Bên dòng sông Trà Nô ngày ấy - Giang Nguyên Thái

25.01.2018

Bên dòng sông Trà Nô ngày ấy - Giang Nguyên Thái

Những năm đất nước có chiến tranh, hằng năm Bộ Văn hóa đều cử các họa sĩ của hai trường Mỹ thuật và Mỹ thuật công nghiệp đi thực tế ở các chiến trường B,C.

Đầu năm 1965, họa sĩ Ngô Văn Duyên đi Lào, lúc đó gọi là Chiến trường C. Họa sĩ Thế Vinh vào Khu V. Vào chiến trường Khu V còn có các anh Phạm Hồng, Đức Hạnh, sau này còn có các anh Triệu Khắc Lễ, Lê Khắc Cường, Đoàn Văn Nguyên, Lê Văn Thìn, Phạm Văn Vết, Trần Trung Chính, Tuấn, Chi... Vào Quảng Ngãi có Phạm Mùi, Phạm Dân, Hồ Thu. Bạn học phổ thông cùng tôi ở Trường Nguyễn Huệ, Hà Đông là họa sĩ Phúc Năng, sau khi học xong trung cấp Mỹ thuật 3 năm, đầu năm 1965 anh vào bộ đội rồi hy sinh ở chiến trường B. Nhà điêu khắc Thanh Tịnh và Vũ Hy Thiều vào Khu VI. Họa sĩ Huỳnh Công Nhãn cùng các họa sĩ Lê Lam, Chí Hiếu, Hoàng Bửu, Lâm, Hồng Xuân, Hoàng Anh, Thanh Châu... đi vào chiến trường Nam Bộ, Hoàng Đình Tài vào đường dây 559, Lê Trí Dũng vào chiến trường Quảng Trị và rất nhiều họa sĩ khác mà tôi không kịp nhớ tên.

Những năm đó, Trường Mỹ thuật sơ tán ở xã Quang Minh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Xuống tàu ở ga Trung Giã, chúng tôi phải đi bộ 5-6 cây số để đến Ngã tư Dật. Từ Ngã tư Dật rẽ trái, đi một thôi nữa là đến nơi sơ tán. Còn Trường Mỹ thuật Công nghiệp cũng đến đó thì rẽ phải. Lúc ấy Cầu Vát chưa có, chắc hẳn chúng ta đều còn nhớ tiếng gọi đò vang vọng giữa đêm khuya sau mỗi chuyến tàu vét cuối ngày từ Hà Nội lên Thái Nguyên.

Một buổi tối, Trường Mỹ Thuật tập trung ở sân kho làng Mản, gần bếp ăn tập thể ông Kìn để tiễn anh Trần Hữu Chất và Trần Thăng Giai vào chiến trường B. Trong không khí phấn khích và xúc động, họa sĩ Trần Hữu Chất đọc bài thơ “Những viên đạn tầm xa”, ý anh muốn nói chúng ta được nhà nước đào tạo để chi viện cho các chiến trường. Chúng ta như những viên đạn vượt Trường Sơn vào thực tế, ở nơi mưa bom bão đạn để tôi luyện ý chí và rèn giũa bản lĩnh vững vàng.

Tháng 9 năm 1969, tôi và họa sĩ Trần Thành Công được cử vào chiến trường Khu V. Chúng tôi phải lên Lương Sơn, Hòa Bình để luyện tập đeo gạch đá hành quân và bồi dưỡng cả thể chất lẫn tinh thần để sẵn sàng lên đường vượt Trường Sơn. Sau 3 tháng trời luyện tập, chúng tôi lên đường vào những ngày cuối năm. Đoàn xe bịt bùng do các chiến sĩ nữ làm tài xế đưa chúng tôi từ Lương Sơn tới ga Hàng Cỏ, rồi lên tàu hỏa đi thẳng vào Nghệ An. Tết Canh Tuất năm đó, chúng tôi ăn Tết ở bên bờ sông Sê-Ca-Máng, trên đất nước bạn Lào. Tôi mua sẵn mấy bánh pháo Bình Đà, để dưới đáy ba lô. Sáng mùng một Tết, cả góc rừng đì đùng tiếng pháo, khói thơm lan tỏa trên các lùm cây, cỏ, nhiều chị em nữ cùng đoàn nhớ nhà thút thít khóc.

Tết Tân Hợi năm 1971, cơ quan Hội Văn nghệ Giải phóng Khu V ăn Tết thật đơn sơ. Sang đến Tết Nhâm Tý năm 1972, tình hình có khá hơn. Đường dây 559 chi viện từ miền Bắc đã thông suốt nên Khu V đã có gạo ăn. Năm ấy tôi gói cho mỗi người một cái bánh chưng. Lá dong rừng bản to tới 40 phân, gạo nếp, đỗ xanh đổi của đồng bào dân tộc, heo thì cơ quan nuôi sẵn. Họa sĩ Hà Xuân Phong làm một cành bích đào song thọ bằng giấy màu mà giống y như thật. Sáng mùng một khách khứa đến chơi chúc Tết vui lắm. Còn nhớ bác sĩ Huỳnh Phương Liên và diễn viên múa Vũ Thị Phương Anh cùng nhau hát mãi bài ca “Tự nguyện” của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh. Sau Tết, tôi và nhà văn Nay Nô đi công tác phía trước ở mặt trận Đắc Tô, Tân Cảnh. Mọi người ở nhà thì ra rừng phát rẫy, tỉa lúa.

Tết Quý Sửu năm 1973, tôi ăn Tết cùng anh chị em chiến sĩ Đại đội biệt động Lê Độ thành phố Đà Nẵng. Tôi và họa sĩ Đức Hạnh vào vẽ ở Đại đội này rồi ở lại ăn Tết luôn. Lúc đó Đại đội Lê Độ đang đóng quân ở Khe Rèng vùng B Đại Lộc. Nói là ăn Tết cho oai thôi, không có bánh chưng, bánh tét gì cả, anh chị em vẫn phải đi tác chiến trong thành phố, buổi sáng chỉ được chị nuôi chuẩn bị cho mỗi người một nắm cơm để giắt lưng ăn khi đói. Đây là một đại đội Biệt động toàn những chiến sĩ trẻ măng mà đánh giặc lại vô cùng gan dạ. Đó là các anh chị Trần Thái Hùng, Trần Thị Chiến, Đoàn Thị Tứ, là Học, là Phạm Kiều Đa, Phan Đức Long, Phan Văn Toán, Nguyễn Nho Minh, Nguyễn Tiến Dũng, Nguyễn Thị Minh Thúy... Nhiều anh chị em đã hy sinh khi tuổi xuân còn dang dở.

Tết Giáp Dần năm 1974, Ban Tuyên huấn và Hội Văn nghệ Giải phóng Khu V về đóng địa bàn ở dọc sông Trà Nô thuộc huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam. Bếp ăn chung nên chúng tôi vẫn lội sông sang Ban họp hành, thăm hỏi nhau. Sông Trà Nô mùa cạn thì hiền hòa, nước chỉ đến đầu gối. Nhưng đến mùa lũ thì kinh khủng lắm, dòng sông bỗng trở nên hung dữ lạ thường. Cô Đệ, nhân viên báo vụ người Bắc Ninh và họa sĩ Hà Xuân Phong là những người đã mãi mãi gửi lại tuổi xuân trên dòng sông này vào một trong những mùa lũ ấy.

Đêm giao thừa, chúng tôi tập trung ở nhà ăn tập thể, vừa là hội trường. Anh Sâm, Trưởng Ban Tuyên huấn chúc Tết anh chị em. Anh Sâm người Khu IV giọng nằng nặng, đặc sệt chất Nghệ An. Anh kể chuyện tiếu lâm làm cả hội trường cười nghiêng ngả. Anh Thịnh, Trưởng Ban Huấn học cũng quê xứ Nghệ, anh này Hán học rất uyên thâm. Trước giao thừa anh ra vế đối “Tân niên, miêu bất tọa, bất ngọa!”. Tạm dịch là “Năm mới, mèo không ngồi, không nằm!”. Đây là vế đối khá hóc hiểm bằng tiếng Hán, lại được hiểu theo lối nói lái kiểu miền Trung. Thấy tôi cười cười, anh Thịnh hỏi: “Thái đối được không?”, “Dạ, em hiểu nhưng chịu vì anh ra vế đối hiểm hóc quá. Mèo không ngồi, không nằm thì là mèo đứng, nói ngược lại là mừng đ...”. Anh Đặng Minh Phương lúc đó là Tổng biên tập báo Cờ Giải phóng của Khu V, anh xin đối nôm là: “Cuối năm, đài hết pin, hết điện!”. Mới nghe anh Phương đọc đến đây, anh Thịnh từ sân khấu nhảy xuống ôm choàng lấy anh Đặng Minh Phương, miệng kêu liên tục: “Giỏi, giỏi lắm!”. Câu đối lại có nghĩa là: Cuối năm, đài hết pin, hết điện - có nghĩa là đài tịt! Nói lái theo kiểu miền Trung có nghĩa là... Chắc các bạn hiểu rồi.

Nhớ nhất là những ngày anh chị em Hội Văn nghệ Giải phóng Khu V chúng tôi đóng quân dọc sông Trà Nô, con sông chảy vào sông Trường rồi đổ vào sông Tranh để xuôi xuống hòa vào sông Thu Bồn rồi chảy ra bờ biển Cửa Đại. Tại đây, tôi đã vẽ được khá nhiều bức phong cảnh bằng chất liệu bột màu. Có lần vẽ dưới trời mưa xuân lấm tấm, anh Nguyễn Văn Tám ở Ban Giao Vận Khu còn căng ni-lon che cho tôi khỏi ướt. Anh Tám sau này là một vận động viên bóng đá, nhưng anh còn là thi sĩ, nhạc sĩ và anh Tám cũng là một tay vợt có hạng của thành phố Đà Nẵng.

Năm năm, năm cái Tết ở chiến trường Khu V đầy gian khổ và ác liệt. Đôi lúc, chúng tôi còn không nghĩ sẽ có được ngày về! Sau hơn 50 năm mừng vui gặp lại, chúng tôi không thể quên những năm tháng gian nan ngày ấy, càng không thể quên những đồng đội mình đã mãi mãi nằm lại chiến trường Khu V như các họa sĩ Hà Xuân Phong, Nguyễn Xuân An... Một cái Tết nữa lại  đến, tôi muốn viết về những ngày ấy bên dòng sông Trà Nô như một nén tâm nhang gửi đến hương hồn các anh mỗi dịp xuân về.

G.N.T

Bài viết khác cùng số

Nhớ mùa hoa ven sông - Lê Ngọc NamĐà Nẵng - Tết Mậu Thân 1968 - Ngọc ThanhQuê hương tuổi thơ tôi - Huỳnh Viết TưLửa Tết - Vũ Thị Huyền TrangTết trong lòng - Phạm Thị Hải DươngĐất trời ươm Tết tự bao giờ - Ngô Thị Thục TrangMột thoáng Tết xưa - Lê Ngọc ThạnhMùa xuân trên Cảng Thọ Quang - Hoàng Tây HòaĐà Nẵng 2017 - Một năm bội thu về văn hóa - Bùi Văn TiếngBác Hồ với Tết năm Tuất đầu tiên sau ngày nước nhà độc lập - Vân trìnhChuông reo - Trần Đức TiếnThơ ngắn - Xuân HiệuNgày xuân, cảm nhận đôi điều về văn hóa ứng xử của người Hàn Quốc - Dân HùngCâu chuyện ngày 30 Tết - Hồ Thị Thùy Trang Hồn mai trắng - Đặng Hoàng ThámBầu trời xuân cao lộng - Tường LinhMùa xuân vẫn còn - Bích NhànBên dòng sông Trà Nô ngày ấy - Giang Nguyên TháiXuân Mậu Thân 68 qua tác phẩm mỹ thuật - Trần Trung SángXuân Mậu Thân 1968: Vang vọng những lời thơ - Mai Bá ẤnTìm - Trương Đình ĐăngXuân trừu tượng - Đỗ Thượng ThếHạt muối - Huỳnh Trương PhátGiọt nắng giọt mưa - Trương Công MùiBến đợi - Xuân CừDụ ngôn - Phạm Tấn DũngTrích dẫn rêu xuân - Nguyễn Tấn SĩGửi em - Nguyễn Đăng KiênXuân tình - Như HoàiPhận cỏ - Huỳnh Thúy KiềuChầm chậm cùng mùa - Thu ThủyThổn thức mùa xuân - Bùi Mỹ HồngXúc lộ - Nguyễn Thị Anh ĐàoLỗi hẹn mùa xuân - Nguyễn Nho thùy DươngNiềm xuân - Nguyễn Hoàng ThọNhững ô cửa mở ra mùa xuân - Kai HoàngMùa xuân trong thành phố - Nguyễn Đông NhậtTHANH QUẾ - TQVới người bái hoa mai* - Ngân VịnhLộc xuân - Tăng Tấn TàiVô thường - Vạn LộcTự vấn xuân - Trần Trình LãmMùa xuân có đắng? - Tần Hoài Dạ VũMùa trăng thiếu nữ - Trịnh Bửu HoàiVà mùa lại về - Hoàng Hương ViệtĐêm Trường Sa nhớ mẹ - Nguyễn Tiến NênTrong khu vườn cỏ dại - Đinh Thị Như ThúyThơm thảo - Lê Huy HạnhMùa lỡ quên - Nguyễn Hoàng SaQuà quê - Quốc LongGọi thầm lá phong - Lê Anh DũngRộn ràng xuân - Thái Bảo - Trương ĐỳnhChiều xuân uống rượu một mình - Xuân TrườngChuông chùa ở Trường Sa - Nguyễn Xuân TưĐêm sáng - Nguyễn Nho KhiêmBên sông chiều cuối năm - H.ManKể chuyện tình bằng lời ca dao(*) - Văn KhoaNguyễn Ngọc Hạnh - Phơi nỗi buồn lên thơ - Phạm Phú PhongTác phẩm đoạt giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng năm 2017 - Phạm Thị Hải DươngSáng láng một mùa Xuân Như ý - Chế Diễm TrâmĐể làm ra những trang sách...- Trương Điện ThắngDạo chơi với những sắc màu - Lê Huy HạnhHình tượng chó trong văn hóa Việt - Đinh Thị TrangCon chó của thần hộ mệnh Siva-Bhairava và chín vị thần tinh tú trong nghệ thuật Chăm-pa - Trần Kỳ Phương