Những bà mẹ đơn thân trong cổ tích Việt
Đọc cổ tích Việt, độc giả có thể thấy thấp thoáng bóng dáng một số ông bố đơn thân gà trống nuôi con như ông bố chồng của công chúa Tiên Dung: “Ở Chử Xá có một người đánh cá tên là Chử Cù Vân và con trai là thằng bé Chử. Tuy nghèo, họ vẫn sống vui vẻ trong túp lều dựng trên bãi cát. Không may một hôm trong khi cha con đi câu vắng, ở nhà lửa bén cháy sạch chả còn tý gì. Hai cha con chỉ còn một bộ đồ nghề và mỗi một chiếc khố vải đang mặc. Chiếc khố độc nhất ấy dùng để làm vật che thân cho cả hai mỗi lần ra ngoài. Khi người này mang khố thì người kia phải chịu khó cởi truồng nằm co để đợi đến lượt mình” - trong toàn truyện Sự tích đầm Nhất Dạ và bãi Tự Nhiên, người mẹ sinh ra Chử Đồng Tử không hề được nhắc tới. Ngay cả An Dương Vương trong truyện Nỏ thần dẫu đứng đầu một vương triều nhưng cũng là một ông bố đơn thân, không thấy có người mẹ sinh ra Mỵ Châu bên cạnh: “Ngày xưa trị vì cõi đất Âu Lạc có một ông vua tên là An Dương Vương. Vua có một nàng công chúa tên là Mỵ Châu. Mỵ Châu rất xinh đẹp và ngày ấy đã đến tuổi yêu đương. Vua chỉ có một mình nàng là con gái nên rất yêu thương chiều chuộng”.
Tuy nhiên trong thế giới nghệ thuật của cổ tích Việt, phổ biến hơn nhiều là hình ảnh các bà mẹ đơn thân, chẳng hạn như bà mẹ trong Sự tích đá Vọng phu đơn thân sau một thời gian chung sống hạnh phúc với chồng. Khi nhận ra mình đã vô tình gây nên bi kịch hôn nhân đồng huyết, người chồng đau đớn bỏ nhà ra đi và người vợ trở thành bà mẹ đơn thân ôm con chờ chồng đến hóa đá: “Người vợ ở nhà trông đợi chồng ngày một mỏi mòn. Tại sao sau khi đánh cá xong, giữa lúc đêm tối, mọi người đều cho thuyền trở về đất liền, thì chồng mình lại dong buồm đi biệt (…) Mỗi chiều, nàng lại bồng con trèo lên hòn núi ở cửa biển, con mắt đăm đăm nhìn về phía chân trời mù mịt. Ba tuần trăng qua. Rồi sáu... rồi chín tuần trăng. Tuy nước mắt bây giờ đã khô kiệt, nhưng người đàn bà vẫn không quên trèo núi trông chồng. Cái hình bóng ấy đối với dân làng thành ra quen thuộc. Về sau cả hai mẹ con đều hóa ra đá, trở thành hình bóng quen thuộc vĩnh viễn”. Xin nói thêm rằng bà mẹ đơn thân chờ chồng ở ven biển Bình Định - trong bản Sự tích đá Vọng phu vừa trích dẫn - không có họ, khác với bà mẹ đơn thân chờ chồng ở Lạng Sơn - trong một dị bản Sự tích đá Vọng phu - mang họ Tô và thường được gọi là nàng Tô Thị. Cách đây hơn ba mươi năm, nhà thơ Nguyễn Duy đã bày tỏ niềm cảm cựu mênh mang về bi kịch của bà mẹ đơn thân Tô Thị qua hai câu thơ: Nỗi Tô Thị xót xa chưa/ giá như đừng biết ngày xưa làm gì (bài Lạng Sơn, 1989).
Bà mẹ trong Sự tích đá Vọng phu đơn thân ôm con chờ chồng cho đến chết, khác với bà mẹ trong Vợ chàng Trương phải tìm đến cái chết khi chồng trở về, khi không còn lẻ bóng một mình ôm con chờ chồng như trước: “Ngày xưa, ở làng Nam Xương có cô gái tên là Vũ Thị Thiết, người đã xinh đẹp lại thùy mị nết na. Nàng lấy chồng là Trương sinh vốn là người cùng làng (...) Vợ chồng hương đượm lửa nồng chưa được bao lâu thì bỗng nghe tin chốn biên thùy có giặc, chồng vâng lệnh quan phải từ giã mẹ và vợ đi lính thú. Bấy giờ vợ đang có thai (...) Sau khi chồng trẩy được mươi ngày thì Vũ Thị Thiết sinh được một đứa con trai, đặt tên là thằng Đản (…) Đã mấy thu qua không thấy chồng về, một mẹ một con mỏi mòn trông đợi. Hàng ngày chăm lo đồng áng, tối lại nàng mới có thì giờ chăm sóc cho con. Có những hôm phải chong đèn khâu vá dọn dẹp và nô đùa với con. Những lúc con khóc, nàng thường chỉ vào bóng của mình trên vách mà bảo: Nín đi con! Kìa, kìa bố đã về. Đấy! Đấy! Đứa bé nhìn vào bóng, nín bặt. Cứ như thế lâu dần thành thói quen. Thằng Đản thường đòi gặp bố trước khi đi ngủ. Cái bóng đen đen trên tường từ đấy đối với cả mẹ lẫn con như một người thân thích”. Và ngờ đâu chính cái bóng trên tường ấy lại trở thành đầu mối dẫn tới bi kịch của vợ chàng Trương khi chồng nàng trở về sau chiến tranh, dẫn đến cái chết đầy oan khuất của bà mẹ đơn thân ôm con chờ chồng: “Người thiếu phụ ôm lấy con khóc nức nở, rồi nhân lúc chồng sang hàng xóm, chạy một mạch ra bến Hoàng Giang đâm đầu xuống nước”.
Trong thế giới nghệ thuật của cổ tích Việt, còn có một số người mẹ đơn thân theo kiểu nàng Liễu Hạnh trong Sự tích công chúa Liễu Hạnh: “Ngày xưa, ở trên thiên đình có cô con gái Ngọc Hoàng tên là Liễu Hạnh. Tính tình cô phóng túng ngang bướng, không chịu theo khuôn phép nhà trời. Ngọc Hoàng hết lòng dạy dỗ nhưng vô ích, cô chứng nào vẫn giữ tật ấy. Giận vì trong nhà có con gái hư không thể làm vì cho thiên hạ, Ngọc Hoàng quyết trị tội để cho con tu tỉnh. Nhân một lần Liễu Hạnh phạm lỗi, Ngọc Hoàng bèn đày nàng xuống trần trong ba năm. Sau khi xuống trần, Liễu Hạnh hóa thân thành một cô gái đẹp, dựng một cái quán ở chân núi đèo Ngang (…) Ít lâu sau Liễu Hạnh sinh một đứa con trai, mỗi bàn tay có sáu ngón, nàng mang con đến ngôi chùa trên núi Hồng Lĩnh gửi cho một nhà sư nuôi dạy, dặn nhà sư hãy giúp cho con mình được lừng danh trong nước. Rồi đó, đủ ba năm. Liễu Hạnh trở về trời.
Nhưng không bao lâu Liễu Hạnh lại bị Ngọc Hoàng đày xuống trần một lần nữa. Lần này Liễu Hạnh đến đèo Ba Dội cũng là nơi vắng vẻ, rồi dựng lên ở đây một cái lầu ba tầng, bốn bên có thành bao bọc (…) Ở được mấy năm, Liễu Hạnh lại sinh một con trai thứ hai. Đứa bé thiếu mất ở mỗi bàn tay một ngón. Nàng đem con gửi cho một sư nữ ở chùa Bà Đỏ, bảo sư rằng: Ta hai lần xuống trần đẻ được hai đứa con, cũng định cho chúng trở thành vương giả nhưng không đạt, vì một đứa quá thừa, một đứa lại quá thiếu. Hãy làm cho nó được nổi tiếng, ít nhất cũng trở thành Trạng. Rồi sau đó, hết hạn ở trần, Liễu Hạnh đốt tất cả lâu đài mà trở về trời. Những đứa con của Liễu Hạnh về sau quả nhiên nổi tiếng, trong đó có một đứa tên là Trạng Quỳnh”.
Trong thế giới nghệ thuật của cổ tích Việt, bà mẹ đơn thân Liễu Hạnh rất mực đoan chính hai lần sinh con nhưng dân gian không hề kể chuyện nàng đã chung sống với ai. Có thể Liễu Hạnh trong cổ tích là một tiên nữ nên mọi thứ đều khác với người trần, kể cả chuyện mang thai và sinh nở; nhưng trong cổ tích còn có trường hợp bà mẹ của Thánh Gióng là người trần cũng không hề sống chung với chồng mà vẫn sinh ra cậu bé làng Phù Đổng: “Vào thời Hùng Vương có một người đàn bà đã nhiều tuổi nhưng sống một thân một mình. Một hôm sáng dậy bà đi thăm nương, bỗng nhìn thấy một vết chân giẫm nát cả mấy luống cà. Bà kinh ngạc kêu lên: Ôi! Bàn chân ai mà to thế này! Bỗng bà cảm thấy rùng mình khi đưa bàn chân ướm thử vào dấu chân lạ. Từ đó bà có mang. Đủ ngày tháng, bà sinh được một đứa con trai bụ bẫm đặt tên là Gióng”. Chính bà mẹ đơn thân này đã tạo nên cảm hứng nghệ thuật để Nguyễn Khoa Điềm viết trong bài Xuống đường hai câu thơ giàu sức khái quát: Những bà mẹ đo chân vào thần tích/ Để hoài thai triệu triệu những anh hùng.
Cũng có thể kể thêm trường hợp bà mẹ đơn thân trong truyện cổ tích Anh em sinh năm: “Ngày xưa có hai vợ chồng nhà nọ chỉ sinh được có mỗi một người con gái (…) Năm nàng mười lăm tuổi vẫn bị cấm cung không được tiếp xúc với người ngoài. Một hôm người mẹ lên chùa lễ Phật. Lần đầu tiên bà đưa con gái ra khỏi nhà. Bấy giờ có một vị thiên thần muốn mượn cô gái đồng trinh làm chỗ đầu thai, mới nhân lúc cô gái ra vườn vãng cảnh, hiện làm một bông hoa có năm cánh rất đẹp. Cô gái thích quá ngắt lấy ngắm nghía hồi lâu, rồi bỗng dưng bỏ vào miệng nuốt đi. Từ đó cô gái tự nhiên không chồng mà chửa (…) Thế rồi, cô gái sinh một lúc năm người con trai, đặc biệt khuôn mặt giống nhau như tạc. Cả năm anh em đều lớn nhanh như thổi, đứa nào đứa ấy sởn sơ mạnh khỏe”. Hay như trường hợp người đàn bà đơn thân sinh ra Thạch Sanh: “Ngày xưa ở quận Cao Bình có hai vợ chồng tuổi già mà chưa có con. Nhà họ nghèo hàng ngày phải lên rừng chặt những bó củi về đổi lấy gạo nuôi thân. Họ ham giúp người như đắp đường khơi cống, đỡ đần kẻ già người yếu mà không nề hà gì cả. Thấy họ tốt bụng, Ngọc hoàng bèn sai thái tử xuống đầu thai làm con. Từ đó người vợ có mang, nhưng trải qua đã mấy năm mà không sinh nở. Giữa khi ấy, người chồng lâm bệnh rồi chết. Mãi về sau người vợ mới sinh được một đứa con trai” (truyện Thạch Sanh).
Nhân đề cập bà mẹ đơn thân sinh ra Thạch Sanh thuộc tuyến nhân vật được dân gian vinh danh, cũng cần phải nhắc tới bà mẹ đơn thân sinh ra Lý Thông thuộc tuyến nhân vật bị dân gian lên án. Giống như bà mẹ đơn thân sinh ra Cám, bà mẹ đơn thân sinh ra Lý Thông thường xúi giục hoặc đồng lõa với con mình để làm điều xấu điều ác thậm chí giết người. Tuy nhiên xem kỹ các tình tiết diễn ra trong thế giới nghệ thuật cổ tích thì bà mẹ đơn thân sinh ra Cám có vẻ chủ động hơn bà mẹ đơn thân sinh ra Lý Thông khi âm mưu hãm hại người ngay. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà ở cuối truyện cả hai bà đều phải bị trừng phạt bằng cái chết, nhưng trong khi bà mẹ đơn thân sinh ra Lý Thông chết như một người bình thường giữa đường chẳng may gặp nạn: “Vua sai bắt giam hai mẹ con Lý Thông lại giao cho Thạch Sanh xét xử, chàng rộng lượng tha cho chúng về quê nhà làm ăn, nhưng đi về được nửa đường thì chúng bị sét đánh chết” (truyện Thạch Sanh); thì bà mẹ đơn thân sinh ra Cám lại chết với tư cách một người mẹ, đau đớn hơn nhiều: “Cám chết, Tấm sai đem xác làm mắm bỏ vào chĩnh gửi cho mụ dì ghẻ, nói là quà của con gái mụ gửi biếu. Mẹ con Cám tưởng thật lấy mắm ra ăn, bữa nào cũng nức nở khen ngon. Một con quạ ở đâu bay đến đậu trên nóc nhà kêu rằng: Ngon ngỏn ngòn ngon! Mẹ ăn thịt con, có còn xin miếng? Mẹ con Cám giận lắm, chửi mắng ầm ĩ rồi vác sào đuổi quạ. Nhưng đến ngày mắm gần hết, dòm vào chĩnh, mụ thấy đầu lâu của con thì lăn đùng ra chết” (truyện Tấm Cám).
B.V.T