Mùa xuân vẫn còn - Bích Nhàn

25.01.2018

Mùa xuân vẫn còn - Bích Nhàn

1. Căn nhà nhỏ lợp tranh nằm chông chênh trên một thửa đất xéo, nơi mà chỉ cần băng qua sông Bàn Thạch là tới núi Hòn Vung đêm Tất niên đã có nhiều sự kiện.

Mới đầu hôm, người đàn bà trẻ đã nặng nề ôm chiếc bụng căng cứng, cái thai cứ oằn, cứ trì thấp xuống phần bụng dưới, những cơn đau bùng lên từng hồi làm chị phải bặm môi nhăn nhó. Đau quá, đau đến không chịu nổi. Chẳng lẽ sắp sinh? Chị mếu máo rồi hiểu có những chuyện bất khả kháng mà con người chỉ còn cách đón nhận nên bình tĩnh chịu đựng. Bụng lại cợn lên, đau quặn. Chị trăn trở, lật qua lật về trên chiếc chõng tre rồi gắng sức kêu giúp nhưng chẳng ai nghe. Không có sự hỗ trợ nào, chị vịn chặt vào thanh giường, cắn rách môi, lấy hết sức bình sinh, rặn mạnh, rặn mạnh... Ba hơi như vậy thì nghe tiếng oa oa..., mồ hôi ứa ra như tắm, chị mệt lả, ôm con trên tay và thiêm thiếp. May quá, con bé khảnh khảnh nhưng khóc rất to, cũng nhờ vậy mà đến nửa đêm, bà Tám bật chạy qua, lọ mọ sửa sang củi lửa. Về khuya thì có một người đàn ông dong dỏng cao mang cái túi to, lách cửa bước vào nhà. Vì những điều “trọng đại” như vậy nên sáng đầu năm nhưng bà Tám không mở cửa để đón Thần tài. Bà lý lẽ nhà có người ở cữ phải kiêng gió máy, lỡ hơi hám luồn vô, sinh bệnh sinh đau, với lại bà có điều bí mật muốn giấu, bà chẳng muốn ai nhìn thấy người đàn ông mới bước vào nhà - người mà từ lâu bà đã xem như con trai.

Lại nói đây là mùng một Tết. Mùng một Tết, mọi thứ trong ngôi nhà đang ở trạng thái “tĩnh” mà lẽ ra nó phải “động” vì tiết xuân đang hồi sặc sỡ. À, có chăng là tiếng lách cách của bà Tám đang lom khom dưới bếp và trong gian buồng tối om om, người đàn ông trẻ đang bế con, thì thào những câu mắng yêu rất khẽ. Người mẹ mặt nhợt nhạt tái xanh nhưng nhìn cách chồng âu yếm hài nhi đỏ hỏn (đặt môi hôn lên những ngón tay nhỏ xíu) thì mỉm cười, tiếng cười nghe rất nhẹ.

Miệng cười nhưng đôi mắt đẫm lo âu. Dù người đàn bà đó gần như mù tịt chuyện thời thế, không quan tâm phe địch phe ta bằng chuyện đồng áng, bò heo. Nhưng trong lúc này thì chị không thể bàng quan. Lo lắng, băn khoăn nhưng luôn ủng hộ chồng. Chị không bao giờ can thiệp đường đi nước bước của chồng, cái lẽ “ xuất giá tòng phu” nó ăn sâu vào máu thịt như một sự cam chịu tình nguyện vậy. Đang giữa mùa xuân, nắng hồng, gió nhẹ, những bông hoa dại ngoài vườn tỏa hương, tiếng gọi bầy rộn ràng của những con chim én vẫn không át được nỗi muộn phiền đang cồn cào trong lồng ngực. Anh có nghe không? Gần xa đâu đó súng cứ nổ, nghe rát lòng... - chị thì thào với chồng như thế.

(“Chị” là má tôi đấy. Bất ngờ chưa? Má bắt đầu câu chuyện bằng cách đánh lừa “thính giả”, tôi bị kích thích mạnh, cực kỳ hồi hộp. Giọng má rì rầm, má không biết chữ, không có khái niệm kể diễn cảm nhưng câu chuyện về mùa xuân năm nào được má tái hiện nghe ly kì và cuốn hút).

- Con Tú sinh vào Tết Mậu Thân. Hồi ấy ba bây đi miết, Tết được về nhà hai hôm, ổng về trúng dịp sinh nở, mừng chút chết.

Nói tới đây thì giọng má nghẹn lại. Thương má ghê... Đời má khổ đủ vành đủ vẻ, khổ từ hồi còn nằm trong bụng cho đến khi lấy chồng, sinh con. (Má mồ côi khi còn là cái thai, lại gặp ba không người thân thích. Bom đạn đã sinh ra hai đứa trẻ mồ côi. Mến nhau, yêu nhau, lấy nhau, hai vợ chồng trẻ không có chỗ hậu thuẫn. Ba đi liên miên, lâu lâu ông về thăm nhà thì một đứa con ra đời, má một mình gồng gánh).

- Ba mày sướng, ổng làm việc trên giấy tờ chớ không lặn lội đồng sâu đồng cạn, mò cua bắt ốc, lúc nào cũng hôi tanh mùi bùn như má.

- Thì đỡ cực tay chân thôi, thời đó có ngồi trên bàn giấy cũng thót tim thót dạ chớ sướng gì nổi?? - Ba tôi chen vào như thế.

- Ổng sợ tụi bay thương má hơn nên thanh minh thanh nga kìa. Đi công tác bằng máy bay, về nhà có xe riêng, bây nghĩ như thế đã đủ sướng chưa?

- Ủa, hồi đó ba làm gì mà sang dữ?

- Hỏi ổng ý, tao ở nhà miết, cứ lo ra ruộng và chui xuống hầm tránh bom chớ không rành, ổng nói đi công tác thì tao hay vậy... Còn xe riêng là chiếc xe ba bánh được cấp riêng cho ổng.

Tôi rất hứng thú với những chuyện quá khứ nên nhào lại phía ba, lay lay cái gối hỏi hồi đó ba làm gì mà được ưu ái dữ thì ba gắt: 

- Chuyện cũ mèm rồi, nhắc chi nữa... - ba nói xong thì khoác áo tay dài, bảo qua bác Hai chơi.

Má thấy tôi ngồi phụng phịu thì lắc đầu và cười.

Chiều hôm ấy, nhân lúc ba đi chơi chưa về thì má đưa tôi một chiếc hộp, trốn chỗ nào kín kín mà khám phá, lịch sử của ba mày nằm trong đấy, coi xong rồi thì quên hết đi nha, má nói rồi cốc đầu tôi một cái rõ đau.

2.

- Chiều mùng một Tết. Mâm cơm đầu năm được dọn ra... - Tôi liền ngắt lời má:

- Đang nẫu ruột vì mùa xuân vẫn nghe đâu đó đạn bom đang rơi mà cũng có tâm trí để làm mâm cơm sang chảnh hả? Tôi tự hỏi rồi cũng tự trả lời luôn, à, chắc là Tết…

- Tết nhứt gì, thời chiến mà, ngày Tết cũng như ngày thường thôi. Má ở nhà lầm lũi, ăn rau ăn rác miết. Bà Tám nhà bên thấy má một mình cặm cụi cứ bảo tội quá cái thân mồ côi lại xa chồng nên những lúc má bệnh đau ương yếu bà ấy hay qua đỡ đần cơm canh, líu láo rồi cũng qua ngày. Nhưng mỗi dịp ba mày về thì bữa cơm có phần sung túc hơn, không, phải nói sang trọng mới đúng.

- Trong không khí ấy thì chắc không có chợ Tết? 

- Không cần ra chợ mới có đồ ngon. Cán bộ về nhà mà, ổng đem về toàn là đồ hộp xịn, thịt cá đều rất ngon. Hồi ấy má được ăn răm bông tôm, thịt, chị Hai mày được uống sữa ngoại và mặc những chiếc đầm rất đẹp.

- ??

- Chưa hết, mỗi lần ổng về thì má đều có một lọ nước hoa thơm lựng.

- Èo, ba cũng lãng mạn gớm!

Mà sao ba lại có những món đồ xa xỉ như thế nhỉ, đang là thời chiến mà? À, hiểu rồi... Hồi ấy ba làm trong nhóm Thư ký của văn phòng tỉnh nên chế độ đãi ngộ có chút (nhiều) đặc biệt. Tôi biết chuyện những năm 60 ba làm gì, sau giải phóng đi cải tạo thời gian bao lâu đều là từ chiếc hộp má đưa. Chiếc hộp đó ba coi là “bí mật bất khả xâm phạm”, cất thật kỹ và chỉ mỗi má mới có chìa khóa tủ. Má thấy tôi rất hứng thú với chuyện ngày xưa nên qua mặt ba mà “phạm tội”. Trong chiếc hộp đó, tôi có lén đọc nhật ký của ba (tội lỗi). Biết là góc riêng tư nhưng tôi vẫn cứ ngấu nghiến đọc, những gì liên quan đến cuộc chiến đã qua tôi đều muốn biết, đặc biệt ba lại là người trong cuộc. Sau khi đọc hết quyển nhật ký, tôi đã tìm má thắc mắc câu chuyện được ba ghi trong chiều mùng một Tết.

- Tao với ba mày mới ngồi vô bàn thì phải nhổm đít dậy vì tiếng gõ cửa.

Lúc đó má có phần kinh ngạc vì nhà đang khép cửa mà vẫn có người muốn vào. Cảm thấy hơi lạ nhưng má vẫn đứng dậy ra xem. Trời ơi, trước mặt là bác Bảy Toán, trông bộ dạng rất căng thẳng. Mấy năm nay bác ấy đi căn cứ, hôm nay bỗng dưng xuất hiện ở nhà một người đi theo “Quốc gia” (Cộng hòa Miền Nam Việt Nam). Má cảm thấy không ổn, hay là biết ba bay đang trốn trong nhà, bác ấy có âm mưu? Nhưng nhìn lại thì thấy gương mặt bác có phần hốt hoảng, lo âu. Từ đôi mắt ấy, má có linh tính đang có điều nguy hiểm rình rập nên bác mới phải van xin sự giúp đỡ. Má đứng tần ngần một lúc, trong đầu hiện lên bao giả định nhưng không tiện hỏi, cũng chẳng thể đuổi khách (chỗ nghĩa tình). Hơi bị rối trí, má vẫn chưa vội mở cửa mà ngoảnh đầu nhìn vào, nháy mắt, ra hiệu bảo ba lánh mặt.

- Bác Toán là ai vậy má?

- Là ba của thằng Toàn học cùng lớp chị Tú đấy.

- À, là cái anh mồ côi học giỏi hở chị?

- Ừ, Tội! Ba hắn mất trong trận Mậu Thân á. Biết là hy sinh vậy thôi chứ chưa tìm được hài cốt... - chị Hai đang ngồi trên bàn làm việc nhưng vẫn trả lời khi bị tôi lôi vào câu chuyện.

- Thiệt là trớ trêu. Kẻ đầu xóm người cuối thôn, cùng một nơi chôn nhau cắt rốn nhưng hai người đi trên hai con đường khác nhau. Người cùng thôn trong một ngày bỗng thành kẻ thù - vì lựa chọn không giống nhau. Giờ họ giáp mặt nhau, trong tình thế này, má chẳng biết tính sao... - giọng má nghe thiệt là nỗi niềm.

Anh Bảy xin tá túc một đêm. Mình phải làm sao bây giờ? Trời ơi, đó là người anh tuổi thơ. Nhớ những ngày còn nhỏ cứ lẽo đẽo theo ảnh tới mấy khu vườn hoang tìm những ụ mối để lấy đất dẻo nặn bò, làm cộ. Kể cả được ảnh dạy lội sông ngụp đầm bắt cá. Cũng nhờ vậy mà giờ mới trở thành cái thằng vai u thịt bắp, bơi giỏi như rái nè. Có ai ngờ, anh em phút chốc hóa kẻ thù vì chí hướng không thể đồng hành. Bặt tin nhau mấy năm, giờ gặp nhau trong tình huống lìa sống lìa thác, thiệt là số phận cũng khéo sắp đặt chuyện éo le. Không anh ơi, không phải lỗi tại anh (và em), cả anh và em, chúng ta chẳng có tội tình gì. Đó là lỗi lầm của thời đại. Bây giờ nếu đem anh giao cho cấp trên thì em sẽ được rất nhiều thứ, những thứ em đang tìm kiếm.  Nhưng những cái được đó liệu có đủ giá trị để đổi cái đã đánh mất? Ân tình đâu? Nghĩa nhân có nên mặc kệ? Để làm gì?? Bất chấp, vượt lên tình người ư? Không đáng, rõ ràng không đáng. Nhưng một thằng mồ côi thì không được an phận, (anh từng bảo em như thế), mình phải cho người khác mở mắt nhìn nể phục… Vợ mình phải sung sướng, con mình phải được nhung lụa phủ phê. Hay mình… Nhưng ảnh chết, rồi mình đâu thể bất tử, rồi sẽ đối diện ra sao với hồn ma của anh mỗi đêm? Không được! Không thể được! - Tôi vừa nghe má kể chuyện, vừa nhớ lại những điều được ghi trong quyển nhật ký xỉn màu, mực nhòe bê bết.

Đến đây thì má không cho tôi tham gia câu chuyện nữa, giọng kể cứ miên man như dòng nước đang trôi chậm, vẻ như không để ý con gái có nghe hay không, má cứ say sưa với dĩ vãng. Tôi im lặng, ngay cả thở cũng rất khẽ, tôi không muốn phá cảm xúc của má.

 Dưới ngọn đèn hột vịt leo lét, hai ánh mắt băn khoăn nhìn nhau, hai bàn tay cầm chặt, nháy mắt rồi cùng gật đầu.

- Dạ, anh Bảy ghé nhà có chuyện gì không? Mời anh vào nhà. Bác Bảy vào, mâm cơm vẫn còn nguyên trên bàn. Nhìn thấy mâm cơm, đôi mắt người làm cách mạng có vẻ hoài nghi, trán nhíu lại căng thẳng. Má càng căng thẳng hơn, bối rối:

- Dạ, anh ghé nhà, gặp bữa cơm chiều đầu năm, mời anh dùng cơm với em và bác Tám...

Bà Tám ngồi vào, nét mặt tái xanh, tay run run. Thấy Tám không thể tự nhiên, má chữa cháy:

- Anh Bảy ghé em... Không đợi má nói hết câu, bác ngắt lời và nói thật khẽ.

- Anh đang trên đường đi làm nhiệm vụ đặc biệt nhưng bị giữ chân rồi. Bí rị, hết đường tiến, cũng chẳng còn đường lui. Bên phải là chóp Hòn Vung, lính Đại Hàn đang đóng, bên trái và trước mặt thì quân Mỹ đang trong tư thế sẵn sàng, anh tiến thoái lưỡng nan nên đành xin trú tạm nhà em một đêm, anh sẽ rời khi đêm dần khuya chứ không dám làm phiền mẹ con...

Đã nghe cơ quan báo động, giờ anh Bảy bảo đang đi làm nhiệm vụ cơ mật. Vậy là đúng rồi, nếu mình không lầm thì chắc là anh đang tiến xuống sân bay Đông Tác. Trong chiếc ba lô kia chắc là có bom. Mình phải làm sao đây? Ảnh đã rất tin nên mới nói thật với cô ấy, mình nỡ lòng nào... Nhưng mọi thứ đã lên mâm lên thớt rồi, bên kia rục rịch tấn công, bên này âm thầm chuẩn bị, giờ mình có làm gì thì cũng chẳng thay đổi được cục diện nữa. Mình và anh Bảy, hai cái mạng trành không thể làm nên chiến thắng hay chiến bại của một tập thể... tôi lại liên tưởng đến quyển nhật ký của ba.

- Nhưng..., bà Tám trong bộ dạng rất long trọng, chắc là định nói nhà đang có thằng Tốn (ba tôi) nhưng má kịp liếc qua làm ám hiệu thì Tám hiểu ý nên chuyển hướng liền - ừ, coi tá túc được chỗ nào thì cứ nấp, nhiệm vụ thì phải làm nhưng còn vợ còn con nữa, đừng có liều...

Trong lúc hai người còn thì thào thì má chui xuống hầm nói: “Giờ anh tính sao, em đem cơm xuống dưới này nghen?”

- Sao phải như thế hả má?

- Phải vậy thôi. Hai người ở hai chiến tuyến, gặp nhau thì chỉ có tương tàn thôi con?

- Nhưng là người quen mà?

- Trong tình thế này thì thân - sơ gần như bị bỏ rơi. Như vụ chú Ký dưới thôn Đồng Thạnh mình đấy, hai anh em ruột, một bên Cách mạng, một bên Quốc gia, gặp nhau xả súng liền. Trong khi ba mày với bác Bảy có máu mủ gì đâu, sao yên tâm được. (Cũng đúng thôi, trong tình cảnh đó thì tình chung không bằng tình riêng, dù có yêu thương nhau cũng phải lo thủ thân, không cùng mặt trận thì người ta khó mà tin tưởng tuyệt đối.)

Ba lập tức trấn an má:

- Em nghĩ anh Bảy không biết anh đang có mặt ở nhà sao? Với sự tinh ý, với linh cảm của người đàn ông gánh trên vai công việc hệ trọng, trực giác luôn nhạy. Thôi, anh tính vầy?

- ??

- Trong cơn binh biến, gặp nhau cũng chẳng phải ngẫu nhiên. Ra chiến trường là kẻ thù nhưng gặp ở nhà thì phải là anh em thôi. Ai lại nỡ lâm cảnh nồi da xáo thịt. Mình tôn trọng lựa chọn của ảnh thì ảnh cũng sẽ tôn trọng lựa chọn của mình thôi.

- Nhưng nếu gặp nhau, ảnh giơ...

- Giơ súng bắn vào não anh hả? Thì chết chớ sao!

- Rồi em và con?

- Những lúc thế này hãy tin vào số phận đi em. Anh Bảy không bắn anh thì ngày mai não anh cũng téc ra vì một viên đạn khác, của một đồng đội của ảnh.

- Đừng chủ quan! Em vẫn sợ anh Bảy không tin anh mà ra tay trước.

- Không đâu. Ảnh nhận ra sự có mặt của anh trong ngôi nhà này ngay từ đầu mà vẫn không thoái lui có nghĩa vẫn còn nể “chút nghĩa cũ càng”.

- Có khi vì biết có anh nên ảnh mới ở lại để túm đầu lập công...

- Ừ, nói cũng có lý...

- Thôi, em sẽ mang cơm xuống cho anh, quyết định vậy đi!

Khi má mang tô cơm lại thì cũng vừa lúc ba chui ra khỏi miệng hầm:

- Anh nghĩ kỹ rồi!

- ??

- Anh muốn ra ăn một bữa cơm với anh Bảy, đang giữa mùa xuân mà, chẳng phải mùa xuân thì nên vui vẻ chúc nhau sống lâu trăm tuổi, vạn sự như ý sao? Còn chuyện sống chết là chuyện của trời, mình không tính được...

Má không kịp chặn lại vì ba đi thẳng đến chỗ bác Bảy đang ngồi. Hai người đàn ông sững lại một lúc. Rồi không một lời nào, họ chào nhau bằng nụ cười vô tư và thong thả ngồi vào bàn.

3.

- Năm mới, em chúc anh...

- Cảm ơn chú. Anh cũng chúc chú...

Sau thủ tục chúc mừng khách sáo là những câu chuyện về ngày xưa. Hai người đàn ông có khi vừa ăn vừa nói, có lúc buông đũa ngẩn ngơ, rong ruổi về những nơi xa xăm, ở giữa cánh đồng làng nạp bắt chim, be bờ bắt cá, ngày mưa vác đó đi đơm. Câu chuyện của họ là hóc núi, bến sông, em bị ong đất rượt rồi lại bị hụt chân rớt xuống hõm nước, anh từ lưng bò phi xuống nhặt lên cậu em bụng đã đầy nước... vân vân và vân vân... còn nữa những câu chuyện tuổi thơ ở cái xóm nghèo gần sông sát núi. Câu chuyện đang rôm rả trơn tru thì bị ngắt (phải ngắt) vì có một tiếng nổ. Khuôn mặt hai người đàn ông đang tươi vui bỗng tái đi, bốn mắt nhìn nhau nhiều ẩn ý. Thoáng băn khoăn trong giây lát rồi rất nhanh sau đó, họ cầm chặt tay nhau:

- Sau đêm nay, dù anh em ta không còn thì mùa xuân vẫn còn... - hai người đàn ông cùng nói như vậy và đứng dậy rời khỏi bàn, đi về hai hướng...

 B.N

Bài viết khác cùng số

Nhớ mùa hoa ven sông - Lê Ngọc NamĐà Nẵng - Tết Mậu Thân 1968 - Ngọc ThanhQuê hương tuổi thơ tôi - Huỳnh Viết TưLửa Tết - Vũ Thị Huyền TrangTết trong lòng - Phạm Thị Hải DươngĐất trời ươm Tết tự bao giờ - Ngô Thị Thục TrangMột thoáng Tết xưa - Lê Ngọc ThạnhMùa xuân trên Cảng Thọ Quang - Hoàng Tây HòaĐà Nẵng 2017 - Một năm bội thu về văn hóa - Bùi Văn TiếngBác Hồ với Tết năm Tuất đầu tiên sau ngày nước nhà độc lập - Vân trìnhChuông reo - Trần Đức TiếnThơ ngắn - Xuân HiệuNgày xuân, cảm nhận đôi điều về văn hóa ứng xử của người Hàn Quốc - Dân HùngCâu chuyện ngày 30 Tết - Hồ Thị Thùy Trang Hồn mai trắng - Đặng Hoàng ThámBầu trời xuân cao lộng - Tường LinhMùa xuân vẫn còn - Bích NhànBên dòng sông Trà Nô ngày ấy - Giang Nguyên TháiXuân Mậu Thân 68 qua tác phẩm mỹ thuật - Trần Trung SángXuân Mậu Thân 1968: Vang vọng những lời thơ - Mai Bá ẤnTìm - Trương Đình ĐăngXuân trừu tượng - Đỗ Thượng ThếHạt muối - Huỳnh Trương PhátGiọt nắng giọt mưa - Trương Công MùiBến đợi - Xuân CừDụ ngôn - Phạm Tấn DũngTrích dẫn rêu xuân - Nguyễn Tấn SĩGửi em - Nguyễn Đăng KiênXuân tình - Như HoàiPhận cỏ - Huỳnh Thúy KiềuChầm chậm cùng mùa - Thu ThủyThổn thức mùa xuân - Bùi Mỹ HồngXúc lộ - Nguyễn Thị Anh ĐàoLỗi hẹn mùa xuân - Nguyễn Nho thùy DươngNiềm xuân - Nguyễn Hoàng ThọNhững ô cửa mở ra mùa xuân - Kai HoàngMùa xuân trong thành phố - Nguyễn Đông NhậtTHANH QUẾ - TQVới người bái hoa mai* - Ngân VịnhLộc xuân - Tăng Tấn TàiVô thường - Vạn LộcTự vấn xuân - Trần Trình LãmMùa xuân có đắng? - Tần Hoài Dạ VũMùa trăng thiếu nữ - Trịnh Bửu HoàiVà mùa lại về - Hoàng Hương ViệtĐêm Trường Sa nhớ mẹ - Nguyễn Tiến NênTrong khu vườn cỏ dại - Đinh Thị Như ThúyThơm thảo - Lê Huy HạnhMùa lỡ quên - Nguyễn Hoàng SaQuà quê - Quốc LongGọi thầm lá phong - Lê Anh DũngRộn ràng xuân - Thái Bảo - Trương ĐỳnhChiều xuân uống rượu một mình - Xuân TrườngChuông chùa ở Trường Sa - Nguyễn Xuân TưĐêm sáng - Nguyễn Nho KhiêmBên sông chiều cuối năm - H.ManKể chuyện tình bằng lời ca dao(*) - Văn KhoaNguyễn Ngọc Hạnh - Phơi nỗi buồn lên thơ - Phạm Phú PhongTác phẩm đoạt giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng năm 2017 - Phạm Thị Hải DươngSáng láng một mùa Xuân Như ý - Chế Diễm TrâmĐể làm ra những trang sách...- Trương Điện ThắngDạo chơi với những sắc màu - Lê Huy HạnhHình tượng chó trong văn hóa Việt - Đinh Thị TrangCon chó của thần hộ mệnh Siva-Bhairava và chín vị thần tinh tú trong nghệ thuật Chăm-pa - Trần Kỳ Phương