Một thoáng Tết xưa - Lê Ngọc Thạnh
1. Mặc cho cơn mưa tháng Chạp kéo dài da diết, những hạt bụi li ti rơi nghiêng nghiêng đủ để ướt thẫm xuống mặt đất thì hơn một nửa số cây vạn thọ trước cửa nhà vẫn cứ ra nụ đầu tiên. Phát hiện ra sự kiện thật bình thường ấy, tôi thấy sướng cả mắt, cứ đi đi lại lại từ nhà ra ngõ thăm hai hàng tiêu binh, vạch lá trên ngọn để ngắm nhìn những nụ hoa lớn dần. Điều này hứa hẹn đến đúng dịp Tết, hoa nở ra dáng hình mâm xôi, và phải đến hơn mồng Mười tháng Giêng mới bắt đầu tàn được...
Quê tôi, dẫu giàu hay nghèo thì trong nhà ngày Tết chí ít phải có vài nhánh hoa vạn thọ. Tuy không khoe sắc như cúc, quý phái như hoa hồng, mong manh như thược dược, mạnh mẽ như bông giấy, song vạn thọ vẫn có vị trí đặc biệt của riêng mình. Cùng với lay - ơn, hoa huệ, vạn thọ được đứng trên bàn thờ tôn nghiêm để đón tiếp các cụ về thăm trong khoảng thời gian gần bốn ngày nơi quê cũ. Trong cái không khí trầm mặc, mơ mơ màng màng được bao phủ bởi màn sương khói của nhang trầm, ai mà không cảm thấy lòng mình như chùng xuống trước bao bộn bề, lo toan của cuộc sống thường ngày.
Chẳng ai nói, làm nông là sướng cả! Nhưng hình như đằng sau của những vất vả, âu lo từ câu chuyện mới hạn hán đấy giờ đã chuyển sang lũ lụt, rồi đói no đến lễ nghĩa đủ thứ trên đời đều trông chờ vào hạt lúa, trời cho người nông dân tháng Chạp an nhàn để có thời gian suy ngẫm cuộc đời và chuẩn bị đón Tết Âm lịch. Lúa đã cấy hoặc sạ xong từ cuối tháng Mười hoặc nếu có muộn cũng chỉ đến đầu tháng Mười Một, giờ đã nở bụi, đẻ nhánh đủ sức để làm mạ, dặm lại những chỗ trống do trũng nước. Cả cánh đồng trải dài một màu xanh, của lúa, của sắc trời và cả cái xanh thăm thẳm của lòng người trong niềm vui rộn rã, lâng lâng như lời của bài hát: Xuân đến rồi đây ai nào biết không...
Mọi người ra đồng cấy dặm, làm cỏ sục bùn vài hôm nữa coi như là xong giai đoạn chăm sóc, chờ cây lúa làm đòng, ngậm sữa nữa và thu hoạch thôi mà. Bắt đầu qua Rằm, tranh thủ lúc trời nắng ráo là cả làng tập trung làm bánh, rim (mứt) các loại. Những nhà giàu khéo tay thì làm rim rẻ quạt. Loại này được làm từ nguyên liệu là đu đủ, tuy chẳng ngon nhưng rất đẹp mắt. Hình thù muôn vẻ, từ cá chép vượt vũ môn đến các loại chim trời cá nước khác đều được tỉa tót từ quả, rồi nhuộm phẩm màu tự nhiên với đường. Khó nhất là khâu rẻ quạt. Người chế biến vừa khéo tay, vừa chịu nóng để rẻ từng thanh của chiếc quạt tay ra xòe tròn theo hình bán nguyệt sau khi trộn đu đủ với nước đường. Và cũng nhờ nước đường âm ấm làm chất kết dính nên các thanh quạt không rời nhau ra được.
Cũng không thể thiếu được món rim gừng vì dễ làm, vị cay làm ấm tì vị phù hợp với chế độ ăn uống trong những ngày này. Làng quê thời ấy, mấy khi được ăn thịt cá vào ngày thường. Tất cả đều trông chờ vào dịp giỗ chạp và Tết đến. Hầu như khi vẽ ra hình ảnh của những bữa ăn ngon, cha mẹ đều hứa hẹn, chờ đến Tết nghen các con. Một lượng chất đạm, chất béo vượt quá tiêu chuẩn được dung nạp gấp gáp trong thời gian ngắn, dễ sinh bệnh đường ruột. Và rim gừng có tác dụng làm cho êm bụng ấm dạ. Ấy là cha tôi nhủ vậy.
Các loại bánh thì có bánh thuẫn, bánh kẹp chủ yếu được chế biến từ bột khoai hạ và trứng gà cùng với đường. Điều quan trọng là phải khuấy hỗn hợp trên cho đều, tức là mỗi tay cầm đâu khoảng vài chiếc đũa, đưa lên đưa xuống khắp lượt thật lâu, rồi nhỏ bột vào nước, thấy nằm lơ lửng là được. Người quê tôi gọi là, làm cho dậy bột để chiếc bánh được xốp nhẹ, không chặt cứng. Đổ bột vào khuôn đồng, sấy bánh trong thùng to được xếp theo vỉ từng lớp một. Rồi phơi lại dưới nắng, đưa vào thẩu thủy tinh để khỏi bị mềm lại, coi như xong công đoạn chế biến.
Song tôi thích nhất là món cốm. Gạo nếp được rang lên trong chảo lớn, làm cho hạt bung nở xòe theo hình bầu dục có dính ít vỏ thóc. Xong sàng đi sàng lại, rồi sảy nhẹ để loại vỏ thóc ra ngoài. Sau đó giã, rây thành bột, ngào với dung dịch đường với ít gừng đã nấu sẵn, đổ bột vào khuôn gỗ hình khối chữ nhật ép thành từng bánh. Món này ra giêng mang theo để ăn khi đi chăn bò, uống thêm ngụm nước chè pha loãng lấy vội của cha thì còn gì bằng!
Tất nhiên còn nhiều loại rim dễ làm nữa như: dừa, khoai lang, bí, cà rốt hoặc một số loại quả khác cũng được ngào chung với đường, rồi ép thành khuôn hình chữ nhật gọi là rim trộn. Tất cả những thứ ấy được khoe màu khi đặt trong nia để phơi nắng. Đi trong làng thời gian này như lạc vào giữa rừng hoa sắc thắm của các loại rim bánh. Thoang thoảng đâu đây mùi hương dịu ngọt của đường đen được nấu kẹo cho ta cái cảm giác thật thanh bình, mặc cho đâu đây tiếng bom đạn vẫn cứ vọng về...
2. Hàng loạt việc phải làm trong chuỗi sự kiện chuẩn bị cho ngày Tết là làm đẹp đường làng. Qua mùa mưa, nhất là những ngày mưa phùn lất phất cuối năm, những con đường đất trở nên lầy lội, sũng nước. Nhớ lại thời đó, chỉ có Tỉnh lộ 5, Quốc lộ đi ngang qua ấp Phú Lâm mới có đường nhựa, còn lại tất cả đều là đường đất. Khoảng sau Hai ba, đưa ông Táo về trời xong là cả làng tập trung gánh cát từ gò Bé, hoặc rừng Cà về san lấp các chỗ trũng, rải thảm cho con đường đất được sạch đẹp. Một số gia đình bắc thang rong tre, keo hoặc duối làm bờ giậu cho sạch sẽ, vuông vắn. Nhà có điều kiện thì vôi ve lại mặt tiền. Rồi tỉa cây cảnh, sắp xếp cho ngay hàng thẳng lối.
Nom các nhà trong làng giờ như khoác lên chiếc áo mới. Các cô gái quê tôi như xinh hẳn lên nhờ được dưỡng da sau ba tháng mùa mưa ngọt dịu. Có người còn dùng cả lá răm giã nhuyễn để tẩy trắng da mặt nữa chứ. Không hiểu có hiệu quả gì không, song chẳng thấy ai đi bệnh viện chi cả!
Khuya Hai chín rạng sáng Ba mươi, cả làng choàng tỉnh bởi muôn vàn âm thanh các loại. Thường thì mấy gia đình gần nhà hoặc do mối quan hệ quen biết rủ đụng nhau một chú lợn. Và đến giờ ấy, nửa đêm gà gáy canh ba, tiếng eng éc đồng loạt vang lên từ đầu làng đến cuối xóm.
Đến sáng, mọi việc coi như đã tinh tươm. Tất cả đều được chia đều cho mọi người, trừ thủ và bộ đồ lòng được dành riêng để cúng, và coi như gặp mặt cuối năm. Chọn người khéo tay, nghĩa là quen việc chặt thịt ra tấm ra món để đảm trách việc phân phối theo thứ tự: xương, giò, sườn, mỡ sa rồi mới đến thịt thà. Ở quê thời chiến tranh, mấy ai được đi học. Như tôi lúc ấy đã vào lớp Nhất, thuộc loại có ít chữ nghĩa, người làng quý lắm, được cho phép ngồi chung mâm với các bậc cao niên, nhưng tôi chẳng thích. Ghé một tí cho phải phép thôi rồi xuống sân ngồi cùng với các bạn thoải mái hơn vì được ăn thỏa thích, chẳng phải e dè nhìn trước ngó sau chi cả. Đây cũng là dịp để người lớn nói chuyện đồng áng, chuyện nhà, chuyện làng sau một năm lo toan cuộc sống. Các bà thì cứ thoăn thoắt đi lại tiếp cháo vào chiếc liễn sành ra chiều vui vẻ lắm. Có mấy khi được tụ tập đông đảo đến vậy đâu.
Và thích nhất là, tôi được các bác cho bong bóng heo để thổi. Chán thổi thì căng ra mặt lon sữa bò làm trống, lấy đũa tre gõ ra từng tiếng bum bum, nghe thật vui tai...
Cha tôi dùng sợi lạt tre xâu từng vuông thịt, còn mẹ thì bỏ xương vào thúng đã lót sẵn lá chuối để mang về nhà. Tất cả được chia đều cho ba lần cúng: chiều Ba mươi, mồng Hai và mồng Ba (cúng tạ: hóa vàng). Nhà tôi tuy không theo đạo Phật, nhưng có thói quen sắp mâm chay vào mồng Một, có lẽ do ảnh hưởng nếp cũ của bà cố nội đã từng hiến đất, bỏ của xây chùa. Thịt heo ba chỉ được dùng cho món luộc truyền thống để cuốn với bánh tráng nổi tiếng quê mình, và thêm món áp chảo nữa (giông giống với món heo quay), một ít xắt nhỏ để xào với đậu cô ve. Cha lại lọc ra ít thịt nạc để băm nhuyễn, làm nhân cho canh ổ qua hoặc chả ram chiên giòn; còn xương để nấu ngọt, hoặc ninh nhừ cùng với nấm mèo, măng khô, trứng vịt luộc được dùng dần với bún sợi nhỏ. Sau khi dành riêng số thịt để cúng tất niên vào chiều nay, số còn lại được rắc lên, thoa đều bằng muối bột, rồi sắp vào xoong lớn để bảo quản dùng cho năm sau.
Đêm Ba mươi, cha tôi thắp đèn tọa đăng cho sáng nhà, và cũng để cho mẹ tôi ủi quần áo mới. Tôi được phân công nhóm than đỏ hồng, gắp vào bàn ủi sao cho nóng vừa phải, kẻo hỏng đồ. Rồi lâu lâu lại quạt cho bay tro, thêm than để giữ nhiệt. Mãi đến gần giao thừa, công việc ấy mới xong.
Một năm cũ chuẩn bị trôi qua. Chỉ khoảnh khắc nữa thôi, tôi sẽ lớn thêm một tuổi nữa. Nhìn ra ngoài sân, bầu trời tối đen. Thỉnh thoảng chớp lòe vài ánh đèn của pháo sáng. Tiếng súng nổ vang rền chào đón giao thừa hòa lẫn với tiếng pháo đâu đây kêu đì đùng, chẳng ai biết mà phân biệt đâu là chiến tranh, đâu là thanh bình.
Tết của một thời là vậy đó...
Rồi chiến tranh biên giới nổ ra, tôi và bao bạn bè cùng trang lứa lên đường, cứ thế mà đi biền biệt. Chẳng phải là tập kết như các cụ thời trước, nhưng kinh tế eo hẹp, phương tiện đi lại khó khăn và cả sự vô tình hờ hững nữa nên mấy ai nhớ về quê trong dịp xuân đến gần. Mãi đến năm rồi, mẹ ốm nặng, tôi phải đón vào thành phố chữa bệnh, rồi đưa về lại quê để bà hưởng Tết...
Nhà cửa nay đà san sát, đường làng giờ đã được bê - tông hóa sạch đẹp hơn, nhưng dường như chật hẹp lại. Theo thời gian, lớp trẻ trưởng thành dần, lại thêm nhiều khuôn mặt mới, nên đôi khi, tôi như người lạ trong khi đang đứng giữa làng quê của mình.
Đêm Hai chín, chờ mãi, sao vẫn im ắng, chẳng nghe tiếng heo kêu eng éc như thuở nào. Rồi đến thời khắc giao thừa, ngồi trầm ngâm bên ly trà sau khi thắp nhang trên các bàn thờ xong, lòng tôi chợt trống vắng, nhơ nhớ mà chẳng biết nhớ chi nữa cả.
Tết xưa giờ chỉ còn trong ký ức của những người năm cũ. Rồi bỗng dưng tôi nghĩ bâng quơ, khen thêm lần nữa dẫu biết rằng thừa, sao cụ Nguyễn Tuân giỏi đến thế nhỉ!
L.N.T