Bầu trời xuân cao lộng - Tường Linh

25.01.2018

Bầu trời xuân cao lộng - Tường Linh

Cuộc thi chim hót lần thứ bảy của hội chơi chim thành phố vẫn tổ chức vào sáng mùng bốn Tết như mọi năm. Đến nay hội đã phát triển mạnh, có cả người ở một số tỉnh tham gia. Đa số họ là những đại gia giàu có nên quỹ hội sung túc và các phần thưởng của cuộc thi đều khá cao.

Cuộc thi không giới hạn người đem chim tới tranh tài là hội viên hay người ngoài hội.

Ông Luân không phải là hội viên mặc dù ông nuôi nhiều chim các loại tại nhà. Mấy năm qua ông chỉ tới làm khán thính giả tại mỗi cuộc thi chim hót chứ không tham dự thi.

Lần này nhiều bạn bè khuyên ông Luân đem chim đi dự thi. Họ biết cụ thể “thí sinh có cánh” của ông dự thi sẽ ăn chắc. Đó là con nhồng. Nó hót rất hay hơn bất cứ con nào cùng loại mà họ đã biết. Điểm đặc biệt là nó biết làm theo lệnh của chủ như thể nó nghe và hiểu ý chủ. Nó còn nhại đúng tiếng hót của các loài chim. Và đây là điểm độc đáo: nó có riêng một bài hót rất hay như một đoạn nhạc không lời.

Thực ra ông Luân chỉ mới trực tiếp nuôi và luyện chim từ bốn năm qua, nhưng khi nhập cuộc rồi ông trở nên thành thạo.

Từ bốn năm về trước số chim các loại tại nhà ông là của Trân, người con trai thứ tư chưa lập gia đình vẫn còn ở với cha mẹ.

Nghe nhiều người thạo về chim kháo với nhau rằng ở vài chân núi vùng bán sơn địa Quảng Nam có loại nhồng rất khôn. Trân bèn về thăm quê nội. Biết chuyện, ông chú của Trân tặng anh con nhồng ông đang nuôi và đang luyện. Ông bắt được con nhồng này khi nó mới tập chuyền tại một nơi gọi là hố Lùng thuộc làng quê nội của Trân. Địa danh này là con suối nhỏ, ngắn, phát tích từ trên chót núi. Nơi chân núi có một hố không rộng và sâu lắm nhưng đầy nước quanh năm. Vì luôn sẵn nước nên những cây quanh hố có nhiều loại chim làm tổ cư trú, trong số đó có chim nhồng. Hố Lùng được người gần xa biết đến không phải vì cảnh mà vì có loại nhồng quý. Ngoài tiếng hót và cách hót rất hay, nhồng hố Lùng được người luyện còn có thể nói trài trại một số tiếng người.

Ông chú của Trân rất giỏi việc luyện chim và chỉ với chim nhồng. Ông bảo Trân ở lại chơi thêm nửa tháng để ông truyền cách luyện nhồng độc đáo.

Ngồi bên nhau, ông chú dạy Trân cách ra lệnh, điều khiển chung các loại chim nuôi và riêng với nhồng. Ông dạy tiếp một bài hót đặc biệt cho nhồng. Ông huýt sáo miệng từng câu cho Trân huýt theo, tập xong câu này đến câu khác.

Sẵn có tài về nhạc, Trân lấy giấy bút kẻ ngũ tuyến biểu rồi dùng ký âm pháp tân nhạc ghi lại đầy đủ bài hót ấy. Tập theo ông chú nhuần nhuyễn trọn bài, Trân thấy đây là một bài hẳn hoi dù chỉ để cho chim hót. Ông chú gọi tên bài hót là “Chào Xuân Mới”, thời lượng trình tấu đúng mười hai phút.

Trân nuôi nhiều loại chim. Anh chú tâm việc ra lệnh cho các loại chim bằng cách đưa ngón tay và huýt sáo miệng. Anh chọn mua hằng ngày các loại thực phẩm ngon dành cho chúng. Anh quý nhất là con nhồng mang từ quê nội Quảng Nam về. Trân đặt tên cho nó là Na.

Ông Luân đã nghỉ hưu nên có thì giờ ở nhà theo dõi mọi chi tiết của Trân dành cho bầy chim. Lắm hôm ông còn thay con trai đi vắng để nuôi và luyện bầy chim. Ông đã thuộc cả bài hót “Chào Xuân Mới” của nhồng Na. Nó cũng tuân lệnh theo động tác của ông khi ông muốn nghe nó hót bài này.

Tiếng lành đồn xa, ngày nào nhà ông Luân cũng đông người đến để được nhìn tận mắt, nghe tận tai tài nghệ tuyệt vời của nhồng Na. Ai ai cũng cho nó là con chim thượng hạng không chỉ với loài nhồng mà với mọi loài chim khác. Thậm chí có người còn không tiếc lời tôn vinh nó là thần điểu.

Mấy cuộc thi chim trước lần thứ bảy, nhiều người đề nghị cha con ông Luân hãy đưa nhồng Na dự thi. Họ quả quyết không thể có con chim nào sánh nổi với nó.

Ông Luân chỉ cười và nói:

- Thằng Trân nhà tôi nuôi chim vì yêu chim chứ cha con tôi không muốn hơn thua với ai cả.

           

Không ngờ Trân bị một bệnh nan y. Dù hết sức tốn kém, cực lực chạy chữa nhưng anh không qua khỏi.

Khi cử hành lễ tang Trân, ông Luân tự tay quấn dải băng tang trắng trên từng chiếc lồng chim.

Ông bà Luân cực kỳ buồn khổ vì sự ra đi vĩnh viễn của đứa con trai hiếu thảo, ngoan hiền, tương lai tốt đẹp đang chờ phía trước rất gần.

Lâu nay ông Luân sống khép kín, lúc này lại càng khép kín hơn. Thế giới sinh hoạt của ông thu hẹp trong tầng hai của căn nhà để thường xuyên thắp nhang trên bàn thờ Trân và viết tiếp cuốn tự truyện với hàng chục sự kiện xảy ra trong đời ông. Ông treo chiếc lồng của nhồng Na ngay trong căn phòng này để tiếp tục chăm sóc, tập luyện cho nó. Thấy nó, thấy bầy chim là ông nhớ Trân. Mỗi lần Na hót bài “Chào Xuân Mới” là ông có được khoảnh khắc nguôi ngoai. Ông thường “trò chuyện” với nhồng Na như đã thành tật.

Sau tuần bách nhật của Trân, ông Luân vẫn cảm thấy buồn nhiều. Nhìn di vật nào của con, lòng ông cũng quặn đau. Ông đi tới một quyết định là thả tất cả bầy chim của Trân để lại, trả tự do cho chúng trở về với thiên nhiên, với bầu trời cao rộng đúng ra là của chúng.

Có mấy đại gia yêu chim biết chuyện vội đến xin mua trọn bầy chim nhưng ông Luân không chịu. Có người cho là ông khùng hoặc vì con trai chết nên tâm thần ông có vấn đề.

Một sớm mai, sau khi cho bầy chim ăn đầy đủ, ông Luân đã phóng sinh tất cả mấy chục con chim.

Ông chỉ giữ lại con nhồng Na.

Cuộc thi chim đầu xuân có hai loại giải thưởng, một giải cho chim hay của từng loại chim dự thi gồm giải nhất, nhì, ba và một giải duy nhất đặc biệt cho con chim nào hay nhất, độc đáo nhất của cuộc thi.

Ban giám khảo gồm ba vị trong ban chấp hành hội và mời ngẫu nhiên hai vị khán thính giả không phải hội viên tham gia.

Các chim dự thi trình diễn theo số thứ tự đăng ký. Bắt đầu với chim chào mào, tiếp theo là chích chòe, đến bạch yến, họa mi, cuối cùng là chim nhồng - cái đinh của cuộc thi.

Từng loại các chim dự thi đều hót rất hay. Nếu là người không rành, không chơi chim nhiều năm sẽ khó phân biệt con nào hơn con nào.

Đến lượt thi chim nhồng.

Hơn hai trăm khán thính giả im lặng lắng tai theo dõi.

Con nhồng thi hót lần đầu và lần hai là hai con đã đoạt giải nhất nhì của cuộc thi đầu xuân năm rồi. Hai con nhồng này đã có thêm một năm bồi dưỡng nghệ thuật. Ai cũng dự đoán một trong hai con này sẽ đoạt giải nhất, thậm chí đoạt thêm giải đặc biệt. Đúng vậy, hai con này hót rất hay nhưng chỉ là giai điệu và cách hót riêng của loài nhồng.

Theo thứ tự, con nhồng Na của ông Luân thi hót thứ ba. Bao nhiêu cặp mắt đều dồn về phía chiếc lồng đẹp màu xanh có con nhồng mỏ và chân đỏ tươi, lông đen xám. Ông Luân cúi sát lồng bảo nó:

- Con hãy biểu diễn hết tài nghệ của con nghe Na.

Tiếng của M.C. qua micrô:

- Xin mời nhồng của ông Luân trình diễn.

Ông Luân cúi chào ban giám khảo và khán thính giả rồi nói lớn:

- Con nhồng của tôi sẽ hót hai tiết mục: một tràng hót tự do, tiếp theo là một bài.

Ông huýt sáo và đưa ngón tay ra lệnh cho Na. Nó nhịp cánh rất tự tin rồi cất cao tiếng hót. Tràng hót tự do của nó là nhại thật đúng tiếng hót của nhiều loài chim cùng được nuôi trong nhà ông Luân nào là tiếng chào mào, chích chòe, họa mi, bạch yến... Ngót trăm con chim các loại tại cuộc thi đều im phăng phắc để lắng nghe, toàn thể người dự cũng mê say theo tiếng hót đến ngẩn ngơ.

Một tràng vỗ tay thật dài khi nhồng Na vừa dứt hót.

Ông Luân nhìn bốn phía giới thiệu tiếp:

- Xin quý vị thưởng thức tiết mục thứ hai là bài chim hót “Chào Xuân Mới”.

Nhồng Na tiếp tục ngay sau lệnh của chủ. Tiếng vỗ tay nổi lên từng chặp. Nó dứt bài hót đúng mười hai phút. Tiếng vỗ tay kèm tiếng hoan hô vang dậy. Có vị khán thính giả nói lớn:

- Chim mà hót có bài như một bản nhạc không lời. Quá tuyệt!

Người chủ của nhồng thi thứ tư xin rút không thi nữa.

Ban giám khảo cộng điểm cuộc thi và hội ý. Xong, vị trưởng ban giám khảo cũng là chủ nhiệm hội chim đứng lên tuyên bố kết quả số điểm và các chim mỗi loại đoạt giải nhất nhì ba. Rồi ông nói tiếp:

- Riêng con nhồng dự thi của ông Luân hoàn toàn xứng đáng đoạt cả hai giải: giải nhất chim hay của loại và giải đặc biệt của tất cả các loại chim dự thi.

Tiếng vỗ tay vang dậy.

Ông đặt tờ giấy xuống mặt bàn rồi nói như tâm sự với đám đông:

-Tôi yêu chim, nuôi và luyện chim đến hai thứ tóc trên đầu nhưng chưa hề được nghe một con nhồng nào hay như nhồng Na của ông Luân. Lời khen của một cá nhân như tôi vốn có hạn, giải thưởng bằng hiện kim cũng quá ư giới hạn đối với nhồng Na và chủ của nó. Xin rất hoan nghênh và cảm ơn.

Ông Luân che tấm vải màu gấm vàng trên lồng chim, cúi chào mọi người rồi xách lồng đi ra chỗ gửi xe. Lòng ông quả không vui vì nghĩ tới Trân bởi không có mặt Trân trong giờ phút vừa qua.

Thấy ông Luân ra về, người M.C. nói qua micrô:

- Mời ông Luân nán lại nhận phần thưởng.

Ông nói lớn:

- Cảm ơn. Xin quý vị chuyển số tiền ấy tặng các cháu bệnh nhi đang điều trị tại bệnh viện Ung bướu.

Phía sau, một hội viên là đại gia có tiếng chạy theo ông Luân ngỏ lời xin mua nhồng Na. Ông Luân cười nhẹ, hỏi:

- Anh thấy nó đáng giá bao nhiêu?

- Xin anh vui lòng cho tôi gửi anh bảy “cây”.

Ông Luân lại cười. Đại gia kia tiếp:

- Thôi, chẵn mười “cây” nhé!

Ông Luân nói như đánh trống lảng:

- Mời anh trở vào kẻo mọi người chờ.

Rồi ông bước đi. Đến chỗ để xe, ông kéo tấm vải che lồng ra và nói với Na:

- Có người xin mua con mười lạng vàng đấy. Nhưng con ơi, ở đời cái gì có thể mua bằng vàng bạc thì giá cao đến mấy cái đó vẫn là của rẻ con ạ!

                                                           

Liền cả ba hôm sau đó, ông Luân thấy nhồng Na khang khác. Nó cứ đứng một chỗ trong lồng, kém ăn, biếng hót. Ông ra lệnh hót nó cũng không tuân. Ông lo lắng và nghĩ đến mấy lý do đã khiến con chim cưng của ông như vậy. Ông nghĩ có thể nào trong khoảnh khắc tâm linh nó nhớ cậu chủ đã từ trần? Hoặc giả nó trách ông đã trả tự do cho các bạn “tuy là khác giống nhưng chung một... trời” mà lại vẫn cầm cố nó. Ông nghĩ điều này nhiều phần đúng.

Đêm ấy ông không ngủ được chỉ vì hai sự chọn lựa thả nhồng Na hay không. Cuối cùng phần tự do đã thắng.

Sáng thật sớm, ông Luân đặt chiếc lồng của Na trên bàn ngoài hiên trước mặt ông. Ông giãi bày tâm sự với chim cưng:

- Ta sẽ trả con về với bầu trời cao rộng vốn là của con cùng dòng họ con.  Lẽ ra ta phải trả con về tận xứ hố Lùng nơi con sinh ra và ngôi làng ấy cũng là sinh quán của ta. Nhưng Na ạ, từ đây về tới đó xa quá, sức khỏe ta hiện giờ không cho phép. Xin lỗi con, ta không nỡ lòng nào cầm cố con nữa đâu mặc dù thiếu con thì ta...

Ông xách chiếc lồng xuống bậc hiên và mở cửa. Con nhồng nhảy ra đứng nhìn vòm trời xuân ban mai mấy giây rồi nhảy trở vào lồng. Ông Luân nghiêng chiếc lồng và lấy tay lùa nhẹ Na ra. Nó như muốn quay lại. Ông đành phải vận sức vào đôi tay đè chiếc lồng bẹp dí. Không còn cửa vào, con nhồng nhảy mấy bước ra giữa sân. Tuy nó đã trưởng thành nhưng đây là những bước nhảy đầu tiên của đời nó.

Ông Luân giục:

- Con bay đi chứ! Cảnh biệt ly không nên diễn lâu.

Nhồng Na đập nhẹ đôi cánh rồi bay chéo lên đậu vào cây mai già vẫn còn mấy đóa hoa vàng. Đây cũng là lần bay đầu tiên của nó, của một đời chim.

Lại một đêm nữa ông Luân không tài nào ngủ được. Ông đã bắt đầu nhớ thương nhồng Na, lo lắng về sự an nguy của nó. Từ nhỏ tới lúc này nó được nuôi dưỡng, che chở trong lồng đẹp, nay làm sao tự lực sống ở bên ngoài luôn sẵn vô vàn bất trắc, rủi ro. Thế giới của đời chim cũng như đời người: mạnh được, yếu thua. Con nhồng Na thuộc về phía yếu.

T.L

Bài viết khác cùng số

Nhớ mùa hoa ven sông - Lê Ngọc NamĐà Nẵng - Tết Mậu Thân 1968 - Ngọc ThanhQuê hương tuổi thơ tôi - Huỳnh Viết TưLửa Tết - Vũ Thị Huyền TrangTết trong lòng - Phạm Thị Hải DươngĐất trời ươm Tết tự bao giờ - Ngô Thị Thục TrangMột thoáng Tết xưa - Lê Ngọc ThạnhMùa xuân trên Cảng Thọ Quang - Hoàng Tây HòaĐà Nẵng 2017 - Một năm bội thu về văn hóa - Bùi Văn TiếngBác Hồ với Tết năm Tuất đầu tiên sau ngày nước nhà độc lập - Vân trìnhChuông reo - Trần Đức TiếnThơ ngắn - Xuân HiệuNgày xuân, cảm nhận đôi điều về văn hóa ứng xử của người Hàn Quốc - Dân HùngCâu chuyện ngày 30 Tết - Hồ Thị Thùy Trang Hồn mai trắng - Đặng Hoàng ThámBầu trời xuân cao lộng - Tường LinhMùa xuân vẫn còn - Bích NhànBên dòng sông Trà Nô ngày ấy - Giang Nguyên TháiXuân Mậu Thân 68 qua tác phẩm mỹ thuật - Trần Trung SángXuân Mậu Thân 1968: Vang vọng những lời thơ - Mai Bá ẤnTìm - Trương Đình ĐăngXuân trừu tượng - Đỗ Thượng ThếHạt muối - Huỳnh Trương PhátGiọt nắng giọt mưa - Trương Công MùiBến đợi - Xuân CừDụ ngôn - Phạm Tấn DũngTrích dẫn rêu xuân - Nguyễn Tấn SĩGửi em - Nguyễn Đăng KiênXuân tình - Như HoàiPhận cỏ - Huỳnh Thúy KiềuChầm chậm cùng mùa - Thu ThủyThổn thức mùa xuân - Bùi Mỹ HồngXúc lộ - Nguyễn Thị Anh ĐàoLỗi hẹn mùa xuân - Nguyễn Nho thùy DươngNiềm xuân - Nguyễn Hoàng ThọNhững ô cửa mở ra mùa xuân - Kai HoàngMùa xuân trong thành phố - Nguyễn Đông NhậtTHANH QUẾ - TQVới người bái hoa mai* - Ngân VịnhLộc xuân - Tăng Tấn TàiVô thường - Vạn LộcTự vấn xuân - Trần Trình LãmMùa xuân có đắng? - Tần Hoài Dạ VũMùa trăng thiếu nữ - Trịnh Bửu HoàiVà mùa lại về - Hoàng Hương ViệtĐêm Trường Sa nhớ mẹ - Nguyễn Tiến NênTrong khu vườn cỏ dại - Đinh Thị Như ThúyThơm thảo - Lê Huy HạnhMùa lỡ quên - Nguyễn Hoàng SaQuà quê - Quốc LongGọi thầm lá phong - Lê Anh DũngRộn ràng xuân - Thái Bảo - Trương ĐỳnhChiều xuân uống rượu một mình - Xuân TrườngChuông chùa ở Trường Sa - Nguyễn Xuân TưĐêm sáng - Nguyễn Nho KhiêmBên sông chiều cuối năm - H.ManKể chuyện tình bằng lời ca dao(*) - Văn KhoaNguyễn Ngọc Hạnh - Phơi nỗi buồn lên thơ - Phạm Phú PhongTác phẩm đoạt giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng năm 2017 - Phạm Thị Hải DươngSáng láng một mùa Xuân Như ý - Chế Diễm TrâmĐể làm ra những trang sách...- Trương Điện ThắngDạo chơi với những sắc màu - Lê Huy HạnhHình tượng chó trong văn hóa Việt - Đinh Thị TrangCon chó của thần hộ mệnh Siva-Bhairava và chín vị thần tinh tú trong nghệ thuật Chăm-pa - Trần Kỳ Phương