Yêu người đẹp

01.06.2021
Nguyễn Khắc Phước

Yêu người đẹp

Bà bán trứng báo với bà bán thịt rằng thầy Dương sắp cưới vợ, bà bán thịt liền chuyển tin mừng nóng sốt đó cho chị bán cá, và chỉ một vài phút sau, tất cả tiểu thương của chợ Xép, nơi thầy Dương thường đến mua hàng đều biết tin. Ngay hôm sau thì đến bất cứ quán cà phê hay bún mắm nào cũng nghe người ta kháo nhau về chuyện thầy Dương sắp lấy vợ.

- Thầy Dương là ai mà có vẻ quan trọng vậy?

- Đó là một thầy giáo dạy môn sử ở một trường cấp hai trong thị xã.

Đa số thầy giáo dạy môn sử không được dạy thêm nên đời sống khó khăn, phải kiêm nhiệm thêm một nghề phụ như chạy xe ôm, thợ điện, thợ ống nước hoặc thợ may... Riêng thầy Dương nhờ gia đình ở ngoại ô có đất vườn khá rộng do ông bà để lại nên cả gia đình chuyên nghề trồng rau mang vào thị xã bán, do vậy, đời sống cũng tạm qua ngày. Cứ đi dạy về là thầy ra vườn tưới nước, nhổ cỏ, xịt thuốc... Công việc cũng không lấy gì vất vả.

- Nhưng nếu chỉ như vậy thì có gì đặc biệt mà người ta phải bàn tán về việc thầy lấy vợ?

- Chuyện này chưa biết kể từ đâu, có lẽ nên kể từ hồi thầy còn là học sinh trung học trong thị xã.

Người ta thường nói có tật có tài và sắp xếp họ theo dị tật: nhất lé, nhì lùn, tam hô, tứ rỗ. Tài đây thường chỉ là tài vặt: lém lỉnh, láu cá, ba xạo chớ chẳng phải tài học hành hay kinh doanh gì. Mà thầy Dương thì được hai đặc điểm là vừa lùn vừa hô. Vóc dáng thầy nhỏ thó, thấp bé, có lẽ hồi nhỏ thầy thiếu dinh dưỡng. Nói vậy mà không phải vậy. Thầy Dương không phải là người ba xạo, láu cá gì. Thầy cũng có tài, không phải những tài vặt trên mà tài làm thơ và tán gái.

Hồi còn học trung học thầy tán cô nữ sinh đẹp nhất trường mình rồi những hoa khôi trường khác. Khi đi học sư phạm, thầy tán cô sinh viên đẹp nhất trường sư phạm. Khi về thị xã dạy, thầy tán cô giáo đẹp nhất trường mình. Khi đi học bồi dưỡng hè, thầy tán cô giáo đẹp nhất huyện rồi đến cô giáo đẹp nhất thị xã. Tiếp sau đó thầy tán những cô công nhân là người đẹp trong nhà máy, xí nghiệp quanh thị xã. Không ở đâu có người đẹp mà thầy không đến tán, chỉ chừa có một phương là học sinh cũ của trường mình.

Cũng nên mở ngoặc đôi chút là hồi còn đi học, môn toán tạm được nhưng khá môn văn. Thi vào bách khoa hỏng, hồi đó chưa có nguyện vọng hai, thầy được chuyển sang học sư phạm. Thầy xin học môn văn nhưng không được mà chỉ được chọn môn sử. Thầy chẳng thích môn sử nhưng đành phải chịu, nếu không thì về làm vườn trồng rau. Tốt nghiệp sư phạm, thầy được điều về thị xã quê nhà dạy học từ đó đến nay. Dù dạy môn sử nhưng thầy vẫn đam mê văn học. Thầy thường làm thơ và đề tài tương đối an toàn là sắc đẹp phụ nữ. Cứ gặp người đẹp là thầy làm thơ ca tụng, đôi khi xuất khẩu thành thơ ngay tại chỗ để tặng cô hàng cà phê hay chủ quán nhậu. Những dịp như vậy, thầy thường đọc to cho bạn bè thưởng thức, dù thơ thầy nghe lơ lớ câu chữ của Huy Cận hoặc Xuân Diệu nhưng rồi ai cũng vỗ tay khen vì không phải ai cũng thuộc nhiều thơ như thầy.

Giỏi làm thơ tán gái như vậy nhưng không hiểu sao mãi đến năm bốn lăm tuổi thầy Dương vẫn phòng không chiếc bóng. Mấy bà tiểu thương trong chợ Xép gần nhà thầy đã quá quen với thầy vì thầy là khách hàng thường xuyên đi chợ mua thực phẩm. Có bà muốn gả con gái cho thầy nhưng sợ thầy chê con bà không được đẹp chớ không phải sợ tính thầy hâm hâm.

Thầy giáo dạy sử và trồng rau để sinh sống thì làm gì có đủ tài chính để chu cấp cho những người đẹp hoặc hoa khôi có nhiều cơ may lấy chồng con nhà đại gia nên chẳng ai dại mà lấy một thầy giáo vừa xấu trai vừa không có gì khá giả như thầy. Đó là điều ai cũng hiểu, riêng thầy thì không.

Rồi tuổi thanh niên trôi qua nhanh chóng và thầy Dương hình như cũng không còn nghĩ đến chuyện vợ con nữa, vì những phụ nữ đẹp vừa tuổi thầy để lấy làm vợ thì đã đi lấy chồng hết, chỉ còn ít cô ế chồng vì xấu. Mà xấu thì thầy không ưng.

Tuy nhiên, số phận dường như định sẵn cho thầy và rốt cuộc lại lấy được một người đẹp thuộc đối tượng mà thầy tránh bấy lâu.

Số là thế này. Trong một buổi họp phụ huynh học sinh, thầy Dương tình cờ hỏi một ông bố học sinh về cô con gái của ông là Liễu bây giờ học hành ra sao. Liễu là học trò cũ của thầy và một thời là học sinh đẹp nhất của trường thầy. Ông bố nói thiệt đang sắp xếp cho Liễu lấy chồng nước ngoài vì gia đình ông rất khó khăn, cần kiếm chút tiền để trả nợ nần. Hỏi chuyện xã giao vậy thôi rồi quên chớ thầy không nghĩ ngợi gì.

Vào thời gian ấy, người ta mở một con đường lớn ngay bên cạnh nhà thầy Dương, do đó, đất vườn của thầy trước đây chỉ là đất nông nghiệp rẻ tiền nay trở thành đất nền, giá cao gấp mấy lần. Thầy thôi không trồng rau nữa mà chia đất vườn thành lô nền nhà để bán và thầy trở thành tỷ phú trong một thời gian ngắn. Có tiền thầy xây nhà, sắm xe và nghĩ đến chuyện lấy vợ. Mặc dù đã lớn tuổi nhưng tiêu chuẩn vợ đẹp vẫn còn y nguyên. Thầy bỗng nhớ lại câu chuyện tình cờ giữa thầy và ông phụ huynh nọ có con gái định lấy chồng ngoại để kiếm tiền. Thầy tìm thăm Liễu. Những tin tức về những rủi ro mà phụ nữ lấy chồng nước ngoài có thể gặp phải được đăng nhan nhản trên báo nên đủ để thầy thuyết phục Liễu thôi nghĩ đến việc lấy chồng nước ngoài.

Lần này thì có lẽ thầy không cần làm thơ vì tài sản của thầy đủ để người ta xiêu lòng. Không lâu sau đó, gia đình ông phụ huynh ấy đồng ý gả con gái mà trước đây từng là hoa khôi của trường thầy cho thầy, dĩ nhiên với sự đồng ý của con gái họ. Liễu lúc đó chỉ trên hai mươi tuổi, nghĩa là trẻ hơn thầy hai lăm tuổi.

Ở cái tuổi đẹp nhất của người con gái, chắc chắn Liễu đã có người yêu. Chỉ cần điều tra đôi chút, thầy Dương biết Liễu đang yêu Hóa, một thanh niên trong thị xã. Là người có học, thầy tự nghĩ không nên hỏi han vợ về những chuyện riêng tư. Thế nhưng thầy không thể không buồn vì trong đêm động phòng hoa chúc, Liễu cứ kêu “Hóa, Hóa”, sáng ra thầy hỏi, Liễu nói “quá, quá' chớ không phải “Hóa, Hóa”. (Giọng Quảng Nam khó phân biệt giữa “hóa” và “quá”). Thầy Dương bỏ qua vì biết Liễu còn trinh nguyên.

Đến ngày Liễu sinh con thì thầy Dương quá thất vọng vì thằng bé chẳng giống thầy tí nào mà giống Hóa như tạc. Bạn bè đồng nghiệp của thầy đến thăm, có người nói chơi: “Thằng con mày giống ai mô chớ có giống mày đâu!”. Nghĩ mình phải có bằng cớ khoa học chớ không vội vàng kết luận nên thầy lấy một mẫu tóc thằng bé đi xét nghiệm ADN, và kết luận hoàn toàn không như thầy nghĩ: thằng bé chính là con của thầy chớ không phải ai khác.

Thầy cũng từng nghe những bà mẹ đang mang thai thường treo ảnh tài tử  hay diễn viên trong nhà để con được đẹp trai hay xinh gái. Có thể vợ thầy chỉ lấy thầy vì tiền như lấy một anh chồng Đài Loan hay Hàn Quốc nào đó, còn con tim thì vẫn dành cho người yêu cũ, bằng chứng là khi đang ăn nằm với chồng vẫn kêu tên người ta...

Là người có học đôi chút, thầy Dương tự hỏi mình có lỗi gì trong chuyện này. Gần hết thời trai trẻ ước mơ lấy được người đẹp, đến khi có người đẹp trong tay mới hay đó chỉ là cái xác không hồn.

Bao lâu rồi bỏ làm thơ, bây giờ có lẽ thầy bắt đầu trở lại, nhưng chắc chắn không làm thơ để tán gái.

N.K.P