Kiến trúc cũ trong đô thị hiện đại: Hạn chế hay cơ hội
Hình 1: Tòa nhà Seagram ở New York (1958), KTS Ludwig Mies van der Rohe thiết kế theo kiểu kiến trúc Hiện đại mang phong cách quốc tế.
Điều đầu tiên tôi muốn nói về kiến trúc và đô thị phải là sự kết hợp khéo léo giữa các yếu
tố truyền thống và hiện đại, chúng tạo nên sự hòa quyện hoàn hảo giữa quá khứ - hiện tại và tương lai. Sự hòa hợp này mang lại cho thành phố một bản sắc độc đáo, đó là nơi mà các tòa nhà cũ cùng tồn tại hài hòa với các công trình kiến trúc theo phong cách mới. Ngày nay, cách tiếp cận tích hợp đa dạng các xu hướng kiến trúc khác nhau ở trong một thành phố nhằm mục đích bảo tồn lịch sử nhưng đồng thời thể hiện việc đón nhận sự phát triển không ngừng của xã hội. Bằng cách thúc đẩy sự cân bằng này thì các thành phố lịch sử trên thế giới đã bảo tồn được quá khứ của mình và đồng thời hướng tới một tương lai tươi sáng.
Mục tiêu của bài viết nhằm làm sáng tỏ hai vấn đề liên quan đến hình thức đô thị Đà Nẵng: Đầu tiên là xem xét lại con đường đã chuyển biến thành phố vốn trước đây có một bề dày lịch sử văn hóa thành một quần thể đô thị theo hướng hiện đại quốc tế; và đưa ra nhận định trong thời kỳ tái thiết phát triển đô thị theo xu hướng hiện đại đã đem đến cho Đà Nẵng những thách thức gì?
Từ sau chiến tranh đến tái thiết xã hội đổi mới
Gần hai thập kỷ tách biệt sau khi kết thúc chiến tranh (1975-1997), trong thời gian đầu của hơn hai mươi năm ấy thì đô thị Đà Nẵng không có sự biến chuyển nào đáng kể, chủ yếu kế thừa hệ thống cơ sở hạ tầng và các công trình đã từng có ở thời kỳ trước. Hình thức kiến trúc nổi bật nhất của thành phố có lẽ là những công trình thuộc địa cũ nằm trên các tuyến đường chính của khu trung tâm. Hệ thống quy hoạch và xây dựng theo kiểu Châu Âu này chủ yếu được người Pháp tạo ra trong những năm 1890- 1954.
Từ năm 1990, thành phố tiếp tục phát triển trong bối cảnh tự do hóa kinh tế và mở cửa quốc tế. Bằng cách tập trung vào tiềm năng du lịch, chính quyền địa phương đã tạo ra một đô thị vùng có vị trí quan trọng trong nền kinh tế của miền Trung và trên toàn quốc. Ở phương diện chính trị thì từ năm 1995 thành phố tăng tốc thúc đẩy chuyển đổi đô thị bằng cách khuyến khích sự hợp tác lâu dài giữa chính quyền - cơ quan hành chính công và chủ thể tư nhân, chính sách này đã lập tức giúp cho thành phố có được một sự tăng trưởng kinh tế đột biến, tuy nhiên nó cũng đã gây ra sự biến đổi lớn về hình thái đô thị.
Trước khi phát triển cơ sở hạ tầng thì thành phố đặt ra sứ mệnh xóa bỏ các ngôi nhà mất vệ sinh mà sự tồn tại của chúng có thể gây ra nhiều vấn đề, đặc biệt là về mặt hình ảnh. Như vậy một công cuộc đổi mới đã được thực hiện, hàng ngàn héc-ta (Ha) nhà ổ chuột được thay thế bằng các khu đô thị mới, các công ty kiến trúc - xây dựng được huy động để phát triển mặt tiền ven sông và biển. Vậy là các khu phức hợp sang trọng - bề thế - hoành tráng đã được xây dựng thành hình, điều này gây ra sự phá vỡ không gian xã hội trong một kết cấu đô thị cũ đã từng có trước đó. Kể từ những năm 2010 chúng ta đã chứng kiến sự xuất hiện của những tòa nhà chọc trời (tòa nhà có chiều cao trên 100m) theo phong cách kiến trúc hiện đại, có thể kể đến trong đó là tòa nhà 34 tầng hiện diện ngay tại khu trung tâm của thành phố cũ trước đây. Tất nhiên người ta hay nói đó là xu thế tất yếu của một đô thị trong bối cảnh toàn cầu, tuy nhiên trên thực tế, ngay tại thời điểm này chúng ta không thể nhận ra đô thị Đà Nẵng so với hình ảnh của nó của những năm 90.
Sự phát triển của kiến trúc đô thị Đà Nẵng trong 50 năm qua
Kiến trúc Hiện đại chiếm ưu thế
Sau một nửa thế kỷ đã qua, thành phố đã được xây dựng lại, dân số đã được lấp đầy trên bề mặt không gian, kiến trúc đạt được tiện ích và môi trường đô thị đã được chuyển đổi. Như vậy các biện pháp chiếm hữu thành phố đã được thực hiện, tuy nhiên tính hiệu quả của nó ra sao thì vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ, đến lúc này thì nhu cầu bảo tồn bản sắc địa phương đã bắt đầu được quan tâm và đưa ra thảo luận. Hai vấn đề đáng quan tâm cho chủ đề bảo tồn thành phố hiện đại là: đầu tiên sẽ thừa nhận trung tâm đô thị cũ đã già đi và mất dần các ký ức còn lại, kế đến là cách ứng xử của thành phố với sự phát triển đô thị theo hướng hiện đại quốc tế.
Xu hướng kiến trúc Hiện đại quốc tế
Sự phát triển của kiến trúc đô thị trong ½ thế kỷ được ghi dấu bằng hàng loạt các tòa nhà cao tầng theo phong cách kiến trúc Hiện đại. Cũng dễ hiểu, với sự đa dạng hóa xã hội thì việc thiết kế những không gian sử dụng mạch lạc - linh hoạt - biến đổi để có thể đáp ứng cho những nhu cầu tiềm năng theo thời gian là tất yếu, do đó những không gian quy hoạch đơn chức năng đã có từ trước đây phải đối mặt với sự lạc hậu - lỗi thời. Đây cũng là một lý do để trả lời cho câu hỏi vì sao có quá nhiều công trình cũ trước năm 1975 đã bị biến mất vĩnh viễn?
Vậy kiến trúc Hiện đại là gì, vì sao chúng lại nổi trội và được xây dựng nhiều đến như vậy ở Đà Nẵng và các thành phố đang phát triển tại Việt Nam? Khác với Đương đại, Chủ nghĩa kiến trúc Hiện đại ra đời từ những năm 1930 ở Châu Âu. Các đặc điểm nhận biết của nó là: Sử dụng vật liệu đặc trưng: bê tông - thép - kính; mặt đứng dùng hệ cửa sổ dạng hình học (chữ nhật, vuông) trải đều trên toàn bộ bề mặt nhằm cung cấp ánh sáng tự nhiên vào bên trong và tầm nhìn toàn cảnh ra môi trường; không sử dụng các họa tiết trang trí; đoạn tuyệt với lối kiến trúc Cổ điển và các chủ đề lịch sử. Về quan điểm thiết kế: kiến trúc Hiện đại chú trọng bậc nhất đến việc giải quyết công năng bên trong công trình làm sao đáp ứng tốt cho người sử dụng (không gian đa chức năng, hay là chủ nghĩa công năng trong kiến trúc), hình thức bên ngoài đứng hàng thứ hai, tức là xem hình thức chỉ đơn giản là một lớp vỏ bao che (hình 1).
Hình 2: Tòa nhà Risemount Apartment ở Đà Nẵng (2020).
Với phương châm như vậy nên chúng ta có thể tìm thấy những tòa nhà cao tầng (chọc trời) gần như nhau xuất hiện ở mọi nơi trên toàn thế giới. Chúng là những khối nhà có mặt bằng hình trụ - vuông - tròn - chữ nhật…, xung quanh bọc kính và mọc thẳng lên phía bên trên bầu trời, với quan điểm thực dụng: xây càng nhiều tầng càng gia tăng diện tích sàn sử dụng - gia tăng lợi nhuận bất động sản. Nếu chú ý thì chúng ta sẽ thấy từ 2010, bộ mặt đô thị Đà Nẵng phát triển mạnh theo xu hướng này, rầm rộ nhất có lẽ là từ những năm 2015 cho đến nay.
Sự manh nha của những xu hướng kiến trúc thích ứng với nhu cầu
Khi tòa nhà cao tầng cung cấp cho chủ đầu tư thêm càng nhiều diện tích văn phòng cho thuê, nhưng thực tế môi trường làm việc trong các tòa nhà đó lại tiêu tốn quá nhiều điện năng, đặc biệt là hệ thống điều hòa (tiện nghi nhiệt kém). Trong khi đó về phía người dân, họ đã tự tìm cách tạo cho mình những không gian sống và làm việc ít xung đột hơn, có sự kết hợp giữa bối cảnh và mục đích sử dụng, hài hòa giữa con người và môi trường tự nhiên. Nói cách khác người dân mang kiến thức của họ về cuộc sống hàng ngày, về địa điểm, văn hóa… và mong muốn các kiến trúc sư hành nghề cung cấp cho họ các kỹ năng, các giải pháp thiết kế không gian đảm bảo được chất lượng cuộc sống, sự thoải mái và yêu cầu thẩm mỹ. Chúng ta có thể tìm thấy các công trình xây dựng theo xu hướng này ngày càng nhiều ở thể loại nhà ở tư nhân (hình 3).
Hình 3: Nhà tư nhân Termitary House ở Đà Nẵng (2014).
Mốc thời gian kể từ khi đại dịch Covid xuất hiện cho đến nay (2024), đã có nhiều dự án chiếm đất công bị chính quyền thu hồi, thành phố ưu tiên biến chúng thành các không gian phục vụ cộng đồng, các không gian này được thiết kế lại để tạo ra những nơi chốn thân thiện và khuyến khích tương tác xã hội, từ đó góp phần mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người. Có thể kể đến như thành phố đã dành một số qũy đất dọc các bờ sông để tổ chức kiến trúc cảnh quan cây xanh và các tiện ích xã hội (hình 4), hay dự án nâng cấp cải tạo công viên 29 tháng 3, kỳ vọng sẽ mang lại không gian xanh và hàng loạt tiện ích cho người dân vào năm 2025 (hình 5). Ngoài ra, với mong muốn tích hợp sự đa dạng văn hóa xã hội vào các dự án kiến trúc, các khu dân cư nhà ở xã hội và địa điểm văn hóa đã được lưu ý ưu tiên xây dựng, nó tạo ra môi trường năng động nơi các cộng đồng khác nhau có thể cùng tồn tại hài hòa. Đây là một hướng đi rất nhân văn của chính quyền, mang lại cho thành phố một sự phát triển bền vững.
Hình 4: Phương án thiết kế kiến trúc cảnh quan dọc theo tuyến đường ven sông Hàn.
Hình 5: Một phương án thiết kế quy hoạch kiến trúc cảnh quan công viên 29-3 Đà Nẵng.
Mặt trái của những tòa nhà chọc trời theo phong cách kiến trúc Hiện đại
Việc cấm xây dựng các tòa nhà chọc trời đồng nghĩa với việc từ chối mọi sự hiện đại? Một thành phố không thay đổi là một thành phố chết? Ở các thành phố lớn trên thế giới như Paris (Pháp), London (Anh) đã có những sự so sánh: thành phố hiện đại và năng động hay thành phố cổ điển và hóa đá? Các cuộc tranh luận cứ nổ ra: phát triển hiện đại năng động dù có nghĩa là gây sốc hay bảo tồn dù có nghĩa là gây sự ngột ngạt? Đúng như vậy, cách làm rung chuyển một thành phố lịch sử với những tác phẩm kiến trúc hiện đại sẽ tạo ra những hiệu ứng mới, mang lại nguồn năng lượng to lớn, tuy nhiên điều này trái ngược với chính sách bảo tồn, khi nó đặt toàn bộ khu vực lân cận vào tình trạng nguy hiểm. Những công trình lịch sử cuối cùng sẽ bị mất đi, đặc biệt với Đà Nẵng, một thành phố còn quá ít những di tích lịch sử minh chứng cho những thời kỳ hào hùng đã qua.
Chúng ta có lúc nào tự hỏi ai đã phát minh ra ý tưởng về một thành phố hiện đại phải có những tòa nhà chọc trời? Ở đây tôi tạm gạt bỏ việc bình luận về ý kiến này và chỉ muốn đề cập đến mặt trái của kiểu xây dựng đó, có nghĩa những tòa nhà chọc trời sẽ gây ra hậu quả gì cho thành phố của chúng ta?
Xây nhà chọc trời để tiết kiệm diện tích sàn
Đây là lập luận mà chúng ta thường nghe nhất để ủng hộ cho việc xây dựng các tòa tháp, vì lý do thành phố đã được xây dựng với mật độ dày đặc và đất đai đã hoàn toàn bão hòa, cần phải tăng cao số tầng công trình bởi vì nó cung cấp các chỗ ở mới cho người dân mà thành phố chưa đáp ứng được? Trên thực tế với chi phí xây dựng và bảo trì rất cao, chỉ những dự án bất động sản hạng sang mới có thể đầu tư cho việc xây dựng các tòa nhà như vậy. Rõ ràng các dự án này nhằm mục đích hướng đến giới thượng lưu giàu có, không bao giờ nhằm mục đích giảm bớt vấn đề nhà ở cho đô thị.
Xây nhà chọc trời: công cụ đầu cơ bất động sản
Các tòa nhà chọc trời và quy hoạch đi kèm với chúng không chỉ tạo ra tình trạng tắc nghẽn không cần thiết trên mạng lưới giao thông công cộng mà còn góp phần gây ra lạm phát trên thị trường bất động sản. Như chúng ta đã thấy, khu vực trung tâm cũ của thành phố từ thời thuộc địa được xem như khu đất kim cương và chúng có giá trị nhất về mọi mặt đối với thời điểm hiện nay. Trong điều kiện như vậy thì các công ty không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thành lập văn phòng tại đó, nhưng tập trung làm việc vào cùng một khu vực sẽ dẫn đến nhu cầu đất đai tăng mạnh, giá cả bùng nổ. Các ngân hàng và thị trường tài chính mặc sức vui vẻ cưỡi bong bóng bất động sản, thậm chí họ còn tham gia rộng rãi vào hoạt động đầu cơ không có giới hạn này. Lấy ví dụ như tại Luân Đôn, tòa nhà 30 St Mary Axe (tòa nhà quả dưa chuột) với chi phí xây dựng 138 triệu bảng Anh (4.500 tỷ) sau khi hoàn thành vào năm 2004, được bán lại vào năm 2006 với giá 600 triệu bảng, năm 2014 được bán lại 700 triệu bảng. Một tòa nhà khách sạn 37 tầng ở khu trung tâm thành phố Đà Nẵng cũng đã rơi vào trường hợp tương tự như thế. Tóm lại, cuối cùng chính các doanh nghiệp và người dân phải gánh chịu chi phí tài chính cho hoạt động đầu cơ này. Họ vẫn là những người phải đối mặt với tình trạng khó khăn của giao thông công cộng và giá cả đắt đỏ của bất động sản ngay tại chính thành phố mà chúng ta thường nghe với tên gọi “thành phố đáng sống”.
Và cuối cùng thì kiến trúc cũ trong đô thị hiện đại sẽ là hạn chế hay là cơ hội?
Kiến trúc đô thị Đà Nẵng đã phát triển theo cấp số nhân trong 50 năm qua, nó đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra các không gian công cộng có chức năng và thẩm mỹ. Phản ứng kiến trúc đối với những thách thức đô thị đương đại đã nêu bật tầm quan trọng cốt yếu mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, kiến trúc đô thị phải tìm thấy sự cân bằng tinh tế để đáp ứng nhu cầu thay đổi của xã hội chúng ta.
Nếu giữ lại các di tích kiến trúc cũ để bảo tồn cho nó như là những hiện vật trưng bày, mà thành phố được xem như là một công trình bảo tàng lớn để chứa đựng nó thì chắc chắn chúng sẽ kìm hãm sự phát triển của thành phố. Còn nếu biết cách phát huy và tái sử dụng các công trình di tích này như là một đòn bẩy để phát triển, thì chắc chắn sẽ đem lại cho thành phố một lợi ích kinh tế dài lâu, hay có thể nói đem lại cho thành phố một diện mạo năng động hiện đại nhưng chứa đựng trong đó những ký ức lịch sử đặc sắc.
Hình 6: 2 công trình kiến trúc cũ (42-44 Bạch Đằng) được chuyển đổi chức năng thành Bảo tàng Đà Nẵng.
Rất cần những nghiên cứu, những phương pháp luận biện chứng để làm sáng tỏ mối quan hệ giữa thành phố và các di tích lịch sử, cho phép chúng ta hiểu rõ hơn về vị trí của kiến trúc đương đại trong động lực đô thị và làm sáng tỏ khái niệm di sản của quá khứ đã bị che khuất đi một phần. Những câu hỏi tiếp diễn vẫn sẽ là:
Làm thế nào để bảo vệ các di tích lịch sử mà không đóng băng thành phố? Làm thế nào chúng ta có thể bảo tồn những đặc điểm riêng biệt của kết cấu đô thị được kế thừa từ quá khứ mà không cản trở sự tiến bộ của xã hội? Làm thế nào chúng ta có thể duy trì các hoạt động kinh tế ở các thành phố mà không để chúng rơi vào tình trạng đầu cơ bất động sản? Làm thế nào chúng ta có thể chào đón những du khách tò mò khám phá di sản mà không biến những khu dân cư thành những khung cảnh trống rỗng? Làm thế nào chúng ta có thể tái sử dụng các tòa nhà có giá trị mà không phải chỉ giải quyết vấn đề bề ngoài của chúng? Làm thế nào chúng ta có thể tôn vinh sự sáng tạo kiến trúc đương đại mà không làm đảo lộn sự cân bằng của các trung tâm đô thị? Làm thế nào có thể bảo tồn sự đa dạng xã hội đồng thời tăng cường sức hấp dẫn cho các khu đô thị?
Có lẽ đây là những câu hỏi còn chưa được trả lời. Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là sự khuyến khích chuyển đổi đô thị đồng thời phải tôn trọng lịch sử của thành phố.
L.M.S