Các loại hình nghệ thuật góp phần xây dựng đời sống văn hóa thành phố Đà Nẵng

01.06.2021
Hoàng Hương ghi

Các loại hình nghệ thuật góp phần xây dựng đời sống văn hóa thành phố Đà Nẵng

Như chúng tôi đã thông tin trên Tạp chí Non Nước tháng 5/2021, vừa qua các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Thành ủy Đà Nẵng, lãnh đạo các sở, ban, ngành đã có buổi làm việc, trao đổi với Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố và Ban Chấp hành 9 Hội chuyên ngành gồm: Hội Nhà văn, Hội Âm nhạc, Hội Mỹ thuật, Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật, Hội Nghệ sĩ Sân Khấu, Hội Nghệ sĩ Múa, Hội Điện ảnh, Hội Kiến trúc sư và Hội Văn nghệ Dân gian. Với chủ đề “Văn nghệ sĩ Đà Nẵng góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa thành phố”, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, các văn nghệ sĩ có nhiều phát biểu tâm huyết, đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm phát huy tiềm năng của văn nghệ sĩ Đà Nẵng, văn học nghệ thuật cần đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển bền vững của thành phố Đà Nẵng.

Trong khuôn khổ có hạn, Tạp chí Non Nước xin lược ghi một số ý kiến phát biểu tại buổi tọa đàm này:

Trà Xuân Phương - Chủ tịch Hội Điện ảnh thành phố Đà Nẵng:

ĐỂ ĐÀ NẴNG TRỞ THÀNH TRUNG TÂM LIÊN HOAN PHIM TÀI LIỆU QUỐC TẾ

Với bề dày văn hóa, lịch sử và hiện thực sinh động trong quá trình xây dựng, phát triển của Đà Nẵng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên là mạch nguồn cảm xúc, là những chất liệu quý giá cho việc sản xuất những bộ phim tài liệu chất lượng về vùng đất, con người, những giá trị văn hóa, lịch sử của xứ Quảng, của miền Trung - Tây Nguyên. Những kết quả đạt được trong những năm qua, với hàng chục giải thưởng trong và ngoài nước, tại các liên hoan phim quốc gia, quốc tế, các giải Cánh diều và giải báo chí đã khẳng định tiềm năng, thế mạnh, sức sáng tạo của những người làm phim tài liệu ở đây. Từ những thế hệ đầu tiên khi mới hình thành Hội như: Nguyễn Trung Thiện, Huỳnh Hùng, Đoàn Huy Giao, Hồ Trung Tú, Trương Vũ Quỳnh, Trà Xuân Phương, Phạm Xuân Hùng, Trí Trung... đến thế hệ sau này như Đoàn Hồng Lê, Hoàng Tùng, Dương Mộng Thu, Phạm Hồng Liên, Lê Hoàng Nam, Đặng Quốc Phồn... đã có sự tiếp nối và thay đổi trong phong cách sáng tác, cách tiếp cận với những xu hướng sản xuất phim hiện đại của thế giới.

Không chỉ đoạt các giải thưởng cao trong nước, một số phim tài liệu của các hội viên Đà Nẵng mang đi tham dự tại các liên hoan phim nước ngoài và giành được giải thưởng như phim: “Chiếc chiếu của bà Bứa” của Dương Mộng Thu dự Liên hoan phim tài liệu Jean Rouch tại Pháp, Liên hoan phim tài liệu Đông Nam Á (Indonesia), Liên hoan phim tài liệu Black Movie (Thụy Sĩ) và đã đoạt giải Ogawa Shinsuke - giải cao nhất hạng mục phim tài liệu Châu Á tại Liên hoan phim quốc tế Yamagata 2013 (Nhật Bản). Phim tài liệu “Lời cuối của Cha” của Đoàn Hồng Lê dự và đoạt giải thưởng cho Dự án phim tài liệu dài của Quỹ Điện ảnh Hàn Quốc, đồng thời đoạt giải đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim tư liệu Dehong (Trung Quốc). Bộ phim này còn mang đi dự các liên hoan ở Ý, Đức, Indonesia, Đài Loan, Ấn Độ, hay bộ phim tài liệu “Gần mà xa khu rừng tổ tiên” dự Liên hoan phim tư liệu Salaya (Thái Lan), Freedom Fest (Malaysia), IAWRT (Ấn Độ)... Và gần đây nhất bộ phim tài liệu “Người Mẹ” của đạo diễn Đoàn Hồng Lê được nhận giải thưởng của Ban Giám khảo tại Festival del Cinema Cefafu, Ý vào tháng 3 năm 2021.

Chúng ta đã đến với những liên hoan phim tài liệu danh tiếng trên thế giới, vậy tại sao bạn bè không đến với chúng ta. Đà Nẵng đang hướng đến một thành phố đặc biệt, một đô thị tầm cỡ khu vực, một trung tâm tài chính, du lịch của Đông Nam Á. Vậy trên lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật thì như thế nào?. Những người làm điện ảnh truyền hình ý tưởng về một liên hoan phim tài liệu quốc tế tại Đà Nẵng là một vấn đề cần được đặt ra, xem xét. Trên thế giới có nhiều liên hoan phim gắn liền với những địa danh du lịch như: Cannes (Pháp), Kalory Vary (Séc), Moscow (Nga), Leipzig (Đức), Busan (Hàn Quốc)... Chúng ta chưa dám mơ tưởng đến những liên hoan phim hoành tráng, nhưng liên hoan phim tài liệu thì có thể nghĩ đến. Đây là một thể loại phim có giá trị, được nhiều người quan tâm, gọn nhẹ trong công tác tổ chức và trình chiếu. Để tổ chức một liên hoan như vậy cần có sự phối hợp giữa UBND thành phố, Cục Điện ảnh và Hội Điện ảnh Việt Nam là những cơ quan chuyên môn có khả năng thu hút các nhà làm phim trong nước và thế giới, với một số Hiệp hội phim độc lập, các nhà sản xuất và bằng kinh nghiệm của những cá nhân đã từng tham gia các liên hoan phim quốc tế. Thông qua liên hoan phim, bạn bè đến đây sẽ là cơ hội để chúng ta giới thiệu về đất và người Đà Nẵng. Cái tên Đà Nẵng dù ở góc độ nào cũng thêm được nhiều người biết đến.

Nếu Đà Nẵng trở thành một trung tâm liên hoan phim tài liệu quốc tế sẽ là điều hết sức có ý nghĩa trong việc xây dựng thương hiệu văn hóa Đà Nẵng giàu bản sắc, làm phong phú hơn các hoạt động văn hóa nghệ thuật của thành phố, góp phần đưa hình ảnh Đà Nẵng lên một tầm cao mới, một vị thế mới.

                                                                                                              

Hồ Đình Nam Kha - Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng:

XÂY DỰNG VĂN HÓA ĐÔ THỊ CẦN QUAN TÂM TƯỢNG, TƯỢNG ĐÀI VÀ TRANH HOÀNH TRÁNG

Tượng, tượng đài và tranh hoành tráng là những công trình nghệ thuật có tính biểu tượng cao, được khắc họa một cách cô đọng bằng những đường nét, mảng khối, bố cục... Đóng vai trò quan trọng như một bảo tàng lịch sử, mỹ thuật ngoài trời mang tính thẩm mỹ, tính giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hóa cho cộng đồng dân cư. Trong Nghị quyết

43-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng đặt ra nhiệm vụ và giải pháp về phát triển văn hóa - xã hội, trong đó tập trung xây dựng đời sống văn hóa Đà Nẵng phong phú, bản sắc, có hệ thống thiết chế văn hóa tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội...

Chính vì vậy, việc tạo ra những điểm nhấn trong đô thị bằng những công trình tượng đài có quy mô phù hợp sẽ góp phần làm cho Đà Nẵng có những điểm khác biệt so với nhiều đô thị khác. Hay nói rộng hơn là tạo ra một “Thành phố của những tượng đài” (nên hiểu đây là những tượng đài có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật tương xứng với từng khu vực khác nhau trong đô thị chứ không hẳn tất cả đều là tượng đài đồ sộ, hoành tráng...). Đồng thời cũng khai thác được tiềm năng về điêu khắc của các nghệ nhân Làng đá mỹ nghệ Non Nước, các nhà điêu khắc của Đà Nẵng cũng như trong và ngoài nước thông qua các trại sáng tác, cuộc thi điêu khắc được tổ chức hàng năm...

Trước hết cần có lộ trình để thực hiện trên cơ sở tuân thủ theo quy hoạch về công trình tranh tượng của thành phố... Chúng ta xây dựng đặc thù văn hóa, du lịch Đà Nẵng, tầm nhìn 2021 đến 2030, không thể không nói đến không gian tượng đài, tranh hoành tráng mang tầm cỡ quốc gia.

                                                                                                      

Thân Nguyên - Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng:

NGHỆ THUẬT NHIẾP ẢNH LUÔN ĐỒNG HÀNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Nhiếp ảnh trong khi đi du lịch là xu hướng tất yếu của thời đại số. Đối với du khách, trong mỗi chuyến đi du lịch, du khách luôn mang về những tấm ảnh đẹp về những nơi mình đến tham quan. Để phát huy hiệu quả của nhiếp ảnh đối với du khách, tôi đề xuất 3 ý sau:

1. Tổ chức cuộc thi ảnh du lịch online dành cho tất cả các du khách khi đến với Đà Nẵng, tạo dựng một trang web riêng cho thương hiệu này. Thời gian lưu chân tại Đà Nẵng các du khách sẽ gửi những hình ảnh đẹp mà họ ghi nhận được vào trang web đó. Thời gian từ 6 tháng hay 1 năm sẽ tổ chức chấm chọn một lần (tùy thuộc vào số lượng ảnh của du khách tham dự). Thông qua đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, hướng dẫn và khuyến khích du khách chụp ảnh và post ảnh vào trang web. Các hướng dẫn viên du lịch rất quan trọng, là yếu tố quyết định của thành công.

2. Nhiếp ảnh với du lịch online dành cho cộng đồng bình chọn

Xây dựng một trang fanpage chọn ảnh du lịch online của thành phố Đà Nẵng. Thông qua đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, các điểm đón khách tại Đà Nẵng, khuyến khích du khách chụp ảnh và post ảnh vào trang fanpage này.

Tất cả những hình ảnh luôn được trưng bày triển lãm online trên web, trên trang fanpage này tạo ra như một địa chỉ đáng tin cậy cho du khách khi cập nhật vào để thưởng lãm.

Ngoài những địa chỉ thưởng lãm ảnh nghệ thuật du lịch trên online, chúng ta cũng cần có những địa điểm check-in về hình ảnh của những tác phẩm ảnh nghệ thuật được trưng bày giới thiệu những địa điểm mới lạ, gây sự tò mò, tìm tòi của du khách bằng trực tiếp ngoài không gian ở đường phố.

3. Hình thành “Con đường nhiếp ảnh”

Thành phố Đà Nẵng cần xây dựng một tuyến đường trưng bày triển lãm những tác phẩm ảnh nghệ thuật về chủ đề du lịch thành phố, nhằm giới thiệu cho du khách xem ảnh nghệ thuật các điểm du lịch, kích thích họ mong muốn đi đến tận nơi các điểm du lịch đó. Số lượng ảnh trưng bày từ 20 - 30 ảnh trong thời gian 15 ngày, sau đó tiếp tục treo tại khu nghỉ dưỡng, khách sạn, điểm dịch vụ du lịch của thành phố.

Không chỉ triển lãm, con đường nhiếp ảnh, còn là nơi có nhiều điểm check-in đẹp, du khách đến đây có thể chụp nhiều hình ảnh vừa ý.

Việc duy trì con đường nhiếp ảnh du lịch (hoặc nhiếp ảnh nghệ thuật) được xem là một điểm đến mới trên bản đồ du lịch của thành phố. Việc này đòi hỏi phải duy trì lâu dài và phải có một kế hoạch/dự án dài hạn.

                                                                                                             

Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu thành phố Đà Nẵng:

HY VỌNG THỜI GIAN TỚI NGHỆ THUẬT HÔ HÁT BÀI CHÒI TIẾP TỤC ĐƯỢC PHÁT HUY

Đà Nẵng là một vùng đất có không gian văn hóa giàu bản sắc, được thừa hưởng những tinh túy của nền văn hóa Champa, văn hóa bản địa miền biển, văn hóa đồng bằng, miền núi... Các loại hình diễn xướng nghệ thuật dân gian (hát bộ, hát sắc bùa, hát bài chòi, hò, lý, hát ru, đồng dao, hát bả trạo, hò khoan đối đáp...) tạo ra một địa chỉ văn hóa phong phú, đa tầng, đa dạng... Đặc biệt nghệ thuật hô hát bài chòi đã in sâu vào tiềm thức của nhân dân Quảng Nam Đà Nẵng nói chung và Đà Nẵng nói riêng...

Vào những năm 50 của thế kỷ trước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp,  Khu ủy 5 đã thành lập Đoàn nghệ thuật hô hát bài chòi phục vụ kháng chiến. Năm 1954, đoàn tập kết ra miền Bắc, với tài hoa của các nghệ sĩ như: NSND Lệ Thi, NSƯT Nguyễn Kiểm, Nguyễn Thủ, Thái Sơn, nhà biên kịch Nguyễn Tường Nhẫn... Nhạc sĩ Hoàng Lê sưu tầm và viết các làn điệu mang âm hưởng dân ca bài chòi khu 5. Đạo diễn tài ba Nguyễn Khánh, còn gọi là Khánh Cao (cha của NSND điện ảnh Trà Giang) cùng các nhạc sĩ Trần Hồng, Trương Đình Quang dàn dựng và biểu diễn nhiều vở nổi tiếng như: “Tiếng sấm Tây Nguyên” của Thanh Nha - Thế Lữ, “Thoại Khanh - Châu Tuấn” của Nguyễn Tường Nhẫn, “Quê hương dậy sóng” của tác giả Huỳnh Chinh chuyển thể ca kịch bài chòi Liên Nguyễn, “Chuyện tình bên dòng sông Thu” của Lưu Quang Vũ. Những vở diễn hay đã in đậm trong ký ức của cán bộ chiến sĩ và người dân xứ Quảng. Kể từ khi chia tách địa giới hành chính, Đà Nẵng không còn đoàn ca kịch bài chòi, nghệ thuật hô hát bài chòi cũng có phần mai một.

Rất may mắn cho chúng ta khi nghệ thuật hô hát bài chòi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là cơ hội để bài chòi phát triển trở lại, và cũng rất may mắn là tại Đà Nẵng chúng ta còn có nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu hiểu biết sâu về loại hình này, đa số đều sinh hoạt tại Hội Nghệ sĩ Sân khấu thành phố Đà Nẵng.

Thời gian qua chúng tôi đã dàn dựng một chương trình nghệ thuật dân ca bài chòi với chủ đề xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh - đô thị và đi biểu diễn ở 10 phường tại quận Thanh Khê. Bên cạnh đó, hàng chục kịch ngắn, kịch vui được phát sóng trên Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng đã có tác động tích cực trong việc quảng bá, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Hy vọng trong thời gian tới, nghệ thuật hô hát bài chòi tiếp tục được truyền dạy, phát huy và thường xuyên biểu diễn phục vụ nhân dân và du khách.

H.H