Câu chuyện ngày 30 Tết - Hồ Thị Thùy Trang
Ngày 30 Tết. Những tia nắng ấm áp chiếu xuyên qua từng kẽ lá. Xung quanh, hàng trăm loài hoa đua nhau khoe sắc, lan tỏa hương thơm ngào ngạt.Thỉnh thoảng từng cơn gió nhẹ ùa về khiến không khí trở nên mát dịu, sắc trời như được khoác trên mình một chiếc áo mới tươi tắn.
Lúc này, trong điện Linh Tiêu, Ngọc Hoàng ngồi vẻ mặt trầm tư. Thấy thế, Nam Tào bèn hỏi:
- Dạ bẩm Ngọc Hoàng, mùa xuân tươi vui đang tới, chẳng hay Ngọc Hoàng đang có chuyện chi mà thấy ngài có vẻ lo âu, phiền muộn?
Ngọc Hoàng cầm tờ lịch cuối năm trên tay thở dài:
- Mới đó mà đã 30 Tết. Không biết ở dưới hạ giới chúng dân chuẩn bị đón Tết ra sao? Một năm trôi qua, cuộc sống chắc có nhiều đổi thay, nhưng mọi người vẫn còn gìn giữ phong tục Tết cổ truyền từ bao đời của người Việt, quả là điều đáng quý.
Bắc Đẩu từ đâu tới, nhanh nhảu xen vào:
- Dạ bẩm, ở dưới hạ giới bây giờ chắc đông vui, náo nhiệt lắm! Hay chúng ta xuống hạ giới vi hành một chuyến, xem dân chúng ở dưới đó chuẩn bị đón Tết như thế nào ạ?
Ngọc Hoàng tỏ ra phấn khởi, đồng ý với Bắc Đẩu.
- Ý của nhà ngươi hay đó! Hãy chuẩn bị hành trang để khởi hành ngay thôi!
Vừa nói dứt lời, cả Ngọc Hoàng, Nam Tào và Bắc Đẩu vội vàng cưỡi mây ngũ sắc xuống trần gian vi hành. Vừa đi, Nam tào vừa thưa chuyện với Ngọc Hoàng:
- Dạ bẩm Ngọc Hoàng, đất nước Việt Nam có tới 63 tỉnh thành, trong một ngày chúng ta không thể đi hết được các tỉnh. Vậy buổi sáng nay mình sẽ đến thăm chợ hoa Quảng An. Đây là một trong những chợ hoa lớn nhất ở Hà Nội, nằm bên đê Nghi Tàm, Yên Phụ, Tây Hồ. Chợ Quảng An không chỉ là nơi buôn bán hoa mà còn là nơi gìn giữ nét đẹp văn hóa của người dân Hà Nội đó ạ.
Nam Tào vừa dứt lời thì Ngọc Hoàng đưa tay chỉ về phía trước.
- Có phải trước mặt chúng ta không? Trẫm thấy có rất nhiều hoa.
- Dạ đúng, thưa Ngọc Hoàng. Chúng ta đến chợ hoa Quảng An rồi ạ.
Nam Tào và Bắc Đẩu đỡ Ngọc Hoàng rời khỏi đám mây ngũ sắc. Ba người cải trang thành thường dân vào chợ Quảng An. Khu chợ tấp nập, nhộn nhịp người qua lại. Từ cổng chợ Ngọc Hoàng đã nhìn thấy những dãy hàng hoa đủ loại với cành đào Nhật Tân phơi phới sắc hồng, hoa hải đường trắng muốt, hoa cúc nở vàng rực, nụ tầm xuân e ấp, hoa ly thơm ngát, lay ơn, violet, salem nở đỏ rực và những chậu quất cảnh sai trĩu quả... Ngọc Hoàng liền nói với Bắc Đẩu.
- Ở đây hoa đẹp quá, nhà ngươi chụp cho trẫm vài kiểu ảnh để trẫm úp lên facebook cho có tí sắc xuân nào!
Bắc Đẩu vâng lời, đưa tay vào túi lấy điện thoại nhưng không thấy điện thoại đâu, hốt hoảng la lên:
- Dạ bẩm... bẩm... Ngọc Hoàng! Thần bị mất điện thoại rồi! Lúc nãy thần còn thấy đây, mà giờ lại không thấy đâu nữa rồi!
Nam Tào đứng bên phàn nàn:
- Trước khi xuống trần gian, tôi đã dặn ông anh kỹ rồi, điện thoại ví tiền phải cất cẩn thận, vì bây giờ là gần Tết, ở dưới trần gian rất đông đúc, bọn trộm cắp nó nhanh lắm!
Vừa nói dứt lời, Nam Tào đưa tay vào túi quần, lục đi lục lại, lắp bắp:
- Thần!... Thần cũng bị mất điện thoại rồi...
Ngọc Hoàng lắc đầu, thở dài ngao ngán:
- Trần gian bây giờ trộm cắp ghê quá! Mới đây Táo Quân có báo cáo với trẫm, trong năm vừa qua cả nước đã xảy ra hơn mười ngàn vụ trộm cắp tài sản, và tình trạng này vẫn đang có chiều hướng gia tăng mạnh, không những thế thủ đoạn trộm cướp bây giờ cũng ngày càng tinh vi và nguy hiểm. Khi về thiên đình, trẫm sẽ bàn bạc lại với các quan về vấn đề này.
Đi vào phía sau chợ, nhìn thấy một người phụ nữ có gương mặt hốc hác đang ngồi khóc thảm thiết, Ngọc Hoàng hỏi:
- Năm hết Tết đến rồi, sao chị lại ngồi đây khóc lóc, chồng con chị đâu?
Người phụ nữ lấy tay lau nước mắt rồi chỉ tay về phía những chậu hoa nói:
- Tôi bán hoa ở chợ Quảng An đã hơn 10 năm nay, hôm nay đã 30 Tết rồi, vợ chồng tôi thức đêm thức hôm vậy mà vẫn không bán được, bao nhiêu công sức coi như đổ xuống sông xuống biển. Người dân thường đợi đến lúc giao thừa mới đi mua hoa cho rẻ. Nếu cứ tiếp tục như vậy, sang năm chúng tôi bỏ nghề bán hoa này quá! Ba chú thương tình mua giúp tôi chậu hoa, để tôi có tiền mua quần áo mới cho tụi nhỏ đón Tết.
Mấy năm trở lại đây, tình trạng buôn bán hoaTết ế ẩm, lỗ vốn, hoa, cây cảnh phải đổ bỏ khiến Ngọc Hoàng không khỏi xót xa. Thấy hoàn cảnh của người phụ nữ đáng thương, Ngọc Hoàng ra lệnh cho Bắc Đẩu mua giúp cho người phụ nữ hai cành đào để trưng bày ở điện Linh Tiêu.
Nghỉ ngơi một lát, Ngọc Hoàng, Nam Tào và Bắc Đẩu lại tiếp tục cưỡi mây ngũ sắc đi vi hành. Địa điểm tiếp theo mà họ đặt chân tới là chợ Cồn ở Đà Nẵng. Suốt từ con đường dẫn vào chợ, hàng quán trưng bày la liệt các loại mặt hàng chả bò, mắm cá, mực rim, gạo nếp, những mâm ngũ quả trông thật bắt mắt. Đi đến hàng rau củ quả, Ngọc Hoàng thấy rau xanh tươi ngon nên ra lệnh cho Bắc Đẩu mua một ít mang về thiên đình.
Sau khi mua một mớ rau to, Bắc Đẩu mua thêm một ít trái cây ra mời Ngọc Hoàng và Nam Tào thưởng thức. Ba người đi dạo quanh chợ Cồn đã thấm mệt, nên ăn một cách rất ngon lành. Nam Tào kéo tay Bắc Đẩu hỏi:
- Này, ông anh mua hết chỗ rau đó giá bao nhiêu vậy?
- À, một bó rau cải là 20.000 đồng, cà chua 35.000 đồng/kg, ớt 110.000 đồng/kg, bắp cải 55.000 đồng/kg...
Bắc Đẩu chưa nói hết câu, Nam Tào cắt ngang tỏ vẻ bức xúc:
- Sao đắt quá vậy? Đắt gấp 3-4 lần những năm trước!
- Giá thế này là rẻ nhiều rồi đó ông anh ạ. Anh không biết năm nay miền Trung mưa lũ triền miên thì rau cỏ nào mà sống nổi.
Nghe Nam Tào và Bắc Đẩu nói chuyện, Ngọc Hoàng nhớ lại cách đây ít ngày Táo Quân lên chầu trời có bẩm báo với Ngọc Hoàng về tình hình mưa bão năm 2017. Đó là những ngày bầu trời tối sầm, mưa không ngớt, kéo dài nhiều giờ đồng hồ đã khiến các tỉnh ở miền Trung và duyên hải Nam Trung bộ bị ngập sâu. Nhiều tuyến đường ngập nặng khiến các phương tiện giao thông không thể di chuyển, thậm chí có nhiều nơi người dân phải sử dụng thuyền mới có thể đi lại được. Ở một số tỉnh thành như Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi..., nước tràn vào nhà dân khiến họ sống trong cảnh khó khăn, thiếu thốn, không có điện, không thức ăn và cả nước uống. Mỗi một trận lũ đi qua đã để lại bao cảnh thương tâm. Không ai là không cảm thấy đau xót khi nhìn thấy cảnh nhà cửa, ruộng vườn, trâu bò bị cuốn trôi theo dòng nước lũ. Người dân miền Trung chỉ còn biết lặng im đón nhận mưa bão đổ về hằng năm.
Sau khi dạo quanh hết chợ Cồn, cả ba người lại tiếp tục cuộc hành trình vào Nam. Cưỡi mây đến bến xe Miền Đông ở thành phố Hồ Chí Minh, thấy cảnh người chen lấn, xô đẩy vô cùng hỗn loạn, Ngọc Hoàng ngạc nhiên hỏi:
- Hai khanh cho trẫm biết, vì sao người ta lại xô đẩy nhau như vậy? Phép lịch sự là phải xếp hàng chứ?
- Dạ bẩm Ngọc Hoàng, bây giờ là 3 giờ chiều, ngày 30 Tết rồi, mọi người tranh nhau mua vé để kịp về quê ăn Tết với gia đình đó ạ.
15 phút sau khung cảnh ở bến xe Miền Đông lại càng huyên náo, nhiều người vẫn cứ tiếp tục xô đẩy, chen lấn. Ai cũng muốn mua được vé trước nên đám đông càng hỗn loạn. Mấy anh bảo vệ cố gắng dẹp đám đông để giữ gìn an ninh trật tự, nhưng uổng công vô ích. Bỗng Ngọc Hoàng cũng bị xô lẫn vào trong đám đông đó và cảm thấy ngột ngạt, không chịu được.
- Cứu trẫm với! Cứu trẫm với! Nam Tào, Bắc Đẩu!
Nam Tào, Bắc Đẩu nghe tiếng kêu cứu của Ngọc Hoàng vội vã chạy lại.
- Chúng thần đến cứu bệ hạ đây!
Có những người vì không đủ sức chen lấn nên ngất xỉu. Nam Tào, Bắc Đẩu phải khó khăn lắm mới kéo được Ngọc Hoàng ra khỏi đám đông. Ngọc Hoàng chưa hết bàng hoàng thì có một tốp đi đến.
- Ba anh đi về đâu? Mua vé bên nhà em rẻ lắm, chứ ba anh đứng xếp hàng mua vé biết đến bao giờ. Tết thì đến nơi rồi, về nhanh còn kịp đón giao thừa.
Nam Tào hỏi giá vé đi Quảng Nam là bao nhiêu, chị ta trả lời: “Giá vé đi Quảng Nam là 1.600.000 đồng/người”. Nam Tàu cau mặt:
- Bình thường giá vé về Quảng Nam chưa tới 500.000 đồng, sao nhà chị lấy giá cao thế? Đắt còn hơn đi máy bay, theo quy định, giá vé xe về Tết chỉ tăng từ 20-60% thôi mà.
Người đàn bà vô tư trả lời:
- Xí! Vé máy bay có mà 3-4 triệu đồng, các anh không đi, tôi bán cho người khác!
Ngọc Hoàng kéo tay Bắc Đẩu hỏi:
- Mấy người này là ai? Nhân viên bán vé à? Sao mấy người kia không lại đây mua vé cho nhanh mà chen lấn cực khổ thế kia?
- Dạ thưa Ngọc Hoàng, đây không phải nhân viên gì đâu. Bọn họ lấy vé rồi bán lại cho người dân với giá cắt cổ. Ai muốn đi nhanh, không phải xếp hàng mua vé thì mua vé của họ. Đây gọi là vé chợ đen đó bệ hạ.
Nghe Bắc Đẩu nói, Ngọc Hoàng lắc đầu:
- Ai lại bán vé với giá cắt cổ như thế này cơ chứ?
Khi Ngọc Hoàng và Bắc Đẩu quay lại thì Nam Tào đã thương lượng xong giá với người phụ nữ kia, giá vé còn là 700.000 đồng/người. Sau khi đi một đoạn đường dài đã khá mệt, Ngọc Hoàng quyết định đi xe khách cho biết cảnh người dân hạ giới đi về quê ăn Tết. Ba người bước lên chiếc xe khách nhồi nhét người chật ních đến không còn một khoảng trống để thở vì khách được “nhồi” đầy cả lối đi. Xe chạy được hơn 10km, Ngọc Hoàng không chịu được nữa. Bắc Đẩu vội vàng hỏi:
- Dạ bẩm Ngọc Hoàng có sao không ạ?
- Mau mau cho trẫm xuống, trẫm không thở được nữa, mau đưa trẫm về điện Linh Tiêu ngay, nhanh lên !
- Nhưng bệ hạ đã đi hết 63 tỉnh thành đâu ạ?
- Mau đưa trẫm về! Trẫm không chịu nổi cảnh ở hạ giới nữa.
Ngọc Hoàng cưỡi mây ngũ sắc bay trở về trời, chẳng mấy chốc đã về đến điện Linh Tiêu. Ngọc Hoàng nhìn các quan trong triều nói với giọng đầy mệt mỏi:
- Chuyến vi hành này cho ta thấy cuộc sống của người dân hạ giới còn nhiều cực khổ. Đặc biệt năm nay lại xảy ra nhiều thiên tai bão lũ, các tệ nạn xã hội diễn ra ngày càng nhiều, thêm vào đó ý thức con người còn chưa cao, nên mới gây ra nhiều sự cố.
Ngọc Hoàng vừa nói dứt câu thì có một vị quan trong triều dâng tấu chương về tình hình ở dưới hạ giới trong năm 2017. Ngọc Hoàng cầm bản tấu chương trên tay nhưng lại đọc không được, bèn hỏi:
- Khanh dâng cho trẫm bản tấu chương được viết bằng chữ gì mà lạ thế, trẫm đọc chữ được chữ không?
Vị quan hớn hở thưa:
- Dạ bẩm Ngọc Hoàng, hạ thần viết tấu chương này dựa trên công trình nghiên cứu 40 năm cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS Bùi Hiền đó ạ. Chẳng hạn như từ Giáo dục sẽ được viết mới thành Záo zụk, tiếng Việt thành tiếq Việt, Nhà nước thành N'à nướk, dân tộc thành zân tộk, ngôn ngữ thành qôn qữ, quy định thành kuy dịn'...
Giữa lúc vị quan đang phân tích về cách viết của chữ Quốc ngữ mới, thì các vị quan trong triều lại bàn tán xôn xao, với nhiều ý kiến khác nhau, người khen hay đồng tình, người thì cho rằng đó là ý tưởng điên rồ. Thấy vậy, Ngọc Hoàng liền phân giải.
- À, đây là công trình nghiên cứu về việc cải tiến tiếng Việt của PGS Bùi Hiền, nghe đâu đang tranh cãi nhiều ở hạ giới. Việc cải tiến chữ Quốc ngữ này rất khó để thực thi. Theo trẫm, chữ viết là thứ quý giá của mỗi dân tộc, vì thế nên cần được gìn giữ sự trong sáng của nó.
Nói xong Ngọc Hoàng trầm ngâm suy nghĩ một lúc, rồi ra lệnh:
- Các khanh mau truyền chỉ dụ của trẫm đến Long Vương là năm sau không được gây mưa bão nhiều nữa, phải giữ mưa thuận gió hòa để chúng dân an tâm làm ăn sinh sống, phải bắt hết các đối tượng hành nghề trộm cướp, cò mồi và nâng cao ý thức của người dân để không còn diễn ra cảnh đám đông chen lấn như thế nữa. Trẫm muốn người dân hạ giới luôn được đón Tết sum vầy, hạnh phúc bên gia đình.
Lúc này các vị quan trong triều cùng reo vui:
- Dạ bẩm, Ngọc Hoàng anh minh!
Sáng mùng một Tết, Ngọc Hoàng nhìn xuống hạ giới thấy mỗi gia đình, ai nấy đều tất bật chuẩn bị bữa cơm tân niên, các thành viên trong gia đình ngồi quây quần bên mâm cơm ấm cúng, mọi người cười nói vui vẻ chúc nhau một năm mới “An khang - Thịnh vượng!”. Trẻ con xúng xính trong những bộ quần áo mới đi theo người lớn chúc Tết. Mùi hương thơm của bánh chưng, củ kiệu hòa quyện khắp thôn xóm. Ngọc Hoàng tỏ vẻ hài lòng rồi cùng Nam Tào và Bắc Đẩu đi chúc Tết các quan trong triều.
H.T.T.T