Định hướng phát triển múa đương đại thành phố Đà Nẵng
Tác phẩm Chợ Hàn, Biên đạo, Nghệ sĩ Thái Hằng. Biểu diễn: Nhà hát Trưng Vương
Đà Nẵng một thành phố du lịch đang trên đà phát triển, nhiều nguồn lực văn hóa đang có sự chuyển mình đáng kể, đặc biệt là lĩnh vực nghệ thuật múa. Bởi đặc trưng ngôn ngữ phi ngôn từ mà nó trở thành ngôn ngữ truyền tải thông điệp văn hóa và giải trí hiệu quả trong thời kỳ mở cửa và hòa nhập văn hóa thế giới. Du lịch phát triển là cơ hội và thách thức đối với sự bảo tồn, phát huy, quảng bá văn hóa nghệ thuật. Sự phát triển các nhà hát trực thuộc nhà nước và tư nhân ngày một phát triển về số lượng, quy mô, và mô hình… Bên cạnh đó, nghệ thuật múa được đầu tư sáng tạo đa dạng về nội dung lẫn hình thức.
Nhiều chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu với các ứng dụng công nghệ âm thanh, ánh sáng. Các tác phẩm, chương trình nghệ thuật múa đang phục vụ khán giả trong nước, quốc tế với những mục đích kinh tế hay chính trị đều có vai trò vô cùng quan trọng đối với diện mạo văn hóa của thành phố.
1. Vài nét chung về diện mạo của nghệ thuật múa đương đại ở Đà Nẵng
Nghệ thuật múa thành phố đang ngày càng phát triển với nhiều yếu tố mới thể hiện rõ ở cách tiếp cận về nội dung, kỹ thuật. Có thể nói các tác phẩm múa của các đoàn đều được hiện đại hóa bởi kỹ thuật ba lê trong tác phẩm của mình. Ba lê hiện đại đã góp phần không nhỏ trong việc sáng tạo tác phẩm múa của biên đạo múa thành phố từ những năm trước đây. Khi múa hiện đại được giảng dạy phổ biến ở các trường nghệ thuật múa chuyên nghiệp, cũng như việc tiếp cận múa đương đại qua con đường giao lưu học hỏi, nghệ thuật múa đương đại ảnh hưởng nhiều đến xu thế sáng tác của biên đạo và các đạo diễn sân khấu. Tuy nhiên, dấu ấn của nghệ thuật múa đương đại ở thành phố chỉ mới đang ở giai đoạn tiếp cận và thử nghiệm. Nghệ thuật múa đương đại đang trở thành xu hướng sáng tác, biểu diễn và thưởng thức múa.
Một trong những nhà hát có sự đầu tư lớn cho việc tiếp cận nghệ thuật múa đương đại phải kể đến là Nhà hát Trưng Vương. Những năm gần đây, Đoàn múa của Nhà hát Trưng Vương thường xuyên được tập huấn bởi các nghệ sĩ múa đương đại trong nước và quốc tế. Các diễn viên thường xuyên được tiếp xúc với nhiều phong cách từ các nghệ sĩ khác nhau. Nhờ vậy mà hơi thở nghệ thuật múa đương đại được thấm nhuần trong tác phong biểu diễn. Màu sắc múa đương đại thể hiện trong cách dàn dựng thể hiện rõ trong cấu tứ nội dung chủ đề của các tác phẩm. Chương trình nghệ thuật Phá kén báo cáo khóa tập huấn dưới sự đào tạo của chuyên gia, nghệ sĩ người Thái Lan MonTree Sriwihok Joe, thực sự mang lại cho công chúng thưởng thức nhiều cung bậc cảm xúc qua nghệ thuật biểu diễn hình thể và khả năng diễn xuất của nghệ sĩ. Nghệ thuật múa đương đại mang lại sức sống mới cho chương trình nghệ thuật của Nhà hát, tạo nên những không gian sống động cho người xem, đặc biệt trong chương trình tham gia liên hoan nghệ thuật toàn quốc tháng 9/2024 với hai tác phẩm múa tiêu biểu Trăng nhà Chồ của biên đạo NS Thu Hoài, Chợ Hàn của biên đạo Thái Hằng.
Đơn vị thứ hai tiếp cận sớm nghệ thuật múa đương đại là Đoàn nghệ thuật Quân khu V. Đây là một trong những đơn vị có nhiều diễn viên được đào tạo bài bản từ Trường Đại học văn hóa nghệ thuật Quân đội, nơi mà các học sinh múa được tiếp cận với múa hiện đại, đương đại đầu tiên của Việt Nam. Vì vậy, các thủ pháp của múa hiện đại sử dụng khá nhiều trong dàn dựng các tác phẩm múa của Đoàn với sự góp mặt của các biên đạo từ những năm 1990. Các tác phẩm để lại dấu ấn sâu sắc như tác phẩm Mộ gió của biên đạo NSƯT Minh Tâm, Dũng sĩ Núi Thành của biên đạo NSƯT Hồng Hà, Sóng lửa của biên đạo NS Kiều Như, NS Hoài Nam, K’jung của biên đạo NSƯT Thanh Hằng, Hoa biển của biên đạo NSND Kiều Lê… Các động tác đương đại được ứng dụng trong sự kết hợp với múa truyền thống, dân gian dân tộc thể hiện tinh thần của những người con trên dải đất Quân khu V hùng dũng.
Tại Trường Văn hóa nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, chương trình giảng dạy môn múa hiện đại, đương đại cũng có nhiều hiệu quả đối với các học viên múa trong việc bổ sung sự tự tin thể hiện theo phong cách bản thân. Các khóa học được thiết kế theo từng thế mạnh riêng của các lớp học trong từng năm. Nó đặc biệt khai thác tương tác và sáng tạo tập thể học viên cùng giáo viên giảng dạy. Các học viên được làm quen với phương pháp thả lỏng cơ thể, cách với, lật, ngã lăn… cách tiết chế hơi thở theo những cử động, cách lắng nghe và ngẫu hứng với các thể loại âm nhạc trì tục, âm nhạc cổ điển, âm nhạc hiện đại, âm nhạc đương đại, âm nhạc dân tộc. Nghệ thuật múa đương đại là một phần quan trọng trong chương trình thực hành biểu diễn học viên tại trường với nhiều đề tài phong phú như Băng cháy, Ngày cong đêm của giảng viên NS Thục Linh, Đại ngàn đất mẹ của giảng viên NS Ánh Tuyết, Hồi ức của giảng viên NS Thanh Trúc…
Tác phẩm Ngày cong đêm Biên đạo Nghệ sĩ Thục Linh. Biểu diễn: Học sinh C4 trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng.
Đặc biệt chương trình tập huấn “Dancing to Connect Việt Nam” từ Battery Dance Company (Hoa Kỳ) và Đoàn múa Arabesque Thành phố Hồ Chí Minh kết hợp thực hiện giao lưu văn hóa múa với các nghệ sĩ múa Đà Nẵng vào năm 2022. Chương trình để lại nhiều ấn tượng sâu sắc đối với diễn viên và các học viên múa của thành phố qua sự dẫn dắt của ông Jonathan Hollander cùng các nghệ sĩ Sarah Housepian, Vivake Khamsingsavath và các diễn viên Đoàn múa Arabesque. Các thành viên tham gia được học hỏi và có những trải nghiệm khó quên với các cách dàn dựng, cách sáng tạo ngẫu hứng, cách sáng tạo tập thể, khai thác các quy luật chuyển động, không gian chuyển động cũng như cách tương tác của các diễn viên. Các động tác đi chạy, lăn bò với nhiều tiết tấu hay cách dùng các bộ phận cơ thể để vẽ các đường tròn trong không gian, trên sàn tạo nên những tổ hợp đa dạng từ những sáng tạo của các diễn viên tham gia. Kỹ thuật tương tác đôi qua phương pháp phản ánh gương người đối diện, phương pháp chuyển động trong không gian trống bao quanh bạn diễn, phương pháp ghép nối chuyển động đơn lẻ của các cá nhân thành những khối chuyển động tập thể sống động liên hoàn. Không chỉ về việc tự khám phá ra các động tác để kết nối về mặt sáng tạo động tác biểu hiện, chương trình còn giúp các cá nhân được thể hiện các ý tưởng về Đà Nẵng qua việc viết các từ ngắn hiện ra trong đầu mọi người, và nó đã được tập hợp lại để các nhóm diễn viên tự trao đổi cách biểu hiện. Bên cạnh đó chương trình còn tạo điều kiện cho các thành viên tham gia được giới thiệu bản thân qua việc gắn tên của mình với một động tác bất kỳ, và các nhóm tập hợp các động tác đó thành các tổ hợp chủ đạo để phát triển. Các thành viên tham gia còn có cơ hội chia sẻ, bộc lộ những cảm xúc trước mọi người về bản thân, về múa… Chương trình “Dancing to Connect Việt Nam” thật sự đã mang lại sự kết nối múa đương đại đến với nghệ sĩ Đà Nẵng, kết nối từ cảm xúc đến kỹ thuật, kết nối ngẫu hứng cá nhân đến nhóm, sự kết nối tương tác trong sáng tạo ý tưởng, sự kết nối với niềm tin của bản thân, sự kết nối tư tưởng của tập thể, sự kết nối tình yêu múa với thành phố Đà Nẵng qua việc đồng biên đạo, biểu diễn tác phẩm Dòng sông đầy cảm xúc trong đêm diễn báo cáo sau một tuần tập huấn đầy ý nghĩa “kết nối”.
Tác phẩm Đại ngàn đất mẹ Biên đạo Nghệ sĩ Ánh Tuyết. Biểu diễn: Học sinh C4 trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng.
Năm 2023, Hội Nghệ sĩ múa thành phố tổ chức các cuộc thi, liên hoan múa nhảy, các tác phẩm dự thi của các biên đạo trẻ cho thấy nghệ thuật múa đương đại đã có bước đột phá đáng kể. Nhiều tác phẩm đã thể hiện được góc nhìn mới của các biên đạo trẻ trong việc khám phá, thử nghiệm các ngôn ngữ đương đại khá táo bạo như Dạ cổ hoài lang của NS Phan Thịnh, Dragon của NS Thùy Trang, Bóng phù hoa của NS Diễm Trang, Đất mơ của NS Diệu Nguyên, NS Vân Anh… Sự thể nghiệm này chứng minh cho trào lưu sáng tác múa đương đại trong tương lại sẽ dần dần định hình phong cách và lan tỏa ngày càng rộng.
Nghệ thuật múa đương đại đang thực sự thu hút sự quan tâm của biên đạo, diễn viên và công chúng thưởng thức múa. Nó thực sự đang trở thành yếu tố quan trọng trọng việc truyền bá, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc. Với xu hướng lấy cảm hướng sáng tạo từ các nguồn văn hóa truyền thống của địa phương, các đoàn nghệ thuật biểu diễn của thành phố Đà Nẵng đều đóng góp những chương trình nghệ thuật ấn tượng với những tiết mục múa đa dạng sắc màu cuộc sống con người Đà Nẵng xưa và nay. Tuy nghệ thuật múa đương đại thành phố chưa có sự định hình rõ về phong cách nhưng các sắc màu múa truyền thống Tuồng, múa dân gian như Bả trạo, Sắc bùa, múa Việt, múa Chăm, múa các dân tộc Tây Nguyên… là nguồn nguyên liệu phong phú để cho các biên đạo có thể tạo nên dấu ấn riêng trên con đường theo đuổi nghệ thuật múa đương đại.
2. Định hướng phát triển múa Đương đại ở Đà Nẵng
Công tác sáng tác
Hình thức, nội dung tác phẩm là những yếu tố cơ bản ban đầu cần được xác định trước khi bước vào quá trình sáng tạo tác phẩm. Định hướng sáng tác là yếu tố quan trọng nhằm phát huy hiệu quả lao động của người nghệ sĩ đối với xã hội. Thông qua chủ đề các cuộc thi nghệ thuật để khuyến khích các biên đạo có chủ động tìm kiếm chất liệu từ văn hóa truyền thống dân gian dân tộc.
Một là kết hợp truyền thống với hiện đại. Kết hợp các chất liệu múa truyền thống, dân gian với các kỹ thuật phát triển luật động của nghệ thuật múa đương đại để tạo nên những tổ hợp các động tác chuyển động đương đại có những chất riêng mang yếu tố văn hóa bản địa đặc sắc. Khuyến khích các biên đạo tìm lối đi riêng tạo dựng phong cách cá nhân đầy tính sáng tạo. Từ đó có sự nhân rộng và chuyên sâu phong cách sáng tạo trên nền bản sắc dân tộc để tạo ra những trường phái riêng múa đương đại đậm chất dân tộc. Bên cạnh đó, khai thác chất liệu âm nhạc, nhạc cụ truyền thống tạo dấu ấn độc đáo cho tác phẩm.
Hai là khai thác chủ đề văn hóa dân tộc. Khuyến khích các tác giả khai thác các chủ đề văn hóa, lịch sử, xã hội của dân tộc thành phố qua đó truyền tải những thông điệp mang tính dân tộc thời đại. Các tác phẩm múa đương đại phải mang lại cho khán giả cảm xúc chân thực qua những lát cắt văn hóa trong không gian sống động tác phẩm.
Ba là khai thác trang phục và công cụ truyền thống. Để làm tốt điều này cần sử dụng hoặc cách điệu trang phục, công cụ lao động, sinh hoạt là yếu tố vô cùng quan trọng trong nghệ thuật múa. Nó giúp cho ngôn ngữ, thông điệp của tác phẩm múa trở nên hoàn chỉnh và đầy đủ thông tin hơn cũng như thể hiện rõ hơn bản sắc của múa. Nó là một thủ pháp quan trọng để múa đương đại có sự đa dạng phong phú về hình thức cũng như cảm xúc ngôn ngữ.
Đa dạng các thành phần biểu diễn
Ngoài việc phát triển các kỹ thuật cao về ngôn ngữ hình thể và chuyển động, múa đương đại còn có xu hướng quay trở lại với các động tác đơn giản gắn liền với cuộc sống con người. Tác phẩm đôi khi chỉ sử dụng một số động tác đặc thù một nghề nghiệp hay sinh hoạt thường ngày qua việc tạo dựng mô típ nghệ thuật biểu hiện chân thực, và các hình tượng tạo hình cùng lối sắp xếp bố cục của biên đạo múa. Vì vậy, người trình diễn đôi khi không cần phải là những diễn viên múa thực thụ. Nên cần thiết triển khai các dự án đưa múa đương đại đi sâu vào sinh hoạt giải trí hằng ngày của quần chúng, nhằm giúp quần chúng có cuộc sống tinh thần phong phú, làm cho môi trường văn hóa nghệ thuật của thành phố năng động, đồng thời tạo nên trường phái múa đương đại dung dị đặc sắc, có giá trị văn hóa cao. Ngoài ra cần phát triển nghệ thuật múa đương đại qua các trung tâm nghệ thuật thành phố nhằm xây dựng hạ tầng cơ sở cho nghệ thuật đương đại được thăng hoa.
Phát huy tính ứng dụng thực tiễn
Khuyến khích các nghệ sĩ múa thành phố phát huy tính ứng dụng múa đương đại đối với cộng đồng. Mở rộng các hệ thống các trung tâm, câu lạc bộ giảng dạy múa. Nghiên cứu và thực hiện các dự án nhằm đưa múa đương đại đi sâu vào cuộc sống nhân dân. Đẩy mạnh việc khai thác các ứng dụng mang tính tích hợp, phục hồi của nghệ thuật chuyển động đương đại vào xu hướng tự chữa lành của y học, kết nối bản thể, kết nối cộng đồng, giải tỏa stress thể chất và tâm lý.
Công tác phê bình đánh giá
Tổ chức tọa đàm chuyên đề về múa đương đại hoặc các bài viết về nghệ thuật múa này để mở rộng phạm vi người thưởng thức, mở rộng tầm hiểu biết về nghệ thuật đương đại của quần chúng nói chung, của các nghệ sĩ biểu diễn và dàn dựng múa nói riêng. Các nhà phê bình múa cần có sự tìm hiểu chuyên sâu về thể loại múa đương đại để có cái nhìn tổng thể một cách đúng đắn nhất, cởi mở nhất đối với loại hình mới này, cũng như có sự thấu hiểu đối với những giai đoạn phát triển của các loại hình văn hóa. Từ đó có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của các tác phẩm đương đại, góp phần dẫn dắt xu hướng sáng tác của biên đạo, xu hướng thưởng thức của quần chúng đối với múa đương đại, để múa đương đại có thể đủ sức gánh vác sứ mệnh bảo tồn, phát huy truyền bá tinh hoa văn hóa của xứ Quảng cũng như cả nước.
Đầu tư, quảng bá, tạo dựng sản phẩm văn hóa quốc gia
Đẩy mạnh nguồn kinh phí đầu tư thường xuyên và định kỳ khuyến khích các biên đạo tham gia vào các liên hoan múa quốc gia và quốc tế, nhằm giới thiệu và quảng bá tinh hoa văn hóa dân tộc vùng miền, những giá trị đặc trưng kết tinh của văn hóa truyền thống, về đất nước, con người Việt Nam, phát triển và định hình màu sắc riêng của múa đương đại của Đà Nẵng.
Chuyên sâu và nhân rộng trường phái múa đương đại khi đã định hình về phong cách. Biến các tiết mục múa chất lượng nghệ thuật trở thành sản phẩm văn hóa nghệ thuật đặc trưng của vùng miền.
Thay đổi về tầm nhìn đầu tư vào phát triển nghệ thuật múa, một loại hình tiêu tốn kinh phí, không chỉ ở quá trình sáng tạo tác phẩm mà còn ở giai đoạn đưa tác phẩm đến với công chúng qua quá trình biểu diễn. Sự tồn tại của tiết mục múa là thông qua các hoạt động biểu diễn thường xuyên. Dù ngày nay, với sự phát triển công nghệ thông tin các sản phẩm đều có thể được lưu giữ trong hệ thống dữ liệu toàn cầu, nhưng những giá trị đặc trưng của múa chủ yếu vẫn là thông qua hoạt động trình diễn của các nghệ sĩ múa.
Kết hợp xây dựng các chương trình nghệ thuật múa đương đại và các lĩnh vực văn hóa truyền thống thành sản phẩm quảng bá văn hóa và xúc tiến phát triển du lịch của thành phố, tạo nên môi trường giao tiếp linh động phù hợp với mọi đối tượng du lịch nội địa và quốc tế. Đẩy mạnh giao lưu nghệ thuật múa đương đại thông qua các liên hoan múa quốc tế. Tổ chức thực hiện định kỳ các liên hoan quốc tế múa đương đại tại thành phố nhằm tạo nên môi trường thu hút du lịch văn hóa thành phố Đà Nẵng.
*
Nghệ thuật múa đương đại định hình như ngôn ngữ múa mang tính phổ cập toàn thế giới nhưng phong phú bởi các màu sắc văn hóa riêng biệt của các tộc người. Nó thật sự là sản phẩm văn hóa thời đại bởi sự tự do phóng khoáng đầy tính nhân văn và chân thực. Sự phát triển kỹ thuật chuyển động mang tính cộng hưởng hòa nhập múa hiện đại và vốn chất liệu văn hóa dân gian dân tộc địa phương tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển của Nghệ thuật múa đương đại của thành phố Đà Nẵng. Từ sự nhận thức về vai trò chức năng của nghệ thuật múa đương đại với xã hội mà chúng ta có những cống hiến theo những cách riêng phù hợp, để múa đương đại Việt Nam thực sự trở thành năng lượng tích cực có thể lan tỏa rộng rãi và thật sự có giá trị đối với cuộc sống dân nhân. Múa đương đại là một trong các loại hình múa có sự tự thân phát triển riêng của nó. Việc tôn trọng con đường, phong cách nghệ thuật múa đương đại, nuôi dưỡng nền nghệ thuật non trẻ này mang phẩm chất Việt Nam, đặc trưng Đà Nẵng là trách nhiệm các nghệ sĩ múa, trách nhiệm của những người làm công tác quản lý văn hóa thành phố. Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa qua việc phát triển định hình phong cách nghệ thuật múa đương đại cũng là sứ mệnh mà Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố muốn gửi gắm lại cho các nghệ sĩ, hội viên Hội Nghệ sĩ Múa thành phố Đà Nẵng.
P.T.L