Mưa phố cổ dâng nhớ thương*

08.12.2024
Tuệ Mỹ

Mưa phố cổ dâng nhớ thương*

MƯA DÂNG

Nghe rêu xanh gọi tường vàng

Là thương nhớ phố Hội An, chiều này

Cùng em đón ngọn mưa bay

Mưa dâng sông lũ sóng xoay đục ngầu.

 

Mưa xiên nước sũng Chùa Cầu

Sông nghiêng nước đổ dìm sâu con đường

Hàng cây xanh lặng lẽ hương

Dãy nhà ngâm lụt vết tường vàng mơ.

 

Xắn quần giữa phố gọi thơ

Bao lần đến vẫn bất ngờ Hội An:

Mái rêu mưa đẹp bàng hoàng

Dòng sông bóng nước tiếng đàn ngân xưa.

 

Mỗi lần tắm Hội An mưa

Con đường phố cổ như vừa thanh tân

Sông Hoài ngóng nước mùa dâng

Như thương ngóng nhớ tình ngân tiếng dài.

 

                                 Nguyễn Nho khiêm

     (Rút từ tập thơ Tiếng chim xanh biếc, Nxb Hội Nhà văn, 2023)

 

Lời bình:

Khi mới lướt qua cái nhan đề “Mưa dâng”, người đọc không khỏi liên tưởng tới cảnh tượng hãi hùng mưa lũ ở một vùng quê nào đó.  Nhưng đến khi đọc trọn bài thơ mới vỡ lẽ rằng “mưa dâng” là một tín hiệu nghệ thuật được Nguyễn Nho Khiêm kiến tạo để dẫn người đọc đến với một khu phố đẹp mê hồn. Đó là phố cổ Hội An ngày mưa.

Không gian bài thơ vừa mở, Hội An đã hiện ra:

                  Nghe rêu xanh gọi tường vàng

Đó là “rêu xanh” và “tường vàng”. “Điểm nổi bật nhất của phố cổ này là những toà nhà đắm mình trong sắc vàng đặc trưng”, “Một thị trấn nhuốm màu vàng đầy mê hoặc”. Đó là nhận xét của những tờ báo tên tuổi khi viết về Hội An. Vàng được xem là màu thời gian của Hội An. Chiếc áo vàng đó cứ luôn biến đổi khi vàng thổ, lúc vàng chanh, vàng mơ… Sắc vàng cứ lung linh, huyền ảo theo ánh chiếu của trời, trăng, sóng nước… đầy mê hoặc. Đã gọi là “phố cổ” thì làm sao thiếu “rêu xanh”. “Rêu xanh” cũng góp phần định danh cho phố cổ. Bởi “rêu xanh” và “tường vàng” mang linh hồn phố cổ nên chỉ “nghe” rêu xanh “gọi” tường vàng “Là thương nhớ phố Hội An” vụt trỗi dậy. Phố cổ càng lung linh hơn trong nỗi nhớ niềm thương của chủ thể trữ tình đặc biệt trong thời điểm “mưa dâng”.

Mà cũng lạ, “Mưa dâng sông lũ sóng xoay đục ngầu” sao lại hấp dẫn con người đến thế? Xin trích những lời nhận xét của du khách về Hội An làm lời đáp:  “Hội An vẫn đẹp kể cả trong mưa”, “Hội An ngày mưa chẳng hề hối hả hay buồn thê lương như cố đô Huế… Trong cơn mưa cũng không thoang thoảng mùi thông hay sương lạnh phảng phất như vùng cao nguyên, sơn cước” mà “Hội An luôn mang vẻ đẹp dịu dàng, êm đềm, thơ mộng, trữ tình sau cơn mưa nặng hạt”. Vậy đấy, trong mưa, phố cổ Hội An đẹp và lãng mạn hơn nhiều. Mà lãng mạn chẳng phải là rất phù hợp cho đôi lứa yêu nhau. Đấy chính là lý do mà chủ thể trữ tình “Cùng em đón ngọn mưa bay” ở phố cổ “chiều này”.

Vẻ đẹp Hội An ngày mưa cứ dần phơi lộ:

          Mưa xiên nước sũng Chùa Cầu

          Sông nghiêng nước đổ dìm sâu con đường

          Hàng cây xanh lặng lẽ hương

         Dãy nhà ngâm lụt vết tường vàng mơ.

Hết “mưa xiên” lại “sông nghiêng”. Mưa nặng hạt kéo dài khiến Chùa Cầu “nước sũng’, con đường “dìm sâu”, dãy nhà “ngâm lụt”. Nhưng thật lạ, mưa không làm Hội An buồn bã, đìu hiu mà ngược lại cảnh vật trong mưa càng thơ mộng, êm đềm. Hàng cây xanh thì “lặng lẽ hương”, dãy nhà ngâm lụt mà tường thì “vàng mơ”. Hội An ngày mưa mê hoặc lòng người đến thế!

 “Xắn quần giữa phố gọi thơ”. Đây là lúc người thơ trải nghiệm mưa Hội An để “gọi thơ”. Thi sĩ ơi, chẳng cần “gọi thơ” đâu. Chẳng phải tự thân Hội An đã là thơ, là nhạc, là đối tượng trữ tình? Thơ đã đến từ khi thi sĩ đặt chân đến Hội An. Tiếng thơ cứ tự nhiên cất lên đây này:

              Bao lần đến vẫn bất ngờ Hội An:

              Mái rêu mưa đẹp bàng hoàng

Cảm giác “bàng hoàng” trước vẻ đẹp “bất ngờ” của Hội An đã khiến ngòi bút thi sĩ cũng bất ngờ sáng tạo nên cụm từ “đẹp bàng hoàng” để biểu đạt niềm say mê trước vẻ đẹp hút hồn của phố cổ ngày mưa. Người thơ vẫn còn ngơ ngác trước vẻ “đẹp bàng hoàng” của mái rêu mưa thì lại ngẩn ngơ trước “Dòng sông bóng nước tiếng đàn ngân xưa”. Nhà thơ đang đắm mình trong Hội An nay nhưng nào quên Hội An là “phố cổ”. Cái “cổ” đó hiển hiện ở “mái rêu”, ở tiếng đàn “ngân xưa”. Xem ra, bất kỳ một tên gọi nào về Hội An cũng đều “bọc” lấy tình yêu và lòng tự hào của người con xứ Quảng về một di sản văn hoá của dân tộc.

Tình yêu và niềm tự hào về Hội An đọng lại ở khổ thơ cuối

                       Mỗi lần tắm Hội An mưa

                      Con đường phố cổ như vừa thanh tân

Người thơ có trải nghiệm thực tế thì mới có thể “gọi thơ” được. Có “xắn quần giữa phố”, có “tắm Hội An mưa” thì mới thấy được “Con đường phố cổ như vừa thanh tân”. “Cổ” mà “thanh tân” nghe ra rất nghịch lý. Nhưng không phải “phố cổ” trở nên “thanh tân” mà là lòng người “thanh tân” khi đến phố cổ. Bởi, “con đường” mà tác giả nói ở đây đâu chỉ là “con đường” của phố cổ, “con đường” dẫn ta đến Hội An mà đây còn là “con đường” dẫn ta đến với Cái Đẹp. Mà có đến với Cái Đẹp thì lòng người mới trở nên “thanh tân” tươi trẻ, yêu đời, yêu cuộc sống. Viết về vẻ đẹp của Hội An mà ngòi bút của Nguyễn Nho Khiêm đã mở rộng đường biên liên tưởng cho bạn đọc về nguyên lý sáng tác của nghệ sĩ và triết lý sống.

Mưa Hội An còn làm cho “Sông Hoài ngóng nước mùa dâng”. Dòng sông hiện diện lần này không phiếm chỉ mà có tên cụ thể là “Sông Hoài”, một dòng sông nhỏ nằm bên phố Hội An, điểm tô thêm cái vẻ yên bình cho Hội An. Hội An mưa thì đương nhiên sông Hoài cũng “mưa dâng”. Thế sao lại phải “ngóng”? Phải chăng, mưa sẽ làm cho sông Hoài đẹp hơn như “Mái rêu mưa đẹp bàng hoàng” vậy. Vậy ra, sông Hoài “ngóng” nước mùa dâng là “ngóng” Cái Đẹp. Khát khao Cái Đẹp cứ mãi phồn nhiêu như “nước mùa dâng” vậy.

Nói “Sông Hoài ngóng nước mùa dâng” cũng là để nói lòng mình:

                 Như thương ngóng nhớ tình ngân tiếng dài

Thương”, “nhớ” là hai trạng thái tình cảm luôn song hành trong mỗi con người. Có “thương” thì mới “nhớ”. Và, “nhớ” là thước đo của “thương”. Nhưng chủ thể sáng tạo lại tách “thương”, “nhớ” thành hai “chủ thể” biết “ngóng” đợi nhau. Cách biểu đạt như thế khiến bạn đọc liên tưởng: nỗi thương nhớ Hội An luôn quẫy cựa trong lòng người thơ, thôi thúc người thơ mau đến Hội An để “Cùng em đón ngọn mưa bay” “chiều này”. Và đó cũng là lúc cái “tình” đối với Hội An “ngân dài” bất tận trong không/thời gian và trong lòng thi sĩ.

Hội An đẹp ở mọi thời điểm nhưng có lẽ đối với Nguyễn Nho Khiêm, Hội An ngày mưa là đẹp hơn cả. Đã có “Hội An mưa” rồi mà “Mưa dâng” vẫn cứ ra mắt bạn đọc như muốn nói rằng “mưa” là tín hiệu nghệ thuật riêng biệt để ngòi bút Nguyễn Nho Khiêm thăng hoa về phố cổ Hội An. Không phải mưa từng hạt nhỏ, từng sợi nhỏ mà là “mưa dâng” tựa  như cảm xúc và tình yêu đối với Hội An cứ dâng trào trong lòng chủ thể. Tình yêu nồng đậm và cảm xúc mãnh liệt, chân thành đó đã phả vào từng ngôn từ được tinh lọc, từng hình ảnh thơ được kiến tạo công phu khiến cho “Mưa dâng” cuốn chân bạn đọc bước vào không gian bài thơ để chiêm ngưỡng bức tranh đẹp về Hội An ngày mưa được vẽ bằng ngôn từ.

T.M

*(Đọc bài thơ “mưa dâng” của Nguyễn Nho Khiêm).

Bài viết khác cùng số

Ra Trường Sa nhớ Hoàng SaĐam mêBóng ngả chân trờiNgười đọc sáchBiển và ngườiNhững mảnh trăng hao khuyếtLên Tà Lang nghe kể chuyện cây Tà VạtĐà Nẵng thức giấcTruyền thuyết về một ngọn núiKý ức trường xưa trên đất BắcHấp dẫn Quảng ĐàAnh - Người Chiến sĩSáng tác ca khúc - Thế mạnh của Hội Âm nhạc Đà NẵngChuyển đổi số với văn hóa dân gian Đà NẵngNhiếp ảnh Đà Nẵng trong sự chuyển mình của công nghệ sốTừ Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng - Nghĩ về một thành phố điện ảnhĐịnh hướng phát triển múa đương đại thành phố Đà NẵngVăn học, Nghệ thuật Đà Nẵng - Thành tựu và triển vọngThơ Đỗ Ngọc HanhThơ Nguyễn Minh HùngThơ Trác MộcThơ Vạn LộcThơ Huỳnh TrâmThơ Thy NguyênThơ Tăng Tấn TàiTình phù saThơ Lương Cẩm QuyênSáng đứng đầu sông cho gió bayChiếc gối lá đinh lăngCó một Hà Nội của chúng mìnhThơ Trần Văn ThọThơ Trần Trình LãmTrò chuyện cùng hoa dạiThơ Trương Thị Bách MỵThơ Long VânThơ Nguyễn Đức DũngThơ Thanh Dương HồngĐất nước tôi mang hình núiThơ Nguyễn Văn TámThơ Nguyễn Hoàng ThọThơ Bùi Công MinhMỹ thuật Đà Nẵng - Xu thế phát triển và hội nhậpKiến trúc cũ trong đô thị hiện đại: Hạn chế hay cơ hộiĐiện ảnh - Nhịp cầu vàng phát triển Đà NẵngVề miền biên viễn cùng Trần Ngọc ĐứcTrên lá sâu vẽ bùa - thái độ sống đầy trách nhiệmMột số quan điểm cách mạng, tiến bộ của Nguyễn Đình Thi trên lĩnh sáng tác Văn học và Nghệ thuậtMưa phố cổ dâng nhớ thương*Đọc văn học là đọc văn hóaCon người mong manh trong Người ăn chayThế giới nghệ thuật thơ Đinh Thị Như ThúyTạo nguồn văn nghệ sĩ trẻ cho văn học nghệ thuật Đà NẵngTạp chí Non Nước - Cùng nhịp đập cuộc sống hôm nayNgười Đà Nẵng với thi pháp học hiện đạiThiếu nữĐường ra chợSoi BóngChiều bên bến cảngTừ trái tim đến trái timTrong sươngĐà Nẵng gợi thương gợi nhớLá rơiBiển vẫn hát bài ca bất tửƯớc mơ Việt Nam