Tạo nguồn văn nghệ sĩ trẻ cho văn học nghệ thuật Đà Nẵng
Chương trình tham quan thực tế tàu cảnh sát biển tại vùng 3 Hải quân. Ảnh T.L
Những năm qua, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng (Liên hiệp Hội) đã có nhiều phương pháp nhằm tạo nguồn văn nghệ sĩ trẻ cho thành phố, trong đó có chương trình bồi dưỡng các em có năng khiếu văn học và mỹ thuật vào dịp hè bằng mô hình Trại sáng tác văn học nghệ thuật cho thiếu nhi vào dịp nghỉ hè. Hoạt động này đã góp phần định hình nhân cách cho học sinh và niềm tin để những các em có năng khiếu tiếp tục theo đuổi con đường đam mê với nghệ thuật của mình.
Sau khi đất nước thực hiện đổi mới, đến giữa thập niên 90 của thế kỷ XX là thời điểm các chương trình văn học, nghệ thuật dành cho thiếu nhi bắt đầu được tổ chức nhiều hơn, người dân cũng quan tâm hơn đến việc cho con em mình, nhất là những em có năng khiếu tham gia các chương trình bồi dưỡng nghệ thuật trong dịp hè hàng năm và tập trung chủ yếu ở 3 bộ môn: Âm nhạc, Hội họa và Văn học. Lĩnh vực âm nhạc có nhiều lợi thế hơn cả, do đây là thể loại tập trung hướng dẫn các em biểu diễn chứ không phải sáng tác, nên nó có thể được thực hiện bằng nhiều hình thức: truyền hình, phát thanh, dạy nhạc ở nhà thiếu nhi, nhà trường, cả phụ huynh cũng có thể hướng dẫn được các em cơ bản nhất. Nhiều chương trình, cuộc thi âm nhạc dành cho thiếu nhi như: Tiếng hát Hoa phượng đỏ, Tiếng hát măng non, Tiếng ca học đường, Gương mặt chim sơn ca,… được diễn ra mỗi mùa hè với quy mô toàn quốc lẫn ở các địa phương đã nhanh chóng thu hút được đông đảo các em thiếu nhi tham gia và sự quan tâm của người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, thời gian này, hội họa và văn học vẫn là hai bộ môn nghệ thuật được nhiều em thiếu nhi theo đuổi dù chưa có nhiều sân chơi. Nhiều tác phẩm truyện ngắn, thơ, tranh vẽ do các em thiếu nhi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng sáng tác đã được gửi đến cho Tạp chí Đất Quảng (trước ngày 01/01/1997) và Tạp chí Non Nước (từ sau ngày 01/01/1997). Trước thực tế đó, vào năm 1997 lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật thành phố, mà cụ thể là nhà thơ Thanh Quế với vai trò là Quyền Chủ tịch Hội đã họp với các thành viên Ban Chấp hành và một số văn nghệ sĩ tâm huyết như họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ, nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Minh Hùng và quyết định sẽ xin kinh phí thực hiện chương trình bồi dưỡng các em có năng khiếu văn học và mỹ thuật vào dịp hè bằng mô hình Trại sáng tác với tên gọi ban đầu là Trại sáng tác văn nghệ thiếu nhi hè. Từ đó, mô hình này chính thức ra đời từ năm 1997.
Để thực hiện mô hình này, Hội Văn học Nghệ thuật thành phố đã chủ động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố lựa chọn những em học sinh có năng khiếu thông qua các hình thức tuyển chọn cấp trường, Phòng, Sở rồi gửi danh sách chính thức về cho Hội để đăng ký tham gia trại. Do điều kiện chưa cho phép, nên thời gian đầu số lượng các em được tham gia trại thường khoảng 20 em cho cả hai bộ môn có độ tuổi từ Trung học cơ sở đến Trung học phổ thông. Trại thường diễn ra trong 15 ngày, trong đó sẽ có các nội dung bồi dưỡng tại chỗ, tham quan thực tế, còn lại là sáng tác tại nhà. Kế hoạch và nội quy trại được phổ biến cụ thể cho phụ huynh và học sinh.
Để chuẩn bị cho chương trình trại, ở bộ môn văn học, Ban Tổ chức đã mời các nhà văn, nhà thơ gạo cội như Thanh Quế, Ngân Vịnh, Võ Văn Đông, Trương Văn Ngọc, Trần Trung Sáng, Nguyễn Thị Thu Hương, Nguyễn Minh Hùng... tham gia giảng dạy và thẩm định tác phẩm. Về bộ môn mỹ thuật, buổi đầu có họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ và Nguyễn Thị Dư Dư phụ trách. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức cũng đã mời nhà thơ Ngô Liên Hương phụ trách bổ trợ cho các em về kiến thức tâm lý lứa tuổi ở mỗi đợt trại hàng năm.
Những đợt trại đầu tiên cứ thế lần lượt được tổ chức đều đặn, Ban Tổ chức, các thầy cô giáo luôn tìm cách để tạo không khí gần gũi, tự nhiên nhất trong quá trình gặp gỡ, trao đổi để các em dễ dàng tiếp thu thực hành sáng tạo nghệ thuật một cách thoải mái nhất. Chương trình thực tế được tổ chức bài bản và có sự thay đổi địa điểm khác nhau, các em được tham quan thực tế, trải nghiệm tại: Bà Nà, Căn cứ địa cách mạng Huyện ủy Hòa Vang, làng người đồng bào Cơ tu tại Phú Túc, Trại giáo dưỡng thiếu nhi 03 của Bộ Công an (Hòa Phú, Hòa Vang), dọc đôi bờ Sông Hàn, bán đảo Sơn Trà, các bãi biển trên địa bàn thành phố, thị xã Hội An (Quảng Nam),... tất cả đều là những trại nghiệm thực tế tuyệt vời, đa dạng, góp phần không nhỏ trong việc phát huy trí tưởng tượng nhưng cũng đảm bảo tính thực tế trong sáng tạo tác phẩm nghệ thuật của các em.
Các sáng tác của các em giai đoạn này được đánh giá cao bởi sự trong sáng, hồn nhiên, biết vượt lên những khó khăn, thiếu thốn về vật chất để hoàn thiện tác phẩm của mình tốt nhất. Cứ mỗi đợt trại trôi qua, Ban Tổ chức lại phát hiện thêm nhiều những học sinh có năng khiếu nổi trội, và có nhiều thành tích về nghệ thuật, học thuật về sau, có thể kể đến những cái tên ở giai đoạn đầu như: Trần Hoàng Gia (đoạt giải Nhất quốc gia về mỹ thuật), Đào Trần Hoàng Châu (giải Nhì Châu Á Thái Bình Dương về mỹ thuật), Lê Nguyễn Minh Phương (sau này là công dân ưu tú của thành phố Seoul, Hàn Quốc với lĩnh vực thiết kế mỹ thuật), Phan Hoàng (Giảng viên trường Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh),... nhiều em sau này được tuyển chọn tham gia học các khoa viết văn và có tác phẩm sách ra mắt như Nguyễn Hoàng Châu, Phan Hoàng...
Sau khi Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố được chuyển thành mô hình Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thì sự phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong thực hiện mô hình trại sáng tác dành cho thiếu nhi ngày càng có bước phát triển hơn. Lúc này Trại sáng tác Văn nghệ thiếu nhi hè được đổi tên thành Trại sáng tác Văn học và Mỹ thuật thiếu nhi. Số lượng học sinh được tham gia trại cũng được nâng lên ở cả hai chuyên ngành, tuy nhiên quá trình tuyển chọn vẫn được thực hiện rất kỹ qua từng cấp độ: Trường, Phòng, Sở rồi gửi về Liên hiệp Hội nhằm đảm bảo tốt nhất chất lượng học sinh có năng khiếu tham gia trại. Ngoài ra, những em học sinh có thành tích cao từ các cuộc thi như viết thư UPU, Đại sứ văn hóa đọc, hoặc những em có giải cao từ các cuộc thi mỹ thuật sẽ được trực tiếp mời tham gia trại. Ban Tổ chức trại ngoài Liên hiệp Hội, Sở Giáo dục và Đào tạo thì còn có sự phối hợp của 2 hội Văn học và Mỹ thuật thành phố. Số lượng văn nghệ sĩ trực tiếp tham gia đứng lớp, thẩm định tác phẩm không ngừng mở rộng để tạo sự đa dạng, khách quan và đều là những văn nghệ sĩ có chuyên môn, cũng như nắm bắt tốt tâm lý thiếu nhi. Ở bộ môn văn học có nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, các nhà thơ, nhà văn: Nguyễn Nho Khiêm, Đinh Thị Như Thúy, Nguyễn Ngọc Hạnh, Nguyễn Thị Phú, Nguyễn Kim Huy, Hồ Sĩ Bình...; nhà thơ Nguyễn Minh Hùng, nhà văn Trần Trung Sáng vẫn tiếp tục tham gia giảng dạy và thẩm định cho đến hiện nay, ngoài ra tham gia hội đồng thẩm định hiện nay còn có một số văn nghệ sĩ trẻ hơn như: Nguyễn Thị Thu Thủy, Bách Mỵ, Lệ Hằng. Ở bộ môn mỹ thuật là các họa sĩ tiêu biểu của thành phố như: Nguyễn Trọng Dũng, Lê Huy Hạnh, Hồ Đình Nam Kha, Trần Hữu Cân, Thân Trọng Dũng, Trần Hải, Đinh Hương... Cách thức tổ chức trại cũng được đa dạng hóa, phong phú hơn, bổ sung thêm các chuyên đề về giáo dục lịch sử đất nước, địa phương; chuyên đề về tìm hiểu văn học, mỹ thuật thế giới; giao lưu trực tiếp với các văn nghệ sĩ tiêu biểu ở thành phố... trong bồi dưỡng tại chỗ. Chương trình thực tế được mở rộng thêm với những địa điểm lịch sử, danh thắng tiêu biểu như: Ngũ Hành Sơn, Nhà trưng bày Hoàng Sa, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Bảo tàng Quân khu 5, bán đảo Sơn Trà, Bộ chỉ huy vùng 3 hải quân, các khu du lịch sinh thái ở phía Tây thành phố... Đặc biệt, thời gian gần đây, ngoài chương trình chính, các em học sinh còn được tham gia thêm các chương trình lồng ghép như Thiếu nhi văn học nghệ thuật với Biển đảo quê hương, thiếu nhi với làng nghề. Qua đó được tận mắt chứng kiến về cuộc sống, sẵn sàng chiến đấu hàng ngày của các chú bộ đội thuộc vùng 3 hải quân, được trải nghiệm một ngày làm chú bộ đội, làm ngư dân... để hiểu rõ hơn về giá trị cuộc sống hòa bình hôm nay và đây cũng là chất liệu để các em sáng tạo nên nhưng tác phẩm nghệ thuật của mình. Công tác tổ chức cũng được Liên hiệp Hội và các cơ quan liên quan chuẩn bị chu đáo từ khâu xây dựng kế hoạch đến triển khai thực hiện.
Sự phát triển mạnh của mô hình trại sáng tác những năm gần đây đã làm xuất hiện thêm nhiều thế hệ trại viên tiêu biểu như: Phạm Nguyễn Ca Dao, Nguyễn Nho Minh Uyên, Lê Ngọc Duy, Hà Sử Hạnh Nhi, Đoàn Dương Trúc Lam, Nguyễn Đức Như ý, Trịnh Mỹ An, Phan Nguyên Chi Mai, Trương Thị Diệu Hà, Đặng Công Minh, Trần Huyền Trang (văn học),... Lê Trọng Dũng, Trần Nguyễn Thái Hòa, Trần Thị Minh Tình, Đặng Hà Tấn Phát, Phạm Triều Anh (mỹ thuật)... các em sau khi tham gia trại phần nào cũng đã khẳng định được định hướng của mình trong việc theo học và tiếp tục phát triển bản thân ở lĩnh vực văn học, nghệ thuật với các chuyên ngành liên quan khác nhau. Và cũng có thể nói, giai đoạn này là giai đoạn có sự chuyển biến rất mạnh về đề tài, khuynh hướng sáng tác cũng như phong cách sáng tác từ các em ở cả văn học và hội họa. Vẫn là những câu chuyện về tình yêu quê hương, yêu gia đình, yêu mái trường, thầy cô, bè bạn; là những ước mơ, hoài bão trên con đường học tập; là sự thay đổi trong cảm xúc, suy nghĩ và cách phản ứng tự nhiên của độ tuổi mới lớn đối với tình bạn, tình yêu tuổi hoa niên, nhưng bắt đầu sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và cách hành động của các em đối với các vấn đề lớn trong xã hội như: nỗi đau của các cuộc chiến tranh, tình trạng ô nhiễm môi trường trên thế giới; các tệ nạn xã hội,… và sâu sắc hơn là các vấn đề về sự thờ ơ của con người với nhau trong một guồng quay nhanh của nhịp sống, về các trào lưu văn hóa mới, về căn bệnh tự kỷ, về những ám ảnh tâm lý của bạo lực gia đình, bạo lực học đường… Tuy nhiên, hầu như tất cả đều không thể hiện sự tuyệt vọng mà các em đều hiểu và đánh giá được các mặt đúng sai, tìm được cách giải quyết bằng việc hướng đến cái thiện, cái đẹp, cái trong sáng. Biết lấy nền tảng là tình yêu thương, sự đoàn kết, lời dạy của ông bà, cha mẹ, thầy cô để làm chỗ dựa vững chắc cho tinh thần trước những biến đổi phức tạp của cuộc sống… tất cả đều đã chạm được đến trái tim người đọc, người thưởng lãm... Trên cơ sở đó, Liên hiệp Hội đã tuyển chọn và in được 5 tuyển tập sách thiếu nhi ở lĩnh vực văn học gồm: Gặt những vì sao cho mẹ (2003), Tháng mười ba (2006), Chong chóng gió (2012), Bong bóng biển (2022), Bồ Công Anh bay theo gió (2023) và Tuyển tập các tác phẩm mỹ thuật của thiếu nhi. Tất cả đều đã được gửi đến thư viện các trường học và học sinh có tác phẩm được chọn in như lời tri ân của ban tổ chức đến sự nhiệt tình, trách nhiệm và sự đam mê dành cho Trại sáng tác của thiếu nhi trong suốt nhiều năm qua.
Hơn một phần tư thế kỷ hình thành và phát triển, mô hình trại sáng tác văn học, mỹ thuật thiếu nhi hè của thành phố Đà Nẵng có thể chưa phải là mô hình quy mô nhất, tiêu biểu nhất của cả nước. Nhưng có thể khẳng định, đây là mô hình hiệu quả, bền bỉ vào bậc nhất ở nước ta về các hoạt động văn học, nghệ thuật dành cho thiếu nhi trong dịp hè. Đây như là sợi chỉ đỏ bền bỉ nối xuyên suốt nhiều thế hệ các văn nghệ sĩ tham gia giảng dạy và các em học sinh trên địa bàn khi tham gia trại sáng tác. Có thể mô hình chưa tạo ra nhiều những văn nghệ sĩ nổi bật, xuất sắc cho thành phố hiện nay, nhưng nó đã tạo ra được truyền thống, cảm hứng và là sân chơi lành mạnh, bổ ích góp phần định hình nhân cách cho học sinh và niềm tin để những học sinh có năng khiếu tiếp tục theo đuổi con đường đam mê với nghệ thuật của mình. Và là nền tảng vững chắc để thành phố xây dựng nhiều thế hệ văn nghệ sĩ trong tương lai.
T.N.Đ