Đọc thơ Trần Trúc Tâm

01.06.2021
Nguyễn Minh Phúc

Đọc thơ Trần Trúc Tâm

Trần Trúc Tâm - một người xuất thân từ bộ đội làm báo ở đồng bằng sông Cửu Long. Sau năm 1975 về Đà Nẵng, gia nhập làng báo với cương vị phóng viên viết về nông nghiệp. Anh là người có tính tình ngay thẳng, cương trực và một cây bút có độ dày từng trải thấm đậm trên từng trang báo. Xuất thân làm báo, nhưng anh là người có tâm hồn nhạy cảm và anh đã đến với thơ một cách tự nhiên, như là một nhu cầu tự thân muốn giãi bày về tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa...

Rất tiếc đến năm 1983 do thương tật và sức khỏe đã quật đổ người chiến binh này. Anh về nghỉ mất sức có mức lương 47 đồng... Anh nghỉ việc khi tuổi còn trẻ, đồng lương lại quá ít ỏi, lúc bấy giờ còn thời bao cấp nên đời sống rất khó khăn. Trước khi rời cơ quan về nghỉ mất sức, anh trăn trở qua bài thơ: "Ta Làm Gì Cho Hết Nửa Đời Sau?":

“Ta gởi nắng cho hoàng hôn giữ hộ

Ta gởi mây bay lãng đãng lưng trời

Ta gởi lá cho thu vàng mấy độ?

Ta gởi hồn trên đỉnh gió chơi vơi

Ta gởi vinh quang vào kí vãng

Ta gánh đời đi trong gió mưa

Ta gởi thời gian vào quên lãng

Ta tựa gốc đa làng kể chuyện xưa!..”

Và anh đã xắn tay áo đi làm để sống bằng công việc “gõ rỉ sơn tàu”, dụng cụ lao động hằng ngày là: búa đinh, chàng đục, dũi sét... Công việc lao động nghiệt ngã thử thách con người đi ra từ chiến trường này, anh ung dung gõ rỉ sét thân tàu và cũng ung dung làm thơ.

 Sau tai nạn té từ mũi tàu cao 10 mét xuống biển, người chìm sâu hơn 3 mét nước, khi trồi lên đã ngợp thở. May mà được “ông tây" trên tàu ném cái phao xuống kịp... Sau tai nạn ấy, Trần Trúc Tâm thấy mình đã bước qua lằn ranh sinh tử, cuộc sống anh như thay đổi: Đôi mắt vẫn ướt như định mệnh, nhưng nụ cười luôn bao dung trên môi...

Gần đây anh Trần Trúc Tâm sáng tác sung sức. Hiện anh có bản thảo 4 tập thơ chưa in. Anh cho tôi đọc bản thảo 2 tập thơ “Xứ ngàn hoa” và “Áo thời gian”, cả 2 tập này anh đều viết cho tình yêu, chủ yếu là người tình trong mộng.

Thơ Trần Trúc Tâm là của thế giới chiêm nghiệm, trằn trọc và da diết yêu thương. Giai nhân trong thơ Trần Trúc Tâm là khuôn mặt có thật ẩn hiện đâu đó. Nhưng phần nhiều phải hiểu là những khuôn mặt ấy thường hay xuất hiện trong giấc mộng canh thâu hay ở một không gian nào đó mang triết lí nhân sinh.

Năm 1973, anh hành quân qua dãy Trường Sơn, ở hai đầu binh trạm anh nghe một giọng hò Huế cất lên: “Leo dốc Trường Sơn nghe giọng hò xứ Huế/ Đêm về khuya mênh mông sông Ngân Hà/ Da diết quá nỗi niềm thương nhớ Huế/ Mang suốt trong lòng tiếng Huế đi xa...”. Trong 4 câu thơ này câu thứ 2 toàn vần bằng, câu thơ nhẹ như muốn bay lên. Leo dốc Trường Sơn ba lô súng đạn, lương khô trên lưng, mệt nhoài, mà tiếng hò Huế đã làm tan biến đi sự mệt nhọc, để cho Trần Trúc Tâm thả nỗi niềm riêng và nỗi niềm ấy anh mang theo trong lòng trên vạn nẻo đường quân qua.

Anh Trần Trúc Tâm kể: “Năm 1975, cùng đơn vị về giải phóng thành phố Đà Nẵng, anh trở thành một diễn giả trước hàng trăm khuôn mặt trẻ thành phố háo hức chiến thắng và đón nhận sự mới mẻ cách mạng. Và trong đêm làm diễn giả ấy, có một gương mặt, một sự đồng điệu như duyên nợ đã gắn với đời anh với đất kinh kỳ: “Thuở non nước chưa có tên là Huế/ Đã có chim quyên thao thiết gọi đàn/ Đã có núi Ngự Bình trầm tư đứng đợi/ Dòng Hương Giang xanh tóc Huế dịu dàng...” (Khám phá Huế) và anh bắt gặp đôi mắt... đôi mắt nhìn xa xăm. Thuở Huế chưa có tên, thì đã có ngọn núi ấy, dòng sông ấy, con chim quyên đợi chờ thao thiết gọi lấy tình... Một Khám Phá Huế không lạ nhưng Trần Trúc Tâm đã lột tả trái tim mình với Huế và dành cho em tất cả tình yêu mong manh cháy bỏng: “Ta yêu Huế từ thuở đời phiêu bạt/ Đêm rẽ lá Trường Sơn trông ra Huế cháy lòng/ Vươn cánh sóng vượt cổng trời vô Huế/ Trước giông bão cuộc đời càng yêu Huế thêm hơn...”.

 

Trần Trúc Tâm là một người yêu mây, anh như gửi lòng mình, tình yêu của mình cho mây bay đi. Bài Mây mở đầu tập thơ “Xứ ngàn hoa” là một điển hình: "Mây che kín đồi/ Mây che kín núi/ Mây giăng khắp lối/ Mây và Mây thôi/ Người ơi, Mây quấn chết tôi.../ Phải chi tôi hóa thành ngọn núi/ Nâng nhẹ Mây lên trả lại trời!.."

Đọc Trần Trúc Tâm mới thấy không phải đời này, thời này, mà từ thuở hồng hoang phố chiều đã giăng mây trắng, Trần Trúc Tâm cùng giai nhân đã đến với Phố Núi Mây này: “Về đây với phố núi Mây/ Nghe thông reo giữa ngàn cây lưng chiều/ Mây che còn trống ít nhiều/ Khoảng sân nắng khoảng trời chiều xanh xa.../ Tôi từ ảo giác đi ra/ Mong manh một mảnh trời và nỗi đau/ Đời người ảo ảnh biết đâu/ Tình yêu ngọn lửa ban đầu đắm say...”. Câu thơ Trần Trúc Tâm viết nhẹ như mây và gợi nỗi buồn sâu lắng. Ánh trăng cuối chiều dọi bóng lặng yên và trên con đường đầy Mây định mệnh cay nghiệt.

Mây - cũng chính người thương trong mộng: “Thì ra em chỉ là Mây/ Mây lang thang có ngừng bay bao giờ?/ Chào nhau phố núi Mây mơ/ Sau lưng còn lại bài thơ cuộc đời...”. Em chỉ là Mây và yêu thương cuối cùng cũng hóa thành Mây bay ngoài tầm tay với. Nhưng tình yêu thật ra nó là như vậy. Khi "đưa tay ra níu một đụn mây”, mây tan ngay trên tay và hóa thành mây ngoài trời rộng kia, đó mới đích thực là tình yêu trong trái tim thi sĩ.

 “Em đi rồi, tôi để nhớ mô cho hết?/ Mỗi mùa Đà Lạt trắng mưa ngâu/ Nước mưa có trôi đi đôi ngày xa cách/ Nhớ thấm dần nỗi nhớ thêm sâu!..”. Trong tập Xứ ngàn hoa, Trần Trúc Tâm phong cho Đà Lạt là thành phố Mây. Một mình anh đi trong chiều bảng lảng tay chạm vào gió, chạm vào mây khi trăng chiều dọi bóng trên đường về, gợi buồn sâu lắng gọi tên người yêu trong chiều độc hành, ánh trăng cuối chiều dọi bóng trong lặng yên. Mây cũng là em trên suốt cuộc đời đi tìm yêu thương, cuối cùng người yêu cũng hóa thành mây bay ngoài tầm với.

Bài thơ “Giai nhân mở tiệc mời ta rượu” là một bài thơ mà giữa thực và hư trộn lẫn vào nhau trong không gian và thời gian: “Bàn tiệc bày ra giữa nhân gian/ Có hoa có rượu có mây ngàn/ Có hương gió sớm chiều sương phũ”. Và có hai trái tim cô đơn. Một của lữ khách phong trần và giai nhân - đó là một thiếu phụ nhan sắc bị ông tơ bà nguyệt nối lộn mối dây tơ hồng, nên duyên số lận đận. Với 18 năm làm dâu, quạt không nồng, ấp không lạnh, nàng phải dứt áo ra đi. Một mình với 2 đứa trẻ, trải bao khó khăn chồng chất lên đôi vai với bao nỗi niềm trắc ẩn... Một tiếng kêu than giữa rừng đêm: “Giai nhân bày tỏ cung trầm lắng/ Như tiếng chim muông lạc giữa rừng/ Thác réo tám năm rừng trút lá/ Giông tố tưởng ngừng lệ tưởng ngưng...”. Nhưng kỳ thật, tiếng kêu bi thương ấy không lời đáp!

Lữ khách với giai nhân như có hẹn từ “ba sinh” tiền kiếp đã thố lộ tâm can: “Anh ơi, điệp khúc phong trần ấy/ Cứ vịn vào em hút mật tình/ Sống cạn mấy mùa chăn gối hận/ Ai ngờ chính hắn... gã Thúc Sinh...”. Sống chân thành nào ngờ sự lừa lọc nằm trong lời đường mật.

Tôi nghe như có cái gì nghèn nghẹn...

“Thanh cao em biết Kiều lưu lạc/ Kiếp sống phong trần mười lăm năm/ Còn em một nữ trần gian ấy/ Khắc khoải vượt qua những đêm dài.../ Em sống vì con tỏ tấc lòng/ Của người thiếu phụ chịu long đong/ Vượt qua tất cả điều cám dỗ/ Để tỏ anh ơi, một tấm lòng”...

 

Tôi rất ấn tượng với tập thơ Xứ ngàn hoa và Áo thời gian, 2 tập thơ tình của Trần Trúc Tâm như chiếc áo phong trần của một lữ khách lỡ chuyến đò liên vận phải đứng lại “bên bờ thời gian” giữa ngàn hoa vẫy gọi. Trần Trúc Tâm - thân cây Trúc đứng thẳng bốn mùa chịu nắng mưa, đùa với gió mây được chăng?

N.M.P