Cafe Gác Trịnh
Thả bộ dọc Nguyễn Huệ, rẽ phải Nguyễn Tường Tộ, tôi đến cafe Gác Trịnh, gần đầu cầu Phú Cam.
Quán vắng lặng. Một không gian xưa của thập kỷ 60 rất hẹp, chừng 20m2, đủ kê khoảng 5 bộ bàn ghế nhỏ. Một cây đàn guitar gỗ nằm ở góc phòng, trên tường là những bức tranh của Trịnh Công Sơn với Khánh Ly, Văn Cao, Phạm Duy,...
Âm thanh từ chiếc loa cũ kỹ với những bản nhạc của Trịnh Công Sơn được thu âm thời trước 1975, đủ để ru hồn khách tìm về những ngày tháng xưa cũ. Cafe đây ngon, đượm và thơm. Có phải do pha chế hay dư âm cũ còn sót lại trong căn gác này khiến tôi thích, muốn ngồi lâu hơn một chút nữa cho dù nắng mai đã bắt đầu lên cao.
Người đàn ông ốm, khoảng 55 tuổi, chạy bàn (dường như là bạn của Lâm, chủ quán cafe) đưa tôi lên một căn gác chừng 6-8 m2. Gác có bộ bàn nhỏ dưới 1 ô cửa kính nhìn ra vườn. Sau lưng, nơi tôi ngồi, là chiếc giường nhỏ của cố nhạc sĩ. Trên bàn, người bán cafe bày biện đơn sơ 1 chai rượu, ly, đôi kính cận cũ đặt trên 1 tờ giấy đã ố vàng với những dòng chữ nhạt nhòa của Trịnh Công Sơn, 1 cây guitar phủ bụi cùng những bức tranh dựng vào tường. Chính nơi đây, hàng đêm, Trịnh Công Sơn vừa ngồi viết nhạc vừa lắng nghe ngóng tiếng quân cảnh vây bắt thanh niên đi lính (cưỡng bức nhập ngũ) dưới đường phố để kịp thời chạy thoát ra ngoài từ cửa sổ duy nhất này.
Và từ căn gác này, cách đây trên 50 năm, có những buổi chiều mưa buồn xứ Huế, Trịnh Công Sơn đứng tựa lan can nhìn xuống đường Nguyễn Tường Tộ, mắt dõi tìm bóng dáng cô nữ sinh Ngô Thị Bích Diễm, thướt tha tà áo trắng, đi học từ phía bên kia cầu Phú Cam. Chi tiết này, tôi có đề cập trong bài viết “Diễm xưa” - Tập sách “Những bóng hồng trong âm nhạc” (NXB Hội Nhà Văn tháng 3/2020).
Chuyện kể rằng, ngày ấy, Trịnh Công Sơn yêu Diễm. Mối tình học trò, có lẽ đơn phương, kéo dài từ khi Trịnh Công Sơn còn ở Huế cho đến khi ông vào Sài Gòn học. Cha mẹ Diễm khó, thậm chí không thích Sơn. Thế nhưng Sơn cứ đeo đuổi hình bóng Diễm, bởi Diễm chưa có biểu hiện nào xa lánh và cũng không có lời lẽ cự tuyệt tình yêu của Sơn. Mùa mưa ở Huế dai dẳng và lê thê. Trịnh Công Sơn cứ lang thang qua những lăng tẩm, đền đài cổ xưa như những gì ông viết trong ca khúc nổi tiếng “Diễm xưa”:
“Mưa vẫn mưa bay trên tầng
tháp cổ.
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt
thêm sâu...”
Diễm thi đậu tú tài vào Sài Gòn học Văn Khoa. Sơn trượt về lại Huế, bỏ ngang việc học vì gia đình lâm vào cảnh sa sút. Buồn & tự ái, Trịnh Công Sơn không liên lạc với Diễm nữa. Có lẽ vì vậy, Diễm cũng “lơ” luôn, hai người không còn liên lạc với nhau nữa. Họ xa nhau từ dạo ấy. Dấu chân xưa nhạt nhòa để lại cho Sơn những ngày tháng đầy xót xa, hoài niệm trong căn gác quạnh hiu này:
“...Chiều nay còn mưa sao em
không lại?
Nhỡ mai trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau
Bước chân em xin về mau...”
Người bưng cafe kể rằng, chủ sở hữu (pháp lý) ngôi nhà này là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (bạn thân của Trịnh Công Sơn). Hôm đầu năm 2021, cô Trịnh Vĩnh Trinh (em gái của Trịnh Công Sơn) có về Huế để đóng phim tại gác nhỏ này nhằm kỷ niệm 20 năm ngày mất của nhạc sĩ (1/4/2001 - 1/4/2021) nhưng chưa kịp phát hành.
Khách đến với cà phê “Gác Trịnh” thường là khách quen, tất nhiên là những người yêu Trịnh, từ các bậc cao niên của thế hệ trước đến các em sinh viên của Nhạc viện, đại học Huế thời bây giờ. Có khi là một bác xích lô, xe ôm, một cụ già chống gậy đến nhấm nháp chút cafe, thả hồn theo giai điệu với ngày tháng còn lại trên cõi tạm này.
Rời quán Gác Trịnh, tôi quay về Đà Nẵng. Gió từ dòng sông An Cựu thổi về mát lạnh, mơn man một ký ức buồn trong giai điệu đẹp Đêm thấy ta là thác đổ của Trịnh Công Sơn vọng lại:
“Một đêm bước chân về gác nhỏ
Chợt nhớ đóa hoa tường vi
Bàn tay ngắt hoa từ phố nọ
Giờ đây đã quên vườn xưa
Một hôm bước qua thành phố lạ
Thành phố đã đi ngủ trưa
Đời ta có khi tựa lá cỏ
Ngồi hát ca rất tự do
Nhiều khi bỗng như trẻ nhớ nhà
Từ những phố kia tôi về”...
V.K