Thế giới nghệ thuật thơ Đinh Thị Như Thúy

08.12.2024
Hồ Thế Hà

Thế giới nghệ thuật thơ Đinh Thị Như Thúy

Chân dung nhà thơ Đinh Thị Như Thúy

Nền thơ đương đại Việt Nam ngày càng chứng kiến sự lên ngôi của nhiều cây bút nữ. Cái tôi trữ tình trong thơ họ thể hiện cảm xúc và hiện thực đời sống  đa  dạng, tạo thành những cá tính sáng tạo giàu thiên tính nữ với cảm quan nghệ thuật hiện đại, mới mẻ. Thế hệ các nhà thơ nữ Việt Nam từ thời kháng chiến đến thế hệ các nhà thơ trưởng thành sau hòa bình cho đến thời Đổi mới và từ đầu thế kỷ XXI đến nay đã trở thành lực lượng sáng tạo đồng hành hùng hậu, làm nên diện mạo thơ nữ đang hòa cùng nguồn chung của nền văn học dân tộc đang trên hành trình vận động và phát triển. Trong các thế hệ nhà thơ nữ đồng hành nói trên, tôi muốn tiếp nhận lối viết nữ (woman writing) của nhà thơ  Đinh Thị Như Thúy  - một trong những gương mặt thơ nữ tạo được phong cách riêng. Tác phẩm của chị được bạn đọc yêu thơ cả nước ái mộ và đón nhận nồng nhiệt.

Đinh Thị Như Thúy là nhà thơ giàu cảm xúc, có vốn sống và cảm quan nghệ thuật mới lạ. Những  tố  chất đó giúp chị tỏa phát năng lượng thi ca một cách tự nhiên mà hấp dẫn. Trong bài phỏng vấn của Nguyễn Đức Tùng “Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy, sinh ra là tự do” đăng trên website http:// nhavantphcm.com.vn, khi được hỏi về chuyện đời, chuyện thơ, Đinh Thị Như Thúy tâm sự: “Tôi thường viết nương theo cảm xúc. Tôi nghĩ, có thể đã có những vận động nào đó trong chính bản thân tôi. Từ những bài thơ sử dụng nhiều vần điệu cổ điển, giờ đây, trước bao bộn bề ồn ào của cuộc sống hiện đại, với nhiều suy tư đa chiều gấp gãy, tôi thích viết như sự giải phóng tôi khỏi mọi gò bó”. Đó chính là khởi động cho một lối viết tự do, phóng túng theo tâm thức hiện đại/ hậu hiện đại, luôn khát khao đi tìm cái Mới và cái Khác cho thơ.

Nằm trong dòng chung của  thơ nữ từ Đổi mới đến nay, Đinh Thị Như Thúy đã tự thể hiện mình như một cá tính cần được nổ tung mọi giới hạn để được nói lên tiếng nói trữ tình tự do, đa cung bậc của mình một cách chân thành, khát khao  và  mê  đắm. Từ tập thơ Cùng đi qua mùa hạ (2005) đến Phía bên kia cây cầu (2007) và Ngày linh hương nở sáng (2011), Đinh Thị Như Thúy đã giàu có thêm về vốn sống, vốn nghệ thuật và vốn văn hóa để làm nên một chân dung thơ đa thanh và đa giọng điệu. Có được như vậy là do chị sinh sống ở những vùng địa - văn hóa giàu trữ lượng lịch sử và sinh thái thiên nhiên đặc biệt, giúp chị có cái nhìn nghệ thuật đa chiều và cảm hứng thẩm mỹ đa dạng. Trong bài phỏng vấn “Tây Nguyên cho tôi sự cô đơn cần thiết” của Dương Tử Thành (http://giaitri.vnexpress.net/), Đinh Thị Như Thúy xác quyết rằng: “Huế đã cho tôi tâm hồn, Đà Nẵng cho tôi tính cách, Đà Lạt cho tôi cảm xúc. Còn Đắc Lắc là số phận” [64]. Chính những ân huệ đó đã giúp chị trở thành cây bút nữ có phong cách riêng trong dàn đồng ca thơ nữ Việt Nam hiện đại và đương đại.

Ở tập thơ đầu tay Cùng đi qua mùa hạ, Đinh Thị Như Thúy đã khẳng định cái tôi đang tư duy của mình trong từng trang thơ khá cụ thể. Tính trữ tình đời tư - thế sự luôn va chạm và sinh thành từ cuộc sống muôn màu để hình thành những hình tượng thơ mang nặng tình quê hương xứ sở. Qua đó, chị càng hiểu tâm hồn mình và hiểu từng niềm vui sinh nở của cuộc sống, thiên nhiên là sinh động, chân thật và cụ thể như thế nào: “Tôi ngắm nhìn mặt trời/ Hiểu niềm vui của mình đang sống”. Dù là loài hoa dại, nhưng nó cần cho con người hơn là cần cho chính nó, làm cho con người bất giác say mê: “Cỏ đang hết mình xanh/ Nồng nhiệt đến hết mình bao giờ cũng là hoa cúc dại/ Sự rối bời của những dây tơ hồng/ Luôn làm ôi mê mải” (Ý nghĩ ban mai).

Cô đơn và nỗi buồn trong những ngày xa Huế, sống với Tây Nguyên hoang vu, đầy gió và sương núi đã giúp Đinh Thị Như Thúy tồn tại và sáng tạo nên những vần thơ buồn, đẹp và trong suốt dành cho tình yêu: “Thôi anh đừng so sánh/ Đừng đặt em/ Bên cạnh những người đàn bà khác đầy quyền năng/ Liệu có còn thời gian để bắt đầu/ Liệu còn có sức để va đập/ Hỡi quả chuông pha lê mỏng mảnh/ Trong lòngngựcbuốtđau” (Valse tháng tám). Chân thành nhưng cũng cả quyết trước nỗi sợ lạc loài, trước hết là với trái tim mình: “Em sợ mình lạc lối/ Em không tìm được con đường đến anh/ 42 bông quỳnh đêm nay sẽ nở” (Tháng 7). Hoa sẽ làm chứng và cứu rỗi cho nỗi cô lẻ của em bằng ngôn ngữ cỏ hoa diệu kỳ, xanh biếc:

Không nói tỏa hương mà nói là

mê hoặc không nói đẹp mà nói là kỳ diệu Không nói ngắm mà nói là

ngất ngây...

Hoa không nói lời hoa

Chỉ trắng như một niềm vui sướng Và gió và ong và bướm

mang hoa về muôn nơi

trên hoa lộng lẫy nắng trời

(Viết trong mùa tưới rẫy)

Thơ Đinh Thị Như Thúy diễn tả sự đối lập như là sự sinh sôi và vận động để nhận thức chân lý: “Cả tin hát bài ca hạnhphúc/ Hoàinghinghoảnhmặtthở dài” (Valse tháng tám). Hoài nghi, vô lý, âu lo, buồn nôn là những phạm trù căn nền của chủ nghĩa hiện sinh được Đinh Thị Như Thúy thể hiện bằng thơ khá tinh tế và nghệ thuật để tái hiện cuộc sống: “Hoài nghi hoài nghi, đáng sợ nhất là hoài nghi. Đáng sợ nhất là không xác định được phương hướng, đáng sợ nhất là không biết nên làm hay không nên làm, nên đi hay không nên đi, nên gọi hay không nên gọi,…” (Krông Pắc, tháng Mười một ngày mười ba). Cái nhìn hoài nghi, phá bỏ các đại tự sự của chủ nghĩa hậu hiện đại thấp thoáng mà xác quyết trong thơ chị như một quan niệm thẩm mỹ, chứng tỏ chị là nhà thơ nữ ý thức về sự rạn vỡ và bất ổn của đời sống hiện đại khá rõ.

Như một quy luật tự nhiên,  khi nỗi cô đơn vây bủa thì con người lại tìm đến thiên nhiên và cuộc đời để sẻ chia, an ủi. Bởi vì, ở đó, chúng bao giờ cũng tươi xanh đến dịu dàng và bỡ ngỡ, dù trải qua bao giông  gió, dập vùi. Ở tập thơ Ngày linh hương nở sáng, Đinh Thị Như Thúy thể hiện cái nhìn cảnh quan rất cụ thể: “Những mái nhà nhỏ chìm đắm đâu đó trong mù mịt mưa, những đàn bò vàng lầm lụi, những vòm cây  xanh  nghiêng ngã, thi thoảng những tia chớp loằng ngoằng sáng trên nền mưa nhòa nhạt; là những mảnh đời không định vị được nơi chốn…” (Sau tấm bình phong). Đó là sinh thái thiên nhiên. Còn sinh thái xã hội và con người thì sao? Đinh Thị Như Thúy đã thấy trong nhiều hoàn cảnh bi đát, con người nhiều lúc trở thành nỗi bi thương và lâm nguy của chính xã hội và thiên nhiên: “Đôi khi nét mặt thản nhiên lời nói thản nhiên/ Mà cắt cứa tím bầm trong da thịt/ Những dị dạng không tìm lối thoát ra/ Những dị dạng đau đớn tìm nhau/ Vây bọc nhau/ An ủi nhau/ Chất chồng lên nhau/ Làm nên một thế giới khác/ Thế giới của những giấc mơ và những bông hoa độc” (Có phải tất cả ta tìm kiếm đều như thế). Một thị trấn buồn cũng không lọt khỏi từ trường thơ chị: “Thị trấn ướt át lầy lội dưới những cơn mưa bão chồng lên bão lũ chồng lên lũ, dưới đồng kia đồng bằng miền Trung đang gồng mình trong lũ lụt, đói và lạnh và mệt mỏi”. Chị xa xót cho bao phận số: “không dám nhìn vào những khuôn mặt tuyệt vọng thất thần trên màn hình sợ ứa nước mắt (biểu hiện của thái độ hèn kém)” (Krông Pắc, tháng Mười một ngày mười ba).

Sự ô nhiễm môi sinh có nguy cơ dẫn đến sự nhiễm độc đáng  sợ, làm xáo trộn cuộc sống con người: “thế giới đang bị nhiễm độc những độc tố đang dần đi vào mỗi vật thể theo những con đường khác nhau, những con cá nhiễm độc những trái táo nhiễm độc,  nhiễm độc  dòng sông nhiễm độc bầu  trời nhiễm độc  sữa…” (Ngày nhiễm độc). Cảm xúc, suy nghĩ trước những vấn nạn của đời sống trở thành nỗi bất an và nỗi lo buốt nhói trong thơ chị. Nhưng rồi, con người vẫn phải sống và quẫy đạp để thoát khỏi thế giới mục rỗng ấy bằng chính nội lực và niềm tin vào sự sáng suốt đạo đức của xã hội và con người. Không nhiều lời, nhưng vẫn phải xác lập niềm tin trong yên lặng: “Không nhiều lời, những con dốc buộc người đi phải cúi đầu. Không chơi trò ú tim, sự tồn tại rồi tiêu biến của sương mù là bài học. Không đỏm dáng, cẩm tú cầu tự nhuộm sắc vàng xanh tím hồn nói lời đau đi qua hạnh phúc…” (Bài ca hạnh phúc). Nhà thơ nhận thấy sự tồn tại và nghiệm sinh của con người bao giờ cũng được đặt trong từng mối quan hệ bản chất và mối quan hệ tương tác để làm bật lên tính tích cực và tinh thần làm chủ bản thân của mỗi nhân vị: “Đêm nay chúng ta có thể làm ra sự rạng ngời/ bằng niềm hứng khởi trong bóng tối” (Đêm nay chúng ta có thể làm ra sự rạng ngời). Dẫu có lúc trước đó, ta đã từng thất bại: “dư vị thất bại đã đọng trên môi tôi những vệt bùn đen” vì lối sống bất an và nhếch nhác của xã hội hiện đại. Đó là một “thị trấn ướt át đang chìm dưới bầu trời màu chì nặng trĩu, khó tìm đâu ra một nơi nhiều rác rến hơn nơi này” (Krông Pắc, tháng Mười một ngày mười ba), có cả những dự cảm về sự hủy diệt: “Đã bắt đầu những chuyển động hỗn loạn chói gắt. Mặt trời không lên thẳng mà đi đường dích dắc. …trong lòng ngực khối u đã được kích hoạt” (Cái gì đang xảy ra giữa chúng ta). Nhưng rồi, Đinh Thị Như Thúy sực tỉnh và luôn có cái nhìn phản động vào những bất an đó để tin yêu và dự cảm cho một ngày mai tốt đẹp. Bởi vì bao giờ chị vẫn tin rằng mỗi ngày mặt trời vẫn mọc, rừng vẫn còn xanh, sự nhiễm độc rồi sẽ biến mất. Con người luôn có khả năng vươn lên làm chủ bản thân mình và làm chủ thiên nhiên. Từ vấn đề sinh thái thiên nhiên, Đinh Thị Như Thúy bình tĩnh tiến thêm một bước để nhìn vào vấn đề sinh thái văn hóa tinh thần và đạo đức mà ở đó, con người là chủ thể phải được quan tâm hàng đầu.

Mỗi chủ thể phải luôn ý  thức chiếm lĩnh không gian và thời gian để quí từng khoảnh khắc tồn tại của đời mình: “Ban mai thuộc về tôi/ Con chim sẻ xù lông trên gờ tường rêu ướt/ Tôi ngắm nhìn mặt trời/ Hiểu niềm vui của ngày đang sống” (Ý nghĩ ban mai). Có lúc, chị thấy mình là người xà ích yếu hèn, bất lực trước trái tim yêu cuồng nhiệt của chính mình đang tung vó như một chú ngựa bất kham:

Trái tim tôi là con ngựa bất kham Sải vó dài trên đồng cỏ

Gió ngùn ngụt gió

Tôi, người xà ích yếu hèn không đủ

sức ghìm cương

(Một ngày tháng sáu)

Nhưng dù gì, con  người  cũng phải quay về với hiện thực trần thế mà mình đang tồn tại, hít thở mỗi ngày. Chị ngắm nhìn ban mai ngày mới và yêu sự tinh khôi bắt đầu của sự sống: “Góc quán quen em ngồi mỗi sớm mai/ Chiếc ghế gỗ thông không còn tươi màu gỗ mới/ Mắt  em nheo cười” (Café sớm mai). Từ góc nhỏ quen thuộc ấy, chị thấy được ánh trời chiếu vào mọi vật bằng cái nhìn thị giác đầy bất ngờ: “Bởi tất thảy đã kịp biến tan/ Trước bình minh choán ngợp/ Rạng rỡ dịu dàng/ Như một ân sủng của thượng đế” (Từ cửa sổ căn phòng này). Ánh sáng trong thơ Đinh Thị Như Thúy tràn ngập trong mọi không gian và thời gian được nhà thơ cảm nhận như một ánh hào quang rạng rỡ: “Hào quang rực rỡ của đóa hỏa hoàng” (Đêm). Ngay cả lời nói cũng tỏa phát hào quang: “Ở đâu đó giữa nắng gắt/ Những lời nói tiếp tục tỏa rạng hào quang” (Không phải ai cũng gỡ được lưng thắt buộc). Ngay cả nụ hôn của người mình yêu cũng tỏa rạng hào quang, khi hôn lên tóc em, khiến cho tóc em cũng tỏa sáng: “Dường như trong tóc em vệt môi anh còn ẩm/ Vệt môi màu nụ hôn làm hào quang/ Để tóc em tỏa sáng” (Không là cổ tích). Quả thật, đó là thứ ánh sáng kỳ diệu làm hồi sinh và tỏa phát mọi niềm vui và hy vọng cho tình yêu kỳ diệu. Tình yêu trong thơ Đinh Thị Như Thúy có cảm xúc và cung bậc riêng, nhưng bản chất vẫn là yêu thương, sẻ chia và dâng hiến. Vì vậy mà chị cảm nhận được vị ân ái của tình yêu một cách vừa cảm xúc vừa thực tiễn diễn ra trên ngôn ngữ thân thể. Theo chị, tình yêu: “Là trái tim tan ra trong một chiếc hôn dài/ Là tâm tư bấn loạn, bàn tay chơ vơ…/ Là những ám ảnh không đầu không cuối” (Tình yêu). Những cụm từ sau hệ từ “là” trở thành những định nghĩa về tình yêu theo cách của Đinh Thị Như Thúy. Tình yêu, vì vậy, vừa cụ thể, nhưng cũng vừa bí ẩn và thiêng liêng, nó khiến con người ta hạnh phúc tột đỉnh nhưng có lúc cô đơn tột cùng. Trạng thái lưỡng phân của tình yêu là có thật: “Chờ một tiếng chuông reng/ Lời chúc mừng giờ  xa xôi quá/ Phút giây thổi nến đã qua” (Sinh nhật). Đó là trạng thái hụt hẫng trong phút giờ sinh nhật vì lý do gì đó đã không có người yêu bên cạnh để được nghe một tiếng chuông reo, một lời chúc phúc. Chỉ một mình em thổi nến trong bồi hồi, vô vọng. Còn trong những hoàn cảnh khác thì sao? Đinh Thị Như Thúy có cả một ngân hàng ký ức tình yêu.

Đây là một ký ức đẹp và đam luyến:

Em đã đặt bàn tay em lên

bàn tay anh Như thận trọng đếm đo gửi trao

số phận những đường chỉ tay chạm nhau

vấn víu

Còn đây là ký ức của nỗi nhớ trần trụi, mênh mông, không che đậy:

Em đã nhớ anh

Bằng nỗi nhớ của những bông

hoa tuyết

nhớ mặt trời

Trần trụi giữa mênh mông Không biết ngụy trang giấu giếm

(Valse tháng tám)

Và cuối cùng là ký ức của hạnh phúc theo nhau đến tận cùng cái chết, dữ dội và đau đớn như khối u di căn:

Thật không dễ đi vào nỗi nhớ

của một người rồi tồn tại như một khối u….

Thật không dễ đi ra khỏi kí ức

của một người những di căn bên trong nhan sắc Cái chết nằm kề

(Mười năm)

Tình yêu như thế phải nói là tận cùng của sự đắm si và có khi bi đát. Và còn nhiều thuộc tính khác nữa như cách nói của Frankensess:  “Tình  yêu có đủ các phẩm chất: lãng mạn, thiêng liêng, phàm tục, lí tưởng, bi đát, đắm đuối và mộng mơ”, làm rung động và tan nát trái tim mỗi con người.

Đinh Thị Như Thúy là người dễ cảm xúc, nhưng cũng dễ tổn thương. Nếu trước đây, khi yêu: “Em đặt bàn tay em lên bàn tay anh/ Như thận trọng đếm đo gởi trao số phận” (Valse tháng tám), thì giờ đây, trước những chấn động tâm hồn và rạn vỡ trong tình yêu, chị liền nhận ra cần phải dũng cảm và lựa chọn cách ứng xử theo phán đoán đúng, nếu như đó cũng  lại  là  phận số: “Số phận dồn đuổi hai ta/ Một màu trời, một màu sao/ Một sợi dây vô hình thắt buộc…/ Thôi đừng dịu dàng/ Em hứa mà/ Sẽ không rơi nước mắt/ Phút chia tay” (Quán vắng, những lối đi ướt lạnh). Nhưng rồi bao ký ức hiện về đắm say và quyến rũ: “Ai sẽ tìm trong câu  chữ/  Sẽ  thấy  những  ngã  đường/ Nơi anh hút thuốc đầu tiên” (Sẽ không còn nỗi nhớ). Thời gian và không gian ở đây đủ đánh thức từng kỷ niệm, nhất là những kỷ niệm ban đầu: “Nơi anh mất ngủ/ Nơi trong đêm mái tóc anh trên ngực người đàn bà/ Đêm tối dịu dàng và buồn khổ”. Ở đó, có  “sự đan cài của những ngón tay”.  Và  em đã dịu dàng: “Em vùi em vào thân thể anh/ Tóc anh dựng tường thành giam giữ” (Ở một nơi không còn rừng). Có cả những giấc mơ đêm  trong  màu tối thẳm: “Mơ và mơ, bóng tối và bóng tối hơn, ngày và ngày tàn chỉ là những mắc xích ta nắm và thả trong thời khắc diễn vai” (Thời khắc diễn vai).

Có khi, con người phải trốn tránh thực tại để được phần nào phôi phai nỗi niềm trắc ẩn. Khi ấy, trạng thái lưỡng phân là có thật. Vừa khổ đau vừa tự mình thanh tẩy mình. Nhìn những con chim sa lưới, chị liên hệ đến sự tuyệt vọng bắt đầu từ đôi chân yếu đuối của mình: “Em tự nhủ  xuôi đôi vai xuống đừng ngang ngạnh nữa, em tự nhủ có phải con người đã nghĩ ra bao nhiêu điều để tự dằn vặt mình rồi tự tẩy rửa thanh lọc mình,… em biết, trong buổi sáng này góc vườn này không đủ rộng để giấu che những đau đớn của em, em biết, em đang quá mệt, em đang chết, bắt đầu từ đôi chân” (Những hoảng loạn của con chim sa lưới).

Duyên  phận  và  số  phận  nhiều khi là hệ quả thuận chiều, những có lúc ngược chiều. Khi ấy, ký ức là liều thuốc an thần để chị tạm thời quên đi những trái ngang trước mắt. Mà tuổi thơ có lẽ là ký ức dịu êm, vô tư nhất: “Tôi muốn trẻ thơ mỗi mắt nhìn/ Muốn trẻ thơ mọi niềm cảm xúc” (Ý nghĩ ban mai). Ở đó, Mẹ cũng lại là nơi nương náu tâm hồn kỳ diệu nhất: “Mẹ của chúngtađangnấuchèbằngnhữnghạt sen tươi/ Hương thơm hạt sen gợi em mùa hạ/  Gợi  những  xoài vàng  ổi  ửng nhang thơm/ và bánh ú tro ngày đoan ngọ” (Ngày Đoan Ngọ). Kí ức tuổi thơ luôn đẹp, trong veo và an yên là vậy!

Và không chỉ có kỷ niệm tuổi thơ và Mẹ, mà cao hơn, Đinh Thị Như Thúy tựa vào thiên nhiên để cân bằng tâm thế và qua đó để triết lý về thân phận. Chị muốn hòa vào thiên nhiên để nghe ngôn ngữ của cỏ hoa xanh biếc, rì rào: “Nhìn xác quỳnh đêm qua vừa nở/ Tôi hiểu trong đêm tôi mơ ước điều gì” (Ý nghĩ ban mai). Có khi, chị muốn mình chìm đi trong gió cát xôn xao như một nơi trú ngụ, nơi con người sinh ra và khi trở về thế  giới vĩnh viễn, rồi từ đó, họ sẽ được tái sinh trong không gian cát bụi mênh mông và bỏng cháy: “Tôi ước mình chuyển động như cát theo gió khi ngược khi xuôi khi lô xô chạy khi mịt mù bay tự vẽ nên những đường vân mảnh mai xinh xắn.../ Đã ước mình chìm đi trong cát/ Đã ước mình chìm đi trong cát” (Rồi chìm đi trong cát). Nhà thơ có một sự giao cảm kỳ diệu với thiên nhiên, chị muốn vùi mình trong cát, rồi có lúc, chị lại muốn được sống hết mình như những bông cúc dại và cỏ xanh để lại hết mình khát khao, nồng nhiệt:

Tôi hiểu trong đêm tôi mong ước

điều gì

Cỏ đang hết mình xanh

Nồng nhiệt đến hết mình bao giờ

cũng là hoa cúc dại

(Ý nghĩ ban mai)

Khi ấy, chị cảm nhận được sự yên ả tâm hồn, hòa vào cỏ hoa để được biếc xanh bỡ ngỡ: “Em thích ý nghĩ nằm xuống và tan vào đất, nắng đang rất hồng cho tất thảy, những bông hoa đang nở cho tất thảy, những dây leo giăng mắc cho tất thảy, cũng dành cho tất thảy” (Những hoảng loạn của con chim sa lưới). Như tình yêu chúng mình: “Ta tha thứ cho nhau/ Để sống/ Để yêu” như em đã từng yêu hoa dã quỳ xác xao đến nhức nhối: “Dã quỳ vàng vào nắng, vào sương vào đỏ bụi/ màu vàng nhức nhối/ Dâng hiến một linh cảm bất an/ mùa xao xác”, dù có lúc dã quỳ rừng rực cháy và òa khóc: “không thắm tươi, không cười cợt/ Rừng rực/ Dã quỳ cháy và khóc” (Giấc mơ dã quỳ).

Cảm quan tình yêu của Đinh Thị Như Thúy rất lạ và bất ngờ. Chị nghĩ rằng nếu đã thật ly tan, thì cũng nên ngọt ngào cho từng nỗi nhớ và từng kỷ niệm không dễ phôi phai:  “Tôi mơ cánh tay anh duỗi dài trên cát êm như vòng nôi tuổi nhỏ/ Mơ đôi môi như sóng biển nhiệt cuồng… Mơ nửa không gian anh tạo dựng, những vết xước không giấu che, những sắc màu rối tung theo cảm xúc, những bùa mê ma mị” (Những giấc mơ). Thông qua trạng thái mơ, chị đã thỏa mãn những ước nguyền vô thức, không giấu che những đam mê cuồng nhiệt của mình.

Chị không ngại ngần bày tỏ những ước mơ lặng lẽ mà đắm say của mình trước những bí mật đầy nữ tính: “Em rủ anh đêm nay kín đáo, lặng lẽ ra vườn ngồi chìm trong bóng tối/ Góc vườn đó/ Chiếc ghế đá đó/ dưới gốc mimosa đó/ Không là mùa trăng/ Trời tối/ Nên tha hồ rón rén/ Như thể trộm lén dự phần vào cuộc sống bí mật nơi này. Em bảo/ Một lần thử xem” (Rơi như giọt nước).

Những trạng thái tình yêu trong thơ Đinh Thị Như Thúy được chị thể hiện qua những diễn ngôn chân thật, trực tiếp, có khi thông qua những biểu tượng gắn với thiên tính nữ mà thơ ca từ xưa đến nay thường biểu hiện. Thế giới nghệ thuật thơ  Đinh Thị Như Thúy xuất hiện đậm đặc biểu tượng Đêm và Giấc mơ, gắn với nhiều đặc điểm và tính chất. Đó là đêm và giấc mơ của bóng tối, của âu lo, của cay đắng và tủi hờn. Có cả đêm  và giấc mơ của những đam mê mãnh liệt. Jean Chevalier Alain Gheerbrant trong Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới cho rằng “Đêm tượng trưng cho thời gian của sự thai nghén, nảy mầm, của những mưu đồ bí mật sẽ lộ ra giữa thanh thiên bạch nhật thành những biểu hiện của sự sống. Đêm chứa đầy tất cả các khả năng tiềm tàng của cuộc đời” [tr.298]. Những miền không gian, đặc biệt là không gian huyền  hoặc Tây Nguyên đã cho chị nhiều biểu tượng đêm kỳ lạ, thể hiện những cảm xúc nội tâm đặc biệt: “Khi đêm xuống/ Trong bóng tối, tôi ngồi chờ một giấc mơ” (Có những ngày). Chị muốn trốn chạy khỏi tiếng côn trùng rả rích gợi lên sự cô đơn buồn tẻ cứa vào lòng đau buốt, đang thách thức chị với bóng đêm: “Một mình với bóng đêm/ Vụng về đếm tiếng chuông ngân trong lòng ngực/ Tôi ngoảnh tìm tôi ngày đã mất” (Khoảnh khắc). Đó là cách  để tìm lại ngày hôm qua và tìm ngày mai rồi sẽ đến, giấc mơ trở thành nỗi ám ảnh: “Mỗi ban mai/ Những ám ảnh của giấc mơ đêm đè nặng” (Người đàn bà không giấc ngủ). Chỉ có giấc mơ mới giúp chủ thể thỏa mãn được những khát khao và mộng mơ trong thực tế: “Mơ và mơ, bóng tối và bóng tối hơn, đêm và hết đêm, ngày và ngày tàn chỉ là những mắc xích ta nắm rồi thả trong thời khắc diễn vai”. Có khi để thỏa mãn bản năng: “Tôi mơ cánh tay anh duỗi dài trên cát êm như vòng nôi tuổi nhỏ. Mơ đôi môi sóng biển nhiệt cuồng” (Những giấc mơ).

Trong thơ Đinh Thị Như Thúy còn xuất hiện nhiều lần biểu tượng Lửa với những ý nghĩa đặc biệt như cách nói của Jean Chevalier Alain Gheerbrant: “Lửa là hình ảnh đẹp nhất của chúa trời, gần nhất với sự hoàn hảo trong tất cả các hình ảnh của Người”, “Lửa tượng trưng cho hoạt động đem lại sự sinh sản dồi dào, tẩy uế và soi sáng” [tr.548]. Lửa gắn với ánh sáng xuất hiện giúp tác giả thể hiện những trạng thái đặc biệt của con người và vũ trụ.

Nếu như đêm trở thành biểu tượng cho sự giãi bày những khao khát, là nơi trú ngụ của những giấc mơ  thì ánh sáng mang lại tín hiệu của sự tươi mới, khởi sắc, sáng tạo. Ánh sáng gắn với ban mai, gắn với mặt trời, nơi ngự trị sức mạnh vô biên của siêu nhiên. Trong thơ của Đinh Thị Như Thúy, thời khắc ban mai xuất hiện khá nhiều. Ban mai mang đến cho người đọc cảm giác thanh tân, mới mẻ. Là thời khắc phôi thai của sự sáng tạo: “Những câu thơ rụt rè/ Bủa vây tôi như lưới/ đưa tôi bay lên bầu trời đầy sao và lửa” (Khoảnh khắc).

Biểu tượng Mưa, biến thể từ mẫu gốc Nước cũng xuất hiện nhiều lần trong thơ Đinh Thị Như Thúy: “Đêm tháng tư, những cơn mưa nhỏ, những sinh sôi trong trụ hiền lành, vẻ tĩnh mịch giản đơn của đời sống” (Đêm) hay: “Suốt đêm mưa rơi trên những hoa dại mới nảy mầm” (Có phải tất cả kiếm tìm đều như thế). Mưa mang đến sự hồi sinh mãnh liệt, đầy sức sống cho đất và người Tây Nguyên. Lần đầu đặt chân đến vùng đất này, ai cũng ngỡ ngàng và vui thích với những cơn mưa, kéo dài, xem đó như nghi lễ chào đón, tắm mát con người: “Mưa kéo dài suốt nhiều tuần nay (Cókhi mưakéo dài suốt tháng nọ sang tháng kia. Mùa mưa Tây Nguyên kéo dài sáu tháng mà)” (Rơi như là giọt nước). “Mưa kéo dài từ núi nọ/ mưa kéo dài từ ngày nọ” (Chỉ có mưa không cần nghi ngại). Đinh Thị Như Thúy đã từng đến, sống ở Tây Nguyên và đón nhận những cơn mưa hả hê như thế:

vui sướng vì đường về cơn mưa

tràn ngập

hả hê chảy trôi

hả hê nuốt từng giọt ấm

(Một vị trí buổi chiều)

Mưa cho chị những ngọt ngào, mát rượi, hồn nhiên không nghi ngại điều gì:

Chỉ có mưa không cần nghi ngại chỉ có mưa hồn nhiên

(Chỉ có mưa không cần nghi ngại)

Cao hơn, Đinh Thị Như Thúy xem mưa như cổ mẫu, gắn với bản mệnh đời mình và tái sinh mầu nhiệm cho mọi sinh mệnh: “Cơn mưa đầu mùa luôn vật vã như người đàn bà sinh con so trở dạ, trời sà xuống sầm tối vần vũ mây, gió cuốn rạt rào lá khô và bụi đỏ, từng đám từng đám cứ bay như chim cứ trôi lơ lửng…” (Chuyện tháng tư).

Nghiên cứu về thơ  Đinh Thị Như Thúy mà không nghiên cứu về ngôn ngữ thì chỉ hiểu một nửa thế giới nghệ thuật thơ, chưa thấy hết ý thức sáng tạo ngôn ngữ trong thơ chị. Đinh Thị Như Thúy chú ý vận dụng lớp ngôn từ giản dị, gần gũi đời thường để phản ánh tâm trạng và hiện thực đời sống. Nhờ vậy, những diễn ngôn  thơ  chị dễ được người đọc đón nhận và nội cảm hóa nhanh. Hệ từ ngữ thơ  chị bao gồm những lớp từ trực tiếp hàng ngày: “Một ngày dài nhàn nhạt/ Chẳng có niềm vui nào ra hồn/ Cũng chẳng có nỗi buồn nào/ Đáng để tôi được khóc” (Có lúc tôi thèm khóc biết bao). Sức biểu cảm của ngôn ngữ thơ Đinh Thị Như Thúy chính là cách diễn xuôi của lời ăn tiếng nói hàng ngày, nhưng lại lôi cuốn và tác động vào chiều sâu tình cảm của người đọc: “Người thợ muốn dùng dao nhưng tôi không chịu, tôi đòi phải cắt tóc bằng kéo, tôi thích tiếng nhắp nhắp khi hai lưỡi kéo chạm vào nhau” (Tóc). Chị hay chen vào văn bản thơ những dấu  ngoặc  đơn để diễn giải thêm sự việc và vấn đề: “Mưa đã kéo dài suốt nhiều tuần nay. (Có khi mưa kéo dài suốt tháng. Có khi mưa kéo dài từ tháng nọ sang  tháng kia. Mùa mưa Tây Nguyên kéo dài sáu tháng mà!)” (Rơi như là giọt nước). Ngay cả thi pháp đặt tên  cho  từng bài thơ cũng lạ. Ít có nhà thơ hiện đại nào lại có kiểu đặt tên nhan đề bài thơ dài và theo khẩu ngữ kiểu: Một ví dụ về vòng quay mùa hè, Có phải tất cả kiếm tìm đều như thế, Những hoảng loạn của con chim sa lưới… Cũng có kiêu đặt tiêu đề theo lối nghi vấn để gây chú ý cho nội dung câu chuyện: Chúng ta đã làm gì trong những ngày cuối cùng của mùa hạ?, Cái gì đã xảy ra ở giữa chúng ta?… Tự do hóa hình thức và mở rộng dung lượng từ ngữ cho câu thơ và tiêu đề bài thơ đã thành đặc điểm thi pháp thơ Đinh Thị Như Thúy.

Bên cạnh lớp ngôn ngữ đời thường, gần gũi nói trên, Đinh Thị Như Thúy còn sử dụng đa dạng lối ngôn ngữ đối thoại, chất vấn để triết lý và giãi bày những vấn đề có liên quan đến tình yêu và nhân sinh, thế sự.

Những thao thức và băn khoăn thường trực về tình yêu trong thơ Đinh Thị Như Thúy bao giờ cũng gây chú ý cho người đọc bởi cách lập ngôn lạ: “Ai sẽ tìm thấy trong câu chữ/ Sẽ thấy những ngả đường/ Nơi, anh hút thuốc đầu tiên/ Nơi anh mất ngủ… Anh có nhớ/ Anh đã yêu làm sao sự đan cài của những ngón tay” (Sẽ không còn nỗi nhớ). Hướng về người yêu và những đối tượng khác, chị cũng có cách đối thoại và chất vấn bất ngờ. Với một người bạn tên Diệp, những câu hỏi hiện lên: “Diệp - còn bao nhiêu ngày nữa?/ Diệp - còn bao nhiêu liều morphine nữa? Bỗng dưng Diệp nhắc/ nhớ không?/ Những bông hoa đồng tiền đơn một tối ba mươi năm cũ/ Ba đứa đi  chợ  hoa  trên  đường  Trần  Phú/ Những cánh nhỏ cong cong/ Nhớ không/ Không việc gì phải khóc” (Diệp, những ngày tháng chạp). Phải nói là đời thường, gần gũi và cảm động làm sao trước hoàn cảnh buồn của người bạn phải chống chọi với cơn đau nặng! Nhu cầu được chất vấn, tâm sự và đối thoại xuất hiện nhiều trong thơ Đinh Thị Như Thúy. Điều đó chứng tỏ rằng chị rất tình cảm và muốn  giãi bày tình cảm với người thân để được sẻ chia, an ủi: “Giờ phút đó bạn biết mình đã chọn được cách trút bỏ ngoạn mục, gánh nặng từng không thể mang nhưng không thể không mang/ Hãy dạy tôi cách ra đi như vậy, hãy dạy tôi cách để có thể ngủ say, ngủ tưởng như vùi quên trong sự ngủ vùi của muôn loài” (Phía bên kia cây cầu). Thông qua những đối thoại và giãi bày đó, những chiêm nghiệm và triết lý ngầm hiện lên, giúp mỗi chủ thể hiểu rõ và sâu sắc hơn ý nghĩa của sự sống và cái chết của muôn loài. Còn với chính mình, có lúc Đinh Thị Như Thúy biến đối thoại thành độc thoại nội tâm, tự mình giãi bày với mình, nhưng người đọc sẽ hiểu như một cách đối thoại bằng những câu thơ văn xuôi tràn trang thơ: “Em biết, emphảitựlàmđiều đó một mình em, em biết, em phải đi qua những trống rỗng đó như vực thẳm bất chợt mở toang hoác dưới chân, em biết, em không thể tựa vào một ai tựa vào cái gì ngoài đôi chân em yếu ớt, run rẩy…” Tự biết phải làm gì, tự biết phải như thế nào là một cách thức nhận và an ủi chính bản thân, là một cách tự động viên chính mình để tồn tại: “Em nghĩlàemkhôngcònconđườngnàođể trốn chạy/ Em vùi em vào thân thể anh/ Tóc anh dựng thành tường  giam  giữ” (Ở một nơi không còn rừng). Ngôn ngữ thơ Đinh Thị Như Thúy đầy tự tin và mạnh mẽ. Biện pháp ẩn dụ, nhân hóa được thể hiện thông qua hệ từ ngữ mới lạ mà gần gũi, làm cho người đọc hiểu thêm từng đối tượng, sự vật. Đây là cách chị nhân hóa ngọn gió để ngọn gió mang hồn sự sống: “gió đã rền rĩ suốt đêm suốt đêm và khóc suốt đêm tiếng va đập của cành lá đã không phút nào ngừng nghỉ khu vườn bất ổn ngoài kia và bóng tối đặc quánh trong căn phòng này” (Đêm hoàn hảo trong nắng mai) hay: “gió hoang/ Làm  sao tôi hiểu hết/ những đơn côi/ của cuộc đi bất tận” (Những bài mùa đông). Gió đưa hương đi xa, khơi gợi vùng kí ức đau nhói: “Chỉ có gió đẫm hương/ và tiếng côn trùng như dao/ Cứa vào lòng tôi buốt nhói” (Có những  ngày).  Gió và mưa nương theo nhau để day dứt mưa, chập chùng gió: “Ào ạt mưa theo gió lướt nhanh thành từng vệt dài trên các ngọn đồi trên những con đường trên các bụi cây trụi lá mưa dần trắng xóa không sao nhìn thấy nữa  những rẫy caphê ngút ngát” (Chuyện tháng tư). Nhớ mưa là nhớ luôn tháng và mùa của một vùng đất đã thành máu thịt và  ám  ảnh cuả  mình:  “Tháng tư mưa/ Tháng tư côn trùng/ Tháng tư cỏ dại/ Tháng tư dịu dàng xa ngái/ Chối từ bình yên” (Tiếc đã không là gì khác). Mưa đã tương tác lên từng sự kiện, hiện tượng để còn lại con người và bài ca kỷ niệm:

Mùa mưa này mất điện liên miên

Bài hát kiếp nào có yêu nhau bị băm vằm từng đoạn

Em ngồi nhắn tin bằng ngón cái bàn tay phải

(Café sớm mai)

Ngôn ngữ đã trở thành vỏ vật chất của tư duy và âm  thanh  trong thơ Đinh Thị Như Thúy để chuyển tải thông điệp thẩm mỹ đến người đọc.

***

Hành trình thơ Đinh Thị Như Thúy diễn ra trong nhiều không gian - thời gian hiện thực và tâm tưởng khác nhau đã làm cho thế giới nghệ thuật thơ chị ngày càng giàu có và không ngừng được vận động và phát triển. Ngôn từ - hình tượng - tư tưởng thơ được kiến trúc thành chỉnh thể vững chắc trên cơ sở giải quyết hài hòa mối quan hệ bản chất và quan hệ tương tác giữa chủ thể sáng tạo  và  khách thể thẩm mỹ. Tất cả lại được kết tinh bằng cái nhìn nghệ thuật và tâm thức hiện đại, xen lẫn hậu hiện đại nên diễn ngôn thơ chị có sự đổi mới đáng kể. Bằng hình thức và trước hết là hình thức, thơ Đinh Thị Như Thúy ưu tiên thể hiện từ ngữ theo trục kết hợp, mở rộng dung lượng hiện thực câu thơ theo dạng thơ tự do, thơ văn xuôi dựa trên khả năng hoạt động của các yếu tố ngôn ngữ có thể đặt bên cạnh nhau nhờ vào sự liên hệ tương cận hình ảnh và ngữ nghĩa của chúng do nhà thơ nghĩ và sáng tạo nên. Vì vậy mà thơ Đinh Thị Như Thúy luôn có những tín hiệu và thông điệp bất ngờ, nhiều lúc không có trong trường liên tưởng của người đọc, nhưng lại có khả năng đánh thức những vui buồn ân nghĩa quanh đời bằng giọng điệu gần gũi, đời thường nhưng cũng giàu chiêm nghiệm, triết lý.

H.T.H

Bài viết khác cùng số

Ra Trường Sa nhớ Hoàng SaĐam mêBóng ngả chân trờiNgười đọc sáchBiển và ngườiNhững mảnh trăng hao khuyếtLên Tà Lang nghe kể chuyện cây Tà VạtĐà Nẵng thức giấcTruyền thuyết về một ngọn núiKý ức trường xưa trên đất BắcHấp dẫn Quảng ĐàAnh - Người Chiến sĩSáng tác ca khúc - Thế mạnh của Hội Âm nhạc Đà NẵngChuyển đổi số với văn hóa dân gian Đà NẵngNhiếp ảnh Đà Nẵng trong sự chuyển mình của công nghệ sốTừ Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng - Nghĩ về một thành phố điện ảnhĐịnh hướng phát triển múa đương đại thành phố Đà NẵngVăn học, Nghệ thuật Đà Nẵng - Thành tựu và triển vọngThơ Đỗ Ngọc HanhThơ Nguyễn Minh HùngThơ Trác MộcThơ Vạn LộcThơ Huỳnh TrâmThơ Thy NguyênThơ Tăng Tấn TàiTình phù saThơ Lương Cẩm QuyênSáng đứng đầu sông cho gió bayChiếc gối lá đinh lăngCó một Hà Nội của chúng mìnhThơ Trần Văn ThọThơ Trần Trình LãmTrò chuyện cùng hoa dạiThơ Trương Thị Bách MỵThơ Long VânThơ Nguyễn Đức DũngThơ Thanh Dương HồngĐất nước tôi mang hình núiThơ Nguyễn Văn TámThơ Nguyễn Hoàng ThọThơ Bùi Công MinhMỹ thuật Đà Nẵng - Xu thế phát triển và hội nhậpKiến trúc cũ trong đô thị hiện đại: Hạn chế hay cơ hộiĐiện ảnh - Nhịp cầu vàng phát triển Đà NẵngVề miền biên viễn cùng Trần Ngọc ĐứcTrên lá sâu vẽ bùa - thái độ sống đầy trách nhiệmMột số quan điểm cách mạng, tiến bộ của Nguyễn Đình Thi trên lĩnh sáng tác Văn học và Nghệ thuậtMưa phố cổ dâng nhớ thương*Đọc văn học là đọc văn hóaCon người mong manh trong Người ăn chayThế giới nghệ thuật thơ Đinh Thị Như ThúyTạo nguồn văn nghệ sĩ trẻ cho văn học nghệ thuật Đà NẵngTạp chí Non Nước - Cùng nhịp đập cuộc sống hôm nayNgười Đà Nẵng với thi pháp học hiện đạiThiếu nữĐường ra chợSoi BóngChiều bên bến cảngTừ trái tim đến trái timTrong sươngĐà Nẵng gợi thương gợi nhớLá rơiBiển vẫn hát bài ca bất tửƯớc mơ Việt Nam