Lên Tà Lang nghe kể chuyện cây Tà Vạt
Cây Tà vạt
Vừa rồi, người viết được cô đồng nghiệp cơ quan cũ rủ “đi thực tế” để lấy tư liệu viết bài về đề tài nông nghiệp-nông thôn. Cùng đi còn có Phạm Thanh Hoàng, một bạn trẻ đang là chủ một công ty có trụ sở ở Đà Nẵng, có cái tên chẳng liên quan đến nông nghiệp - nông thôn là Công ty TNHH MTV Xã hội Sông Hàn, nhưng chủ nhân của nó lại đam mê với những sản vật từ núi rừng và luôn ước muốn bảo tồn, khai thác, tạo ra những sản phẩm “độc lạ”, qua đó giúp người dân miền núi khó khăn, đặc biệt là bà con đồng bào Cơ Tu có thêm thu nhập, cải thiện đời sống và sâu xa hơn, góp phần đánh thức tiềm năng của vùng Tây Bắc huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.
Trên xe tôi nghe Hoàng say sưa kể về các loại cây nghe lạ tai của vùng Tây Bắc, Đà Nẵng - Quảng Nam như: Tà vạt, Tr’đin, Đủng đỉnh, Đoát... những loại cây đã quen thuộc với bà con đồng bào Cơ Tu từ bao đời nay, cho ra đời những sản phẩm bổ dưỡng mà không phải ai dưới xuôi cũng biết được. Công việc của Hoàng là phối hợp với các bạn trẻ “có uy tín” của thôn Tà Lang bảo tồn, nhân giống và phát triển các loại cây đó một cách bài bản, có quy mô và sản phẩm làm ra có thương hiệu, được đăng ký chất lượng và cũng là sản phẩm OCOP của địa phương, thông qua một dự án có tên Phát triển sản phẩm mật đường từ cây Tà vạt ở xã Hòa Bắc.
Tà Lang, cái thôn tận cùng của Hòa Bắc nay đã đổi mới nhiều so với những năm 80-90 của thế kỷ trước. Đường giao thông đều đã được tráng nhựa, bê tông, đời sống bà con Cơ Tu và những người dân nơi đây đã thay đổi rất nhiều. Đặc biệt, sự năng động, sáng tạo của các bạn trẻ, nhất là những người có kiến thức cơ bản về nhiều lĩnh vực không chỉ giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống mà còn giúp phát triển kinh tế bền vững. Tôi khá ấn tượng khi thấy cây Tà vạt với những chùm quả trĩu nặng đang đến độ thu hoạch. Khi được nghe bà con nơi đây kể về xuất xứ, lai lịch của cây Tà vạt, loại cây đã làm những người trẻ “dưới phố” như Hoàng “mê mẩn” bỏ công sức cùng các bạn đồng chí hướng hiện thực hóa ước mơ tạo thương hiệu mới cho Tà vạt, qua những sản phẩm độc đáo cho vùng đất thanh bình này.
Nói về Tà vạt, đây là loại cây giống như cây dừa, được người Kinh gọi là “dừa núi” hoặc cây Đoát, là một loại cây có thân to khỏe, nhiều đốt dày, lá thưa, dễ chùm, sống gần khe suối, hồ để hút ẩm. Trái của cây Tà vạt ngọt dịu, phảng phất mùi hương của đường Thốt nốt, có nhiều ở khu vực rừng ẩm thấp ven suối của xã Hòa Bắc và vùng rừng núi phía Tây Đà Nẵng và Quảng Nam.
Người viết đã đôi lần nghe nhắc đến oại cây này với những sản phẩm xuất xứ từ nó như nước cốt, mật đường, rượu... nhưng chưa được mục sở thị. Lần này, được sự mách bảo của Hoàng, cũng là chủ dự án khôi phục và bảo tồn cây Tà vạt, người viết đã tận mắt chứng kiến cây Tà vạt tại thôn Tà Lang và đặc biệt là được gặp nhóm bạn trẻ người Cơ Tu, những người “có uy tín” của thôn bản như: Đinh Hin trưởng thôn, Phan Thanh Bình “thanh niên tích cực”... Tất cả họ có một điểm chung là rất tâm huyết với loại cây này, muốn nâng tầm Tà vạt thành sản phẩm đặc trưng của quê hương Hòa Bắc. Thú vị hơn, tôi còn được các bạn ấy đưa đến nơi chuyên sản xuất rượu Tà vạt cũng như được nghe kể về “sự tích” của loại cây độc đáo này.
Để làm rượu Tà vạt, bà con chọn những cây thân to, mập mạp, sau đó làm một cái giàn dưới gốc để có thể lên đến các buồng trái cho dễ dàng. Thường mỗi cây Tà vạt cho 4-5 buồng, nhưng mỗi lần lấy “nước cốt” để làm rượu chỉ chọn lấy nước của một buồng có trái cỡ bằng ngón tay cái trở lên sẽ cho nước nhiều hơn thì rượu sẽ ngon hơn. Cứ 3-4 ngày lại có người leo lên giàn giáo đập nhẹ, đều xung quanh cuống. Mỗi lần đập khoảng từ 1-2 giờ. Sau khoảng 4-5 lần đập, cắt ngang cuống buồng trái, dùng cọng và lá cây môn nước đã giã dập, bịt đầu vừa cắt rồi buộc lại, công đoạn này gọi là “nhử nước”. Khi theo dõi thấy mặt vết cắt nhỏ giọt nhanh, đều thì gạt bỏ lớp chất nhử, treo ống nhựa, lồ ô hoặc can để hứng. Chờ dung dịch này lên men, lấy vỏ cây chuồn, một loại cây có vị đắng, đập dập cho mềm rồi đưa vào dung dịch theo liều lượng thích hợp. Muốn rượu có độ rượu cao, vị đắng nhiều thì vỏ chuồn nhiều và ngược lại. Thời điểm nước cốt chảy ra nhiều nhất, một ngày đêm có thể lên tới 10-15 lít/cây, trung bình mỗi cây Tà vạt làm ra được khoảng 400 lít rượu.
Rượu Tà vạt có vị ngọt, đắng nhẹ, the the nơi đầu lưỡi. Có thể nói ít có loại rượu nào lại thơm ngon và bổ dưỡng như rượu Tà vạt. Loại rượu này không thể thiếu trong mỗi gia đình vào những dịp lễ hội, ngày tết của đồng bào dân tộc Cơ Tu. Nó cũng thường được dùng “lai rai” với những món ăn truyền thống của đồng bào cũng như dành để đãi khách quý.
Đến Tà Lang, tôi cũng tranh thủ tìm hiểu xuất xứ của loại rượu “độc nhất vô nhị này” qua bạn trẻ Phan Thanh Bình, một thanh niên có uy tín trong bà con người đồng bào Cơ Tu ở thôn Tà Lang. Chuyện kể rằng, bà con Cơ Tu trong một lần đi rừng, bắt gặp một bầy khỉ đang bu bám trên một buồng cây Tà vạt. Nhiều ngày qua lại nơi đây bà con thấy bầy khỉ vẫn chưa rời đi, vẫn đang “cắn xé” những chùm trái Tà vạt. Khi đến gần thì thấy có những giọt nước chảy ra, thấy vậy người dân đã đuổi bầy khỉ đi, nghĩ trong đầu giọt nước loại cây này khỉ uống được thì con người cũng uống được. Khi uống thử thấy có vị ngọt thanh, nên từ đó đồng bào đã khai thác, ban đầu chỉ hứng một ít đem về uống. Do có người dạ dày yếu, không thích hợp nên bị đau bụng, trong khi người bình thường thì không hề hấn gì. Từ đó, bà con nghĩ đến vỏ của một loại cây bỏ vào uống lại không bị đau bụng, đó là vỏ cây Chuồn, một loại thảo dược trị đau bụng đồng thời cũng là men để làm ra rượu Tà vạt. Từ nước cốt cây Tà vạt với chất “xúc tác” là vỏ Chuồn, sau quá trình lên mên sẽ làm ra sản phẩm “độc nhất vô nhị” mang tên “Rượu Tà vạt”.
Xung quanh cây Tà vạt còn có câu chuyện đẹp về những bạn trẻ có uy tín ở thôn Tà Lang, luôn đau đau một ước muốn nâng tầm cây Tà vạt của quê hương. Được sự đầu tư, đồng hành của Công ty TNHH MTV Xã hội Sông Hàn, nhóm bạn trẻ đã xây dựng dự án “Phát triển và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mật đường từ cây Tà vạt ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng” với mục đích xây dựng mô hình kinh doanh để thương mại hóa các sản phẩm từ cây Tà vạt như mật đường, rượu Tà vạt...; sơ chế và sản xuất mật đường từ cây Tà vạt với quy mô nhỏ tại vùng nguyên liệu; sản xuất sản phẩm mẫu phục vụ thương mại và nghiên cứu nâng cao chất lượng, hiệu suất tạo sản phẩm từ cây tà vạt; phân tích, đánh giá chất lượng sản phẩm và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm.
Hy vọng trong tương lai không xa, bạn bè và du khách gần xa sẽ biết thêm về một Hòa Bắc với những sản phẩm từ cây Tà vạt nức tiếng gần xa, được nghe câu chuyện thú vị về loại sản vật đặc trưng của vùng đất này, qua những bạn trẻ giàu nhiệt huyết, năng động, sáng tạo và rất yêu mảnh đất này.
D.H