Xuân Mậu Thân 1968: Vang vọng những lời thơ - Mai Bá Ấn

25.01.2018

Xuân Mậu Thân 1968: Vang vọng những lời thơ - Mai Bá Ấn

Trong dòng lịch sử Việt Nam hiện đại, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân miền Nam đã trở thành một mốc son chói lọi trong công cuộc chống ngoại xâm của dân tộc. Chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công là “chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, hướng phối hợp đặc biệt quan trọng diễn ra trước Tết Mậu Thân 10 ngày”, chiến dịch “đã dội về nước Mỹ một tiếng sét kinh hoàng. Khe Sanh đã khiến nước Mỹ lo lắng về một “Điện Biên Phủ” mới”(1). Sự kiện trọng đại này, ngoài âm vang lịch sử còn có âm vang trong thơ ca với những bài thơ bất hủ của dòng thơ “trữ tình chính trị”. Trong đó, phải kể đến hai bài thơ của Bác Hồ (Mừng Xuân 1968, Không đề), một bài của Tố Hữu (Bài ca Xuân 68) và một bài của Lê Anh Xuân (Dáng đứng Việt Nam) được viết trước, trong và ngay sau những ngày Mậu Thân lịch sử.

Bài thơ “Mừng Xuân 1968” được chính Bác đọc trong lời chúc Tết nhân giao thừa Xuân Mậu Thân. Và như sau này chúng ta được biết, chính cụm từ “Tiến lên!” ở câu cuối bài thơ (ngay lúc Bác đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam) được ngắt ra riêng thành một dòng là mật lệnh giờ G (nổ súng) của cuộc tổng tiến công này:

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua

Thắng trận tin vui khắp mọi nhà

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ

Tiến lên!

            Toàn thắng ắt về ta.

Bình sinh, Bác Hồ, trong thư chúc Tết hằng năm ở giờ phút giao thừa thiêng liêng, Người thường kết lời chúc bằng một bài thơ. Mỗi bài thơ chúc Tết của Người là những nhiệm vụ chính trị, những mệnh lệnh mà Người đề ra trong năm đó.

Theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ (Thư ký riêng của Bác), ngày 05/9/1967, Bác lên đường sang Bắc Kinh để nghỉ dưỡng và chữa bệnh. Ngày 21/12/1967, Trung ương Đảng mời Bác về họp Bộ Chính trị để chọn phương án tối ưu và quyết định ngày N, giờ G của cuộc tổng tiến công và nổi dậy. Cuộc họp kéo dài từ sáng 28/12/1967 đến tận khuya mới kết thúc. Khác với mọi năm, chỉ cách khoảng một tuần trước Tết, Bác mới cho thu âm lời chúc để phát trong giờ giao thừa; nhưng Tết Mậu Thân 1968, Bác phải cho thu trước để trở lại Bắc Kinh tiếp tục nghỉ dưỡng và trị bệnh. Vì thế, ngày 31/12/1967, Bác đã tiến hành thu âm lời chúc. Sau khi mọi việc hoàn thành, ngày 01/01/1968, Bác lên đường trở lại Bắc Kinh. Bài thơ chúc Tết này chỉ vẻn vẹn 4 câu theo thể Thất ngôn tứ tuyệt truyền thống nhưng được Bác ngắt thành năm dòng thơ nhằm nhấn mạnh hai từ “Tiến lên!” đã được thống nhất lấy làm mật lệnh. Mở đầu bài thơ, Bác đánh giá tình hình chính trị của đất nước trong mấy năm qua và khẳng định: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua”. “Hơn hẳn” là bởi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cả hai miền đã gặt hái được nhiều thắng lợi, mang tin vui đến khắp nước non nhà, từ Nam chí Bắc, từ thành thị đến khắp thôn cùng, ngõ hẻm ở nông thôn: “Thắng lợi tin vui khắp mọi nhà”. Đó là năm mà cả nước “thi đua” nhau lập thành tích trên tuyến đầu đánh Mỹ: “Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ”. Và câu cuối cùng là một mệnh lệnh, khẳng định một niềm tin tất thắng hòa trong không khí tưng bừng của một mùa xuân mới: Tiến lên!/ Toàn thắng ắt về ta. Như vậy, khi hiệu lệnh “Tiến lên!” của Bác phát qua Đài Tiếng nói Việt Nam để cả miền Nam nổi dậy là lúc Bác đang nghỉ dưỡng và trị bệnh tại khu tĩnh dưỡng Ngọc Tuyền Sơn ở Bắc Kinh. Giao thừa năm ấy, Bác ở xa quê, mở đài để lắng nghe giờ G nhích dần từng bước. Tiếng Bác từ Đài vừa dứt, Bác nói khẽ: “Giờ này miền Nam đang nổ súng” (Theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ)(2). Và đúng như vậy, sau hai từ “Tiến lên!” được Người nhấn mạnh và cách quãng lâu trong lời thơ đọc của Người, ngay giờ phút ấy, đồng loạt “37 trong tổng số 44 tỉnh, 5 trong 6 đô thị lớn, 64 trong tổng số 242 quận lỵ và hầu khắp các ấp chiến lược, các vùng nông thôn”(3) từ Quảng Trị đến Nam bộ nhất tề nổ súng tiến công vào dinh lũy quân thù. Lời thơ chúc Tết Mậu Thân của Bác năm ấy như lời thôi thúc vang dội cả non sông, thúc giục muôn triệu lòng người miền Nam nhất tề vùng dậy để làm nên một Xuân Mậu Thân lịch sử hào hùng.

Tuy không được cùng toàn quân, toàn dân vui Tết trên quê hương đang vùng dậy, nhưng suốt những ngày Tết Mậu Thân, Người rất vui và thường xuyên bảo đồng chí Vũ Kỳ mở nhiều Đài, kể cả các Đài nước ngoài để lắng nghe tin vui thắng lợi. Đúng sáng ngày 03/02/1968 - kỷ niệm 38 năm ngày thành lập Đảng (nhằm mùng sáu Tết Mậu Thân), trong không khí của mùa xuân “tin vui thắng lợi” ấy, ở xa quê, Bác như không cầm được lòng mình, tiếp tục sáng tác bài thơ “Không đề” với vần “Thắng” vút cao vô tận, cánh thơ như bay cùng đôi cánh mùa xuân nổi dậy:

Đã lâu không làm bài thơ nào

Nay lại thử làm xem ra sao?

Lục khắp giấy tờ vần chẳng thấy,

Bỗng nghe vần “Thắng” vút lên cao!

Đúng là, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã tạo nên một thi hứng sảng khoái, hào hùng của một con người suốt đời vì dân, vì nước; của một hồn thơ luôn gắn chặt thơ mình với vận mạng của dân tộc. Vẫn là thể Thất ngôn tứ tuyệt cô đọng đó, nhưng có thể nói, bài thơ đã mở ra một mênh mông “ý tại ngôn ngoại”. Ba câu thơ đầu là ba câu kể lấy cớ, ít chất thơ, thậm chí là Bác còn trình bày sự túng quẫn tứ thơ, túng quẫn vần điệu của mình khi làm thơ nữa. Vậy mà, chỉ cần một câu kết “Bỗng nghe vần “Thắng” vút lên cao!” thì cả tứ, cả vần mở ra mênh mông. Vần “Thắng” ấy bay qua giới hạn không gian, vượt biên giới hòa vào khí thế “Thắng lợi” của toàn dân tộc.

Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, nếu Bác Hồ thường chúc Tết toàn dân bằng thơ thì Tố Hữu cũng thường xuyên làm thơ nhân dịp xuân về. Thơ Xuân của Tố Hữu cũng thường gắn chặt với những sự kiện lịch sử lớn của dân tộc như một sự cụ thể hóa những lời thơ chúc Tết ngắn gọn của Bác. Tố Hữu được xem là đại diện xứng đáng cho dòng “thơ trữ tình chính trị”. Chính sự bay bổng của yếu tố trữ tình đã neo giữ lại trong lòng người đọc những sự kiện cách mạng trọng đại mà “Bài ca Xuân 68” là một tiêu biểu. Bài thơ được sáng tác ngày 23/01/1968, ngay trước thời điểm cuộc Tổng tiến công diễn ra. Khác với những bài thơ Xuân thường gặp với sự chào đón của rực rỡ muôn sắc hoa, Xuân 68 được đón chào trong tư thế tổng tiến công, và vì thế, Tố Hữu đã chào Xuân bằng một tư thế vô cùng độc đáo với những nòng súng giương cao hướng về phía trước:

Anh chị em ơi!

Hãy giương súng lên cao,

chào xuân 68

Xuân Việt Nam

Xuân của lòng dũng cảm.

Những câu thơ gấp gãy như chính không khí sôi sục của cuộc tổng tiến công, trang nghiêm như một tuyên ngôn đanh thép, quyết chiến với kẻ thù; nhưng lại rất dạt dào bởi sự tuôn trào của cảm xúc sử thi với cách bắc vần chặt chẽ, liên tiếp (cao - chào, Nam - cảm) nối liền mạch như thế trận liên hoàn, tràn từ núi rừng tuôn về thành thị. Trước bối cảnh lịch sử ấy, trong không khí sục sôi Xuân ấy, tác giả đã cho nhân vật chính của mùa Xuân xuất hiện rất tự nhiên: Ai đến kia, rộn rã cùng xuân?/ Hoan hô Anh Giải phóng quân. Họ xuất hiện hùng tráng giữa mùa xuân với gương mặt rạng rỡ ngay trong sào huyệt của kẻ thù - giữa lòng đô thị miền Nam. Vâng, với xuân thời bình thì nhân vật chính của mùa xuân là những người đẹp xuất hiện với nụ cười rất tươi bên sắc vàng của mai xuân, nhưng, giữa xuân tiến công, nhân dân miền Nam đang ngã mũ “Kính chào Anh, con người đẹp nhất” - những người lính dạn dày gió bụi Trường Sơn. Xuất hiện với tư thế oai hùng vì họ đang gánh trên vai một sứ mệnh lịch sử lớn lao: “Lịch sử hôn Anh - chàng trai chân đất”. Nhưng những con người “xuất quỷ nhập thần” làm nên lịch sử, đang đứng hiên ngang giữa lòng đô thị ấy vẫn rất gần gũi, thân quen trong mắt nhìn những người dân sống trong lòng địch. Đó là những “chàng trai chân đất/ Sống hiên ngang bất khuất trên đời”, là những hậu duệ của chàng Thạch Sanh vừa oai dũng, mạnh mẽ vừa lãng mạn, tài hoa đã hằn sâu trong tâm hồn người Việt: Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi/ Một dây ná, một cây chông cũng tiến công giặc Mỹ. Là "những chàng dũng sĩ" làm nên những kỳ tích anh hùng, nhưng họ là những con người không quen tự hãnh diện với chính mình, mặc dù cuộc kháng chiến mà họ đang dấn thân đã trở thành lương tâm của thời đại: Không tự ngắm mình. Anh chẳng hay đâu,hỡi chàng dũng sĩ!/ Cả năm châu chân lý đang nhìn theo/ Bóng Anh đi... và vành mũ tai bèo/ Của Anh đó! Trong mắt nhìn trân trọng, yêu thương của toàn dân tộc, toàn nhân loại, người chiến sĩ Giải phóng quân Việt Nam hiện lên giữa mùa Xuân 68 với tất cả vẻ yêu thương, trìu mến qua biểu tượng chiếc “mũ tai bèo” vô cùng độc đáo. Đối với người Việt Nam, hình ảnh những khóm bèo lục bình trôi trên sông nước là một hình ảnh quen thuộc, gần gũi, hiền lành, mềm mại, đáng yêu. Chọn chiếc mũ tai bèo để khái quát lên phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ, Tố Hữu đã “mềm hóa”, cụ thể hóa được những phạm trù lý thuyết trừu tượng thuộc về lý tưởng, về phẩm chất, khiến người đọc dễ dàng cảm nhận vẻ đẹp toàn diện từ hình thức bên ngoài đến phẩm chất bên trong của người lính Cụ Hồ: Ôi chiếc mũ vải mềm dễ thương như một bàn tay nhỏ/ Chẳng làm đau một chiếc lá trên cành/ Sáng trên đầu như một mảnh trời xanh/ Mà xông xáo, mà tung hoành ngang dọc/ Mạnh hơn tất cả đạn bom, làm run sợ cả Lầu năm góc. Bằng biện pháp đối lập, bài thơ đã khắc họa nên hình tượng vừa cao đẹp vừa gần gũi, vừa mạnh mẽ, quyết liệt vừa nhân ái, sáng trong của anh Giải phóng quân. Và chính chiếc mũ tai bèo vượt Trường Sơn đánh Mỹ, tiến vào tận lòng đô thị miền Nam là biểu tượng cao cả nhất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cao hơn cả muôn ngàn đỉnh núi:

Ta muốn hỏi Trường Sơn

Có đỉnh nào cao hơn

Chiếc mũ kia của chủ nghĩa

anh hùng cách mạng?

Chính nhân dân muôn vàn tôn kính đã sinh ra những người con Việt Nam anh hùng, và không ai khác hơn, người nâng tầm vóc của chủ nghĩa anh hùng Việt Nam lên đỉnh cao chói lọi chính là Đảng Cộng sản Việt Nam: Cảm ơn Đảng của chúng ta/ Đảng đã làm ra ánh sáng/ Người chưa đưa ta lên được sao Kim/ Nhưng đã cho ta linh hồn và một trái tim/ Biết lẽ phải, biết yêu thương, căm giận/ Biết đi tới và làm nên thắng trận. Sau khi dồn cảm xúc khắc họa hình tượng anh Giải phóng quân, tác giả lại trở về với không khí mùa Xuân chiến thắng bằng những câu thơ thanh ngang, vần bằng đầy sức lan tỏa, nhẹ nhàng:

Hôm nay sao vui thế? Sáng xuân nay

Ta đi đây, lòng ta như bay.

Sau đó, bài thơ lắng lại với chặng đường gian khó hơn 30 năm kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc: “Tổ quốc ta hơn ba mươi năm đau khổ gian nan, bền gan kháng chiến” để làm nên một mùa Xuân thắng lợi, đúng như lời thơ chúc Tết của Bác Hồ ngay đêm giao thừa xuân ấy. Tố Hữu đã nhắc lại câu cuối của bài thơ chúc Tết này của Bác như khẳng định một mệnh lệnh: Tiến lên!/ Toàn thắng ắt về ta/ Hỡi bốn phương và những chiến trường xa/ Xin lắng nghe... Phút giao thừa đang chuyển/ Bác Hồ gọi ấy là mùa xuân đến. Cuối bài thơ, tác giả lại trở về với không khí hừng hực của mùa Xuân tổng tiến công bằng những dòng thơ ngắn gọn, đanh thép, nối sức mạnh xuân này với sức mạnh vọng về từ truyền thống mấy nghìn năm: Hoan hô xuân 68 anh hùng!/ Hãy gầm lên như sấm sét đùng đùng/ Tất cả pháo!/ Và xông lên, dũng sĩ!/ Như khí phách Trần, Lê/ Như oai vũ Quang Trung/ Khắp thành thị, nông thôn/ Đập tan đầu Mỹ, Ngụy! Nổi lửa lên giữa mùa xuân cũng chỉ vì sự trường tồn và ý chí độc lập, tự do của toàn dân tộc, bảo vệ giá trị thiêng liêng của con người, vì sự xanh tươi vĩnh viễn của mùa xuân đất nước:

Vì Độc lập, Tự do, núi sông hùng vĩ

Vì thiêng liêng giá trị Con Người

Vì muôn đời hoa lá xanh tươi

Ta quyết thắng. Giành mùa xuân

đẹp nhất.

Không có thắng lợi nào không phải trải qua mất mát, hy sinh, nhất là trong cuộc đương đầu với tên siêu cường quốc Mỹ. Ngay sau thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, nhà thơ Lê Anh Xuân đã sáng tác bài thơ “Dáng đứng Việt Nam”. Bài thơ được sáng tác vào tháng 3/1968 và chỉ sau đó chừng hai tháng (ngày 21/5/1968), Lê Anh Xuân cũng đã anh dũng hy sinh. Bài thơ khắc họa dáng đứng cụ thể (hy sinh trong tư thế tiến công) của anh Giải phóng quân trên đường băng Tân Sơn Nhứt trong cuộc tổng tiến công:

Anh ngã xuống đường băng

Tân Sơn Nhứt

Nhưng Anh gượng đứng lên tỳ súng

trên xác trực thăng

Và Anh chết trong khi đang đứng bắn

Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng

“Ngã xuống” - “gượng đứng lên tỳ súng”, cặp đối lập mở đầu bài thơ khắc họa rất rõ và cũng rất cụ thể hoàn cảnh, tư thế hy sinh của người chiến sĩ. Nhưng cũng ngay trong giờ phút hy sinh ấy, anh đã tạo nên một “dáng chết” - “dáng đứng” rất oai hùng: “chết trong khi đang đứng bắn”. Chính vì thế, làn đạn phát ra từ anh không chỉ có những viên đạn vật chất mà là viên đạn của lòng dũng cảm, của lòng hận thù dồn nén và của cả một niềm tin tất thắng rạng ngời dù có phải hy sinh “Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng”. Chính “làn đạn máu” phun ra từ ngực người anh hùng ấy đã khiến cho kẻ thù phải “hốt hoảng xin hàng”, phải “sụp xuống chân Anh tránh đạn”. Không phải “xin hàng” hoặc “sụp xuống chân Anh tránh” những viên đạn thật, mà chính là sự khiếp đảm, hãi hùng trước thế đứng tiến công oai dũng của một người lính đã hy sinh: Chợt thấy Anh, giặc hốt hoảng xin hàng/ Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn/ Bởi Anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm/ Anh vẫn đàng hoàng nổ súng tiến công. Oai hùng thế, nhưng tên anh là gì, ai biết được? Vì anh đã hy sinh. Anh đứng đó, “lặng im như bức tường đồng”, với bình dị một “đôi dép” lốp, với một tấm lòng “sáng trong” chiến đấu, hy sinh, không mảy may nghĩ đến việc ghi danh công trạng: Anh tên gì hỡi Anh yêu quý/ Anh vẫn đứng lặng im như bức tường đồng/ Như đôi dép dưới chân Anh dẫm lên bao xác Mỹ/ Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong. Tên tuổi? Không ai biết! Cũng không để lại “một tấm hình, không một dòng địa chỉ” riêng. Người lính vô danh ấy “không để lại gì riêng”, chỉ tạc vào thế kỷ một dáng đứng với một cái tên chung của những người chiến thắng: “Chiến Sĩ Giải Phóng Quân”: Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ/ Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường/ Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ/ Anh là chiến sĩ giải phóng quân. Và vì thế, tên anh đã trở thành tên đất nước, dáng đứng của anh trở thành dáng đứng của một dân tộc kiêu hùng, và chính từ dáng đứng ấy, những mùa xuân chiến thắng nâng tầm Tổ quốc bay cao, bay xa và hai chữ Việt Nam vang danh khắp năm châu bốn bể:

Tên Anh đã thành tên đất nước

Ơi Anh giải phóng quân!

Từ dáng đứng của Anh giữa

đường băng Tân Sơn Nhứt

Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân

Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, giữa ngày Xuân hòa bình, đọc lại những bài thơ xuân được sáng tác ngay trong thời điểm lịch sử ấy, ta càng thấm thía hơn nhận định: “Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968) đã giáng một đòn quyết định, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ dù rất ngoan cố và hiếu chiến vẫn phải xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom miền Bắc, giảm dần quân Mỹ trên chiến trường, ngồi vào bàn đàm phán ở Hội nghị Pari”(4) làm nền tảng để cách mạng miền Nam tiếp tục tiến lên và giành thắng lợi hoàn toàn vào mùa xuân 1975 lịch sử.

 

(1), (4)- Trích “Đề cương tuyên truyền kỷ niệm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968” của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, tr.7 và 11.

(2)- Theo Trịnh Tố Long, “Bỗng nghe vần thắng vút lên cao”, Báo Tiền Phong.

(3)- Theo Lê Xuân Ðức, “Bài thơ vần “Thắng” của Bác Hồ”, Báo Văn Nghệ.

M.B.Â

Bài viết khác cùng số

Nhớ mùa hoa ven sông - Lê Ngọc NamĐà Nẵng - Tết Mậu Thân 1968 - Ngọc ThanhQuê hương tuổi thơ tôi - Huỳnh Viết TưLửa Tết - Vũ Thị Huyền TrangTết trong lòng - Phạm Thị Hải DươngĐất trời ươm Tết tự bao giờ - Ngô Thị Thục TrangMột thoáng Tết xưa - Lê Ngọc ThạnhMùa xuân trên Cảng Thọ Quang - Hoàng Tây HòaĐà Nẵng 2017 - Một năm bội thu về văn hóa - Bùi Văn TiếngBác Hồ với Tết năm Tuất đầu tiên sau ngày nước nhà độc lập - Vân trìnhChuông reo - Trần Đức TiếnThơ ngắn - Xuân HiệuNgày xuân, cảm nhận đôi điều về văn hóa ứng xử của người Hàn Quốc - Dân HùngCâu chuyện ngày 30 Tết - Hồ Thị Thùy Trang Hồn mai trắng - Đặng Hoàng ThámBầu trời xuân cao lộng - Tường LinhMùa xuân vẫn còn - Bích NhànBên dòng sông Trà Nô ngày ấy - Giang Nguyên TháiXuân Mậu Thân 68 qua tác phẩm mỹ thuật - Trần Trung SángXuân Mậu Thân 1968: Vang vọng những lời thơ - Mai Bá ẤnTìm - Trương Đình ĐăngXuân trừu tượng - Đỗ Thượng ThếHạt muối - Huỳnh Trương PhátGiọt nắng giọt mưa - Trương Công MùiBến đợi - Xuân CừDụ ngôn - Phạm Tấn DũngTrích dẫn rêu xuân - Nguyễn Tấn SĩGửi em - Nguyễn Đăng KiênXuân tình - Như HoàiPhận cỏ - Huỳnh Thúy KiềuChầm chậm cùng mùa - Thu ThủyThổn thức mùa xuân - Bùi Mỹ HồngXúc lộ - Nguyễn Thị Anh ĐàoLỗi hẹn mùa xuân - Nguyễn Nho thùy DươngNiềm xuân - Nguyễn Hoàng ThọNhững ô cửa mở ra mùa xuân - Kai HoàngMùa xuân trong thành phố - Nguyễn Đông NhậtTHANH QUẾ - TQVới người bái hoa mai* - Ngân VịnhLộc xuân - Tăng Tấn TàiVô thường - Vạn LộcTự vấn xuân - Trần Trình LãmMùa xuân có đắng? - Tần Hoài Dạ VũMùa trăng thiếu nữ - Trịnh Bửu HoàiVà mùa lại về - Hoàng Hương ViệtĐêm Trường Sa nhớ mẹ - Nguyễn Tiến NênTrong khu vườn cỏ dại - Đinh Thị Như ThúyThơm thảo - Lê Huy HạnhMùa lỡ quên - Nguyễn Hoàng SaQuà quê - Quốc LongGọi thầm lá phong - Lê Anh DũngRộn ràng xuân - Thái Bảo - Trương ĐỳnhChiều xuân uống rượu một mình - Xuân TrườngChuông chùa ở Trường Sa - Nguyễn Xuân TưĐêm sáng - Nguyễn Nho KhiêmBên sông chiều cuối năm - H.ManKể chuyện tình bằng lời ca dao(*) - Văn KhoaNguyễn Ngọc Hạnh - Phơi nỗi buồn lên thơ - Phạm Phú PhongTác phẩm đoạt giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng năm 2017 - Phạm Thị Hải DươngSáng láng một mùa Xuân Như ý - Chế Diễm TrâmĐể làm ra những trang sách...- Trương Điện ThắngDạo chơi với những sắc màu - Lê Huy HạnhHình tượng chó trong văn hóa Việt - Đinh Thị TrangCon chó của thần hộ mệnh Siva-Bhairava và chín vị thần tinh tú trong nghệ thuật Chăm-pa - Trần Kỳ Phương