Bộ tượng quý hiếm tại Bảo tàng Văn hóa Phật giáo chùa Quán Thế Âm

01.06.2021
Trần Trung Sáng

Bộ tượng quý hiếm tại Bảo tàng Văn hóa Phật giáo chùa Quán Thế Âm

Hòa thượng Thích Huệ Vinh và nhóm tượng Phật bằng hợp kim trong sưu tạp của BTPG

Bảo tàng Văn hóa Phật giáo (BTVHPG) đầu tiên của Việt Nam (VN) được hình thành ngay trong khuôn viên chùa Quán Thế Âm (QTÂ) tọa lạc tại địa chỉ 48 Sư Vạn Hạnh, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng (ĐN). Bảo tàng được chính thức khánh thành và đón khách tham quan từ 24/12/2015. Hơn 500 hiện vật được sưu tập qua các đời sư trụ trì tại chùa QTÂ trong hơn 50 năm qua, gồm rất nhiều loại hình được chế tác từ nhiều chất liệu khác nhau, trong đó một số có niên đại lâu đời và quý hiếm.

Trong chuyến tham quan bảo tàng gần đây, chúng tôi được dịp trò chuyện cùng với người đã đưa ý tưởng thành lập Bảo tàng Văn hóa Phật giáo (BTVHPG), đồng thời cũng là trụ trì chùa QTÂ - Thượng tọa Thích Huệ Vinh. Khá nhiều mối nhân duyên thú vị gắn với sự ra đời của bảo tàng đã được thầy Huệ Vinh chia sẻ với chúng tôi.

Sự ra đời của Bảo tàng Văn hóa Phật giáo

Thầy Huệ Vinh tâm sự, “Như được trình bày trong lời giới thiệu của phòng trưng bày, BTVHPG tại chùa Quán Thế Âm - Ngũ giác đài Sen ngọc nằm trong quần thể danh thắng quốc gia Ngũ Hành Sơn của ĐN. Bộ sưu tập của bảo tàng được hình thành và liên tục bổ sung qua ba đời trụ trì, bao gồm nhiều hiện vật phản ảnh di sản văn hóa Phật giáo (VHPG) của VN và của châu Á, những hiện vật này mang tính phong phú về loại hình và đa dạng về phong cách nghệ thuật, có niên đại tập trung vào khoảng ba thế kỷ gần đây nhưng cũng có nhiều tác phẩm mang niên đại sớm hơn... Có được bộ sưu tập hiện vật và không gian trưng bày như hôm nay đối với chùa QTÂ như là một phép màu khi sự phát nguyện cầu xin được tôn tri nhiều vị Phật và Bồ tát trong mười phương, ba đời để trấn bảo Sơn môn và gìn giữ di sản VHPG cũng là di sản quý giá của dân tộc cho muôn đời sau.”

Đến thăm bảo tàng, du khách có dịp thưởng lãm những tôn tượng Phật, kinh thư và pháp khí... của VN cũng như Campuchia, Lào, Thái Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, v.v... Riêng về bộ sưu tập nghệ thuật VN, chúng phản ảnh được những đóng góp tích cực của đời sống VHPG đối với xã hội nước ta xưa và nay trên nhiều vùng đất và các thời kỳ khác nhau.

Theo lời thầy Huệ Vinh, trong một dịp tình cờ, một số nhà chuyên môn từ Hà Nội vào giám định các cổ vật tìm thấy trên các tàu đắm cổ vớt được ở khu vực miền Trung khoảng năm 2011. Tuy nhiên, chuyến công tác đó đã phải tạm hoãn vì biển động, một số thành viên trong đoàn như PGS. TS. Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), anh Hà Phước Mai nguyên là Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng (BTĐN) cùng nhiều nhà chuyên môn khác đã dừng chân tại ĐN lâu hơn dự kiến. Nhân dịp đó, anh Hà Phước Mai đã giới thiệu bộ sưu tập hiện vật văn hóa Phật giáo của chùa QTÂ với các nhà chuyên môn đến từ Hà Nội. Ngạc nhiên trước sự đa dạng và phong phú của bộ sưu tập mà chùa đang lưu giữ, các nhà chuyên môn trong đoàn đã gợi ý nên thành lập một BTVHPG đặt tại chùa với sự hỗ trợ chuyên môn của BTĐN. Hơn một năm sau đó, khoảng 500 hiện vật thuộc sưu tập đã được lập danh mục, thẩm định và tiến hành nghiên cứu sơ bộ với sự hỗ trợ của Hội đồng Giám định Cổ vật thuộc Bộ Văn hóa gồm TS. Phạm Quốc Quân, TS. Nguyễn Đình Chiến, phối hợp cùng BTĐN. Đến cuối năm 2014, BTVHPG đã được UBND Thành phố Đà Nẵng phê duyệt và chính thức mở cửa tại chùa Quán Thế Âm. Đây được xem là BTVHPG đầu tiên ở VN và là bảo tàng ngoài công lập thứ ba trên địa bàn Đà Nẵng.

Nhóm gồm tám tượng Phật mang phong cách nghệ thuật khác biệt

Theo thầy Huệ Vinh chia sẻ, tám bức tượng Phật này dường như khó tách rời để trưng bày riêng lẻ, bởi nó gây ấn tượng đối với người xem và hiếm thấy cho đến thời điểm hiện nay; tính chất độc đáo đó có thể ví như bảo vật quốc gia, và mỗi hiện vật đều có một cơ duyên và một câu chuyện thú vị kèm theo đó.

Nhiều nhà chuyên môn trong ngành bảo tàng khi tiếp cận với nhóm tượng này bày tỏ sự quan tâm đặc biệt bởi bên cạnh các đồ đất nung và đồ đồng đều bị tác động bởi khí hậu và môi trường tự nhiên, riêng tám bức tượng này hầu như ít bị tác động, dù tất cả đều được bảo quản trong cùng một kho và trong cùng thời điểm.

Từ khi có tám bức tượng này, tôi quan tâm hơn đến các bức tượng đồng được trưng bày ở những bảo tàng trong và ngoài nước tiêu biểu như Ấn Độ, Singapore, Campuchia, và Thái Lan... tôi muốn tìm hiểu xem phong cách nghệ thuật này đã từng được biết đến nhiều hay chưa. Tôi nhận thấy nhóm tượng này làm bằng đồng nên lâu ngày lên màu và trơn bóng như ngọc khi sờ vào.

Tôi đã tham khảo ý kiến của nhiều nhà chuyên môn, và hầu hết đều thừa nhận là chưa từng gặp loại chất liệu hợp kim như nhóm tượng này. “Qua tìm hiểu và cảm nhận của riêng tôi về nhóm tám tượng này, bằng nhãn quan thông thường dễ dàng nhận ra một tượng đức Phật với tay cầm tràng hạt; một vị cầm hoa sen; một vị cầm chày kim cang có thể thuộc về Kim cang thừa... do vậy có thể nhận định là đức Phật Thích ca Mâu ni, đức Phật A di đà, đức Phật Kim cang...”  Từ đó, tôi nghĩ rằng cần có sự kiểm chứng lịch sử một cách khoa học, chứ không nên hiểu biết qua cảm nhận đơn thuần của một tu sĩ. Theo nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương tám pho tượng này gồm có bốn vị Phật và bốn vị Bồ tát, nổi bật với ba vị được diễn tả trong tư thế tĩnh tọa. Một tượng thể hiện bồ tát nhân dạng nữ mặc váy dài; bốn pho tượng nam giới mặc khố ngắn. Cách diễn đạt hoa văn, tư thế các bàn tay thủ ấn rất chính xác, được chế tác rất kỹ càng từng chi tiết một, vì vậy khó để kết luận rằng đây là tượng giả cổ và cần phải nghiên cứu nhiều mới có thể hiểu hết nội dung, ý nghĩa lịch sử cũng như niên đại của nhóm tượng này. Tôi nghĩ rằng, đây là những tài sản rất quý, về các mặt tôn giáo, lịch sử, nghệ thuật không chỉ của BTVHPG mà còn ở Việt Nam... Rất hy vọng các cấp thẩm quyền sẽ quan tâm và giúp thẩm định giá trị lịch sử và nghệ thuật của nhóm tượng này, và tiến tới công nhận là bảo vật quốc gia nếu nhóm tượng hội đủ các tiêu chí theo quy định của nhà nước về Luật Di sản.

Nguồn gốc nhóm tám tượng Phật quý hiếm

Nhóm tượng Phật nói trên từng thuộc bộ sưu tập nghệ thuật của Linh mục Nguyễn Trường Thăng (1942-2018), LM Thăng đã từng tâm nguyện thành lập một bảo tàng tư nhân, nhưng có lẽ chưa đủ duyên... Vì vậy sau khi về hưu, LM Thăng đã có nhã ý muốn chuyển nhượng nhóm tượng này lại cho người có tâm và yêu quý nghệ thuật cổ. Thầy Huệ Vinh cho biết, “LM Thăng quả quyết nhóm tượng này do chính ông sưu tầm từ những giáo dân, và những tượng này không thuộc sưu tập của Nhà thờ Trà Kiệu.” Nhóm tượng này do vậy đã được thỉnh về chùa QTÂ nhờ nhân duyên này.

Thầy Huệ Vinh chia sẻ thêm, “Tôi từng gặp gỡ và quen thân với LM Nguyễn Trường Thăng, LM đã đề tặng tôi một bức tranh khảm xà cừ thể hiện cảnh vua nhà Nguyễn tế đàn Nam Giao, tuy rằng bức tranh được giữ gìn rất cẩn thận nhưng thủ bút của LM đặt ở phía sau bức tranh đã bị phai màu theo thời gian.”

Về xuất xứ nhóm tượng Phật, anh Trần Xuân - người từng sống gần gũi với LM Trường Thăng trong rất nhiều năm nhớ lại, “Nhóm tượng này được giáo dân Trà Kiệu giới thiệu cho cha Thăng và giúp ngài sưu tập trong thời gian ngài là quản xử ở Trà Kiệu. Sau đó, ngài chuyển về và lưu giữ tại nhà thờ Chánh tòa ở Đà Nẵng trong khoảng 15 năm. Cuối cùng, nhóm tượng này được ngài nhận lại đem theo về quê sau chuyến đi Pháp. Có thể nói bộ tượng này đã luôn bên cạnh cha Thăng trong suốt quãng thời gian phụng sự việc Chúa của ngài.”

Nhóm tượng Phật qua góc nhìn chuyên môn và lịch sử nghệ thuật

Để hiểu thêm về các vấn đề có liên quan đến nhóm tượng này, chúng tôi đã gặp nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương và được nghe ông bày tỏ một số ý kiến như sau: “Về mặt chuyên môn mà tôi quan tâm nhất chính là pho tượng nữ bồ tát duy nhất trong nhóm tượng Phật giáo này. Đây có thể là hình tượng của bồ tát Trí huệ Ba-la-mật (Prajnaparamita), bà là vị bồ tát rất nổi tiếng trong kinh điển Phật giáo Đại thừa Mật tông, là 'Mẹ của chư Phật', tượng trưng cho trí tuệ giải thoát. Theo truyền thuyết, bà được sinh ra từ kinh Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm kinh hay còn gọi là Tâm kinh. Hình tượng của bà xuất hiện lần đầu ở miền bắc Ấn Độ vào khoảng thế kỷ 5. Tại Đông Nam Á, tượng bồ tát Trí huệ Ba-la-mật được tôn thờ khá phổ biến từ thế kỷ 9 trở đi. Riêng tại Campuchia, vào thời Angkor, bà rất được hoàng gia Khmer sùng bái. Nhiều tác phẩm nghệ thuật thể hiện hình tượng bồ tát Trí huệ được chế tác vào thế kỷ 12-13 cũng là thời hưng thịnh nhất của đế chế Angkor. Ngoài ra trong nhóm tượng này còn có những tác phẩm tiêu biểu của nghệ thuật Phật giáo thuộc phái Mật tông Kim cương thừa như bồ tát Kim cương thủ, và các vị hộ thần bảo vệ vương quốc, v.v...”

Pho tượng Bồ tát Trí huệ Ba-la- mật, thuộc phong cách nghệ thuật Khmer Bayon thuộc thế kỷ 12-13, trong sưu tập của BTPG

Theo Trần Kỳ Phương, nếu nhóm tượng này được phát hiện tại Trà Kiệu thì có nhiều vấn đề về mặt lịch sử của vương quốc Champa cần được suy xét. Ông giải thích, chiến tranh giữa hai vương quốc là Champa và Khmer bắt đầu dưới triều vua Jaya Harivarman của Champa trị vì khoảng năm 1157, như đề cập đến trong một bi ký dựng tại nhóm tháp G ở Mỹ Sơn.

Năm 1177 quân đội Champa đã chiếm đóng thủ phủ Angkor trong khoảng 07 tháng, vương triều Khmer phục thù bằng cách tấn công cảng - thị Champa tại vùng Quảng Trị, đồng thời nhằm mục đích mở đường giao thương trực tiếp với vùng Hoa Nam, sau đó tiến chiếm đất Amaravati ở Quảng Nam và Vijaya ở Bình Định.

Từ năm 1190, quân đội Khmer đã thống trị Champa trong vòng 30 năm. Nhiều pho tượng bồ tát Quán Thế Âm bằng sa thạch của thời Angkor đã được phát hiện tại Cổ thành Quảng Trị và hiện trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, tại Trà Kiệu và quanh vùng Qui Nhơn. Vua Angkor đương thời là Jayavarman VII, thời trẻ đã từng được huấn luyện quân sự dưới triều vua Jaya Harivarman của Champa. Sau đó, chính ông đã tiến hành cuộc chinh phục Champa, và được xem là một vị vua anh hùng. Gần đây có ý kiến cho rằng mẹ của Jayavarman VII là một hoàng tộc Champa, ông cũng từng là một Phật tử thuần thành và đã cho xây dựng ngôi đền Angkor Bayon nổi tiếng vào cuối thế kỷ 12.

Vào đầu thế kỷ 20 người Pháp đã phát hiện tại Trà Kiệu một pho tượng bồ tát Quán Thế Âm tỏa quang (Radiant Lokesvara) có niên đại thế kỷ 12-13. Đây là hình tượng Quán Thế Âm đặc trưng của nghệ thuật Khmer được tìm thấy rất nhiều tại Campuchia cũng như Thái Lan. Hiện nay, pho tượng này đang được bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hà Nội. Năm 2019, TS. William Southworth và TKP đã công bố một nghiên cứu về pho tượng này trong mối quan hệ ngoại giao và văn hóa giữa Champa và Khmer vào cuối thế kỷ 12(1).

Vì vậy, việc phát hiện nhóm tượng đồng thuộc Phật giáo Mật tông của nghệ thuật Khmer tại Trà Kiệu có thể được xem là một sự kiện quan trọng trên lãnh vực nghiên cứu lịch sử cũng như nghệ thuật trong mối giao lưu giữa hai vương quốc cổ này.

Tượng Quán Thế Âm tỏa quang (Radiant Lokesvara) thuộc phong cách nghệ thuật Khmer Bayon thuộc thế kỷ 12-13, bằng sa thạch phát hiện tại Trà Kiệu vào đầu thế kỷ 20. Hiện bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hà Nội

Việc thẩm định tính nguyên bản của nhóm tượng là điều cần thiết nhằm phục vụ cho nghiên cứu sâu hơn. Cũng theo Trần Kỳ Phương, đã từng có nhiều trường hợp hình mẫu của các pho tượng quý được sao chép vào các thời kỳ sau để phục vụ việc thờ tự như đã từng diễn ra trong lịch sử nghệ thuật Đông Nam Á. Chẳng hạn, một pho tượng Phật bằng đồng được xác nhận chế tác vào thế kỷ 17 tuy nhiên đó là một phiên bản làm lại theo nguyên mẫu mang phong cách thời Angkor Bayon thuộc thế kỷ 13, bức tượng đang được thờ trong một ngôi chùa nổi tiếng ở Siem Reap, Campuchia. Nội dung này được trình bày chi tiết trong công trình nghiên cứu TS. Martin Porkinghorne và cộng sự thuộc Đại học Flinder ở Úc. Việc phát hiện này dựa vào xét nghiệm và phân tích hợp kim đúc tượng khác nhau giữa hai thế kỷ 13 và 17.

Vì thế, việc xét nghiệm khoa học để phân tích chất liệu cho những pho tượng Phật hiếm quý bằng hợp kim thuộc sưu tập của BTVHPG là cần thiết. Nhờ khoa học kỹ thuật hiện đại ngày nay, việc phân tích chất liệu trên các cổ vật sẽ hỗ trợ thêm thông tin cho việc xác định niên đại của tác phẩm nghệ thuật, nhất là nghệ thuật cổ, chính xác và rõ ràng hơn.

T.T.S