Nhớ mùa hoa ven sông - Lê Ngọc Nam

25.01.2018

Nhớ mùa hoa ven sông - Lê Ngọc Nam

Tết Mậu Thân 1968 tôi được giao nhiệm vụ cùng tiểu đội trinh sát dẫn đường, đưa các đơn vị bộ đội tấn công vào thị xã Hội An, đặc khu Quảng Đà (nay là thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam), là trung tâm cơ quan đầu não tỉnh Quảng Nam của chế độ Sài Gòn, từ hướng đông nam thị xã.

Đêm 30 Tết trời tối đen như mực, từng đơn vị lặng lẽ lần lượt vượt sông Thu Bồn mật tập vào xã Cẩm Nam vùng ven Hội An là vùng địch chiếm. Cả đội hình hàng trăm chiến sĩ bí mật men theo bờ sông, luồn lách qua các đồn bốt địch. Bên trong làng nhà nào cũng chong đèn sáng trưng, trước sân đặt bàn thờ trang trí đèn hoa nhấp nháy đủ màu sắc để chuẩn bị đón giao thừa.

Khoảng 11 giờ đêm chúng tôi đến địa điểm tập kết cách trung tâm thị xã một nhánh sông nhỏ. Tất cả phân tán vào các vị trí ém quân chờ đến giờ G nổ súng tấn công vào các mục tiêu ở trung tâm thị xã.

Bên kia bờ sông cách chừng 200m các đồn địch đóng rải rác ven sông, nổi lên là căn cứ Biệt kích Tây Hồ nơi đóng quân của tiểu đoàn biệt kích Lôi Hổ khét tiếng tàn bạo. Những bóng đèn điện lập lòe cùng các cụm đèn pha treo lơ lửng trên những cọc sắt của hàng rào dây thép gai bùng nhùng, ánh sáng vàng nhợt phả xuống mặt sông phẳng lặng hắt lên bờ mờ ảo, thấp thoáng hiện lên những luống hoa nhiều màu sắc rực rỡ trong đêm tối. Những ngôi nhà bên bờ sông, nhà nào cũng trồng mai, hoa mai khắp nhà khắp vườn vàng tươi mang hương sắc của ngày xuân.

Tôi nằm cạnh anh Hai tiểu đội trưởng trinh sát, kế bên là Hùng - chiến sĩ trinh sát mới 16 tuổi, hơn tôi một tuổi. Anh Hai là con của dì tôi, nhà anh cạnh nhà bà ngoại tôi, Tết năm nay anh vừa tròn 20 tuổi. Từ nhỏ hai anh em chơi rất thân với nhau, lớn lên anh vào bộ đội ở đơn vị trinh sát của thị đội Hội An. Tôi tham gia vào đội trinh sát an ninh vũ trang Quảng Đà chiến đấu trên chiến trường sông nước Hội An. Hai anh em mới gặp lại nhau và cùng vào trận chiến đấu này.

Chúng tôi nằm sát những luống hoa huệ, hoa nhài hương thơm ngào ngạt, bên cạnh là những hàng hoa hồng rực đỏ tươi thắm. Anh Hai thì thầm bên tôi: mùi hương nồng nàn quá, nó làm anh nhớ lại những câu chuyện tình lãng mạn trong tiểu thuyết mà anh đã từng say sưa thời học sinh trung học ở quê mình.

Trước giờ nổ súng, hình ảnh và những kỷ niệm của quê hương, của người thân hiển hiện trong lòng mỗi người chúng tôi, trong cái giờ phút hồi hộp, lo lắng, đợi chờ này. Hùng nằm bên luống hoa vạn thọ thủ thỉ. Mình nhớ quá, Tết về dọc con đường quê, trước những sân nhà đâu đâu cũng một màu vạn thọ, má mình bảo vạn thọ nghĩa là trường thọ biểu tượng cho sự sống lâu, phúc lộc. Ước gì anh em mình như những bông vạn thọ này. Anh Hai nhìn sang phía Hùng thầm thì, trong cuộc chiến đấu để đến ngày chiến thắng hoàn toàn còn nhiều cam go, ác liệt lắm Hùng à. Biết đâu, ngay trong đêm nay hay ngày mai, ngày kia... anh em mình sẽ ngã xuống không còn trở về được nữa, nhưng điều chắc chắn rằng linh hồn của bọn mình sẽ mãi mãi trường thọ trên mảnh đất quê hương yêu dấu này. Nghe anh Hai nói, lòng tôi bỗng nôn nao nhớ mẹ, nhớ những khi Tết đến trên bàn thờ gia tiên, trên trang ông táo lúc nào bà cũng đặt một bình hoa vạn thọ vàng tươi rực rỡ. Tôi thầm gọi, Má ơi! Tết này má đang ở đâu? Trong cuộc chiến đấu này con hay má, hay cả hai má con mình đều ngã xuống. Tôi mím chặt môi, ngón tay trỏ đặt vào cò súng, mắt không rời mục tiêu phía trước.

Đang nằm nghĩ mông lung, bỗng anh Hai truyền lệnh, sắp đến giờ G rồi, tất cả chuẩn bị sẵn sàng. Đúng 0h mùng 1 tết, từng loạt đạn pháo KDB, thường gọi là tên lửa Cachiusa đỏ rực bay xé trời đêm nổ ầm vang trong các căn cứ địch ở trung tâm thị xã. Bộ đội các hướng đồng loạt nổ súng tấn công.

Một loạt pháo sáng xanh, đỏ bay cao lên bầu trời thị xã, đó là hiệu lệnh cho lực lượng quần chúng nổi dậy phối hợp với lực lượng vũ trang tấn công vào sào huyệt của địch từ các hướng, với phương châm “tấn công và nổi dậy”, “nổi dậy và tấn công”, hòa quyện trong khí thế “trời long đất lở” thời cơ ngàn năm có một với khẩu hiệu “tất cả giành chính quyền về tay nhân dân”.

Cùng hướng chúng tôi, lực lượng quần chúng nhân dân của các xã Xuyên Thọ, Xuyên Long huyện Duy Xuyên đã chuẩn bị từ trước ào ạt xông lên trên tay gậy gộc giáo mác khí thế hừng hực cuồn cuộn tiến về phía trước để tìm cách vượt sông. Trong ánh sáng mập mờ tôi nhận ra anh Ca bí thư xã Xuyên Thọ chạy ngược, chạy xuôi thúc giục, kêu gọi mọi người tiến lên.

Tiểu đội trinh sát chúng tôi mở đường cho các đơn vị bộ đội vượt sông, anh Hai nhắc nhở mọi người không được dẫm lên các luống hoa, các mũi triển khai theo phương án tác chiến đã được thông qua.

Đột nhiên, các đồn bốt của địch, đặc biệt bọn Biệt kích Tây Hồ ở bên kia bờ sông bắn sang như mưa, tiếng đạn đại liên, súng cối, DKZ rít lên như bò rống, ánh chớp lập lòe, tiếng nổ chát chúa ghê rợn, xé tan màn đêm.

Các đơn vị lùi về phía sau để xốc lại đội hình, trong khói đạn mù mịt tôi thấy anh Hai lảo đảo, anh đã bị trúng đạn, tôi vội vàng lao đến bên anh. Tôi gọi to: “anh Hai, anh Hai...”. Anh cầm chặt tay tôi thì thào: “Nếu em còn sống trở về nói với má anh là anh đã ra đi thanh thản, rất nhớ mọi người, vĩnh biệt tất cả...” Anh nằm lặng yên trên hai cánh tay của tôi, bên những luống hoa đã bị cày xới tung tóe, xác xơ mà chỉ mấy phút trước đây thôi còn vàng tươi rực rỡ. Tôi bàng hoàng đau đớn, gào thét trong lửa đạn, cố kìm nén sự đau thương cho nước mắt chảy vào lòng.

Quay sang bên cạnh, cách tôi chừng 5m, Hùng nằm bất động bên những luống hoa vạn thọ đã dập nát, xơ xác. Tôi ôm Hùng vào lòng, máu từ lồng ngực ào ra, thấm đỏ đầm đìa cả người tôi, Hùng đã bị đạn xuyên qua tim không nói được lời nào trước lúc ra đi. Nỗi đau thương trong tôi dồn nén đến tột cùng. Tôi bò dưới những làn lửa đạn đang cày xới tung tóe mặt đất, đưa Hùng lại gần anh Hai, để hai anh em được ở bên nhau.

Các đồng chí trong tiểu đội đã đưa anh Hai và Hùng về tuyến sau, tôi lao đến bên mũi quần chúng đã bị phân tán trên bờ sông, anh Ca bí thư Xuyên Thọ cầm cờ chạy ngược chạy xuôi, tìm cách tập hợp lực lượng trong lửa đạn. Bỗng anh đứng khựng lại, một viên đạn đã găm qua ngực, anh ngã xuống trên tay vẫn cầm lá cờ vươn về phía trước như thúc giục mọi người xung phong. Dọc ven bờ sông có nhiều người đã hy sinh, bị thương. Tiếng la hét thất thanh, tiếng bước chân chạy thình thịch lẫn trong tiếng súng nổ ầm ĩ, khói lửa, bụi đất mù mịt.

Đơn vị hỏa lực đã dập tắt được các ổ đề kháng của địch, chúng tôi vượt sông nổ súng tấn công vào mục tiêu ở trung tâm thị xã. Trong đêm tối, mùi thuốc súng khét lẹt, cay xè. Lúc này, chuyện sống chết không còn nghĩa lý gì với tôi cả. Tôi ôm súng lao lên, siết cò, từng loạt đạn tiểu liên nổ giòn tan, đường đạn rực lửa căm thù xé tan màn đêm, xuyên thẳng vào mục tiêu phía trước. Cùng với bộ đội các hướng khác, mũi chúng tôi đã đánh chiếm được một số căn cứ của địch, nhưng cuộc chiến đấu diễn ra rất gay go giằng co quyết liệt. Càng gần sáng, địch củng cố lực lượng dùng xe tăng, phản công ác liệt. Bộ đội ta củng cố trận địa quần nhau với địch trong từng căn nhà, góc phố suốt ngày mùng một Tết, quân địch bị tiêu diệt nặng nề, nhưng bên ta cũng tổn thất không nhỏ.

Tết Mậu Thân năm 1968 quân và dân thị xã Hội An tỉnh Quảng Đà đã cùng quân và dân cả miền Nam đồng loạt nổi dậy, nổ súng tấn công vào các đô thị, thành phố, thị xã sào huyệt của Mỹ và chế độ Sài Gòn như một đòn sét đánh đối với quân xâm lược và tay sai. Quân và dân ta đã chiến đấu mưu trí, dũng cảm, kiên cường tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán Hiệp định Pari về Việt Nam. Mở ra một giai đoạn mới, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho cuộc chiến đấu của quân và dân cả nước giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Chiến tranh đã lùi xa, hai bên bờ sông Cẩm Nam - Hội An bây giờ những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, những khách sạn lớn nhỏ mọc lên san sát, làng quê trù phú. Du khách trong nước và quốc tế đi về tấp nập trên bến, dưới thuyền, cuộc sống yên vui, thanh bình, rộn rã tiếng cười.

Chiều nay trở về thăm lại chiến trường xưa, tôi đi dọc bờ sông nhìn những luống hoa khoe sắc màu rực rỡ, đâu đâu cũng là hoa nở rộ. Trước những khách sạn, sân nhà và dọc theo con đường bê tông rộng rãi, thông thoáng chạy dài theo triền sông, những đóa hoa hồng, hoa cúc vàng tươi rực rỡ, mùi hương nồng nàn quyến rũ, những bông huệ đủ sắc màu hương thơm ngào ngạt. Tôi lặng lẽ ngồi bên những luống hoa vạn thọ lòng bồi hồi xúc động, tự nhiên nước mắt tôi chảy dài trên má thấm vào đôi môi mặn chát. Tôi nghẹn ngào thầm gọi anh Hai ơi, Hùng ơi, những đồng đội của tôi ơi, có còn ở đây không? Hay đã trở thành những bóng mây hồng cô đơn đang lặng trôi trên bầu trời kia? Nhưng dù đang ở đâu, chắc chắn rằng linh hồn của các anh vẫn mãi mãi trường thọ trên mảnh đất quê hương yêu dấu này, như lời anh Hai thì thầm trong cái đêm giao thừa trước giờ nổ súng. Máu của các anh các chị, của đồng đội tôi đã thấm sâu vào lòng đất này để nở thành hoa, tô đẹp cho làng quê hôm nay rực rỡ, thanh bình.

Tôi tha thẩn đi dọc triền sông, nhìn dòng nước trong xanh êm đềm đang lững lờ trôi, lòng bồi hồi, xao xuyến gợi nhớ Mùa hoa ven sông của mùa xuân năm mươi năm trước...

L.N.N

Bài viết khác cùng số

Nhớ mùa hoa ven sông - Lê Ngọc NamĐà Nẵng - Tết Mậu Thân 1968 - Ngọc ThanhQuê hương tuổi thơ tôi - Huỳnh Viết TưLửa Tết - Vũ Thị Huyền TrangTết trong lòng - Phạm Thị Hải DươngĐất trời ươm Tết tự bao giờ - Ngô Thị Thục TrangMột thoáng Tết xưa - Lê Ngọc ThạnhMùa xuân trên Cảng Thọ Quang - Hoàng Tây HòaĐà Nẵng 2017 - Một năm bội thu về văn hóa - Bùi Văn TiếngBác Hồ với Tết năm Tuất đầu tiên sau ngày nước nhà độc lập - Vân trìnhChuông reo - Trần Đức TiếnThơ ngắn - Xuân HiệuNgày xuân, cảm nhận đôi điều về văn hóa ứng xử của người Hàn Quốc - Dân HùngCâu chuyện ngày 30 Tết - Hồ Thị Thùy Trang Hồn mai trắng - Đặng Hoàng ThámBầu trời xuân cao lộng - Tường LinhMùa xuân vẫn còn - Bích NhànBên dòng sông Trà Nô ngày ấy - Giang Nguyên TháiXuân Mậu Thân 68 qua tác phẩm mỹ thuật - Trần Trung SángXuân Mậu Thân 1968: Vang vọng những lời thơ - Mai Bá ẤnTìm - Trương Đình ĐăngXuân trừu tượng - Đỗ Thượng ThếHạt muối - Huỳnh Trương PhátGiọt nắng giọt mưa - Trương Công MùiBến đợi - Xuân CừDụ ngôn - Phạm Tấn DũngTrích dẫn rêu xuân - Nguyễn Tấn SĩGửi em - Nguyễn Đăng KiênXuân tình - Như HoàiPhận cỏ - Huỳnh Thúy KiềuChầm chậm cùng mùa - Thu ThủyThổn thức mùa xuân - Bùi Mỹ HồngXúc lộ - Nguyễn Thị Anh ĐàoLỗi hẹn mùa xuân - Nguyễn Nho thùy DươngNiềm xuân - Nguyễn Hoàng ThọNhững ô cửa mở ra mùa xuân - Kai HoàngMùa xuân trong thành phố - Nguyễn Đông NhậtTHANH QUẾ - TQVới người bái hoa mai* - Ngân VịnhLộc xuân - Tăng Tấn TàiVô thường - Vạn LộcTự vấn xuân - Trần Trình LãmMùa xuân có đắng? - Tần Hoài Dạ VũMùa trăng thiếu nữ - Trịnh Bửu HoàiVà mùa lại về - Hoàng Hương ViệtĐêm Trường Sa nhớ mẹ - Nguyễn Tiến NênTrong khu vườn cỏ dại - Đinh Thị Như ThúyThơm thảo - Lê Huy HạnhMùa lỡ quên - Nguyễn Hoàng SaQuà quê - Quốc LongGọi thầm lá phong - Lê Anh DũngRộn ràng xuân - Thái Bảo - Trương ĐỳnhChiều xuân uống rượu một mình - Xuân TrườngChuông chùa ở Trường Sa - Nguyễn Xuân TưĐêm sáng - Nguyễn Nho KhiêmBên sông chiều cuối năm - H.ManKể chuyện tình bằng lời ca dao(*) - Văn KhoaNguyễn Ngọc Hạnh - Phơi nỗi buồn lên thơ - Phạm Phú PhongTác phẩm đoạt giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng năm 2017 - Phạm Thị Hải DươngSáng láng một mùa Xuân Như ý - Chế Diễm TrâmĐể làm ra những trang sách...- Trương Điện ThắngDạo chơi với những sắc màu - Lê Huy HạnhHình tượng chó trong văn hóa Việt - Đinh Thị TrangCon chó của thần hộ mệnh Siva-Bhairava và chín vị thần tinh tú trong nghệ thuật Chăm-pa - Trần Kỳ Phương