Những ký ức ngày càng tỏa sáng

02.06.2021
Thanh Quế

Những ký ức ngày càng tỏa sáng

Anh Nguyễn Xuân Nhĩ, nguyên Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin Thành phố Đà Nẵng, đã nghỉ hưu, mang đến cho tôi tập hồi ký “Lên đường ra trận ” của anh, nhờ tôi viết lời giới thiệu. Việc một thanh niên đi bộ đội rồi tham gia các trận đánh là chuyện quá quen thuộc ở miền Nam hồi chống Mỹ. Tôi cũng là người tham gia kháng chiến, vậy thì có gì lạ đâu? Vậy mà càng đọc tập bản thảo càng thú vị, càng xúc động, càng thấy hay, thấy tác giả như viết cho chính tôi nữa, cứ thế làm tuốt một lèo từ đầu đến cuối tập. Đọc xong rồi vẫn ước còn nữa, vẫn còn thòm thèm ...

Bây giờ, khi đã rời tập bản thảo, ngồi yên lặng một mình, trước mắt tôi cứ hiện lên hình ảnh những người lính đặc công lăn lê, bò toài, cắt rào, gỡ mìn đến nỗi tập xong cứ thấy “đau nhức khắp người, nhất là da bụng, nằm ngửa cũng đau, đứng thẳng cũng đau”. Những đêm di chuyển quân lặng lẽ qua bốt địch, qua nơi địch hay phục kích, mò mẫm bước trong suối đá, rừng cây, ngồi ăn cơm giữa rừng tranh buốt xót, máy bay HU.1A của dịch nhào đến bắn xối xả. Những lần chuẩn bị chiến trường, đồng đội bị dẫm đinh xuyên qua bàn chân, vẫn để vậy, lần mò theo dây, gỡ mìn bên dưới, rồi mới kêu bạn đến hỗ trợ. Những cuộc chia tay đẫm nước mắt “Đi nhé”, “Ở lại nhé” ! “Đi nhé”, “Ở lại nhé” ! nghe sao đến nhói lòng. Bạn ơi, biết bao giờ chúng ta mới gặp lại và biết có còn gặp lại hay không ? Những hình ảnh cứ lướt qua, lướt qua trong óc tôi như một cuốn phim để rồi hiện lên những con người, những con người như những tượng đài sừng sững qua năm tháng. Này đây, một thanh niên 17 tuổi, tên là Nhĩ, vốn là một học sinh non dại cùng thầy cô và các bạn chạy giặc càn, phải bỏ học do bạn bè rủ nhau đi bộ đội. Ba mẹ nói “Ừ thì con đi”. Dì Bốn Thuẩn dặn dò: “Đi bộ đội cực lắm đó, nhớ là đã đi dứt khoát cực mấy cũng chịu, không được bỏ chạy về đấy. Dị lắm đó”. Chàng trai ấy trong luyện tập trên thao trường đôi lúc thấy khổ muốn trốn về nhà, cứ nghe quanh mình tiếng “Dị lắm đó”, “Dị lắm đó” mà ở lại. Rồi qua những cuộc hành quân, những trận đánh, những ngày nhịn đói ... đã trưởng thành, lớn lên cùng đơn vị.

Tôi hết sức thích thú khi tác giả kể về ba thủ trưởng trong đơn vị: anh Thức, anh Ba, anh Thảo. Mỗi người có lời ăn tiếng nói khác nhau, có tính cách khác nhau nhưng thống nhất với nhau một chỗ: Là chỉ huy phải đứng đầu, đứng trước ở những nơi tên bay đạn nổ. Anh Thức lúc nào cũng nói ngắn gọn kèm theo mệnh lệnh, nhưng lại giàu tình cảm, hiểu và thương lính, biết lính trẻ nhớ nhà, khi đi công tác cho đi theo để kết hợp thăm gia đình. Sau này anh ngả xuống trong trận tổng tấn công năm 1968, ngay thị xã Tam Kỳ yêu dấu, nơi bầu trời xanh xao xuyến, rưng rưng trong mắt anh. Anh Ba chính trị viên bao giờ cũng nhỏ nhẹ, tinh thế và sâu sắc, nhưng khi chiến đấu bao giờ cũng như mảnh hổ lao về phía trước. Với anh Duyên là thủ trưởng cấp trên luôn nghiêm khắc khi lính vô kỷ luật, nhưng hết lời khen ngợi cấp dưới làm việc tốt. Bản thân anh trong chiến đấu đã “nhanh như sóc lao lên vẫy lá cờ Mặt trận rồi đưa tay tóm dây buộc lá cờ kéo lên thật nhanh. Chỉ vừa mới một phần ba trên trụ cờ thì lá cờ đã tung bay phất phới trong tiếng rền vang của đạn pháo”, còn anh thì bị đạn đại liên từ các lô cốt địch bắn xối xả vào người.

Còn biết bao đồng đội nữa đã ngả xuống vẫn sống cùng tác giả, cho lòng anh đau xót nhức buốt khi nhớ lại. Bản thân tôi, người đọc cũng cảm thấy cay cay ở đáy mắt, muốn nói lên một tiếng “Thương lắm các bạn ơi!”. Vĩnh, một chiến sĩ, ngày lên đường đi bộ đội, mẹ mua cho sợi dây chuyền vàng, mong ngày con chiến thắng trở về, trao cho người bạn gái con yêu quý. Nhưng con đã ra đi mãi mãi. Trước khi đi, anh ngoắt bạn đến cởi dây chuyền để đơn vị đổi lương thực trong những ngày đói lã. Thương đến nát lòng, Phượng, cô gái xinh đẹp, dịu dàng, là mũi trưởng gan lì dũng cảm, vượt rào xông vào đồn, đạn giặc bắn ra như mưa, xác em nằm vắt trên bờ rào, vắt qua lòng chúng ta suốt bao nhiêu năm tháng. Thương biết mấy cô bé Diệu Hà nhí nhảnh, thích chiếc mũ tai bèo mềm của bạn, lúc lên đường ra trận nằn nì “Đi chiến đấu xong, nếu còn sống em đem về cho anh. Nếu hy sinh anh cho em xin”, và cô cùng chiếc mũ của bạn, đi xa, xa lắm trong lòng đất mẹ ...

Làm sao quên được Thuý, người bạn cùng tuổi, cậy về đơn vị trước cứ xưng chị, nhưng rất cưng chiều “em trai”. Khi chia tay, đột ngột hôn vào má “em” nói nhỏ: “Mình đi nhé, ở lại nhé”. Chị Nguyên bị pháo cắt ngang đùi ra đi trên vũng máu của mình, chị Luyến bị thương vào chỗ hiểm, đau ngất, nhưng vẫn ngượng ngùng khi đồng đội nam băng bó. Những người con trai, con gái đã bị mất một phần cơ thể hoặc đã ra đi, đã ra đi vĩnh viễn không về để đất nước, quê hương tồn tại mãi, để bạn và tôi có cuộc sống hạnh phúc hôm nay ...

Từ nãy giờ ám ảnh và xúc động trước những nhân vật trong tập hồi ký, hình như tôi đã làm một việc lẩn thẩn là kể lại, có lẽ còn dở hơn những câu chuyện tác giả đã kể. Tôi không dám làm việc này thêm nữa, xin nhường lại cho bạn đọc tự tìm hiểu. Tôi chỉ muốn nói rằng: Đây là một tập hồi ký sinh động và xúc động của một người trong cuộc, mang nặng trong lòng những ký ức, đã suy nghĩ và nghiền ngẫm nhiều năm nay mới chắt lọc viết ra ...

Với vốn từng trải phong phú và dày dặn, được kể lại bằng giọng văn giản dị, mộc mạc, giàu hình ảnh, giàu tiếng địa phương Quảng Nam, tác giả đã dựng lên được những cảnh sắc, những con người có diện mạo, tính cách riêng biệt đáng nhớ, nhiều đoạn hết sức xúc động nghẹn ngào, đã dẫn dắt chúng ta đi hết chuyện này đến chuyện khác, trang này đến trang khác một cách nhẹ nhàng, đằm thắm mà sâu sắc. Nó thật sự quý giá như những viên ngọc ngỡ mờ dần, mờ dần qua những năm tháng bỗng rực sáng lên trong tâm hồn của mỗi chúng ta...

T.Q