Soi mình vào năm tháng

01.06.2021
Nguyễn Thị Thu Thuỷ

Soi mình vào năm tháng

Về thăm quê trong những ngày đầu hè, sắc vàng tràn ngập khắp đường thôn lối xóm: vàng ruộm của đồng lúa sắp thu hoạch, vàng mơ của ánh nắng, vàng mượt của vườn hoa cải, vàng hoe của chùm đu đủ lúc lỉu treo nơi góc sân nhà. Những con gió đuổi nhau nô đùa trên tấm lụa vàng, đưa mùi hương đồng nội lan tỏa khắp không gian. Rặng tre già oằn mình vì gánh nặng tháng năm, gánh những kỷ niệm tuổi thơ của chúng tôi bên cái giếng làng mà hương vị ngòn ngọt của dòng nước trong xanh vẫn vương vít ở đầu lưỡi.

Giếng làng tôi được xây dựng từ thời Pháp, khoảng những năm 1940-1942. Theo thời gian, bờ giếng bị xoáy lở, thành giếng xây bằng những viên gạch hình chữ nhật khá to đã nhuốm màu rêu phong. Năm 1988, làng tôi tu bổ lại giếng bằng cách tráng xi măng nơi bờ và thành, mùi cổ kính có chút phai nhạt nhưng dòng nước vẫn trong ngọt như ký ức một thời không thể nào quên. Bao lần về quê, đứng từ ngoài đường lộ nhìn vào, thấy rặng tre cong soi mình chải tóc bên giếng là biết nhà tôi đã gần lắm rồi, cái cảm giác nôn nao lại ùa về. Bước vào tuổi tám mươi, giếng làng yêu dấu của tôi như đã hoàn thành bổn phận của mình, lặng lẽ ngồi nép bên con đường bê tông 4 mét như muốn thu hẹp lại; tựa như một cụ già đang trầm ngâm chiêm nghiệm lẽ hưng phế của thời gian, đời người. Trái với một thời nơi ấy, rộn rã âm thanh của tiếng gàu, tiếng thùng, tiếng cười nói, tiếng bước chân...

Đến bên giếng, ngồi dựa lưng vào thành, tôi như nghe thấy tiếng của ngày xưa đang lặng lẽ trôi về. Tôi nhớ lắm những năm 75 sau ngày giải phóng, nhà tôi dắt díu từ phố về quê, với một gia đình toàn một lũ vịt trời trên dưới cả mười nhân khẩu. Bên cạnh phải chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi, ba mẹ tôi còn phải lo nguồn nước sinh hoạt cho cả một đại gia đình.  Việc đầu tiên, cha tôi nhờ bác Bông hàng xóm đúc cho hai cái ảng chứa nước thật to, mỗi cái đựng cỡ 8 đến 10 đôi thùng nước. Hằng ngày, các chị phải thay phiên đi gánh nước đổ vào ảng lúc tờ mờ trước khi cuốc bộ đi học và lúc trời nhập nhoạng sau khi ra đồng về. Đòn gánh kĩu kịt, cong võng xuống vì sợi dây thừng nối hai thùng nước đầy ăm ắp. Chiếc đòn gánh trơn láng vì phải đổi qua vai người chị khác khi chị Cả đi lấy chồng và cũng lần lượt đến tôi, đôi vai luôn ê ẩm vì phải ráng gánh đôi thùng to trong khi vóc người khi ấy chẳng khác gì que củi. Gánh nước phải có điệu, chạy bước nhỏ, nhịp nhàng thì nước có đổ đầy vẫn không tràn ra thùng. Còn nếu bạn gánh trong trạng thái bực dọc, vùng vằng, nước trong thùng sẽ sánh ra đầy đường; có khi về đến nhà, mỗi đầu thùng đã vơi đi một phần; hình như nước giếng làng tôi cũng biết dỗi hờn đấy!

Thoáng chốc hơn nửa đời người trôi qua nhưng kỷ niệm bên giếng làng vẫn tươi nguyên như mới vừa hôm qua vậy. Tôi nhớ lắm, những ngày cuối năm giáp Tết, làng tôi rủ nhau đi vét giếng để khơi mạch nhằm tìm nguồn nước ngọt thơm cho đầu năm sau. Sau khi đã trữ nước dùng đủ hai ngày, mỗi nhà lựa một tay gàu dẻo dai, đồng loạt múc cạn nước, kể cả phần nước đọng lại ở đáy giếng. Sau một đêm, mạch được thông, nước lại trào về; nhưng sau hai ngày mới được múc lên uống vì khi đó nước lắng lại trong và thơm, không bị hôi bùn. Năm nào lụt lớn thì làng tôi rủ nhau vét giếng đến hai lần. Những đêm ba mươi Tết, sau khi vớt xong nồi bánh tét, bánh tổ; bà nội tôi dùng xẻng xúc những cục than to còn đỏ lửa, bỏ xuống giếng để khử phèn. Lon ton chạy theo bà giữa đêm trừ tịch, trời đất mịt mù, tôi vẫn còn nghe tiếng xèo xèo của đám than khi bỏ vào lòng giếng. Không biết có phải vì đã trải qua cơn đau quặn mình mà những ngày đầu năm giếng lại cho dòng nước trong, ngọt và thơm hơn vậy? Tôi nhớ gánh đậu hủ kẽo kẹt trên vai mẹ tôi, cùng tiếng rao ngắt quãng vì phải gánh đường xa. Nhớ dáng mẹ gầy lầm lũi quẩy thùng gánh nước từ 4 giờ sáng, để lắng nước rồi sau đó lọc xong mới đem nấu đậu hủ, nhớ mùi đậu nành sau khi mẹ ngâm và xay trong chiếc cối đá đặt bên chái bếp. Nhờ nguồn nước ít phèn, lại trong và mát được chắt lọc từ giếng làng từ sớm tinh sương mà gánh hàng rong mẹ tôi ngày nào cũng hết veo từ lúc nửa buổi.

Chừng hai mươi năm trở lại đây, giếng nằm đơn côi bên đường, buồn thiu vì thưa vắng tiếng trò chuyện râm ran của các chị, các cô gánh nước đêm trăng. Rặng tre già qua bao cơn bão vẫn kiên gan bám vào nền đất, cong mình che cho giếng đỡ nắng, đỡ mưa. Làm tròn trọng trách đem dòng nước tưới tắm tâm hồn của tuổi thơ, giờ là lúc giếng làng tôi được ngơi nghỉ. Song với tôi, cái cảm giác tê tê trên đôi vai vì sức nặng đôi thùng cùng cảm giác no nê thỏa mãn khi vục đầu vào gàu nước trong veo, mát lành mỗi trưa đi học về như vẫn còn đó, như mới vừa hôm qua đây...

Quê tôi ngày một thay đổi với nếp sống mới, nhà nhà ai cũng đã sắm giếng đóng trong nhà. Có nhà sợ nước lắm phèn nên bắc luôn nước thủy cục; chỉ cần một cái nhấn hay vặn nhẹ, dòng nước trong trẻo sẽ cuồn cuộn tuôn về. Nhưng chắc chắn rằng, ai đã qua một thời mòn mỏi trên vai đôi thùng gánh nước sẽ không quên tiếng gàu va vào thành giếng những bình minh, lúc hoàng hôn hay đêm trăng hè nóng nực. Một mình với giếng, tôi như nghe được nhịp thở của bước chân thời gian và nghe được cả tiếng của hồn quê đang vọng về: “Lặng lẽ với giếng sâu/ Xin nối sợi dây gàu cho lòng bớt cạn” (NNH). Hãy nối sợi dây yêu thương để mạch nguồn của nước giếng quê hương luôn chảy trong ký ức mỗi người...

N.T.T.T