Hồn mai trắng - Đặng Hoàng Thám

25.01.2018

 Hồn mai trắng - Đặng Hoàng Thám

Ông ta quả quyết với tôi rằng, con người từ lúc sinh ra đến khi nhắm mắt thì chuyện buồn bao giờ cũng nhiều hơn chuyện vui! Con người là một bi kịch mà thượng đế đã gây dựng lên để ông ấy làm trò chơi cho vui! Còn “sinh, lão, bệnh, tử” là nỗi buồn triền miên của nhân loại - Vị đạo sĩ trên núi nói với tôi như vậy và ông ta có vẻ hài lòng với hoàn cảnh của mình...

 

Hồi đó, mỗi khi cận Tết, tôi và Huy nai nịt gọn gàng, mang theo lương khô vài ngày đi sâu vào khe núi Voi để tìm mai rừng. Mai hoang dã ở vùng núi này có khá nhiều, mọc theo những kẹt, hốc đá. Nhưng để tìm được một vài cây mai có dáng đẹp, hoa nhiều cánh  cũng không phải là chuyện dễ.

Tôi và Huy dẫn theo hai con chó săn. Một con khá già tên Luc-Ki, một con vừa trưởng thành tên là Mi-Sa. Hai con chó này rất mạnh mẽ và sung sức. Tuy thường ngày là bạn hàng xóm với nhau, nhưng khi có một “bóng hồng” nào đó xuất hiện thì hai chàng hầm hè, gầm gừ nhau như thể sắp xảy ra trận ác chiến. Cuối cùng, thì bao giờ cũng có một anh nhường. Nhưng nếu quan sát kỹ, người ta thấy anh bị thua thiệt có vẻ bất mãn lắm! Giống như bị ép buộc, phải miễn cưỡng chấp nhận chứ chẳng vui vẻ gì. Còn “cô nàng” kia, không thể nào ai biết được cô ấy vui hay buồn trong chuyện luyến ái tay ba ấy? Nhưng rồi những đàn chó con kháu khỉnh, dễ thương cứ tiếp tục ra đời, quây quần, ngậm nút say sưa, bầm bập những cái vú nhăn nheo, teo nhách đã qua mấy mùa sinh đẻ!

Vượt qua dòng suối trong veo tới ống chân, nước chảy róc rách luồn qua những khe đá gan gà trơn nhẫy. Chúng tôi đi dọc theo lối mòn ven suối. Dấu chân chi chít của nhiều loài chim, thú còn in khá rõ ven những bãi cát nhỏ, hiếm hoi. Rừng đại ngàn thâm u. Xạc xào, vi vu tiếng gió thổi qua những tàn cây hun hút. Chúng tôi len lỏi, đeo bám nơi những vách đá chen với cây rừng hiểm trở. “Không hiểu vì sao cây mai lại rất ưa thích những nơi khô cằn, thiếu đất dinh dưỡng? Nhưng những cành mai ở đó rất đẹp, nở  nụ  mạnh mẽ, đúng thời tiết như có một sự giao hòa với đất trời!”- “Cấm Sơn, Núi Voi  đã có hàng mươi triệu năm rồi, nó từ dưới  biển nhô lên!”- Huy nói - Hồi đi học, cậu ta rất giỏi môn sử, địa lý.

Chúng tôi làm dấu những cây mai ưng ý, để đó và đi tiếp. Trời xế bóng. Ánh nắng vàng nhạt xuyên lốm đốm qua những tán cây rừng rậm rạp. Chúng tôi phải đi kịp về Vồ Thiên Tuế để nghỉ đêm. Nơi đây có xóm dân cư nhỏ trên núi với chừng mươi hộ làm rẫy, săn thú. Chúng tôi đi men theo con đường mòn quanh co xuống một thung lũng hẹp rồi băng lên một dốc núi cao, đường lên Vồ Thiên Tuế khá hiểm trở. Trời chập choạng tối. Khói sương bốc lên nghi ngút la đà, bàng bạc khắp núi rừng... Xóm nhà trên núi lờ mờ ẩn hiện trong làn sương trắng lành lạnh của buổi chiều đông.

“Chủ nhà ơi! Xin mở cổng... Xin mở cổng”

“... Các người là ai?”

“Dạ... Chúng tôi là... “Người ở rừng lá mối”1

“... Chờ một chút”

“Xin cám ơn!... Xin cám ơn”

Một cô gái dáng mảnh mai, nhẹ nhàng ra mở cổng. Cô mặc bộ đồ bà ba trắng mà các cô gái hay mặc khi đi am, điện hoặc những lúc cúng lễ. Ở vùng này người ta theo đạo của thầy Ngô Lợi2 nhiều lắm. “Xin mời các huynh vào...”  -Giọng cô thánh thót. Tôi và Huy  bước qua cổng khu vườn. Có một tấm biển gỗ viết bằng sơn đỏ, đề “Lâm gia đường” treo trên thân cây ngọc lan cổ thụ. Dọc dài theo lối đi của những bậc tam cấp thoai thoải có trồng nhiều hoa và cây thuốc. Đá tảng to, nhỏ rải rác trong vườn. Nơi này giống như một sơn trang trong phim kiếm hiệp. Tôi nhủ thầm. Luc-Ki và Mi-Sa ngoắt đuôi bám theo sát tôi và Huy.

Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt và gây ấn tượng cho tôi là một cụ già râu tóc trắng như bông đứng bên thềm một ngôi nhà sàn cao ráo, rộng rãi. Dưới chân cụ có một con chó cò, mũi đỏ, tai vểnh. Hình như nó là một con chó cái, bởi cái dáng vóc của nó có vẻ yểu điệu! Mi-Sa và Luc-Ki đánh hơi hít hít cái mũi, kêu rít hư hứ trong cổ, chúng rùn bộ, đuôi sè sè như cây chổi cùn quét nhè nhẹ, líu ríu ngang mặt đất.

“Xin chào thầy... Tụi con đi tìm mai. Nếu không có gì trở ngại ....Xin thầy cho tá túc đỡ một đêm”

“Các người ở dưới chợ ư?”

“Dạ thưa phải ạ!” 

“Các người săn tìm mai để bán hay là chơi?”

Tôi nháy mắt với Huy - “Thưa thầy... Tụi con sưu tầm mai để làm kiểng và không bán”

“Thôi vào nhà nghỉ. Tối nay uống trà với ta”

“Cám ơn thầy...”

Cô gái áo trắng dẫn chúng tôi vào cái chái bên hông nhà. Nơi đây có một bộ “ván ngựa” rất bóng loáng và sạch. “Đêm nay các anh ngủ ở đây”.

Khi đã yên nơi chỗ, chúng tôi dọn cơm nắm ra ăn. Tôi nhìn quanh tìm

Luc-Ki và Mi-Sa. Bọn chúng đã biến mất. “Hai thằng này đi theo cái rồi! Dữ thật...” - Huy lầm bầm rủa sả: “Có ngày chúng bay sẽ toi mạng!”

Vầng trăng mười tám đã nhô lên khỏi sườn đông núi Voi. Cảnh vật kỳ vĩ của miền sơn cước sáng dần lên. “Ngày rằm trăng đúng. Mười sáu trăng treo. Mười bảy trải chiếu. Mười tám nám trấu. Mười chín nín canh. Hai mươi giáp cốt. Hai mươi mốt nửa đêm”. Tôi thường lẩm bẩm câu “thiệu” để tính giờ khắc những đêm trời có trăng. Chúng tôi theo cô gái vòng qua một cái sân rộng ở chếch hiên nhà. Ông cụ đã ngồi dưới gốc táo rừng tự bao giờ với chiếc bình sứ trắng và mấy cái chung nhỏ. “Tiểu Nhi... châm trà đi con”. Cô gái dạ nhỏ khẽ khàng. Trong ánh trăng sáng trong, mượt mà như sữa, Tiểu Nhi đẹp thật lạ lùng. Tối nay cô khoác bộ áo cánh như các tiểu tiên nữ. Cụ ông đầu búi tóc củ tỏi, dáng tiên phong đạo cốt. Tôi đã từng nghe nói về những đạo sĩ của Thất Sơn. Có lẽ cụ ông là một trong những người ấy.

 

“Cây có ba thân mộc gọi là tam tài, thể hiện một  tiểu vũ trụ thu nhỏ, trong đó con người là nhân tố vật chất và tâm linh cấu thành thế ba chân vạc của trời đất, không thể thiếu được! Ba thân mộc hoặc ba nhánh còn được hiểu là tam đa. Nếu cây có bốn nhánh được xem như tứ linh hay tứ quý. Nếu cây kiểng có năm nhánh, có thể gọi là ngũ phúc.

Cây mẹ bốn nhánh, cây con ba nhánh có hình dáng mảnh mai, mềm mại  thể hiện nữ tính thì ứng với tam tòng, tứ đức của người phụ nữ. Cây cha có năm nhánh, cây con ba nhánh tượng trưng cho tam cang, ngũ thường của  bậc  túc nho, quân tử.

“Dịch” chuyển theo quan niệm vô vi của Lão, đơn giản mà huyền diệu theo lẽ tuần hoàn, cùng với sự giao hòa cũng như đối kháng của âm dương, thái cực mà tạo ra sự tương sinh, tương khắc, có không, không có!... Nhánh ở giữa thân cây kiểng gọi là nghinh sương, trên cao ngoặt xuống gọi là chiếu thủy, nhánh ở giữa ôm sát thân gọi là trung bình. Hình thể của cây kiểng thể hiện những tư tưởng biến dịch theo âm dương, ngũ hành của “Đạo”.

...Người chơi cây kiểng khi đã đạt đến “cảnh giới” thì xem cây kiểng như là  đồng loại, có hình, có sắc, có thanh, có khí! Ở môi trường ấy, thiên nhiên, con người và nghệ thuật đã hòa hợp thành một thể thống nhất, một tiểu vũ trụ trong lòng một đại vũ trụ bao la! Cây kiểng có khi cũng như con người...”.

Tôi và Huy vô cùng thán phục trước sự uyên bác của cụ “Tiên ông”. Có thể nói cụ là một nhà “kiểng học” mặc dù cụ ẩn dật giữa núi rừng hoang dã. Tiểu Nhi thỉnh thoảng châm trà thêm cho chúng tôi và đôi mắt cô khẽ liếc nhẹ. Không hiểu giữa tôi và Huy cô ấy chú ý ai!? Mi-Sa và Luc-Ki làm quen rất nhanh với “Phi Tuyết”- tên của con chó cò - cả bọn kéo nhau ra vồ đá cuối sân giỡn trăng, thỉnh thoảng chúng cao hứng tru tréo, phát ra những thanh âm cao vút.

Chúng tôi từ giã cụ “Tiên ông” và Tiểu Nhi khi trời chưa sáng hẳn. Trăng trên cao tỏa sáng vành vạnh, treo nghiêng trên đỉnh núi. Vườn hoa kiểng của “Lâm gia” tỏa hương phảng phất. Có một cây bạch mai khẳng khiu, thanh thoát như hình người con gái đứng đợi ai trong màn sương trắng la đà lúc đậm, lúc nhạt, mơ hồ và hư ảo. “Thỉnh thoảng có đi ngang ghé ta nhé!”- Ông cụ hình như thích có người để tâm sự về cái “đạo” chơi hoa kiểng. Cô gái - con của ông ấy - lúc thì vui vẻ, lúc thì nghiêm túc không đoán được!

Năm sau, vào một mùa trăng cận Tết, tôi có công việc đi xa... Ở nhà,  Huy dẫn Mi-Sa và Luc-Ki lên núi. Có một điều vô cùng bất ngờ là Huy ở lại luôn trên ấy. Tết đến anh vẫn không về nhà dù tôi và chị của anh ta có lên chỗ “Tiên ông”  và “Tiểu  Tiên nữ” “mời” anh về. “Tôi đã hứa với Tiểu Nhi và ông cụ ở lại đây luôn rồi! Bây giờ ông cụ đã quy tiên. Tiểu Nhi có một mình. Tôi không thể bỏ cô ấy cô độc giữa  núi rừng hoang vắng này được! Còn cô ấy thì cũng kiên quyết không rời khỏi “Lâm gia”, nơi mà cô đã sống từ bé đến giờ...” Huy nói với tôi rất nghiêm túc.

...Thỉnh thoảng tôi có lên núi tìm cây thuốc, ghé thăm Huy và uống trà với anh. Luc-Ki ở lại với Huy, còn con Mi-Sa tôi bắt về. Mi-Sa có vẻ không hài lòng lắm khi theo tôi trở xuống đồng bằng.

Ra giêng năm ấy có một chuyện đáng buồn là: Luc-Ki đã rơi xuống vực khi đánh nhau với một bầy chó lạ. Nó chết mà hai mắt vẫn mở trừng trừng.

 

...Hai mươi năm sau, tôi trở về núi Voi. Đã có đường ô tô chạy lên núi. Tôi tìm đến “Lâm gia” thăm Huy. Cái nhà sàn năm xưa vẫn còn, nhưng trông xác xơ, cũ kỹ lắm!

“Ông là ai? Đi tìm ai?”- Huy không nhìn ra tôi.

“Tôi là “Người ở rừng lá mối” - Huy!... Cậu không nhận ra tôi à?”

Vị đạo sĩ mặc áo già lam nhìn tôi chằm chằm, rồi mừng rỡ: “Trời ơi! Việt đây mà. Sao cậu đi đâu mà lâu quá vậy?... Hơn hai mươi năm rồi!”. Nghe Huy nói, tôi bàng hoàng như mới vừa hôm qua.

“Tiểu tiên nữ...Tiểu Nhi đâu?”

“Cô ấy đã chết... Cách đây gần mười năm!”

“Trời ơi!... Sao vậy?”

“Đi săn tìm mai với tôi, chẳng may bị “chàm quạp”3 cắn chết”- Huy thở dài: “...Năm ấy, có người ở Sài Gòn lên đây đặt  mua giá cao một cây mai trắng có bộ hình ứng với “Tam tòng, tứ đức”. Gần Tết đến, ở trên núi... không có tiền mua sắm.Tôi dẫn Tiểu Nhi đi tìm cây Bạch mai ở tận bên núi Tà Lơn của người Miên. Qua mấy ngày đường gian nan, vất vả, chúng tôi đã gặp cây mai như ý. Tôi và Tiểu Nhi hì hục  đào, bứng suốt ngày hôm ấy. Cây Bạch mai được cưa cắt và  vô “bội” cẩn thận, gọn gàng, chuẩn bị sáng ngày mai gánh xuống núi, mang về... Đêm ấy, tôi và nàng ngủ mê mệt dưới gốc một cây mai rừng. Nửa khuya chợt có cơn mưa nhẹ... Hừng đông sáng, tôi lay Tiểu Nhi dậy thì cô ấy đã chết cứng! mồm sôi bọt mép, những ngón chân tím tái, mắt đứng tròng! Tôi vô cùng đau đớn, khóc than vật vã... Rừng mai quanh tôi như lún sụt. Bầu trời như sập đè tôi xuống mặt đất còn ươn ướt... Cơn mưa! Chính cơn mưa hồi khuya là thủ phạm! Cơn mưa trái mùa không hẹn ấy đã làm tỉnh thức những con rắn “chàm quạp” đang ngủ đông! Bọn nghiệt súc này thông thường chỉ xuất hiện vào đầu mùa mưa ở Thất Sơn”.

Bây giờ Huy đã trở thành đạo sĩ và là thầy thuốc rắn nổi tiếng. Huy đã cứu được rất nhiều người bị rắn cắn, kể cả bọn “chàm quạp” cực độc! Cây Bạch mai mà Huy tìm được năm ấy, anh đã không bán. Quanh gốc Bạch mai này, thầy “Thích Sa Ma”- pháp danh của Huy - trồng khá nhiều cây “Ngải lửa” là loại dược liệu chủ yếu và quan trọng trong thành phần bài thuốc chữa trị rắn cắn rất có hiệu quả! “Tiểu Nhi đã nhập hồn vào cây Bạch mai... Cô ấy đã chỉ cho tôi bài thuốc trị bất cứ loài rắn độc nào!”. Tôi thoáng nghi ngờ lời nói của Huy. Có thể anh ta trong quá trình nghiên cứu, học hỏi đã tập hợp được những bài thuốc dân gian!? Nhưng cũng có thể cái chết của “Tiểu tiên nữ” đã ám ảnh anh, thôi thúc  anh phải đi tìm cho được bài thuốc cứu người!?

 “Xin chào ông!... Mời ông dùng trà với thân phụ của cháu”- Tôi giật mình quay lại. Cô gái mảnh mai, thanh thoát giống như in Tiểu Nhi ngày xưa. “Nó là con gái của tôi đấy! Chắc anh thấy nó giống mẹ nó lắm phải không?”...

Bóng chiều lịm tắt. Trăng non nhô qua đỉnh núi Voi xanh xao, mờ ảo. Thất Sơn chìm đắm trong những cơn gió se lạnh cuối mùa đông.

 

1 “Người ở rừng lá mối”: Ở vùng Thất Sơn, những người nghèo đi vào rừng hái lá mối để bán. Họ có lời thề độc là phải lương thiện, không trộm cắp và luôn cứu giúp người nếu có thể…

2 Ngô Lợi: tên thật là Ngô Viện, tự Ngô Lợi (1831-1890), còn gọi là ông Năm Thiếp, Đức bổn sư, người sáng lập ra đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa  ở vùng Thất Sơn. Ông còn là một thủ lĩnh chống Pháp.

3Chàm quạp: một loài rắn cực độc. Khi mưa xuống xuất hiện ở Thất Sơn khá nhiều.

Đ.H.T

Bài viết khác cùng số

Nhớ mùa hoa ven sông - Lê Ngọc NamĐà Nẵng - Tết Mậu Thân 1968 - Ngọc ThanhQuê hương tuổi thơ tôi - Huỳnh Viết TưLửa Tết - Vũ Thị Huyền TrangTết trong lòng - Phạm Thị Hải DươngĐất trời ươm Tết tự bao giờ - Ngô Thị Thục TrangMột thoáng Tết xưa - Lê Ngọc ThạnhMùa xuân trên Cảng Thọ Quang - Hoàng Tây HòaĐà Nẵng 2017 - Một năm bội thu về văn hóa - Bùi Văn TiếngBác Hồ với Tết năm Tuất đầu tiên sau ngày nước nhà độc lập - Vân trìnhChuông reo - Trần Đức TiếnThơ ngắn - Xuân HiệuNgày xuân, cảm nhận đôi điều về văn hóa ứng xử của người Hàn Quốc - Dân HùngCâu chuyện ngày 30 Tết - Hồ Thị Thùy Trang Hồn mai trắng - Đặng Hoàng ThámBầu trời xuân cao lộng - Tường LinhMùa xuân vẫn còn - Bích NhànBên dòng sông Trà Nô ngày ấy - Giang Nguyên TháiXuân Mậu Thân 68 qua tác phẩm mỹ thuật - Trần Trung SángXuân Mậu Thân 1968: Vang vọng những lời thơ - Mai Bá ẤnTìm - Trương Đình ĐăngXuân trừu tượng - Đỗ Thượng ThếHạt muối - Huỳnh Trương PhátGiọt nắng giọt mưa - Trương Công MùiBến đợi - Xuân CừDụ ngôn - Phạm Tấn DũngTrích dẫn rêu xuân - Nguyễn Tấn SĩGửi em - Nguyễn Đăng KiênXuân tình - Như HoàiPhận cỏ - Huỳnh Thúy KiềuChầm chậm cùng mùa - Thu ThủyThổn thức mùa xuân - Bùi Mỹ HồngXúc lộ - Nguyễn Thị Anh ĐàoLỗi hẹn mùa xuân - Nguyễn Nho thùy DươngNiềm xuân - Nguyễn Hoàng ThọNhững ô cửa mở ra mùa xuân - Kai HoàngMùa xuân trong thành phố - Nguyễn Đông NhậtTHANH QUẾ - TQVới người bái hoa mai* - Ngân VịnhLộc xuân - Tăng Tấn TàiVô thường - Vạn LộcTự vấn xuân - Trần Trình LãmMùa xuân có đắng? - Tần Hoài Dạ VũMùa trăng thiếu nữ - Trịnh Bửu HoàiVà mùa lại về - Hoàng Hương ViệtĐêm Trường Sa nhớ mẹ - Nguyễn Tiến NênTrong khu vườn cỏ dại - Đinh Thị Như ThúyThơm thảo - Lê Huy HạnhMùa lỡ quên - Nguyễn Hoàng SaQuà quê - Quốc LongGọi thầm lá phong - Lê Anh DũngRộn ràng xuân - Thái Bảo - Trương ĐỳnhChiều xuân uống rượu một mình - Xuân TrườngChuông chùa ở Trường Sa - Nguyễn Xuân TưĐêm sáng - Nguyễn Nho KhiêmBên sông chiều cuối năm - H.ManKể chuyện tình bằng lời ca dao(*) - Văn KhoaNguyễn Ngọc Hạnh - Phơi nỗi buồn lên thơ - Phạm Phú PhongTác phẩm đoạt giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng năm 2017 - Phạm Thị Hải DươngSáng láng một mùa Xuân Như ý - Chế Diễm TrâmĐể làm ra những trang sách...- Trương Điện ThắngDạo chơi với những sắc màu - Lê Huy HạnhHình tượng chó trong văn hóa Việt - Đinh Thị TrangCon chó của thần hộ mệnh Siva-Bhairava và chín vị thần tinh tú trong nghệ thuật Chăm-pa - Trần Kỳ Phương