Người đọc sách

07.12.2024
Lệ Hằng

Người đọc sách

Minh họa Hồ Đình Nam Kha

...Và rồi, con chim thanh tước hót. Trong chiếc lồng màu than. Và rồi, sẽ luôn có thứ gì đó ngoài kia. Một thứ gì đó mà tôi chưa thấy.

Tôi gấp  cuốn sách lại. Đồng hồ điểm chín giờ.

“Đẹp quá… Cảm ơn cô”.

Vị khách của tôi nói. Giọng khàn đục méo mó. Tôi vẫn còn nhớ tôi đã sợ hãi thế nào khi nghe giọng ông lần đầu tiên. Tôi lẩy bẩy làm rơi cuốn sách xuống sàn phải cúi xuống nhặt, thấy dưới giường có mấy cái chậu và bô cho người bệnh, lúc ngước lên thì thấy cái bình oxy phía trên đầu giường cùng dây dẫn cho bệnh nhân thở nằm hờ hững bên gối. Lúc được dẫn vào phòng này nhận việc tôi thấy một người đàn ông nằm trên giường, chăn đắp ngang ngực, tay khoanh ngay ngắn trên bụng. Tôi chọn một góc ngồi khuất tầm mắt ông ta, nhận lấy cuốn sách được giao và bắt đầu đọc, chỉ có thế. Tôi không hình dung nổi, một người trong tình cảnh thế kia mà cũng cần nghe đọc sách. Thế mà lần nào tôi gấp sách lại cũng đều được nghe cảm ơn. Phải mất đến mấy buổi tôi mới thấy đỡ sợ mỗi khi có âm thanh phát ra từ giường. Giờ thì tôi thấy bình thường. Nhưng cuốn sách thì chán đến buồn ngủ. Tôi là người đọc sách chứ không phải người làm nghề văn chương, tôi không hiểu nổi bằng cách nào mà người ta có thể viết ra một thứ nhàm chán đến nhường ấy, rồi bằng cách nào mà họ cho nó xuất bản, rồi vị khách của tôi lại trả tiền cho tôi để đọc nó, từ đầu đến cuối không sót một chữ. May mà cuối cùng thì cũng kết thúc. Không thể tưởng tượng tôi sung sướng đến thế nào khi nhìn thấy cái dấu chấm cuối sách ấy, tưởng như nó không phải là cái dấu chấm mà là một cột mốc báo hiệu rằng tôi đã về đích và phía trước chỉ có thể là thiên đàng mà thôi. Thật, chỉ có thể là thiên đàng khi tôi nhận tiền công với khoản tiền bo kha khá.

Cuộc đời đúng là đầy những chuyện không thể hiểu nổi. Ví dụ như khoản tiền tươi rói tôi kiếm được từ việc đọc cuốn sách nhàm chán ấy. Hay ví dụ như cái cách tôi trở thành một người đọc sách chuyên nghiệp như bây giờ. Dạo ấy, công ty phá sản, công nhân thất nghiệp, túng quẫn quá cái gì cũng nhận làm, kết quả tôi thành người đọc sách thuê, có hẳn hồ sơ vô cùng khả ái trên một trang mạng việc làm.

Hiện giờ thì tôi không cần phải đăng tin nữa vì khách này giới thiệu khách kia, thỉnh thoảng còn phải từ chối vài mối ở xa. Khách của tôi toàn giới giàu có, họ đối xử với tôi lịch sự như thể đọc sách là một cái gì đó thiêng liêng lắm và người đọc thuê hiển nhiên đáng được trân trọng. Để đáp lại thịnh tình của họ, tôi vờ xem nó là công việc nghiêm túc, giữ hình ảnh của mình như một thứ thương hiệu. Tôi luôn xuất hiện trước mặt họ với bộ đồ kinh điển mà tôi xem như là một loại bảo hộ lao động: quần tây đen, áo sơ mi trắng, khăn nhỏ thắt gọn gàng nơi cổ, kèm cặp kính không độ vì mắt tôi bình thường.

Và công việc này đơn giản quá nên tôi không xem nó là công việc được, tôi vẫn xin đi làm công nhân dù lương công nhân chẳng bằng tiền công đi đọc sách. Lần này, khách không đồng ý trả công theo tuần hay tháng như thường lệ mà yêu cầu trả công khi nào tôi đọc hết cuốn sách. Ban đầu tôi còn tính xem mình đọc nhanh hay đọc chậm cuốn sách này thì sẽ lợi hơn nhưng càng về sau tôi càng thấy cuốn sách chán đến nỗi muốn cắn lưỡi nên tôi tăng tốc, cố đọc cho xong. Tôi cũng có chút lo lắng về khoản tiền công của mình nữa…

***

“Sao? Mối này cũng đàng hoàng chứ?”, anh hỏi.

“Hơn cả đàng hoàng. Nếu chia ra tính sát theo số giờ thì hơn hẳn mấy mối trước.”

“Giờ thì cưng chịu anh chưa? Gì chứ tiền là anh đánh hơi tài lắm nhé. Sém chút thì em bỏ một mối ngon rồi còn gì”.

Tôi mỉm cười. Số tiền làm tôi vui hẳn. Tôi đã định bỏ ngay lần đầu tiên nghe giọng nói phát ra trên chiếc giường. Rồi thì căn phòng ấy, nó cứ khiến tôi rờn rợn như đang ở chỗ nào xa mặt đất lắm, rồi thì cuốn tiểu thuyết lê thê như quỷ ám, lúc nào cũng chỉ thấy có cô gái sắp chết ngồi viết những bức thư tình vô vị bên con chim thanh tước. Và lúc nào cũng nói về một thứ gì đó khác mà tôi đọc mãi, đọc mãi muốn phát điên mà chẳng thấy thứ gì khác. Thật, nếu mà không phải vì anh tiếc nghỉ là mất trắng mấy buổi đã đọc thì có lẽ tôi chẳng bao giờ quay trở lại căn phòng ấy mặc dù làm thế chẳng khác nào tự đánh cho mình một sao trên bảng chấm điểm. Giờ thì có một mối ngon ơ rồi, nhưng mà tôi vẫn chạnh lòng, anh quan tâm đến công việc của tôi hay quan tâm tôi, cái nào nhiều  hơn? Và  người  đàn  ông  trên chiếc giường ấy không biết đã nghĩ gì về cô gái sắp chết và con chim thanh tước? Chắc chắn là không nghĩ về tôi.

Buổi sáng, tôi ngước mắt lên nhìn mảnh trời bé tí hin. Chỉ có một mảnh trời chèo chẹo, ở đây là tầng ba của một nhà trọ bình dân, mỗi căn là một chiếc hộp hình chữ nhật lọt giữa con hẻm sâu ngút trong lòng thành phố. Tôi không ở nhà tập thể của công ty, dù sao thì tôi cũng khác họ vì tôi còn làm người đọc sách mỗi tối nữa. Chỉ một miếng bầu trời be bé thôi nhưng biết ngoài kia đang có nắng. Bất giác, tôi cảm thấy như có tiếng hót của con chim thanh tước nào đó xa xôi. Giả như có, hẳn từ trên ấy nhìn xuống nó sẽ thấy tôi sau vuông cửa y như cô gái trong truyện, chỉ có điều tôi không lảm nhảm về một điều gì khác đang diễn ra ngoài kia. Và tôi thoáng mừng vì hôm qua mình đã đọc xong cuốn tiểu thuyết ấy, từ nay có thể quên hẳn nó đi. Tôi nhìn người đàn ông đang nằm trên giường mình định gọi dậy thì sực nhớ ra hôm qua anh làm ca ba. Cuộc đời là một vòng quay bận rộn, chẳng có gì khác ngoài kiếm tiền, ăn uống và làm tình. Mà trước nhất là phải kiếm tiền. Thật nhiều tiền.

Từ hẻm tôi túa ra kiệt rồi ra đường nhỏ, đường lớn, điểm đến cuối cùng là cổng khu công nghiệp. Tôi đã tới chỗ làm mà không trễ giờ. Qua cổng bảo vệ từng người một tỏa đi, tỏa đi và biến mất sau cửa kính. Ở đây tôi mặc đồ bảo hộ lao động. Ở đây chẳng còn ai là ai nữa. Chỉ còn một khối máy khổng lồ đang vận hành. Không còn tiếng con người, giả như có thì cũng không đủ để con chim thanh tước ngoài kia nghe thấy. Tôi làm việc tám tiếng một ngày. Nghỉ trưa tập thể, ăn trưa tập thể. Tất cả đều giống nhau về giờ giấc lẫn thức ăn. Những câu chuyện, những nhu cầu, những cuộc đời cũng sàn sàn giống nhau. Không ai nói về tình yêu hay cái gì đó khác ngoài kia như cô gái trong tiểu thuyết có con chim thanh tước.

Năm giờ chiều tôi tan ca. Về phòng tắm rửa, đổi kiểu tóc, sơ vin quần tây áo trắng thắt chiếc khăn nhỏ xinh rồi ngồi trước gương trang điểm. Chỉ một chút son, không vẽ vời lòe loẹt, chủ yếu là thả lỏng cơ mặt, chỉnh lại ánh mắt, tập lại nụ cười. Kín đáo và không cảm xúc. Phải kiểm soát cảm xúc. Phải luôn kiểm soát cảm xúc trong lúc làm việc với những cuốn sách. Tôi là một người đọc sách, chỉ là một người đọc, không phải người trò chuyện, không phải nhà tâm lý, không phải người phán xét, phê bình. Nghĩa là tôi không phải tư duy về những thứ tôi đọc, không được nghĩ và không cần nhớ bất cứ điều gì. Tôi đã học thuộc lòng nhưng cũng phải luôn nhẩm đi nhẩm lại quy tắc làm việc của mình trước mỗi giờ đọc sách.

Đã vài lần tôi gặp rắc rối với khách hàng. Lần đầu tiên là với vị khách bảy tuổi. Tôi đọc sách cho cậu bé trước giờ đi ngủ, cậu bé có một bà mẹ nổi tiếng thường xuyên vắng nhà. Tôi lỡ quên giới hạn của mình trong lúc làm việc. Rắc rối bắt đầu từ việc tôi trả lời câu hỏi của cậu bé, ban đầu là một câu rồi lên năm câu, bảy câu rồi tôi không phải là người đọc sách nữa mà thành người kể chuyện, người chơi cùng cậu bé mỗi tối. Cậu bé tỏ ra quấn tôi một cách đặc biệt. Tôi tự co giãn giờ làm việc của mình, những tiếng cười vang lên thường xuyên hơn trong căn biệt thự thường xuyên im lìm. Những hôm cậu bé ốm tôi còn vào vai bảo mẫu dỗ cậu bé uống thuốc, kể chuyện, hát ru... Sinh nhật tám tuổi, cậu bé thổ lộ điều ước duy nhất, đó là tôi phải thổi nến cùng cậu. Khi ấy trong phòng chỉ có ba người, tôi, cậu bé và bố cậu. Mẹ cậu bé về đúng vào khoảnh khắc hạnh phúc nhất của chúng tôi. Sau đó, tôi nhận tiền công, người phụ nữ ấy đưa cho tôi một khoản nhiều gấp đôi bình thường và nói phần thêm này là để cảm ơn vì tôi đã diễn rất đạt vai của chị ta trong gia đình này. Tôi định nói xin chị đừng làm tổn thương thằng bé, nhưng chợt nhận ra mình lại nhầm nữa rồi, chị là mẹ thằng bé còn tôi là người đọc sách thuê. Việc của tôi bây giờ là làm sao để tìm được mối mới ngay lập tức. Tình cảm chẳng bao giờ mang lại điều gì ngoài rắc rối, anh nói khi tôi đưa cái phong bì ấy.

Lần thứ hai tôi gặp rắc rối là với một ông chú thích nghe truyện khiêu dâm. Quái, ông ta không chịu đọc mà nhất định phải thuê người khác đọc còn ông ta ngồi nghe. Mặt tôi nóng ran, mồ hôi túa ra, tôi thậm chí cảm thấy được lưng áo mình ướt đẫm dù nhiệt độ trong phòng khi tôi bước vào khiến tôi lạnh toát. Vì những trang sách. Và vì sợ. Phần sợ nhiều hơn. Tôi đã định bỏ chạy nhưng lại không dám vì nghĩ không chừng hành vi bất thường của mình lại là sự khiêu khích đối với người khác. Hôm ấy về tôi bảo sẽ bỏ mối này, dù gì thì tôi cũng đã nhận tiền công cho buổi ấy. Đó là mối duy nhất mà người ta trả tiền cho tôi theo buổi. Anh bảo tôi không vượt qua được cửa ải này thì sao làm người đọc sách được. Người đọc sách, chỉ là người đọc, không tư duy, không cảm xúc, không đánh giá. Chỉ đọc như một cái máy. Vậy mà người ta lại chẳng thích nghe từ máy, họ vẫn thích có sự hiện diện của một con người bằng xương bằng thịt, nghe giọng nói phát ra từ xương từ thịt chứ không qua bất kỳ màn lọc hay phần mềm chỉnh âm nào. Thời máy móc thống trị, con người thèm khát tiếng nói của đồng loại mình còn tôi thì kiếm được tiền khi tự nguyện biến mình thành cái máy, đọc mọi thể loại sách tôi được giao. Không lựa chọn, không sở thích, không suy nghĩ và nhất là không ghi nhớ. Vậy mà tôi vẫn ngán cuốn tiểu thuyết có con chim thanh tước ấy. Nhưng từ giờ thì có thể quên hẳn nó đi rồi.

***

Tôi vào phòng.

Thanh Tước. Cuốn tiểu thuyết để sẵn trên bàn cạnh ly nước y như hôm đầu tiên tôi đến. Bất chợt, tôi nghĩ không biết là mỗi buổi tôi đến đọc sách người ta đều mang cho tôi một ly nước mới hay là nó đã ở đó, ly nước hôm nay cũng chính là ly nước tôi thấy hôm đầu tiên. Cuốn tiểu thuyết cũng để đúng chỗ như không có gì thay đổi. Có lẽ ai đó không biết chuyện tôi đã đọc xong và cần một cuốn sách mới. Phía đằng kia sát bên cửa sổ có một cái giá sách. Tôi chưa từng nhìn ngang ngó dọc căn phòng này. Việc của tôi chỉ là đọc sách. Nhưng bây giờ thì tôi nhìn cái giá sách thực sự. Chắc chắn ai đó đã không biết rằng hôm nay là ngày tôi đọc cuốn sách mới. Vị khách của tôi cần một cuốn mới. Và tôi cũng cần nữa.

Tôi đến giá sách, chọn một cuốn gáy mỏng, bìa tinh tế lịch sự. Chắc chắn không phải là tiểu thuyết khiêu dâm. Và chắc chắn không chán như Thanh Tước. Làm sao có một cuốn thứ hai lê thê như đường về cõi chết thế được chứ. Đây là lần đầu tôi chọn sách, tôi tin vào giác quan của mình.

Tôi quay lại, mắt tôi va ngay vào mắt của vị khách đang nằm trên giường. Một thứ ánh mắt trìu mến và tỉnh táo. Rất lạ. Rất khác. Liền ngay đó là một cái lắc đầu cũng trìu mến nhưng quyết đoán. Tôi biết mình đã sai. Tôi chỉ là người đọc thuê.

“Thanh Tước”.

Vị khách của tôi nói.

Tôi đặt cuốn sách mới lên giá, đúng vị trí tôi vừa nhấc nó ra. Tôi quay trở lại bàn, cầm cuốn tiểu thuyết chết tiệt ấy lên. Không sở thích. Không suy nghĩ. Không cảm xúc. Không nhớ. Không hiểu. Tôi vẫn thuộc các nguyên tắc làm việc của mình.

“Nhưng tôi đã đọc hết cuốn sách này hôm qua rồi”.

Bằng cách nào đó não tôi vẫn hoạt động. Bằng cách nào đó miệng tôi vẫn hoạt động theo não tôi. Bằng cách nào đó tôi vẫn con người. Dù tôi hơi hốt hoảng với phản ứng của mình.

“Nhưng tôi chưa thấy… hết… sẽ luôn có một… thứ gì đó khác…”.

Tôi nghe được thứ âm thanh méo mó của ông một cách dễ dàng dù câu nói gãy đứt làm hai làm ba. Bây giờ thì tôi mở sách ra bắt đầu đọc từ dòng đầu tiên. Tôi linh cảm rằng có đọc xong cuốn tiểu thuyết này thêm một lần nữa hay vài lần nữa thì tôi cũng vẫn phải đọc lại nó. Tôi không có quyền lựa chọn. Ý nghĩ cứ phải bắt đầu đọc lại cuốn sách khi mình vừa chạm tới dấu chấm cuối cùng khiến tôi chán nản, chẳng còn chí hứng mà đọc cho trôi chảy và đua ngựa như hôm trước. Tôi đọc chậm rãi, ngân nga như con chim thanh tước hót.

“...Và rồi, sẽ luôn có thứ gì đó ngoài kia. Một thứ gì đó mà tôi chưa thấy”.

Đồng hồ điểm chín giờ vừa lúc tôi đọc xong phần mở đầu. Tôi gấp sách lại. Thản nhiên.

“Cảm ơn cô. Cô đọc… đẹp lắm”.

Tôi rời phòng ngay sau đó.  Tôi biết mình có giọng đọc ăn tiền nhưng đây là lần đầu tiên có người khen nó đẹp. Mà không biết câu nói đó là khen giọng tôi hay là khen cuốn tiểu thuyết. Hôm nay lần đầu tiên chúng tôi thực sự thấy nhau. Tôi luôn tránh việc nhìn vào chiếc giường vì cảm giác về bệnh tật lúc nào cũng làm tôi thấy rợn, không phải là tôi ghét mà tôi sợ như người ta sợ một con sâu con bọ.

***

“Đừng nói với anh là em để khách biết em chán cuốn sách đó bằng cách đọc với cái giọng mèo mửa của em”, anh tuôn một tràng.

“Em không biết, em chỉ đọc chậm hơn thôi”.

“Cưng à, em phải nhớ em chỉ là một người đọc sách. Hiểu chứ?”.

“Dạ. Hiểu. Mà em bắt đầu thấy cuốn sách đó không đến nỗi nào”.

Anh nhìn xoáy vào tôi.

“Ý em là em có thể đọc nó bình thường”, tôi giải thích.

Thực ra tôi còn muốn kể cho anh nghe về khoảnh khắc mắt tôi va phải mắt của vị khách giàu có ấy và cả lời khen làm tôi băn khoăn cuối buổi nữa nhưng mà nói chuyện đến đó thì tôi khựng lại. Con chim thanh tước như còn hót đâu đây.

Chẳng nhớ là đã bao nhiêu buổi nhưng tôi đã đọc quá nửa cuốn sách. Tôi đọc chậm. Tôi đã thấy có thứ gì đó khác. Thật, đã có một thứ gì đó khác giữa những tiếng hót của con chim thanh tước, cả trong tiếng hót và sau tiếng hót nữa, khi tôi đọc chậm. Những bức thư của cô gái chẳng viết gì khác ngoài tiếng hót của chim thanh tước nhưng có khi tôi thấy cô ta không phải nói về tiếng hót. Dĩ nhiên đó là những bức thư tình và cô gái nói về tình yêu nhưng không phải chỉ có tình yêu, còn có cái gì khác nữa khi tôi đọc chậm. Và tôi không còn ngồi ở góc khuất tầm mắt vị khách của mình nữa. Tôi kéo ghế về hướng cửa sổ, ngay trước tầm mắt ông. Thỉnh thoảng trong lúc đọc tôi ngước lên, nhìn vào mắt ông. Đó là những lúc tôi cảm thấy bối rối không hiểu cô gái đang muốn nói điều gì. Tôi nhìn ông như cầu cứu. Chắc chắn có thứ gì đó khác. Thứ gì đó mà tôi chưa thấy trong mắt tôi nhưng sẽ thấy trong mắt ông. Ông không bao giờ nói trong lúc tôi đọc sách. Chỉ có đôi mắt là động đậy. Đôi mắt lúc nói lúc không. Tôi biết còn nhiều thứ khác mà tôi không thể chạm vào trong đôi mắt ấy. Tôi tiếp tục đọc để có thể thấy nhiều hơn. Cũng có khi tôi dừng lại vì nhận ra sự thay đổi đột ngột trong hơi thở của ông, có cái gì đó nghẹn ngào, sâu sắc. Tôi đợi cho hơi thở ông đều lại rồi tiếp tục đọc.

Chợt nhớ anh nhắc tôi về số tiền công đọc sách mà đáng ra hôm nay có thể nhận nếu đọc với tốc độ trước đây…

***

Tôi vào phòng, thấy chiếc bánh kem màu xanh cắm nến hồng trên tủ, tôi hiểu nay là sinh nhật ông. Lướt qua nó, tôi ngồi xuống và bắt đầu đọc. Giữa những tiếng hót của con chim thanh tước, tôi nhìn thấy nhiều nhân vật, nhiều cuộc đời, số phận, đau khổ, hạnh phúc… Cả một xã hội trong những cánh thư của cô gái bị nhốt sau khung cửa ấy. Giờ tôi mới hiểu cô gái và con chim thanh tước giống như nhau, bị nhốt trong những chiếc lồng. Và tôi nữa. Tôi đã thấy mình ở trong một chiếc lồng khi tôi ngước nhìn mảnh trời bé tí hin. Và ở trong một chiếc lồng khổng lồ khi tôi ở nhà máy. Ở đó chẳng còn ai là ai cả. Nhưng tôi không giống con chim thanh tước vì tôi không hót tiếng hót của mình. Tôi cũng không giống cô gái vì tôi không viết về tình yêu cũng không nghĩ về cuộc đời. Tôi còn phải đọc sách thuê để kiếm tiền. Tôi cũng không giống vị khách đang nằm bất động trên giường kia, ông đang bị nhốt trong ngôi biệt thự này nhưng luôn có một cái gì đó rất khác trong mắt ông. Giờ đọc sách của tôi đã xong, bất giác tôi bước đến cạnh giường.

“Happy birthday!”, tôi nói.

Tôi nghĩ là ông hiểu. Khi cảm thấy thật khó khăn vì nói ra một điều mà mình bối rối nhưng vẫn muốn nói cho bằng được thì dùng một thứ tiếng khác không phải tiếng mẹ đẻ khiến tôi dễ chịu hơn nhiều. Đôi mắt ông cử động nhìn tôi. Ông không nói cảm ơn như đáng ra ông có thể nói. Chúng tôi nhìn nhau. Có lẽ tôi thích thấy điều gì khác trong mắt ông hơn là câu cảm ơn và ông hiểu điều đó. Có một cử động nhỏ nơi các ngón tay ông. Tôi đặt bàn tay mình lên những ngón tay xương xẩu đó.

***

Tôi vẫn không tìm được lý do nào thích hợp để trả lời anh về việc đọc chậm của mình. Tôi cũng không thể nghĩ ra cách để nhận tiền công sớm hơn. Công việc của tôi vẫn luôn vận hành như thế, răm rắp theo thỏa thuận. Giữa tôi và anh cũng vậy, có những thoả thuận ngầm, không biết bằng cách nào mà tôi đã thấy bình thường với mọi thỏa thuận không chính thức này. Tôi cố gắng tăng tốc ở những chương cuối và hôm nay chắc chắn sẽ đến trang cuối để đem tiền về.

Chỉ còn vài dòng nữa thôi. Bây giờ, dù đọc nhanh nhưng tôi vẫn luôn thấy thứ gì đó đập cánh bay lên trên những trang sách. Chẳng những vậy, tôi đã nhiễm luôn kiểu nhìn, kiểu nói, kiểu nghĩ của cô gái. Hôm qua, tôi đã nói về tình yêu. Tôi biết điều này khiến anh bực bội thế nào khi anh nhắc đi nhắc lại rằng tôi là người đọc sách, chỉ là người đọc, là kẻ được thuê, một kiểu nô lệ, và điều đó sẽ không thay đổi. Nghĩa là tôi có hiểu bao nhiêu cuốn sách đi nữa thì cũng không thêm bớt được điều gì trong lai lịch, căn cước, nền tảng của tôi. Không bao giờ có thể nâng cấp để thoát thân phận kẻ làm thuê. Sao cũng được, miễn là hôm nay tôi nhận tiền công cộng với tiền boa dày dặn như lần trước.

“Cạch”

Trang sách đen kịt. Căn phòng tối om. Mọi thiết bị ngừng hoạt động. Tim tôi cũng lịm đi một nhịp.

Thật khó tin là thành phố công nghiệp mà cũng có lúc mất điện. Nhưng chuyện này vẫn xảy ra, năm đôi ba lần. Chung quanh chỉ toàn bóng tối nhưng khoảnh khắc hốt hoảng của tôi đã qua, tôi dần thấy bóng tối này cũng dễ chịu. Con chim thanh tước vẫn hót đâu đây trong căn phòng này, trong lý trí, trong trái tim tôi. Chắc chắn là trong vị khách của tôi nữa. Tôi nhớ cô gái đã nhắm chặt mắt để nghe thanh tước hót rõ hơn. Và cô cũng nghe thấy nó khi ở trong một căn hầm tối. Cô gái đã viết rằng bóng tối làm cho đôi mắt trở nên nhạy hơn bao giờ hết. Cả đôi tai. Cả trái tim nữa. Thật, tôi nghe rõ hơi thở của ông hơn bao giờ hết và mắt tôi cũng nhạy lạ thường. Tôi bước tới kéo tấm rèm cửa ra. Ngoài kia là trăng, không biết trăng già hay non nhưng ánh sáng trong, lóng lánh, một vài vệt hắt qua khung cửa vào phòng.

“Sẽ luôn có thứ gì đó… ngoài kia. Một thứ gì đó mà… tôi chưa thấy”, người đàn ông thuê tôi đọc sách nói.

“Và cả trong này nữa,” tôi nói “giữa chúng ta”.

Tôi đến cạnh giường ngồi xuống, kể ông nghe tôi đã thấy bao nhiêu thứ khác ngoài kia. Tôi kể về những chiếc lồng luôn chụp từ trên đầu tôi chụp xuống. Không phải chỉ có một hay hai mà rất nhiều. Có cái có hình dạng rõ ràng như căn phòng của tôi hay nhà máy, có cái chẳng rõ hình dạng là gì nhưng chật chội và cứ mỗi ngày mỗi co thít lại như tiền bạc chẳng hạn. Tôi nói với ông tôi là một con chim thanh tước bị nhốt vào phòng ông vì tiền. Và sợ hãi nữa. Ở một cái lồng khác tôi không dám bước ra khỏi rào chắn của anh, người đàn ông vẫn ngủ cùng tôi trên giường mỗi đêm ấy.

Tôi khóc. Tôi hỏi ông liệu có con chim thanh tước nào biết khóc không. Ông không trả lời. Tôi nghe tiếng thở gấp, và dường như cả nhịp đập của một quả tim đang xúc động nữa. Tôi thấy lo, nhướn người lên để nhìn vào mắt ông, để ông thấy rằng tôi đang mạnh mẽ. Tôi nói với ông ngày mai tôi sẽ đọc cuốn sách mà tôi thích nhất cho ông nghe và ông không phải trả tiền cho tôi. Nhất định thế.

Căn phòng sáng lên. Ánh điện chói loá khiến tôi như có thể ngất đi. Đồng hồ đã chỉ chín giờ năm. Tôi rời phòng.

Cuối cùng thì tôi cũng đã được nhận tiền công cùng tiền bo hậu hĩnh. Nó nhỉnh hơn lần trước một chút nhưng vẫn chưa làm hài lòng anh.

“Đáng lẽ ra em phải nhận số tiền này lâu rồi chứ không phải tới hôm nay.”

“Tiền boa lần này có nhiều hơn lần trước”, tôi nói.

“Em không giỏi tính toán, nhỉ? Em phải biết nếu chia ra theo số buổi thì chỗ này vẫn lỗ”.

Tôi nhìn anh, trực diện không né tránh.

“Anh có khi nào nghĩ đến một cái gì khác ngoài tiền không?”

Anh cũng nhìn tôi, ánh mắt thống trị tinh anh. Xưa nay, anh chưa bao giờ là người nhượng bộ. Anh nhìn sâu vào mắt tôi thách thức. Tôi đã trần trụi chẳng còn gì nữa ngoài tiếng hót của con chim thanh tước. Và còn một sự thật. Đó là tôi không còn thấy có một chiếc lồng nào đủ sức thít chặt cuộc đời tôi lại nữa.

“Có chứ”, anh gật đầu, môi thoáng cười, tôi đã thấy kiểu cười này quyến rũ biết bao, nhưng là trước đây.

“Có chứ,” anh lặp lại, “đó là rất nhiều tiền”.

Sau đó, tôi thức suốt đêm đợi anh về. Con chim thanh tước của tôi hót trong đêm, nó mặc kệ chiếc lồng. Ca của anh sẽ kết thúc khi trời rạng sáng. Tôi không nói là chúng tôi chia tay vì điều này dường như chẳng có mấy ý nghĩa giữa chúng tôi. Tôi nói rằng từ nay chúng tôi ngừng hợp tác, tôi sẽ không lấy bất cứ thứ gì không thuộc về mình. Tiền công đọc sách của tôi từ lâu đã không thuộc về tôi. Chỉ cuộc đời này từ nay là của tôi. Tôi không mong đợi một câu đồng ý, cũng không lo lắng một câu phản đối.

***

Tôi biết cuốn sách vẫn để trên bàn cạnh ly nước.

Hôm nay, sẽ không còn nguyên tắc hay thỏa thuận nào cả. Hôm nay, tôi quyết định không làm một cái máy đọc sách thuê nữa mà làm một con người. Hôm nay, tôi quyết định làm một người biết đọc sách. Hôm nay, tôi quyết định đọc cuốn sách yêu thích nhất của mình. Tôi sẽ ngồi ở góc đó, cầm Thanh Tước lên, đọc với tốc độ mà tôi thấy thoải mái nhất.

Nhưng hôm nay không có ai trên chiếc giường nữa.

Chỉ có con chim thanh tước đang hót.

Người giúp việc bước vào, nhắn lại là tôi có thể cầm cuốn sách về.

Sẽ luôn có một thứ gì đó mà tôi chưa thấy…

L.H

Bài viết khác cùng số

Ra Trường Sa nhớ Hoàng SaĐam mêBóng ngả chân trờiNgười đọc sáchBiển và ngườiNhững mảnh trăng hao khuyếtLên Tà Lang nghe kể chuyện cây Tà VạtĐà Nẵng thức giấcTruyền thuyết về một ngọn núiKý ức trường xưa trên đất BắcHấp dẫn Quảng ĐàAnh - Người Chiến sĩSáng tác ca khúc - Thế mạnh của Hội Âm nhạc Đà NẵngChuyển đổi số với văn hóa dân gian Đà NẵngNhiếp ảnh Đà Nẵng trong sự chuyển mình của công nghệ sốTừ Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng - Nghĩ về một thành phố điện ảnhĐịnh hướng phát triển múa đương đại thành phố Đà NẵngVăn học, Nghệ thuật Đà Nẵng - Thành tựu và triển vọngThơ Đỗ Ngọc HanhThơ Nguyễn Minh HùngThơ Trác MộcThơ Vạn LộcThơ Huỳnh TrâmThơ Thy NguyênThơ Tăng Tấn TàiTình phù saThơ Lương Cẩm QuyênSáng đứng đầu sông cho gió bayChiếc gối lá đinh lăngCó một Hà Nội của chúng mìnhThơ Trần Văn ThọThơ Trần Trình LãmTrò chuyện cùng hoa dạiThơ Trương Thị Bách MỵThơ Long VânThơ Nguyễn Đức DũngThơ Thanh Dương HồngĐất nước tôi mang hình núiThơ Nguyễn Văn TámThơ Nguyễn Hoàng ThọThơ Bùi Công MinhMỹ thuật Đà Nẵng - Xu thế phát triển và hội nhậpKiến trúc cũ trong đô thị hiện đại: Hạn chế hay cơ hộiĐiện ảnh - Nhịp cầu vàng phát triển Đà NẵngVề miền biên viễn cùng Trần Ngọc ĐứcTrên lá sâu vẽ bùa - thái độ sống đầy trách nhiệmMột số quan điểm cách mạng, tiến bộ của Nguyễn Đình Thi trên lĩnh sáng tác Văn học và Nghệ thuậtMưa phố cổ dâng nhớ thương*Đọc văn học là đọc văn hóaCon người mong manh trong Người ăn chayThế giới nghệ thuật thơ Đinh Thị Như ThúyTạo nguồn văn nghệ sĩ trẻ cho văn học nghệ thuật Đà NẵngTạp chí Non Nước - Cùng nhịp đập cuộc sống hôm nayNgười Đà Nẵng với thi pháp học hiện đạiThiếu nữĐường ra chợSoi BóngChiều bên bến cảngTừ trái tim đến trái timTrong sươngĐà Nẵng gợi thương gợi nhớLá rơiBiển vẫn hát bài ca bất tửƯớc mơ Việt Nam