuya cầu nguyện… Đêm nay em lại nghĩ đến chuyện cầu nguyện…

Thái Phiên bối rối, giữ im lặng.

Ngọc Băng - Ông có ước nguyện gì để cầu không?

Thái Phiên - Điều tôi mong ước không thể cầu xin.

Ngọc Băng - Em có thể biết mong ước của ông không?

Thái Phiên (dừng bước) - Cũng là mong ước chung của người Việt, một quê hương thanh bình.

Ngọc Băng (ngỡ ngàng, giọng lo lắng) - Hình như ông sắp đi xa?

Thái Phiên (giật mình,  thầm  lo bí mật của hội kín đã bị lộ) - Điều gì khiến em nghĩ vậy? 

Đôi mắt Ngọc Băng long lanh chực khóc, rồi quay đi. Thái Phiên theo sau, vẻ bất an.

Ngọc  Băng  (không  ngoảnh  lại)

- Em không biết nữa, chỉ là linh tính thôi.

Thái Phiên lấy lại bình tĩnh. Nhưng lòng anh lại không yên trước những biểu lộ tình cảm của cô gái.

Ngọc Băng - Ước gì là con trai, em sẽ đi theo ông. Mà không cần là con trai, em giả trai cũng được. Đọc truyện, thấy nhiều nhân vật như vậy đó. Nhưng ông có cho em theo không?

Thái Phiên (che giấu rung động) - Mà tôi thì biết đi đâu chứ? (Rồi chuyển giọng “thầy giáo”) Mai gặp nhé. Chúng ta sẽ đọc truyện Les Étoiles của Alfonse Daudet.

Ngọc Băng (trở lại vẻ nhí nhảnh vô tâm) - Ôi thích quá. Em cảm ơn ông!

  • Ngoại. Nửa đêm về sáng. Chân rặng núi Phước Tường phía tây thành phố Đà Nẵng.

Mật thám Pháp tay phải băng vết thương, cùng một lính kín người Việt cưỡi ngựa lên đỉnh ngọn đồi, dừng lại. Lính kín chỉ tay vào một trong vài khóm nhà xa xa dưới chân núi Phước Tường, lúc này chỉ có thể nhận ra bởi những ánh đèn le lói.

Lính kín - Sa maison est là-bas, Chef! (Nhà hắn kia, thưa Sếp!)

Mật   thám   Pháp   -  Très   bien.

Allons-y! (Hay lắm. Nào!)

Chủ tớ phóng ngựa xuống chân đồi, mờ khuất trong đêm tối.

  • Nội. Nửa đêm về sáng. Nhà rường dưới chân núi Phước Tường.

Gian phòng được ngăn đôi bởi bức màn vải hoa, bên trong làm nơi nghỉ của chủ nhân, bên ngoài đặt khung cửi. Thục Đoan xõa mái tóc dài. Đôi tay trắng mịn thoăn thoắt dệt lụa.

Âm thanh - Xa quay bằng gỗ phát âm điệu đều đều buồn man mác, như ru thiếu phụ vào nỗi cô tịch của đêm. Tiếng chó bỗng tru đầu xóm núi.

Thục Đoan ngừng tay, nghiêng nhìn qua ô cửa. Mảnh trăng non hạ tuần như gợi nhớ.

Hồi tưởng - Trăng lên, Thái Phiên về nhà không hẹn trước và nỗi vui mừng của người vợ có chồng có hành tung bí mật. Cảnh hạnh phúc kinh điển: Thái Phiên ngồi đọc sách. Gần đấy Thục Đoan dệt lụa. Trao đổi cái nhìn tình tứ, nồng ấm. Trăng tàn, Thục Đoan tiễn Thái Phiên lên đường …

  • Nội. Nửa đêm về sáng. Nhà rường.

Âm thanh - Tiếng chó tru lại cất cao, kéo dài, đánh thức tất cả chó trong xóm núi. Chúng sủa rân, càng lúc càng dữ. Tiếng vó ngựa rõ dần.

Thục Đoan thổi tắt ngọn đèn dầu, giấu mình trong bóng tối.

  • Ngoại. Nửa đêm về sáng. Sân nhà rường.

Lính kín xuống ngựa, đốt đuốc tre. Mật thám Pháp vẫn ngồi trên ngựa, tay (trái) thủ sẵn súng ngắn.

  • Nội. Nửa đêm về sáng. Nhà rường.

Ánh đuốc soi qua kẽ hở vách gỗ, chia cắt bóng tối trong gian phòng thành từng mảng. Thục Đoan rời khung cửi, lẩn vào sau bức màn vải hoa, nín thở chờ đợi.

  • Ngoại. Nửa đêm về sáng. Sân nhà rường.

Mật thám Pháp ra hiệu. Lính kín giương súng trường, thận trọng từng bước vượt qua quãng sân. Cánh cửa gỗ bật tung sau cú đạp quyết liệt. Lính kín ghé mắt nhìn vào, ngoảnh lại ra dấu không gặp đề kháng nào. Thầy trò mật thám Pháp xâm nhập ngôi nhà.

  • Nội. Nửa đêm về sáng. Nhà rường.

Sau một vòng lục soát không thấy Thái Phiên đâu, lính kín cắm đuốc lên vách, tóm lấy cườm tay Thục Đoan, dẫn đến trước mặt mật thám Pháp.

Lính kín - Thằng chồng phiến loạn của mày trốn đâu?

Thục Đoan (cố trấn tĩnh) - Chồng tôi làm viên chức Nhà nước Bảo hộ sao có thể gọi phiến loạn?

Lính kín - Nó bí mật làm kinh tài đưa du học sinh sang Nhật làm phản, mày khuyên nó đầu thú để được khoan hồng.

Thục Đoan - Tôi chỉ biết anh ấy làm thư ký ở Tòa Thương Chánh Tam Kỳ.

Lính kín (với sếp) - Elle dit qu’elle ne sait pas où est son mari. (Nó bảo không biết chồng nó đang ở đâu.)

Cái tát của mật thám Pháp khiến Thục Đoan té xuống sàn nhà, bất tỉnh.

Mật thám Pháp (với lính kín) - Trouvez-le dehors. Tant qu’il est dans le monde, il est impossible d’échapper à ma poursuite! (Hãy truy tìm bên ngoài. Miễn hắn còn sống, thì sẽ không thoát được tay tao!)

Lính kín tuân lệnh, ra ngoài. Mật tháp Pháp đích thân khám xét ngôi nhà. Lát sau hắn trở lại chỗ Thục Đoan và thấy nàng vừa hồi tỉnh. Nhan sắc của Thục Đoan khiến hắn sinh tâm. Phủ lên người Thục Đoan, hắn xé toang áo nàng, vùi mặt vào ngực nàng. Thục Đoan vùng vẫy nhưng bất lực dưới sức nặng và dục vọng điên cuồng của mật thám Pháp. Nàng cắn vào môi, phun máu tươi lên đôi mắt trừng trừng háo hức của mật thám Pháp, khiến hắn như mù, bật dậy. Thục Đoan lại ngất đi bởi những cái tát tới tấp. Gương mặt và bộ ngực trần của thiếu phụ lênh láng máu dưới ánh đuốc chập chờn trông như thấy ma khiến con quỷ râu xanh cụt hứng, uể oải cài lại thắt lưng.

Lau máu trên mặt, mật thám Pháp đi ra phía cửa. Bỗng hắn dừng lại, nhíu mày cân nhắc trước khi vớ cây đuốc tre trên vách, châm vào tấm lụa dệt dở dang trên khung cửi. Ngọn lửa như con rắn trườn sang bức màn bên cạnh, leo nhanh lên trần nhà, biến thành trăm con rắn lửa.

  • Ngoại. Nửa đêm về sáng. Sân nhà rường.

Mật thám Pháp và lính kín nhảy lên ngựa, ra roi phi nước đại, mất hút. Ngọn lửa hoang dại trùm kín ngôi nhà, chiếu sáng một góc núi Phước Tường.

Phương đông, cũng vừa ửng hồng bình minh một ngày mới.

  • Ngoại ngày. Biển Cửa Đại, Hội

Thuyền rời Cửa Đại sông Hoài, tiến ra biển. Buồm được giương lên, no gió nồm rẽ hướng Bắc.

  • Ngoại ngày. Mũi thuyền.

Trần Cao Vân đứng ở mũi thuyền, râu ba chòm lộng gió, mở rộng tâm nhìn. Năm ngọn Ngũ Hành, và phía xa là đỉnh Hải Vân. Kinh thành Huế, điểm đến của chuyến hải hành bí mật, còn mù khơi sau sóng biển.

  • Ngoại ngày. Khoang thuyền.

Thái Phiên nằm thiếp trong cơn sốt. Tân Dương ngồi cạnh, chườm khăn ẩm lên trán anh.

Thái Phiên (mê sảng) - Ta có lỗi với em… Thục Đoan… Ta có lỗi…

Trần Cao Vân bước vào khoang. Tân Dương ngước mắt nhìn Trần Cao Vân dò hỏi. Trần Cao Vân ngồi xuống, vén tay áo bắt mạch cho Thái Phiên.

Trần Cao Vân (với Tân Dương) - Cách đây ba ngày, Thái đệ nhận được hung tin: Mật thám Pháp đã đốt nhà và thiêu sống người vợ…

Tân Dương thở dài, giữ im lặng.

Trần Cao Vân (bắt mạch xong) - Chỉ là quá thương cảm. Khuây khỏa được tâm can thì khỏi.

Tân Dương - Tình cảnh thật đau lòng. Nhưng Thái huynh một mình mạo hiểm về làng Nghi An có thể làm hỏng đại sự.

Trần Cao Vân - Thái đệ muốn mang theo nhúm tro tàn của vợ yêu trong chuyến đi không hẹn ngày về. Tôi cũng chỉ biết sự tình trước lúc xuống thuyền.

Tân Dương nhìn lọ đựng nắm tro đặt cạnh Thái Phiên, không ngăn được nước mắt rưng rưng.

  • Ngoại ngày. Sân hiệu buôn Vạn Xuân.

Chiếc xe kéo đưa Ngọc Băng và Yến Nhi vào cổng. Xuống xe, Ngọc Băng nhanh chân băng qua sân hoa.

Yến Nhi (xách giỏ trái cây, chạy theo) - Mới một ngày một đêm mà học trò đã nhớ thầy giáo vậy à?

Ngọc Băng ngoảnh đầu, ra bộ đe dọa cô hầu, người nàng vẫn xem như em gái, chân tiếp tục đi nhanh.

Nguyễn Học (từ cửa văn phòng bước ra) - Về sớm vậy con. Thăm ngoại vui không?

Ngọc Băng (nhìn quanh như tìm kiếm ai trong khi trả lời) - Dạ vui. Con nhớ nhà, muốn về ngay à.

Yến Nhi (vừa đến, kịp nghe chuyện)

- Chẳng bù trước đây phải giục.

Ngọc Băng không quan tâm, đón giỏ trái cây trên tay Yến Nhi, vừa đi vừa chạy vào sân trong. Nguyễn Học nhìn theo với ánh mắt ái ngại.

Ngọc Băng (tới hàng hiên phòng dành cho gia sư) - Ông Thái, ông Thái ơi...

Không có tiếng trả lời.

Ngọc Băng (thấy cửa phòng mở, mạnh dạn bước vào) - Em mang trái cây vườn ngoại về biếu ông. (Chợt nhận ra căn phòng trống trải) Ông Thái, ông ở đâu?

Lời ngoài hình, giọng Nguyễn Học - Ông ấy đi rồi, con ạ.

Cô gái đứng sững, giỏ  trên  tay rơi xuống sàn, trái cây lăn long lốc. Nguyễn Học bước lại đỡ vai con.

Ngọc Băng - Ông Thái đi đâu vậy cha?

Nguyễn Học lặng lẽ lắc đầu.

Ngọc  Băng  (như  hỏi  người  vắng mặt) - Sao nỡ bỏ đi không nói lời từ biệt?

Nguyễn Học - Chú Văn vừa thú thực với cha về ông Thái…

Ngọc Băng (cắt lời) - Ông Thái thế nào hả cha?

Nguyễn Học - Ông Thái là nhà ái quốc con ạ. Ông ấy chỉ tạm lánh ở nhà ta một thời gian. Chỗ của ông ấy là nơi đầu tên mũi đạn…

Ngọc Băng (khóc òa, gục đầu vào vai cha) - Cha ơi, con chết mất!

Nguyễn Học (sợ hãi) - Đừng nói dại, cha van con.

Đôi vai run của Ngọc Băng dịu dần. Cô nhẹ nhàng rời vai cha. Nguyễn Học chết lặng thấy con đổi khác chỉ trong phút giây. Từ cô gái mới lớn nũng nịu, bướng bĩnh thành một thiếu nữ trầm khuất, lạnh lùng.

  • Ngoại đêm. Kinh thành huế. Tháng 5-1916.

Kiến trúc đại nội Huế trong một đêm trăng khuyết.

  • Nội đêm. Thư phòng.

Thái Phiên ngồi ở bàn cạnh cửa sổ nhìn ra sông Hương.

  • Ngoại đêm. Sông hương.

Ánh trăng mờ ảo trên sông. Con thuyền lững lờ trôi.

Âm thanh (hò mái nhì) - Thuyền từ Đông Ba thuyền qua Đập Đá/ Thuyền từ Vỹ Dạ, thẳng Ngã Ba Sình/ Lờ đờ bóng ngã trăng chênh/ Giọng hò xa vọng nhắn tình nước non…

  • Nội đêm. Thư phòng.

Tân Dương khẽ vén tấm sáo cửa phòng. Thấy Thái Phiên như kẻ vô hồn, nàng lắc đầu, bước đến đặt chén thuốc lên bàn.

Tân Dương - Huynh uống thuốc còn nóng cho hiệu quả.

Thái Phiên (trở lại thực tại) - Cảm ơn, muội chu đáo quá.

Tân Dương - Đừng bận tâm, mong huynh chóng hồi phục, và... (ngập ngừng).

Thái Phiên ngước mắt chờ.

Tân Dương (tiếp) - Và sớm nguôi buồn đau...

Lời của Tân Dương khiến Thái Phiên bối rối. Tránh không khí ngượng ngùng giữa hai người, anh bưng chén thuốc uống một hơi. Mỉm cười hài lòng, Tân Dương hơi cúi xuống, dùng khăn của mình thấm mồ hôi trên trán Thái Phiên. Để thoát cảm giác ngây ngất bởi mùi hương của nàng, anh chuyển sang “quốc sự”.

Thái Phiên - Có lẽ lúc này Trần huynh đã gặp thị vệ của hoàng thượng.

Tân Dương (cũng bừng tỉnh, lùi khỏi Thái Phiên, nối tiếp mạch chuyện)

- Muội tin hoàng thượng sẽ đáp lại thỉnh cầu của Hội. Ngài là vị vua tuổi trẻ chí lớn nhưng lên ngôi lúc nước đã mất, vua cha bị giặc lưu đày, triều thần phần lớn giá áo túi cơm. Từ lâu ngài tìm cách liên lạc sĩ phu yêu nước mưu việc phục quốc, nhưng quanh ngài nhiều tai mắt của Tòa Khâm nên khó lòng thực hiện. Đó cũng là cái khó của chúng ta…

Hai người bỗng ngừng.

Trần Cao Vân (vén mành sáo bước vào) - Tốt đẹp cả rồi!

Tân Dương và Thái Phiên cùng thở ra nhẹ nhõm, nhìn nhau.

Thái Phiên (rót chén rượu mời Trần Cao Vân bằng hai tay) - Kính huynh công đầu.

Trần Cao Vân - Đa tạ. (Nhắp ngụm rượu, tiếp) Sau khi xem thư của Phan tổng lý, hoàng thượng cho trưởng thị vệ đại nội Tôn Thất Đề và suất đội Nguyễn Quang Siêu gặp tôi để xếp đặt cuộc hội kiến. Ngày mai, giờ ngọ, đội Siêu sẽ báo địa điểm và mật khẩu.

  • Ngoại đêm. Mồng 2 tháng 4 năm Bính Thìn/ 3.5.1916. Thuyền trên sông Hương.

Trong ánh sáng đèn gió trước mũi thuyền là những gương mặt không giấu được vẻ căng thẳng của Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tân Dương.

Trần Cao Vân (với nghĩa quân chèo thuyền) - Cho thuyền vào gần bờ, quan sát rõ hơn.

Bến Thương Bạc ngái ngủ, như thể đêm nay cũng như bao đêm bình thường khác. Dãy đèn lồng vẫn lung linh soi bóng xuống mặt sông vắng lặng.

Thái Phiên (với Trần Cao Vân) - Đệ không thích sự yên tĩnh bất thường này.

Trần Cao Vân - Có những tình thế dễ sinh nghi ngại.

Thái  Phiên  (với  Tân  Dương)  - Huynh muốn lên bờ thăm dò tình hình.

Tân Dương - Trọng trách của huynh là đón hoàng thượng, việc thám thính để muội.

Còn cách vài sải tay, Tân Dương đã nhún chân nhảy lên bờ. Thuyền chỉ chao nhẹ, mọi người thầm phục.

Trần Cao Vân (đưa cao chiếc còi sừng trâu, với Tân Dương) - Nếu bọn huynh đón được hoàng thượng, sẽ nổi còi gọi muội.

Với thuật phi hành, phút chốc Tân Dương mất hút trong bóng tối và sương mù.

  • Ngoại đêm. Bên trong hoàng thành.

Âm thanh - Tiếng trống điểm canh.

Trong phục trang nho sĩ, vua Duy Tân (16 tuổi, gầy cao, đeo kính trắng gọng tròn), trưởng thị vệ Tôn Thất Đề (45 tuổi, mập, râu quai nón), suất đội Nguyễn Quang Siêu (30 tuổi, thanh tú), bí mật rời hoàng cung. Trên đường, họ lẩn vào góc tối mỗi khi gặp đội tuần vốn là người dưới quyền. Thầy trò nhà vua cũng như các đội tuần đều không phát hiện một bóng đen thoắt ẩn thoắt hiện. Lát sau, khi vượt qua một góc thành, bóng đen dừng lại nhìn quanh, bối rối: Không bóng người. Quan sát mặt đất, dấu giày dẫn hắn đến một miệng cống ngầm xả nước mưa trong hoàng cung ra hào hộ thành. Rồi lại mất hút. Nhíu mày nghĩ giây lát, hắn nở nụ cười trước khi nhảy lên đầu tường thành, thuật phi hành không kém Tân Dương.

  • Ngoại đêm. Bờ đông hộ thành hào.

Hộ thành hào bao quanh phía ngoài chân hoàng thành, mặt nước được tô điểm bởi sen đang vào mùa hoa.

Âm thanh - Tiếng mái chèo.

Từ trong sương mù thuyền của vua tôi Duy Tân xuất hiện, cặp bờ đông. Tôn Thất Đề gác mái chèo, nhảy lên bờ. Một chân dằn mũi xuồng, giữ cố định, ông đưa tay đón nhà vua. Nguyễn Quang Siêu rời xuồng sau cùng. Tôn Thất Đề đạp mạnh, xuồng lùi khuất trong sương mù.

Tôn Thất Đề - Khởi giá ngay mới kịp giờ hẹn với nghĩa quân ở Bến Thương Bạc.

Đúng lúc ấy, một giọng nói cất lên.

Lời ngoài hình - Xin hoàng thượng tha tội bất kính cho hạ thần.

Vua tôi Duy Tân giật mình nhìn lên hướng phát tiếng nói. Bóng đen từ trên cây sứ bên bờ hào nhẹ nhàng buông mình xuống đất, quỳ phục trước nhà vua. Tôn Thất Đề rút soạt thanh kiếm.

Bóng đen (giữ lễ nhưng cương quyết) - Hạ thần có trọng trách rước hoàng thượng hồi cung, không để bọn phản nghịch tác yêu tác quái.

Ba người nhận ra kẻ mặc trang phục dạ hành là ai.

Vua Duy Tân (thở dài) - Trần Quang Trứ, không ngờ một quan triều như ngươi lại làm mật thám cho Tây.

Trần   Quang   Trứ   (không   nao núng)  - Thần  chỉ  một  lòng  bảo  vệ hoàng thượng khỏi âm mưu tạo phản.

Tôn Thất Đề nóng nảy phóng một kiếm vào ngực Trứ. Nghiêng người tránh, Trứ tung mình đứng lên.

Trần Quang Trứ (với Tôn Thất Đề) - Quan huynh chớ buộc ta thất lễ. Hãy cùng nhau rước hoàng thượng hồi cung.

Không đáp, Tôn Thất Đề lại vung kiếm. Trứ không dám coi thường bậc cao thủ đại nội, rút đoản đao tiếp chiêu. Vua Duy Tân và Nguyễn Quang Siêu lo lắng khi Tôn Thất Đề trúng một đao vào vai và bị dồn đến bờ hào. Không gây sát thương, Trứ tung một cước vào ngực quan hộ giá khiến ông rơi tòm xuống hào. Nguyễn Quang Siêu đành để nhà vua đứng một mình, rút kiếm đánh chặn Trứ. Tôn Thất Đề lóp ngóp leo lên bờ, tiếp chiến. Một chọi hai nhưng Trứ tỏ ra không nao núng.

  • Ngoại đêm. Bên ngoài hoàng thành.

Tân Dương trên đường thám thính, bỗng dừng lại lắng nghe.

Âm thanh - Tiếng binh khí va chạm.

  • Ngoại đêm. Bờ đông hộ thành hào.

Cuộc đấu giữa hai thị vệ và Trứ đang hồi quyết liệt. Tân Dương.

Tân Dương (từ trong bóng tối lướt ra, với vua Duy Tân) - Thần đắc tội chậm trễ. (Với Đề và Siêu) Nhị vị hộ giá hoàng thượng, kẻ này để tôi.

Dứt lời, Tân Dương rút kiếm tấn công Trần Quang Trứ. Nhân lúc, vua tôi Duy Tân thẳng hướng Bến Thương Bạc. Trận đấu kéo dài, bất phân thắng bại. Trứ lập mưu nhảy xuống hào, lặn mất. Tân Dương đang bối rối, bỗng nghe tiếng còi ám hiệu của Trần Cao Vân.

  • Ngoại đêm. Bến Thương Bạc.

Tân Dương (đưa mắt ưu tư nhìn về phía Tòa Khâm đang sáng đèn) - Hẳn Trứ đang báo tin cho Khâm Sứ.

Trần Cao Vân - Rời khỏi đây ngay. Chúng đã biết địa điểm đón hoàng thượng.

Tôn Thất Đề - Đúng vậy.

Một luồng xao động truyền qua mọi người trong im lặng nặng nề. Trần Cao Vân nhìn vào khoang thuyền. Nhà vua đang đóng quốc ấn lên các mật chỉ, Nguyễn Quang Siêu đứng hầu bên cạnh.

Trần Cao Vân (quay sang Tôn Thất Đề) - Quan huynh, tôi cần ấn tín của hoàng thượng.

Tôn Thất Đề (ngần ngại) - Huynh có cao kiến gì chăng?

Trần Cao Vân - Tòa Khâm sẽ kiểm soát mọi nẻo đường, ta khó lòng thoát khỏi. Vậy nên dùng mưu, khiến chúng tập trung vào một hướng. (Ngưng một giây, tiếp) Nguyễn Lâm là hội viên Quang Phục giấu thân phận trong vỏ bọc chánh đội khố đỏ. Người này nộp Tòa Khâm ấn tín của hoàng thượng và loan tin đi tuần nhặt được ở đầu cầu Đập Đá. Chúng sẽ phán đoán hoàng thượng đánh rơi trên đường xuống cửa Thuận An, rời kinh thành bằng đường biển. Trong lúc ấy ta rước hoàng thượng vào Quảng Nam theo đường núi.

Tân Dương - Hay lắm.

Trần Cao Vân (với Tôn Thất Đề) - Quan huynh nghĩ sao?

Tôn Thất Đề - Diệu kế. Tôi sẽ tâu hoàng thượng.

Nói rồi quan hộ giá đi vào khoang thuyền.

Thái Phiên - Việc này sẽ giúp ta có thêm thời gian rút lui.

Tân Dương - Ngoài đoàn hộ giá hoàng thượng, số anh em còn lại sẽ chia nhau đến các cánh quân, truyền lệnh hoãn khởi nghĩa để tránh tổn thất.

Trần Cao Vân - Để tôi lo.

Nói xong, ông lên bờ giao việc cho các đầu lĩnh nghĩa quân.

Trên mũi thuyền chỉ còn Tân Dương và Thái Phiên. Hai người nhìn nhau trong im lặng, ánh mắt chia sẻ buồn lo, thất vọng. Gió trên mặt sông xao xác thổi bung khăn vấn đầu của Tân Dương. Thái Phiên nhặt khăn, trao cho nàng. Tóc dài bay chạm vào mặt anh, gửi lại thoảng hương thầm.

(Xem tiếp số sau)

V.Q

Bài viết khác cùng số

Ra Trường Sa nhớ Hoàng SaĐam mêBóng ngả chân trờiNgười đọc sáchBiển và ngườiNhững mảnh trăng hao khuyếtLên Tà Lang nghe kể chuyện cây Tà VạtĐà Nẵng thức giấcTruyền thuyết về một ngọn núiKý ức trường xưa trên đất BắcHấp dẫn Quảng ĐàAnh - Người Chiến sĩSáng tác ca khúc - Thế mạnh của Hội Âm nhạc Đà NẵngChuyển đổi số với văn hóa dân gian Đà NẵngNhiếp ảnh Đà Nẵng trong sự chuyển mình của công nghệ sốTừ Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng - Nghĩ về một thành phố điện ảnhĐịnh hướng phát triển múa đương đại thành phố Đà NẵngVăn học, Nghệ thuật Đà Nẵng - Thành tựu và triển vọngThơ Đỗ Ngọc HanhThơ Nguyễn Minh HùngThơ Trác MộcThơ Vạn LộcThơ Huỳnh TrâmThơ Thy NguyênThơ Tăng Tấn TàiTình phù saThơ Lương Cẩm QuyênSáng đứng đầu sông cho gió bayChiếc gối lá đinh lăngCó một Hà Nội của chúng mìnhThơ Trần Văn ThọThơ Trần Trình LãmTrò chuyện cùng hoa dạiThơ Trương Thị Bách MỵThơ Long VânThơ Nguyễn Đức DũngThơ Thanh Dương HồngĐất nước tôi mang hình núiThơ Nguyễn Văn TámThơ Nguyễn Hoàng ThọThơ Bùi Công MinhMỹ thuật Đà Nẵng - Xu thế phát triển và hội nhậpKiến trúc cũ trong đô thị hiện đại: Hạn chế hay cơ hộiĐiện ảnh - Nhịp cầu vàng phát triển Đà NẵngVề miền biên viễn cùng Trần Ngọc ĐứcTrên lá sâu vẽ bùa - thái độ sống đầy trách nhiệmMột số quan điểm cách mạng, tiến bộ của Nguyễn Đình Thi trên lĩnh sáng tác Văn học và Nghệ thuậtMưa phố cổ dâng nhớ thương*Đọc văn học là đọc văn hóaCon người mong manh trong Người ăn chayThế giới nghệ thuật thơ Đinh Thị Như ThúyTạo nguồn văn nghệ sĩ trẻ cho văn học nghệ thuật Đà NẵngTạp chí Non Nước - Cùng nhịp đập cuộc sống hôm nayNgười Đà Nẵng với thi pháp học hiện đạiThiếu nữĐường ra chợSoi BóngChiều bên bến cảngTừ trái tim đến trái timTrong sươngĐà Nẵng gợi thương gợi nhớLá rơiBiển vẫn hát bài ca bất tửƯớc mơ Việt Nam