Ngày xuân, cảm nhận đôi điều về văn hóa ứng xử của người Hàn Quốc - Dân Hùng

25.01.2018

Ngày xuân, cảm nhận đôi điều về văn hóa ứng xử của người Hàn Quốc - Dân Hùng

Đến Hàn Quốc trong một dịp đi công tác, tôi có may mắn được “thấy” và cảm nhận nhiều điều về văn hóa của đất nước xứ sở Kim Chi. Điều ấn tượng đầu tiên mà ai đến đây đều cảm nhận được, đó là “văn hóa ứng xử” của người Hàn Quốc. Ngay từ khi bước lên máy bay của hãng hàng không Asiana Airlines nơi có những tiếp viên người Hàn Quốc xinh đẹp, tôi luôn hài lòng với cách phục vụ chuyên nghiệp và rất chân thành, thể hiện ở sự ân cần, nụ cười tươi tắn lúc nào cũng thường trực trên khuôn mặt của mỗi người. Điều đó làm cho những ai lần đầu đến Hàn Quốc cảm thấy dễ chịu và có cảm tình về đất nước này khi được chào đón một cách “không chính thức” như vậy.

Đến Hàn Quốc, qua tiếp xúc, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy người Hàn Quốc rất coi trọng lễ nghĩa, ăn nói phải có trên dưới, phải kính ngữ với người trên, thái độ cử chỉ khi chào hỏi rất đúng mực. Nụ cười, lịch sự, thân thiện trong văn hóa chào hỏi không chỉ thể hiện sự tôn trọng mà còn góp phần xây dựng hình ảnh một đất nước Hàn Quốc hiện đại, văn minh và chuyên nghiệp.

Do sự thâm nhập của văn hóa phương Tây và sự phát triển của xã hội hiện đại mà ngày nay người ta có thể thay động tác gập lưng bằng cái cúi đầu nhẹ. Tuy nhiên, ở những trường hợp đặc biệt trang trọng hoặc thể hiện sự kính trọng với người cao tuổi, người có chức vụ cao trong xã hội thì động tác gập lưng vẫn được đặc biệt coi trọng. Người Hàn hay sử dụng danh thiếp, đặc biệt là những người làm kinh doanh, nếu họ đưa cho bạn danh thiếp và không được nhận lại danh thiếp từ bạn thì họ nghĩ rằng bạn không muốn làm quen với họ. Người Hàn Quốc, một khi đã hiểu được bạn thì họ “chơi” hết mình, không khách sáo. Chiều cuối tuần cũng tụ họp nhau để bù khú tại những khu ăn nhậu bình dân, từ công chức đến giới bình dân cũng rôm rả, ồn ào không kém bên ta...

Một cách quảng bá văn hóa của người Hàn Quốc nữa là họ không chỉ giới thiệu văn hóa, đất nước con người ra bên ngoài lãnh thổ thông qua phát triển công nghiệp điện ảnh, các loại hình nghệ thuật khác mà họ còn thu hút, giới thiệu cho bạn bè gần xa mỗi lần đến Hàn Quốc có cơ hội để biết thêm về đất nước mình bằng việc phát triển công nghiệp du lịch kết hợp với văn hóa bằng việc hình thành những điểm tham quan độc đáo và hấp dẫn. Lấy dẫn chứng ở Đảo Jeju, nơi xưa kia vốn là vùng đất nghèo đói nhất Hàn Quốc vì tách rời với đất liền, đất canh tác không nhiều, cây trồng ở đây chỉ toàn cam, quýt, hồng. Thời phong kiến, đây là vùng đất để lưu đày các phạm nhân. Tuy nhiên, kể từ sau bộ phim “Nàng Dae Jang-Geum”, đảo Jeju được biết đến như địa điểm du lịch mới đầy thú vị. Qua những thước phim, đảo Jeju hiện lên long lanh nhưng cũng đầy hoang sơ. Chính vì điều này mà hằng năm, nơi đây đã thu hút hàng triệu lượt khách du lịch từ nhiều quốc gia trên thế giới. Chính quyền Jeju đã khai thác tối đa các tiềm năng tự nhiên và cả nhân tạo để làm du lịch, từ các truyền thuyết, sự tích đến địa danh tự nhiên... Jeju còn nổi tiếng với nhiều viện bảo tàng, có đến 65 bảo tàng từ bảo tàng nghệ thuật đến bảo tàng chuyên ngành, những nơi mà khách du lịch ít khi bỏ qua. Có những bảo tàng độc đáo như Bảo tàng O'Sulloc Tea Museum hay còn gọi là “Bảo tàng Trà”, Viện Bảo tàng gấu bông Teddy - nơi trưng bày và giới thiệu lịch sử hơn 100 năm của những chú gấu bông nổi tiếng nhất thế giới... Một nét độc đáo ở Jeju nữa là ở đây có Công viên Tình yêu, hay còn gọi là Jeju Loveland, mở cửa ngày 16/11/2004. Chủ đề của công viên là các vấn đề về giới tính và tình dục, đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, thu hút nhiều khách tới thăm.

Bất kỳ địa điểm nào liên quan đến truyền thuyết, sự tích đều được người Hàn Quốc khai thác, tôn tạo, hình thành các điểm tham quan, qua đó vừa tăng doanh thu về du lịch vừa giới thiệu được văn hóa và lịch sử của mỗi vùng miền nói riêng và đất nước Hàn Quốc nói chung. Làng cổ Seongeop ở đảo Jeju là một ví dụ. Có dịp ghé thăm ngôi làng này, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những ngôi nhà truyền thống của người Hàn Quốc. Đó là những ngôi nhà được xây dựng từ đá và mái được lợp bằng tranh, bên cạnh những phong tục truyền thống vẫn được duy trì. Chẳng hạn, mỗi nhà đều có hai trụ đá ở hai bên lối vào, mỗi trụ có ba lỗ để cắm ba cây sào ngang lối đi. Nếu cả ba cây đều nằm đúng chỗ thì có nghĩa là không có ai ở nhà, do đó xin hãy ở ngoài. Nếu cây sào trên cùng có một đầu hạ xuống nghĩa là chủ nhà sẽ quay lại ngay. Còn nếu cả ba cây sào đều hạ một đầu xuống đất tức là có người ở nhà, đồng nghĩa với lời mời “xin hãy vào trong”. Đến thăm nơi được gọi là “Đảo 3 không” này, người viết lại nhớ đến “Thành phố 5 không” của Đà Nẵng mình. “3 không” có nghĩa là không có ăn trộm, không có ăn mày và không có cổng lớn, nó có xuất xứ từ xưa. “Không có ăn trộm, ăn mày” là do đảo Jeju có cấu tạo địa lý chủ yếu là từ đá núi lửa nhưng nhờ có thời tiết ấm áp nên nông nghiệp phát triển, lại thêm xung quanh 4 bề là biển với những sản vật đa dạng nên việc “kiếm ăn” rất dễ dàng, chính vì vậy mà đảo không có ăn mày. Ngoài ra, người dân ở đây còn nói rằng: “Ngày xưa ở Jeju không có nơi để trốn”. Đó là lý do đảo không có ăn trộm, ăn mày. Cái “không” thứ ba là “không có cổng lớn”. Xuất phát từ việc thời xa xưa, đảo Jeju là một hòn đảo vắng người, dân cư thưa thớt. Chính vì thế, người dân ở đây sống rất hòa thuận với nhau, cuộc sống không giàu có khiến họ chẳng bao giờ phải mất công trong việc xây nhà, xây cửa kiên cố để giữ của cải làm gì. Đó chính là lý do người dân đảo không bao giờ xây cổng lớn.

Ngoài ra, mặc dù là một đất nước phát triển, là một trong “4 con rồng châu Á” nhưng người Hàn Quốc vẫn không chạy theo các trào lưu của văn hóa phương Tây một cách ồ ạt. Đơn cử như việc, kể từ thập niên 1990, khi chính phủ Hàn Quốc đẩy mạnh chủ trương toàn cầu hóa, những kỹ năng về tiếng Anh đã trở thành phương tiện sống còn trong xã hội đầy cạnh tranh ở nước này. Tuy nhiên, người Hàn Quốc không có những biểu hiện sính ngoại, sính Tây. Trên con đường mặt phố của Hàn Quốc mà tôi đi qua, từ Thủ đô Seoul đến đảo Jeju, các bảng hiệu, bảng quảng cáo đa số đều bằng chữ Hàn, tiếng Anh nếu có đều có một vị trí và kích cỡ khiêm tốn sau tiếng bản địa.

Phải nói rằng người Hàn Quốc đã nghĩ ra nhiều cách thức để quảng bá văn hóa đặc sắc của đất nước mình ra thế giới không những chỉ bằng cách giới thiệu ra bên ngoài mà còn bằng cách bảo tồn, tôn tạo, phát triển các di tích lịch sử, tự nhiên, truyền thuyết trong nước để tạo các điểm đến hấp dẫn đối với du khách 5 châu. Một mũi tên đã đạt được 2 mục đích là doanh thu từ du lịch và quảng bá văn hóa.

Do thời gian có hạn nên tôi không có điều kiện đi đến nhiều điểm đặc sắc về văn hóa, lịch sử của đất nước Hàn Quốc, nhưng với những gì được trải nghiệm và sự cảm nhận về đất nước này, có thể rút ra nhiều điều bổ ích về văn hóa của bạn, trong đó có những điều Đà Nẵng rất cần tham khảo để học hỏi và làm theo trong điều kiện và tiềm năng hiện có. Nhất là việc quảng bá văn hóa, nghệ thuật và khai thác các sự tích, truyền thuyết, địa danh lịch sử hiện nay còn đang bỏ ngỏ, chưa được khai thác hoặc khai thác chưa hiệu quả.

D,H

Bài viết khác cùng số

Nhớ mùa hoa ven sông - Lê Ngọc NamĐà Nẵng - Tết Mậu Thân 1968 - Ngọc ThanhQuê hương tuổi thơ tôi - Huỳnh Viết TưLửa Tết - Vũ Thị Huyền TrangTết trong lòng - Phạm Thị Hải DươngĐất trời ươm Tết tự bao giờ - Ngô Thị Thục TrangMột thoáng Tết xưa - Lê Ngọc ThạnhMùa xuân trên Cảng Thọ Quang - Hoàng Tây HòaĐà Nẵng 2017 - Một năm bội thu về văn hóa - Bùi Văn TiếngBác Hồ với Tết năm Tuất đầu tiên sau ngày nước nhà độc lập - Vân trìnhChuông reo - Trần Đức TiếnThơ ngắn - Xuân HiệuNgày xuân, cảm nhận đôi điều về văn hóa ứng xử của người Hàn Quốc - Dân HùngCâu chuyện ngày 30 Tết - Hồ Thị Thùy Trang Hồn mai trắng - Đặng Hoàng ThámBầu trời xuân cao lộng - Tường LinhMùa xuân vẫn còn - Bích NhànBên dòng sông Trà Nô ngày ấy - Giang Nguyên TháiXuân Mậu Thân 68 qua tác phẩm mỹ thuật - Trần Trung SángXuân Mậu Thân 1968: Vang vọng những lời thơ - Mai Bá ẤnTìm - Trương Đình ĐăngXuân trừu tượng - Đỗ Thượng ThếHạt muối - Huỳnh Trương PhátGiọt nắng giọt mưa - Trương Công MùiBến đợi - Xuân CừDụ ngôn - Phạm Tấn DũngTrích dẫn rêu xuân - Nguyễn Tấn SĩGửi em - Nguyễn Đăng KiênXuân tình - Như HoàiPhận cỏ - Huỳnh Thúy KiềuChầm chậm cùng mùa - Thu ThủyThổn thức mùa xuân - Bùi Mỹ HồngXúc lộ - Nguyễn Thị Anh ĐàoLỗi hẹn mùa xuân - Nguyễn Nho thùy DươngNiềm xuân - Nguyễn Hoàng ThọNhững ô cửa mở ra mùa xuân - Kai HoàngMùa xuân trong thành phố - Nguyễn Đông NhậtTHANH QUẾ - TQVới người bái hoa mai* - Ngân VịnhLộc xuân - Tăng Tấn TàiVô thường - Vạn LộcTự vấn xuân - Trần Trình LãmMùa xuân có đắng? - Tần Hoài Dạ VũMùa trăng thiếu nữ - Trịnh Bửu HoàiVà mùa lại về - Hoàng Hương ViệtĐêm Trường Sa nhớ mẹ - Nguyễn Tiến NênTrong khu vườn cỏ dại - Đinh Thị Như ThúyThơm thảo - Lê Huy HạnhMùa lỡ quên - Nguyễn Hoàng SaQuà quê - Quốc LongGọi thầm lá phong - Lê Anh DũngRộn ràng xuân - Thái Bảo - Trương ĐỳnhChiều xuân uống rượu một mình - Xuân TrườngChuông chùa ở Trường Sa - Nguyễn Xuân TưĐêm sáng - Nguyễn Nho KhiêmBên sông chiều cuối năm - H.ManKể chuyện tình bằng lời ca dao(*) - Văn KhoaNguyễn Ngọc Hạnh - Phơi nỗi buồn lên thơ - Phạm Phú PhongTác phẩm đoạt giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng năm 2017 - Phạm Thị Hải DươngSáng láng một mùa Xuân Như ý - Chế Diễm TrâmĐể làm ra những trang sách...- Trương Điện ThắngDạo chơi với những sắc màu - Lê Huy HạnhHình tượng chó trong văn hóa Việt - Đinh Thị TrangCon chó của thần hộ mệnh Siva-Bhairava và chín vị thần tinh tú trong nghệ thuật Chăm-pa - Trần Kỳ Phương