Đọc văn học là đọc văn hóa
Bìa sách Văn hóa đọc và đọc văn hóa của tác giả Phạm Phú Phong.
Văn hóa đọc và đọc văn hóa vốn là tiêu đề của một bài viết mà trong đó nhà nghiên cứu Phạm Phú Phong thể hiện tiếng nói tri âm đối với cuốn sách của người bạn mà ông xem là tri kỷ. Bài viết ấy được tuyển vào tập sách này và tên bài viết được chọn làm tên của cả tập sách - sự lựa chọn dễ khiến người đọc việt vị rằng đây là câu chuyện về văn hóa và sách vở nói chung. Thế nhưng, đọc xong tập phê bình - tiểu luận, tôi vẫn định vị Phạm Phú Phong trong tư cách nhà lý luận, phê bình văn học. Văn hóa đọc và đọc văn hóa, vượt khỏi nội dung của bài viết cụ thể, cần được hiểu như một quan niệm tương đối thống nhất của tác giả về phương pháp và phẩm cách của nhà nghiên cứu khi đối diện đời sống văn học.
Phạm Phú Phong được nhiều thế hệ đồng nghiệp và học trò nhớ đến với thâm niên trong nghiên cứu và giảng dạy thi pháp học, bộ môn khoa học, như ông quan niệm, lấy văn bản và hình thức của tác phẩm văn học làm đối tượng trung tâm. Trung tâm, chứ không phải duy nhất hay toàn bộ như quan điểm hình thức luận. Trung tâm, theo nghĩa vừa là xuất phát điểm cho việc đọc vừa là cái đích hướng tới của sự thấu hiểu, định giá. Từ điểm xuất phát, để đến đích, cần đặt đối tượng nghiên cứu trong bối cảnh văn hóa mà nó sinh thành. Bởi vậy, ở vế đọc văn hóa thì văn hóa không phải là đối tượng của việc đọc, mà là phương pháp đọc: từ tọa độ văn hóa. Và đọc ở đây chính là nghiên cứu, vì đọc một cách chuyên nghiệp trên điểm tựa của tri thức hệ thống và lập trường phương pháp luận. Về bản chất, trình bày kết quả nghiên cứu luôn đồng nghĩa một sự tranh luận, đối thoại với những quan điểm hiện có và sẽ có. Nên văn hóa đọc, theo nghĩa hẹp, cũng là văn hóa tranh luận. Mục đích tranh luận không phải lăm lăm phê phán cái sai của người khác, nhờ đó tự nâng tầm bản thân. Chỉ ra giới hạn của một công trình, một sự nghiệp chữ nghĩa hay một nền văn học là cần thiết để cho thấy chính kiến của nhà nghiên cứu, nhưng với ông đó cũng chỉ là một phương diện, bên cạnh sự đồng cảm, ghi nhận và khích lệ, nhằm thúc đẩy sự vận động, phát triển lành mạnh của đời sống văn học. Có thể nhận thấy mạch dẫn của quan niệm này trong toàn bộ tập sách.
Sách Văn hóa đọc và đọc văn hóa được chia thành hai phần: Đọc những trang văn (phê bình) và Thăm những ngôi nhà (tiểu luận). Phần đầu gồm mười một bài, trong đó có mười bài tiến hành phê bình từng cuốn sách riêng lẻ thuộc nhiều thể loại và phong cách viết khác nhau, nằm ngoài khu vực sáng tác nhưng ít nhiều đều có liên quan đến văn học: Phê bình và cảo luận (1933) của Thiếu Sơn, Hai mươi nhà văn - nhà văn hóa Việt Nam thế kỷ XX (2008) của Phong Lê, Từ bục giảng đến văn đàn (2015) của Trần Hữu Tá, Hãy cầm lấy và đọc (2016) của Huỳnh Như Phương, Gửi đây chút duyên tình đọc (2019) của Nguyễn Thị Thanh Xuân, Văn học và cái ác (1957) của Georges Batailler, Luận bình văn chương (2012) của Nguyễn Hữu Sơn, Thơ vua và suy ngẫm (2021) của Nguyễn Phước Hải Trung, Người Mỹ da đen trong bản đồ văn học Mỹ (2023) của Nguyễn Thị Tuyết và công trình chung của nhiều tác giả Lý luận, phê bình văn học xứ Huế - những năm đầu thế kỷ XXI (2024). Chỉ có trường hợp nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng, người viết không dừng lại ở một cuốn sách cụ thể mà thông qua cả sự nghiệp học thuật để nhìn nhận những cống hiến lâu dài cho việc nghiên cứu hai thể loại là truyện ngắn và tiểu thuyết. Phần sau gồm mười bốn tiểu luận, trong đó có bốn tiểu luận với nội dung thuần túy lý thuyết: Đặc trưng văn học, Tiến trình văn học - khái niệm và quy luật, Truyện ngắn và tiểu thuyết - khái niệm và thể loại, Mỹ học và phân tâm học - từ góc nhìn tham chiếu; chín tiểu luận thể hiện cái nhìn bao quát đối với tình hình nghiên cứu và sáng tác văn học ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI: Lý luận, phê bình văn học thời kỳ đổi mới, Phê bình văn học - nhìn từ miền Trung, Nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học xứ Huế những năm đầu thế kỷ XX (1900 - 1945), Hội An - lướt nhìn văn học thành văn, Nha Trang - nhìn lại chặng đường 30 năm văn học đô thị (1945 - 1975), Cuộc kháng chiến và các cây bút kháng chiến Liên khu Năm, Kháng chiến trong ký ức các nhà văn Nam Bộ, Văn học miền Trung nửa đầu thế kỷ XX - nhìn từ đội ngũ sáng tạo, Văn học miền Trung nửa sau thế kỷ XX - một góc nhìn; và một tiểu luận đặt ở vị trí cuối sách tựa lời kết: Khát vọng duy tân và tuổi trẻ.
Ở phần một – Đọc những trang văn, dẫu nội dung mỗi bài là phê bình sách thì các ý kiến bàn luận, đánh giá thường cũng không chỉ gói gọn trong khuôn khổ cuốn sách đó. Luôn là vậy, những trang viết thành công của nhà phê bình Phạm Phú Phong là nơi kết hợp giữa khả năng bao quát tư liệu, sự thấu hiểu tác giả trên một vài khía cạnh đời sống, với ngòi bút vừa lý trí, vừa cảm xúc, tài hoa. Nhờ hiểu về tác giả và bao quát tư liệu mà ông nhận ra sự tiếp nối của tác phẩm trên chặng dài nghiên cứu, ghi nhận đúng mực giá trị của những tìm tòi, phát hiện trong lịch sử tiếp cận cùng một vấn đề. Ngòi bút lý trí của người quen làm việc với tư duy lý luận giúp ông nhận định chuẩn xác các yếu tố thuộc về thao tác, phương pháp, thể loại, phong cách,… mà tác giả đã vận dụng trong văn bản. Ánh mắt giàu cảm xúc nâng cánh phẩm chất tài hoa, khiến con chữ không còn “tro than nguội lạnh” như điều ông vốn rất ngại ở các công trình nặng tính chuyên môn, mà trở thành tiếng nói tri giao, đồng điệu của bậc liên tài. Có lẽ, vì vậy trong phạm vi những bài phê bình được tuyển vào Đọc văn hóa và văn hóa đọc, tôi cảm thấy ông thích viết và viết hay về sách của những tác giả có sự gắn bó nhất định với ông trong quan hệ thầy trò, bạn bè, đồng nghiệp,…
Chẳng hạn, khi Nhìn theo cái nhìn của Phong Lê, nhà nghiên cứu mà ông tự nhận mình là “người em trong gia đình, người học trò nhỏ”, Phạm Phú Phong thấy công trình này như một sự tiếp nối mạch suy nghĩ của tác giả về văn học Việt Nam hiện đại - phạm vi nghiên cứu mà qua mấy chục năm đồng hành, tên tuổi Phong Lê đã được khẳng định với tư cách chuyên gia. Nhà phê bình lưu ý đến bối cảnh Đổi mới như là động lực đáng kể giúp tác giả vượt qua những áp lực vô hình chi phối tâm lý để “tập trung khai thác đạo đức nhân cách, trí tuệ uyên bác và cả những “thân phận” đau khổ của nghề văn - vừa đồng cảm với đối tượng nghiên cứu vừa dốc hết tâm huyết để phơi bày tâm trạng của chính mình”.
Hay, khi tiếp cận 18 chân dung văn học của Nguyễn Thị Thanh Xuân từ cái nhìn phác thảo, Phạm Phú Phong nhận ra bên cạnh những nhân vật danh tiếng một thuở như Phan Khôi, Thiếu Sơn, Hoài Thanh, Tô Hoài, Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Nhật Ánh,… là những cái tên ít được biết đến như Hồ Hữu Tường, Triều Sơn, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Phùng Khánh, Mang Viên Long,… Và thú vị nhất là, sau tất cả, Phạm Phú Phong còn phát hiện bức chân dung thứ mười chín, chân dung tự họa của chính nữ học giả này “tuy vô hình, nhưng là có thật, theo dõi từng số phận, hành trạng cuộc đời và hành nghiệp văn chương của từng người, lúc nào cũng có mặt, dường như luôn đi lại, nói cười, trao đổi cảm thông,...”.
Ngay cả khi nói về hạn chế của tác giả, như trường hợp nhà nghiên cứu Huỳnh Như Phương với cuốn Hãy cầm lấy và đọc, thì cách nhìn cũng thật thú vị, và trìu mến đến độ người đọc cũng có thể cảm nhận như một… lời khen. Ở lĩnh vực phê bình văn học, Huỳnh Như Phương không phải mẫu nhà phê bình lớn tiếng với nhiều kiểu nhân danh hoặc chuyên vạch lá tìm sâu. Khổ nỗi, khi Phạm Phú Phong nhận xét lối phê bình nhược điểm của Huỳnh Như Phương là “hiền”, cũng là lúc ta thấy hai người hiền gặp nhau, cái hiền của những nhân cách trí thức tạo nên không khí văn hóa trong tranh luận. Nói hiền, thực chất là tâm thế điềm đạm, đầy thiện chí và tình người. Tôi vẫn tự nhận thức được rằng, ý hướng thuyết phục người khác theo quan điểm của bản thân, nhất là khi tranh biện trực tiếp với một ý kiến trái chiều, rất dễ đẩy đến trạng thái bút chiến, nơi mà con chữ trở nên gay gắt, sắc lạnh, có thể gây ra thương tổn tinh thần không đáng có.
Trong bài Đọc thơ là “đọc” hình tượng/ văn hóa, viết về cuốn Thơ vua và suy ngẫm của nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Hải Trung, văn hóa tranh luận trở thành một tiêu chí thẩm định sách. Phạm Phú Phong đánh giá tác giả là người nhạy cảm và đa tài, qua trường lớp bài bản, cộng thêm vốn liếng tự học đã tạo nên một thẩm quyền phát ngôn khả tín về nhiều hiện tượng văn hóa và văn học trung đại Việt Nam. Song, bên cạnh những giá trị biên khảo và phân tích, điểm nhấn của công trình còn ở sự thấm đẫm văn hóa tranh luận. Ông quan niệm, khi có nguồn sử liệu chắc chắn trong tay thì thừa nhận hay bác bỏ một luận điểm không phải khó. Nhưng văn hóa tranh luận đòi hỏi một thái độ ở tầm vóc cao hơn - thái độ phê bình là thứ được ông hết sức coi trọng nhằm mưu cầu một trạng thái tri ngộ, tri đắc, tri âm: “Ở đây không chỉ đòi hỏi trí tuệ và tư duy logic của một nhà khoa học, mà còn cần thiết phải có một tâm hồn nghệ sĩ và tư duy hình tượng để đồng cảm, tương tri”.
Phần hai - Thăm những ngôi nhà, khởi đi bằng chuỗi bốn bài thể hiện quan điểm lý luận, mà có lẽ nhà nghiên cứu xem là cơ sở để phóng chiếu cái nhìn vào thực tiễn văn học. Từ định nghĩa nghệ thuật là những hình thái tồn tại chủ yếu bằng hình tượng, Phạm Phú Phong phân biệt tám loại hình dựa trên ngôn ngữ chính văn và thứ văn: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, sân khấu, kiến trúc, nhiếp ảnh và điện ảnh. Văn học là loại hình nghệ thuật ngôn từ, không chỉ tồn tại bởi ngôn ngữ hình tượng mà còn bởi hình tượng ngôn ngữ. Văn học không đứng yên mà luôn vận động, phát triển trong các mối quan hệ tương tác đa dạng và phức tạp, có tính đặc thù và quy luật nội tại, tạo thành tiến trình văn học. Trong các thể loại văn học, Phạm Phú Phong nhận định tiểu thuyết và truyện ngắn là hai thể loại nòng cốt và xung kích của văn xuôi hiện đại. Ông truy ngược về sự hình thành của hai thể loại này ở một số truyền thống văn học lâu đời trên thế giới để dẫn vào sự xuất hiện ở nước ta giai đoạn cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, điểm qua đặc trưng thể loại dưới góc nhìn đối sánh. Tác giả cũng dành riêng một tiểu luận để gợi ý về một vài điểm sáng cũng như hạn chế của phân tâm học trong khả năng phát lộ và lý giải giá trị thẩm mỹ.
Tất nhiên, ba mươi lăm trang giấy phân bố cho bốn tiểu luận, mức độ trình bày các vấn đề lý thuyết là có tính chọn lọc và tóm lược; giữa các tiểu luận, đôi chỗ có cảm giác thiếu tính liên kết, hệ thống. Có thể cần phải nhìn nhận các tiểu luận này như những nét chấm phá, để từ một số luận điểm cụ thể mà nhận ra được quan niệm tổng thể của tác giả về văn chương. Hơn nữa, từ nguyên lý đến thể loại và tiến trình văn học, nhìn từ hệ khái niệm, là sự sắp đặt có chủ ý nhằm đưa lối người đọc vào các tiểu luận có tính tổng thuật phía sau.
Trong chín tiểu luận tiếp theo, tác giả dành ba tiểu luận cho hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình và sáu tiểu luận cho bức tranh sáng tác. Trục thời gian bao quát từ đầu thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI, nhưng tập trung chủ yếu vào nửa đầu thế kỷ XX và thời kỳ kháng chiến; trục địa lý là toàn bộ chiều dài đất nước, nhưng tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung. Một lối triển khai từ diện đến điểm, trên cái nhìn toàn cảnh để xác định đặc điểm văn học của một giai đoạn, một khuynh hướng, một khu vực hay một địa phương. Do đó, dễ hiểu vì sao, dù biên độ quan sát khá rộng rãi và đa dạng, nhưng tỏ lộ nhiều tâm huyết và giá trị đúc kết nhất vẫn là những tiểu luận về thực tế nghiên cứu, sáng tác văn học ở miền Trung, nơi tác giả Phạm Phú Phong dành trọn cuộc đời để sống, làm việc và tham dự rất sâu vào các sinh hoạt văn chương, học thuật.
Nhìn về phê bình văn học miền Trung với ít nhiều lo âu, ông nhận thấy số lượng người làm phê bình ngày càng thưa vắng, cho dẫu nơi đây từng có một đội ngũ đông đảo từ khi hình thành những bộ môn của khoa văn học cho đến suốt thế kỷ XX. Thực ra, hiện tượng thưa thớt lực lượng cầm bút cũng là tình trạng chung của phê bình văn học cả nước, nhưng so với hai trung tâm văn hóa – kinh tế ở hai đầu đất nước, các địa phương miền Trung vẫn mang thân phận ngoại vi, tỉnh lẻ, nên sự thiếu hụt càng đáng quan ngại hơn. Phần lớn các nhà lý luận, phê bình quê gốc ở miền Trung nhưng thành danh ở các trung tâm. Những người lựa chọn gắn bó với mảnh đất quê hương thì lại vấp phải nhiều hơn những khó khăn trong việc công bố tác phẩm. Công chúng tiếp nhận phê bình vốn đã hạn chế, ở các địa phương lại càng hết sức hạn chế. Nếu biết rằng vào nửa đầu thế kỷ XX, chỉ tính riêng Huế, trong hàng chục cuộc tranh luận văn chương nghệ thuật diễn ra trên cả nước, có đến không dưới năm cuộc diễn ra ở Huế, khơi mào từ Huế, hoặc từ những tờ báo, những học giả đang sinh sống ở Huế, tạo nên danh vị của nhiều nhà lý luận, phê bình như Hải Triều, Phan Khôi, Trần Thanh Mại, Hoài Thanh, Thiếu Sơn, Lê Tràng Kiều,…thì những trăn trở và đề xuất của nhà nghiên cứu Phạm Phú Phong rất đáng được quan tâm, chia sẻ.
Đóng góp và tồn tại của lực lượng sáng tác và thành tựu văn học miền Trung được Phạm Phú Phong khái quát trên dòng chảy văn học thế kỷ XX. Trong đó, đối với Huế, nơi ông đã có quãng đời gắn bó hơn nữa thế kỷ, ông có đến hai bài viết ở phần trước, đã đành, nhưng có hai vùng đất là Hội An và Nha Trang, vì cơ duyên nào đó, mà ông dừng lại đi sâu, khảo cứu công phu trên quy mô rộng lớn từ chiều kích văn hóa - lịch sử, không chỉ để ghi nhận thành tựu mà còn “bắt mạch, chẩn bệnh”, kiến nghị giải pháp, lắng nghe những tín hiệu tích cực,… Nhưng nói chung, điểm tụ của trường quan sát vẫn là văn học kháng chiến giai đoạn chống Pháp 1946 - 1954 và giai đoạn chống Mỹ 1954 - 1975. Phạm Phú Phong là một người kháng chiến, và các thế hệ kháng chiến cầm bút vẫn luôn trong tim ông. Phải chăng vì thế mà ông còn nhiệt tình dành thêm một tiểu luận cho Kháng chiến trong ký ức các nhà văn Nam Bộ? Những trang viết không chỉ phong phú về mặt thông tin, tư liệu mà còn đầy ắp niềm yêu thương, trân trọng dành cho những người đồng chí, đồng đội. Tôi vẫn cho rằng, đúng là lịch sử văn học thường được viết nên bởi những tác giả, tác phẩm đỉnh cao, nhưng bản thân sự sống sinh động, chân thật của văn học ở mỗi thời đoạn, mỗi vùng đất lại là sự cộng hưởng của rất nhiều con người. Không phải ai cũng quá vạm vỡ để nghiễm nhiên bước chân vào đền đài, trở thành điển phạm, song sự nghiệp sáng tạo của họ cũng không hề bé mọn, đáng bị lãng quên. Gọi tên cả những giá trị đã ít nhiều bị quên lãng ấy, lại ở những vùng văn học bị xem là nhỏ lẻ, các tiểu luận của Phạm Phú Phong, bên cạnh chiều kích học thuật nghiêm cẩn, còn thấm đượm cả chất nhân văn hồn hậu mà văn chương nghệ thuật hằng muốn lưu giữ.
Tập sách kết lại với tiểu luận về Khát vọng duy tân và tuổi trẻ, điểm qua mười mấy gương mặt chí sĩ yêu nước cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Thoạt nhìn có vẻ không liên quan lắm với nội dung chủ đạo, nhưng ngẫm lại, tôi hiểu được ý ông. Duy tân, yêu nước và dự phần vào vận mệnh dân tộc chẳng phải là chủ đề xuyên suốt qua mỗi tiểu luận sao? Ngày nay, người ta nói nhiều đến tính chất trò chơi và chức năng giải trí của văn học. Quan niệm nào cũng có lý do và ý nghĩa tồn tại của nó. Nhưng nhìn con người và văn học Việt Nam từ phối cảnh văn hóa – lịch sử, cả quá khứ lẫn hiện tại, thật khó chối bỏ sứ mạng của văn học đối với tương lai đất nước. Ít nhất, với những người thuộc về thế hệ ông. Khi một thế hệ hoàn thành vai trò lịch sử của mình, họ gửi gắm niềm tin vào tuổi trẻ kế cận.
P.T.H.L