Đà Nẵng 2017 - Một năm bội thu về văn hóa - Bùi Văn Tiếng

25.01.2018

Đà Nẵng 2017 - Một năm bội thu về văn hóa - Bùi Văn Tiếng

1. Có thể nói năm 2017 là năm bội thu của văn hóa Đà Nẵng, trước hết là về phương diện bảo tồn di sản văn hóa. Chiều ngày 24 tháng 5, trên đỉnh đèo Hải Vân, ngành Văn hóa và Thể thao hai địa phương Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng đã tổ chức lễ công bố quyết định và đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Hải Vân Quan theo Quyết định số 1531/QĐ-BVHTTDL ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Điều đáng nói nhất là lần đầu tiên một di sản văn hóa vật thể của quốc gia được giao cho hai địa phương cấp tỉnh thay mặt cả nước cùng chung tay quản lý. Năm Bính Tuất 1826, vua Minh Mạng cho xây dựng Hải Vân Quan - một kiểu Vọng Hải Đài để tăng cường phòng thủ cửa Hàn/vũng Thùng theo hướng tây đông, đồng thời đóng vai trò một cứ điểm phòng thủ kinh thành Huế từ xa trên đường thiên lý bắc nam. Nhiều thập niên qua, do Hải Vân Quan nằm giữa ranh giới hành chính của hai địa phương Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng nên rơi vào tình cảnh “cha chung không ai khóc” và đã trở thành hoang phế đến đau lòng. Chính vì thế, việc ngành Văn hóa và Thể thao hai địa phương cùng nhau lập hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích cấp quốc gia đối với Hải Vân Quan trong năm 2017 thực sự đã giải cứu di sản “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” thoát khỏi nguy cơ thành... phế tích.

2. Ngày mồng 7 tháng 12, người Đà Nẵng nói riêng, người miền Trung nói chung hào hứng đón nhận tin vui: tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ XII của UNESCO diễn ra tại Jeju Hàn Quốc, Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ được UNESCO chính thức ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Như vậy trong vòng hai năm qua, các nghệ nhân dân gian bài chòi và những người yêu thích bài chòi ở thành phố bên sông Hàn chứng kiến di sản bài chòi của cha ông xưa liên tiếp được vinh danh: lần trước vào tháng 11 năm 2016 - khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 4036/QĐ-BVHTTDL công nhận Nghệ thuật hô/hát Bài chòi dân gian ở thành phố Đà Nẵng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, và lần này nữa... Nhân đây cũng xin nói thêm rằng trong bảo tồn di sản văn hóa, vấn đề cơ sở xã hội tương thích là rất quan trọng. Bài chòi được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, Nghệ thuật hô/hát Bài chòi dân gian ở thành phố Đà Nẵng được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhưng bài chòi cũng không dễ được bảo tồn, vì bài chòi không chỉ có hô/hát theo những làn điệu/bài bản nhất định mà còn có yếu tố trò chơi dân gian. Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017 có tiết mục bài chòi nhưng đó là bài chòi sân khấu hóa, cũng có chòi nhưng là chòi để trang trí cho ra vẻ bài chòi, cũng có người chơi bài nhưng là diễn viên đóng vai người chơi bài, chỉ có hô/hát theo làn điệu bài chòi là... giống như thật - nghĩa là cũng diễn. Lễ hội mục đồng làng Phong Lệ độc đáo như vậy, dân chủ như vậy nhưng do thiếu cơ sở xã hội tương thích - thời buổi này ở Phong Lệ làm gì còn... mục đồng - nên cũng chỉ có thể đưa vào... bảo tàng để bảo tồn. Không phải ngẫu nhiên mà đối với Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ công nhận Nghệ thuật hô/hát Bài chòi dân gian - chứ không phải Nghệ thuật Bài chòi dân gian nói chung - là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

3. Trước sự kiện Jeju nói trên hai ngày - vào chiều ngày mồng 5 tháng 12, cả 25/25 thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã bỏ phiếu thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận Thành Điện Hải là Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia đặc biệt. Đây là một tin vui đồng thời cũng là một trách nhiệm ngày càng lớn đối với người Đà Nẵng. Thành Nhà Hồ ở Thanh Hóa với kiến trúc độc đáo như thế, quy mô hoành tráng như thế, được công nhận là di sản văn hóa thế giới sang trọng như thế, cũng chưa hề kinh qua chiến trận và chưa từng bị ngoại bang chiếm đóng, vậy mà cũng khó giữ nguyên vẹn từng phiến đá/từng viên gạch như thuở ban đầu - đến nay các kiến trúc cung điện, tường gạch bên trên thành cùng các bộ phận bằng gạch/gỗ bị sụp đổ thậm chí bị hủy hoại và ngay tòa thành bằng đá cũng có phần bị sạt lở... Nói xa xôi như vậy để thấy đối với Thành Điện Hải ở Đà Nẵng, với tư cách một di sản vật thể gần hai trăm năm tuổi, giữ cho nguyên vẹn từng viên gạch như thuở ban đầu là điều không dễ thậm chí không thể, huống chi Thành Điện Hải từng mấy lần xông pha lửa đạn, bị đối phương chiếm đóng nhiều thập niên và đã làm biến dạng kiến trúc vốn có của thành. Và không chỉ người Pháp mà cả người Việt và chủ yếu là người Việt trong nhiều thập niên qua cũng đã làm biến dạng kiến trúc vốn có của thành còn mạnh tay hơn cả người Pháp, may mà chưa đến mức biến di tích thành... phế tích. Nói xa xôi như vậy cũng không phải để đổ tội cho khách quan mà là để thấy rõ hơn trách nhiệm chủ quan của người Đà Nẵng và của ngành văn hóa, và quan trọng hơn là để các giải pháp đề xuất có thể xuất phát từ chính thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thành Điện Hải hiện nay. Giá như hồi mới thống nhất đất nước năm 1975, chúng ta có đủ cơ sở khoa học, có đủ quyết tâm chính trị và có nhận thức đúng hơn về lịch sử/ văn hóa để trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt thì có lẽ giải pháp bảo tồn và phát huy đề ra lúc này sẽ thuận lợi hơn, và/vì chắc chắn đã không có nhiều “bóng đè trên thành Điện Hải” không chỉ ở phía đông mà còn ở phía nam và ngay cả trong thành như bây giờ. Có điều lịch sử luôn nói “không” với chữ “nếu”...

4. Đối với Đà Nẵng, năm 2017 còn là đỉnh cao của giao lưu văn hóa quốc tế thông qua các điểm nhấn văn hóa của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 - sự kiện ngoại giao lớn nhất trong vòng mười năm qua ở nước ta do Việt Nam đăng cai tổ chức tại thành phố bên sông Hàn. Điểm nhấn văn hóa nổi bật nhất đủ sức đi cùng năm tháng và lưu lại dấu ấn dài lâu trong lòng cư dân bản địa chính là Vườn tượng APEC 2017 bên bờ sông Hàn vừa mới khai trương hôm mồng 9 tháng 11. “Khởi nguyên” là tác phẩm đại diện cho Việt Nam góp mặt tại Vườn tượng APEC 2017 được Lê Lạng Lương lấy cảm hứng nghệ thuật từ sự hội tụ của nhiều khối cổ thụ nhằm thể hiện sức mạnh vô song của những kết nối lịch đại và đồng đại. Còn nhớ nhà điêu khắc Chu Văn Tuyển - tác giả bức tượng Sức sống đại diện cho Việt Nam góp mặt tại Vườn tượng APEC 2015 ở thủ đô Philippines - cũng lấy cảm hứng nghệ thuật từ cây cối để khắc họa sự vươn lên mạnh mẽ của một mầm cây trong môi trường khắc nghiệt. Ngoài bức tượng đá Khởi nguyên của nhà điêu khắc Việt Nam Lê Lạng Lương vừa nêu, còn có bức tượng gỗ kết hợp kim loại mang tên Nơi gặp gỡ của nhà điêu khắc Australia William Stackhouse, hay bức tượng mang tên Liên kết của nhà điêu khắc Singapore Tan Wee Lit... cùng góp phần thể hiện bằng ngôn ngữ tạo hình chủ đề của Năm APEC 2017 - “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Thậm chí, nhà điêu khắc Hàn Quốc Lee Joon Heeis còn dùng ngay chủ đề này để đặt tên cho bức tượng của mình là Beginning: Creating new dynamism, fostering a shared future... Đến nay các nền kinh tế thành viên APEC - trừ Thái Lan đang có quốc tang - đều gửi tượng đến góp mặt tại Vườn tượng APEC 2017 với những thông điệp nghệ thuật thống nhất mà đa dạng. Chẳng hạn, qua bức tượng Hào quang của lý trí được tạo thành từ những khối đá xếp chồng lên nhau, có nguồn gốc khai thác từ Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, châu Phi, Canada, Na Uy, Australia, Hoa Kỳ, Brazil và cả Việt Nam, nhà điêu khắc Nhật Bản Kunutani Kota muốn chuyển tải thông điệp nghệ thuật của riêng mình: để kiến tạo nền hòa bình cho nhân loại, con người không thể thiếu sự nỗ lực bền bỉ giống như việc chồng xếp các khối đá trong bức tượng này. Điều mà những người yêu thích nghệ thuật điêu khắc mong muốn bây giờ là làm thế nào diện tích Vườn tượng APEC 2017 có thể được mở rộng hơn về phía nam cho xứng với tầm cỡ một công trình giao lưu văn hóa quốc tế.

B.V.T

Bài viết khác cùng số

Nhớ mùa hoa ven sông - Lê Ngọc NamĐà Nẵng - Tết Mậu Thân 1968 - Ngọc ThanhQuê hương tuổi thơ tôi - Huỳnh Viết TưLửa Tết - Vũ Thị Huyền TrangTết trong lòng - Phạm Thị Hải DươngĐất trời ươm Tết tự bao giờ - Ngô Thị Thục TrangMột thoáng Tết xưa - Lê Ngọc ThạnhMùa xuân trên Cảng Thọ Quang - Hoàng Tây HòaĐà Nẵng 2017 - Một năm bội thu về văn hóa - Bùi Văn TiếngBác Hồ với Tết năm Tuất đầu tiên sau ngày nước nhà độc lập - Vân trìnhChuông reo - Trần Đức TiếnThơ ngắn - Xuân HiệuNgày xuân, cảm nhận đôi điều về văn hóa ứng xử của người Hàn Quốc - Dân HùngCâu chuyện ngày 30 Tết - Hồ Thị Thùy Trang Hồn mai trắng - Đặng Hoàng ThámBầu trời xuân cao lộng - Tường LinhMùa xuân vẫn còn - Bích NhànBên dòng sông Trà Nô ngày ấy - Giang Nguyên TháiXuân Mậu Thân 68 qua tác phẩm mỹ thuật - Trần Trung SángXuân Mậu Thân 1968: Vang vọng những lời thơ - Mai Bá ẤnTìm - Trương Đình ĐăngXuân trừu tượng - Đỗ Thượng ThếHạt muối - Huỳnh Trương PhátGiọt nắng giọt mưa - Trương Công MùiBến đợi - Xuân CừDụ ngôn - Phạm Tấn DũngTrích dẫn rêu xuân - Nguyễn Tấn SĩGửi em - Nguyễn Đăng KiênXuân tình - Như HoàiPhận cỏ - Huỳnh Thúy KiềuChầm chậm cùng mùa - Thu ThủyThổn thức mùa xuân - Bùi Mỹ HồngXúc lộ - Nguyễn Thị Anh ĐàoLỗi hẹn mùa xuân - Nguyễn Nho thùy DươngNiềm xuân - Nguyễn Hoàng ThọNhững ô cửa mở ra mùa xuân - Kai HoàngMùa xuân trong thành phố - Nguyễn Đông NhậtTHANH QUẾ - TQVới người bái hoa mai* - Ngân VịnhLộc xuân - Tăng Tấn TàiVô thường - Vạn LộcTự vấn xuân - Trần Trình LãmMùa xuân có đắng? - Tần Hoài Dạ VũMùa trăng thiếu nữ - Trịnh Bửu HoàiVà mùa lại về - Hoàng Hương ViệtĐêm Trường Sa nhớ mẹ - Nguyễn Tiến NênTrong khu vườn cỏ dại - Đinh Thị Như ThúyThơm thảo - Lê Huy HạnhMùa lỡ quên - Nguyễn Hoàng SaQuà quê - Quốc LongGọi thầm lá phong - Lê Anh DũngRộn ràng xuân - Thái Bảo - Trương ĐỳnhChiều xuân uống rượu một mình - Xuân TrườngChuông chùa ở Trường Sa - Nguyễn Xuân TưĐêm sáng - Nguyễn Nho KhiêmBên sông chiều cuối năm - H.ManKể chuyện tình bằng lời ca dao(*) - Văn KhoaNguyễn Ngọc Hạnh - Phơi nỗi buồn lên thơ - Phạm Phú PhongTác phẩm đoạt giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng năm 2017 - Phạm Thị Hải DươngSáng láng một mùa Xuân Như ý - Chế Diễm TrâmĐể làm ra những trang sách...- Trương Điện ThắngDạo chơi với những sắc màu - Lê Huy HạnhHình tượng chó trong văn hóa Việt - Đinh Thị TrangCon chó của thần hộ mệnh Siva-Bhairava và chín vị thần tinh tú trong nghệ thuật Chăm-pa - Trần Kỳ Phương