Kể chuyện tình bằng lời ca dao(*) - Văn Khoa

25.01.2018

Kể chuyện tình bằng lời ca dao(*) - Văn Khoa

Lâu lắm rồi, Trần Quang Lộc dường mất hút kể từ khi ông cùng vợ đến sinh sống tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Có người nói ông định cư ở nước ngoài, có kẻ nói ông “mai danh ẩn tích” ở một chốn núi cao rừng thẳm nào đó. Cho dù thế nào đi nữa, Về đây nghe em và Có phải em mùa thu Hà Nội vẫn là những ca khúc có sức sống diệu kỳ, được công chúng biết đến như một trong những bản tình ca hay nhất về quê hương.

 

Tình ca quê hương

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc sinh năm 1945, tại Gio Linh (Quảng Trị). Cuối năm 1960, Trần Quang Lộc vào Đà Nẵng học trường Trung học Phan Châu Trinh. Những ngày tháng ấy, ông sinh hoạt, sáng tác âm nhạc cùng với một nhóm học sinh tại trường. Trong số những bài ông viết, Gõ đàn hát chơi được xem là ca khúc có ý tứ già dặn nhất so với độ tuổi của ông:

“...Về ngồi trên đồi cao

Gõ đàn hát chơi...

Gõ đàn hát chơi...

... Mang khăn áo xuống tìm

Trong dãy phố buồn thiu

Chút thơ dại ngày nào

Nhưng chẳng tìm thấy đâu...”

Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Quốc gia Âm nhạc Huế, mới 19 tuổi, ông bắt đầu được công chúng biết đến như một tài năng trẻ nhờ kỹ năng chơi guitar xuất sắc cùng những sáng tác âm nhạc với những giai điệu đồng quê mượt mà. Ca khúc Về đây nghe em đã nổi tiếng ngay từ khi mới ra đời với những giai điệu nồng nàn và da diết. Khi nói về ca khúc này, Trần Quang Lộc tâm sự, ngày ấy, ông là một chàng trai quê mùa, tuổi đôi mươi, mưu sinh giữa Sài Gòn hoa lệ, mỗi tối, ông thường đệm đàn tại phòng trà và quán bar trong bối cảnh cuộc chiến tranh đang leo thang ở miền Nam. Hằng đêm, nhìn những nữ sinh ngày đi học, tối mặc váy ngắn bước vào bar, tim ông nhói lên điều gì đó vừa day dứt, vừa ám ảnh. Trong cảm xúc ấy, ông phổ nhạc bài thơ của A Khuê thành ca khúc như mời gọi mọi người hãy trở về để gìn giữ vẻ đẹp quê hương:

“Về đây nghe em, về đây nghe em

Về đây mặc áo the, đi guốc mộc

Kể chuyện tình bằng lời ca dao

Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai

Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới...”

Năm 1975, Trần Quang Lộc vào Sài Gòn dạy nhạc và hòa âm. Có lẽ không muốn cuộc sống ồn ào, náo nhiệt, ông rời nơi này về sinh sống trên đường Trương Hán Siêu, phường Long Toàn, thị xã Bà Rịa, cách thành phố Vũng Tàu chừng 30 km. Khi người ta hỏi ông vì sao lại về xứ đó, ông trầm ngâm, trả lời: “Cả cuộc đời tôi chỉ biết có làm nhạc, viết nhạc nên tôi muốn tìm nơi tĩnh lặng để không bị chi phối. Với tôi một căn nhà nhỏ, một mảnh vườn là đủ cho cuộc sống”.

Kể từ đó, Trần Quang Lộc sống lặng lẽ, yên bình bên người vợ là Nguyễn Thị Thuận, cử nhân văn khoa, từng là hoa khôi của Đà Nẵng vào giữa thập niên 60. Họ xây một căn nhà cấp 4 nhỏ bên cạnh một con kênh đã cạn kiệt. Gian ngoài có mấy dãy bàn ghế với những cây guitar treo dọc tường cùng những giá để tập nhạc. Nhạc sĩ mở lớp dạy đàn, âm thầm viết nhạc, hòa âm. Khách hàng của ông là hàng xóm, có khi là một bà chủ tiệm tạp hóa muốn ông viết nhạc quảng cáo hoặc một bản hòa âm cho một chương trình lễ Thánh của một nhà thờ, thỉnh thoảng có vài sinh viên trường nhạc nhờ ông hướng dẫn viết một luận văn tốt nghiệp. Trần Quang Lộc nói rằng, nghề nhạc chân chính không thể giàu có cho dù ông có nhiều ca khúc nổi tiếng. Thương người cha nghèo khó, những đứa con bảo lãnh ông qua Mỹ. Một thời gian ngắn, ông trở về Việt Nam đúng như những ca từ tha thiết trong tình khúc nổi tiếng Về đây nghe em của ông:

“...Về đây nghe em, về đây nghe em

Về đây cùng hát trên sông nước này

Chở lòng người trở về quê hương

Chở hồn mình về dòng suối mát...”

Thu Hà Nội giữa Đà Nẵng

Năm 1968, Trần Quang Lộc về Đà Nẵng tham gia sinh hoạt trong nhóm văn học nghệ thuật có tên là Hàn Giang. Lúc bấy giờ, Hàn Giang quy tụ được nhiều anh em văn nghệ sĩ tên tuổi như họa sĩ Đỗ Toàn, Hồ Đắc Ngọc, nhà thơ  Vũ Hữu Định (tác giả bài thơ được Phạm Duy phổ thành ca khúc Còn chút gì để nhớ), A Khuê, Nguyễn Đông Giang (hiện định cư tại San José), Tô Như Châu, Trần Dzạ Lữ, nhà báo Phan Xuân, Hoàng Duy Nhân..., nhà thơ Lê Trung Nghĩa (bác sĩ), nhạc sĩ Trần Đình Quân (tác giả bài hát nổi tiếng Khúc tình ca xứ Huế), Tôn Thất Lan,... Cũng trong thời gian này, một vài anh em trong nhóm (Trần Đình Quân, Vũ Hữu Định, Tôn Thất Lan...) đứng ra thành lập Đoàn du ca Đà Nẵng, Trần Quang Lộc được cử làm Đoàn phó.

Ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội, phổ từ bài thơ cùng tên của Tô Như Châu, được ông sáng tác vào năm 1972. Ca khúc được bạn bè ưa thích, hát với nhau trong nhóm thân hữu. Có một điều, mọi người đều ghi nhận, cả nhà thơ Tô Như Châu và Trần Quang Lộc chưa ai đặt chân đến Hà Nội. Tuy nhiên, ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội hay đến nỗi, người Hà Nội tưởng rằng, tác giả sinh ra và lớn lên tại nơi này:

“...Tháng tám mùa thu lá rơi vàng

chưa nhỉ?

Từ độ người đi thương nhớ âm thầm

Có phải em là mùa thu Hà Nội

Tuổi phong sương ta cũng gắng

đi tìm...”

Sau này, Trần Quang Lộc hồi tưởng, ngày ấy, xóm nhà ông ở bên bờ biển Sơn Trà (Đà Nẵng) có nhiều thiếu nữ Hà Nội di cư đến sinh sống. Các chàng trai mới lớn như Tô Như Châu và Trần Quang Lộc đều mê mệt giọng nói của các giai nhân. Lúc nào, họ cũng mơ tưởng đến thủ đô ngàn năm văn hiến thanh lịch. Ngồi dưới bờ dương trút lá ven biển Sơn Trà, họ cứ tưởng mình đang ở giữa mùa thu Hà Nội, để rồi hình ảnh “lót lá em nằm” khiến hàng triệu trái tim của người yêu nhạc thời bấy giờ rung động:

 “... Có bóng mùa thu thức ta lòng

sang mùa

Một ngày về xuôi chân ghé

Thăng Long buồn

Có phải em là mùa thu Hà Nội

Ngày sang thu, anh lót lá em nằm...”.

Thật ra, Trần Quang Lộc không sử dụng hết ngôn từ trong bài thơ gần 100 câu của Tô Như Châu mà chỉ lựa những tứ thơ hay nhất để viết lên ca khúc đầy chất Hà Nội. Khi vô Sài Gòn, ông chọn danh ca Thái Thanh trình bày, sau đó Thanh Thúy. Thái Thanh rất thích, ngày nào cũng hát trên đài phát thanh Pháp - Á (Sài Gòn) và nhiều nơi ở miền Nam. Thế nhưng, đến năm 1971, bà đột nhiên dừng hẳn, không hát bản nhạc này nữa. Khi được hỏi về nguyên nhân, Thái Thanh trả lời rằng, đây là ca khúc có xu hướng thân miền Bắc nên không thể hát. Thật ra, Có phải em mùa thu Hà Nội chỉ tồn tại được 2 tháng sau khi chính quyền Sài Gòn ra lệnh cấm, thu hồi tác phẩm. Họ cho rằng, nhạc sĩ đã có xu hướng tuyên truyền cho cuộc Cách mạng Tháng 8/1945 với những ca từ như: “Tháng Tám mùa thu, lá rơi vàng chưa nhỉ.../ ...Từ độ người đi thương nhớ âm thầm...”, hay “Có phải em là mùa thu Hà Nội.../ ...Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sóng hát...”, hoặc “...Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm/...Có phải em mùa thu xưa...”. Trần Quang Lộc bị cảnh sát gọi lên chấn chỉnh, thậm chí đe dọa, số thẻ căn cước của ông bị in màu đen để ghi dấu phần tử cần chú ý. Những năm sau đó, bài hát gần như bị quên lãng.

Năm 1994, trong bối cảnh "làn sóng xanh" âm nhạc nổi lên với hàng loạt bài hát về Hà Nội, một nhà sản xuất băng đĩa đề nghị Trần Quang Lộc chọn 10 ca khúc để thực hiện album Chợt nghe em hát. Tuy nhiên, do ám ảnh từ “sự cố” âm nhạc trước 1975, ông không chọn ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội trong lần chọn lọc này. Tuy nhiên, với sự trải nghiệm già dặn của một người nhạc sĩ, Đức Trí đã nhận ra giá trị về giai điệu và ca từ của nhạc phẩm nên khuyên Trần Quang Lộc chính thức đưa bản nhạc này vào album. Người thể hiện thành công ca khúc này chính là chính ca sĩ Hồng Nhung với giọng ca ngọt ngào một cô gái gốc Hà Nội. Album Chợt nghe em hát với ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội đã lập một kỷ lục với 30.000 bản được bán ngay trong vòng một tuần sau hơn 20 năm bản nhạc được khai sinh. Và cũng chính nhờ album này, Hồng Nhung được mệnh danh “diva” hát hay và nhiều nhất những ca khúc về Hà Nội. Kể từ đó, nhạc phẩm Có phải em mùa thu Hà Nội sánh ngang cùng Hoa sữa của Hồng Đăng và Chiều phủ Tây Hồ của Phú Quang.

Sau này, nhiều ca sĩ khác cũng chọn Có phải em mùa thu Hà Nội để thể hiện như Lam Trường, Tuấn Ngọc, Thanh Lam, Ý Lan, Thu Phương... Họ cũng gặt hái nhiều thành công nhưng nổi bật nhất là Thu Phương, ca sĩ gốc Hải Phòng với album Ngủ ngoan nhé ngày xưa. Có phải em mùa thu Hà Nội được Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao giải A cho ca khúc viết về Hà Nội năm 1997, giải nhất của Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 1998 và được trình bày trong lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Mới đây nhất, tháng 4/2014, bài hát đã được dàn dựng công phu trong đêm nhạc hội của Festival Huế lần thứ 7.

Gia tài âm nhạc của Trần Quang Lộc quá đồ sộ với 600 tác phẩm, gần 30 album và các tác phẩm khí nhạc. Âm nhạc Trần Quang Lộc sâu lắng, phóng khoáng và đắm say. Qua tuổi 70, bệnh tật liên miên nhưng Trần Quang Lộc dường như vẫn còn minh mẫn và thông tuệ hiếm thấy. Hằng ngày ông vẫn cùng vợ chăm chút căn phòng dạy nhạc của mình như muốn tìm lại những kỷ niệm xưa. Gần đây, bệnh đột nhiên trở nặng, ông lại nằm liệt giường ở bệnh viện Bình Dân (Thành phố Hồ Chí Minh) khi ước mơ một đêm nhạc cuối đời vẫn chưa thực hiện được. Những buổi chiều tắt nắng, hoàng hôn buông chậm, ông lại đăm chiêu nhìn qua cửa sổ, suy ngẫm về thân phận. Cả một đời mưu sinh, trải nghiệm khắp nơi nhưng rốt cuộc, ông vẫn trở về với hình hài của một người dân quê, luôn yêu thương tha thiết đất nước này:

“...Về đây nghe em, về đây nghe em

Về đây thả ước mơ đi hát dạo

Để đời đời làm giọt sương mai

Để chào đời bằng lòng mới lớn...”

V.K

Bài viết khác cùng số

Nhớ mùa hoa ven sông - Lê Ngọc NamĐà Nẵng - Tết Mậu Thân 1968 - Ngọc ThanhQuê hương tuổi thơ tôi - Huỳnh Viết TưLửa Tết - Vũ Thị Huyền TrangTết trong lòng - Phạm Thị Hải DươngĐất trời ươm Tết tự bao giờ - Ngô Thị Thục TrangMột thoáng Tết xưa - Lê Ngọc ThạnhMùa xuân trên Cảng Thọ Quang - Hoàng Tây HòaĐà Nẵng 2017 - Một năm bội thu về văn hóa - Bùi Văn TiếngBác Hồ với Tết năm Tuất đầu tiên sau ngày nước nhà độc lập - Vân trìnhChuông reo - Trần Đức TiếnThơ ngắn - Xuân HiệuNgày xuân, cảm nhận đôi điều về văn hóa ứng xử của người Hàn Quốc - Dân HùngCâu chuyện ngày 30 Tết - Hồ Thị Thùy Trang Hồn mai trắng - Đặng Hoàng ThámBầu trời xuân cao lộng - Tường LinhMùa xuân vẫn còn - Bích NhànBên dòng sông Trà Nô ngày ấy - Giang Nguyên TháiXuân Mậu Thân 68 qua tác phẩm mỹ thuật - Trần Trung SángXuân Mậu Thân 1968: Vang vọng những lời thơ - Mai Bá ẤnTìm - Trương Đình ĐăngXuân trừu tượng - Đỗ Thượng ThếHạt muối - Huỳnh Trương PhátGiọt nắng giọt mưa - Trương Công MùiBến đợi - Xuân CừDụ ngôn - Phạm Tấn DũngTrích dẫn rêu xuân - Nguyễn Tấn SĩGửi em - Nguyễn Đăng KiênXuân tình - Như HoàiPhận cỏ - Huỳnh Thúy KiềuChầm chậm cùng mùa - Thu ThủyThổn thức mùa xuân - Bùi Mỹ HồngXúc lộ - Nguyễn Thị Anh ĐàoLỗi hẹn mùa xuân - Nguyễn Nho thùy DươngNiềm xuân - Nguyễn Hoàng ThọNhững ô cửa mở ra mùa xuân - Kai HoàngMùa xuân trong thành phố - Nguyễn Đông NhậtTHANH QUẾ - TQVới người bái hoa mai* - Ngân VịnhLộc xuân - Tăng Tấn TàiVô thường - Vạn LộcTự vấn xuân - Trần Trình LãmMùa xuân có đắng? - Tần Hoài Dạ VũMùa trăng thiếu nữ - Trịnh Bửu HoàiVà mùa lại về - Hoàng Hương ViệtĐêm Trường Sa nhớ mẹ - Nguyễn Tiến NênTrong khu vườn cỏ dại - Đinh Thị Như ThúyThơm thảo - Lê Huy HạnhMùa lỡ quên - Nguyễn Hoàng SaQuà quê - Quốc LongGọi thầm lá phong - Lê Anh DũngRộn ràng xuân - Thái Bảo - Trương ĐỳnhChiều xuân uống rượu một mình - Xuân TrườngChuông chùa ở Trường Sa - Nguyễn Xuân TưĐêm sáng - Nguyễn Nho KhiêmBên sông chiều cuối năm - H.ManKể chuyện tình bằng lời ca dao(*) - Văn KhoaNguyễn Ngọc Hạnh - Phơi nỗi buồn lên thơ - Phạm Phú PhongTác phẩm đoạt giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng năm 2017 - Phạm Thị Hải DươngSáng láng một mùa Xuân Như ý - Chế Diễm TrâmĐể làm ra những trang sách...- Trương Điện ThắngDạo chơi với những sắc màu - Lê Huy HạnhHình tượng chó trong văn hóa Việt - Đinh Thị TrangCon chó của thần hộ mệnh Siva-Bhairava và chín vị thần tinh tú trong nghệ thuật Chăm-pa - Trần Kỳ Phương