Anh - Người Chiến sĩ
Trung tướng Ngô Quý Đức.
Người chiến sĩ ấy, ai đã từng gặp anh, không thể nào quên. Bao nhiêu năm trường trên đường chiến dịch, anh đã đi biết mấy tự hào. Không có nơi nào anh vắng mặt. Anh đến bà con mừng, anh đi bà con nhớ…
Âm thanh dịu êm từ bài hát cứ ngân vang theo năm tháng, hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ đọng lại trong lòng dân.
Trung tướng Ngô Quý Đức
Tôi và anh Ngô Quý Đức gặp nhau lần đầu tại Hội trường Tỉnh ủy Quảng Nam. Hình ảnh người sĩ quan nhanh nhẹn, hoạt bát, vui tươi, gần gũi… Anh em lính nói anh là một cán bộ trẻ tiềm năng, hồi ba mươi tuổi, anh đã là hiệu trưởng Trường Quân sự tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Mãi tới năm sau, khi gặp Trung tướng Nguyễn Trung Thu tôi mới biết rõ Ngô Quý Đức đã từng xông pha trận mạc ở chiến trường Campuchia.
Ai đã từng ra trận, đứng vững vàng qua chiến đấu, đặc biệt là những năm tháng sống mái với bè lũ Pol Pot-Ieng Sary đầu năm 1979 và đám tàn quân của chúng những năm tiếp theo trên mặt trận xa lạ nơi nước bạn Campuchia thì mặc nhiên là “soái”. Soái Đức ngày đầu là anh lính trẻ xông xáo. Tháng 3 năm 1981, anh tốt nghiệp ra trường với quân hàm chuẩn úy tới chiến trường K. Ngày 24/7/1982, anh được phong quân hàm thiếu úy, ngày 22/12/1983 thăng quân hàm trung úy. Anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và được phong thượng úy ngày 15/11/1984. Trải qua những tháng ngày ác liệt và dữ dội nhất, sau nhiều chiến công, ngày 10/6/1986 anh được nâng quân hàm đại úy trước niên hạng. Gần 7 năm trên chiến trường khốc liệt Campuchia, 25 tuổi anh được giao nhiệm vụ Tiểu đoàn trưởng Bộ binh 2 Đoàn quân sự 5503 chỉ huy 5 đại đội gần ngàn quân nhân. Tiểu đoàn 2 dưới sự chỉ huy của Ngô Quý Đức đã đánh tan trung đoàn tàn quân Pol Pot ở Tha La, diệt 52 tên có tên trung đoàn trưởng…“Soái” không chỉ dũng cảm kiên cường trước làn tên mũi đạn mà còn ẩn chứa trong anh nhiều khả năng linh hoạt khác. Những lần gặp mặt hội đồng hương hoặc sinh hoạt cộng đồng anh em mãi chờ để được nghe chất giọng của anh qua những bài ca đậm chất lính: Chiếc gậy trường sơn, Nổi lửa lên em, Xuân chiến khu… Khả năng hùng biện trong câu chuyện vui anh kể phần lớn là dị bản vì vừa suy nghĩ dựng chuyện, vừa kể mang tính chất khởi nguồn thông tin tiếu lâm. Thời ở chiến trường người thủ trưởng trực tiếp của anh thích những câu chuyện vui để động viên anh em chiến đấu mà phải triệu Ngô Quý Đức đang nghỉ dưỡng ở bệnh xá cách mấy chục cây số băng rừng tới, kể chuyện vui nhằm làm quà động viên chiến sĩ trước khi ra trận. Đúng văn hóa, văn nghệ, tiếng hát át tiếng bom cũng có sức mạnh bằng cả sư đoàn ngoài mặt trận.
Tháng 12 năm 2012, anh Ngô Quý Đức bàn giao chức Tỉnh đội trưởng Quảng Nam để ra nhận nhiệm vụ Phó tham mưu trưởng rồi lên Phó Tư lệnh kiêm tham mưu trưởng Quân khu 5. Trong công tác diễn tập tác chiến phòng thủ, anh luôn đặt ra những phương án tác chiến, những tình tiết gay cấn để huấn luyện chiến sĩ. Ngày 20/4/2018, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định điều động bổ nhiệm anh giữ trọng trách mới. Nghe điện thoại anh gọi tôi bay từ Sài Gòn ra, tới thẳng nhà anh ở 41 Morison, Đà Nẵng tham gia cuộc vui với anh cùng đồng đội. Trên mười vị tướng quân tới dự và cùng nhau nâng ly tiễn anh ra Thủ đô nhận nhiệm vụ mới- Cục trưởng Cục cứu hộ cứu nạn Bộ Quốc Phòng, Chánh Văn phòng Ủy Ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Tại hội nghị công bố quyết định và giao nhiệm vụ cho các tướng lĩnh, Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị phát biểu: “Thiếu tướng Ngô Quý Đức nguyên Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 5 là cán bộ chỉ huy duy nhất còn lại đã trải qua chiến đấu ở chiến trường Campuchia, có nhiều kinh nghiệm quản lý chỉ huy xây dựng đơn vị cấp chiến thuật, chiến dịch. Như vậy là hiền tài nguyên khí quốc gia được cấp trên trọng dụng ở vị trí mới, anh nhận quân hàm trung tướng”.
Nơi nào nhân dân cần là các anh có mặt: An sinh, thiên tai, địch họa… 20 năm qua những siêu bão khủng khiếp nhất đổ vào Việt Nam gây ra bao nhiêu đổ vỡ tàn phá: Bão Noru, Molave, Daramey, Mirinae, Haiyan… Tin bão khẩn cấp, tin lụt kinh thiên, mọi người lo ẩn nấp, phòng thủ thì các anh rời căn cứ, đi trong mưa bão sẵn sàng có mặt những nơi nguy hiểm nhất. Mới năm nào sau lũ quét Rào Trăng, một ngọn núi đổ ập xuống nơi các anh hành quân tới nghỉ tạm qua đêm để tiếp cận vùng thiên tai tàn phá, nơi ấy nhân dân một làng đang gặp đại họa thiên tai và các anh đã hy sinh đau xót. Để nhân dân ra khơi đánh bắt cá lại thêm nhiệm vụ canh giữ biển trời, Cục trưởng Ngô Quý Đức đã tổ chức đưa hàng trăm ngàn áo phao mẫu mới hỗ trợ ngư dân bám ngư trường, bám biển quê hương. Tôi vẫn nhớ, nhớ thời chiến, thời bình khi nhân dân cần, đất nước gọi, các anh luôn có mặt, nơi ấy xuất hiện hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ, không có nơi nào anh vắng mặt. Anh đến bà con mừng, anh đi bà con nhớ…
Trung tướng Nguyễn Văn Tuyên
Một thoáng gặp anh tôi đã nhớ! Cảm giác ấy không chỉ riêng tôi mà của nhiều bạn hữu. Họ nói với tôi rằng anh Hai Tuyên dữ lắm! Ở diện mạo của anh tôi thích một, thì phong cách của anh tôi thích hai. Ra trận anh gặp bất lợi vì thân hình vạm vỡ, xác suất dính đạn tăng lên nhưng lợi thế khi chạy xa, vượt chướng ngại… súng lục thì lọt tay nhưng trung liên đại liên thì vừa tầm sức khỏe. Tôi thích hình ảnh người chiến sĩ này ngoài mặt trận, có anh, đi bên anh là yên tâm. Ngày đi bộ đội, lý lẽ của anh thật đơn giản, không cần “uốn lưỡi”. Mình có được giác ngộ gì đâu, nghe câu hát dân ca từ “đội chim chèo bẻo”, nhìn quê hương bị kẻ thù giày xéo, nhiều người trong gia đình bị tàn sát, để lại thương đau mất mát, cả nhà theo cách mạng, thế là xung phong lên đường cầm súng.
Trung tướng Nguyễn Văn Tuyên
Tôi nói anh kể vài kỷ niệm ở nước bạn Campuchia cho anh em nghe với. Anh nói: “Đời lính biết bao là kỷ niệm gắn với chiến trường thời đánh Mỹ, đánh Tàu và bọn diệt chủng Pôn Pốt… Mỗi nơi đều có hoàn cảnh riêng. Đánh Mỹ, đánh Tàu khó mà dễ, chỗ nào cũng là tiền tuyến, chỗ nào cũng là hậu phương. Mỗi người dân là một chiến sĩ. Người chiến sĩ khi ra trận đã có ngay hậu phương trong chính bản thân mình. Trời của ta, đất của ta. Rừng che bộ đội rừng vây quân thù. Quân đội ta từ nhân dân mà ra, ta dựa vào dân mà chiến đấu, cuộc chiến đấu ấy không thể thua, lịch sử giữ nước của dân tộc ta từ khi có nước đã chứng minh điều đó. Ở chiến trường Campuchia khi ta giúp bạn lại có nét riêng. Có những trận ta tiến lên địch tan rã, tháo chạy vào rừng sâu, nhiều khi quân ta phải kiềm chân để hậu cần theo kịp. Bao nhiêu năm trời chúng tôi sống mái ở ngã ba biên giới Lào, Campuchia, Thái Lan. Có thể nói nơi ấy là chiến trường khốc liệt bậc nhất, đặc biệt là thời gian 1984-1985”.
Trưởng thành qua thực tiễn chiến đấu, từ Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Tuyên được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ Trung đoàn trưởng ngoài mặt trận. Anh am hiểu trận địa, từng trải chiến trường, biết địch biết ta, khi nào phòng thủ, lúc nào tiến công áp chế quân địch, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Anh được Tư lệnh Quân khu 5 Nguyễn Chơn cân nhắc đề xuất, Thượng tướng Đoàn Khuê Tư lệnh mặt trận 479 tiền phương Bộ Quốc phòng chấp thuận giữ anh ở chiến trường thêm một năm rồi được đi đào tạo sĩ quan ở Học viện quân sự cao cấp khi chưa trải qua trường Lục quân Đà Lạt, đó là trường hợp đặc biệt, duy nhất trong toàn quân, là phần thưởng xứng đáng mà cấp trên quan tâm, dành cho anh, người chỉ huy giỏi ở chiến trường. Ba lần đạp mìn 652A, KP2, hai lần bị thương, mảnh đạn còn nằm im trong gót chân và gần phổi. Bao nhiêu lần cận kề cái chết nhưng anh có thần hộ mệnh may mắn vượt qua. Sau 3 năm học Viện quân sự cấp cao, ở tuổi 34, anh được giao nhiệm vụ Sư đoàn phó - Tham mưu trưởng phụ trách Sư 315, sau đó làm Sư trưởng 307, và Sư trưởng sư 2.
Sau chiến tranh, anh Tuyên được đơn vị phân công về xã Bình Dương hướng dẫn bà con kê khai diện thương binh, liệt sĩ, gia đình có công để Nhà nước thực hiện chế độ chính sách uống nước nhớ nguồn. Gần 3 tháng, đi qua từng xóm, đến từng nhà anh thấu hiểu nỗi đau mất mát. Ở Bình Dương nhà nào cũng có người chết, người hy sinh… hàng trăm thương bệnh binh, trên ngàn liệt sĩ… nhìn danh sách tổng hợp mà hoa cả mắt. Sống trên mảnh đất Bình Dương thời chiến đã là anh hùng. Còn hơn thế nữa họ đã làm giàu bản thành tích chống giặc ngoại xâm, được Nhà nước 2 lần vinh danh đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang và một lần được tuyên dương Anh hùng lao động về thành tích lợp lại màu xanh trên quê hương vùng cát cháy sau chiến tranh.
Cô giáo Xuân Mỹ, cán bộ đoàn trường Cao đẳng Sư phạm kể câu chuyện tình yêu của chồng mình. Anh bộ đội từ chiến trường Campuchia về phép, thời gian thì ít, chẳng vòng vo câu chữ, nghĩ sao nói vậy nhưng đã nói thì chắc như đinh đóng cột. Bạn bè ủng hộ, gia đình đồng ý, gặp nhau rồi thì khó lòng lướt qua, thế là nên duyên chồng vợ. Đứa con đầu lòng của anh chị cũng theo đường binh nghiệp, nay là Chỉ huy trưởng cơ quan quân sự quận thuộc Thành đội Đà Nẵng. Gia đình anh là gia đình sĩ quan, một tướng hai tá và hai đại úy. Mỗi lần tới nhà anh chơi không khí đầm ấm, chan hoà, chén chú chén anh vui cười thỏa sức. Bình đẳng với nhau từ tướng tới sĩ như thời làm lính chung lưng đấu cật sống mái ở chiến trường.
Có lần tôi đề nghị anh viết bài cho Vườn mẹ, anh đã dành thời gian viết, anh gửi tôi mấy trang chép tay giấy sạch chữ đẹp. Bên biên tập định sửa đi vài câu, đọc lại anh phát hiện và cân nhắc kỹ hơn, lại chép tay toàn bài một lần nữa để chuyển cho Ban biên tập…
Năm 2020, tại biển Đà Nẵng, tôi thiếu úy pháo binh sĩ quan dự bị được hân hạnh ngồi với các anh, những ông tướng. Cũng hát hò, cũng nâng ly… và được lắng nghe những ông tướng nói chuyện phiếm đúng là chất lính! Trung tướng tư lệnh Quân đoàn 1 định nghĩa tướng tức là: Đếch sợ gì cả. Tướng phải thấu “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Quân điếu phạt trước lo trừ bạo” (Nguyễn Trãi). Tướng phải thạo binh pháp Tôn Tử và Tướng phải tinh và lì, tức là khi xung trận chẳng lo sợ gì cả. Vị tướng khác lại nói khi ra trận vị tướng tài là tướng không thí quân.
Tôi chen vào câu chuyện: Quân nhân Thủy quân lục chiến Mỹ Ông Robert B.Daroff - Chủ tịch Hội thần kinh Hoa Kỳ mang quyển sách tiếng Anh “Tướng Giáp chiến thắng bằng mọi giá” tới để xin chữ ký của Đại tướng… Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Nội dung quyển sách rất tốt nhưng Tướng Giáp tiết kiệm từng giọt máu chiến sĩ… Đề nghị ông nói lại với nhà xuất bản, khi tái bản nên đổi lại tên sách”… một buổi gặp mặt của các anh bao giờ cũng sôi nổi, mộc mạc chân tình. Lớp trưởng - Thượng tướng Trần Đơn thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì: “Hôm nay là buổi gặp mặt học viên lớp đào tạo sĩ quan chiến dịch khóa 1 tổ chức tại Đà Nẵng, nơi Trung tướng Nguyễn Văn Tuyên đã từng là Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 5. Lần tiếp theo sẽ tổ chức ở Sài Gòn… cảm ơn anh Phan Đức Nhạn đã có mặt hôm nay cùng vui với những người lính tại thành phố đáng sống này…”.
Tôi lại muốn kể thời anh đảm nhận vị trí Phó giám đốc Học viện Quốc phòng. Anh em cánh lính, anh em đồng hương mỗi lần ra Hà Nội thường ghé thăm, anh luôn chu đáo tận tình. Từ khi nghỉ hưu, về ở thành phố biển, mỗi sáng anh lại chạy ra biển Mỹ Khê để ngụp lặn, lội bơi, sống lại cảm giác về biển của anh như cá gặp nước…
Trung tướng Nguyễn Trung Thu
Trong cát bỏng đời người, Nguyễn Trung Thu kể lại: Anh sinh ra trên vùng cát, tuổi thơ gắn với biển mặn và cát bỏng. Màu da nhuốm nắng hè và gió biển để có cái tên thường gọi là “cu Đen”. Cu Đen nhỏ con, nhanh nhẹn, mới lên mười cũng xông xáo và làm nên nhiều chuyện. Mỗi khi quân giặc càn quét, anh ẩn vào trong dân để dò la tin tức, nắm chắc tình hình quân địch kịp thời mật báo để quân ta chủ động phòng chống. Tìm cách kết thân với bọn lính Mỹ ngụy đi càn cũng chỉ để ăn cắp vũ khí về nộp cho du kích… Còn chơi với bộ đội về làng chính là máu của người thiếu niên thấm từ trong ý thức của gia đình truyền thống cách mạng. Anh trưởng thành từ mảnh đất anh hùng rồi trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân với thành tích được tuyên dương Dũng sĩ, bắn hạ máy bay trực thăng bằng súng trường…
Trung tướng Nguyễn Trung Thu
Cha anh là đảng viên hoạt động ở vành đai Đà Nẵng, dấu hiệu cơ sở bị lộ cả gia đình ông Nguyễn Văn Chín phải đưa vợ con tới vùng tự do của ta ở Bình Dương để tiếp tục hoạt động. Là người đảng viên nằm vùng, ông Chiến hiểu những khó khăn, hiểm nguy ngày đêm rình rập mà mình phải vượt qua, nhất là thời kỳ chính quyền Diệm Nhu áp dụng luật 10/59 rê máy chém đi khắp miền Nam để chém giết, thủ tiêu những người yêu nước. Bọn tay sai nghi ngờ gia đình ông theo Cộng sản, nhiều lần bắt tập trung cải huấn, chúng tra xét, đánh đập dã man, ông vẫn một lòng kiên trung với cách mạng. Trận càn ngày 08/3/1970, hầm bí mật ông nấp bị địch phát hiện. Chúng kêu gọi đầu hàng, ông nhất mực chống cự, đánh lên trái lựu đạn ôm súng thoát khỏi hầm bắn đến viên đạn cuối cùng rồi anh dũng hy sinh. Anh Thu nhớ lại ngày đi bộ đội. Cha anh tiễn ra đầu làng, dặn dò con phấn đấu để xứng đáng với truyền thống gia đình quê hương. Nhìn đứa con thấp bé mang gùi tự tin đi băng băng qua bãi cát, ông nhìn theo, thầm nghĩ đứa con quý của mình đã lớn. Xa gia đình, quê hương, Hai Thu không chút bịn rịn nhận vai làm người lính xung trận ở nhiều chiến trường. Đời binh nghiệp anh trải qua nhiều thử thách, từng bước phấn đấu vươn lên cấp úy, cấp tá, rồi cấp tướng… Tôi hỏi thời chống Mỹ anh thuộc bộ đội huyện hay tỉnh? Anh nói mình tham gia bộ đội chủ lực, làm lính ông Chơn. Thủ trưởng Chơn cùng sư 2 đã ghi nhiều dấu ấn trên chiến trường Khu 5. Mình cũng có một thời vinh dự làm sư trưởng sư 2. Từ nền tảng ấy mình được phong quân hàm cấp tướng, đảm nhận trách nhiệm Tư lệnh Quân đoàn 3, Tư lệnh Quân khu 5, giữ chức Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam được mấy năm cho đến tuổi nghỉ hưu.
Khi gặp bạn bè anh em, Hai Thu hay giới thiệu: Sáu Nhạn là bạn tôi từ thời học lớp 3 ở Bình Dương. Lớp chúng tôi đứa nào cũng cóc tía gan lì cũng như Bát, Thư, Lượt, Húc… trong đội thiếu niên du kích Đình Bảng thời chống Pháp. Tuổi nhỏ chúng tôi là niềm hy vọng của gia đình và lòng tin của cách mạng.
Dịp Tết năm 2020, tôi cùng Nguyễn Trung Thu về quê viếng nghĩa trang liệt sĩ Bình Dương, tới thắp hương cho những đồng đội đã hy sinh, dừng lại trước mộ 11 liệt sĩ nhỏ tuổi. Ôi cái tuổi lên 10 còn ham chơi và nghịch ngợm vậy mà đã biết chiến đấu, hy sinh. Chúng tôi xúc động, bùi ngùi nhớ lại một thời chiến đấu. Cái giá của độc lập tự do không chỉ là xương máu mà còn tính mạng sống còn của bao nhiêu con người thời trận mạc chiến tranh.
Tại chương trình khát vọng hòa bình do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Hội đồng hương Thăng Bình tại Đà Nẵng và Bình Dương tổ chức, anh Nguyễn Trung Thu kể lại: Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ, nhưng hình ảnh người chị, người mẹ Bình Dương tay không giáp mặt với quân thù hung bạo hằm hằm sát khí vẫn còn ám ảnh. Các mẹ các chị không nao núng khi xông ra cản xe tăng giặc, họ không sợ chết nhưng quả thực cũng nao nao trước ham muốn thèm khát từ cái nhìn dục vọng của những tên lính dã thú. Để bảo vệ chính mình các mẹ, các chị chỉ còn cách chụm lại với nhau quyết chiến. Vậy là những ma men háu gái đành lùi bước.
Anh tham gia giúp nước bạn Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Một hôm tôi chứng kiến anh bật máy điện thoại, âm thanh lọt ra nghe rõ, tôi không hiểu anh nói gì với người cầm máy bên kia, sau cuộc gọi anh giải thích: Mình vừa nói chuyện với người mẹ Phiu ma Ly bằng thứ tiếng của mẹ. À ra thế, trong những năm chiến đấu tại Campuchia, anh bộ đội tình nguyện Việt Nam có thêm người mẹ nuôi Phiu ma Ly. Hai mấy năm rồi tình cảm với người mẹ nuôi và các con của mẹ vẫn đậm đà hương sắc tình “Việt-Khơ me”.
Trung tướng Châu Văn Mẫn
Châu Văn Mẫn sinh ngày 11/8/1950. Mười lăm tuổi tham gia cách mạng, được phân công vào trong vùng địch vận động bà con tham gia kháng chiến. Cơ sở bị lộ, cảnh sát theo dõi, anh bị bắt giam ở nhà tù Buôn Ma Thuột. Tuổi còn quá nhỏ, cảm nhận ban đầu anh còn lo lắng, bàng hoàng, khi chứng kiến cảnh giam cầm, ăn cơm tù, lao động khổ sai và nhiều hình thức đe nẹt khác. Sau những trận đòn xối nước, kẹp điện… dù có chứng cứ từ chữ viết trong lá thư chỉ dẫn cơ sở hoạt động do anh viết nhưng anh một mực chối bỏ nội dung. Vì không đủ chứng cứ kết tội, chúng phân loại tù nhân, chuyển anh ra nhà tù Côn Đảo để đoạn giao với phong trào cách mạng ở địa phương. Ở Côn Đảo ai chống chào cờ thì nhốt riêng, bị tra tấn, bị đưa vào chuồng bò, chuồng cọp nhưng rồi chuyện chống chào cờ xảy ra như cơm bữa. Vì trong tù có Đảng, có tổ chức. Những người tù truyền thông tin cho nhau bằng tín hiệu Morse để thống nhất hành động. Thấy việc chống chào cờ, đấu tranh tuyệt thực cứ liên tục, chúng nghĩ có người chỉ huy, khi chưa tìm được ai đầu têu thì chúng dùng biện pháp làm mới bạn tù, xáo trộn bạn tù để họ không biết người bên cạnh mình là ai, từ đâu tới, tư tưởng thế nào nhằm phá vỡ mối liên kết giữa bạn tù với nhau, để mỗi người cảm thấy côi cút lẻ loi trước người lạ, trước bọn chúng.
Trung tướng Châu Văn Mẫn
Nhà tù Côn Đảo do thực dân Pháp xây dựng năm 1862 để giam giữ các chiến sĩ yêu nước Việt Nam. Thời Mỹ Diệm tiếp tục mở rộng thành hệ thống nhà tù kiên cố từ trại 1,2,3,4,5, 6a, 6b, trại 7 (chuồng cọp trá hình), có 120 phòng biệt giam. Quản lý nhà tù là bọn tay sai cai ngục chuyên nghiệp. Một tiểu đoàn bảo an và cả trăm cảnh sát giả chiến. 123 năm tồn tại chúng giam giữ tại đây hơn 200.000 lượt người. Những trận đòn thập tử nhất sinh, đánh đập, đóng đinh, rút móng tay chân, cùm chung tù nhân xuống sàn, cưa dần chân tay người tù, nhốt chuồng bò, chuồng cọp và nhiều cách tra tấn nhục hình khác… chúng giết hại gần 20.000 tù nhân, cả trăm nghìn người tàn tật thương tích suốt đời. Bọn dã thú mặt người tưởng làm vậy để đánh quỵ người cộng sản, nhưng không, mặc cho bao năm đày đọa, qua thử thách, tinh thần được hun đúc, trui rèn những người chiến sĩ như anh Châu Văn Mẫn thành người cộng sản dày dạn, chai sạn với những ngón đòn dã man của bọn cai ngục mà nơi đây được gọi là địa ngục trần gian. Nhiều người tới thăm Côn Đảo phải thốt lên: Chỉ sống trong môi trường tù tội ấy đã rùng mình ghê sợ huống chi là nạn nhân với những chiêu trò dã man khủng khiếp của bọn ác ôn máu lạnh, những đao phủ khét tiếng như 9 Khương, Tư Phục, chúa đảo Nguyễn Văn Vệ. Qua thử thách càng ngời lên phẩm chất cao đẹp của những tấm gương cộng sản: Trần Trọng Tân, Phạm Văn Ba, Trịnh văn Lâu tức Tư cẩn - Bí thư Chi bộ “Lưu Chí Hiếu” trong tù. Chính tư tưởng độc lập tự do và dân chủ cộng hòa đã kết họ lại với nhau thành khối đoàn kết thống nhất. Anh em tù nhân xây tình thân ái, chăm sóc lẫn nhau như người thân ruột thịt một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ mỗi khi đau ốm, những lúc bị tra tấn thừa chết. Nhường nhịn cho nhau với tinh thần chết còn trao áo cho nhau, miếng cơm dành để người sau ấm lòng. Ở nhà tù Côn Đảo anh em tù nhân góp tiền mua radio để nghe đài phát thanh Hà Nội, bởi vậy thông tin cơ bản trong tù là không thiếu. 11h 30 trưa ngày 30 tháng 4 bọn cai ngục chưa có thông tin Sài Gòn được giải phóng thì anh em tù nhân trại tù 07 đã nghe đài Phát thanh Hà Nội loan tin: Bộ đội ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng. Chính quyền Sài Gòn sụp đổ. Anh em tù nhân hô vang, hát mừng chiến thắng. Lâm Hữu Phương Tỉnh trưởng Côn Sơn, thiếu tá Tức trưởng ty cảnh sát, dùng tàu nhỏ lấy cớ đi kiểm tra để rời đảo tẩu thoát ra hạm đội 7, bỏ lại bọn cai ngục lẩn quẩn như rắn mất đầu, hoang mang run sợ. Anh em bạn tù đứng lên tự giải phóng chính mình và giải phóng đảo, trong sự đồng tình và sẵn sàng nhập cuộc của ông Sơn cơ sở cách mạng, ông Đồng Trưởng ty Giáo dục, đại úy Kiều Văn Dậu, Linh mục Phạm Gia Thuy, lập nên tổ chức tự quản, phân công trấn giữ nhà giam, tiếp tục kiểm soát những tù nhân phạm tội hình sự gây rối xã hội để giữ bình yên ở đảo. Ngày 03/5/1975 bộ đội ta tiến vào Côn Đảo lập nên Ủy ban quân quản… Anh Châu Văn Mẫn người con xứ Quảng quyết định ở lại tham gia chính quyền cơ sở ở Côn Đảo…
Từ Côn Đảo sau bao tháng ngày bị giam cầm, anh lên chuyến tàu vào đất liền, vội vã trở về miền Trung, Quảng Nam, Thăng Bình… bước xuống xe lòng nao nao, cảm xúc dâng trào khi đứng trên mảnh đất quê hương sau bao năm xa cách. Bình Sa một không gian mênh mang trải ra trước mặt. Cát, toàn cát, lưa thưa những cây dương liễu cao không quá đầu người. Hình ảnh cây xanh, đường làng, dòng sông so với lúc ra đi nay quá nhiều thay đổi. Chiến tranh đã kết thúc nhưng dấu vết chiến tranh vẫn còn hiện rõ. Anh đứng tần ngần một lúc, nhận diện hướng đi rồi băng qua bãi cát để về lại vườn xưa. Lòng rộn ràng, hồ hởi bước mau gấp gấp…
Chúng tôi đã ra Côn Đảo, đã tới thăm địa ngục trần gian… đã nghe những người tù ở đảo kể câu chuyện tù nhân Châu Văn Mẫn từng bị giam ở trại 1, trại 6B rồi chuyển qua trại 7, ở trại nào anh cũng là người tù nổi tiếng, bọn cai tù ngao ngán, anh em tù nhân nể trọng, mến thương. Anh phấn đấu đi lên từ người bảo vệ rồi trở thành lãnh đạo an ninh Côn Đảo, Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Ngày tham gia cách mạng mới học lớp 3 trường làng, trước khi nghỉ hưu là tiến sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, được phong hàm Trung tướng giữ chức vụ Phó Tổng cục trưởng Cục xây dựng lực lượng công an nhân dân, đại biểu Quốc hội khóa X. Dù sống xa nơi chôn nhau cắt rốn anh luôn nghĩ về quê. Anh em quê hương bầu chọn anh làm Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu để kết nối những người đang làm ăn và công tác ở xa cùng hướng về quê cha đất tổ. Anh luôn góp công góp của xây dựng nhà tình nghĩa, làm giao thông nông thôn, trao học bổng, làm bia tưởng niệm liệt sĩ ở Bình Sa. Anh được nhân dân tôn vinh người mang lại hình ảnh đẹp của người chiến sĩ đúng như tên của anh thời thơ ấu Châu Văn Đẹp.
V.N