Hình tượng chó trong văn hóa Việt - Đinh Thị Trang
Chó là một trong những động vật được loài người thuần hóa từ rất sớm và trở thành người bạn tốt nhất của con người. Trong văn hóa phương Đông, chó được coi là một trong mười hai con vật biểu tượng cho một năm trong lịch Can Chi với biểu tượng Tuất và cũng nằm trong lục súc. Đối với người Việt, chó là loài vật nuôi gần gũi, trung thành nhất. Chó xuất hiện ngay cả trong những câu chuyện cổ tích, trong những hình ảnh văn chương, trong tín ngưỡng dân gian và cả trong đời sống hằng ngày. Hình ảnh của con chó còn có ý nghĩa mang lại nhiều may mắn trong ngày Tết mà hiện nay ở một số vùng miền, người ta vẫn còn quan niệm: “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”.
Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, chó hiện diện trong nhiều câu chuyện. Công trạng của chó đối với loài người được kể lại trong truyện Hạt lúa thần. Truyện kể rằng, ngày trước lúa to như quả dừa, đến mùa từ ngoài đồng tự động lăn về nhà. Con người chỉ mỗi một việc là quét dọn nhà cửa cho sạch sẽ để đón lúa về. Có một người đàn bà nọ, vừa lười vừa đoảng đã không quét dọn nhà cửa, khi lúa về đến sân còn lấy chổi đánh lúa. Do quá sợ hãi và tức giận nên lúa chạy trốn. Chó thấy vậy liền đuổi theo cố công nài nỉ lúa thương tình cho mình xin cái mày tấm và cám (tức hạt lúa nhỏ bé như ngày nay)của lúa để sống. Lúa động lòng nên đồng ý. Như vậy, nhờ có chó giữ lại hạt lúa mà ngày sau loài người mới có lúa để ăn và có lẽ vì thế mà vào ngày lễ Ăn cơm mới thường có tục cho chó ăn trước bát cơm mới đầu mùa.
Còn chuyện Sự tích thằng Cuội cung trăng, người ta lại ca ngợi lòng trung thành, hy sinh thân mình cứu chủ của chó cũng như giải thích vì sao tai chó rất thính. Chuyện kể rằng, Cuội làm nghề đốn củi, tình cờ thấy cọp mẹ hái lá đa cứu sống lũ cọp con nên bứng cây đem về trồng sau vườn để hái lá cứu chữa, cải tử hoàn sinh cho thiên hạ. Lũ giặc biết chuyện, rình giết vợ Cuội và mổ bụng vứt bỏ bộ ruột cốt để rình xem bí quyết của Cuội. Cuội trở về thấy thân thể vợ bị mất ruột không biết tính sao nên ngồi khóc. Chó thấy vậy bèn tình nguyện cho Cuội lấy ruột của mình để cứu vợ. Khi vợ sống lại, Cuội thương con chó có nghĩa bèn nắn một bộ ruột bằng đất thay cho nó. Chó cũng được sống lại... Từ đó, vì ruột chó làm bằng đất nên bất cứ ai động vào mặt đất đều làm động đến ruột của chó nên chó rất thính.
Trong các truyện ngụ ngôn như Mèo ăn chay, Chó phải đòn oan,... người ta coi chó là đại diện cho nhân vật đạo đức, trung thực nhưng hay bị đòn oan nên dân gian mới có câu: “Trời ơi có thấu chăng trời / Mèo thì ăn mỡ, chó thời đòn oan”. Hay: “Con mèo đập vỡ nồi rang/ Con chó chạy lại mà mang lấy dùi”.
Cùng với tính cách trung thành như đã nói ở trên, con chó là hình ảnh của thân phận kẻ tôi đòi, khổ nhục như các truyện: Con chó vàng và con chó đen, Con trâu ghen với con chó; hoặc kẻ bé cổ thấp họng, hiền lành cam chịu trong truyện: Con gà, con lợn và con chó...
Trong tác phẩm Lục súc tranh công - một truyện thơ Nôm khuyết danh nổi tiếng trong nền văn học dân gian Việt Nam, thì con chó được nhắc đến thứ hai sau con trâu và trước các con vật là ngựa, dê, gà và lợn. Trong đó, sáu con vật nuôi trong nhà tranh nhau công trạng của mình, trâu chê chó: “Chưa rét đã phô rằng rét/ Xo ro đuôi quít vào trôn/ Vấy bếp người, tro trấu chẳng còn/ Ba ông táo lộn đầu, lộn óc/ Chưa sốt đà nằm dài thở dốc/ Le lưỡi ra phỏng ước dư gang/ Lại thấy người lơ đỉnh lơ hoang/ Tài ăn vụng thôi thì hơn chúng”1.
Những tính xấu của con chó tài ăn vụng, vấy bếp, tốn cơm... được con trâu kể ra với ông chủ nhà hết sức gay gắt. Chó nghe trâu nói xấu về mình như vậy thì chó đâu có chịu yên: “Muông nghe nói, giận đau phế phổi/ Liền chạy ra sủa mắng vang tai”. Chó cũng lập tức khẳng định vai trò quan trọng của mình đối với chủ nhà và đối với cả thế giới muôn loài: “Đêm năm canh con mắt như chong/ Đứa đạo tặc nép oai khủng động/ Ngày sáu khắc lỗ tai bằng trống/ Đứa gian tham thấy bóng cũng kinh/ Lại đến ngày kỵ lạp tiên sinh/ Cũng ra sức săn chồn đuổi sóc/ Bao quản chui gai, lước góc/ Chi này múa mỏ, lòn hang”2.
Con chó đã nói lên nỗi khổ cực của mình cho trâu nghe: “Anh trâu sao chẳng biết thương/ Nỡ lại tra lời sanh nạnh/ Ăn thì cơm thừa canh cặn/ Ăn thì môn sượng, khoai sùng/ Tới bữa ăn chẳng luận ít nhiều/ Có cũng rằng, không cũng chờ” 3.
Với những câu thơ nói lên nỗi lòng của con chó, tác giả khuyết danh đã phác họa rõ nét chân dung, đức tính của con chó như chăm chỉ, ngày cũng như đêm chịu khó chịu khổ, trung thành, biết giúp người săn thú, trấn giữ không cho kẻ lạ xâm nhập vào nhà...
Còn trong tín ngưỡng dân gian của các tộc người ở nước ta, chó được coi là phần “dương”, muốn canh giữ phần “âm” thì phải “nuôi” chó đá. Ở một số địa phương thường có tục thờ chó đá trước cửa và kính cẩn gọi là cụ Thạch, Thần Cẩu, quan lớn Hoàng Thạch. Ở Hà Nội có Phủ thờ quận công Nguyễn Ngọc Trì (làng Hát Môn, xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội), đình làng Phù Trung (xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội) đều đặt tượng chó đá để thờ. Tượng được làm bằng đá khối, trước tượng chó đá thường có đặt một bát hương. Người dân tin rằng, có quan lớn Hoàng Thạch ngự ở cửa thì mọi ma quỷ, âm hồn không dám bén mảng vào làng, vào nhà làm hại đến con người.
Nhiều tài liệu lịch sử cũng ghi chép việc thờ cúng chó đá. Trong Lịch triều hiến chương loại chí, phần “Dư địa chí” ghi chép về trấn Thanh Hoa, nhà sử học Phan Huy Chú viết: “Ngoài cửa Nghi môn có hai con chó ngao bằng đá rất thiêng”4. Còn học giả Đào Duy Anh trong công trình nghiên cứu Việt Nam văn hóa sử cương đã cho biết con chó đá được người Việt xưa dùng làm vật trấn yểm tà khí khi làm nhà như sau: “Xưa kia, cửa ngõ thường không làm đúng chính giữa nhà và sân để cho người ngoài đừng nhìn thẳng vào trung tâm nhà. Người ta cũng thường kiêng không để cho có con đường đâm thẳng vào nhà, hay là có đền chùa ở trước nhà. Nếu bất đắc dĩ không tránh được những điều kỵ ấy thì người ta chôn ở trước nhà một con chó đá hay là treo một cái gương ở trên cửa chính để yểm tà khí” 5. Như vậy, từ xa xưa, tổ tiên người Việt đã có tục thờ chó đá để chống lại những tà ma, tà khí, yêu quái xâm nhập hoặc cầu phúc, có nơi người ta đặt chó đá trên bệ thờ và coi như một bậc thần linh.
Tại Chùa Cầu (Hội An, Quảng Nam) cũng có thờ hai tượng chó (linh cẩu) và hai tượng khỉ (giả nhân). Các bức tượng này được tạc bằng gỗ mít, đường nét chạm khắc tinh vi, sắc sảo, cao khoảng 1,1m trong tư thế ngồi chầu. Tương truyền cây cầu do người Nhật xây dựng vào cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII khi họ đến buôn bán và định cư tại đây. Theo một số nhà nghiên cứu, hình tượng chó được đặt ở đầu Chùa Cầu có thể là do năm làm xong cầu là năm Tuất nên người ta đặt tượng để ghi nhớ. Nhưng cũng có nhiều học giả lại cho rằng, linh tượng chó được thờ ở đầu cầu là do ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ vật thiêng của người Nhật. Việc thờ linh thú trong tín ngưỡng của người Nhật đã diễn ra từ những năm trước công nguyên trong các ngôi đền Thần đạo ở Nhật, khi những cư dân cổ sùng bái thế giới tự nhiên, cũng như các sự vật, hiện tượng của thế giới xung quanh như chó, rùa biển, rắn, tôm, cua,... và quan niệm rằng, hồn thiêng của những con vật này luôn có trong thể phách và trong lý trí của mỗi con người. Tại đảo Hokkaido, chó là một trong những con vật linh được thờ rất trang trọng. Họ cho rằng loài chó rất nhanh nhẹn, thông minh, can đảm, giàu lòng dũng cảm và rất linh thiêng, nó có thể biết trước thời gian diễn ra động đất, cảnh báo cho mọi người và dẫn con người tránh xa nơi sắp diễn ra thiên tai. Và có thể, người Nhật ở Hội An hằng năm thường bị ngập lụt nên họ đã thờ những linh vật này? Đến nay, hiện tượng thờ chó ở Chùa Cầu vẫn chưa có câu trả lời chính xác.
Việc coi chó là vật linh để thờ cũng diễn ra ở các tộc người như Xê đăng, Striêng, Giẻ Triêng, Pa Cô, Cơtu,... Họ coi chó là vật tổ, cho nên họ có tục kiêng ăn thịt và coi chúng là con vật thiêng liêng để tôn thờ. Tộc người Nùng, Tày, Dao ngày nay vẫn có tục thờ chó đá (Ma hin) vì chó đá là linh vật trừ tà trong nhà cho nên đồng bào nơi đây còn có tục chọn ngày tốt để đặt con chó đá trước cửa trông nhà và trừ tà ma. Tục này đã có từ lâu, nó được truyền từ đời này sang đời khác. Họ còn quan niệm thờ chó đá để nó canh thú dữ vào bản hại người. Dân bản cho rằng những con ma, con hùm, con chim lợn... sợ tiếng chó sủa. Vì vậy những con vật ấy vô tình chạm phải ánh mắt của chó sẽ phải tránh xa hoặc tìm chỗ khác ẩn nấp.
Dân ta dùng hình tượng chó để nói về lòng trung thành, tận tụy, áp chế được ma quỷ, ngược lại cũng dùng chúng với ý nghĩa xấu trong giao tiếp. Trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, những thành ngữ chứa yếu tố “chó” thường được dùng phổ biến với sắc thái biểu cảm xấu, bi quan như: “chó cắn áo rách”: để nói tình trạng đã nghèo khổ lại còn bị mất của, thiệt hại; “chó cùng rứt giậu”: ví tình trạng bí quá, cùng quá phải làm liều, làm điều xằng bậy;“chó ngáp phải ruồi”: so sánh với trường hợp không có tài nhưng nhờ may mắn hiếm có mà đạt được thành tích. Dân ta còn dùng những từ ngữ như: “chó đẻ, chó săn, chó đểu, chó má, chó chết”... để chỉ kẻ nào đó bị ghét bỏ, coi như là vật đáng ghê tởm, đểu giả, xấu xa, mất hết nhân cách.Từ sự tinh tế trong quan sát, sự thâm thúy trong những liên hệ bất ngờ dẫn đến hiệu quả diễn đạt và sức tác động của những thành ngữ ngày càng phong phú đặc sắc.
Đối với người Việt, hình tượng con chó gắn liền với mọi khía cạnh trong đời sống của con người, luôn tồn tại hai thuộc tính đối lập lành - dữ, tốt - xấu, trọng - khinh. Một mặt, chó là bầu bạn gần gũi, trung thành với chủ, chó đá canh giữ giúp con người chống lại những điều xấu, ma quỷ ám hại. Mặt khác, nó là con vật còn tồn tại bản năng hoang dã cho nên người ta cũng dùng nó để miêu tả cái khổ cực, xấu xa, bi quan... Đó là một minh chứng sinh động cho sự đa dạng trong việc khai thác một con vật quen thuộc để chuyển tải những kinh nghiệm của quần chúng nhân dân. Hình tượng chó đã đi vào trong đời sống tinh thần cũng như vật chất của người Việt một cách bình dị mà sâu sắc, nó chuyển tải những quan niệm, những cái nhìn về thế sự, mang nhiều giá trị văn hóa dân tộc.
Đ.T.T