Lửa Tết - Vũ Thị Huyền Trang

25.01.2018

Lửa Tết - Vũ Thị Huyền Trang

Cái Tết đầu tiên về nhà chồng loanh quanh trong bếp. Từ bếp nhà chồng đến bếp nhà bà nội chồng, bếp anh em bên chồng. Tay chân lúc nào cũng nhơ nháp dầu mỡ, thịt thà. Quần áo toàn mùi chả nướng, nem rán. Đầu tóc bám bụi tro. Tay chân nứt nẻ, ửng đỏ không rõ vì trời lạnh, vì suốt ngày ngâm trong nước nóng hay vì ngồi bếp sưởi củi lửa cháy bùng bùng. Lúc bận rộn thì mệt mỏi nhưng cứ hễ nhàn rỗi tay chân là thấy lòng trống trải. Trong khi mọi người tí tách ngồi quây trên giường nhấm hướng dương thì mình co ro trong xó bếp. Bắc một siêu nước để làm cái cớ nhóm lửa lên rồi ngồi im nghe nỗi nhớ ùa về. Lòng tự hỏi không biết giờ này ở nhà bố mẹ đã vớt bánh chưng chưa? Mấy anh chị em chắc đã về đông đủ? Mấy đứa cháu xách tòng teng cặp bánh chưng nhỏ xíu nô đùa vang từ nhà ra ngõ. Bếp ở nhà chắc cũng đang đỏ lửa, mẹ tất bật xào nấu chuẩn bị cỗ tất niên. Vậy mà mình còn ngồi ở nơi này giữa những người xa lạ. Nấu những món ăn khác khẩu vị, ngồi chung mâm với những ấm cúng chẳng phải của mình. Thôi thì cứ đốt lửa lên...

Tết về nhà chồng mình luôn lọt thỏm giữa biển cô đơn. Mình ý tứ từ dáng ngồi đến miếng ăn sắp đưa lên miệng. Xung quanh mình không có gì gần gũi. Đến ngay cả người chồng đầu ấp tay gối cũng bận rộn đến mức bỏ quên vợ mình. Bận mổ lợn, thay bóng đèn, trồng mấy cây na, chạy quanh mỗi nhà một lúc. Đến bữa thì chuông điện thoại réo liên hồi. Tết mà, thiếu gì cuộc rượu đang chờ. Tắm giặt vội vàng rồi leo lên xe phóng vút đi. Đến khi mò về đến nhà thì đã khuya, đặt lưng xuống giường là ngủ. Không cần biết vợ ăn uống ra sao, vui hay buồn, có bao nhiêu lấn cấn trong lòng chưa thể nào giải tỏa. Đêm nằm quay lưng lại với nhau. Nghe tiếng ngáy mà thở dài ngán ngẩm. Suýt mấy lần chồng đạp mình xuống đất trong vô thức vì say. Lúc này mới thấy cái người nằm cạnh mình là người dưng. Vậy thì suốt mấy ngày Tết mình bỏ lại những thân thuộc để đến đây tất bật vì ai? Hình như chỉ có bếp lửa hiểu những bập bùng ý nghĩ...

Từ lúc về làm dâu nhà chồng tay mình hay nhóm lửa. Có lúc không phải để nấu món gì. Cũng không phải vì cần sưởi ấm. Chỉ đơn giản là nhóm lên cho bớt cô đơn. Dường như chỉ có ngọn lửa là không phân biệt gần gụi hay lạ xa. Cứ nhóm lên là có bạn. Là thấy được những ngón tay gầy guộc và đen sạm của mẹ đang bẻ củi. Là thấy món bò sốt vang đang bốc hơi nghi ngút, thứ mùi vị dễ khiến người ta đói đến cồn cào. Ra vườn hái ít rau xà lách, cải chân là vào có món rau sống nhúng sốt vang ngon tuyệt. Góc bếp thì luôn có rành khoai. Thấy lửa to thì khời ít than đỏ nướng khoai. Khách thân thiết đến chơi Tết không cần ngồi bàn pha nước rót chè, cũng chẳng thử uống thứ cà phê đắng chát. Níu nhau ngồi quanh bếp, chuyện tếu cười vang, đãi nhau món khoai nướng thơm lừng. Khoai giống gì mà lắm mật, chưa chạm môi đã thấy ngọt lòng. Giờ nhóm lửa lên là thấy cả những nhớ nhung thiếu thốn âm ỉ trong lòng.

Rồi mình thấy thương mấy chị em dâu trong nhà. Họ đã nhiều Tết không được làm cỗ tất niên, đón giao thừa cùng bố mẹ anh em ruột. Họ đến nhà mình luống cuống, dè dặt học cách làm dâu con hiếu thảo. Họ cũng nén đâu đó tiếng thở dài nhớ nhung, tủi thân sau nụ cười buồn hiu hắt đầu môi. Mình cũng đã từng vài lần bắt gặp họ ngồi chống cằm lặng im bên bếp lửa, tay khời than, mắt đăm đăm nhìn đống tro tàn bên cạnh. Hóa ra đó là hình ảnh của bà, của mẹ, của mình. Và biết đâu sẽ là của cả đứa con gái đang nằm trong bụng mình. Phận làm dâu vui vay khóc mướn đâu có gì lạ. Rồi ân hận nhẽ ra mình phải thương chị em dâu nhiều hơn nữa như là một cách để tự thương mình. Giờ này biết đâu ở nhà mình họ cũng đang ngồi nhóm bếp.

Tết ở nhà chồng, may mà có lửa...

V.T.H.T

Bài viết khác cùng số

Nhớ mùa hoa ven sông - Lê Ngọc NamĐà Nẵng - Tết Mậu Thân 1968 - Ngọc ThanhQuê hương tuổi thơ tôi - Huỳnh Viết TưLửa Tết - Vũ Thị Huyền TrangTết trong lòng - Phạm Thị Hải DươngĐất trời ươm Tết tự bao giờ - Ngô Thị Thục TrangMột thoáng Tết xưa - Lê Ngọc ThạnhMùa xuân trên Cảng Thọ Quang - Hoàng Tây HòaĐà Nẵng 2017 - Một năm bội thu về văn hóa - Bùi Văn TiếngBác Hồ với Tết năm Tuất đầu tiên sau ngày nước nhà độc lập - Vân trìnhChuông reo - Trần Đức TiếnThơ ngắn - Xuân HiệuNgày xuân, cảm nhận đôi điều về văn hóa ứng xử của người Hàn Quốc - Dân HùngCâu chuyện ngày 30 Tết - Hồ Thị Thùy Trang Hồn mai trắng - Đặng Hoàng ThámBầu trời xuân cao lộng - Tường LinhMùa xuân vẫn còn - Bích NhànBên dòng sông Trà Nô ngày ấy - Giang Nguyên TháiXuân Mậu Thân 68 qua tác phẩm mỹ thuật - Trần Trung SángXuân Mậu Thân 1968: Vang vọng những lời thơ - Mai Bá ẤnTìm - Trương Đình ĐăngXuân trừu tượng - Đỗ Thượng ThếHạt muối - Huỳnh Trương PhátGiọt nắng giọt mưa - Trương Công MùiBến đợi - Xuân CừDụ ngôn - Phạm Tấn DũngTrích dẫn rêu xuân - Nguyễn Tấn SĩGửi em - Nguyễn Đăng KiênXuân tình - Như HoàiPhận cỏ - Huỳnh Thúy KiềuChầm chậm cùng mùa - Thu ThủyThổn thức mùa xuân - Bùi Mỹ HồngXúc lộ - Nguyễn Thị Anh ĐàoLỗi hẹn mùa xuân - Nguyễn Nho thùy DươngNiềm xuân - Nguyễn Hoàng ThọNhững ô cửa mở ra mùa xuân - Kai HoàngMùa xuân trong thành phố - Nguyễn Đông NhậtTHANH QUẾ - TQVới người bái hoa mai* - Ngân VịnhLộc xuân - Tăng Tấn TàiVô thường - Vạn LộcTự vấn xuân - Trần Trình LãmMùa xuân có đắng? - Tần Hoài Dạ VũMùa trăng thiếu nữ - Trịnh Bửu HoàiVà mùa lại về - Hoàng Hương ViệtĐêm Trường Sa nhớ mẹ - Nguyễn Tiến NênTrong khu vườn cỏ dại - Đinh Thị Như ThúyThơm thảo - Lê Huy HạnhMùa lỡ quên - Nguyễn Hoàng SaQuà quê - Quốc LongGọi thầm lá phong - Lê Anh DũngRộn ràng xuân - Thái Bảo - Trương ĐỳnhChiều xuân uống rượu một mình - Xuân TrườngChuông chùa ở Trường Sa - Nguyễn Xuân TưĐêm sáng - Nguyễn Nho KhiêmBên sông chiều cuối năm - H.ManKể chuyện tình bằng lời ca dao(*) - Văn KhoaNguyễn Ngọc Hạnh - Phơi nỗi buồn lên thơ - Phạm Phú PhongTác phẩm đoạt giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng năm 2017 - Phạm Thị Hải DươngSáng láng một mùa Xuân Như ý - Chế Diễm TrâmĐể làm ra những trang sách...- Trương Điện ThắngDạo chơi với những sắc màu - Lê Huy HạnhHình tượng chó trong văn hóa Việt - Đinh Thị TrangCon chó của thần hộ mệnh Siva-Bhairava và chín vị thần tinh tú trong nghệ thuật Chăm-pa - Trần Kỳ Phương