Để làm ra những trang sách...- Trương Điện Thắng
Nhiều người cho rằng thời hoàng kim của ngành công nghiệp in đã không còn nữa với sự xuất hiện của Internet, viễn thông di động và các dịch vụ gia tăng khác...Từ cách in mộc bản, đá, xoa xoa đến ứng dụng kỹ thuật số là một quãng đường đáng nhớ...
Sư Tín Lộ hay Lương Nhữ Hộc là tổ?
Theo nhiều tư liệu nước ngoài, nghề in ấn bắt đầu xuất hiện và phát triển đầu tiên ở Trung Quốc. Kỹ thuật in dùng gỗ (mộc bản) sơ khai đã bắt đầu phổ biến từ thế kỷ thứ 6. Sách cổ nhất được in còn tới ngày nay sử dụng kỹ thuật in này có từ năm 868 SCN (kinh Kim Cương) dưới đời vua Đường Ý Tông. Hiện cuốn sách này được tàng trữ tại Thư viện Anh quốc Bristish Museum. Nhờ nghề in phát triển sớm, đến thế kỷ 12 và 13, các thư viện ở Trung Quốc và cả các nước Ả Rập đã có tới hàng chục nghìn bản sách, cả sách kinh của các tôn giáo lẫn những sáng tác văn học...
Tại châu Âu, sự phát triển nghề in là một bước đột phá trong phổ biến tri thức và các ứng dụng kỹ thuật. Nhà in sớm nhất đã được dựng lên ở Venice (Ý) năm 1469, và tới năm 1500 thành phố này đã có tới 417 thợ in. Năm 1470, Johann Heynlin lập nhà in ở Paris (Pháp). Năm 1476, nhà in được lập ở Anh quốc bởi William Caxton; Stephen Day xây dựng nhà in đầu tiên của Mỹ tại bang Massachusetts năm 1628, và là người góp phần lập nên Nhà xuất bản Cambridge nổi tiếng đến ngày nay.
Ở Việt Nam, giáo sư Vũ Văn Mẫu trong công trình nghiên cứu Tinh thần Phật giáo và khoa học xã hội in trong Tạp chí Tư tưởng số 3, tháng 8/1969 đã viết: Năm 1295 vua Trần Anh Tông đã cho khắc in Đại Tạng kinh do sứ thần Trung Quốc tặng. Bốn năm sau, hai cuốn sách khác cũng được khắc in là Phật giáo pháp sự đại trường tân văn và Công văn cách thức cũng dưới triều vua Trần Anh Tông.
Tuy nhiên, ông tổ nghề in tại Việt Nam lại là Lương Nhữ Hộc, người làng Hồng Liễu, huyện Trường Tân (nay là làng Thanh Liễu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Lương Nhữ Hộc đỗ Thám hoa năm 1442 dưới triều Lê, hai lần được cử đi sứ sang Trung Quốc và học nghề in mộc bản đem về nước dạy lại cho dân làng in kinh sử và được dân làng lập đền thờ là Tiên sư. Giáo sư Vũ Văn Mẫu cũng dẫn một tư liệu khác (sách Thiền Uyển thập anh) cho rằng, sư Tín Lộ (cuối đời nhà Lý) trụ trì chùa Không Lộ, chết năm 1190 (không rõ năm sinh) là con một gia đình nhiều đời làm nghề khắc văn in. Nghề này xuất hiện trong giai đoạn cực thịnh của Phật giáo tại Việt Nam!
Như vậy có thể nói nghề in mộc bản ở Việt Nam đầu tiên đều gắn liền với việc phổ biến những kinh sách Phật giáo và sách dạy chữ Nho, sau đó mới đến các sáng tác văn chương kéo dài từ thế kỷ 12 đến cuối thế kỷ 19 dưới thời Pháp thuộc.
Chữ Quốc ngữ và sự phát triển nghề in
Dưới thời Pháp thuộc, cùng với việc phổ biến chữ Quốc ngữ, kỹ thuật in ty-pô theo mẫu chữ la tinh lần đầu tiên được biết đến là một nhà in ở Sài Gòn với tờ Gia Định báo (15/4/1864) và sau đó là các tờ Phan Yên báo, Nhật trình Nam kỳ, Nam kỳ địa phận. Một trong những địa điểm in khắc gỗ ở Sài Gòn lúc đó là Xóm Dầu (Phụng Du phường). Cuốn Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu in chữ Nôm năm 1865 tại Sài Gòn hiện vẫn còn. Đây là một trong số ít cuốn sách hiếm in khắc gỗ cuối cùng ở Nam Bộ. Tuy nhiên, nhà in xưa nhất ở Sài Gòn được biết đến là Imprimerie de la Mission (Nhà in Nhà chung) hoạt động từ 1865 đến 1943. Cuối thế kỷ 19, nhiều sách dịch từ Hán - Nôm, Pháp văn ra Quốc ngữ hoặc sáng tác được in ở Sài Gòn như: Đại Nam quốc sử diễn ca (1875), Đại học Trung Dung (1881), Lục Vân Tiên truyện (1889), Kim Vân Kiều truyện (1889), Truyện Phan-Sa diễn ra quốc ngữ (Fables de la Fontaine) (1886), các sách của Trương Vĩnh Ký: Chuyện đời xưa (1866), Truyện khôi hài (1882), Gia huấn ca (1883)..., của Huỳnh Tịnh Của: Phép toán (Arithmétique) (1867), Gia Lễ (1886), Đại Nam quấc âm tự vị (1895-1896), Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn (1896)... Về phía chủ nhà in, nhiều nhà tư sản Việt, Hoa ở Sài Gòn đã sớm kinh doanh trên lĩnh vực này như: Phát Toán (1909), J.Việt (1917), J. Nguyễn Văn Viết et fils (1922), Á Đông - Chợ Lớn (1923), Quan Đồng Âm - Chợ Lớn (1923), Nguyễn Văn Của (1923), Xưa nay (1926), Bảo tồn (1927)... Theo “Lịch sử ngành in Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM)”: Tại Viện Bảo tàng cách mạng Việt Nam hiện nay có lưu trữ hai bản gốc in Luận cương chính trị năm 1930 của Đảng Cộng sản Đông Dương, in bằng "xu xoa" (thạch), chữ tím, năm 1930. Bản này có thể là in tại cơ quan in bí mật ở Sài Gòn vì lúc đó Trung ương Đảng đóng tại Sài Gòn. Đến đầu năm 1975, TP. HCM có 932 chủ hộ in lớn, nhỏ từ in ty-pô, offset, ống đồng, in trên nilon, in thiếc, sắt tây, lưới, thủy tinh, đóng sách, đúc chữ, chế bản. Nhiều nhà in lớn, máy móc hiện đại như Tân Minh ấn quán, Sài Gòn ấn quán, Kim Sơn ấn quán, nhà in Thông tin Việt Mỹ, Viễn Đông ấn quán, Quốc gia ấn quán, nhà in của quân đội Sài Gòn... Tổng số công nhân trong ngành in lên đến trên 1 vạn người. Máy móc thiết bị ngành in có trên 2.000 loại, từ hiện đại đến máy pedan trong các gia đình nghèo...
Đến đầu những năm 1960 thế kỷ trước, báo chí Sài Gòn vẫn còn in ty-pô tờ rời. Sau đó, cùng với sự phát triển kỹ thuật in du nhập từ Âu - Mỹ, từ những năm 1970 về sau mới bắt đầu thấy xuất hiện những chiếc máy in theo offset đầu tiên tại Sài Gòn với các nhà in lớn như Tân Minh ấn quán của ông Phạm Sanh, một chủ ngân hàng (nay là nhà in báo Sài Gòn Giải Phóng) và xưởng in của Tổng cục Chính trị (nay là Công ty In Trần Phú - TP.HCM). Mấy tờ báo có lẽ in theo công nghệ mới này đầu tiên là tuần báo Đời của Chu Tử, nhật báo Đông phương và Sóng thần của nhà văn Trùng Dương...
Tại miền Bắc, tờ Bảo hộ Nam dân in tại Hải Phòng ngày 18/7/1888 bằng hai thứ tiếng Hán - Việt. Đến năm 1893, báo Đại Nam Đông văn nhật báo mới bắt đầu in tại Hà Nội (Theo Nguyễn Thành - Lịch sử báo Tiếng Dân). Tài liệu Lịch sử Hội Thánh Tin Lành Việt Nam cũng cho biết, năm 1930 Hội Truyền giáo lập nhà in tại Hà Nội để in Kinh thánh, các sách giải nghĩa Kinh thánh, Thánh ca, bài học Trường Chúa Nhật và truyền đạo đơn. Trước đó, Hội Truyền giáo cùng với Thánh Kinh Hội lập một ban phiên dịch Kinh thánh, với sự cộng tác của nhà văn Phan Khôi và Giáo sĩ Cadman.
Đến trước năm 1945, ở Hà Nội có những nhà in lớn như các nhà in Topin, Lê Văn Tân, Trung Bắc Tân Văn tại số 34-36 phố Phùng Hưng, Hà Nội (sau được chính phủ mua lại năm 1946 là tiền thân của nhà máy in Tiến Bộ). Nhưng nổi tiếng nhất trong ngành in ở Hà Nội có lẽ là nhà tư sản Ngô Tử Hạ mà báo Nam Phong từng xếp là một trong ba trăm nhà tư sản có máu mặt ở xứ Đông Dương. Trước cách mạng, nhà in nổi tiếng Ngô Tử Hạ là mạnh thường quân của các trí thức yêu nước muốn in ấn sách báo, nhà in của ông ủng hộ Việt Minh hàng tạ chữ chì để in truyền đơn cho Cách mạng tháng Tám. Hình ảnh cụ Ngô Tử Hạ, đại biểu Quốc hội cao tuổi nhất, một nhà tư sản tự tay kéo xe bò đi quyên góp cứu đói trong nạn đói năm 1945, còn đọng lại trong tâm trí nhiều người Hà Nội.
Theo nhà văn Thúy Toàn trong bài viết về “Nhóm Lê Quý Đôn”: “Sau hòa bình 1954, ở Hà Nội còn có một số nhà xuất bản, nhà in tư nhân. Trong khi đó loại nhà xuất bản nhà nước như Nhà xuất bản Văn hóa của Viện Văn học mãi cuối năm 1957 mới thành lập. Bên cạnh Nhà xuất bản Minh Đức, có Nhà xuất bản Xây dựng, thuộc loại các nhà xuất bản có uy tín. Nhà xuất bản Xây dựng của ông Đào Văn Ngọc chủ trương ra các công trình nghiên cứu văn học, triết học, sử học của các cây bút có tên tuổi như Đặng Thai Mai, Trần Đức Thảo, Chu Thiên, Trần Văn Giàu...
Nghị định số 884-VH/NĐ ngày 18/7/1957 của Bộ Văn hóa ban hành trong hoàn cảnh tư nhân kinh doanh ngành in chưa được cải tạo. Năm 1961, Bộ Văn hóa Thể thao ra Thông tư 571, theo đó, Cục Xuất bản thuộc Bộ Văn hóa được ủy nhiệm quản lý chung ngành in trong phạm vi toàn quốc. Ở các địa phương, việc quản lý các nhà in sẽ do Sở hoặc Ty Văn hóa trực tiếp đảm nhiệm với sự hướng dẫn của Cục Xuất bản. Tất cả các nhà in bằng máy, in đá, in bản kẽm, in gỗ, làm bản kẽm, nhà đúc chữ in, các máy in và dụng cụ in hiện bỏ không đều phải đăng ký... Các máy in ronéo của những người hay tổ hợp tác hiện nay chuyên in thuê, của tổ chức tôn giáo đều phải đăng ký.
Đến năm 1961, theo tài liệu trên, “công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với tư nhân kinh doanh ngành in căn bản hoàn thành, tất cả các nhà in ở miền Bắc đã được bước đầu xếp sắp lại, và về cơ bản, đã do Nhà nước quản lý, lãnh đạo, thông qua hình thức quốc doanh và công tư hợp doanh”.
Với một lịch sử lâu đời như vậy, đồng thời với những “nhà máy in” lưu động của các loại sách báo cách mạng trên chiến khu, dưới những căn hầm bí mật trong chiến tranh, ngành in của Việt Nam quả là một tiến trình vừa cam go vừa lý thú. Người viết thiết nghĩ, lập ra một bảo tàng nghề in Việt Nam là điều hết sức cần thiết.
T.Đ.T