Xem "Đất nở hoa" của Phạm Văn Hạng

01.06.2021
Nguyễn Nhã Tiên

Xem "Đất nở hoa" của Phạm Văn Hạng

Mới nửa buổi sáng ở tận vùng thượng nguồn sông Mã - Thanh Hóa, đã thấy nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng đứng dưới bóng đại ngàn chụp ảnh đưa lên facebook. Thoắt một cái chiều tối, lại thấy anh lang thang trong vườn tượng của mình ở Đà Lạt, ấy vậy mà sáng ngày hôm sau anh gọi điện thoại rủ tôi cà phê ở Đà Nẵng. Đấy là chưa nói tới có những khi ngẫu hứng đường xa, anh còn lang thang tận những ngọn núi Tây Bắc, hoặc cù rủ bạn bè nhậu trên cát trắng duyên hải...

Tính theo tuổi ta, đến năm Tân Sửu (2021) này anh Phạm Văn Hạng tròn 80, thế mà sức vóc đôi bàn chân ấy còn sải những bước dài vạn dặm.

Nói đến Mỹ thuật Việt Nam đương đại suốt từ nửa thế kỷ qua, hẳn là không thể thiếu tên tuổi nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng. Tất cả các bài báo, bài phê bình viết về anh từ trước đến nay, nếu tập hợp hết lại có thể in thành một tập sách dày cộm. Tôi thử chọn tên cho tập sách cho anh “Nghệ thuật Phạm Văn Hạng" chẳng hạn. Tất nhiên đối với nhà điêu khắc kiểu như anh, nghệ thuật không chỉ khuôn lại trong thế giới tạo hình, hoặc mở thêm ra những chân trời kiến trúc, đồ họa, mà với mẫu nghệ sĩ đa đoan của anh, thì đấy còn là nghệ thuật ngôn từ - một trò chơi độc đáo với thơ xác lập một cõi riêng Phạm Văn Hạng. Tôi đã lật tập thơ có một không hai của anh. Đúng là độc bản, được anh thể hiện trên chất liệu đồng, kích thước 50 x 65 cm, nặng tới... 250kg. Thi phẩm lấy tên cũng khá khiêm tốn: “Ba mươi năm tập tễnh làm thơ”, gồm 29 bài tất cả, hầu như bài thơ nào cũng ngắn. Từng trang thơ được gò hàn nổi theo bản dịch ra bốn thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp, Hoa. Xin trích lời của cố thi sĩ Trinh Đường - bạn vong niên với anh, lúc còn sinh thời ông đã có những nhận định về thơ Phạm Văn Hạng như sau:

“Chắc trước nay chưa có tập thơ nào ít chữ hơn. Có bài hai câu, có bài hai mươi từ và đều không có đề. Hầu hết là những cái lõi tư tưởng, cái xương sống của những bài thơ, những gì lắng đọng nhất trong cuộc đời tác giả. Ở vườn tượng của anh ở Đà Nẵng, tôi ngỡ lạc vào một vườn thơ, ngược lại với ở đây, lại có cảm tưởng xem tranh tượng khi đọc tập thơ có họa, trong họa có thơ. Ở Phạm Văn Hạng, cả hai cùng song sinh, cùng hóa kiếp vào nhau, tự tách ra thành hai hình thể khác nhau, có ranh giới khu biệt nhưng lại cùng một tuyến đồng nhất...” (Trinh Đường. Trong họa có thơ. Thơ Phạm Văn Hạng. NXB Hội Nhà văn, 2007).

Đấy mới chỉ là cuộc rong chơi nhẹ nhàng lướt qua thơ, trong mỹ thuật, mà cụ thể là nghệ thuật điêu khắc, tính cách nghệ sĩ của Phạm Văn Hạng mới bộc lộ rõ ràng. Từ những hình tượng to lớn, khổng lồ cao 25 - 26 mét, 12 - 15 mét... cho đến các chân dung, tượng nhỏ 0,5 - 1 mét, sự tài hoa không chỉ ở bố cục, đường nét, phối cảnh mà ngay cả cách Phạm Văn Hạng sử dụng vật liệu như: Gỗ, đá, kim loại, đất sét... Có thể nói, đối với anh vật liệu không chỉ là vật liệu, mà mỗi thứ đích thực là một ngôn ngữ, màu sắc được anh sử dụng vào mỗi hình tượng thành tiếng nói, thành linh hồn cho mỗi tác phẩm nghệ thuật. Cho đến giờ đây trên nhiều tỉnh thành khắp cả nước, anh đã dựng có đến hơn 20 tượng đài và nhiều tượng danh nhân văn hóa lịch sử khác. Đặc biệt anh còn lập nên hai vườn tượng ở Đà Nẵng và Đà Lạt, nơi đây lưu giữ nhiều tác phẩm tâm huyết của anh như: Nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Bùi Giáng, học giả Đào Duy Anh, nhà văn Nguyễn Tuân...

Nhưng tôi muốn nói đến tác phẩm “Đất nở hoa” mới nhất của anh vào mùa xuân mới này. Đây là bức tượng được dựng lên bằng vật liệu bê - tông giữa Trung tâm giáo dục Sky-Line Hill Hội An tọa lạc tại khối phố Hà My - Đông A thuộc xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Thực ra so với nhiều tác phẩm tượng đài, đền kỷ niệm hay hoa viên do anh Phạm Văn Hạng sáng tác và tổ chức thi công từ xưa đến nay, thì “Đất nở hoa” là tác phẩm khá đẹp. Ý tưởng từng mảng khối vươn cao mà mềm mại, nhất là màu sắc của tượng trắng như tuyết nổi bật lên trên nền trời xanh như ngọc. Cái đẹp của bức tượng “Đất nở hoa” còn là vị thế của nó nằm ngay Trung tâm Sky-Line bao la có đến 4 - 5 hecta.

Nhớ một buổi sớm mai anh Phạm Văn Hạng thuê xe đưa năm anh em chúng tôi vào Hà My “chiêm ngưỡng” tác phẩm mới “Đất nở hoa”. Ngày hôm ấy trời Hà My nắng thật gắt, thế mà chúng tôi, gồm: nhà nghiên cứu phê bình Đặng Tiến (ở Pháp về), giáo sư tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng (từ Bỉ về) và bạn bè tôi Duy Ninh, Trương Điện Thắng, trông ai cũng “rất ngoan”, đứng quanh vòng tròn đế bức tượng để nghe tác giả của nó say sưa giải thích những bố cục, nào hình cánh chim, hình cánh hoa, hình trái tim... Mỗi hình tượng như thế ẩn chứa trong lòng nó một mật nghĩa, và tùy theo nhãn lực người xem mà diễn dịch khám phá. Thú thật, tôi cũng chả rõ có ai nghe tường tận hết lời của nhà điêu khắc - tác giả bức tượng cắt nghĩa giải thích hay không. Hay là trong từng nhãn quan kia mỗi người một thị lực thẩm mĩ khám phá cái đẹp tinh túy trắng trong của “Đất nở hoa” như kỳ vọng hướng đi của một trung tâm giáo dục quốc tế mọc lên trên vùng cát biển Hà My này.

Tôi vốn không am tường cho lắm về lý luận trong nghệ thuật tạo hình. Chỉ có điều trực cảm mách bảo cho tôi về cái đẹp bức tượng cũng như tên gọi của nó, mà những gì thuộc về siêu lý thật khó lòng nói hết. Đi loanh quanh và chụp hình với nhau dưới bức tượng “Đất nở hoa”, tôi liên tưởng đến một ý niệm thường hằng trong ca dao tục ngữ: “Con người là hoa của đất”. Mà một Đặng Tiến - nhà phê bình văn học nổi tiếng từng giảng dạy văn chương Việt Nam tại Đại học Paris 7 Pháp, một giáo sư tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng giảng dạy tại Đại học Liège Bỉ, các anh đều tuổi hưu cả rồi vẫn canh cánh nặng lòng với đất mẹ Quảng Nam - Đà Nẵng, với quê hương đất nước qua các công trình nghiên cứu. Và rồi một Phạm Văn Hạng - người nghệ sĩ điêu khắc từng có đến một phần hai thế kỷ lao động nghệ thuật, mà giờ đây đi đâu trên đất nước này ta cũng đều có thể bắt gặp tượng của anh bề thế giữa các thành phố lớn. Với tôi, các anh là những trí thức tài năng, người nghệ sĩ điêu khắc tận hiến đời mình cho nghệ thuật. Các anh có là hoa của đất hay không tự mỗi cuộc đời kia đã là một trả lời.

Vâng “Đất nở hoa” hay “Hoa của đất” cũng chính là các anh, và những bạn tôi, mà anh Phạm Văn Hạng  nhận  lãnh cái  sứ  mệnh chạm trổ in vào trời xanh Hà My - Đông A - một biểu tượng “Đất nở hoa”, trắng như linh hồn mây trắng vừa đậu xuống một góc trời này!

N.N.T