Đất trời ươm Tết tự bao giờ - Ngô Thị Thục Trang
1. Tôi trở lại quê nhà sau một thời gian tương đối lâu bết mình vào phố mà không sao gỡ ra được. Đáng nói, theo cùng tôi về có cả hương xuân. Không phải Tết đâu nhé, Tết là cái xuân đã bung tràn, rộ nở. Xuân theo tôi chuyến này là cái xuân còn mới nhú, e ấp, rụt rè - cái xuân ẩn chìm sau lớp vỏ xù xì già nua của một mùa đông dường như giăng kín cả đất trời.
Chưa có bất kỳ chấm xanh nào trên những ruộng rau dọc hai bên đường, nhưng chỉ cần thấy từng ấy thôi: đất đã vun xới, nắng trải vàng đều, là cũng đủ để hình dung ra một màu xanh mướt mát trải dài đến tận bãi sông. Bởi dưới lớp đất ấm kia là những hạt mầm đang tách vỏ, và rồi sẽ trồi lên mạnh mẽ những mầm cây. Và rất nhanh chóng, những luống nào cải, xà lách, ngò, đậu cô ve, đậu đũa sẽ phủ xanh kín đến mát lòng chủ nhân và cả những kẻ chỉ lướt qua nó một lần.
Một trong những kẻ như thế là tôi, chỉ trốn phố được một ngày không trọn vẹn: cơm trưa xong chỉ kịp nằm ngả lưng chốc lát lại phải bật dậy, quay về. Nên việc đầu tiên tôi làm sau khi cởi chiếc mũ bảo hiểm là xộc thẳng vào gò, nơi có tuổi thơ tôi vắt hồn nhiên trên những lùm cây dại, nơi sim mua từng tím tràn trong giấc mơ gió chiều lồng lộng, nơi tôi kéo mây về trải thảm ngồi chơi.
Ôi! Đây rồi, vương quốc của tôi, với lùm cây um tùm mà ngày còn ở quê, cứ vài ba ngày lại một lần “thu hoạch”. Màu vàng ươm của chùm dủ dẻ mới đã con mắt làm sao. Dủ dẻ ơi, có phải bao năm bao tháng, mày vẫn chờ đôi tay bé nhỏ của ta? Kia nữa, chùm móc tím đen mọng nước, chúng mày vẫn nhấp nhánh đợi ta sao? Và cả đồi gò này, bao năm rồi dường như vẫn vậy, riêng giữ được nét hoang sơ của một thiên nhiên chưa nhiều biến đổi.
Tôi đi dọc lại những con đường mòn mà tuổi dại khờ, nhiều lần té ngã khi đội củi về giữa trưa nắng khát cháy cả cuống họng. Cành lá này, là lớp cháu thứ bao nhiêu đời của những cành lá ngày xưa quệt vai tôi, nhưng sao vẫn thế, cái quệt như của những người quen lâu ngày gặp lại, chẳng có chút khách sáo nào, chẳng một chút ngại ngần. Đầy xúc động, tôi chạm tay vào nhành mua lá nhám. Và hết sức bất ngờ, tôi phát hiện ra có một chồi hoa đang giấu mình trong nách lá. Tôi tiếp tục giở những nách lá khác ra xem, và suýt nhảy lên khi dưới nách lá nào cũng có những chồi hoa vừa nhú. Với những chồi hoa này, chỉ một khoảng thời gian ngắn nữa thôi, cả vùng đồi này sẽ ngập trong sắc tím bâng khuâng. Những người đi tảo mộ ngày mùng một Tết, lại sẽ mang về những cành hoa làm dịu lại con nắng bất ngờ chói chang của buổi sáng đầu năm mới. Nghĩ đến đấy, tôi bỗng nhớ vô cùng những buổi sáng mùng một của ngày xưa, tôi theo ba vào thắp nhang trong mộ ông bà nội. Tôi nghe lòng mình dậy lên bao điều, như chính khói nhang quyện với không khí thiêng liêng của ngày đầu năm mới đã cho tôi trưởng thành thêm một bậc.
Lối mòn xưa (hay là vô thức?) lại dẫn tôi đến cạnh ngõ vào rẫy ông Khế, vẫn con dốc rất sâu và lởm chởm đá. Cánh cổng gai tre đã rào lại, không thể đẩy vào, tôi vẫn tin vườn chè ấy không có cây chè nào bị chặt, những cây trâm thì đang thay mấy chiếc lá úa cuối cùng để có một bộ áo tươi non mơn mởn cho mùa xuân sắp đến. Và lạ lùng thay, quấn quýt nơi cánh mũi tôi làn hương gì quen lắm, như là hương chè quyện với mùi rêu mới, cả mùi bùn ướt. Làn hương này là thực hay ảo, tôi không còn phân biệt được nữa. Tôi rất muốn đẩy cánh cổng này, chạy thẳng đến chỗ giếng nước, gỡ một lớp rêu mang về cho đỡ thèm, cũng là để luôn nhớ về cái giếng cạn xợt như một ục nước nhỏ nhưng đã cứu khát cả xóm tôi vào những mùa khô hạn, khi những giếng khác phơi đáy sâu hoắm. Để có một thùng nước, phải mất công khiêng hơn cả cây số đường gò với dốc cao dốc thấp lô nhô đất đá, mà mỗi năm anh em tôi có đến gần ba tháng làm công việc ấy. Giếng ông Khế! Ơi một thuở ấu thơ xanh ngắt bùi ngùi...
Khi tôi trở lại nhà, lại ồ lên vì vườn chuối ba trồng năm ngoái cũng đợt này đã lớn phổng phao, lá xanh chen kín, và đã có mấy cây trổ buồng, chắc là kịp Tết đây. Tôi lọt thỏm giữa những cánh tay lá dang rộng, lại thấy mình như đứa trẻ đang chơi trốn tìm đợi mãi không thấy ai đến “bắt”. Tôi xé một miếng lá chuối vàng, cuốn thành hình chiếc phễu. Được thể, ký ức ùa về rộn rã giữa lòng với trò chơi đong dầu phộng, nước mắm eo sèo góc đầu hè. Tất cả như mới hôm qua, mà đã hai mươi năm có lẻ.
Cội mai già trước sân, những đọt lá đã nhú lên chúm chím. Cội mai này, mỗi Tết chỉ ra vài cụm hoa, nhưng đúng dịp và bền bỉ, cạn xuân mới chịu tàn. Hình như cây thương người, chẳng cần chăm sóc mấy, cứ đến hẹn là chắt ra tinh anh, hiển nhiên như cánh én thì liệng giữa trời xuân.
Và gió. Gió này đã là gió ấm, thổi cho sông trong xanh hơn, cho phấn hoa bay đến nơi nhụy đang chờ, cho đọt lá chuối vươn mình ra khỏi kén, cho ngọn tre già rũ hết hơi sương. Để một sớm mai nào thức dậy, đứa trẻ nhà bên ngỡ ngàng trước sắc vàng vạn thọ, sắc hồng mơn man của khóm hoa móng tay trước ngõ, và cả màu xanh nõn nà của biển lúa rập rờn trên đường đến lớp. Đứa trẻ nhà bên, không biết có như tôi của những ngày xưa thơ dại, cuống quýt tìm nơi gói cất cái nắng vàng như mật ong chảy tràn khắp cả làng quê ấy.
Và đứa trẻ ấy, có khi nào lay tay mẹ hỏi, rằng đất trời ươm Tết tự bao giờ?
N.T.T.T