Mỹ thuật Đà Nẵng - Xu thế phát triển và hội nhập
Không gian trưng bày các tác phẩm của triển lãm “Duyên xuân” giới thiệu nhiều tác phẩm có bút pháp đa đạng.
Trong thời kỳ đổi mới văn học, nghệ thuật nói chung, mỹ thuật nói riêng, luôn nhận được sự
quan tâm của Đảng và nhà nước, thể hiện trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng như: Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam có bước chuyển mình mạnh mẽ, sâu sắc, thực hiện tốt sứ mệnh cao quý trực tiếp xây dựng nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, bồi dưỡng, phát huy giá trị sáng tạo, dân chủ và nhân văn trên tinh thần văn hóa, bản sắc dân tộc, văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng.
Với ý nghĩa đó, trong thời gian qua, mỹ thuật Đà Nẵng nỗ lực hoạt động phong trào và sáng tác các tác phẩm mỹ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, phản ánh chân thật, sinh động, phong phú, sâu sắc về cuộc sống con người trên quê hương Việt Nam. Sự tự do sáng tạo của mỗi cá nhân họa sĩ tạo nên sự phong phú đa dạng về nội dung, phong cách nghệ thuật, dấu ấn đậm nét của cá tính trong sự tìm tòi, khám phá, sáng tạo được phát huy cao độ, thể hiện được tư duy sáng tác qua nhiều chất liệu, bút pháp. Sự cộng hưởng màu sắc, kết hợp đường nét, bố cục hình thành mỹ thuật Đà Nẵng đa phong cách, đa chiều như: Lập thể, trừu tượng, bán trừu tượng, dã thú, biểu hiện, cổ điển hay hiện thực, được thể hiện qua nhiều chất liệu khác nhau như sơn dầu, sơn mài, lụa, tempera, acrylic, phấn tiên, màu tổng hợp. Những chất liệu này đã giúp các họa sĩ thể hiện niềm đam mê và ý tưởng riêng biệt, tạo nên nhiều tác phẩm đặc sắc. Các họa sĩ như Vũ Dương, Duy Ninh, Hoàng Đặng, Phan Ngọc Minh, Nguyễn Trọng Dũng, Lê Đợi, Nguyễn Tường Vinh, Nguyễn Thị Dư Dư, Trần Thị Cúc, Thân Trọng Dũng… đã góp phần không nhỏ vào việc khẳng định thương hiệu mỹ thuật Đà Nẵng. Mỗi họa sĩ đều có cách thể hiện phong phú, đa dạng riêng, xuyên suốt quá trình sáng tác. Từ đó, góp phần xây dựng chung nền mỹ thuật đương đại Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị mỹ thuật truyền thống; đồng thời, xây dựng và phát triển các giá trị mỹ thuật hiện đại.
Ngoài ra, xu hướng tìm tòi thể nghiệm chất liệu và ngôn ngữ tạo hình đương đại được các họa sĩ trẻ, mới vào nghề quan tâm đặc biệt. Các tác giả đã tự tin hơn trong việc khẳng định cá tính sáng tạo và con đường nghệ thuật riêng, tạo chất liệu mới, dám nghĩ dám làm như họa sĩ Ngô Thanh Hùng, Phan Văn Thành, Đặng Thị Phượng. Thế hệ họa sĩ trẻ mang đến cho đời sống mỹ thuật biểu đạt - cảm nhận - cách nhìn mới, không chỉ khẳng định được tài năng trong sáng tác mà còn hướng đến thị trường buôn bán và sưu tập tác phẩm, có cơ hội mở rộng giao lưu với các nền nghệ thuật ở các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội... Về mặt nghệ thuật, trên cơ sở đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tôn trọng sự tự do sáng tạo, những năm qua, có nhiều xu hướng nghệ thuật đan xen cùng phát triển. Các hình thức nghệ thuật đa dạng, nhiều sắc thái từ bút pháp đến phong cách, tiếp thu tinh hoa các trào lưu nghệ thuật tiên tiến và kế thừa thành tựu của các thế hệ đi trước. Các loại hình mỹ thuật như hội họa, đồ họa, điêu khắc, mỹ thuật ứng dụng, mỹ thuật cộng đồng phát triển khá đồng đều và đa dạng.
Trong bối cảnh hiện nay đồ họa có bước phát triển mạnh mẽ và phổ biến. Đồ họa giá vẽ bên cạnh những chất liệu truyền thống như khắc gỗ, khắc thạch cao, in đá, in lưới... Đồ họa Đà Nẵng đã phổ biến các kỹ thuật mới được ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại như: gò nhôm, khắc kẽm, in meca, in độc bản, khắc gỗ phá bản, collagraph... Các họa sĩ, có sự tìm tòi thể nghiệm hướng đi mới, nâng cao chất lượng về ngôn ngữ và kỹ xảo tạo hình cho các tác phẩm mang hơi thở của thời đại trong đồ họa tạo hình như: Nguyễn Tiến Việt, Phan Thanh Hải, Đỗ Thanh, Trương Nguyễn Nguyên Kha, Huỳnh Thị Thắng, Trần Hữu Cân… Vấn đề quan trọng và giá trị cốt lõi là đồ họa hiện đại thấy được giá trị gì trên từng tác phẩm, không chạy theo số lượng tác phẩm, phân cấp chất lượng nghệ thuật… Ngoài ra mỹ thuật Đà Nẵng thiếu vắng đồ họa công thương nghiệp, thiết kế đồ họa. Trong cơ chế thị trường hiện nay thiết kế đồ họa đang góp phần vào chất lượng sản phẩm ứng dụng phục vụ đời sống con người và xã hội. Đồ họa ấn loát như bìa sách, minh họa, truyện tranh, trang trí thiết kế sách, đã có sự phát triển mạnh mẽ, nhất là trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, cần hình thành một đội ngũ họa sĩ, nhà thiết kế về các thể loại đồ họa này.
Ngoài hai tác giả được Giải thưởng Nhà nước (nhà điêu khắc Phạm Hồng và họa sĩ, nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng). Điêu khắc Đà Nẵng cần có sự đột phá về ngôn ngữ, bố cục, chất liệu, tạo nên một diện mạo mới cho các tác phẩm điêu khắc. Điêu khắc ngoài trời (bao gồm tượng đài, phù điêu, biểu tượng) và điêu khắc tượng vườn cần có những bước phát triển mạnh mẽ. Tổng quan chung, chất lượng các tượng đài đã được nâng lên từ ngôn ngữ nghệ thuật tới không gian và cảnh quan của tác phẩm. Những năm gần đây, các tượng ngoài trời với nhiều phong cách, thay đổi về ngôn ngữ nghệ thuật đã làm phong phú không gian nghệ thuật, sự đa dạng của tượng ngoài trời, góp phần hình thành một không gian sáng tác chuyên biệt.
Sự phát triển của mỹ thuật không chỉ tập trung ở giá trị cốt lõi về tinh thần, mà còn đóng góp lớn vào việc phát triển tư duy và tính sáng tạo của người nghệ sĩ. Tuy nhiên, hiện nay, mỹ thuật Đà Nẵng còn thiếu những tác phẩm có giá trị cao, phản ánh vấn đề lớn của lịch sử và xã hội một cách sâu sắc. Đặc biệt là về đề tài lịch sử, chiến tranh, cách mạng và những vấn đề thời sự của đất nước, như công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biển, đảo quê hương... cần được đội ngũ nghệ sĩ Đà Nẵng quan tâm sáng tác… Trong sáng tác, bên cạnh những tác phẩm có chất lượng cao, vẫn còn nhiều tác phẩm còn hạn chế, chưa thể hiện được tính tiên tiến, bản sắc dân tộc, còn ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Một số họa sĩ còn hạn chế trong việc tiếp cận và nhận thức những vấn đề mới của đời sống xã hội, mang tính lịch sử trong thời kỳ mới của đất nước. Có biểu hiện xa lánh những đề tài lớn của đất nước, thiếu chức năng giáo dục, quá nhấn mạnh tính giải trí… Hoạt động mỹ thuật trong thành phố có sự phát triển khá đồng đều, sôi động, tuy nhiên tính chuyên nghiệp vẫn chưa cao. Ngoài một số tác giả sống được bằng tác phẩm của mình thì còn nhiều tác giả chưa thường xuyên sáng tác, chưa thực sự sống được bằng những tác phẩm của mình.
Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng và các hội chuyên ngành trong đó có Hội Mỹ thuật cần chú trọng chăm lo bồi dưỡng, nâng cao trình độ, bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân cho hội viên; tham mưu với các cấp ủy, chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật các chính sách bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của đội ngũ văn nghệ sĩ; tạo điều kiện tự do sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật; ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, tư tưởng lệch lạc, sai trái trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Luôn chăm lo phát triển văn học, nghệ thuật là mục tiêu và động lực, góp phần hoàn thiện giá trị, nhân cách con người, mục đích hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ.
Hiện nay, đội ngũ nghiên cứu lý luận, phê bình mỹ thuật vẫn còn mỏng; nhiều bài viết về lý luận và phê bình mỹ thuật vẫn chưa thực sự hấp dẫn và sâu sắc, lãnh đạo Liên hiệp Hội cần quan tâm chỉ đạo sâu sát, đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, phê bình mỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng sáng tác mỹ thuật. Gắn công tác nghiên cứu lý luận, phê bình với thực tiễn; đẩy mạnh nghiên cứu, giới thiệu quảng bá tác phẩm mỹ thuật. Lựa chọn những đề tài nghiên cứu lý luận, phê bình mỹ thuật để giới thiệu, xuất bản. Xây dựng hệ thống lý luận mỹ thuật…
Thời gian tới, văn học, nghệ thuật thành phố cần bám sát đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong từng thời kỳ cách mạng để tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, có chất lượng các nhiệm vụ được giao. Bằng tâm huyết, trách nhiệm nghề nghiệp, lao động nghệ thuật không mệt mỏi, đội ngũ văn nghệ sĩ nói chung, mỹ thuật nói riêng cần xây dựng được khối đoàn kết, thống nhất để phát huy những giá trị cốt lõi của thời đại và khắc phục những khó khăn, vượt qua những hạn chế để cùng nhau sáng tạo nghệ thuật.
H.Đ.N.K