Điện ảnh - Nhịp cầu vàng phát triển Đà Nẵng
Từ trái qua: Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh; Giám đốc điều hành của công ty điện ảnh Golden Scene, Hồng Kông (Trung Quốc) Winnie Tsang và ông Jared Dougherty, Giám đốc phụ trách Chính sách công và Đối ngoại của Sony Pictures Entertainment Khu vực châu Á - Thái Bình Dương. (Ảnh: Thu Sương).
Điện ảnh là bộ môn nghệ thuật độc đáo, kết hợp hài hòa giữa hình ảnh, diễn xuất của diễn viên, âm thanh và âm nhạc... Tất cả các yếu tố đó kích thích các giác quan làm rung lên cảm xúc, khiến con người sống tích cực hơn. Từ ngày thơ bé, chúng tôi đã tuôn trào nước mắt khi được xem hình ảnh bé Nga dũng cảm bảo vệ chiến sĩ cách mạng, trước khi nhắm mắt còn thả con chim vành khuyên thân thiết về với bầu trời. Từ đó, chúng tôi không còn rủ nhau bắt chim, lấy trứng nữa. Bộ phim “Vĩ tuyến 17 - Ngày và đêm” cũng vậy. Nó khơi dậy trong chúng tôi niềm mong ước được cầm súng, chiến đấu vì sự nghiệp thống nhất đất nước, để đến vĩ tuyến 17 - nơi là biểu tượng của khát vọng tự do, hòa bình, nơi mà mọi người đều mong mỏi không còn chiến tranh.
Khi kinh tế phát triển, đời sống được nâng cao, điện ảnh thúc đẩy con người khám phá thế giới rộng lớn, khám phá ký ức nhân loại qua từng thời kỳ. Thống kê từ một chuyên trang du lịch uy tín cho thấy 2/3 du khách toàn cầu đã ghé thăm một quốc gia dựa trên nguồn cảm hứng từ điện ảnh và 39% đặt chuyến đi dựa trên những câu chuyện từ màn ảnh. Thực tế đã chứng minh việc quảng bá địa danh thông qua điện ảnh mang lại hiệu quả bất ngờ. Ví dụ, “Trò chơi vương quyền” được quay ở nhiều nước: Bắc Ireland, Iceland, Croatia, Scotland và Morocco. Phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, dòng sông băng, núi lửa, những thành phố cổ kính tuyệt đẹp cho đến hàng cây, cánh rừng, hang động rất ma mị của bộ phim đã mang lại gần một triệu vé vào cửa các di tích và địa điểm trong phim (ngay trong năm 2015, lượng khách du lịch tăng 37,9%). Phim “Cô gái có hình xăm rồng” quay tại Stockholm mang lại khoảng 100 triệu Euro cho ngành du lịch Thụy Điển. Phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn” đem về 42 triệu đôla cho ngành du lịch New Zealand. Tại Việt Nam, phim Người tình (1991), Đông Dương (1992), Người Mỹ trầm lặng (2002) là đại diện tiêu biểu góp phần đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới ở giai đoạn trước. Sau này, “Kong Skull Island” với phần lớn bối cảnh núi rừng hoang sơ, hùng vĩ tại Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Ninh khiến khán giả quốc tế ngỡ ngàng và dẫn đến việc gia tăng đột biến số lượng du khách đến với quần thể Di sản thế giới các tỉnh này sau khi phim ra mắt. “Mắt biếc”, “Hoa vàng trên cỏ xanh” cũng góp phần thu hút du khách đến Thừa Thiên Huế, Phú Yên,...
Có thể thấy, điện ảnh không chỉ giúp quảng bá phong cảnh thiên nhiên, mà còn là cầu nối giúp khán giả hiểu về văn hóa, truyền thống và lối sống của một quốc gia nhanh chóng và hiệu quả. Tại hội thảo “Hợp tác sản xuất phim - Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp phát triển”, các nhà làm phim quốc tế như Thái Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc,… đều thống nhất: văn hóa là công cụ mang tính xây dựng để thúc đẩy, vượt qua những thách thức, cách biệt, giúp cho con người hiểu biết lẫn nhau. Họ khẳng định, làm phim không chỉ là nghệ thuật mà còn là kinh tế. Nhiều quốc gia đã có chính sách thu hút các đoàn làm phim đến với mình bằng cách tạo điều kiện từ nơi ở, nhà hàng,… Ngoài ra, họ còn có quy chế ưu đãi là hoàn 40% tổng chi phí làm phim, ngay sau khi đóng máy quay, bằng tiền mặt. Còn nếu cảnh quay ở địa danh văn hóa, lịch sử, kiến trúc đặc biệt, hoặc là biểu tượng như chuột túi, tượng nữ thần tự do,… - được dịch chung là những nơi có quyền lực mềm - thì sẽ được giảm thêm 5%. Đứng đầu về nội dung này là Thái Lan. Nhờ các chính sách thu hút hấp dẫn mà 6 tháng đầu năm 2024, gần 5.000 người đến làm phim tại Thái Lan trong đó có 33 phim tài liệu, 33 phim về chương trình du lịch và 23 phim dài tập. Thu nhập của Thái Lan đến từ các nhà làm phim nước ngoài đã tăng 59,33%, từ 1.332 tỷ baht lên hơn 3.588 tỷ baht. Họ còn xây dựng thành phố Pattaya, một thành phố nghỉ dưỡng biển trở thành một “Thành phố điện ảnh” của UCCN. Còn theo bà Winnie Tsang, Giám đốc điều hành Công ty Điện ảnh Golden Scene Hồng Kông (Trung Quốc) thì ngoài sự hỗ trợ từ chính quyền cho các đạo diễn từ 1 - 2 triệu đô-la thì các nhà biên kịch, nhà sản xuất phim cũng được đầu tư tương ứng. Tiến sĩ Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam nêu kết quả nghiên cứu: thực tế cho thấy, nếu các địa phương dành sự ủng hộ các đoàn phim trong quá trình quay khoảng 80 ngày thì sự thành công mà bộ phim mang lại là phát triển du lịch, thu hút đầu tư, phát triển các ngành dịch vụ liên quan,… sẽ lên đến hàng chục năm.
“Kịchbản, hìnhảnh, âmthanh…” nào cho Điện ảnh Đà Nẵng?
Địa hình Đà Nẵng đa dạng, vừa có đồng bằng duyên hải, vừa có núi rừng. Vùng núi cao và dốc tập trung ở phía Tây và Tây Bắc, nhiều dãy núi chạy dài ra biển, một số đồi thấp xen kẽ vùng đồng bằng ven biển. Sự chia cắt mạnh về địa hình đem lại cho Đà Nẵng bức tranh “sơn thủy hữu tình”. Một bên là núi cao như một cánh tay ôm trọn thành phố từ đèo Hải Vân nối liền với dãy Trường Sơn hùng vĩ, một bên là biển biếc và bờ cát trắng trải dài thơ mộng. Đà Nẵng có nhiều địa điểm thuộc loại trứ danh. Đèo Hải Vân - con đèo được mệnh danh “đệ nhất hùng quan”. Núi Bà Nà có độ cao 1.487m so với mực nước biển, được người Pháp phát hiện vào năm 1901 và đã xây dựng nơi đây thành một trong những nơi nghỉ mát nổi tiếng, lớn nhất Đông Dương. Bán đảo Sơn Trà cách trung tâm thành phố 10km về phía Đông Bắc có độ cao 693m so với mực nước biển. Cảnh vật nơi đây rất quyến rũ cùng truyền thuyết các vị tiên từ trên trời thường chọn bãi cát để giáng trần, ca múa, đánh cờ với nhau. Nơi này còn là khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng và phong phú, thảm thực vật đặc sắc và nhiều loại thú rừng quý. Ngũ Hành Sơn là 5 ngọn núi đá vôi với nhiều hang động, chùa chiền, đây là điểm du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh nổi tiếng trong thành phố.
Nằm ở vị trí trung gian của đất nước, có sự giao thoa văn hóa nhiều dân tộc và... nắng, mưa đều cực điểm. Những điều ấy góp phần tạo nên tính cách người Đà Nẵng: sáng tạo, dũng cảm. Đây là quê hương của nhiều danh nhân tướng lĩnh, chính trị, văn hóa. Tên tuổi họ gắn với nhiều thời kỳ lịch sử của đất nước như Ông Ích Khiêm, Thái Phiên, Lê Văn Hiến, Mẹ Nhu,...
Trong lịch sử dân tộc, Đà Nẵng không chỉ là thành phố cảng lớn nhất miền Trung Việt Nam mà còn gắn liền với công cuộc mở mang bờ cõi Đại Việt từ nhiều thế kỷ trước. Đà Nẵng là tiền đồn quan trọng trong các công cuộc chống ngoại xâm. Năm 1858, thực dân Pháp chọn Đà Nẵng làm nơi mở đầu cuộc xâm lược và sau đó xây dựng thành đô thị theo kiểu Tây phương. Chọn Đà Nẵng làm nơi đầu tiên đặt chân đến không phải là sự ngẫu nhiên. Tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của Đà Nẵng được khẳng định rõ trên bản đồ: trước mặt là biển cả, phía sau là Tây Nguyên. Rộng hơn nữa là khu vực Đông Dương bao gồm Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanma. Tháng 3 năm 1965, Mỹ cũng chọn Đà Nẵng làm nơi đổ bộ và thiết lập nơi đây thành căn cứ quân sự hỗn hợp lớn. Chính vì vậy Đà Nẵng luôn là chiến trường ác liệt nhưng cũng chính nơi đây đã có nhiều trận đánh đi vào lịch sử.
Từ ngày đầu chống Pháp, những người nông dân hiền lành chất phác đã đứng lên chiến đấu với vũ khí thô sơ như gậy, mã tấu, thậm chí là trái mù u. Dưới sự chỉ huy của danh tướng Ông Ích Khiêm, họ cho trái mù u vào sọt phục sẵn, khi quân Pháp đến quân ta chặn đánh rồi giả vờ tháo chạy. Lính Pháp đuổi theo nhưng giày đinh ống cao lại giẫm phải trái mù u khiến quan quân ngã nhào. Chỉ chờ vậy, phục binh ta đổ ra đánh, lính Pháp kinh hồn bạt vía, máu nhuộm đỏ đường. Có trận lại lấy vỏ dừa khô đổ dầu chai vào đốt rồi thả đầy mặt sông. Dòng hoa đăng này trôi từ sông Cẩm Lệ ra cửa Hàn. Quân Pháp trong đồn thấy vậy tưởng quân nhà Nguyễn tấn công nên ra sức xả súng. Chờ chúng hết đạn, quân ta xông vào đồn đánh giáp lá cà. Trong kháng chiến chống Mỹ, tại sân bay Đà Nẵng, bộ đội đặc công đã tiêu diệt hàng trăm tên địch, phá hủy nhiều máy bay và xe quân sự. Bên chân “Đệ nhất hùng quan” là trận đánh kho xăng Liên Chiểu. Trước giờ nổ súng, 13 cái huyệt được đào sẵn, 13 chiến sĩ nhìn nơi “yên nghỉ cuối cùng” của mình rồi quàng khăn đỏ, thề chiến đấu đến cùng! Khi những khối thuốc nổ C4 áp vào thành đáy của 9 bồn xăng phát nổ, một biển lửa sáng rực góc trời. Xăng theo độ dốc chảy tràn xuống biển, tạo thành nhiều con rồng lửa lướt sóng ra hướng vịnh Hàn làm cho 30 tàu địch đang neo trú tại đây hoảng loạn rú còi chạy thục mạng,...
Sau khi hòa bình lập lại, Đà Nẵng bắt tay vào khôi phục hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh. Dù khó khăn nhưng công cuộc phục hồi và phát triển thành phố đã đạt được nhiều thành quả. Nhất là từ năm 1997, khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng càng phát triển. Cùng quá trình đô thị hóa nhanh chóng là phát triển kinh tế, công tác an sinh xã hội với hàng loạt chính sách về an sinh xã hội như: “Thành phố 5 không, 3 có”, gần đây là “Thành phố 4 an” đã đưa Đà Nẵng trở thành nơi đáng sống nhất Việt Nam. Là 1 trong 6 bãi biển đẹp nhất thế giới, các khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển, quanh bán đảo Sơn Trà đã phát triển nhanh chóng. Phía tây là khu du lịch Bà Nà Hill và các khu du lịch sinh thái như Suối Hoa, nước khoáng nóng Núi Thần Tài, Hòa Phú Thành, Lái Thiêu,... Mỗi khu mang một bản sắc, một phong cách riêng, tạo nên quần thể du lịch phía tây thành phố. Đặc biệt Bà Nà Hill, điểm đến hàng đầu của du khách khi ghé thăm Đà Nẵng. Trên đỉnh Bà Nà và bán đảo Sơn Trà, là hai ngôi chùa lớn, không chỉ là nơi sinh hoạt của phật tử thành phố mà du khách đến Đà Nẵng đều muốn đến chiêm bái.
Diện tích chỉ 1256km2 nhưng có núi cao, có đồng bằng, có biển, có dân tộc ít người, chính vì vậy mà Đà Nẵng vừa đa dạng văn hóa vừa đa dạng ngành nghề. Có thể nói Đà Nẵng là mảnh đất được nén chặt với danh thắng, với văn hóa và lễ hội, với đủ sắc thái, từ nhẹ nhàng đến sôi động, từ phóng khoáng đến trang nghiêm, từ cổ kính đến hiện đại, đậm bản sắc duyên hải miền Trung và cũng đậm bản sắc núi rừng. Các lễ hội của Đà Nẵng có từ rất xưa như: lễ hội Cầu ngư mang đậm văn hóa của ngư dân, thể hiện tín ngưỡng thờ cúng cá Voi để bày tỏ lòng biết ơn với các vị thần và cầu mong mùa bội thu, thuận lợi. Lễ hội đình làng An Hải tri ân và nhắc nhở thế hệ sau luôn nhớ về cuộc kháng chiến bảo vệ cảng biển của ông cha. Các nghi thức cúng dàng được tổ chức vừa trang trọng với sự chủ trì của trưởng tộc, vừa đẹp mắt nhờ dàn nam thanh nữ tú rước cờ. Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn cầu nguyện cuộc sống thịnh vượng, đất nước bình an, đậm nét văn hóa tâm linh của Đà Nẵng. Lễ hội Mục đồng làng Phong Lệ là lễ hội độc đáo, duy nhất trên toàn quốc, tôn vinh giới trẻ chăn trâu diễn ra ngày Mồng Một tháng Tư âm lịch. Vùng núi phía Tây Đà Nẵng có lễ hội được mùa, lễ hội mừng lúa mới, lễ đâm trâu, lễ mừng nhà Gươl của bà con dân tộc Cơ Tu. Trong tiếng trống, chiêng, những điệu múa đậm dấu ấn cuộc sống gần gũi thiên nhiên, núi sông hùng vĩ,…
Ngoài những lễ hội truyền thống, Đà Nẵng đã tạo ra những lễ hội mới với tầm cỡ quốc tế như lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng, lễ hội khinh khí cầu. Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng đã khiến mùa hè trở thành mùa du lịch cao điểm. Lễ hội khinh khí cầu Đà Nẵng cho du khách bay lượn trên biển trời, núi non. Khung cảnh đẹp hút hồn của làng Pháp trên đỉnh Bà Nà còn được yêu thích bởi các lễ hội Carnival. Những lễ hội này vừa làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân thành phố vừa là sản phẩm du lịch đặc sắc.
Cầu Vàng và Nhịp cầu Điện ảnh
Nổi tiếng với cảnh quan xinh đẹp, con người thân thiện, mến khách, Đà Nẵng còn được biết đến là“thành phố của những cây cầu”. Những cây cầu nối đôi bờ sông Hàn đang góp phần tạo nên diện mạo mới cho Đà Nẵng. Mỗi cây cầu mang một nét riêng, trở thành những điểm du lịch tuyệt vời nhưng ở đây tôi muốn nói đến một cây cầu đặc biệt nhất ở “thành phố của những cây cầu”, đó là cầu Vàng. Thuộc khu du lịch Sun World BaNa Hills - Cầu Vàng là kỳ quan do con người tạo ra, với tâm trí, với tình yêu và khát vọng Đà Nẵng.
Cầu Vàng Đà Nẵng chính thức mở cửa đón khách du lịch vào tháng 6 năm 2018. Trụ cầu là đôi bàn tay mọc ra từ núi với những vết loang lổ rêu phong bởi thời gian dài với gió sương. Đôi bàn tay của thần núi nhẹ nhàng nâng đỡ cây cầu dài 150m, như dải lụa vàng óng ả vắt ngang bầu trời. Cầu Vàng nối ga cáp treo Marseille tới vườn Thiên Thai và vườn hoa Le Jardin d’Amour. Kiến trúc độc đáo, xây dựng tinh tế, tỉ mỉ đến từng chi tiết đã tạo nên vẻ đẹp thần tiên. Đi trên cầu Vàng như đi giữa mây trời ngút ngàn, thả sức chiêm ngưỡng thiên nhiên kỳ vĩ. Cầu Vàng Đà Nẵng trở thành “Top 10 cây cầu có kiến trúc độc đáo và đẹp nhất thế giới” được ghi nhận bởi tờ nhật báo The Guardian nổi tiếng nước Anh. Cầu Vàng đã tạo bão trên Fanpage nổi tiếng về du lịch Amazing Things in Vietnam với lượng truy cập khủng chưa từng có trong lịch sử, đạt tới 19 triệu view chỉ trong vòng một tháng. Ngay sau đó, các hãng thông tấn lớn trên thế giới đều nói về cây cầu có vị trí và thiết kế độc nhất vô nhị này. Tờ tin tức Huffington Post của Mỹ khẳng định đây là“cây cầu thú vị nhất từng thấy”. Còn World Travel Awards, giải thưởng được mệnh danh là “Oscars của du lịch thế giới” đã trao tặng Cầu Vàng danh hiệu “Cây cầu du lịch biểu tượng hàng đầu thế giới 2020”. Ngày 20 tháng 3 năm 2021, trong danh sách kỳ quan thế giới mới của tờ Daily Mail (Anh), cầu Vàng đứng ở vị trí đầu tiên trong “top 10 kỳ quan của thế giới mới”, theo bình chọn của thế hệ trẻ! Còn Bored Panda trang tin chuyên về nghệ thuật và cuộc sống thì “cây cầu đẹp nghẹt thở như bước ra từ phim Chúa tể những chiếc nhẫn”. Cầu Vàng Đà Nẵng đã được World Travel Awards vinh danh là “Cây cầu du lịch biểu tượng hàng đầu thế giới” trong bốn năm liên tiếp, từ 2020 - 2023. Trở thành một trong số ít công trình kiến trúc của Việt Nam có sức ảnh hưởng với thế giới, cầu Vàng đem lại sự tự hào cho người Việt Nam khi đây là công trình hoàn toàn “made in Vietnam”.
Là một trong những kỳ quan thế giới mới, cầu Vàng tạo cú hích cho du lịch Đà Nẵng. Ngay từ khi ra mắt cầu Vàng, Đà Nẵng đã mở thêm 4 đường bay quốc tế mới. Lượt khách Quốc tế đến Đà Nẵng vào năm 2019 tăng 22,5%. Năm 2023: Đà Nẵng đón 6,4 triệu lượt khách lưu trú, tăng 96,6% so với cùng kỳ. Trong đó, du khách quốc tế ước tính đạt hơn 1,7 triệu lượt, tăng 153%.
Quảng bá hình ảnh quốc gia, văn hóa truyền thống của dân tộc, điện ảnh sẽ thúc đẩy mạnh mẽ du khách đến trải nghiệm, khám phá đất nước và con người Việt Nam. Với chủ đề “DANAFF - Nhịp cầu châu Á”, Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ 2 (DANAFF 2) đã quy tụ những nhà làm phim, diễn viên nổi tiếng khắp nơi trên thế giới. Đà Nẵng nổi tiếng với những cây cầu hiện đại đang đứng trước cơ hội trở thành “Nhịp cầu Điện ảnh”. Điều đó đồng nghĩa với lịch sử hào hùng được tiếp diễn bằng hiện tại. Dòng sông Hàn rực rỡ trong lễ hội pháo hoa Quốc tế là tiếp nối dòng hoa đăng ngày nào hút đạn địch trước trận công đồn. Đội quân “động làm binh, tĩnh làm dân”, chân đất áo vải nhưng với trái mù u đã khiến cho đội quân giày đinh ống cao, súng đạn đầy đủ thất kinh hồn vía. Bên chân “Đệ nhất hùng quan” là trận đánh oai hùng kho xăng Liên Chiểu. Một Sơn Trà mây phủ gọi thương nhớ những chàng trai đi về phía biển. Một bếp lửa nhỏ nhưng chứa đầy yêu thương của người phụ nữ chịu thương chịu khó với món bánh khô mè 7 lửa. Đây cũng là nơi có lễ hội tắt bếp độc đáo,… Mãn nhãn bởi những màn pháo hoa rực rỡ trên nền cảnh sắc sông Hàn, thưởng ngoạn non nước hữu tình, đắm mình trong làn nước biển đẹp hàng đầu thế giới và du khách còn được thưởng thức những món ăn đậm đà hương vị biển trời, nắng gió miền Trung nhưng vẫn có nét đặc trưng riêng như mì Quảng, bánh tráng cuốn thịt heo, bún chả cá,…
Có thể gọi đó là những“trụ đỡ điện ảnh” vững vàng mà Đà Nẵng đang có. Dựa trên những“trụ đỡ” này, điện ảnh sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch và lịch sử tiếp tục mở ra với những trang mới.
Đó cũng là khát vọng mà ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng 2024 bày tỏ: “Đà Nẵng sẽ trở thành điểm đến của các hoạt động về văn hóa nói chung trong đó có nghệ thuật thứ 7 là điện ảnh, sẽ là điểm đến của các nhà làm phim, các diễn viên nổi tiếng. Và qua hai lần tổ chức liên tiếp, hy vọng Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng cũng sẽ trở thành lễ hội thường niên. Điều đó không chỉ thu hút lượng khách du lịch, thực hiện được mục tiêu mà hiện nay thành phố đang giữ là thành phố sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á”.
Hy vọng, với chủ đề “DANAFF - Nhịp cầu Châu Á”, từ những phân tích, từ thực tế, thành phố sẽ sớm có một cơ chế rõ ràng, mạnh mẽ để giúp chúng ta không chỉ có thêm những tác phẩm điện ảnh đặc sắc, quảng bá hình ảnh thành phố, hình ảnh đất nước với bạn bè quốc tế mà còn phát triển kinh tế. Riêng đối với đội ngũ hoạt động văn học nghệ thuật - những tác phẩm văn học, những kịch bản tốt luôn là tiêu điểm để các nhà làm phim tìm đến. Cùng với sự đầu tư của thành phố, “những trụ cầu điện ảnh” Đà Nẵng sẽ được bắc nhịp để đến với bạn bè quốc tế.
M.S