Mùa xuân trên Cảng Thọ Quang - Hoàng Tây Hòa

25.01.2018

Mùa xuân trên Cảng Thọ Quang - Hoàng Tây Hòa

Từ Tây Bắc Liên Chiểu men theo biển Nguyễn Tất Thành qua cầu Thuận Phước, Thọ Quang nở ra như bông hoa xòe trong tiết lạnh trầm ngâm của những ngày cận đông chí. Nơi đây đích thị là bông Thanh cúc với nước da màu xanh thủy tinh mỏng manh, e ấp. Màu xanh của những thân thuyền nằm kề nhau, bập bồng trên sóng nhỏ lăn tăn chân cảng phản chiếu lên nền trời trong vắt một màu. Thọ Quang như chỉ có một màu xanh của màn trời, sóng nước và đời chài lưới chưa bao giờ lơi nhịp.

Chính từ nơi này, tôi gặp và trở thành bạn vong niên với một lão “xe lôi” tên Phan Hòa. Lão tếu táo khi thấy tôi dợm hỏi “Nếu năm nay tao chết liền thì vừa đủ hưởng thọ!” Ông bạn già của tôi đã có hơn 40 năm làm biển, ông bảo chán biển rồi nên lên bờ chạy ba gác chở đá lạnh với mấy sọt cá đi rông rông cho đỡ buồn. Nghe ông thuật vậy nhưng không tin ông già này chán biển, bởi lẽ chiều nào ông cũng đánh xe lôi ra cảng rồi sà xuống thuyền, chỗ mấy bạn thuyền tay đương sửa lưới trong khi miệng nói dóc chuyện thiên địa. Ông ngồi ngửa mặt lên trời mà vè rằng:

 “Ngồi nghĩ lại chúng mình đi

lưới giã

Sống quanh năm vất vả dưới

chiếc phà

Suốt ngày qua chẳng biết công việc

nhà

Chỉ lo bề đi làm giã

Làm chưa kịp thì bị chủ rầy la

...ôi cảnh làm ăn thật là chua chát

Bởi mình nghèo phải chịu cảnh

làm thuê”

Theo ông Hòa, người bản địa Đà Nẵng khi nhắc đến Thọ Quang, không ai nói cầu kỳ xa lạ “Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang” như cách văn bản hóa trên báo chí và các công trình thuần khoa học. Điều này làm tôi nhớ đến một người Hà Nội khi anh nói hầu hết người Thủ đô đều gọi hồ Hoàn Kiếm rất thương bằng hai tiếng bờ hồ. Người Tràng An nói “đi dạo bờ hồ” cũng giống như người Đà Nẵng nói “qua cảng cá”. Hình như suốt chiều dài từ Bắc vào Nam đâu đâu cũng có những địa danh được gọi thân mật như Hoàn Kiếm, Thọ Quang. Với người bản xứ, địa danh không chỉ là phần minh họa với tỉ lệ nhất định trên bản đồ. Tên một nguồn sông, một cánh núi, một xóm, một bản đều chứa đựng cả nhiệt độ cuộc sống, để khi nghe ai đó nhắc đến, cả vùng đất được gọi tên như đang thở, tương tác và lớn đổi từng ngày.

Ngẫm kỹ, người gốc Đà Nẵng và những ai sống lâu ở đây như tôi, nghe đến Thọ Quang, sẽ nghĩ ngay đến một nơi khác hoàn toàn với những địa điểm có trong danh sách tham quan của các công ty, các trang web du lịch. Thọ Quang - với những người yêu Đà Nẵng, rất khó để miêu tả chính xác, đủ nghĩa và sinh động qua một vài câu ngắn gọn như miêu tả một vài thắng cảnh khác ở thành phố này. Bởi lẽ Thọ Quang sống, sôi rộn và luôn luôn là bức tranh huyền diệu biến hóa mỗi ngày. Nếu được chọn nơi nào luôn luôn rục rịch mầm sống và đậm đà hơi thở lao động nhất ở Đà Nẵng, tôi sẽ không ngần ngại xướng tên Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang.

Muốn thấy Thọ Quang “sống” không khó, cứ qua hết cầu Thuận Phước, cầu Mân Quang rồi dừng lại bên đường để nhìn ngắm. Nước xâm xấp vỗ vào bờ. Nước mang một màu thâm thẫm chứ không còn xanh trong như các bãi Mỹ Khê, Phạm Văn Đồng, Non Nước, Nam Ô... Nước miên man trong gió đã thành chỗ ngơi nghỉ, tắm táp không biết bao nhiêu tàu thuyền từ các tỉnh Quảng Bình, Huế vào đến tận Quảng Ngãi về nơi này tránh trú, bán hải sản, sắm sửa cho chuyến biển tiếp theo. Nơi này đã nằm trong câu ca vui người Thọ Quang: “Vũng Thùng có cái âu thuyền. Trú bão thì sướng không ghiền mùi hôi”.

Đúng là nước âu thuyền đã qua thời xuân thì, diễm lệ. Nước da đen đúa và lầm lũi của nước Thọ Quang hệt người đàn bà làng chài quanh năm phơi mình trước nắng biển, gió biển. Song có nán lại Thọ Quang đủ lâu mới thấy mạch nước nơi này không khác mạch máu thủy chung của đàn bà nghề biển, có lúc hoan hỉ vui đùa với bụng thuyền nặng cá tôm trở về, có khi đằm mình xuống, lặng lẽ vỗ về những chuyến thất thu.

Thời sinh viên, tôi có đi Thọ Quang vài lần. Đủ thời gian để chụp vài bức ảnh minh họa cho bài báo. Lần khác nằm dầm dề ở Thọ Quang mấy ngày để làm phim về chợ đầu mối hải sản. Mỗi chuyến đều có mục đích cụ thể. Có lẽ vì vậy mà tôi chỉ nhắm hồng tâm của mình mà chưa đẩy bán kính nhìn ra xa hơn để cảm nhận sâu sắc về đời sống quanh đây. Bây giờ tôi ở Thọ Quang mà chẳng để làm gì ngoài ngắm nhìn và hít thở. Tôi tản bộ trên đường Vân Đồn, bên phải là âu thuyền đang căng bụng để nâng đỡ và thăng bằng cho hàng trăm tàu thuyền yên tâm ngơi nghỉ. Phía “mẹ” âu thuyền, bóng những người đàn ông đứng ngồi, đang tỉ mẩn vá lưới, chăng dây dưới nắng chiều vàng mật đổ trên mạn thuyền vẽ thành bức tranh sống động. Bên trái tôi, chợ đầu mối nằm im lặng trong xế bóng. Với chợ hải sản Thọ Quang, ta chỉ có thể thấy nơi này xứng với vị trí chợ đầu mối hải sản lớn nhất miền Trung vào một, hai giờ sáng khi mà những chuyến biển cập bờ. Khi ấy, cả Thọ Quang thức dậy với tiếng chân người xọc xạch trong đôi ủng nhựa, bà con chuyền tay nhau những sọt cá tươi roi rói vừa mới lấy lên khỏi hầm. Khi ấy, để mọi di chuyển ngưng lại trong một khắc, thử ngẩng mặt lên trời, sẽ thấy hơi thở của người lẫn hơi nước quyện vào nhau như sương, tạo thành lớp màn mỏng lờ nhờ dưới đèn vàng loang lổ.

Tôi đi giữa đời sống cảng cá khi mà mùa xuân đang ngập ngừng gõ cửa. Mùa xuân đã về nơi này trước tiên, mà đúng hơn Thọ Quang quanh năm đều có sắc vị của mùa đẹp nhất năm. Mùa xuân - mùa của sự sống, phát triển và trường cửu. Thọ Quang cũng thế, quanh năm rộn ràng tiếng đáy thuyền chạm sóng nước, sóng nước lẫn tiếng người, tiếng người lẫn trong nhịp tay đan lưới. Nơi nhịp chân kề bên nhịp sóng này, đời lao động đã thành mạch máu văn hóa. Giữa bao cuộc biến thiên của đời, dòng văn hóa Thọ Quang vẫn đang chảy rần rật trong huyết quản văn hóa của thành Thái Phiên kiêu hùng.

Lần nào gặp ông Hòa như chiều nay, tôi đều được nghe ông tua đi tua lại chuyện ngư dân lập lễ cúng vẽ mắt ghe, nghe ông tả bàn tay người thợ vẽ. Chuyện cúng lăng cá Ông ở làng đến nay vẫn giữ được luật tục cũ, nghe mà vui! Ông hào hứng nhớ lại nhiều đêm lênh đênh câu mực thời còn trẻ: “Mỗi người trên một cái thúng chai bềnh bồng, ánh đèn xanh lá chuối nhấp nháy trên mặt nước xanh, cả vùng biển đẹp như thành phố lên đèn”. Trong khi tôi chuyên chú tưởng tượng cảnh câu mực đêm đêm thì ông sang chuyện kiêng cữ khi đi biển, rằng chỉ cần mới thả lưới mà bạn thuyền làm rơi cái dao xuống biển thì có khi “chủ thuyền cho bạn rơi theo dao”.

Khi những mẩu chuyện kỳ thú về biển qua hết cao trào, hai bác cháu tựa mạn, ngây ngây nhìn về phía bên kia cảng khi nắng loang trên những tầng cao nhất của chung cư làng cá. Ông nhớ xóm nhà chồ lụp xụp thời thành phố còn nghèo khi nhìn thanh niên đã quen dần với cuộc sống mới có cà phê dưới tầng trệt chung cư mỗi sáng. Ông lão không giấu được chút bảng lảng buồn, thương chút ký ức đã chìm vào quá vãng nhưng rồi cũng chịu tự vỗ về mình: “Đời người của mình phải chịu bỏ cái cũ, tiến tới chỗ hiện đại hơn. Cái cũ không còn tồn tại trên mặt đất thì mình giữ trong lòng, kể cho con cháu nghe để cùng lưu giữ.”

Lão bạn tôi cứ “ăn mày dĩ vãng” cho đến khi hoàng hôn xuống ngập Vũng Thùng. Cũng ngần ấy chuyện nhưng mỗi lần ông kể lại thêm một vài tình tiết mới, như thể câu chuyện về Thọ Quang, về đời đi biển chưa bao giờ ngừng biến chuyển. Khi nghe tôi nhắc mùa xuân, ông hào hứng kể xuân năm qua bà con trúng đậm, nhà nào ăn Tết cũng…ngon. Sẵn cơn vui, ông lão bâng quơ cất giọng câu vè tiếu lâm. Tôi ngồi tựa mạn nhìn ba cây cúc vàng chụm đầu, nửa thân dưới ngâm mình trong chậu nước, chắc tối nay có thuyền nào sắp rời âu thuyền, mang về một mùa xuân mới sung túc hơn.

H.T.H

Bài viết khác cùng số

Nhớ mùa hoa ven sông - Lê Ngọc NamĐà Nẵng - Tết Mậu Thân 1968 - Ngọc ThanhQuê hương tuổi thơ tôi - Huỳnh Viết TưLửa Tết - Vũ Thị Huyền TrangTết trong lòng - Phạm Thị Hải DươngĐất trời ươm Tết tự bao giờ - Ngô Thị Thục TrangMột thoáng Tết xưa - Lê Ngọc ThạnhMùa xuân trên Cảng Thọ Quang - Hoàng Tây HòaĐà Nẵng 2017 - Một năm bội thu về văn hóa - Bùi Văn TiếngBác Hồ với Tết năm Tuất đầu tiên sau ngày nước nhà độc lập - Vân trìnhChuông reo - Trần Đức TiếnThơ ngắn - Xuân HiệuNgày xuân, cảm nhận đôi điều về văn hóa ứng xử của người Hàn Quốc - Dân HùngCâu chuyện ngày 30 Tết - Hồ Thị Thùy Trang Hồn mai trắng - Đặng Hoàng ThámBầu trời xuân cao lộng - Tường LinhMùa xuân vẫn còn - Bích NhànBên dòng sông Trà Nô ngày ấy - Giang Nguyên TháiXuân Mậu Thân 68 qua tác phẩm mỹ thuật - Trần Trung SángXuân Mậu Thân 1968: Vang vọng những lời thơ - Mai Bá ẤnTìm - Trương Đình ĐăngXuân trừu tượng - Đỗ Thượng ThếHạt muối - Huỳnh Trương PhátGiọt nắng giọt mưa - Trương Công MùiBến đợi - Xuân CừDụ ngôn - Phạm Tấn DũngTrích dẫn rêu xuân - Nguyễn Tấn SĩGửi em - Nguyễn Đăng KiênXuân tình - Như HoàiPhận cỏ - Huỳnh Thúy KiềuChầm chậm cùng mùa - Thu ThủyThổn thức mùa xuân - Bùi Mỹ HồngXúc lộ - Nguyễn Thị Anh ĐàoLỗi hẹn mùa xuân - Nguyễn Nho thùy DươngNiềm xuân - Nguyễn Hoàng ThọNhững ô cửa mở ra mùa xuân - Kai HoàngMùa xuân trong thành phố - Nguyễn Đông NhậtTHANH QUẾ - TQVới người bái hoa mai* - Ngân VịnhLộc xuân - Tăng Tấn TàiVô thường - Vạn LộcTự vấn xuân - Trần Trình LãmMùa xuân có đắng? - Tần Hoài Dạ VũMùa trăng thiếu nữ - Trịnh Bửu HoàiVà mùa lại về - Hoàng Hương ViệtĐêm Trường Sa nhớ mẹ - Nguyễn Tiến NênTrong khu vườn cỏ dại - Đinh Thị Như ThúyThơm thảo - Lê Huy HạnhMùa lỡ quên - Nguyễn Hoàng SaQuà quê - Quốc LongGọi thầm lá phong - Lê Anh DũngRộn ràng xuân - Thái Bảo - Trương ĐỳnhChiều xuân uống rượu một mình - Xuân TrườngChuông chùa ở Trường Sa - Nguyễn Xuân TưĐêm sáng - Nguyễn Nho KhiêmBên sông chiều cuối năm - H.ManKể chuyện tình bằng lời ca dao(*) - Văn KhoaNguyễn Ngọc Hạnh - Phơi nỗi buồn lên thơ - Phạm Phú PhongTác phẩm đoạt giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng năm 2017 - Phạm Thị Hải DươngSáng láng một mùa Xuân Như ý - Chế Diễm TrâmĐể làm ra những trang sách...- Trương Điện ThắngDạo chơi với những sắc màu - Lê Huy HạnhHình tượng chó trong văn hóa Việt - Đinh Thị TrangCon chó của thần hộ mệnh Siva-Bhairava và chín vị thần tinh tú trong nghệ thuật Chăm-pa - Trần Kỳ Phương