Bác Hồ với Tết năm Tuất đầu tiên sau ngày nước nhà độc lập - Vân trình

25.01.2018

Bác Hồ với Tết năm Tuất đầu tiên sau ngày nước nhà độc lập - Vân trình

Bính Tuất năm 1946 là Tết độc lập đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong hoàn cảnh nước nhà phải đối phó với thù trong, giặc ngoài, vận nước như "nghìn cân treo sợi tóc", Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn điềm tĩnh, nhạy bén và sáng suốt đối phó với thời cuộc. Người truyền niềm tin mãnh liệt vào sự tất thắng của Cách mạng cho mỗi công dân đất Việt lần đầu tiên được hít thở không khí Tết tự do.

Trong Thư chúc mừng năm mới, Bác viết: “Hôm nay là ngày mồng Một Tết năm Bính Tuất. Ngày Tết đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi thay mặt Chính phủ chúc đồng bào năm mới muôn sự tốt lành... Năm mới, đồng bào ta sẽ phấn đấu  cho một đời sống mới, ai cũng góp sức vào cuộc kháng chiến lâu dài, để làm cho đất nước ta được hoàn toàn tự do, độc lập. Năm mới đồng bào ta đoàn kết càng chặt, tranh đấu càng mạnh, sản xuất càng nhiều”. Người chúc đồng bào: Trong năm Bính Tuất mới/ Mọi sự đều tiến tới/ Kiến quốc chóng thành công/ Kháng chiến mau thắng lợi. Người không quên gửi đến các chiến sĩ yêu quý những tình cảm rất đỗi sâu sắc và chân thành: “Trong lúc đồng bào ở hậu phương đốt hương trầm để thờ phụng tổ tiên, thì các chiến sĩ ở tiền phương dùng súng đạn để giữ gìn Tổ quốc. Trong lúc đồng bào ở hậu phương rót rượu mừng xuân, thì các chiến sĩ ở tiền phương tuốt gươm giết giặc. Các chiến sĩ hăng hái chống địch, để cho đồng bào được an toàn mừng xuân. Trong mấy ngày Tết, đồng bào ở hậu phương ai cũng đoàn tụ sum vầy chung quanh những bình hoa, mâm bánh. Mà các chiến sĩ thì ăn gió, nằm mưa, lạnh lùng ở chốn sa trường. Song, hình dung các bạn thì ấm áp trong lòng thân ái của mỗi một quốc dân”.

Cũng với tình cảm ấy, trên báo Cứu quốc số 147 ngày 21/1/1946, Bác Hồ có bài viết tựa đề “Tết” tuy chưa đầy 90 từ nhưng đã thật sự khơi dậy tận đáy lòng mỗi người dân con Hồng, cháu Lạc lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc - một truyền thống lâu đời và vô cùng quý báu của nhân dân ta: “Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng đồng tình và bác ái. Trong lúc này, toàn quốc đồng bào từ giàu đến nghèo, từ già đến trẻ ai cũng sửa soạn ăn Tết, mừng Xuân. Tôi kêu gọi đồng bào và các đoàn thể làm thế nào để chia sẻ cuộc vui Xuân mừng Tết với: Những chiến sĩ oanh liệt ở trước mặt trận, những gia quyến các chiến sĩ, những đồng bào nghèo nàn. Sao cho mọi người được hưởng các thú vui về Tết xuân đầu tiên của nước Việt Nam độc lập”. Đối với kiều bào ta ở Lào, Xiêm (Thái Lan), Người có thư chúc Tết riêng, nhấn mạnh: “Các đồng bào tuy mình trú ở đất khách quê người, nhưng lòng vẫn yêu mến cố hương Tổ quốc. Còn Tổ quốc và Chính phủ cũng luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Đó là tâm thiên lý, đó là tình cảm một nhà như thế. Ngày nay, tuy nhờ sự đoàn kết của toàn dân mà nước nhà đã tranh được quyền độc lập, nhưng chúng ta hãy còn nhiều sự khó khăn, hãy còn những hy sinh, phấn đấu mới đi đến sự nghiệp độc lập hoàn toàn. Muốn đạt mục đích đó, chúng ta phải kiên quyết nữa, phải đoàn kết nữa”.

Luôn quan tâm sâu sắc đến thanh niên và nhi đồng - lớp người kế tục sự nghiệp Cách mạng của cha anh, nhân dịp Tết sắp đến, Bác Hồ tha thiết căn dặn: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội.Vậy qua năm mới, các cháu phải xung phong thực hành “Đời sống mới”. Người chỉ rõ nội dung của “Đời sống mới” đối với thanh niên là: Hăng hái, kiên quyết, không sợ khó, không sợ khổ; Phải siêng học, phải siêng làm, phải tiết kiệm; Việc nên làm (như ủng hộ kháng chiến, tăng gia sản xuất), thì ta không chờ ai nhắc nhở; Việc nên tránh (như tự tư tự lợi) thì ta không đợi ai ngăn ngừa.

Với giới phụ nữ, trên báo Tiếng gọi phụ nữ số xuân Bính Tuất, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài thơ 24 câu, mỗi câu 4 chữ. Toàn bộ bài thơ thể hiện một cách sinh động tư tưởng “cần, kiệm, liêm, chính” mà Bác vừa khởi xướng vừa đi đầu trong việc thực hiện: Năm mới Bính Tuất/ Phụ nữ đồng bào/ Phải gắng làm sao/ Gây “Đời sống mới”/ Việc thành là bởi/ Chúng ta siêng mần /Vậy nên chữ cần/ Ta thực hành trước/ Lại phải kiệm ước/ Bỏ thói xa hoa/ Tiền của dư ra/ Đem làm việc nghĩa/ Thấy của bất nghĩa/ Ta chớ tham thàn/ Thế tức chữ liêm/ Đã liêm thì khiết/ Giữ mình làm việc/ Quảng đại công bình/ Vì nước quên mình/ Thế tức là chính/ Cần, kiệm, liêm, chính/ Giữ được vẹn mười/ Tức là những người/ Sống “Đời sống mới”. Cho đến nay, nội dung bài thơ, thiết nghĩ, vẫn giữ nguyên tính thời sự, không chỉ đối với phụ nữ mà còn cho toàn xã hội, nhất là trong việc thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” hiện nay.

Tết Nguyên đán Bính Tuất, Bác Hồ dành thời gian để tiếp các văn nghệ sĩ, các nhân sĩ và các tầng lớp nhân dân đến chúc Tết. Ở các cuộc gặp gỡ này không hề có khoảng cách giữa lãnh tụ và nhân dân, thay vào đó là tình cảm thân thiết, chân thành, để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người. Khi đại biểu của báo Quốc gia - cơ quan ngôn luận của một nhóm nhân sĩ yêu nước xuất bản ở Hà Nội - đến xin thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người tặng bài thơ thất ngôn bát cú: Tết này mới thật Tết dân ta/ Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia/ Độc lập đầy vơi ba cốc rượu/ Tự do vàng đỏ một  rừng hoa/ Muôn nhà chào đón xuân dân chủ/ Cả nước vui chung phúc cộng hòa/ Ta chúc nhau rồi ta nhớ chúc/ Những người chiến sĩ ở phương xa. Rõ ràng, giữa bề bộn gian khó của những năm đầu lập nước, lời chúc Tết năm Bính Tuất của Bác đã ánh lên niềm lạc quan, tin tưởng vào tiền đồ tươi sáng của đất nước. Đằng sau mỗi câu chữ là bản lĩnh, là cốt cách, là tâm thế của cả một dân tộc mà chỉ 8 năm sau đó đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”! Có lẽ ấn tượng nhất đối với giới văn nghệ sĩ là cuộc chúc Tết của nữ sĩ Hằng Phương. Trước Tết Nguyên đán Bính Tuất, trong một chuyến vào Thanh Hóa, Hằng Phương nảy ra ý định mua cam làng Giòng - một thứ cam quý quả nhỏ bằng miệng chén trà, vỏ mỏng, ngọt lịm để biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà cũng làm bài thơ kính dâng Người: “Cam ngon Thanh Hóa vốn Giòng/ Kính dâng Chủ tịch tỏ lòng mến yêu/ Đắng cay Cụ nếm đã nhiều/ Ngọt bùi trời trả đủ điều từ đây/ Cùng quốc dân hưởng những ngày/ Tự do, hạnh phúc tràn đầy trời Nam/ Anh hùng mở mặt giang san/ Lưu danh thiên cổ, vẻ vang giống nòi. Chiều ngày 2/1/1946, bà lên Bắc Bộ Phủ xin phép vào gặp Bác nhưng rồi lại ngại nên ra về và để lại gói cam cùng bài thơ trên. Mấy ngày sau, ông Hoàng Hữu Nam (tức Phan Bôi), một cộng sự đắc lực của Bác Hồ và cũng là một người anh họ của nữ sĩ Hằng Phương, đến nhà cho hay: “Tôi thấy Cụ có bài thơ: “Cảm ơn người tặng cam” ở báo đấy”. Mừng quá, sáng ngày 9/1/1946, Hằng Phương vội đến phố Hàng Bồ và mua được tờ “Tiếng gọi phụ nữ” (cơ quan tuyên truyền của Phụ nữ cứu quốc) số 11 ra ngày 8/1/1946, trong đó có mục đăng những dòng sau: “Thơ của Hồ Chủ tịch trả lời Bà Hằng Phương: “Bà Hằng Phương gửi biếu tôi một gói cam, kèm theo một bài thơ. Vì không biết chỗ Bà ở, tôi không biết gửi thơ cảm ơn đến đâu. Nên tôi nhờ báo Tiếng gọi Phụ nữ đăng mấy lời cảm tạ của tôi như sau: Cảm ơn bà biếu gói cam/ Nhận thì không đúng, từ làm sao đây!/ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/ Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai/ Tháng 1 năm 1946/ Hồ Chí Minh”.

Theo lời khuyên của ông Hoàng Hữu Nam, Tết Bính Tuất, nữ sĩ Hằng Phương đến Bắc Bộ Phủ chúc Tết Bác Hồ. Khi bà vừa đến cửa phòng khách thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ở phòng bên đi ra. Đồng chí tiếp khách nói nhỏ với Bác: “Người biếu cam...”. Thấy bà đứng, Bác đưa hai tay vẫy, bảo ngồi xuống. Hằng Phương xúc động bỏ cái ví xuống ghế, hai tay cầm bông cúc và cành tùng tiến đến dâng Người và thưa: “Cháu là Hằng Phương, năm mới, cháu lên chúc Cụ mạnh khỏe sống lâu với non sông đất nước, lãnh đạo Cách mạng thắng lợi”. Bác vui vẻ cầm bông cúc và cành tùng cắm vào cái bình ở bàn và lại giơ tay ra hiệu cho nữ sĩ ngồi xuống. Người nói: “Dạo trước, gửi cho tôi bài thơ và gói cam, nhưng chị không vào gặp, lại không ghi địa chỉ, nên tôi mới đăng báo”. Hằng Phương vội thưa: “Cháu đã được đọc bài thơ Cụ trả lời. Thật vinh dự nhất đời cháu”. Người “hừ” nhẹ một tiếng - như ông bác đối với người cháu - và nói: “Chị phong kiến thế! Đưa thơ thì phải vào gặp”. Rồi, Bác ôn tồn bảo: “Thế hôm nay lên chúc Tết tôi có thơ không?”. Nữ sĩ thưa: “Cháu chưa nghĩ được câu nào”. Người dặn: “Từ rày, hễ có thơ là gửi tôi xem!”. Hằng Phương kính đáp: “Cháu xin vâng lời Cụ dặn". Bác chuyển sang hỏi chuyện gia đình nữ sĩ: “Thế anh ấy làm gì?. “Thưa cụ, chồng cháu viết văn. Dạo này đường sá khó đi, sách bán không chạy, nên nhà xuất bản không lấy sách nữa. Ngay những khi họ lấy sách, người viết cũng chẳng được là bao. Rồi sách mình bày đẹp đẽ trong tủ hàng của họ, người viết sách qua đường nhìn tác phẩm của mình cũng hững hờ chàng Tiêu vậy”. Nghe vậy, Người cười, bảo: “Chị về nói cho anh chị em nhà văn biết: Từ rày có Cách mạng, người viết văn sẽ không bị bóc lột nữa. Rồi sẽ có chế độ nhuận bút giải quyết thích đáng quyền lợi của văn nghệ sĩ”. Bác lại hỏi: “Thế chị có mấy cháu?”, “Thưa Cụ, cháu đã có sáu cháu, chúng đều còn nhỏ ạ”. Người gọi lấy hộp kẹo rất đẹp và đưa cho Hằng Phương: “Chị đem về chia cho các cháu, nói là quà Tết của Cụ Hồ”. Trước khi chia tay nữ sĩ, Bác giơ tay bắt và không quên dặn lại: “Từ rày có thơ thì gửi cho tôi xem!”.

V.T

Bài viết khác cùng số

Nhớ mùa hoa ven sông - Lê Ngọc NamĐà Nẵng - Tết Mậu Thân 1968 - Ngọc ThanhQuê hương tuổi thơ tôi - Huỳnh Viết TưLửa Tết - Vũ Thị Huyền TrangTết trong lòng - Phạm Thị Hải DươngĐất trời ươm Tết tự bao giờ - Ngô Thị Thục TrangMột thoáng Tết xưa - Lê Ngọc ThạnhMùa xuân trên Cảng Thọ Quang - Hoàng Tây HòaĐà Nẵng 2017 - Một năm bội thu về văn hóa - Bùi Văn TiếngBác Hồ với Tết năm Tuất đầu tiên sau ngày nước nhà độc lập - Vân trìnhChuông reo - Trần Đức TiếnThơ ngắn - Xuân HiệuNgày xuân, cảm nhận đôi điều về văn hóa ứng xử của người Hàn Quốc - Dân HùngCâu chuyện ngày 30 Tết - Hồ Thị Thùy Trang Hồn mai trắng - Đặng Hoàng ThámBầu trời xuân cao lộng - Tường LinhMùa xuân vẫn còn - Bích NhànBên dòng sông Trà Nô ngày ấy - Giang Nguyên TháiXuân Mậu Thân 68 qua tác phẩm mỹ thuật - Trần Trung SángXuân Mậu Thân 1968: Vang vọng những lời thơ - Mai Bá ẤnTìm - Trương Đình ĐăngXuân trừu tượng - Đỗ Thượng ThếHạt muối - Huỳnh Trương PhátGiọt nắng giọt mưa - Trương Công MùiBến đợi - Xuân CừDụ ngôn - Phạm Tấn DũngTrích dẫn rêu xuân - Nguyễn Tấn SĩGửi em - Nguyễn Đăng KiênXuân tình - Như HoàiPhận cỏ - Huỳnh Thúy KiềuChầm chậm cùng mùa - Thu ThủyThổn thức mùa xuân - Bùi Mỹ HồngXúc lộ - Nguyễn Thị Anh ĐàoLỗi hẹn mùa xuân - Nguyễn Nho thùy DươngNiềm xuân - Nguyễn Hoàng ThọNhững ô cửa mở ra mùa xuân - Kai HoàngMùa xuân trong thành phố - Nguyễn Đông NhậtTHANH QUẾ - TQVới người bái hoa mai* - Ngân VịnhLộc xuân - Tăng Tấn TàiVô thường - Vạn LộcTự vấn xuân - Trần Trình LãmMùa xuân có đắng? - Tần Hoài Dạ VũMùa trăng thiếu nữ - Trịnh Bửu HoàiVà mùa lại về - Hoàng Hương ViệtĐêm Trường Sa nhớ mẹ - Nguyễn Tiến NênTrong khu vườn cỏ dại - Đinh Thị Như ThúyThơm thảo - Lê Huy HạnhMùa lỡ quên - Nguyễn Hoàng SaQuà quê - Quốc LongGọi thầm lá phong - Lê Anh DũngRộn ràng xuân - Thái Bảo - Trương ĐỳnhChiều xuân uống rượu một mình - Xuân TrườngChuông chùa ở Trường Sa - Nguyễn Xuân TưĐêm sáng - Nguyễn Nho KhiêmBên sông chiều cuối năm - H.ManKể chuyện tình bằng lời ca dao(*) - Văn KhoaNguyễn Ngọc Hạnh - Phơi nỗi buồn lên thơ - Phạm Phú PhongTác phẩm đoạt giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng năm 2017 - Phạm Thị Hải DươngSáng láng một mùa Xuân Như ý - Chế Diễm TrâmĐể làm ra những trang sách...- Trương Điện ThắngDạo chơi với những sắc màu - Lê Huy HạnhHình tượng chó trong văn hóa Việt - Đinh Thị TrangCon chó của thần hộ mệnh Siva-Bhairava và chín vị thần tinh tú trong nghệ thuật Chăm-pa - Trần Kỳ Phương