Con chó của thần hộ mệnh Siva-Bhairava và chín vị thần tinh tú trong nghệ thuật Chăm-pa - Trần Kỳ Phương

25.01.2018

Con chó của thần hộ mệnh Siva-Bhairava và chín vị thần tinh tú trong nghệ thuật Chăm-pa - Trần Kỳ Phương

Trong văn hóa Ấn Độ và các nước Đông Nam Á theo Ấn giáo (Hindu), con chó là loài vật gắn liền với hình tượng của các vị thần; đặc biệt chín vị thần tinh tú (hay cửu tú/cửu diệu/navagrahas) được tin là ảnh hưởng đến vận mệnh của con người. Chín vị thần tinh tú này phổ biến trong khoa thiên văn học hay chiêm tinh học, bao gồm chín vì sao  trong thái dương hệ, đó là: Nhật (Surya/Sun), Nguyệt (Chandra/Moon), Hỏa tinh (Mangala/Mars), Thủy tinh  (Budha/Mercury), Mộc tinh (Brihaspathi/Jupiter), Kim tinh (Sukra/Venus), Thổ tinh (Sani/Saturn), La-hầu (Rahu), Kế-đô (Ketu).Bài này bắt đầu với hình tượng con chó của Thần Sao Thổ Bhairava, một con vật độc đáo trong nghệ thuật tạo hình của Ấn giáo.

 

(1)        Thần Sao Thổ/Thổ Tinh Sani là một vị hung thần, ngài tạo nên vận may nhưng cũng mang đến xui xẻo bằng sự ảnh hưởng và vị trí của ngài trong hệ tinh tú; vì thế, đương nhiên, ngài bị khiếp sợ và được sùng bái bởi tín đồ của khoa thiên văn học/chiêm tinh học  theo Ấn giáo. Ngài được thể hiện có bốn tay ngự trên một cỗ xe, hoặc trên con trâu hoặc chim ó. Trong ba tay ngài cầm một mũi tên, một thanh cung và một mũi giáo; tay thứ tư thủ ấn đại bi; là ngày Thứ Bảy theo lịch Ấn giáo.

Đáng lưu ý là Thần Sao Thổ được so sánh với thần Bhairava, một hóa thân của thần Siva-Đấng Hủy diệt và Tái tạo Vũ trụ để canh giữ tám hướng của thế gian. Trong hóa thân này Bhairava kết hợp với Kala-thần Thời gian biểu tượng tính chất biến đổi vô thường của vạn vật. Thần Bhairava là hung thần giúp con người vượt qua những nỗi sợ hãi tạo nên bởi lòng tham lam, đố kỵ và ganh ghét. Ngài cưỡi con chó mà tiếng sủa của nó xua tan mọi lo âu mang đến niềm thanh tịnh cho mọi tín đồ; và đặc biệt, ngài mang đến lòng quả cảm cho các tín nữ. Vì thế hình tượng Bhairava và vợ của ngài là Bhairavi được tôn thờ phổ biến trong nghệ thuật Ấn Độ và Đông Nam Á.

(2)        Thần Mặt Trời/Nhật thần Surya còn được gọi là Ravi. Trong tương quan với các thần tinh tú khác, ngài đứng ở giữa và xoay mặt về hướng Đông, trong khi những vị thần khác đứng xung quanh ngày xoay mặt về các hướng khác nhau. Ngài ngự trên cỗ xe có một bánh nhưng được kéo bởi bảy con ngựa. Bảy con ngựa tượng trưng cho bảy màu của ánh sáng trắng; và bảy ngày của một tuần. Thần là ngày Chủ Nhật theo lịch Ấn giáo.

(3) Thần Mặt Trăng/Nguyệt thần Chandra còn gọi là Soma và có lẽ bởi vì hình ảnh của trăng tròn và khuyết nên ngài không bao giờ được miêu tả tròn trịa. Ta chỉ thấy ngài với phần trên của thân thể từ ngực trở lên với hai tay cầm hai đóa sen, ngự trên một cỗ xe kéo bởi mười con ngựa. Trong điêu khắc Champa, Nguyệt thần thường ngự trên một tòa sen cách điệu bằng những đường gờ hình kỷ hà; là ngày Thứ Hai trong lịch Ấn giáo.

(4)        Thần Sao Hỏa/Hỏa tinh Mangala cũng gọi là Angaraka, là một hung thần mặt đỏ có bốn tay. Hai tay cầm binh khí là một quả chùy và một mũi giáo, hai tay kia bắt ấn vô úy (abhaya/không sợ hãi) và ấn đại bi (varada). Ngài ngự trên con sơn dương; là ngày Thứ Ba theo lịch Ấn giáo.

(5) Thần Sao Thủy/Thủy tinh Budha được thể hiện có bốn tay ngự trên một cỗ xe hay trên con sư tử. Ba tay cầm một thanh gươm, cái khiên và ngọn giáo, tay thứ tư thủ ấn đại bi; là ngày Thứ Tư theo lịch Ấn giáo.

(6) Thần Sao Mộc/Mộc tinh Brihaspathi còn gọi là Brahmanaspati, là thầy của các vị thần; ngài được xưng tụng trong những bài thánh vịnh của bộ thi tụng Vệ Đà. Ngài được thể hiện có hai tay, ngồi trên một cỗ xe kéo bằng tám con ngựa trắng hoặc cưỡi trên con voi. Tám con ngựa này có thể tượng trưng cho tám ngành kiến thức như, thơ ca, triết học, toán học, kiến trúc, v...v... Ngài là vị thần của ánh sáng và sự minh bạch, xua đuổi bóng đêm; là ngày Thứ Năm theo lịch Ấn giáo.

(7) Thần Sao Kim/Kim Tinh Sukra là thầy của cả thần lẫn quỷ. Theo Thánh điển Ấn giáo Mahabharata, Thần Sao Kim tự phân thân thành hai phần: một nửa trở thành nguồn kiến thức cho chư thần (devas); nửa kia là nguồn kiến thức cho ác quỷ (asuras). Ngài được thể hiện có bốn tay, cưỡi trên một cỗ xe bằng vàng hay bạc kéo bởi tám con ngựa. Ba tay của ngài cầm một cái quyền trượng, một xâu chuỗi và một cái bình vàng; còn tay thứ tư thủ ấn đại bi (varada).  Ngài thủ đắc kiến thức có năng lực phục hồi phần hồn cho quỷ dữ mặc dầu chúng đã bị tiêu diệt bởi thần linh; kiến thức này được chư thần quyết tâm tu luyện để chứng đắc; là ngày Thứ Sáu theo lịch Ấn giáo.

(8)        La-hầu hay Rahu là vì sao thường kết hợp với Thủy tinh (Budha) tuy nhiên mỗi vị đều có tính cách riêng. La-hầu thường cưỡi con sư tử màu xám khác với con sư tử màu trắng của Thủy tinh. Cũng như các vị thần khác, ba tay của Rahu cầm các loại binh khí như gươm, giáo và cái khiên; tay thứ tư thủ ấn đại từ bi. Trong vũ trụ, Rahu nuốt mặt trời tạo ra nhật thực.

(9)        Kế-đô hay Ketu là vì sao chổi, có đuôi rắn. Thân ngài điểm nhiều đốm chấm, cưỡi con chim kênh, tay cầm lưỡi giáo. Rahu và Ketu trấn giữ tại giao điểm khi mặt trời và mặt trăng vận hành trên quỹ đạo; vì thế được tôn kính là hướng bắc và hướng nam của nguyệt thực.

Trong nghệ thuật tạo hình Chăm-pa, hình tượng Cửu Tú hay Cửu Diệu (Navagrahas) được thể hiện trên một bức phù điêu bằng sa thạch phát hiện tại thành Trà Kiệu, có niên đại khoảng thế kỷ thứ 7-8, hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Tp Hồ Chí Minh. Trên bức phù điêu độc đáo này chín vị thần được diễn tả từ trái sang phải, đó là: (1) Nhật thần Surya ngự trên cỗ xe thất mã; (2) Nguyệt thần Chandra ngự trên tòa sen; (3) Hỏa tinh Mangala hay Agni ngự trên con sơn dương hay con tê ngưu (?); (4) Thủy tinh ngự trên con ngỗng; (5) Mộc tinh ngự trên con voi; (6) Kim tinh Sukra ngự trên con ngựa (?); (7) Thổ tinh Sani/Bhairava ngự trên con chó; (8) La-hầu Rahungư trên con trâu (?); (9) Kế-đô Ketu ngự trên con sư tử. Việc thay đổi hình tượng những con linh thú của những vị thần là một sáng tạo của nghệ thuật tạo hình Champa so với nghệ thuật Ấn Độ; tuy nhiên nguyên nhân của sự thay đổi này vẫn còn là câu hỏi lớn cho các nhà nghiên cứu Champa. Việc thể hiện hình tượng Thổ tinh là thần Bhairava cưỡi con chó, bộc lộ xu hướng thiên về đạo Siva của tín ngưỡng hoàng gia Champa. Vị thần này còn giữ chức năng hộ trì cho các cơ sở tôn giáo của hoàng gia; nghĩa là biểu tượng của sự phồn vinh.

Trong kiến trúc tại Mỹ Sơn, từ thế kỷ 10 trở đi, các tổ hợp đền-tháp đã được phát triển hoàn thiện để thờ các vị thần phụ như Thần Phương hướng (Hộ thế bát phương thiên/Astadikpalakas) và các vị Thần Tinh tú (Thất Diệu/ Cửu Diệu/ Saptagrahas/ Navagrahas) tại hai nhóm Mỹ Sơn A và B. Riêng tại nhóm Mỹ Sơn B có bảy ngôi tháp nhỏ thờ các vị thần Tinh tú (Thất tú/ Thất Diệu/ Saptagrahas) từ B7-B13, được dựng bao quanh ngôi đền chính Mỹ Sơn B1nơi thờ linga của Đấng Chí tôn Siva-Bhadresvara, đó là: (1) Tháp B7: Thần Ravi - Thần Mặt trời cưỡi con ngựa; (2)Tháp B8: Thần Soma-Thần Mặt trăng cưỡi tòa sen; (3) Tháp B9: Thần Mangala/ Agni - Thần Sao Hỏa cưỡi con tê ngưu; (4) Tháp B10: Thần Budha - Thần Sao Thủy cưỡi con ngỗng; (5) Tháp B11: Thần Bhairava/Indra- Thần Sao Mộc cưỡi con voi; (6) Tháp B12: Thần Sukra/Isana-Thần Sao Kim cưỡi con bò; (7) Tháp B13: Thần Sahni/Yama - Thần Sao Thổ cưỡi con trâu.

Triết học Vệ Đà của Ấn Độ quan niệm con người là một tiểu ngã (atman) của vũ trụ; bằng sự tĩnh tâm và cầu nguyện mỗi cá nhân có thể hòa nhập vào đại ngã vũ trụ (brahman). Ngôi đền Ấn giáo chính là nơi kết nối con người với thần linh qua nghi lễ tụng niệm; giúp con người giải thoát được những ràng buộc vị kỷ. Trong ngôi đền đó, thần Hộ mệnh Siva-Bhairava hiện ra hỗ trợ tín chủ trong nghi thức tự quán (svadhyaya/tự xét mình) để đạt đến giải thoát. Vì thế tín ngưỡng thờ thần Siva-Bhairava - vị thần xua tan bóng tối và chướng ngại đã xuất hiện cùng với những vị thần tinh tú trong nghệ thuật Chàm vào những thời hưng thịnh nhất của vương quốc này.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Boisselier, Jean (1963). La Statuaire du Champa: Recherches sur les cultes et l'iconographie. Paris: École Française d'Extrême–Orient.

- Johnson, W. J. (2009). A Dictionary of Hinduism. Oxford: Oxford University Press.

- Kramrisch, Stella (1994). The Presence of Śiva. New Jersey: Princeton University Press.

- Trần Kỳ Phương (2008). Vestiges of Champa Civilization. Hà Nội: Thế Giới Publishers.

T.K.P

Bài viết khác cùng số

Nhớ mùa hoa ven sông - Lê Ngọc NamĐà Nẵng - Tết Mậu Thân 1968 - Ngọc ThanhQuê hương tuổi thơ tôi - Huỳnh Viết TưLửa Tết - Vũ Thị Huyền TrangTết trong lòng - Phạm Thị Hải DươngĐất trời ươm Tết tự bao giờ - Ngô Thị Thục TrangMột thoáng Tết xưa - Lê Ngọc ThạnhMùa xuân trên Cảng Thọ Quang - Hoàng Tây HòaĐà Nẵng 2017 - Một năm bội thu về văn hóa - Bùi Văn TiếngBác Hồ với Tết năm Tuất đầu tiên sau ngày nước nhà độc lập - Vân trìnhChuông reo - Trần Đức TiếnThơ ngắn - Xuân HiệuNgày xuân, cảm nhận đôi điều về văn hóa ứng xử của người Hàn Quốc - Dân HùngCâu chuyện ngày 30 Tết - Hồ Thị Thùy Trang Hồn mai trắng - Đặng Hoàng ThámBầu trời xuân cao lộng - Tường LinhMùa xuân vẫn còn - Bích NhànBên dòng sông Trà Nô ngày ấy - Giang Nguyên TháiXuân Mậu Thân 68 qua tác phẩm mỹ thuật - Trần Trung SángXuân Mậu Thân 1968: Vang vọng những lời thơ - Mai Bá ẤnTìm - Trương Đình ĐăngXuân trừu tượng - Đỗ Thượng ThếHạt muối - Huỳnh Trương PhátGiọt nắng giọt mưa - Trương Công MùiBến đợi - Xuân CừDụ ngôn - Phạm Tấn DũngTrích dẫn rêu xuân - Nguyễn Tấn SĩGửi em - Nguyễn Đăng KiênXuân tình - Như HoàiPhận cỏ - Huỳnh Thúy KiềuChầm chậm cùng mùa - Thu ThủyThổn thức mùa xuân - Bùi Mỹ HồngXúc lộ - Nguyễn Thị Anh ĐàoLỗi hẹn mùa xuân - Nguyễn Nho thùy DươngNiềm xuân - Nguyễn Hoàng ThọNhững ô cửa mở ra mùa xuân - Kai HoàngMùa xuân trong thành phố - Nguyễn Đông NhậtTHANH QUẾ - TQVới người bái hoa mai* - Ngân VịnhLộc xuân - Tăng Tấn TàiVô thường - Vạn LộcTự vấn xuân - Trần Trình LãmMùa xuân có đắng? - Tần Hoài Dạ VũMùa trăng thiếu nữ - Trịnh Bửu HoàiVà mùa lại về - Hoàng Hương ViệtĐêm Trường Sa nhớ mẹ - Nguyễn Tiến NênTrong khu vườn cỏ dại - Đinh Thị Như ThúyThơm thảo - Lê Huy HạnhMùa lỡ quên - Nguyễn Hoàng SaQuà quê - Quốc LongGọi thầm lá phong - Lê Anh DũngRộn ràng xuân - Thái Bảo - Trương ĐỳnhChiều xuân uống rượu một mình - Xuân TrườngChuông chùa ở Trường Sa - Nguyễn Xuân TưĐêm sáng - Nguyễn Nho KhiêmBên sông chiều cuối năm - H.ManKể chuyện tình bằng lời ca dao(*) - Văn KhoaNguyễn Ngọc Hạnh - Phơi nỗi buồn lên thơ - Phạm Phú PhongTác phẩm đoạt giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng năm 2017 - Phạm Thị Hải DươngSáng láng một mùa Xuân Như ý - Chế Diễm TrâmĐể làm ra những trang sách...- Trương Điện ThắngDạo chơi với những sắc màu - Lê Huy HạnhHình tượng chó trong văn hóa Việt - Đinh Thị TrangCon chó của thần hộ mệnh Siva-Bhairava và chín vị thần tinh tú trong nghệ thuật Chăm-pa - Trần Kỳ Phương