Lịch sử hình thành và phát triển của nghệ thuật Bài chòi
Nghệ thuật Bài chòi dân gian là một trong những sáng tạo đặc sắc của người Việt ở miền Trung nước ta. Nghệ thuật Bài chòi được bắt nguồn từ hội chơi Bài chòi, một hình thức văn hoá giải trí thường được tổ chức vào những ngày đầu xuân năm mới tại các tỉnh miền Trung (từ Quảng Bình đến Khánh Hòa). Nó đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân khu vực miền Trung với các làn điệu, lời ca bình dị, ngọt ngào, gần gũi với người dân lao động. Trải qua những biến cố, thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, Bài chòi Trung Bộ Việt Nam đến nay đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Về nguồn gốc, lịch sử ra đời của loại hình nghệ thuật Bài chòi đã có một số tài liệu của người Việt Nam và nước ngoài đề cập từ những năm đầu của thế kỷ XX. Trong cuốn Larouss musicale xuất bản tại Pari - Pháp năm 1928 của tác giả G.L Bouvier, nhà nghiên cứu dân tộc nhạc học người Pháp gốc Ba Lan đã dành riêng một chương có tiêu đề "Những bài hát phổ thông của người An Nam” để nói về Bài chòi. Ông cho rằng Bài chòi được hình thành và phát triển sau những năm Nam tiến (1470).
Sau này, nhiều nhà nghiên cứu của miền Trung đã dựa vào những câu chuyện truyền miệng trong dân gian để đưa ra giả thuyết rằng: Khởi nguồn của Bài chòi từ cuộc di dân của người Việt về phía Nam từ năm 1471. Ở vùng đất mới, dân cư còn thưa thớt núi rừng rậm rạp. Họ phải tổ chức sản xuất, trồng trọt trên những thửa đất khai hoang, nơi có nhiều thú dữ quấy phá. Để bảo vệ thành quả lao động của mình, họ đã dựng lên những chòi canh làm bằng tranh tre (trên chòi có sàn ngồi và có mái lợp để che nắng che mưa cho người canh giữ) nhô cao trên vườn tược, ruộng đồng và dùng những vật phát ra tiếng kêu lớn như mõ, thanh la, trống... để xua đuổi muôn thú. Những lúc nhàn rỗi, để giải khuây, người dân ở các chòi dùng ống tre bịt da ếch nối sợi chỉ hoặc sợi tơ giăng qua giữa các chòi để nói chuyện hoặc hát đối đáp với nhau bằng những câu ca dao, tục ngữ, hò, vè... từ chòi này sang chòi khác. Dần dần, mô hình này trở thành nếp sinh hoạt giải trí ở vùng nương rẫy.
Đến giai đoạn cụ Đào Duy Từ (1572 - 1634), rời Thanh Hóa lưu lạc khắp phương Nam, sau đó dừng chân ở vùng đất Hoài Nhơn - Bình Định. Ông đã sáng tạo mô hình sinh hoạt nương rẫy nơi đây thành trò chơi đánh bài trên chòi với những lá bài và lập thành hệ thống quy củ, từng bước phát triển thành hội đánh Bài chòi.
Hội đánh bài chòi ban đầu diễn ra ở vùng trung du. Dần dần đã lan ra khắp các vùng nông thôn, đồng bằng, miền biển. Nơi diễn ra hội đánh bài chòi thường là sân đình làng hoặc những khoảng đất rộng, bằng phẳng gần khu dân cư, thuận lợi cho mọi người đi dự hội. Hội đánh Bài chòi là loại hình diễn xướng dân gian không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa làng, được người dân miền Trung rất thích xem và nghe hát. Vì thế, không biết tự bao giờ, dân gian đã truyền tai nhau:
“Rủ nhau đi đánh Bài chòi
Để con nó khóc cho lòi rốn ra”
Khi mới hình thành Hội đánh bài chòi, một trò chơi còn đơn giản. Họ dựng những cái chòi tranh tre, những người chơi bài ngồi trên chòi, có người dưới đất hô tên những con bài gọi là người cầm cái. Chòi nào có những con bài trùng khớp với các con bài người cầm cái hô gọi là trúng, chòi nào trúng đủ 03 con bài gọi là tới một ván. Về sau những người cầm cái hô tên con bài trở thành những anh, chị hiệu.
Ở mỗi giai đoạn phát triển của Bài chòi gắn liền với sự tìm tòi, nghiên cứu và sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc, say mê của các anh, chị hiệu (các nghệ nhân trong các “gánh” hát Bài chòi) qua nhiều đời. Anh hiệu không chỉ là người phục dịch cho hội chơi như thu, phát, hô bài... mà còn là người có nhiệm vụ quản trò và điều khiển cuộc chơi sao cho sôi nổi và hấp dẫn, lôi cuốn khán giả đến xem và thưởng thức. Xuất phát từ nhu cầu đó đã thúc giục các anh hiệu sớm tìm cách nâng cao cách hô của mình. Đó là bước tiếp theo vay mượn những câu thơ lục bát trong ca dao, tục ngữ hay trong câu hát, câu hò nào đó có từ trùng tên với tên con bài (câu thai) anh đang cầm cho cuộc chơi thêm hấp hẫn, sôi động, người chơi hồi hộp chờ đợi. Cách dùng những câu thơ lục bát có mang ý nghĩa về cái tên con bài là một bước tiến rất đáng ghi nhận, tạo được không khí vui tươi, tập trung chú ý của mọi người phải theo dõi, phải dự đoán, hồi hộp trông chờ rất thú vị và hấp dẫn.
Anh chị Hiệu trong Hội Bài chòi
Như vậy, ban đầu, anh hiệu chỉ làm nhiệm vụ “hô”, dần dần anh hiệu đã đổi giọng hô bằng cách ngân nga những “câu thai” có tiếng khoan, tiếng nhặt, có thanh âm trầm bổng... đã sản sinh ra làn điệu Bài chòi, đánh dấu một cái mốc vô cùng quan trọng trong lịch sử Bài chòi.
Tiếp đến là quá trình hoàn chỉnh làn điệu Bài chòi với sự kiên trì tìm tòi, cải tiến, nâng cao hơn nữa nghệ thuật “hô” của các anh hiệu. Ngoài tự sáng tác, các anh hiệu kết hợp với nghệ thuật diễn xướng vốn đã thâm nhập vào Bài chòi từ làn điệu đầu tiên. Trên cơ sở làn điệu có sẵn, các anh hiệu đã sáng tác những câu bài có nội dung cụ thể hoặc tuyên truyền, giáo dục những điều hay lẽ phải, hoặc châm biếm, đả kích những thói hư tật xấu trong xã hội. Sự phát triển nội dung dẫn đến sự phát triển về hình thức. Nhờ những câu bài dài, có nội dung cụ thể mà cách hô của các anh hiệu cũng đã sáng tạo hơn, làm phong phú thêm giai điệu dẫn đến sự hoàn chỉnh về làn điệu, có mở đầu và kết thúc trọn vẹn. Mặt khác, cũng nhờ có nội dung cụ thể mà trong cách diễn đạt tình cảm, các anh hiệu đã áp dụng nghệ thuật diễn xướng vào Bài chòi, dẫn đến phát sinh tính kịch trong âm nhạc bài chòi, từ đó Bài chòi đã có mầm mống của nghệ thuật sân khấu.
Hoạt động vui chơi của hội Bài chòi ngày càng sôi nổi, phổ biến và thu hút người xem thì đội ngũ các anh hiệu cũng phát triển ngày càng nhiều. Đặc biệt là các anh “hiệu xã” (những nghệ nhân có tài nghệ điêu luyện) biểu diễn Bài chòi bằng các câu bài dài đối đáp, tranh luận hay các trích đoạn kể chuyện trích từ các chuyện dân gian Việt Nam hay truyện Tàu. Chính sự xuất hiện đông đảo tầng lớp các anh hiệu, nhất là hiệu xã và những người chơi cũng như xem hội là động lực thúc đẩy Bài chòi đi về khắp mọi nẻo quê phục vụ các tầng lớp nhân dân. Và đó cũng là nguyên nhân đưa Bài chòi phát triển vượt ra ngoài phạm vi hội chòi. Sự xuất hiện của tầng lớp hiệu xã đánh dấu cột mốc cho giai đoạn đưa Bài chòi hoạt động trên “Sân khấu trải chiếu”.
Lực lượng các anh hiệu ngày càng đông, tài nghệ ngày càng điêu luyện, đòi hỏi không gian hoạt động rộng rãi hơn trước, chứ không bó hẹp trong phạm vi của hội Bài chòi. Vì thế, các anh hiệu rủ nhau từng tốp đôi ba người lập thành “gánh” nhỏ để đi về các vùng thôn quê biểu diễn và được nhân dân hưởng ứng nhiệt thành.
Những vấn đề của cuộc sống hàng ngày như cái xấu, cái tốt, việc oán, việc ân, chuyện xưa, chuyện nay... được các nghệ nhân bài chòi phản ánh rất sinh động. Từ sự phong phú của nội dung đến việc tiếp xúc nhiều loại dân ca ở các địa phương, các nghệ nhân bài chòi đã chuyển hóa thành nhiều làn điệu và phát triển thành nhiều hình thức biểu diễn như: Bài chòi kể chuyện, bài chòi độc diễn, bài chòi lớp. Nếu ở giai đoạn trước đó mới nảy sinh có một làn điệu thì đến giai đoạn “sân khấu trải chiếu”, Bài chòi đã phát triển thành nhiều làn điệu: Xuân nữ, Xàng xê, Cổ bản và Hò Quảng...
Từ những năm 30 của thế kỷ XX với sự phát triển lan rộng của các gánh hát Cải lương, hát Bội ra mắt hát ở các trường hát đã ảnh hưởng, tác động đến Bài chòi dân gian thời bấy giờ. Vừa lo lắng cho bước đường kiếm kế sinh nhai lại vừa tủi hổ cho nghề nghiệp của mình vẫn còn lẹt đẹt dưới “sân khấu trải chiếu” nên các nghệ nhân Bài chòi mà đứng đầu là hai anh hiệu: cụ Phạm Đình Lang và thầy mình (Ba Hượt) đã mạnh dạn chủ trương đưa Bài chòi “từ đất lên giàn” (tức là “nâng cao” Bài chòi khỏi mặt đất) là một bước tiến mới của nghệ thuật Bài chòi. Đó thực sự là cái “giàn” lịch sử. Nếu Bài chòi trên “sân khấu trải chiếu” mới còn là sự manh nha của hình thức sân khấu thì sự kiện “từ đất lên giàn” cũng đã rất rõ nét, nghiêm túc và khoa học, làm tiền đề cho sự phát triển của nghệ thuật sân khấu Bài chòi sau này.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Bài chòi dần được xây dựng thành một bộ môn nghệ thuật ca kịch dân tộc hiện đại, tham gia tích cực vào việc động viên đồng bào, chiến sĩ, đả kích kẻ thù, ca ngợi những tấm gương đã góp phần vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Thực thi nội dung của Hiệp định Giơ - ne - vơ (1954), Đoàn Văn công Liên khu V tập kết ra Bắc. Trong bối cảnh lịch sử mới, nhờ phương hướng nghệ thuật của Đảng và sự quan tâm của Nhà nước, cuối năm 1956 Đoàn dân ca kịch Liên khu V được thành lập và biểu diễn vở ca kịch bài chòi “Thoại Khanh - Châu Tuấn” dài 5 màn. Sau đó, vở diễn này gây được tiếng vang lớn tại Hội diễn miền Bắc với giải A. Những năm tiếp theo, Đoàn dần hoàn thiện và xây dựng thêm các tiết mục tham dự Hội diễn toàn miền Bắc và đều đạt giải cao như: “Đội kịch chim chèo bẻo”, “Tiếng sấm Tây Nguyên”...
Từ năm 1965, Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn khốc liệt, cam go. Theo tiếng gọi của Đảng, Đoàn Ca kịch Liên khu V quay trở lại miền Nam hoạt động, phục vụ chiến sỹ, đồng bào dưới hình thức tổng hợp “Đoàn Văn công giải phóng Liên khu V”.
Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975), các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ đều tách bộ phận ca, múa, nhạc và thành lập mỗi tỉnh một Đoàn bài chòi chuyên nghiệp, các đoàn, đội bài chòi nghiệp dư ở các huyện, xã... và đi vào hoạt động đến nay.
Đứng trước những biến động lớn của lịch sử, đã có lúc nghệ thuật Bài chòi gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ bị mai một. Tuy nhiên, với đường lối lãnh đạo đúng đắn và kịp thời của Đảng, vào cuối năm 1990, nghệ thuật Bài chòi dần được phục hồi và đặc biệt từ năm 2010 trở lại đây, khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có chủ trương khôi phục Bài chòi thì loại hình nghệ thuật này đã nhanh chóng được vực dậy, nhân dân các tỉnh, thành ở Trung Bộ tổ chức hội chơi Bài chòi vào các dịp lễ tết, đầu xuân năm mới.
Trải qua những biến cố, thăng trầm cùng lịch sử dân tộc nhưng Bài chòi vẫn luôn được nhân dân nuôi dưỡng, phục vụ đời sống tinh thần của họ. Nó như một “sợi dây” vô hình neo giữ tâm hồn người Việt, vẫn bám trụ trong lòng nhân dân lao động nông thôn và như một mạch nguồn âm ỷ, chỉ chực bùng cháy, tuôn trào khắp mọi nẻo quê.
Mặc dù hiện nay, trong thời kỳ hội nhập, mở cửa các loại hình giải trí khác đang thịnh hành, có thể đến tận “đầu giường” của từng cá nhân nhưng người dân các tỉnh miền Trung vẫn không quên những giọng ca ngọt ngào, mùi mẫn và những làn điệu trữ tình, sâu lắng của dân ca Bài chòi. Bằng chứng là vùng Nam Trung Bộ vẫn có 03 Đoàn ca kịch Bài chòi chuyên nghiệp ở các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Khánh Hòa và hàng trăm hội diễn xướng Bài chòi dân gian ở khắp các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa liên tục hoạt động thu hút đông đảo người dân tham gia. Các dự án bảo tồn Hội đánh Bài chòi cổ dân gian đã được thực hiện thành công ở nhiều nơi trên dải đất miền Trung. Thêm vào đó là các đợt Liên hoan, Hội diễn, Cuộc thi Sân khấu dân ca kịch Bài chòi chuyên nghiệp toàn quốc được tổ chức đều đặn và duy trì đến nay. Điều đó cho thấy sức sống mãnh liệt và sức lan tỏa rộng khắp của bộ môn nghệ thuật này. Đặc biệt hơn là từ hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian địa phương, nghệ thuật Bài chòi đã lan tỏa khắp đất nước và vượt đại dương ra thế giới để trở thành tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Hy vọng, việc nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2017) sẽ tiếp thêm “động lực” để bộ môn nghệ thuật này duy trì sức sống vững bền trong dân gian cũng như có sức lan tỏa ra thế giới.
T.H