Tác phẩm đoạt giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng năm 2017 - Phạm Thị Hải Dương

25.01.2018

Tác phẩm đoạt giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng năm 2017 - Phạm Thị Hải Dương

Năm 2017 có 8 tác phẩm chất lượng cao được các Hội chuyên ngành giới thiệu và Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố đã trao giải thưởng. Tạp chí Non Nước chúc mừng các tác giả và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc đôi nét về các tác phẩm đoạt giải:

Tác phẩm “Rừng xanh và sự sống” - Cái nhìn toàn cảnh về sự suy kiệt tài nguyên của Tây Nguyên

“Rừng xanh và sự sống” là tên gọi của series phim tài liệu bao gồm 5 tập của nhóm tác giả Nguyễn Hồng Phong, Nguyễn Miên và Xuân Quang (Hội viên Hội Điện Ảnh thành phố) thực hiện. Phát sóng tập đầu tiên “Bazan khát” vào ngày 10/7 trên kênh VTV8, “Rừng xanh và sự sống” mang đến cho khán giả cái nhìn toàn cảnh về hiện trạng suy kiệt tài nguyên của vùng đất Tây Nguyên, một trong những vấn đề thấm đẫm tính thời sự trong bối cảnh hiện nay.

Trong 3 tháng ghi hình, ekip thực hiện phải di chuyển liên tục 4 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk và Đăk Nông trong điều kiện nắng nóng gay gắt của mùa khô Tây Nguyên. Trong đó, đoàn làm phim chú trọng khai thác địa điểm rừng Khộp, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk. Đây là loại rừng chỉ có ở Tây Nguyên nhưng đang bị tàn phá nghiêm trọng, khiến hệ sinh thái biến đổi. Là “cha đẻ” kịch bản phim, đồng thời là những người trực tiếp thực hiện, đạo diễn Nguyễn Hồng Phong, quay phim Xuân Quang cho biết e-kip luôn chú trọng sử dụng cách làm phim trực tiếp để câu chuyện diễn ra tự nhiên, nhân vật tự bộc lộ cuộc sống.

“Hồi ức” - Kể câu chuyện chiến tranh trên năm dòng kẻ

Mượn ý thơ của Nguyễn Thung Dũng, với sự trình bày da diết mà bi tráng của giọng nữ Diệu Hiền, “Hồi ức” của nhạc sĩ Thái Phú là ký ức về giai đoạn “...Bọn giặc điên cuồng tàn phá. Máu thắm đỏ sông. Hờn căm trào sóng...” ở các làng “Giáng Đông, Cổ Mân, Cẩm Lệ”. Từ trong binh lửa, lớp lớp người yêu nước ngày đêm vượt thác băng ngàn trên lằn ranh giữa sự sống và cái chết, quyết dành lại tự do cho xứ sở, cho quê hương.

Ca từ mượt mà, thể hiện sâu lắng trên nền bản phối của Ngọc Minh, “Hồi ức” của nhạc sĩ Thái Phú đã hoàn toàn thuyết phục được Hội đồng xét giải của Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật, trở thành đại diện duy nhất của Hội Âm nhạc giành giải thưởng của năm nay.

Tác phẩm múa “Lòng mẹ” của NSND Lê Huân

Gần với công chúng Đà Nẵng trong suốt mấy mươi năm qua, NSND Lê Huân tiếp tục ghi dấu ấn với vở diễn Lòng mẹ tại Liên hoan Văn nghệ các tôn giáo TP Đà Nẵng 2017.

Tác giả sử dụng nhân vật ẩn dụ “những kẻ quăng lưới cạn trong đêm”: Không là quỷ, chẳng là ma/ Kẻ quăng lưới cạn, sinh ra từ ... Người...

Nhân vật phản diện này luôn chực chờ săn những con mồi là “phường tham nhũng nha môn”, là “phường nghiện ngập” để thỏa mãn cơn khát mồi. Chính nhờ tình thương bao la của nhân vật người mẹ mà cuối cùng đứa con trai lầm lỗi thoát khỏi tấm lưới lớn của kẻ thủ ác. Lòng mẹ là câu chuyện thời sự không mới nhưng luôn là vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện đại. Tác giả thể hiện rõ nét được mối ràng buộc lỏng lẻo của gia đình trong xã hội hiện đại; vai trò của tôn giáo với con người, trong đó đặc biệt đề cao triết lý Phật tại tâm; sự hòa hợp giữa tất cả các tôn giáo thông qua bóng dáng hiển linh cùng một lúc của Phật Bà Quan Âm, Đức Mẹ Maria, Mẹ Âu Cơ, Mẹ Địa Mẫu...

Tập truyện “Chó hoang” - Khơi thức tình thương của con người trước loài vật

Thông qua số phận điển hình của nhân vật con chó Vằn, từ một chú chó trung thành nhưng vô tình bị oan ức, đánh đập đến thừa sống thiếu chết đến lúc được sống lại lần nữa, trở nên cảnh giác, xa lánh con người, Bùi Tự Lực đem đến cho người đọc một vấn đề không mới nhưng ám ảnh, nhức nhối: cách chúng ta đối xử với vật nuôi, đặc biệt là loài chó - người bạn thân thiết, trung thành, chí tình chí nghĩa.

Không cần gân guốc trong cách sử dụng từ ngữ, không mỹ lệ trong cách dẫn dắt câu chuyện, không thách thức người đọc thông qua việc nhấn nhá thủ pháp ở bất kỳ trang sách nào, Bùi Tự Lực cứ chậm rãi uống cà phê ở Ban Mai, kể cho mấy ông bạn ngồi cùng bàn nghe câu chuyện xảy ra trong cái khu phố nhỏ của mình - câu chuyện về con chó hoang mới xuất hiện ở cái bãi đất trống bên kia đường. Chậm rãi, chân thực và giản dị, Chó hoang cứ thế tiến sâu, tiến sâu và đọng mãi trong tim người đọc.

Họa sĩ Nguyễn Tường Vinh tiếp tục ghi dấu ấn với “Ấn tượng Chăm pa”

Mỹ thuật Đà Nẵng từ lâu đã không còn xa lạ với Nguyễn Tường Vinh - “cây cọ” gốc Tràng An. Sau nhiều năm sinh sống tại Đà Nẵng, ông đã để lại nơi này nhiều tác phẩm có giá trị Vũ điệu mừng xuân (khắc gỗ - 1993), Trung thu ở Hội An (Sơn khắc - 1994), Hội An (khắc gỗ - 1998), Lễ hội Catu (Lụa - 1995), Bản sắc miền Trung và Tây Nguyên (Sơn mài - 2009), Xây dựng cầu Sông Hàn (Sơn mài - 2000), Đà Nẵng tháng 3 (Sơn mài - 2005)...

Năm nay, Nguyễn Tường Vinh lại tiếp tục trình làng Ấn tượng Chămpa. Tác phẩm chứng minh sự nỗ lực không biết mệt mỏi của ông trên con đường nghệ thuật đầy trắc trở. Tại triển lãm Mỹ thuật khu vực V - Nam miền Trung và Tây Nguyên mở rộng lần thứ 22 năm 2017, Ấn tượng Chămpa được trao Giải Khuyến khích.

 Ảnh nghệ thuật “Thiếu nữ” - Vẻ đẹp xuân thì được ngợi ca

Ngày 2/12/2017 cuộc thi ảnh quốc tế lần thứ 9 tại Việt Nam năm 2017 đã tổ chức triển lãm và trao giải thưởng. Trong danh sách các tác phẩm đoạt giải có một đại diện của Đà Nẵng là tác giả Nguyễn Quang. Tác phẩm “Thiếu nữ” của anh đoạt Huy chương Bạc ở thể loại chân dung.

Trao đổi với Non Nước, tác giả Nguyễn Quang cho biết, ý tưởng chụp bức ảnh này đến với anh khi Phương Hồng - nhân vật trong bức ảnh đến studio của anh trang điểm và chụp dịch vụ chân dung. Bức ảnh được thực hiện trong mùa hè năm 2017. Tuy chỉ là sự tình cờ trong sáng tạo nghệ thuật, nhưng qua tác phẩm này, Nguyễn Quang muốn tôn vinh nét đẹp của người phụ nữ nói chung và vẻ đẹp xuân thì nói riêng của phụ nữ Việt.

Với “Thiếu nữ” một lần nữa Nguyễn Quang được xướng tên trong danh sách Giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP Đà Nẵng năm 2017.

Ngô Văn Ban với công trình “Quảng Nam - Những địa danh ghi dấu qua ca dao xứ Quảng”

Bằng cách giới thiệu địa danh Quảng Nam qua ca dao, Ngô Văn Ban thành công khi giới thiệu địa danh đến độc giả phổ thông. Đến với tác phẩm, người đọc rất dễ hình dung, ghi nhớ từ tên, lịch sử, đặc trưng, đặc sản đến tâm tư, tình cảm, phong cách sống lẫn cốt cách của mỗi địa phương, sự kết nối văn hóa, địa lý của các đơn vị thuộc tỉnh Quảng Nam:

“Tội gì mà đi cho xa

Kể từ Phố Hội bước qua Kim Bồng

Cách nhau chỉ một con sông

Thương nhau ta lấy tấm lòng mà đo"

hay

“Bao giờ Cầu Mống gãy đôi

Sông Thu hết nước thì em mới

thôi thương chàng ”...

Công trình dày 396 trang, ra mắt năm 2017 góp phần duy trì mạch nghiên cứu về vùng đất có “vựa” văn hóa đầy ăm ắp như Quảng Nam.

Hòa tấu nhạc cụ dân tộc “Chèo đưa Ông về” của Xuân Minh

Hòa tấu nhạc cụ dân tộc “Chèo đưa Ông về” sáng tác của nhạc sĩ Xuân Minh do dàn nhạc dân tộc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn, đoạt giải A trong Liên hoan Âm nhạc khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên năm 2017.

“Chèo đưa Ông về” là vở diễn tái hiện lại cảnh cá Ông xả thân đỡ nâng, cứu tàu ngư dân gặp nạn trong bão biển. Theo nhạc sĩ Xuân Minh, tục lệ đi biển của ngư dân rất coi trọng cá Ông, thường tôn kính gọi cá Ông là Ông Lụy, xem Ông là vị cứu tinh của mình. Vì vậy nghi thức cúng rước cá Ông thường gắn với nghi thức diễn xướng. Tác phẩm hòa tấu bằng nhạc cụ dân tộc với nhiều kịch tính, đã tái hiện cảnh ngư dân Hát Bả trạo rước cá Ông về thờ ở Lăng với giai điệu hòa tấu lúc u trầm, lúc  mạnh mẽ hòa với tiếng biển mênh mang...

P.T.H. D

Bài viết khác cùng số

Nhớ mùa hoa ven sông - Lê Ngọc NamĐà Nẵng - Tết Mậu Thân 1968 - Ngọc ThanhQuê hương tuổi thơ tôi - Huỳnh Viết TưLửa Tết - Vũ Thị Huyền TrangTết trong lòng - Phạm Thị Hải DươngĐất trời ươm Tết tự bao giờ - Ngô Thị Thục TrangMột thoáng Tết xưa - Lê Ngọc ThạnhMùa xuân trên Cảng Thọ Quang - Hoàng Tây HòaĐà Nẵng 2017 - Một năm bội thu về văn hóa - Bùi Văn TiếngBác Hồ với Tết năm Tuất đầu tiên sau ngày nước nhà độc lập - Vân trìnhChuông reo - Trần Đức TiếnThơ ngắn - Xuân HiệuNgày xuân, cảm nhận đôi điều về văn hóa ứng xử của người Hàn Quốc - Dân HùngCâu chuyện ngày 30 Tết - Hồ Thị Thùy Trang Hồn mai trắng - Đặng Hoàng ThámBầu trời xuân cao lộng - Tường LinhMùa xuân vẫn còn - Bích NhànBên dòng sông Trà Nô ngày ấy - Giang Nguyên TháiXuân Mậu Thân 68 qua tác phẩm mỹ thuật - Trần Trung SángXuân Mậu Thân 1968: Vang vọng những lời thơ - Mai Bá ẤnTìm - Trương Đình ĐăngXuân trừu tượng - Đỗ Thượng ThếHạt muối - Huỳnh Trương PhátGiọt nắng giọt mưa - Trương Công MùiBến đợi - Xuân CừDụ ngôn - Phạm Tấn DũngTrích dẫn rêu xuân - Nguyễn Tấn SĩGửi em - Nguyễn Đăng KiênXuân tình - Như HoàiPhận cỏ - Huỳnh Thúy KiềuChầm chậm cùng mùa - Thu ThủyThổn thức mùa xuân - Bùi Mỹ HồngXúc lộ - Nguyễn Thị Anh ĐàoLỗi hẹn mùa xuân - Nguyễn Nho thùy DươngNiềm xuân - Nguyễn Hoàng ThọNhững ô cửa mở ra mùa xuân - Kai HoàngMùa xuân trong thành phố - Nguyễn Đông NhậtTHANH QUẾ - TQVới người bái hoa mai* - Ngân VịnhLộc xuân - Tăng Tấn TàiVô thường - Vạn LộcTự vấn xuân - Trần Trình LãmMùa xuân có đắng? - Tần Hoài Dạ VũMùa trăng thiếu nữ - Trịnh Bửu HoàiVà mùa lại về - Hoàng Hương ViệtĐêm Trường Sa nhớ mẹ - Nguyễn Tiến NênTrong khu vườn cỏ dại - Đinh Thị Như ThúyThơm thảo - Lê Huy HạnhMùa lỡ quên - Nguyễn Hoàng SaQuà quê - Quốc LongGọi thầm lá phong - Lê Anh DũngRộn ràng xuân - Thái Bảo - Trương ĐỳnhChiều xuân uống rượu một mình - Xuân TrườngChuông chùa ở Trường Sa - Nguyễn Xuân TưĐêm sáng - Nguyễn Nho KhiêmBên sông chiều cuối năm - H.ManKể chuyện tình bằng lời ca dao(*) - Văn KhoaNguyễn Ngọc Hạnh - Phơi nỗi buồn lên thơ - Phạm Phú PhongTác phẩm đoạt giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng năm 2017 - Phạm Thị Hải DươngSáng láng một mùa Xuân Như ý - Chế Diễm TrâmĐể làm ra những trang sách...- Trương Điện ThắngDạo chơi với những sắc màu - Lê Huy HạnhHình tượng chó trong văn hóa Việt - Đinh Thị TrangCon chó của thần hộ mệnh Siva-Bhairava và chín vị thần tinh tú trong nghệ thuật Chăm-pa - Trần Kỳ Phương