Thơ Bùi Công Minh
BBT: Nhà thơ Bùi Công Minh vừa hoàn thành trường ca DƯỚI NHỮNG TÁN RỪNG. Tập trường ca có 5 chương: 1. Tên gọi, 2. Hành quân, 3. Dưới tán lá rừng, 4. Những người không vô danh, 5. Trở về, cuối trường ca có phần Vĩ thanh. Nội dung chính của trường ca viết về Tiểu đoàn vận tải 232 Quân Khu V và Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Thị Thao. Ban biên tập Tạp chí Non Nước xin gửi đến bạn đọc chương I của trường ca này.
Dưới những tán rừng
CHƯƠNG I: TÊN GỌI
Bắt đầu từ một dòng tên
Thao có thể là tên một dòng sông
Tên xóm vắng dịu hiền miền sơn cước
Một tên làng yên ả cánh cò bay
Có thể là tên một người con gái đang yêu
Là ký ức êm đềm những đêm thao thức
Nhưng ở nơi đây
Những tháng năm này
Chiến tranh đã khoác lên ngôn từ
màu xanh áo lính
Thao trở thành tên gọi một tiểu đoàn
Tiểu đoàn bà Thao…
Phiên hiệu Tiểu đoàn lịch sử còn gh
“D 232, tiểu đoàn vận tải”
Nhiệm vụ trải dài hành lang vận tải
khu Năm
Một tiểu đoàn như mọi tiểu đoàn
Như mọi tiểu đoàn sinh ra trong đạn lửa
Riêng chỉ điều này không giống nơi đâu
Riêng chỉ điều này lịch sử còn nhắc nhớ:
Gương mặt tiểu đoàn là sáu trăm cô gái
Thanh xuân mười tám đôi mươi
Làm nên chiến công vang động đất trời
Quê hương yêu thương, kẻ thù khiếp sợ
Tên tiểu đoàn cũng nhuốm màu
huyền thoại
Như cổ tích đời thường, dân quen gọi
“Lính Bà Thao”.
Đất nước ngày bom đạn gian lao
Triệu người con, người nối người ra trận
Em góp tuổi thanh xuân trong trắng
Như những giọt hồng cầu giữ mạch máu
hành lang
Những giọt hồng cầu nuôi hình hài
chiến dịch
Lặng lẽ dáng em khắp ngả chiến trường.
Có nơi nào trên dải đất quê hương
Không in dấu chân tiểu đoàn huyền thoại
Những Quảng Đà, Quảng Nam,
Quảng Ngãi,
Những Gia Lai, Kon Tum, đường 9
Nam Lào…
Quê hương gọi tên
Đội ngũ em có mặt
Những đôi vai mềm
Những bắp chân ngần trắng
Đã hóa những đôi vai trăm cân
Những đôi chân vạn dặm
Ngang dọc Trường Sơn xuyên những
cánh rừng
Những lối mòn in dấu chân con gái
Như những gót sen hồng
Những dấu chân thon nhỏ thanh thanh
Đạp lên khói lửa chiến tranh
Đạp lên sỏi đá
Vượt những con dốc ngất trời,
những vực sâu ngộp thở
Những Suối Chín Khúc, dốc Cọp,
dốc Lò Xo,
Rồi Hòn Kẽm Đá Dừng, Đèo Le, Eo Gió
Những ngày nắng nung
Những đêm mưa lũ
Những bước chân từ hoàng hôn dài
đến bình minh
Những bước chân đem chiến thắng
ngày mai gần lại.
Dưới xa kia là tha thiết đồng bằng
Cả quê hương từng ngày trông đợi
Những người mẹ bao đêm không ngủ
Bao đêm dày thao thức những đoàn quân
Mong ngày giải phóng đến gần
Cho triệu đứa con về gặp mẹ.
Niềm khao khát
Ngày ấy,
chắc anh không hình dung được đâu
Đừng gọi chúng tôi là những anh hùng
Đừng vội phong chúng tôi là dũng sĩ
Buổi đầu vào trận chiến này
chúng tôi chỉ là một lũ con gái,
khờ dại, thơ ngây
Tuổi đời mười lăm mười sáu
mười tám đôi mươi
thương cha thương mẹ thương em vô cùng
sợ ma không dám một mình trong đêm tối
Chúng tôi cũng tươi tắn con gái đương thì
Cũng bắt đầu như cô Tấm ngày xưa
bước ra từ quả thị
Xúng xính áo dài duyên dáng ngày xuân
Biết rạo rực con tim mỗi sớm bình minh
Biết nao lòng trước hoàng hôn trên
biển rộng
Biết làm thơ tả trăng lên nơi xóm vắng
Những đêm làng vang tiếng thoi đưa
Chúng tôi cũng biết quay tơ dệt vải
Biết làm nên những tấm lụa mỹ miều.
Bỗng một ngày lặng lẽ
Khai gian thêm tuổi
Xin mẹ xin cha lên đường
Theo tiếng gọi thiêng liêng
Theo nhịp đập trái tim
Mang nặng thù nhà nợ nước
Theo bước các chị các anh
Tạm rời xa bờ tre mảnh ruộng
Tạm rời xa trang vở học trò
không kịp ghi những dòng lưu bút
quên đi cái nhìn e ấp tuổi trăng tròn
quên đi cả cái gương cái lược
quên vành nón trắng hẹn hò…
Chúng tôi lên rừng
chịu đói, chịu khát
nói anh đừng cười
chúng tôi nhìn nhau, xanh như tàu lá
mắt đứa nào đứa nấy hoẳm sâu
Gạo hết, sắn hết
Rau dớn hết
Rau tàu bay cạn kiệt
Củ môn dóc, chuối rừng cũng chẳng còn
đói triền miên, lạt muối triền miên
khát khô cổ họng
Nước hố bom lọc làm nước uống
Nhìn con suối sáng nay gợn đỏ
Biết là chúng rải bột hóa chất đầu nguồn
nhưng cơn khát cồn cào gan ruột
cứ uống tràn vô
sá gì nhan sắc thanh xuân
Tất cả nhìn nhau
Thương một thì con gái
Nhưng trái tim cứ đập theo lẽ phải
Lên rừng!
Lên rừng!
Cùng các anh đánh giặc
Đường ra trận không phải lúc nào
cũng đẹp như câu hát
Nhưng câu hát lại cứu chúng tôi
những phút xao lòng
từng đôi chim bay đi
về tương lai
gió mưa, buồn thương
mùa đông rồi sẽ qua…
Việc gì Đảng giao
Quân đội giao
Chúng tôi nhận hết
Tất cả chung niềm khao khát
Giải phóng quê hương!
Đội hình
Làm sao có thể quên
Một sáng cuối mùa khô năm Một nghìn
Chín trăm Sáu Tám
Mồng Tám tháng Ba
Ngày của những người mẹ người em
Ngày yêu thương nâng niu nửa phần
nhân loại
Trục thời gian quay những tọa độ vui buồn
Trái đất không bình yên,
Góc trời kia thanh bình,
Mặt đất nơi đây máu đổ
Cũng ngày này
Giữa chiến trường khu Năm miền Nam
nước Việt
Cuộc đời chúng tôi đã bước sang trang
Những thiếu nữ chúng tôi không ngồi yên
kết những cánh hoa hồng
Chúng tôi đang kết thành đội hình
cầm súng
Cho những ngày Tám tháng Ba bình yên.
*
Cánh rừng già Phước Sơn sáng ấy bỗng
trang nghiêm
Nghe nhịp đập trái tim thanh nữ
Những tia nắng sớm
Soi từng gương mặt măng tơ
Những làn da chưa kịp bắt nắng
Những đôi tay chưa một lần cầm súng
Những ánh mắt rực lên ý chí kiên cường
Những tấm lòng sục sôi căm giận
Quyết trả mối thù Vĩnh Trinh, Chợ Được,
Mân Quang
Nỗi đau tột cùng khi nhìn về Sơn Mỹ
Những mẹ già em bé tiếng kêu thương
Không ai đến đây thay chúng tôi đánh giặc
Tất cả gái trai lần lượt lên đường.
Văng vẳng giọng nói ấm áp ân tình đâu đây
Các em ơi,
Các đồng chí!
Giờ thanh niên trai tráng thảy đều ra
mặt trận
Chỉ còn các em đến với dải rừng này
Giờ mình là chủ
Từ đây các em sẽ ra đi
Băng rừng vượt lũ
Chuyển những chuyến hàng ra tận
tiền phương
Chuyển cáng thương binh về hậu cứ
Vạt núi mở đường
Mang súng đạn kịp giờ ra mặt trận.
Những đứa em chúng ta chưa kịp lớn
Mà kẻ thù thì hung hãn cuồng điên
Cả quê hương trông đợi các em
Chỉ còn các em với dải rừng này
Chiến trường đang vào thời kỳ cam go
căng thẳng nhất
Mặt trận ngày ngày dõi theo bước các em.
*
Sáng ấy
Phạm Thị Thao đứng trước Tiểu đoàn
Vóc dáng mảnh mai
Tuổi vừa mười chín
Trước hàng quân sáu trăm con người
Sáu trăm đôi vai, sáu trăm số phận
Cứng rắn mạnh mẽ trước hàng quân
Đêm về Thao đã khóc
Cha ơi tha lỗi cho con
Ngày ấy con mới mười bốn tuổi
Thương cha nhưng đành nói dối
Khai thêm tuổi đời
Để thành đứa con mười bảy
Tham gia vào đội giao liên
Rồi ngày ngày con lớn lên
Con biết cha thương con không nói
Mẹ mất, các anh chị con cũng lần lượt
lên đường
Giờ con thành chị cả
Con biết cha từng ngày mong mỏi
Giúp cha thay mẹ chăm sóc đàn em
Quê mình địch vây ráp ngày đêm
Cha một mình quay sau quay trước.
Sáng ấy con lo dậy sớm
Quét sân dọn dẹp cửa nhà
Dĩa khoai luộc còn ấm nóng
Ấm chè xanh còn ủ trên bàn
Con đi, chưa kịp thưa cha.
Con biết đêm đêm cha khó ngủ
Con đi rồi, cha sớm tối vào ra
Đứa con gái cha vẫn dành nhiều
yêu thương trông đợi
Giờ còn cha với đàn em nhỏ dại
thiếu người chăm
Cha ơi thù nhà nợ nước
Đồng đội con không nhà nào không trắng
khăn tang
Xin cha cho con lên đường
Cho ngày quê hương đoàn tụ.
Con biết cha thương mà không giận
Giặc đến nhà con gái cũng xung phong
Đất nghĩa khí sinh người nghĩa khí
Con cháu Trần Cao Vân, Trần Quý Cáp,
Thái Phiên
Ông Ích Khiêm, Ông Ích Đường
Không thể ngồi nhìn quân thù giày xéo
quê hương.
B.C.M