Văn học, Nghệ thuật Đà Nẵng - Thành tựu và triển vọng
Đồng chí Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng ghi nhận thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Nhân dịp Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ X nhiệm kỳ 2024-2029, Tạp chí Non Nước có buổi trao đổi với Chủ tịch 9 Hội chuyên ngành: Nhà văn, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh nghệ thuật, Nghệ sĩ Múa, Nghệ sĩ Sân khấu, Kiến trúc sư, Văn nghệ Dân gian và Điện ảnh về thành tựu mà các Hội đã đạt được trong thời gian qua.
Nhìn lại chặng đường phát triển, mỗi Hội đã góp phần không nhỏ vào sự thăng hoa của đời sống văn hóa nghệ thuật thành phố. Hội viên các Hội đã không chỉ đạt được nhiều giải thưởng uy tín, khẳng định vị thế trong nước và quốc tế, mà còn tạo ra những tác phẩm, công trình, chương trình mang giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, gần gũi với đời sống, văn hóa cộng đồng.
Đối với Hội Nhà văn, các tác phẩm văn học mang đậm hơi thở của thời đại, phản ánh sâu sắc đời sống xã hội đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lòng bạn đọc. Hội Âm nhạc đã tạo ra nhiều sản phẩm âm nhạc có tính nghệ thuật và sáng tạo cao, góp phần lan tỏa nét đẹp âm nhạc dân tộc và hiện đại. Hội Mỹ thuật và Nhiếp ảnh tiếp tục khẳng định bản sắc với nhiều triển lãm ấn tượng, trong đó có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ đoạt giải thưởng trong nước và quốc tế.
Các nghệ sĩ múa, sân khấu cũng đã thành công trong việc tạo ra những tác phẩm sân khấu và múa có tính biểu diễn cao, mang đậm nét văn hóa dân gian nhưng vẫn phản ánh được hơi thở hiện đại. Hội Kiến trúc sư, Văn nghệ dân gian và Điện ảnh cũng không ngừng sáng tạo, đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố với nhiều công trình, tác phẩm giàu giá trị nhân văn và nghệ thuật.
Những thành tựu đạt được trong thời gian qua là tiền đề vững chắc cho những bước phát triển tiếp theo trong nhiệm kỳ mới. Qua các buổi trao đổi, các Chủ tịch Hội đều thể hiện quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động sáng tạo, nâng cao chất lượng chuyên môn, đưa văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng ngày càng tiến xa hơn trên bản đồ văn hóa nghệ thuật quốc gia và quốc tế.
Chúng tôi tin rằng, với tinh thần hợp tác, đoàn kết và sáng tạo, các Hội sẽ tiếp tục phát huy những giá trị đã đạt được, xây dựng một nhiệm kỳ mới thành công rực rỡ, đưa văn học nghệ thuật Đà Nẵng tiếp tục đạt nhiều thành tựu mới.
Nhạc sĩ NGUYỄN NHẪN (Chủ tịch Hội Âm nhạc Đà Nẵng):
ÂM NHẠC LAN TỎA TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội Âm nhạc Đà Nẵng đã gặt hái nhiều thành tựu nổi bật, góp phần phát triển nền âm nhạc của thành phố và tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các hội viên, Hội đã có những bước tiến đáng kể trong nhiều lĩnh vực từ sáng tác, biểu diễn, đào tạo đến nghiên cứu lý luận và phê bình âm nhạc.
Sáng tác các tác phẩm về chủ đề quê hương, đất nước là một chủ đề trọng tâm, Hội Âm nhạc đã tổ chức nhiều chuyến đi thực tế đến các quận, huyện trong thành phố như Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Sơn Trà, Thanh Khê, Hải Châu, Hòa Vang, cũng như huyện Duy Xuyên của tỉnh Quảng Nam. Mỗi nơi đi qua, các nhạc sĩ đã để lại dấu ấn qua những tác phẩm âm nhạc phản ánh chân thực đời sống và con người địa phương.
Đặc biệt, với chủ trương “Xây dựng nông thôn mới” tại huyện Hòa Vang, Hội đã có những đợt xâm nhập sáng tác, tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, khơi dậy tình yêu quê hương và mở ra những ý tưởng sáng tạo cho một vùng nông thôn mới đầy sức sống. Những thành quả này đã được giới thiệu đến công chúng thông qua các chương trình nghệ thuật phối hợp cùng phong trào văn hóa của quận, huyện, cũng như trên sóng phát thanh và truyền hình.
Không chỉ dừng lại trong phạm vi thành phố, các nhạc sĩ còn tham gia các chuyến đi xa, dài ngày theo chủ trương của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và Hội Nhạc sĩ Việt Nam đến các địa phương như Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đắk Lắk. Các hội viên cũng tích cực tham gia các trại sáng tác tại Đà Nẵng, Đà Lạt, Tam Đảo, Đại Lải, Vũng Tàu, đóng góp những tác phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của các trại.
Về hoạt động biểu diễn, Hội Âm nhạc Đà Nẵng đã tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc. Tiêu biểu là chương trình nghệ thuật chào mừng Ngày Giải phóng Đà Nẵng, Ngày Âm nhạc Việt Nam, và các sự kiện lớn của thành phố. Hội cũng đặc biệt chú trọng tôn vinh các nhạc sĩ lão thành qua chương trình “Những asnh sao sáng mãi” - một sự tri ân đầy ý nghĩa đối với những người đã cống hiến cả đời cho nền âm nhạc.
Phối hợp tổ chức báo cáo tác phẩm viết về thành phố như các chương trình: “Về với Hòa Vang”, “Hải Châu ngày mới”, “Tình ca Đà Nẵng”; “Đà Nẵng trong tim tôi”; “Tự hào Đà Nẵng” và các đêm trình tấu guitar của CLB Guitar cổ điển… tạo nên đời sống âm nhạc khá phong phú trên địa bàn thành phố.
Ca khúc Đà Nẵng dáng đêm do Tốp nam Nhà hát Trưng Vương biểu diễn tại Chương trình nghệ thuật “Tình ca Đà Nẵng”.
Hoạt động nghiên cứu, lý luận và phê bình âm nhạc có những đóng góp trân trọng. Tiêu biểu là các tác phẩm: Diễn xướng âm nhạc vùng biển Đà Nẵng; Bảo tồn âm nhạc dân gian người Cơtu của nhạc sĩ Văn Thu Bích, và Bài bản - Lý trong sân khấu Tuồng, Chèo, Dân ca kịch của nhạc sĩ Trần Hồng; 70 Trò chơi Âm nhạc dành cho trẻ em và Luyến láy trong dân ca Quảng Nam của nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh. Những công trình này không chỉ có giá trị khoa học mà còn góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa âm nhạc truyền thống.
Những nỗ lực và cống hiến của các nhạc sĩ trong Hội Âm nhạc Đà Nẵng đã được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cùng các giải thưởng khác từ Trung ương và địa phương. Đặc biệt, nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái đã được tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2022, đánh dấu sự thành công và cống hiến không ngừng của ông cho nền âm nhạc nước nhà.
Những thành tựu của Hội Âm nhạc Đà Nẵng không chỉ là kết quả của sự nỗ lực và sáng tạo của các hội viên, mà còn là minh chứng cho sự phát triển không ngừng của nền âm nhạc thành phố. Với những thành công đã đạt được, Hội Âm nhạc Đà Nẵng tiếp tục khẳng định vị thế của mình và góp phần xây dựng, phát triển văn hóa nghệ thuật của Đà Nẵng và cả nước.
Biên kịch TRÀ XUÂN PHƯƠNG (Chủ tịch Hội Điện ảnh Đà Nẵng): SÁNG TẠO, PHỔ BIẾN TÁC PHẨM ĐIỆN ẢNH, TRUYỀN HÌNH - THÀNH TỰU VÀ THÁCH THỨC
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội Điện ảnh Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực sáng tạo và phổ biến tác phẩm. Các hội viên đã không ngừng nỗ lực sáng tác, sản xuất chương trình, góp phần đáng kể vào việc phản ánh chân thực đời sống, văn hóa và lịch sử của Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung.
Thừa lệnh Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật tặng Bằng khen cho Hội Điện ảnh thành phố vì đã có thành tích xuất sắc trong nhiệm kỳ 2018-2023.
Sáng tạo tác phẩm và sản xuất chương trình là nhiệm vụ chính của các hội viên Hội Điện ảnh Đà Nẵng. Họ chính là lực lượng chủ chốt trong việc sản xuất các chương trình văn học nghệ thuật, khoa giáo, và đặc biệt là thể loại phim tài liệu và phóng sự tài liệu. Những đề tài về vùng đất, con người, lịch sử, văn hóa, cũng như sự phát triển năng động của Đà Nẵng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên luôn là nguồn cảm hứng dồi dào cho các tác phẩm.
Trong những năm qua, Hội đã thực hiện hàng trăm bộ phim tài liệu và ký sự, trải rộng khắp các vùng miền của đất nước, từ Hà Giang cho đến mũi Cà Mau. Những tác phẩm tiêu biểu như Mắc nợ người điên, Những rặng dương cuối cùng, Người mẹ, và Đường đến hòa bình đã phản ánh sâu sắc những khía cạnh khác nhau của cuộc sống và xã hội Việt Nam.
Đặc biệt, trong giai đoạn Đà Nẵng và cả nước đương đầu với đại dịch Covid-19, nhiều hội viên đã thể hiện tài năng sáng tạo qua các bộ phim tài liệu như Nhật ký Covid, Tuyến đầu, Hội An những ngày sống chậm ghi lại những khoảnh khắc khó khăn và bi thương của thời kỳ này.
Không chỉ gói gọn trong địa bàn quen thuộc, các hội viên của Hội Điện ảnh Đà Nẵng đã mở rộng phạm vi tác nghiệp đến nhiều tỉnh thành trên cả nước. Những chuyến đi đến Trường Sa của NSND Huỳnh Hùng, Trà Xuân Phương và Lê Minh Đức đã mang lại những tác phẩm đầy cảm xúc như Vì một Trường Sa xanh và Theo từng con sóng, góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đạo diễn Đoàn Hồng Lê, với tác phẩm Đường đến hòa bình quay tại Hàn Quốc, đã gây tiếng vang lớn không chỉ trong nước mà cả quốc tế.
Điều này chứng tỏ khả năng sáng tạo của các hội viên không ngừng vươn xa, đưa những câu chuyện Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Hội cũng tổ chức các tuần lễ phim quốc tế và trong nước, phục vụ các nhiệm vụ chính trị của thành phố, và đặc biệt chú trọng việc đưa phim đến các vùng sâu, vùng xa, phục vụ nhu cầu giải trí và giáo dục cho trẻ em.
Trong suốt nhiệm kỳ qua, nhiều hội viên đã giành được các giải thưởng cao tại các Liên hoan truyền hình và giải thưởng văn học nghệ thuật, khẳng định tài năng và sự cống hiến của họ. Những tác phẩm như Ghi chép 12 ngày đêm và Tình ca đại ngàn đã mang về Huy chương Càng tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc, trong khi Hãy nhớ bạn đang sống được trao giải Cánh diều Vàng và giải đạo diễn xuất sắc nhất tại lễ trao giải Cánh diều năm 2019.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó, Hội cũng đối mặt với không ít thách thức. Các thể loại phim truyện, phim hoạt hình, và nghiên cứu lý luận phê bình vẫn còn thiếu vắng, nhiều tác phẩm chưa có dấu ấn riêng biệt hoặc chiều sâu nghệ thuật.
Với niềm đam mê nghề nghiệp và tinh thần sáng tạo không ngừng nghỉ, các hội viên của Hội Điện ảnh Đà Nẵng sẽ tiếp tục vượt qua thách thức, tạo ra những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, góp phần nâng cao vị thế của điện ảnh Việt Nam trên bản đồ thế giới.
NSƯT PHAN HỒNG HÀ (Chủ tịch Hội nghệ sĩ Múa Đà Nẵng): NGHỆ THUẬT MÚA ĐẾN GẦN HƠN VỚI CÔNG CHÚNG
Trong thời gian qua, Hội Nghệ sĩ Múa thành phố Đà Nẵng đã ghi dấu nhiều thành tựu đáng tự hào. Hội đã tổ chức thành công Liên hoan nghệ thuật “Múa và bước nhảy” tại công viên Biển Đông, quy tụ hơn 40 nhóm nhảy và 15 tác phẩm múa. Các tác phẩm nổi bật như Cánh buồm ra khơi của biên đạo Ngọc Tần, Sự tích Cơ Tu của biên đạo A Lăng Thi Ben, và Nón lá truyền kỳ của Vũ đoàn Galaxy đã để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả.
TS.NSND Phạm Anh Phương - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ úa Việt Nam, Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật tặng hoa cho Ban Chấp hành Hội nghệ sĩ múa thành phố nhiệm kỳ 2023- 2028 ra mắt Đại hội.
Trong giai đoạn đối phó với đại dịch, Hội đã sáng tác và biểu diễn chương trình múa “Vũ khúc sông Hàn vượt qua đại dịch”, gồm các tác phẩm nổi bật như Khúc quân hành vượt qua đại dịch của biên đạo Hoàng Châu và Bức tranh Covid của NSƯT Hồng Hà. Các tác phẩm này không chỉ thể hiện tinh thần chiến đấu chống dịch mà còn được đánh giá cao về ngôn ngữ múa sáng tạo.
Hội cũng đã thúc đẩy dự án nghiên cứu bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa Chăm cung đình, tổ chức báo cáo tổng duyệt chương trình này tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng. Các tác phẩm như Về nơi đền tháp của biên đạo Hoàng Châu và Âm vang tháp cổ của NSƯT Hồng Hà đã thể hiện sự kết hợp tinh tế giữa ngôn ngữ cung đình Chăm và múa hiện đại.
Ngoài ra, Hội còn tham gia tích cực trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ cộng đồng, đặc biệt là tại huyện Hòa Vang. Các nghệ sĩ của Hội đã không ngừng cống hiến, mang nghệ thuật múa đến gần hơn với đời sống nhân dân thành phố.
Từ năm 2019 đến nay, anh chị em nghệ sĩ múa có trên 30 tác phẩm biểu diễn và đoạt các loại giải thưởng. Đặc biệt, NSND Lê Huân đã hoàn thành hai kịch bản múa lớn là Ngọn lửa Hồ Chí Minh và Người Mẹ thành Điện Hải sẽ dàn dựng vào thời gian tới.
Nhìn lại chặng đường đã qua, Hội Nghệ sĩ Múa Đà Nẵng đã khẳng định vị thế của mình, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của nền nghệ thuật múa Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Các thành tựu này là minh chứng cho sự cống hiến, lòng yêu nghề và tinh thần sáng tạo không ngừng nghỉ của nghệ sĩ múa thành phố.
Nhà thơ NGUYỄN KIM HUY (Chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng): NHÀ VĂN ĐÀ NẴNG DUY TRÌ NGỌN LỬA ĐAM MÊ SÁNG TÁC
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội Nhà văn Đà Nẵng đã thực hiện nhiều hoạt động văn học có ý nghĩa, đóng góp tích cực cho sự phát triển văn hóa, nghệ thuật của thành phố. Những hoạt động này không chỉ khẳng định vai trò của Hội trong đời sống văn hóa địa phương mà còn mở rộng phạm vi ảnh hưởng của văn học Đà Nẵng ra cả nước và quốc tế.
Trong nhiệm kỳ qua, ngoài tuyển tập Tác phẩm văn học đạt giải 2001- 2021 được biên soạn và xuất bản có ý nghĩa tổng kết 20 năm thành tựu về sáng tác tác phẩm văn học của Hội, các hội viên của Hội Nhà văn Đà Nẵng đã duy trì ngọn lửa đam mê sáng tác với gần 100 tác phẩm thơ văn được xuất bản, nhiều tác giả có thơ văn đăng báo thường xuyên. Một số hội viên có từ 2 đến 4 tác phẩm ra mắt trong 5 năm qua, và một số tác phẩm đã được trao giải thưởng văn học quốc tế, Trung ương và địa phương. Đáng chú ý là tiểu thuyết Trong vô tận của nhà văn Vĩnh Quyền đã nhận giải thưởng Văn học ASEAN 2021 và giải nhì tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam.
Nghệ sĩ Kim Loan trình bày bài thơ Thăm Trường Sa của nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm tại Đêm thơ Nguyên tiêu Giáp Thìn 2024 theo chủ đề “Bản hòa âm đất nước”.
Hội Nhà văn Đà Nẵng đã phối hợp tổ chức tốt Ngày thơ Việt Nam và Ngày sách Việt Nam hằng năm. Đặc biệt, Đêm thơ Nguyên tiêu năm Kỷ Hợi 2019 với chủ đề “Khúc tráng ca biển” và Đêm thơ Nguyên tiêu Giáp Thìn 2024 theo chủ đề “Bản hòa âm đất nước” được đông đảo nhân dân tham dự và đánh giá cao. Ngày sách Việt Nam 2024, Hội đã tổ chức cuộc Hội thảo “Nhà văn và con đường đưa tác phẩm đến với văn học” đạt kết quả tốt. Ngoài ra Hội cũng vận động hội viên trao tặng tác phẩm cho Tủ sách Đà Nẵng, tổ chức các buổi tọa đàm về tình yêu sách và phát triển văn hóa đọc tại các trường đại học và các địa phương. Các sự kiện này đã góp phần nâng cao nhận thức về giá trị của sách và văn hóa đọc trong cộng đồng.
Các chương trình tọa đàm, đọc thơ và phát sóng trên Đài truyền hình Đà Nẵng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Bên cạnh đó, Hội còn tích cực tham gia các hoạt động thơ ca tại các quận, xã, phường và các câu lạc bộ thơ trên địa bàn thành phố.
Các chuyến đi thực tế sáng tác tại các địa phương như Quảng Nam, Kon Tum, Quảng Trị, Quảng Ngãi đã mang lại nhiều tác phẩm mới, giàu cảm hứng. Từ chuyến đi thực tế ngắn tại Ba Tơ, Hội đã phối hợp cùng UBND huyện Ba Tơ xuất bản tập sách Sắc xuân Ba Tơ - tập sách đầu tiên hình thành từ kết quả của việc đi thực tế sáng tác văn học của Hội. Hội cũng tích cực tham gia các trại sáng tác văn học nghệ thuật tại Đà Lạt, Vũng Tàu và các địa phương khác.
Ngoài ra, Hội đã phối hợp tổ chức nhiều buổi giới thiệu sách, tọa đàm văn học tại Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng và các địa chỉ văn hóa khác. Những buổi giới thiệu này không chỉ là cơ hội để tác giả gặp gỡ, giao lưu với độc giả mà còn là dịp để tác phẩm văn học Đà Nẵng đến gần hơn với công chúng.
Những thành tựu trong nhiệm kỳ qua của Hội Nhà văn Đà Nẵng là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của các hội viên, sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ từ Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố và các cấp chính quyền. Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu này, phấn đấu có nhiều tác phẩm văn học có giá trị, xứng tầm để góp phần làm phong phú thêm đời sống văn học nghệ thuật của thành phố Đà Nẵng.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh THÂN NGUYÊN (Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng): NHIẾP ẢNH ĐÀ NẴNG HOẠT ĐỘNG PHONG PHÚ, SÁNG TẠO VÀ HIỆU QUẢ
Trong nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Đà Nẵng đã thực hiện nhiều hoạt động sáng tác, triển lãm, và tổ chức các cuộc thi nhiếp ảnh, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao tầm ảnh hưởng của nghệ thuật nhiếp ảnh tại Đà Nẵng. Những hoạt động này không chỉ giúp các hội viên nâng cao kỹ năng mà còn mang đến cho công chúng những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, phản ánh sâu sắc vẻ đẹp của con người và thiên nhiên Đà Nẵng.
Hội Nhiếp ảnh đã tổ chức nhiều chuyến đi thực tế sáng tác tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đảo Lý Sơn, giúp các hội viên có cơ hội trải nghiệm và học hỏi kinh nghiệm. Đặc biệt, Hội đã thực hiện các chuyến đi thực tế sáng tác tại Gia Lai, Kon Tum và Quảng Nam, trong khuôn khổ cuộc thi “Tự hào một dải biên cương”, nhằm tuyên truyền về công tác bảo vệ an ninh quốc gia.
Hội đã phối hợp tổ chức thành công nhiều cuộc thi như: “Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên”, cuộc thi “Ảnh nghệ thuật - Đà Nẵng 2019”, “Nhịp sống Hải Châu”, “Đa dạng sinh học”, “Nét đẹp Sơn Trà”. Những cuộc thi này không chỉ tôn vinh vẻ đẹp của Đà Nẵng mà còn khuyến khích tinh thần sáng tạo của các nhiếp ảnh gia.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Bùi Văn Tiếng và Phó Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Lê Nguyễn trao huy chương Bạc cho nghệ sĩ nhiếp ảnh đoạt giải tại Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ 29 năm 2024.
Hội cũng tích cực trong việc quảng bá các tác phẩm của hội viên qua các triển lãm như “Xuân quê hương”, “Vẻ đẹp Việt Nam”, và triển lãm nhân dịp kỷ niệm 25 năm Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Hội cũng tham gia vào việc xuất bản sách ảnh như “Đà Nẵng - Ký ức và hiện tại” và các dự án liên quan đến bảo tồn di sản và cảnh quan trên địa bàn thành phố.
Hội tổ chức các cuộc tọa đàm, trại sáng tác nhằm nâng cao kỹ năng cho các hội viên. Các buổi tọa đàm về phát hiện đề tài trong nhiếp ảnh và kỹ thuật ảnh đen trắng đã thu hút sự tham gia đông đảo của hội viên, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng tác phẩm.
Hội viên của Hội đã tích cực tham gia các cuộc thi nhiếp ảnh cấp khu vực, quốc gia và quốc tế, đạt nhiều giải thưởng cao quý như Huy chương Vàng, Bạc, Đồng và Cúp VAPA. Đây là minh chứng cho tài năng và sự nỗ lực không ngừng của các nhiếp ảnh gia Đà Nẵng.
Tập thể Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Đà Nẵng đã đạt nhiều thành tích xuất sắc, được công nhận và tặng thưởng bởi các cơ quan chức năng. Đặc biệt, Hội đã góp phần quan trọng trong việc phát triển nghệ thuật nhiếp ảnh tại Đà Nẵng, tạo nên một nền tảng vững chắc cho những bước tiến mới trong tương lai.
Các câu lạc bộ thuộc Hội Nhiếp ảnh Đà Nẵng đã phát triển mạnh mẽ, thu hút nhiều thành viên mới và tổ chức thành công nhiều sự kiện, cuộc thi nhiếp ảnh. Các hoạt động của CLB không chỉ mang lại những tác phẩm chất lượng mà còn góp phần quảng bá hình ảnh Đà Nẵng đến với công chúng trong và ngoài nước.
Trong nhiệm kỳ qua, Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Đà Nẵng đã ghi dấu ấn mạnh mẽ với những hoạt động phong phú, sáng tạo và hiệu quả. Những thành tựu đạt được không chỉ khẳng định vị thế của nhiếp ảnh Đà Nẵng mà còn tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tiếp theo.
NSƯT TRẦN NGỌC TUẤN (Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Đà Nẵng): KIÊN TRÌ BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN NGHỆ THUẬT SÂN KHẤU TRUYỀN THỐNG
Hội Nghệ sĩ Sân khấu Đà Nẵng đã trải qua một nhiệm kỳ đầy nỗ lực và cống hiến. Các hội viên, từ tác giả đến đạo diễn, đã không ngừng sáng tác và xây dựng các chương trình, tiết mục phục vụ các cơ quan, đơn vị, ngành đoàn thể và địa phương trong các hội thi, hội diễn nghệ thuật. Nhờ đó, nhiều chương trình đã giành được nhiều huy chương, góp phần tôn vinh văn hóa nghệ thuật của thành phố Đà Nẵng.
Chúng tôi xin nêu một số hoạt động tiêu biểu như: Tổ chức Tọa đàm “Đẩy mạnh hoạt động của bộ môn Dân ca - Bài chòi tại Đà Nẵng, tăng cường liên kết để tổ chức liên hoan các Câu lạc bộ Bài chòi khu vực miền Trung” gặp mặt các nghệ sĩ của các Câu lạc bộ Dân ca nhân dịp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức tổng kết công tác năm 2020, triển khai kế hoạch công tác năm 2021 khu vực miền Trung tại Đà Nẵng.
Các hội viên đang công tác tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã tham gia đợt biểu diễn nghệ thuật Tuồng với các vở diễn như: Lưu Kim Đính, Nghêu Sò Ốc Hến, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Trần Bình Trọng phục vụ nhân dân trong dịp Tết âm lịch.
Tổ chức tốt công tác giới thiệu và phát hành 02 tập Sách Kịch bản dân ca Khu V và Nhạc dân ca Bài chòi và Tuồng. Các hội viên đang công tác tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã tham gia biểu diễn nhiều chương trình phục vụ nhân dân; xây dựng các chương trình tham gia Liên hoan sân khấu toàn quốc (Cuộc thi tài năng sân khấu; Liên hoan các trích đoạn hay; Liên hoan các dàn nhạc dân tộc) trong tháng 5 và tháng 6 năm 2023 và đã đạt kết quả cao (02 giải Vàng, 01 giải nhất, 02 giải nhì, và 03 giải Bạc toàn quốc).
Trích đoạn Thoại Khanh - Châu Tuấn tại buổi giới thiệu 2 tập sách: Kịch bản dân ca Khu V và Nhạc dân ca Bài chòi và Tuồng.
Tham mưu các Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Liên hiệp Hội tổ chức thành công Tọa đàm “Giáo sư Hoàng Châu Ký với Nghệ thuật Sân khấu Tuồng Việt Nam” anh chị em hội viên Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã tổ chức buổi công diễn vở tuồng Thị Kính - Thị Mầu nhằm tri ân GS Hoàng Châu Ký nhân dịp ông được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.
Xây dựng chương trình nghệ thuật tổng hợp gồm các tiết mục đậm màu sắc nghệ thuật truyền thống tham gia đợt giao lưu giữa Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng và Hiệp Hội Văn hóa Nghệ thuật thành phố Daegu Hàn Quốc. Chuyến đi hết sức thành công và để lại nhiều dấu ấn, với nước bạn…
Trong những năm qua, nghệ thuật sân khấu Đà Nẵng có nhiều bước phát triển mới. Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, Hội vẫn kiên định với mục tiêu bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu, đồng thời không ngừng đổi mới để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của công chúng. Hội sẽ tiếp tục tập trung vào việc bảo tồn và phát triển sân khấu truyền thống, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong nghệ thuật sân khấu, mở rộng quy mô hoạt động và nâng cao chất lượng nghệ thuật nhằm thu hút nhiều khán giả hơn, đặc biệt là giới trẻ.
KTS TÔ VĂN HÙNG (Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đà Nẵng): KIẾN TRÚC ĐÀ NẴNG HƯỚNG TỚI MỘT TƯƠNG LAI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG, HIỆN ĐẠI VÀ VĂN MINH CHO THÀNH PHỐ
Vườn tượng APEC bao gồm mở rộng các hạng mục: công viên, vườn dạo kết nối với vườn tượng hiện trạng; khu vực sân khấu, sân phun nước…
Trong những năm qua, Hội Kiến trúc sư Đà Nẵng đã chứng tỏ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kiến trúc đô thị của thành phố, tạo nên một diện mạo văn minh, hiện đại và sạch đẹp. Những bước tiến vượt bậc trong kiến trúc đô thị không chỉ góp phần thay đổi cách nhìn nhận về thiết kế mà còn định hình nên một thành phố Đà Nẵng năng động và hội nhập quốc tế.
Trong những năm qua, Đà Nẵng đang trải qua sự phát triển mạnh mẽ trong ngành kiến trúc và xây dựng, tạo ra nhiều cơ hội mới cho các kiến trúc sư (KTS). Các KTS Đà Nẵng vượt qua khó khăn, nỗ lực không ngừng, đóng góp nhiều công trình có giá trị, tiêu biểu như: Vườn tượng Công viên APEC mở rộng, Trụ sở BQL khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, Trụ sở làm việc HĐND thành phố... cùng nhiều công trình nổi bật khác.
Trụ sở làm việc Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng.
Kiến trúc Đà Nẵng đang phát triển trong một môi trường tương đối thuận lợi, với sự xuất hiện của nhiều công trình chất lượng cao, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ và vật liệu mới. Mặc dù số lượng công trình nhiều, nhưng số lượng công trình có sự sáng tạo nghệ thuật vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, trong các xu hướng kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng, KTS Đà Nẵng vẫn còn dè dặt trong cách tiếp cận và ứng dụng.
Hiện nay, Đà Nẵng có hơn 560 kiến trúc sư hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ kiến trúc, quy hoạch, đến nội thất và đồ họa. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động của các KTS không đồng đều. Dù chưa có nhiều KTS tầm cỡ quốc tế, nhưng đã xuất hiện một số gương mặt tiêu biểu như KTS Hồ Khuê, KTS Nguyễn Hoàng Tuệ, và PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn.
Hội viên của Hội đã tích cực tham gia vào công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội, đóng góp ý kiến cho nhiều dự án quy hoạch quan trọng của thành phố. Hội cũng tham gia xét duyệt và đề xuất các phương án thiết kế kiến trúc cho nhiều công trình lớn, góp phần vào sự phát triển bền vững của thành phố Đà Nẵng.
Hội cũng chú trọng công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ KTS có chất lượng. Mối quan hệ giữa Hội và các cơ sở đào tạo ngày càng chặt chẽ, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn của các KTS trẻ. Hội cũng tổ chức nhiều hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ, tham gia các trại sáng tác, liên hoan sinh viên kiến trúc, góp phần phát triển kiến trúc Đà Nẵng.
Hội Kiến trúc sư Đà Nẵng đã và đang đóng góp quan trọng vào sự phát triển của kiến trúc đô thị Đà Nẵng. Tuy còn nhiều thách thức, nhưng với những nỗ lực không ngừng, các Kiến trúc sư Đà Nẵng đang từng bước khẳng định vị thế của mình, hướng tới một tương lai phát triển bền vững, hiện đại và văn minh cho thành phố.
Nhà nghiên cứu ĐINH THỊ TRANG (Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng): HỘI VĂN NGHỆ DÂN GIAN GÓP PHẦN BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG
Trong thời gian qua, Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian, đặc biệt với sự quan tâm của lãnh đạo thành phố và các cơ quan ban ngành, Hội tập trung vào việc sưu tầm, nghiên cứu các giá trị văn hóa dân gian đất Quảng, góp phần bảo vệ những di sản quý báu của cha ông để lại.
Ảnh lưu niệm của đại biểu tại Tọa đàm Nâng cao chất lượng sưu tầm, nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian trong xã hội đương đại.
Một trong những thành công nổi bật là việc tổ chức bốn đợt điền dã, tập trung vào nghiên cứu văn hóa của dân tộc Cơ Tu ở Đà Nẵng và Quảng Nam. Kết quả từ các đợt điền dã này đã giúp Hội xuất bản công trình tập thể Bảo tồn văn hóa dân gian Cơ Tu huyện Hòa Vang, đồng thời hàng năm Hội cũng xuất bản một tập sách tập hợp các công trình nghiên cứu mới trong năm của hội viên. Ngoài ra, trong 5 năm qua, đã có 15 công trình sưu tầm nghiên cứu của của hội viên về các lĩnh vực âm nhạc dân gian, trò chơi dân gian, văn hóa dân gian được xuất bản.
Để nâng cao chất lượng sáng tác và nghiên cứu, Hội khuyến khích hội viên tham gia các trại sáng tác văn học nghệ thuật và tổ chức nhiều buổi tọa đàm khoa học. Điển hình như tọa đàm: “Nâng cao chất lượng sưu tầm, nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian trong xã hội đương đại”; “Nghiên cứu văn hóa biển dưới góc nhìn dân tộc học”, “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa làng Phong Lệ”, “Di sản mỹ thuật kiến trúc trong các công trình kiến trúc và điêu khắc xứ Quảng”. Tại đây, các nhà nghiên cứu đã thảo luận và đưa ra nhiều giải pháp trong việc bảo tồn văn hóa dân gian, đồng thời định hướng cho tương lai nghiên cứu và ứng dụng văn hóa dân gian vào giáo dục và đời sống. Các hoạt động này không chỉ góp phần nâng cao năng lực chuyên môn cho hội viên mà còn mở ra nhiều hướng tiếp cận mới trong việc sưu tầm và nghiên cứu văn hóa dân gian tại Đà Nẵng.
Những kết quả trên không chỉ đóng góp cho thành phố Đà Nẵng mà còn lan tỏa ra khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước, khẳng định vai trò quan trọng của Hội Văn nghệ dân gian trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Họa sĩ THÂN TRỌNG DŨNG (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Đà Nẵng): ĐƯA NHIỀU TÁC PHẨM MỸ THUẬT CÓ GIÁ TRỊ ĐẾN VỚI CÔNG CHÚNG
Trong những năm qua, Hội Mỹ thuật Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào trong việc phát triển và quảng bá nghệ thuật thị giác của thành phố. Trọng tâm của Hội là công tác quảng bá, giới thiệu tác phẩm mỹ thuật đến với công chúng, góp phần thúc đẩy phong trào sáng tác và tạo cơ hội tái đầu tư vào nghệ thuật. Với nỗ lực không ngừng từ Ban Chấp hành và sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài thành phố như Hội Mỹ thuật Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao, Bảo tàng Mỹ thuật và các trường đại học, Hội đã tổ chức hàng loạt sự kiện triển lãm lớn, đưa nhiều tác phẩm mỹ thuật có giá trị đến với công chúng.
Điêu khắc gia Đinh Gia Thắng giới thiệu tác phẩm tại Triển lãm mỹ thuật “Nắng tháng 4”.
Từ năm 2018 đến nay, Hội đã thực hiện hơn 30 cuộc triển lãm mỹ thuật với trung bình 5-6 cuộc mỗi năm, mỗi cuộc trưng bày từ 40-50 tác phẩm, trong đó có nhiều triển lãm quy mô lớn phục vụ các nhiệm vụ chính trị, văn hóa của thành phố. Các cuộc triển lãm tiêu biểu như “Sắc màu tháng 4,” “Hội tụ sắc màu,” “Mỹ thuật Đà Nẵng” được tổ chức hàng năm, Hội còn tổ chức các cuộc thi sáng tác và giao lưu nghệ thuật để thu hút sự tham gia của các nghệ sĩ trong nước và quốc tế, qua đó nâng cao tầm ảnh hưởng và vị thế của mỹ thuật Đà Nẵng trên bản đồ mỹ thuật Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hội đã đẩy mạnh mỹ thuật cộng đồng và mỹ thuật thiếu nhi nhằm đưa mỹ thuật đến gần hơn với công chúng và phát triển tài năng trẻ. Các triển lãm tranh thiếu nhi, trại sáng tác mỹ thuật hè cho thiếu nhi cũng đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng công chúng. Đồng thời, Hội cũng tham gia các công trình nghệ thuật công cộng, đưa nghệ thuật tiếp cận đời sống thường nhật của người dân, tạo nên diện mạo văn minh và văn hóa cho thành phố.
Những nỗ lực và đóng góp của Hội Mỹ thuật Đà Nẵng trong các hoạt động văn học nghệ thuật đã được ghi nhận qua nhiều giải thưởng cấp quốc gia và khu vực, bao gồm các giải thưởng danh giá từ Hội Mỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, và sự công nhận từ UBND thành phố. Các thành tựu này đã minh chứng cho sự phát triển bền vững của Hội và đóng góp không nhỏ vào phong trào mỹ thuật của Đà Nẵng trong nhiệm kỳ vừa qua.
*
Những thành tựu của các Hội chuyên ngành thành phố đạt được trong thời gian qua đã góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật Đà Nẵng trong thời gian tới. Các Hội không chỉ ghi dấu ấn qua nhiều hoạt động sáng tác, biểu diễn, triển lãm mà còn thành công trong việc kết nối, lan tỏa giá trị văn hóa nghệ thuật tới cộng đồng. Những thành quả ấy là minh chứng cho tinh thần sáng tạo, nỗ lực của đội ngũ nghệ sĩ và sự đồng lòng, đoàn kết giữa các thành viên trong từng Hội.
Trên cơ sở những thành công này, trong nhiệm kỳ tới, các Hội tiếp tục đặt mục tiêu nâng cao chất lượng chuyên môn, mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế, đẩy mạnh vai trò của văn học nghệ thuật trong đời sống xã hội. Chắc chắn, với sự quyết tâm và sáng tạo của văn nghệ sĩ 9 Hội chuyên ngành sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu rực rỡ hơn nữa, khẳng định vị thế của văn học nghệ thuật trong sự phát triển chung của đất nước.
A.C