Nhớ Geetesh Sharma- Sứ giả của tình hữu nghị Ấn Độ - Việt Nam

01.06.2021
Mai Hữu Phước

Nhớ Geetesh Sharma- Sứ giả của tình hữu nghị Ấn Độ - Việt Nam

Phải sang: Ông Geetesh Sharma, các nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, Nguyễn Trọng Tín, và tác giả

Trực bệnh viện về, tôi đọc thấy tin nhắn trên zalo của nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm - Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Đà Nẵng: “Thật đau buồn, ông Geetesh Sharma - Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam đã qua đời vì Covid”.

Lòng tôi bất chợt trống vắng, thẫn thờ và lặng lẽ nhớ ông. Geetesh Sharma là một nhà văn, nhà báo kỳ cựu và rất nổi tiếng của Ấn Độ. Văn chương là chiếc cầu nối đưa ông đến với nhiều anh chị em văn nghệ Đà Nẵng, trong đó có tôi. Những kỷ niệm về ông, phút chốc ùa về trong niềm tiếc thương ngập tràn...

Từ nhịp cầu văn chương

Khoảng đầu hoặc giữa năm 2008, tôi được mời tham dự buổi gặp mặt và giao lưu với các nhà văn Ấn Độ. Công việc chuyên môn y tế tuy bận nhưng cũng không cản nổi niềm đam mê của tôi đến với văn chương. Thế là bằng mọi cách, tôi thu xếp để có mặt trong ngày hôm đó.

Thời còn là học sinh cấp 2 - 3 tôi đã có may mắn làm quen với một số tác phẩm văn chương kinh điển nổi tiếng của Ấn Độ dịch ra tiếng Việt như: Tiểu thuyết Mùa Tôm, Sử thi Mahabharata. Rồi các tập thơ của đại thi hào Rabindranath Taigore như: Tâm tình hiến dâng, Mùa hái quả, Bầy chim lạc...

Tại cơ quan Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần đầu tiên tôi gặp ông và không hiểu sao tôi lại có cảm tình với ông ngay. Ông là Geetesh Sharma -  nhà báo, nhà văn, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Ấn Độ, Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam. Đi cùng với ông còn có hai người khác là nhà thơ Kusum Jain và nhà báo Renu Govil.

Lần gặp đó, Getesh Sharma mặc bộ quần áo trắng. Những lần gặp lại sau này hoặc thấy hình ảnh ông trên báo chí, truyền hình lần nào cũng thấy ông xuất hiện trong màu trắng tinh khôi của một bộ quần áo giản dị. Nụ cười hiền lành, thân thiện, tóc râu bạc trắng, đôi mắt rất sáng hiện dưới vầng trán cao là hình ảnh của ông đọng lại trong tâm thức của mọi người. Tôi luôn nghĩ rằng, hội ngộ là duyên, được như vậy đã là niềm vui và hạnh phúc. Tôi không ngờ, sau đó một thời gian không lâu, tôi và nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm (khi đó Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Đà Nẵng chưa thành lập) được UBND thành phố Đà Nẵng cử đi Ấn Độ tham dự Festival thơ và Hội chợ sách Quốc tế lần thứ III tại Ấn Độ vào tháng 01 năm 2009 theo lời mời của Ban tổ chức thông qua Ủy ban đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam.

Lúc nửa đêm, sau khi hoàn thành các thủ tục qua cửa kiểm soát tại phi trường quốc tế Kolkata, Đoàn của chúng tôi (gồm cả 2 nhà thơ, nhà báo ở Thành phố Hồ Chí Minh là Trần Hữu Dũng và Nguyễn Trọng Tín) đi ra phía cổng sân bay. Chúng tôi thật bất ngờ khi thấy ông Getesh Sharma đang đứng đợi với những vòng hoa trên tay. Ông quàng lên cổ mỗi người một vòng hoa. Điều đó làm cho chúng tôi thật sự xúc động.

Đêm đầu tiên ở Kolkata, chúng tôi được đưa về lưu trú tại một nhà khách, trong khi chờ đợi Ban tổ chức Festival tiếp đón đại biểu quốc tế tại khách sạn nhà nước vào sáng hôm sau. Nhận phòng và vừa đặt hành lý xuống sàn nhà, ông Geetesh Sharma bê vào cho chúng tôi lỉnh kỉnh thứ nào là nước uống, bánh ngọt và trái cây. Ông sợ chúng tôi đói và khát sau một chặng đường dài. Tình cảm của ông dành cho và sự quan tâm của ông quả thật chu đáo và đáng quý biết bao.

Trong những ngày diễn ra Festival và Hội chợ sách Quốc tế, tuy rất bận rộn, nhưng có một buổi ông tranh thủ ghé lại nơi chúng tôi ở và đưa đến khu vực quảng trường, nơi có dựng bức tượng Bác Hồ để chụp ảnh lưu niệm và đi lại trên đại lộ mang tên Hồ Chí Minh. Tại đây, chúng tôi chụp rất nhiều ảnh kỷ niệm chung và riêng.

Đến tình hữu nghị và tình bạn

Một hôm, tìm thấy trang web cá nhân của ông. Đọc phần tiểu sử tự viết bằng tiếng Anh, thấy ông ghi “A humblejournalist” (một nhà báo khiêm tốn). Ông sinh năm 1932 tại một ngôi làng thuộc bang Bihar, nằm về phía Tây Bắc Ấn Độ, giáp với Nepal.

Getesh Sharma khởi nghiệp là một thầy tu đạo Hindu. Ông đi tu từ khi còn rất nhỏ theo như mong muốn của ba ông. Nhưng đến năm 16 tuổi, ông lại là người “nổi loạn” chống lại các tôn giáo, bắt đầu những hoạt động xã hội với mong muốn xây dựng một thế giới bình đẳng, thương yêu và vị tha.

Để thuận lợi cho các hoạt động xã hội, ông tham gia viết báo. Vì không được đào tạo một cách bài bản về báo chí, nên ông viết theo phong cách riêng của ông và dần trở thành nổi tiếng. Ấn Độ là một đất nước rộng lớn, đa sắc tộc, có đến 114 loại ngôn ngữ khác nhau. Ông đi lại nhiều, gần như vùng miền nào trên đất Ấn đều ngập tràn dấu chân viễn du của ông. Đến nay, ông đã nhiều lần đi đến hơn 30 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Với Việt Nam, ông dành riêng một tình cảm thật là đặc biệt. Lần đầu tiên ông đến Việt Nam là năm 1984. Rồi sau đó ông liên tục đi về hàng chục lần và xem Việt Nam như là quê hương thứ hai của ông. Lang thang từ Nam chí Bắc, chụp hình, tra cứu, phỏng vấn trong khoảng thời gian 10 năm để viết nên công trình nghiên cứu với độ dài 116 trang. Tác phẩm này như là một dấu son của tình hữu nghị Ấn Độ - Việt Nam. Tập sách có nhan đề “Các mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam: Thế kỷ I đến thế kỷ XXI” (India-Vietnam Relations: First to Twenty First Century - English, 2004). Như lời ông nói, tập sách là “...mong muốn tìm về cội nguồn mối quan hệ gần 2.000 năm giữa hai quốc gia anh em...”. Nội dung tập sách có nhiều chi tiết thú vị, mà trước đây ít người biết nên rất được quan tâm. Tiêu biểu như chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh đi bộ đến thăm văn phòng Đảng Cộng sản Ấn Độ nhưng không có lời thông báo trước; cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Amrita Pritam - một nữ thi sĩ Ấn Độ nổi tiếng, hay diễn biến của lễ trao bằng tốt nghiệp của Đại học Calcutta cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp...

Với những nỗ lực không biết mệt mỏi vì tình đoàn kết hữu nghị Ấn - Việt, ông Geetesh Sharma đã được Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam tặng Huy chương “Vì hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc”, báo chí gọi ông là “Người bạn đặc biệt của Việt Nam”. Năm 2015, ông được Chủ tịch nước Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị - huân chương cao quý của Nhà nước và Chính phủ Việt Nam.

Thời trai trẻ, Geetesh Sharma từng là người phản đối cuộc chiến tranh tàn khốc ở Việt Nam, đấu tranh vì một Việt Nam hòa bình và dân chủ. Qua những gì ông đã đóng góp, tôi nghĩ rằng ông còn đáng được vinh danh hơn thế nữa. Với nhiều người Việt Nam, Geetesh Sharma mãi mãi là sứ giả của tình hữu nghị Ấn Độ - Việt Nam.

Đến nay, nhà văn, nhà báo Geetesh Sharma đã cho ra đời 25 đầu sách viết bằng tiếng Hindi và tiếng Anh. Trong đó nhiều tác phẩm đã được dịch ra tiếng nước ngoài. Riêng với Việt Nam, ngoài tác phẩm “Các mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam: Thế kỷ I đến thế kỷ XXI” (Bản dịch tiếng Việt - 2006), còn có “Những dấu vết văn hóa Ấn Độ ở Việt Nam” (Traces of Indian Culture in Vietnam - English, 2009), “Hồ Chí Minh: Vị cứu tinh của Hòa bình, Độc lập và Hạnh phúc” (Ho Chi Minh: A Messiah of Peace, Independence and Happiness - English, 2010). Và đặc biệt ông đã dành riêng cho thành phố Đà Nẵng một ấn bản bằng tiếng Anh: Danang portrays Vietnam today - 2009 (Chân dung Đà Nẵng Việt Nam ngày nay). Tại Hội chợ sách Quốc tế ở Kolkata tháng 01 năm 2015, Geetesh Sharma cho phát hành tập sách “Viet Nam liberaton war & role of Kolkata” (Chiến tranh giải phóng Việt Nam và vai trò của Kolkata).

Tháng 8 năm 2017, trong chuyến sang làm việc cấp Nhà nước của Ủy ban đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam, ông Geetesh Sharma cùng với nhà thơ Kusum Jain, nhà văn Prem Kapoor và vài người khác mà tôi đã từng gặp tại Kolkata đến viếng thăm Đà Nẵng. Đặc biệt có cuộc gặp gỡ và trao đổi tình hình văn học Ấn Độ - Việt Nam và Kolkata - Đà Nẵng với nhiều văn nghệ sĩ Đà Nẵng, trong đó có nhà thơ Thanh Quế - người vừa nhận được giải thưởng cấp Nhà nước về văn học. Dịp này, ông giới thiệu tập sách mới ấn hành viết về Đà Nẵng: “Da Nang - The city of wonders” (Đà Nẵng - Thành phố của những điều kỳ diệu). Kể ra như vậy mới thấy hết cái tình ông dành cho Việt Nam và đặc biệt là Đà Nẵng lớn lao biết bao.

Dù chức lớn, công việc nhiều, đi lại nhiều, tuổi cao nhưng ông vẫn nhớ đến những người quen biết của mình và luôn giữ mối quan hệ thân thiện. Tôi tuy chỉ là người bạn bình thường, bé nhỏ của ông thôi, với vài ba lần gặp và thời gian dành cho nhau không nhiều, nhưng thỉnh thoảng ông vẫn email thăm hỏi, trao đổi. Tháng 12 năm 2016, ông chia sẻ với tôi một số hình ảnh về buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân tại Thủ đô New Delhi Ấn Độ. Điều này càng làm cho tôi trân trọng và quý mến ông hơn. Tôi vẫn giữ và mãi giữ các email của ông trong inbox của mình như giữ gìn những kỷ niệm đẹp.

Tuổi cao, sức yếu, nên sau một tuần chống chọi với bệnh dịch Covid-19, ông đã trút hơi thở cuối cùng lúc 4 giờ 20 phút, ngày 02/5/2021 (theo giờ Ấn độ) tại Bệnh viện Vishudhanand, ở thành phố Kolkata.

Hình ảnh quen thuộc và lời nói của Geetesh Sharma như hãy còn đâu đó. Nhưng đại dịch Covid đã vĩnh viễn cuốn trôi ông khỏi cuộc sống này. Tôi vẫn nhớ, trong một email nào đó, ông hẹn có dịp sẽ lại đón chúng tôi tại phi trường Kolkata, Ấn Độ. Nhưng dịp đó không bao giờ còn nữa cho dù trong tương lai thế giới trở lại bình an như thuở nào và chúng tôi bay đến Kolkata...

M.H.P